Ý nghĩa phim Xuân, Hạ, thu Đông rồi lại Xuân

GNO - Truyền thông thế giới hôm 11-12-2020 loan tin, Kim Ki Duk, đạo diễn Hàn Quốc nổi tiếng với nhiều phim đoạt giải thưởng lớn, đã qua đời vì biến chứng của Covid-19 tại Latvia.

Nhớ ông - đạo diễn của phim Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân (2003) - Giác Ngộ online đăng lại bài viết của nhà báo Diệu Kim, bình về bộ phim này. Bài đã đăng trên tuần báo Giác Ngộ trên 10 năm trước:

Ý nghĩa phim Xuân, Hạ, thu Đông rồi lại Xuân

Đạo diễn Kim Ki Duk - Ảnh: Imdb

Một lần nữa, phim truyện nhựa Hàn Quốc lại gây xôn xao dư luận Việt Nam với đề tài Phật giáo. Hai năm trước, phim Xin chào sư phụ chiếu cả tháng trời tại khắp các rạp TP.HCM, có rạp chiếu mỗi ngày 7, 8 suất. Bây giờ đến lượt Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân - tuy không ồn ào bằng nhưng lại sâu sắc hơn, và sang ra đĩa VCD lại bán nhiều hơn, bán khắp các tỉnh. Một tác phẩm mang đầy tư tưởng Phật giáo nhưng lại gần gũi với công chúng, được đón nhận dễ dàng, thế mới biết tài năng của người làm phim vượt qua mọi thử thách đề tài.

Tựa phim thôi cũng đã gây tò mò. Có một số bản dịch là Năm mùa, nhưng không đúng. Thật ra chỉ có bốn mùa nhưng chúng tuần hoàn trở lại. Và bốn mùa ấy đã trải qua cụ thể với một nhân vật chính là chú tiểu nhỏ, sau này lớn lên thành một vị Tăng.

Mùa xuân... mở ra một cái hồ tuyệt đẹp mờ sương khói, giữa hồ có một mái chùa nhỏ độc cư, thanh bình. Một nhà sư già sống cùng chú tiểu dễ thương. Chú theo thầy bơi thuyền qua bờ hái thuốc. Rồi nghịch ngợm bắt bướm, tắm suối, thật hồn nhiên. Nhưng rồi chú tiểu lại bắt con cá, con ếch và con rắn, cột viên đá vào người chúng để xem chúng lội lật ngang lật ngửa mà cười khanh khách. Sư phụ đứng phía sau thấy được, bèn nghĩ cách dạy chú. Ông cột viên đá vào lưng chú, bắt chú cảm nhận sự đau khổ y như chính tay mình gây ra cho những con vật kia. Và với viên đá trên lưng, chú khó nhọc leo trở lại dòng suối, tìm cho được ba con vật, chừng nào giải thoát cho chúng xong thì mình mới được sư phụ giải thoát. Nhưng những con vật đều chết hoặc mang thương tật. Chú khóc oà đau đớn.

Cảm nhận được rằng chú khóc không phải vì sợ thầy không mở viên đá ra cho mình, mà khóc vì tình thương thật sự với chúng sanh. Nếu như Mạnh Tử cho rằng Nhân chi sơ tánh bổn thiện, và Tuân Tử lại bảo Nhân chi sơ tánh bổn ác, thì Đức Phật toàn diện hơn khi nói trong con người có đủ chủng tử thiện ác. Chú tiểu làm ác một cách hồn nhiên, nhưng khi sư phụ khơi dậy cho chú cái thiện thì chú biết khóc vì lòng từ bi thương xót chúng sanh.

Cách dạy của người thầy thật hay, ông không hề la rầy, lý luận, ông chỉ cho chú tự cảm nhận đau khổ rồi suy ra đau khổ của người khác. Vâng, đôi khi có những thứ kinh nghiệm mà chỉ tự ta trải nghiệm ta mới chịu tin, chứ mọi lời khuyên bảo đều vô ích. Mùa xuân đã đến như thế, tuy trong trẻo, nhưng cái thiện cái ác đều đã tiềm ẩn đâu đó rồi. Chúng ta đầu thai xuống cõi này, là đã mang đủ 51 món tâm sở, để từ đó hợp với duyên mà chúng ta tạo nghiệp.

Nghiệp bắt đầu lẫy lừng, khi chú tiểu lớn lên thành vị Tăng trẻ dồi dào sức sống. Lúc này, bản năng trỗi dậy mạnh mẽ hơn hết, nóng rực, chói chang như cái nắng gay gắt của mùa hè. Và kéo theo bản năng là lòng tham muốn sở hữu, chiếm đoạt. Một cô gái đến chùa chữa bệnh, đã nảy sinh tình cảm với vị Tăng. Ái dục là cái muôn đời của kiếp nhân sinh, sư phụ hiểu như thế, nên ông không ngăn cản, mà biết rằng có cản cũng không được, nên im lặng giả vờ ngủ để cho vị tăng trẻ trốn đi theo tiếng gọi tình yêu.

Một lần nữa, ông để con người tự trải nghiệm, chứ mọi lý thuyết lúc này không có tác dụng. Đừng trách sư phụ sao không tìm biện pháp giúp đỡ học trò. Chúng sanh vốn cang cường, ngay lúc Đức Phật còn tại thế mà vẫn không hoá độ được hết. Người thượng căn thượng trí, tu hành nhiều kiếp, thì nghe qua đã giác ngộ. Còn đa số chúng sanh đi theo lối mòn, phải chịu khổ đau rồi mới ý thức được, mới chịu quay đầu. Bồ-tát sợ nhân, nhưng chúng sanh thì sợ quả, đôi khi phải để cái quả hiện ra rồi mới dễ khuyên tu.

Ở đây cần nói thêm, tình yêu với cô gái chỉ là điều tượng trưng, bởi người ta không chỉ ái dục với sắc, mà còn ái dục với tài, danh, thực, thùy nữa. Và có ái tất có thủ, hữu. Hoặc, có chấp ngã thì có ngã sở, như lời sư phụ nói: “Lòng tham đánh thức mong muốn được sở hữu, đó là nguồn gốc của cái ác”. Vị Tăng trẻ giết chết người yêu vì không sở hữu được cô ta, vì cô ta đi yêu người khác. Nghiệp gây ra, và có lệnh truy nã ráo riết...

Mùa thu, vị Tăng trẻ trở về trong hình hài một thanh niên phong trần, bất mãn, đau khổ, giận dữ. Anh vẫn chưa hiểu vì sao mình đau khổ, vẫn chưa nhìn ra lòng tham và ngã chấp của mình chính là nguồn gốc. Rồi anh ta tự tử, nhưng sư phụ phát hiện, đánh cho một trận tơi bời, và bắt anh dùng chính con dao giết người ấy khắc cho hết bản kinh ông vẽ trên sàn gỗ.

Đây là một cách “sám hối” chăng? Nhưng lòng anh vẫn hậm hực. Và khi hai người cảnh sát đến bắt thì anh chống cự dữ dội. Nhưng sư phụ đã điều đình với cảnh sát hãy để anh khắc nốt bản kinh rồi sáng mai hẵng bắt. Một đêm thôi, đủ thời gian cho anh bình tâm, thanh thản. Và cuối cùng anh bước đi không cần phải còng tay. Anh chấp nhận trả nghiệp, không hờn oán.

Vâng, gây nghiệp thì phải trả nghiệp, không chạy đi đâu được, nhưng khác chăng là thái độ trả nghiệp như thế nào. Một thái độ bình tĩnh, chấp nhận, sẽ làm con người dễ chịu hơn. Thậm chí, qua đó, người ta còn có thể cảm hoá được kẻ khác. Trong phim, hai viên cảnh sát đã đổi sang thông cảm vị Tăng trẻ, khi anh ta ngủ thiếp đi vì kiệt sức, họ đã cởi áo trìu mến đắp lên người anh. Và khi sư phụ pha màu, họ đã cùng giúp sức sơn hết bản kinh trên sàn gỗ. Vị Tăng trẻ thức dậy, thấy ánh sáng mặt trời soi trên bản kinh rực rỡ sắc màu. Lúc này lời Phật dạy mới thật đúng, thật đẹp, và lời ấy không chỉ một mình anh cảm nhận, mà cả người khác cũng cảm nhận, như hai viên cảnh sát kia. Quay đầu là bờ!

Ý nghĩa phim Xuân, Hạ, thu Đông rồi lại Xuân

Một cảnh trong phim Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân

Mùa đông, vị Tăng trẻ mãn hạn tù, trở thành một nhà sư trung niên, trở về chùa cũ. Sư phụ của ông đã viên tịch. Ông tìm được quyển sách luyện công, đem ra hạ thủ công phu. Ý chí tu hành mãnh liệt, không vướng bận lòng trần. Đến nỗi, khi một người đàn bà bế con trôi dạt vào chùa ngủ qua đêm, ông cũng không nhìn đến. Chi tiết tấm khăn che mặt của người đàn bà chỉ muốn nói lên rằng đối với ông tất cả đã là “không”, nhìn đó nhưng không thấy, không biết, không bận tâm.

Nhưng, để đi đến bến bờ giải thoát thì vẫn còn là con đường chông gai gian khổ. Hình ảnh nhà sư vất vả trèo lên đỉnh núi, tay ôm tượng Phật mà chân thì phải kéo lê một viên đá to nặng. Có lúc ông vấp ngã, có lúc ông đánh rơi tượng Phật, phải khó nhọc trở lại nhặt lấy. Thì vậy, giác ngộ là một chuyện, còn giải thoát là một chuyện, đòi hỏi người ta phải vượt qua biết bao trở ngại, mà trở ngại chính là cái nghiệp của mình. Có thân là có nghiệp, như kinh Bát Đại Nhân Giác đã dạy “tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu”. Trên đường đến giải thoát ta phải kéo lê khối nghiệp như kéo viên đá to nặng kia, cái khối nghiệp tích tụ từ bao đời bao kiếp đâu dễ vứt bỏ ngày một ngày hai. Có lúc ta vấp ngã, có lúc đánh mất Bồ-đề tâm như nhà sư đánh rơi tượng Phật. Nhưng nếu quyết chí vượt qua thì cuối cùng ta cũng sẽ như nhà sư, lên tận đỉnh núi trang trọng đặt tượng Phật giữa mênh mông vũ trụ, đối diện chơn tâm rạng rỡ như ánh mặt trời.

Trở lại cảnh chùa, đứa bé của người phụ nữ bỏ rơi giờ trở thành chú tiểu y như chú tiểu ngày xưa. Cũng hồn nhiên bắt bướm, hái hoa, cũng hồn nhiên cột đá vào con rắn, con ếch... Mùa xuân lại về đó thôi... Và hình dung chú sẽ lớn lên thành chàng trai như thế, sẽ yêu thương, đau khổ như thế, sẽ gây nghiệp, trả nghiệp, rồi ăn năn, tu hành, giải thoát... Bốn mùa lần lượt trôi qua. Kiếp nhân sinh dường như không hề khác. Mỗi con người đều trải qua bốn mùa, đều đi trên cùng một con đường đau khổ và giác ngộ. Lặp lại, và dường như mãi mãi...

Kim Ki Duk, sinh năm 1960, là vị đạo diễn nổi tiếng của Hàn Quốc và thế giới. Ông là đạo diễn Hàn Quốc duy nhất nhận được cả ba giải thưởng danh giá về phim ảnh là Cannes, Venice và Berlin.

Kim Ki Duk từng giành giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venice năm 2012 với Pieta cũng với một kịch bản căng não và nhiều hình ảnh, thông điệp… chỉ dành cho khán giả trưởng thành. Ngoài ra, ông còn giải Gấu bạc với Samaritan Girl và giải Un Certain Regard tại Liên hoan phim Cannes 2011 với Arirang.

Các tác phẩm của ông đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi. Kim Ki Duk nổi tiếng với khán giả Việt Nam qua tác phẩm Xuân, hạ, thu, đông rồi lại xuân (2003). Đây cũng là bộ phim nằm trong danh sách The Great Movies của nhà phê bình phim Roger Ebert.

"Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân" thấm đẫm triết lý nhân sinh, khác lạ so với phong cách thường thấy của Kim Ki Duk và xứng đáng được liệt vào hàng kiệt tác điện ảnh.

Ý nghĩa phim Xuân, Hạ, thu Đông rồi lại Xuân

Năm 2003, Kim Ki Duk ra mắt Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân sau bảy năm xuất hiện trong nền điện ảnh Hàn Quốc đương đại và tám tựa phim - phần lớn vẽ nên những bức chân dung méo mó vì cuồng nộ, bạo lực và tình dục.

Tác phẩm thứ 9 của vị đạo diễn tài danh mang đến một sắc màu, và không khí hoàn toàn đối lập với những xô lệch, đổ vỡ của Cá sấu (1996), Tiểu đảo (2000) hay Kẻ cướp trái tim (2001).

Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân xoay quanh cuộc đời lặng lẽ của một nhà sư và cậu học trò dưới mái chùa cổ. Ngôi chùa dựng lên giữa hồ nước trong vắt giữa rừng già, chỉ có độc hai hình bóng đi về. Mỗi lần cửa chùa mở ra đón khách, nó cũng để lọt vào bên trong không gian an tĩnh ấy biết bao nỗi khổ đau chốn hồng trần.

Tờ The New York Times của Mỹ từng ví Xuân, hạ, thu, đông... rồi lại xuân là một bộ phim đáng xem nhất của điện ảnh Hàn Quốc, và có lẽ, cũng là một bộ phim dịu dàng, triết lý nhân sinh sâu sắc, đáng xem nhất của chính Kim Ki Duk.

Bài học đầu đời là bài học về sự ăn năn

Như đã báo trước từ tên gọi, phim chia thành năm phần, tương ứng với sự vận động của thiên nhiên và đời người. Xuân tới hạ, hạ sang thu, thu chuyển đông, rồi mùa xuân quay về cũng như đời người sau sinh, lão, bệnh, tử lại đầu thai chuyển kiếp vào một mầm sống mới ra đời.

Ý nghĩa phim Xuân, Hạ, thu Đông rồi lại Xuân

Bài học đầu đời mà người thầy giảng cho cậu trò nhỏ là gánh nặng của sự ăn năn.

Trong mùa xuân đầu tiên, cậu trò nhỏ (Kim Jong Ho) và chú chó cưng ngày ngày nô đùa vui vẻ, lên núi hái rau, tìm thảo mộc. Cuộc sống cứ thế yên ả trôi đi, cho tới một ngày, bên bờ suối, đứa trẻ, với trí tò mò không gì cản nổi, đã phạm tội ác đầu tiên trong cuộc đời.

Cậu buộc đá cuội vào một con cá, một con cóc và một con rắn rồi thích thú nhìn chúng quằn quại trong đau đớn. Đêm đó, cậu thức giấc, nhận ra sau lưng mình đã buộc chặt một tảng đá to, nặng từ lúc nào. Nhờ thế, cậu thấu hiểu nỗi đau của cá, cóc và rắn khi bị hành hạ rồi tìm cách giải thoát cho chúng.

Nhưng chỉ ếch còn thoi thóp. Rắn và cá đã chết. Bên bờ nước, cậu òa khóc. Những giọt nước mắt thơ trẻ trôi đi, nhưng lời của vị sư già (Oh Young Soo) thì găm sâu vào trái tim cậu. Nếu một trong những con vật ấy chết, cậu sẽ phải mang hòn đá mình buộc lên lưng chúng trong tim suốt cuộc đời. Từ ngày hôm nay, mang theo bài học về sự ăn năn, cậu đã không còn ngây thơ.

Tam tự kinh viết: “Nhân chi sơ / Tính bản thiện / Tính tương cận / Tập tương viễn”, ngụ ý bản tính con người sinh ra vốn tốt đẹp, xấu tốt sau này đều do giáo dục và môi trường sống tác động mà thành.

Trong mùa xuân đầu tiên của Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân, nếu không có lối giáo dục “trực quan” của vị sư già - để cậu bé tự nếm trải nỗi đau mình đã gây ra - thì biết đâu, mầm mống cái ác vừa cựa quậy trong tâm nó sẽ nảy mầm, lớn lên thành cỏ dại. Thằng bé sẽ lớn lên mà tự cho bản thân cái quyền chà đạp kẻ yếu, hay phớt lờ nỗi thống khổ của những thân phận xung quanh.

Tha thứ cho người, cũng là tự tha thứ cho mình

Xuân qua, hè tới... Cậu bé năm xưa đã ở tuổi thiếu niên (Seo Jae Kyung). Cùng lúc, một cô gái xin tới sống ở chùa để dưỡng bệnh. Mùa hè của trời đất, cũng là mùa chúng sinh rạo rực kết đôi. Cô gái đang ở tuổi mơn mởn xuân thì đã khơi dậy những ham muốn bản năng nơi chàng thiếu niên. Rồi, bởi không quên được ái tình, sắc dục, cậu học trò đã bỏ chùa theo cô.

Anh bỏ lại phía sau ngôi chùa, vị sư đã nuôi mình từ tấm bé và cả những lời ông răn dạy. Sự ra đi ấy, giống như cái hạt muốn lớn thành cây phải rời xa thân cành đã sinh ra nó, như lớp thanh niên bỏ quê ra đi để kiếm tìm tương lai tốt đẹp hơn, dường như đã là quy luật.

Ý nghĩa phim Xuân, Hạ, thu Đông rồi lại Xuân

Chương mùa hạ trong Xuân, hạ, thu, đông... lại xuân là hành trình khám phá nhục dục, trước khi biết đến tình yêu, của nhân vật người học trò.

Tới một mùa thu, cậu trở về. Chàng trai trẻ trung, căng tràn nhựa sống năm nào đã trở thành gã đàn ông bị cuộc đời mặc sức quăng quật, bóp nặn. Không những thế, gã còn đang bị truy nã.

Giống như cánh cửa gỗ của ngôi chùa, luôn rộng mở với khách dừng chân, bất kể thứ họ mang đến là hung hay cát, vị sư già lại dang tay đón gã đàn ông lầm lỡ. Một lần nữa, những gì ông đúc kết vào mùa hè năm ấy, “Nhục dục sinh ham muốn chiếm hữu, ham muốn chiếm hữu dẫn tới sát nhân”, lại vận vào cuộc đời người học trò.

Đau đớn, hổ thẹn, cùng quẫn trong ngày trở về, gã đàn ông toan tìm đến cái chết để giải thoát. Một lần nữa, vị sư già lại vào vai người thầy. Ông dùng đuôi mèo làm bút, chấm mực, viết Bát nhã tâm kinh lên sàn gỗ của mái hiên chùa rồi yêu cầu người học trò khắc theo những con chữ ấy. Ông dạy, mỗi nét khắc sẽ đẽo bỏ một phần sự cuồng nộ đeo bám trái tim anh ta.

Nếu trong mùa xuân đầu tiên, người thầy dạy cậu trò nhỏ bài học về sự ăn năn - thông qua hình ảnh hòn đá găm trong lòng - thì giờ ông dạy anh cách vứt bỏ một phần gánh nặng ấy.

Người đàn ông quỳ xuống, khắc từng con chữ Bát nhã tâm kinh mà thầy mình viết ra bằng mực đen trên hiên chùa. Anh đang xóa bỏ những vết nhơ quá khứ, thay thế nó bằng lời Tâm kinh dạy người ta sám hối ác nghiệp. Tha thứ cho người, cũng là tự tha thứ cho chính mình.

Tuần hoàn trời đất và vòng luân chuyển đời người

Mùa thu năm ấy, sau khi người học trò đã sám hối và để cảnh sát dẫn đi, vị sư già viên tịch. Nhiều năm qua đi, người học trò trở lại ngôi chùa cũ sau khi mãn hạn tù. Giờ anh đã ở tuổi trung niên (Kim Ki Duk).

Trong lòng con thuyền cũ, nơi anh và cô gái trẻ từng có cuộc truy hoan, người đàn ông tìm thấy di cốt của thầy mình. Anh an táng ông, rồi bắt đầu cuộc đời tu tập dưới mái chùa cũ tiêu điều.

Sau bao sóng gió cuộc đời, người đàn ông tìm về nương náu trong những giá trị mình từng một thời chối bỏ - sự sám hối, kỷ luật, và cuộc sống tĩnh tại xa lánh hồng trần. Một sự khai sáng không quá muộn màng, nhưng phải đánh đổi bằng quá nửa cuộc đời lầm lỡ và đôi tay đã nhúng chàm.

Ý nghĩa phim Xuân, Hạ, thu Đông rồi lại Xuân

Đi hết nửa cuộc đời, người đàn ông tìm về với những giá trị mà thầy mình theo đuổi.

Cánh cửa gỗ của ngôi chùa cũ, ngỡ sẽ không bao giờ mở ra, lại chào đón một vị khách lạ. Đó là người phụ nữ ôm theo đứa bé sơ sinh. Cô trao đứa bé cho người đàn ông, với niềm tin kỳ lạ, rằng nó sẽ được ông chăm sóc chu đáo. Trong đêm ấy, khi tìm cách rời đi trong im lặng, cô trượt ngã trên lớp băng phủ mặt hồ, rơi xuống nước và chết. Không ai biết, cũng chẳng ai hay.

Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân khép lại trong ánh sáng của một mùa xuân mới. Chú bé mồ côi mẹ năm xưa giờ vào tuổi hiếu động, ham khám phá. Người học trò năm xưa giờ đã trở thành thầy, nhận trách nhiệm dìu dắt mầm non ấy.

Bên mép nước, chú bé lại bày trò tra tấn một con rùa, giống như những gì thầy mình đã làm năm nào. Mầm mống cái ác lại manh nha xuất hiện, như một phần tất yếu của biểu hiện tính người, dự báo một vòng lặp sự kiện mới.

Trong Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân, thiền định và sự giác ngộ biến mọi hỷ, nộ, ai, lạc của đời người thành hư vô. Yếu tố bạo lực và sự bi quan thường thấy trong các tác phẩm trước đó của Kim Ki Duk cũng hoàn toàn vắng bóng.

Ông gắn nhịp vận động vô hạn của đất trời với đời người hữu hạn, để rồi mỗi cuộc đời hữu hạn ấy lại trở thành mắt xích trong chuỗi không đầu cuối mang tên nhân loại. Xuân, hạ, thu, đông… lại xuân ngập tràn những hình ảnh về vòng lặp vĩnh hằng của sự sống.

Cây cỏ ra lá, đơm hoa, tàn úa theo nhịp điệu của mùa, con người sinh ra, lớn lên, vấp ngã, chiêm nghiệm, đúc kết và trao truyền thành quả tri thức ấy cho thế hệ cháu con.

Đó không nhất thiết phải là sự nối dài về mặt sinh học, khi ta sinh ra đời những đứa trẻ mang một phần mã di truyền của mình. Nó nên là sự trao truyền và kế thừa nhân sinh quan, thế giới quan, hệ tư tưởng cũng như tấm lòng vị tha và sự bao dung tha thứ, từ thầy sang trò, từ tiền nhân tới hậu bối, từ kẻ đã trả giá cho sai lầm tới người mới bước chân vào đời với tấm lòng giấy mới.