Baài hát lâu đài tình ái ca sĩ cẩm ly là ai?

Đọc các bài cùng chuỗi, xin click vào đây.

Chào các bạn,

Hôm nay mình giới thiệu đến các bạn thi khúc “Lâu Đài Tình Ái” của Thi sĩ Mai Trung TĩnhNhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Thi sĩ Mai Trung Tĩnh tên thật là Nguyễn Thiệu Hùng, còn có bút danh khác là Hương Giang, sinh năm 1937 tại Hà Nội.

Ông làm thơ rất sớm, từ đầu thập niên 1950 lúc còn học trung học ở Hà Nội, có thơ đăng báo từ năm 1953. Năm 1954 ông di cư vào Nam, trở thành một trong những cây viết năng nổ nhất của phong trào thơ tự do, thường có thơ đăng trên tạp chí Sáng Tạo của nhà văn Mai Thảo.

Sau khi tốt nghiệp trường Đại Học Sư phạm Sài Gòn với bằng cử nhân Anh văn, ông về dạy học ở trường Cao Thắng được một thời gian thì bị động viên vào quân ngũ. Ông theo học ngành chiến tranh chính trị tại trường võ bị Thủ Đức rồi về làm phụ tá cho thi sĩ Nhất Tuấn tại đài Tiếng Nói Quân Đội cho đến tháng 4 năm 1975.

Thi sĩ Mai Trung Tĩnh thời trẻ.

Sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975 ông bị đi tù cải tạo hai lần trong hơn một thập kỷ. Sau khi ra tù, năm 1995 ông di cư sang Hoa Kỳ theo diện HO rồi sống cùng gia đình tại thành phố Annapolis thuộc tiểu bang Maryland cho đến khi qua đời vì bệnh u não vào ngày 20 tháng 2 năm 2002 tại bệnh viện ở Baltimore.

Tác phẩm đã xuất bản:

• 40 bài thơ [in chung với Vương Ðức Lệ, Bông Lau xuất bản, Sài Gòn 1960] • Ngoài vườn địa đàng [thơ, 1962] • Những bài thơ xuôi [1969]

• Thơ Mai Trung Tĩnh [2001, xuất bản tại Hoa Kỳ]

Giải thưởng: Giải nhì đồng hạng Giải Thưởng Văn Chương Toàn Quốc, Việt Nam Cộng hòa, 1960. [Theo Trang thơ Mai Trung Tĩnh-thica.net]

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh [12 tháng 6 năm 1942 – 13 tháng 5 năm 2005] là một trong những nhạc sĩ Việt Nam nổi tiếng nhất giai đoạn trước 1975. Một số bút hiệu khác của ông là Anh Chương [tên con trai ông], Trần Thiện Thanh Toàn [em trai ông, đã tử trận], Thanh Trân Trần Thị. Ông còn là ca sĩ với nghệ danh Nhật Trường và được xem như là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng [“tứ trụ nhạc vàng”], ba người còn lại là: Hùng Cường, Duy Khánh, Chế Linh.

Trần Thiện Thanh sinh năm 1942 tại Phan Thiết. Ông đến Sài Gòn năm 1958, sau khi học xong thì làm giáo viên trung học. Sau đó, ông tốt nghiệp trường Hạ sĩ Quan năm 1965, phục vụ tại Cục Tâm Lý Chiến Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cho đến cuối tháng 4 năm 1975. Ông cũng làm việc tại Ðài Phát Thanh và Truyền Hình Quân Ðội, từng là Trưởng ban văn nghệ của đài và sau năm 1968 còn phụ trách thêm chương trình phóng sự chiến trường.

Đầu thập niên 1960, Nhật Trường lập ban Tứ Ca Nhật Trường gồm ông và 3 nữ ca sĩ: Như Thủy [em gái của ông], Vân Quỳnh và Diễm Chi [“nữ hoàng” của phong trào du ca chuyên hát nhạc Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Miên Đức Thắng, Bùi Công Thuấn]. Ngoài ra, ông còn điều hành trung tâm phát hành nhạc và thu băng tên là “Tiếng Hát Đôi Mươi”.

Trong những năm cuối thập niên 1960, Hùng Cường, Chế Linh và Nhật Trường thường mặc quân phục lên sân khấu để hát nhạc lính. Ông hoạt động rất nhiều với các đài phát thanh VTVN và Đài Truyền Hình Việt Nam thời đó. Trong các phim kịch với đề tài người lính, Nhật Trường hay diễn chung với ca sĩ Thanh Lan.

Đầu thập niên 1970, ông thực hiện một số nhạc cảnh về Đại úy Nguyễn Văn Đương trong đó ông đóng vai người lính còn Thanh Lan đóng vai người vợ hậu phương Nguyễn Thị Lệ. Đây là một tiết mục thu hút nhiều khán giả xem TV thời kỳ đó và loạt nhạc cảnh này đã được chuyển thành phim với tên “Trên Đỉnh Mùa Đông”.

Sau 1975, ông nằm trong danh sách những nghệ sĩ bị nhà nước đương thời cấm hoạt động. Năm 1984, Trần Thiện Thanh được phép hoạt động lại. Nhưng ông từ chối làm việc dưới chế độ mới mặc dù ông vẫn soạn nhạc.

Năm 1993, ông di cư sang Hoa Kỳ theo diện đoàn tụ gia đình, ODP. Sau một thời gian sống tại Mỹ thì ông kết hôn với nữ ca sĩ Mỹ Lan.

Tại Mỹ ông lập hãng đĩa riêng “Nhật Trường Productions” và đồng thời cộng tác với Trung Tâm Asia, Trung Tâm Làng Văn, Mây Productions, Hoàn Mỹ Productions…

Hai chủ đề lớn trong sáng tác của Trần Thiện Thanh là tình yêu và tình lính. Ông sáng tác nhiều nhạc về lính, nhưng nhạc lính của ông không có thù hận, gay gắt, kích động hoặc u uất, bi thảm mà thường là trong sáng vui tươi làm thi vị hóa và lãng mạn hóa đời lính gian khổ.

Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh qua đời ngày 13 tháng 5 năm 2005 tại nhà riêng ở thành phố Westminster, Quận Cam do bệnh ung thư phổi.

Thi khúc “Lâu Đài Tình Ái” [Thi sĩ Mai Trung Tĩnh và Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh]

Anh sẽ vì em làm thơ tình ái. Anh sẽ gom mây kết hình lâu đài. Đợi chờ một đêm trăng nào tới, đợi chiều vàng hôn lên làn tóc, đợi một lần không gian đổi mới,

đón hai đứa chúng ta mà thôi…

Tinh tú trời cao thành vương miện sáng. Khai lễ đăng quan vũ trụ chong đèn. Hoàng hậu về cao sang quyền quý, đẹp nụ cười quân vương vừa ý, và lâu đài mang tên Tình Ái

đón hai đứa chúng ta mà thôi…

Em ơi lâu đài tình ái đó chắc không có trên trần gian, Anh đưa em vào bằng tiếng hát chắp đôi cánh nhung thiên thần. Em ơi lâu đài tình ái đó sáng trong ánh tinh cầu xa cho nên cho dù nghìn năm qua,

còn vấn vương đôi hồn hoa.

Anh kết lầu hoa bằng thơ tình ái, cho mắt em xanh đến tận muôn đời. Chuyện tình mình chưa nghe lừa dối, lời hẹn đầu chưa đi vào tối, thì lâu đài mang tên Tình Ái,

đón hai đứa chúng ta mà thôi…

Dưới đây mình có các bài:

– Thơ Mai Trung Tĩnh, những hồi chuông gióng giả về một chân trời khác. – Đọc Thơ MAI TRUNG TĨNH [trích] – Nhớ Về Trần Thiện Thanh

– Trần Thiện Thanh và Tuổi Trẻ VN – Suy nghĩ của một du học sinh Việt Nam

Cùng với 6 clips tổng hợp thi khúc “Lâu Đài Tình Ái” do các ca sĩ trong nước và hải ngoại diễn xướng để các bạn tiện việc tham khảo và thưởng thức.

Mời các bạn,

Túy Phượng

[Theo Wikipedia]

Thơ Mai Trung Tĩnh, những hồi chuông gióng giả về một chân trời khác

[Du Tử Lê]

Sinh hoạt văn học, nghệ thuật miền Nam, 20 năm có nhiều hiện tượng khá đặc thù. Bên cạnh hiện tượng có những nhà thơ được nhiều người biết tới, nhờ họ có một số bài thơ được phổ nhạc. Một hiện tượng khác là có những nhà thơ làm thơ rất ít, tên tuổi họ không phổ cập trong đám đông, nhưng lại được văn giới chú ý.

Điển hình cho trường này là nhà thơ Mai Trung Tĩnh. [1]

Nhà thơ Mai Trung Tĩnh được trao giải thưởng văn chương toàn quốc, bộ môn thơ rất sớm. Năm 1961. Nhưng không vì thế mà tên tuổi quen thuộc với quần chúng.

Về giải thưởng văn chương toàn quốc ở thời điểm vừa kể, nhà thơ Thanh Tâm Tuyền được mời vào ban giám khảo, đại diện cho khuynh hướng thơ tự do bắt đầu bước vào giai đoạn nở rộ, cho biết: Ở thời điểm ấy, số lượng thi phẩm xuất bản khá ít ỏi. Hầu hết là những thi phẩm sáng tác theo khuynh hướng thơ vần điệu. Và, năm đó, cũng không có một thi phẩm nào được ban giám khảo đánh giá là nổi bật. Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền nhân dịp này, đã đề nghị ban giám khảo trao giải thưởng thi ca hạng nhì [không có hạng nhất,] cho nhà thơ Mai Trung Tĩnh — Người có thơ những bài thơ xuôi đầu tiên, đăng trên tạp chí Sáng Tạo.

Ngặt nỗi khi ấy, nhà thơ Mai Trung Tĩnh chưa có một thi phẩm riêng nào xuất bản, ngoàii tập “Bốn mươi bài thơ” — Gồm 20 bài thơ xuôi của Mai Trung Tĩnh và, 20 bài thơ vần điệu của nhà thơ Vương Đức Lệ. [2] Cuối cùng, ban giám khảo cũng đồng ý đề nghị trao giải nhì cho thi phẩm ấy.

Sau này, nhà văn Mai Thảo, ở hải ngoại, đôi lần trong những buổi họp mặt văn nghệ, khi đề cập tới Mai Trung Tĩnh, ông cũng kể lại sự việc, cùng một nội dung, như nhà thơ Thanh Tâm Tuyền.

Căn bản, như đã nói, nhà thơ Mai Trung Tĩnh làm thơ rất ít. Chẳng những ông đã ít giao du với anh em trong văn giới mà, ông cũng ít liên hệ với những người đứng đầu các tạp chí thuần túy văn học, nghệ thuật.

Vì thế, sau khi tạp chí Sáng Tạo bộ mới đình bản, văn giới không còn cơ hội đọc thơ ông. Phải tới cuối thập niên 1960, đầu thập niên 1970, những người yêu thơ ông, thỉnh thoảng mới được đọc thơ Mai Trung Tĩnh, trên tạp chí Văn, ở Saigịn.

Trong buổi giới thiệu thi phẩm “Thơ Mai Trung Tĩnh” do nhà Tiếng Quê Hương xuất bản tại Hoa Kỳ, 2001, trong bài nói chuyện của mình về thơ Mai Trung Tĩnh, nhà báo Phạm Trần cho biết, Mai Trung Tĩnh làm thơ từ năm 15 tuổi và, có thơ đăng báo từ năm 1953.

Sau giai đoạn dạy tại trường trung học Kỹ Thuật Saigòn, là giai đoạn Mai Trung Tĩnh [tên thật Nguyễn Thiệu Hùng] bị động viên vào trường Bộ Binh Thủ Đức, khóa 16. Ra trường, ơng được chọn về cục Tâm Lý Chiến, phục vụ tại đài phát thanh Quân Đội.

Tại nơi làm việc lâu dài này, Mai Trung Tĩnh viết lời cho một ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh; ca khúc “Lâu Đài Tình Ái”.

Dẫu chỉ là người đặt lời, căn bản không phải là bài thơ, nhưng với những ca từ như:

“Anh sẽ vì em làm thơ tình ái. Anh sẽ gom mây kết hình lâu đài. Đợi chờ một đêm trăng nào tới, đợi chiều vàng hơn lên làn tóc, đợi một lần không gian đổi mới,

đón hai đứa chúng ta mà thôi…

“Tinh tú trời cao thành vương miện sáng. Khai lễ đăng quan vũ trụ chong đèn. Hoàng hậu về cao sang quyền quý, đẹp nụ cười quân vương vừa ý, và lâu đài mang tên Tình Ái

đón hai đứa chúng ta mà thôi…”

Đủ khiến một vài anh em đùa rằng, đó là “con tư sinh” hay, “đứa con ngoài hôn thú” thi ca của ông.

Với cá nhân tôi, tôi cho rằng Mai Trung Tĩnh thực sự tìm đến thi ca khoảng cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, như đi tìm những hồi chuông gióng giả tử sinh, song hành cùng những hồi chuông tình yêu, tuổi trẻ.

Nhưng giữa bầu khí un khói buồn nôn giả tạo, phô trương những cật vấn Thượng đế, làm dáng, lềnh bềnh trong dòng sinh hoạt văn chương Saigòn thuở ấy, thì Mai Trung Tĩnh là một trong những người đã tách, thoát khỏi biển sóng ngầu đục thời thượng ấy.

Thơ ông, là một nhánh sông khác. Biệt lập. Tự nó, ngân nga những xác tín đi ra từ tâm thức. Tự nó, chấp chới nắng, mưa đời thường, ghi nhận từ một góc độ riêng. Góc độ Mai Trung Tĩnh:

“Buổi sáng anh trở dậy ra lan can nhìn xuống đường anh nhìn cuộc đời dưới ấy không khí trong lành đất trời cỏ cây chim chóc và tiếng nói của người vào châu thành tâm hồn anh đã ngủ giữa đám đông ồn ào con ngựa khỏe lành gõ móng nhịp đều – buổi mai người thợ rảo chân trong gió sớm mỗi ngã tư như hội học trò chào! tương lai như gần gũi buổi sáng anh trở dậy ra lan can nhìn xuống đường để quên mình úp mặt khóc đêm qua.”

[Trích “Buổi sáng”]

Mình ên, như định mệnh. Thơ Mai Trung Tĩnh mang theo những hồi chuông gióng giả, về một chân trời khác. Thơ Mai Trung Tĩnh, như thế, hiểu theo một nghĩa nào đó, đã là những nhát rìu, nhát cuốc, cực lực khẩn hoang cánh rừng sự sống bị văn chương đương thời, quên lãng:

“Tôi khoác áo ra đi tay với đầu tiên vào mộng ngọc gió rời rợi mát long lanh nhẹ bồng tênh chân bước vào mệt nhọc mồ hôi ướt vừa khô trong chốc lát đây vạn thuở xây thành? tôi chào thế giới vừa lên xanh buồn tim ngàn lối ngỏ suối đời cuộn sóng trôi nhanh huyết mạch chảy trong người ngoài phố bây giờ mới thỏa gặp các anh tay giao chưa, đã gặp lòng cười vơi chưa mời đã tiếp áo cơm bao quản đàn nào phải giục lên cung vạn cửa mở toang mừng cuộc sống”…

[Trích “Mộng ngọc”]

Và:

“Cuộc đời đâu phải chỉ là một chuỗi đòn hành hạ tự mình. Người ta không thể tự phá phách căn nhà tâm hồn rồi ném tội lên đầu kẻ khác đã tiêu hủy mình.”
[Trích “Dựng”]

Như đã nói, dù lên đường về với thi ca, như một lên đường kiếm tìm cho mình một định mệnh khác. Một định mệnh [cũng] gióng giả những hồi chuông tin yêu sự sống, song sinh cùng hồi chuông tình yêu đôi lứa, thanh niên. Nhưng, không gian khoẻ mạnh nhát rìu xác tín đầu nguồn của đất trời thơ Mai Trung Tĩnh, muốn hay không, cuối cùng, cũng đã bị tai ương chập trùng, phút cuối:

“Bỗng dưng vẳng tiếng não lòng tai nghe tàu gọi mà không thấy tàu”…

[Trích “Trong trại cải tạo nghe tiếng còi tàu hỏa”]

Mặc dù, sâu kín, một nơi chốn nào đó, trong tâm thức thi sĩ, sau dập dồn vùi dập, Mai Trung Tĩnh vẫn thủy chung với niềm xác tín ban đầu của mình, rằng:

“Vẫn mây trời như thế nắng vẫn như thế gió và mưa như thế”…

[Trích “Như thế”]

Ông vẫn mình ên. Như định mệnh. Như hồi chuông khác. Gióng giả thi ca.

Có dễ, chính sự tách, thoát, để làm thành một lên đường riêng, lẻ, nên tiếng thơ Mai Trung Tĩnh / Nguyễn Thiệu Hùng trên lộ trình khai khẩn thi ca miền Nam, hai mươi năm, đã là tiếng thơ cô, tịch. Mọi đồng vọng, từ tiếng thơ họ Nguyễn này, nếu có, chỉ là những vọng âm tự thân, như chiếc bóng của cõi thơ cô, tịch kia.

Và, do đó, theo tôi, mức độ lớn lao của thơ Mai Trung Tĩnh / Nguyễn Thiệu Hùng, đã / lại nằm nơi cốt lõi của chính niềm cô, tịch nọ.

[Du Tử Lê – 4/2010]

Chú thích:

[1] Nhà thơ Mai Trung Tĩnh / Nguyễn Thiệu Hùng, sinh năm 1937 tại Hà Nội; cựu học sinh trường trung học Chu Văn An. Tốt nghiệp cử nhân giáo khoa Triết Tây, và cử nhân Văn Chương, tại Đại học Văn Khoa Saìgon. Sau nhiều năm tù cải tạo, ông và gia đình định cư tại Hoa Kỳ theo diện HO, tháng 6 năm 1995. Ông từ trần ngày 20 tháng 2 năm 2002, tại Virginia, để lại 4 thi phẩm đã được ấn hành.

[2] Nhà thơ Vương Đức Lệ tên thật Lê Đức Vượng, sinh năm 1937 tại Hà Đông. Ông có 8 thi phẩm được xuất bản trong và ngoàii Việt Nam. Họ Lê từ trần ngày 20 tháng 1 năm 2008, tại Virginia.

Hình Mai Trung Tĩnh in trên bản nhạc xuất bản năm 1971.

Đọc Thơ MAI TRUNG TĨNH [trích]

[Lê Văn Phúc]

Mai Trung Tĩnh ít đề cập đến tình yêu và nếu có nhắc đến thì anh cũng có những ngôn ngữ riêng để diễn tả một cách kín đáo nhưng cũng rất gợi tình.

Chúng ta hãy nghe nhà thơ nói về một cuộc tình trong quá khứ với đầy ắp những đam mê ẩn hiện, rung động, có bóng dáng hạnh phúc trong đau khổ, có kỷ niệm chắt chiu trong tơi tả rã rời…

Dĩ vãng của tình yêu

Tấm vải đã nâng niu cất kỹ giờ giởû ra quanh mình mà ngắm Đây chỗ vẫn thơm hương hạnh ngộ vì khi xưa tôi đổ hết cả nhiệt tình Đây chỗ bợt phai vì em cầm do dự Đây chỗ còn in nét hình tôi bởi hồn tôi ghi trọn xuống Đây chỗ ố tì loang lổ vì em đã điềm nhiên bỏ phơi cho ngày tháng táp tiêu dần Đây chỗ vẫn mềm mại y nguyên tôi hôn lean độ ấy

Và thôi, đây chỗ rách sờn tơi tả em em vò nát đang tay

Tấm vải gỡ rồi không cuộn lại Tôi buông xuôi như thể một dòng sông bất hạnh tách nguồn tuôn chảy đi Như trên địa cầu tôi ló mặt ra ánh sáng Là một lần tôi phô diễn mãi xác thân tôi

Đến ngày cuối

Như đã bao phen tôi vấp ngã Những vết thương sau cùng mọc da non Tôi sẽ bình phục rồi tôi sống

Để giáp mặt người như mặt tôi.

Nói về thơ xuôi Mai Trung Tĩnh, Cao Thế Dung nhận xét như sau:

…Về thơ xuôi, Mai Trung Tĩnh đã đoạt được nghệ thuật khá vững vàng khi đi sâu vào thế giới cùng thẳm của vô thức và tiềm thức. Ông diễn đạt ở thơ xuôi thành công hơn, như “Tôi di động”, “Trong bóng hoàng hôn”, “Ám ảnh”… Vì khi đi vào vô thức hay tiềm thức là phải chấp nhận những hỗn loạn mặc khải [désordre révélateur] dù có lý, vô lý hay phi lý… mà muốn diễn đạt trọn vẹn thì nguồn thi hứng phải đi theo chiều tự động diễn tả [écriture automatique] bởi nó thoát ra khỏi sự kiểm nhận của lý trí và chính vì thế nên Mai Trung Tĩnh có thể tìm ở thơ xuôi những đắc địa…Thơ xuôi là một thể văn sung mãn và thích hợp với bản chất tâm hồn và ý thức của ông. [Cao Thế Dung – Thi Ca và Thi Nhân, 1969]

Nhà thơ Hoàng Song Liêm khi nói về bạn mình cũng bầy tỏ những cảm nghĩ tương tự. Anh nhận xét là Mai Trung Tĩnh sáng tác không nhiều nhưng tên tuổi vẫn được người yêu thơ cảm mến. Thơ anh thiên về trí tuệ hơn là về cảm xúc:

Mai Trung Tĩnh sáng tác thơ không nhiều, đa số là thơ tự do và thơ xuôi. Tuy nhiên, tên tuổi anh vẫn được người yêu thơ cảm mến. Những cuốn sách biên khảo, nhận định về thơ Việt hậu bán thế kỷ Hai Mươi, người viết thường nhắc đến anh một cách trân trọng. Thơ anh mang tính nhân bản thiên về trí tuệ hơn là cảm xúc…

Bài thơ xuôi sau đây là một bài thơ tiêu biểu cho nếp suy tư của Mai Trung tĩnh.

Bằng ví von đời mình qua hình ảnh những chiếc nan hoa trong bánh xe quay không nghỉ, lăn mãi đời trên những hướng không tên. Và rồi em xuất hiện như một thiên thần cứu rỗi đời anh, cho anh uống mật hoa tình ái ngọt ngào. Anh che dấu mình trong tóc em. Rồi anh lại như con ngựa trong trường đua nằm kiệt quệ,

lê những móng già nua trên lối mòn. Chung quanh bủa vây đầy bóng tối.

Đây cũng là một trong những bài thơ xuôi Mai Trung Tĩnh đắc ý nhất.

Những hồi trong tiền kiếp

1
Trong cơn mê muội đời tôi, tôi xáo trộn hồn mình tìm chút lạ.Nhưng đã bao kỳ biến dạng thay mầu, tôi vẫn nguyên như vòng bánh xe từng ấy chiếc nan hoa.

Vòng bánh xe quay mãi quay nhanh không gì khác đổi, tôi lăn mãi đời tôi trên những hướng không tên.

2
Tiếng nói cất hóa thành câu xúc phạm nên nhịp cười cũng ra giọng thề hoen khả ố. Tôi kinh hoàng lẩn vè khu tĩnh lặng, dõi nhìn tôi thăm thẳm bốc cô đơn.

3
Em xuất hiện như vùng sáng lạ. Từ nơi mờ tối cảnh trần gian ở đó anh du luu gần tuyệt vọng, anh nhìn em như một cứu tinh. Anh quăng bỏ những phụ tùng lượm lặt trong quãng ngày vong lạc, chạy xô về dang tay ngã vào không tiếc. Ở môi em anh uống mật hoa thần xoa dịu chútt cằn khô. Anh trốn trên ngực em đôi trái buồn đại lục khi đất đai lở lói, trời kia từng lúc nứt nẻ căng.

Chỗ dung thân trên ngọn đồi em anh thu mình trườn ghé. Bằng tóc em anh che dấu anh trong thời gian.

4
Buỗi chiều Phú Thọ buồn như một ngả nghĩa trang. Hôm nay cảnh trường đua nằm kiệt quệ. Bãi cỏ ngửa phơi mặc gió chiều quạt thổi, tơi bời điêu đứng như sau cuộc tranh tài nơi đấu trường cổ La Hy.

Tôi, vó câu hai tuổi giờ nghe gân móng sắp hư hao vì những kỳ đua nước đại. Tôi đi từng bước chậm lắng dò dư vang của bao ngày nô nức, nhưng tiếng hò la cổ võ và giọng hí thỏa thuê chìm đâu tìm đâu mất để mình tôi nâng chiếc móng già nua gõ nặng nề trên lối cũ cho thanh âm rời rạc gợi nhớ cảnh xưa kia.

Tôi hốt hoảng, xôn xao rồi thấm mệt. Quay lại nhìn, bóng tối đã dâng cao.

Qua mấy bài thơ tự do và thơ xuôi vừa dẫn, hẳn bạn cũng đã có nhận xét như Cao Thế Dung:

Thơ Mai Trung Tĩnh đã có những ý tứ mới lạ và một thi điệu đầy nhạc tính…không những nắm được kỹ thuật mà từ điệu cũng vững chắc, cách diễn đạt tuy có vẻ “pha” mà vẫn thơ vẫn lạ…

…Mai Trung Tĩnh còn có một đặc điểm đáng kể nhất, ông làm thơ mà như người kể chuyện. Thơ của ông hầu hết là những bài tán thán cái Tôi của mình. Cái Tôi thoát ra khỏi cuộc đời nhìn vào sự sống rồi tách ra sự sống để nhìn vào châu thân. Cái Tôi ấy nhuốm mầu bi ai tuy không ruồng rẫy thực tại nhưng vẫn khắc khoải vì bị thực tại xâu xé. Cái Tôi tù nhân của cuộc đời vẫn cố vươn lên cho thật cao để tự giải phóng nhưng rồi thực tế cái Tôi vẫn là một chìm đắm trong mênh mông của ảo tưởng, ý thức, đam mê và chán nản.[Thi Ca và Thi Nhân, 1969]

Trong tạp chí Văn số 52, tháng 4/2001, Nguyễn Xuân Hoàng gợi cho chúng ta một khía cạnh khác của nhà thơ. Đây là một con người “bằng xương bằng thịt”, đeo lon Chuẩn Úy, bụng bự, kính cận dầy cộm, nụ cười hiền, tiềm ẩn thông minh:

…Nhưng nhắc đến Mai Trung Tĩnh đâu phải chỉ chỉ là nhắc đến sự lãng mạn…Trong trí nhớ của Nguyên Vũ, Mai Trung Tĩnh…chuẩn úy Nguyễn Thiệu Hùng…vào mùa xuân năm 1965, là một người cao lớn, “giây nịt bụng quá khổ, và cặp kính cận dầy”, “nụ cười hiền ấm áp nhưng vẫn tiềm ẩn sự thông minh, bén nhậy mà ông thường muốn che dấu”. Nguyên Vũ viết: “Lệnh động viên đã mang vào quân đội những phần tử không nên có mặt trong chiến cuộc”. Và anh ví von Mai Trung Tĩnh, qua thơ ông, “là hình dáng một anh chàng khổng lồ đứng dưới chân núi, lăn những tảng đá xanh ra vần lên những triền núi dốc ngược của sự ngu dốt rực rỡ và những điêu ngoa hào nhoáng”.

Thêm một bài thơ xuôi nữa Mai Trung Tĩnh thường đọc cho bạn nghe khi ở quân trường Thủ Đức.

Có khi anh ví mình như chiếc bánh xe nhiều nan hoa quay cuồng trong một trục, khi như lão ăn mày lê gót giữa công viên, khi như kẻ mất hồn phiêu bạt bơ vơ một phương trời vô định…

Lại có khi anh nghĩ mình là con ngựa ở trường đua, khi ngỡ mình là chiếc lá vàng khô héo rụng, khi tưởng mình là con thuyền không bánh lái, khi coi mình như con mồi hay như con muỗi trong nghiên son cuộc đời…

Và đây, Mai Trung Tĩnh trong hình ảnh của một con cuốc:

“Tôi, con cuốc mùa hạ đứng kêu gào tiếng khản, lưỡi cũng giộp khô cong và mắt đỏ trông tìm. Bấy nhiêu lần tôi thảm thiết than van tưởng kiếm được giang sơn tôi đã mất, nhưng hạ lại sắp tàn – ôi nhanh chóng! – cho thu đông lùa giá rét ở trong không. Tôi rời rã ngày đêm tưởng tiếc cảnh nước xưa huy hoàng tráng lệ. Đôi cánh tôi đã nhiễm mỏi gió thời gian, vầng trán phẳng phiu giờ khắc nhận vệt già nua đe dọa. Trời xanh mây trắng vẫn trời xanh. Chán nản bao vây, tôi hờ hững ngó quanh nghe rền vang tiếng bọn ve sầu la thỏa thích. Tôi chợt buồn nghĩ rồi ra có giữ mãi được hè chăng. Chiều đốt lửa ở chân trời như khởi sự cuộc hỏa thiêu thành quách. Đứng im nhìn thêm nặng nỗi phiền đau tủi hận, tôi điềm nhiên nâng mình bay nốt quãng đời tôi.

Trong buổi ra mắt tập thơ Mai Trung Tĩnh ở vùng DC, Phạm Trần có một nhận xét khá độc đáo khi nói về Mai Trung Tĩnh.

Phạm Trần nhận thấy trong thơ, Mai Trung Tĩnh ít khi nào nhắc đến đời sống, sinh hoạt, kỷ niệm trong quân ngũ, mặc dầu anh là một quân nhân.

Thì đây, hình bóng hiếm hoi về bạn bè cùng chung chiến tuyến được nhà thơ gợi lại, bắt gặp trong bài:

Gió Đêm

Đèn chợt sáng gió vừa chợt lạnh. Một ngày nữa đời anh nghiêng cánh vỗ đi xong. Sao anh vẫn kiên gan xuôi ngược trên đường như đón đợi ai bên lùm cây ngoài góc phố. Không, anh chẳng chờ ai, anh chẳng rước đưa ai. Anh chỉ kéo hồn anh lang thang cho đậm đà thêm số kiếp. Giữa khoảng xanh đỏ sáng lay chớp chới, gió bụi loãng từng không, anh phô diễn một linh hồn phiêu du buồn vơ vẩn. Đêm nay anh sẽ gặp em ở đâu? Có phải ở vũ trường nơi thanh âm cuồng loạn cùng chất rượu đam mê nhiệm mầu sẽ bừng tê giác quan anh. Trong phút miên man biếng nhác, trên môi anh em chuốc chút đe dọa ngọt ngào, trên tay em anh dốc từng trận sầu đổ xuống. Hay anh sẽ phải gặp em nơi quãng vắng âm thầm ở đó anh sợ hồn anh bỗng nhiên thức dậy, nghe bốn bề vang dội tiếng hư vô. Anh thảng thốt từ bỏ em anh lẩn trốn, mặc em não nùng bé nhỏ, đứng nhìn anh biến dạng mất như bay.

Không, không, anh biết mình anh rước lấy anh thôi. Bạn bè xa vắng cả. Tiếng súng đêm làm anh nhớ vô cùng. Khải đã đi không một lời từ biệt. Tạo ngã ở Đồng Xoài thân nát nhàu trong hố, Vũ bay hoài như cánh chim yêu trời yêu mây hơn đất liền. Ôi chiến cuộc vọng trong anh từng giờ từng phút như anh vẫn hỏi thăm anh mỗi sáng trưa chiều tối khuya sang hoặc mỗi độ ưu phiền gieo ủ dột: Mày phải làm chi để lấp được vũng sâu kia nó đào sâu xoáy mãi trong hồn như vực thẳm trùng dương đời đời hiểm trở. Và anh, chiếc bách trôi dòng định mệnh nên ẩn chìm điêu đứng biết bao phen.

Cuộc dạ hành giờ đã mỏi. Anh muốn sống nhiều thêm, sống nữa, sống nhanh hết một đời chẳng kịp khi nào còn tưởng tiếc than van.

Nhưng sương thấm đậu trên vai mềm lá cỏ. Đêm trần gian dường sắp vãn, anh lạnh thu mình rảo gót trong những căn nhà ngủ lặng im lìm như những nấm mồ hoang.

Đôi lúc tôi tự hỏi: Không biết có phải vì Mai Trung Tĩnh hấp thụ một nền triết học tây phương nên nếp suy tư của anh cũng ngả theo chiều hướng ấy. Những ưu tư về con người được trải rộng suốt chiều dài thân phận. Những khắc khoải, muộn phiền về cuộc đời được ghi rõ nét trong những vần thơ. Không thấy bài thơ nào mang âm hưởng của hạnh phúc, của niềm tin, của niềm vui cho dù chỉ là vui trong giây lát.

Có phải vì nhà thơ sinh ra và lớn lên trong khi đất nước chiến tranh, đạn bom vây bủa? Có phải vì anh nhìn theo khía cạnh triết lý tây phương, thấy nhiều nghịch cảnh nghiệt ngã của đời sống hơn là theo lối nhìn đông phương bình thản, dửng dưng trước thế sự thăng trầm ?

Bài sau chót trong “Ngoài Vườn Địa Đàng & Những Bài thơ Xuôi” tôi chọn sau đây, coi như một thông điệp của nhà thơ gửi cho tình yêu, cho quê hương và cho chính mình.

Bài thơ viết những ngày cuối năm

Cho tình yêu

Buổi chiều anh đi trên những con đường rộng rãi ngày xưa tuổi trẻ cùng bóng đêm và hương tóc em bay ngọt ngào. Chưa bao giờ anh yêu em như những ngày chán chường hiện tại. Vốn biết tình yêu độc dược, anh vẫn cắn vào cho hoa lá nở xum xuê trên thân anh loài cây có dư ba mươi năm mọc ở trần gian. Anh tự nhủ thôi hãy quên hết, quên cả những mỏi mệt đang lặng lờ trong huyết quản để yêu em như tuổi mười lăm, mười bảy. Giữa những xôn xao náo động của thế kỷ đang hóa thân bằng sức đẩy, anh bước ngập ngừng với đôi chân biết đi lần thứ nhất, đến bên em nghe hồn cỏ cây thức dậy và hơi thởû em run như nắng mỏng tơ trời. Anh ngả xuống vai em bậc thềm của phế tích Cận Đông chỉ còn bụi phủ thời gian yên nghỉ. Anh bảo em hãy ngủ như loài thảo mộc kia trong cơn địa chấn bàng hoàng. Trên con đường hành hương vô vọng của hồn anh, em bỗng nhiên rực rỡ như mặc khải dịu huyền, réo gọi anh trong ơn thánh sủng.

Anh nằm im nghe chân lý hiện đằng xa.

Cho quê hương

Có phải mảnh đất ấy đã thừa phân bón dù chẳng người cấy cầy sớm tối. Và vườn tược ruộng đồng quê hương một sớm nào thành hí trường rộn rã kẻ vào ra. Anh, gã mục đồng từ thuở nằm nôi đã nghe hoài tiếng nghé, lớn lên chẳng còn trâu để cưỡi, nghêu ngao đợi gió trăng lên. Anh sầu đau hỏi mình là nông dân hay người thành thị, bởi tự bao giờ anh chẳng sống được nơi nao. Khoảng trời xanh của diều bay hy vọng nuôi lớn đời anh, giờ cũng lung lay trong tiếng gào nổ của phi tuần phản lực. Anh hỏi mẹ cha người đã ngã gục trong đêm, những người anh người em đi mãi chẳng về. Trên dấu tích thuở thiếu thời mộng mị, anh hãi hùng cuồng chạy mất như điên. Anh thét vang lời tra hỏi nghẹn ngào, chỉ tiếng đạn bom rơi chập chùng vọng lại. Thôi, ta hãy ngồi xuống góc đình kia, trôn ra mảnh ao ấy ngày xưa.

Nhưng sao mặt nước im lìm như vải liệm và buổi chiều cũng lạnh lẽo hơi tử khí chiến trường. Anh đợi tiếng chuông ngân để biết ngày đã hết, chuông đã bặt từ lâu, chỉ còn đám lửa bốc ở chân mây vừa nhắc anh giờ khởi sự thanh toán bạo tàn. Anh biết về đâu về đâu đêm nay trên quê hương?

Cho mình

Bao kiêu hãnh phù du một đời mang ảo vọng, tôi đã nhìn tôi qua bóng lớn của hang sâu. Những khát khao mê đắm vỡ bờ, những tri thức từ giảng đường đại học, tôi muốn bỏ lại bên đường để lòng tôi nhẹ nhõm thênh thang. Đừng ràng buộc đừng tiếp thu để hồn mình như phiến thạch cổ sơ không tì vết. Những mảnh vụn tri thức của ta ơi, các ngươi có hội tụ cho thành đá tảng để ta vần xoay mở lối cho nhân loại lên đường, ta chỉ xin cho được một nẻo về thong thả. Ta vừa nghe tiếng hót một loài chim, tiếng hót đơn sơ như chân lý mở phơi tràn đầy dản dị. Chiều nay, trong cơn gió bụi mịt mờ, tôi muốn làm người khách đăng trình không lý lịch, chỉ mang thuần trái tim mình như giấy thông hành đi suốt chặng trần gian. Nào những mảnh vụn tri thức đang rơi rụng, sao các ngươi chẳng bao giờ tụ thành đá tảng để ta đừng chông chênh trên hố thẳm mênh mông. Kìa chim hót rồi chim bay, ta vẫn chỉ là ta còn lại như ánh nắng tàn một ngày hiu quạnh.

Mai Trung Tĩnh làm thơ từ thuở thiếu thời, năm 1953 [16 tuổi] đã gửi những bài thơ đầu tay với bút hiệu Hương Giang cho tuần báo Quê Hương tại Hà-Nội, do nhà thơ Hà Bỉnh Trung làm chủ nhiệm.

Nhà thơ Hà Bỉnh Trung không cho biết thêm chi tiết, là Hương Giang gửi đến tòa soạn những bài thơ làm theo thể điệu nào?

Theo thiển ý thì lúc đầu nhà thơ trẻ làm những bài thơ theo đường lối cổ điển như lục bát, ngũ ngôn, thất ngôn, thơ 8 chữ…

Khi đã nắm vững được niêm luật rồi, nhà thơ – nếu muốn – mới dám chuyển sang thơ tự do, là một thể thơ rất khó. Nó đòi hỏi người thơ không những phải thành thạo, tinh thông về niêm luật mà còn phải có nhiều chất xám, tức là phải có óc sáng tạo manh mẽ, ghi được những hình ảnh nổi bật hay tương phản, tạo được những âm điệu nhịp nhàng hoặc du dương, quyện vào lời thơ, quấn lấy nhau trong dòng suy tưởng.

Sang đến thơ xuôi thì lại càng khó hơn, nó đòi hỏi những điều kiện như trên mà lại còn kén khách thưởng ngoạn nữa. Vừa là thể thơ mới mẻ, vừa là thể thơ còn xa lạ với quần chúng nên người nghiên cứu thơ xuôi và hiểu thơ xuôi chẳng có được bao nhiêu. Nhờ báo chí, đặc san văn học nghệ thuật mà dần dà chúng ta làm quen với thơ tự do, thơ xuôi, dù rất chậm chạp.

Và người làm thơ, không phải ai cũng có cái khả năng và sở thích như thế để tạo được những vần thơ tự do hay thơ xuôi đầy cảm xúc.

Lại nữa, làm thơ theo lối cổ điển thì nếu viết thiếu chữ, viết lạc vần là bạn đọc nhận ra ngay. Nhưng nói đến thơ xuôi thì lại khác. Thơ xuôi sáng tác theo từng đoạn, từng nhóm chữ. Người đọc phải đọc hết đoạn, hết nhóm đó mới nắm được cái ý chính của nhà thơ muốn nói gì.

Thơ xuôi cũng không câu nệ vào số câu, không phải tuân theo niêm luật, muốn diễn tả ra sao thì viết, miễn sao truyền đạt được những gì muốn nói với người đọc.

Tùy trình độ thưởng thức mà người đọc có nhận định thấp cao, tùy tâm trạng mà người đọc thấm thía, cảm thông cùng tác giả.

Do đó, trong một bài thơ xuôi, nhà in sắp thiếu một hai câu hoặc lầm một hai chữ cũng ít ai nhận ra hoặc bắt bẻ phải như thế này thế nọ !!!

Đọc đến đây, chắc cũng có một số độc giả thốt lên:

À! Thế này thì mình cũng sắp trở thành một nhà thơ tự do và thơ xuôi rồi đây!

Đúng vậy đó, bạn ơi! Ở xứ này, giấy bút rẻ rề, ấn loát cũng dễ ợt. Có chút tiền là có tác phẩm liền à! Còn hay dở ra sao hậu xét.

Tôi nhớ đến Mai Thảo.

Hồi còn sống, trong một buổi ngồi uống rượu với bạn bè, khi bàn đến thế nào là nhà văn, nhà thơ, Mai Thảo đã nói đại ý rằng:

Muốn được gọi là nhà văn, nhà thơ, phải hội đủ 3 điều kiện:

Trước tiên phải được độc giả công nhận. Thứ đến, phải được giới văn nghệ sĩ công nhận. Ba nữa là, phải được văn học sử công nhận.

Nhiều người làm văn, làm thơ in cả chục cuốn nhưng độc giả không gọi họ là nhà văn, nhà thơ. Vì văn mà viết chưa thành câu, chưa biết chấm câu, ý tưởng tối mò; còn thơ thì chưa học qua niêm luật, rỗng tuếch, khả năng chưa vượt khỏi “Vè”…

Thế mà vẫn có nhiều người vỗ ngực tự nhận mình là nhà văn, nhà thơ có tác phẩm trình làng.

Phải nói là họ đã uống cả chục thang thuốc liều mới đúng!

Nói về cuộc sống riêng tư của anh, bạn bè đều nhận thấy là Mai Trung Tĩnh ít giao du nếu không muốn nói là kén bạn.

Người bạn chí thiết, cùng đoạt giải thơ với anh cho biết thêm về con người Mai Trung Tĩnh.

Vương Đức Lệ viết:

Có người cho anh là quả giao nhưng Mai Trung Tĩnh là một trong những bạn văn nghệ thân nhất của tôi từ gần 50 năm nay. Chúng tôi cùng tuổi, cùng học một lớp chuyên khoa [ban C] Trung Học Chu Văn An rồi Đại Học Văn Khoa Saigon. Tôi với anh in chung thơ, viết chung sách, diễn thuyết chung, viết báo chung, làm việc cùng ngành truyền thông và giáo dục, cùng trình diện nhập ngũ sĩ quan trừ bị Thủ Đức khóa 16, và cùng đi tù rồi sang Mỹ định cư ở Maryland, Virginia. Bạn bè thường gọi chúng tôi là cặp bài trùng. Tôi với anh đầy ắp những kỷ niệm. Tĩnh là người bạn đáng mến. Anh rất nể bạn. Đôi khi anh cũng thích tranh luận nhưng thường không cố gắng bảo lưu ý kiến của mình. Tranh luận đến hồi gay cấn, e bạn phiền lòng hay mất lòng, Tĩnh thường buông một câu quen thuộc có tính cam chịu ”thì đã đành” để chấm dứt câu chuyện.

Đối với tôi, Mai Trung Tĩnh là một người hiền, không muốn làm phiền ai và ngược lại.

Kể cũng sòng phẳng và đáng quý.

Qua mấy hàng tâm sự của Vương Đức Lệ, bạn đọc cũng cảm nhận được cái tình tri ngộ của hai người bạn cùng chung chí hướng.

Nhưng có điều hơi khác, là bây giờ Vương Đức Lệ vẫn còn miệt mài với nghiệp thơ văn, sinh hoạt với bằng hữu, sáng tác mạnh mẽ thì Mai Trung Tĩnh không còn được “Yên tĩnh trong rừng mai” để viết thơ tự do, thơ xuôi nũa mà đang cô đơn trên giường bệnh tại một “Nursing home” vùng Maryland…

Nói về tình bạn trong giới thơ, đã có vài cặp được mệnh danh là cặp bài trùng, như: Huy Cận – Xuân Diệu hay Đinh Hùng – Vũ Hoàng Chương.

Tôi nhìn hai bạn tôi hơi khác. Tôi thấy họ cùng lứa tuổi, chơi với nhau thân thiết từ thuở học trò, viết văn viết báo dạy học làm thơ rất gần gũi. Họ chia sẻ với nhau những kinh nghiệm buồn vui, những âu lo khắc khoải, những ưu tư về cuộc đời. Họ cùng chung chí hướng, đồng hành, và quý mến nhau.

Tôi muốn gọi họ là cặp tri kỷ. Nhưng không biết khi một kẻ khuất nẻo đường trần rồi thì người tri kỷ kia có bẻ bút đốt thơ, ngủ vùi tìm trong quên lãng?

***

Phần thứ ba của tập thơ, gồm 9 bài làm từ năm 1975 đến năm 1995, mỗi bài đều ghi thời gian sáng tác. Gồm: 1 bài tự do, 3 bài lục bát và 5 bài thơ 7 chữ.

Khi miền Nam rơi vào tay Cộng sản, nhà thơ nhìn thế sự, ngậm ngùi đau xót. Bởi vì thắng hay bại nào cũng đau thương trong vòng lịch sử cuồng xoay. Và cuộc tương tranh nào cũng làm nát lòng nhân thế.

Đây là cái nhìn đất nước thăng trầm dưới mắt một nhà thơ:

Dưới mắt nhìn thi sĩ

Lịch sử xoay quanh một trận cuồng Kẻ thua người được cũng tang thương Riêng ta, dưới mắt nhìn thi sĩ Giữa cuộc tương tranh nát cả lòng!

[Sài-Gòn 1/5/1975]

Không bao lâu sau, Mai Trung Tĩnh bị đi cải tạo, hết trong Nam lại ra ngoài Bắc.

Ở trong Nam, bỗng dưng một hôm anh nghe vẳng tiếng còi tàu, gợi trong anh nỗi xôn xao đón gọi, niềm mơ ước được trở về mái nhà xưa…Nhưng tất cả chỉ là ảo vọng, chỉ là một giấc mơ không đến bao giờ. Anh viết:

Trong trại cải tạo nghe tiếng còi tàu hỏa

Bỗng dưng vẳng tiếng não lòng Tai nghe tàu gọi mà không thấy tàu Đến đây ngay tự buổi đầu Chỉ mong một chuyến lên tàu về thôi Ta về như trở lại đời Ta về tìm lại tiếng hơi gia đình Ta về tìm lại chính mình Ở đây chỉ gặp bóng hình của ai Đêm là đêm của thở dài Ngày là ngày của kẽm gai thân tù Tàu đi rồi, bỏ ta ư? Đời ta chắc sẽ như “Giờ Hăm Lăm” Thân tàn qua các trại giam Thương chàng Mo-Rít lầm than tháng ngày [1] Hôm nay còn ở nơi này Ngày mai biết sẽ lưu đày nơi đâu!

[Trại cải tạo ở Long Khánh 1976]

Moritz là tên nhân vật trong tiểu thuyết “Giờ thứ 25”

Khi anh bị đưa ra miền Bắc, một ngày vào rừng đỗn cây giang, nhớ nhà, nhìn lại xác thân mặt mày ghê gớm. Chỉ nghe xác lá rơi và bóng tối bủa vây giữa đồi núi hoang tàn.

Nhà thơ tự ví mình như:

Người rừng

Chúng đưa ta khỏi ruộng đồng Lên non tìm mãi vào từng bụi sâu Em xa rồi, chẳng thấy đâu Có gần, chẳng nhận ra nhau lúc này Nhìn anh ghê gớm mặt mày Tay cầm dao, cúi, luồn cây: Người rừng Ở đây không vợ không chồng Không hơi thở ấm tình thương con người Chỉ còn xao xác lá rơi Và âm u bóng núi đồi bủa vây Chợt nghe chim lạ bên tai Hoang vu tiền sử là đây khác nào!

[Yên Báy 1977]

Sau 7 năm làm “Người rừng”, anh được trở về thành phố ngày xưa. Thành phố đã đổi thay từ tên đường con phố đến bạn bè ngày cũ, các em gái ngày xưa. Anh cũng chẳng hơn gì vì là kẻ thất thế. Anh như kẻ mất quê hương, đi quanh trong thành phố mà nước mắt đầm đìa…

Sau 7 năm đi cải tạo về lại Sài Gòn

Đã bảy năm trời ta trở lại Nhìn xem thành phố ấy ngày xưa Đã bảy năm trời ta sống lại

Ngẩn ngơ nghe quá khứ mơ hồ

Trông lên bảng lạ tên đường lạ Ta biết thôi xong hết mất rồi! Thôi thế là xong rồi, tất cả

Lòng ta sầu ngự mãi không thôi.

Những thằng bạn cũ thuở nào đâu? Biết có còn ai để gặp nhau? Kẻ dưới đại dương, người viễn xứ

Đứa thân tù tội chết thương đau!

Các em ngày trước cũng về đâu? Chắc đã tơi bời cuộc bể dâu Ta cũng chẳng hơn: người thất thế!

Còn chăng mây nước mênh mông sầu.

Giờ ta như kẻ mất quê hương Dù vẫn còn đang giữa phố phường Nhưng đớn đau thay: người lạ mặt!

Tủi thân như một gã tha phương!

Ta đi quanh quẩn trong thành phố Nước mắt bao lần muốn đổ mưa Một nỗi nghẹn ngào dâng choáng váng

Hết rồi, tất cả đã xa xưa!

Trở về thành phố cũ, vẫn thành phố ấy, vẫn nhịp đời náo động, vẫn kẻ đi người lại, xe cộ tấp nập theo dòng, mà sao anh thấy trống vắng cô đơn.

Linh hồn thành phố cũ đã phiêu bạt nơi nào? Anh ngẩn ngơ tự hỏi. Hồn Sài Gòn ở đâu? Thành phố như là vẫn náo động Xe qua, người lại vẫn theo dòng Sao ta đứng ngẩn người ra mãi? Ừ phải, hồn xưa đã biệt vong

[Sài Gòn 1986]

Mai Trung Tĩnh đã bị đi cải tạo và đi tù tổng cộng 11 năm.

Tháng 6- 1995, anh cùng gia đình sang Mỹ định cư theo diện H.O.

Anh thiếu quê hương, ngồi nhìn qua khung cửa sổ lá rụng cành khô, nhớ bạn, nghĩ bạn chắc cũng tơi tả phong trần. Thân phận bạn với ta nào có chi khác lạ!

Đây là một cảnh cô đơn trên xứ tuyết, khi nhà thơ..

Nhìn ra cửa sổ
[Gửi N.V.]

Cửa sổ nhìn ra cây rụng lá Còn trơ những nhánh khẳng khiu vươn Bạn ta cũng tả tơi vươn mãi

Lòng nát vì mang những vết thương

Cửa sổ nhìn ra chim lượn quẩn Chờn vờn con trắng lẫn con đen Bạn ta vẫn cố vươn mình trắng

tủi xen cùng lũ lọ lem

Cửa sổ nhìn ra vườn tuyết phủ Tuyết chùm ướp chết cả mầm non Bạn ta từ biết phô mầm sống

Từng bị bao lần ngựa đá bon

Bạn, ta: nào có hơn nhau lắm Chỉ khác: ta, người biết phận thôi Bữa tiệc trần gian dù thịnh soạn Có xôn xao lắm, cũng con người!

[Annapolis 1995]

Buổi chiều cuối năm, anh ghi lại vài cảm nghĩ trên đất khách khi gặp người xưa, nhìn nhau chợt ngỡ ngàng, một thoáng nghẹn ngào rồi tâm tư nhầu nát cuộc đời dâu bể:

Vài câu cho người gặp lại trên đất khách Nhìn nhau chợt ngỡ ngàng nhau Tưởng như trái đất địa cầu trong tay Ai ngờ lại có hơm nay Bể dâu tàn nhẫn, thế này được sao? Nhìn nhau chỉ thoáng nghẹn ngào Rồi thôi, chỉ biết cúi đầu, rồi thôi Trong ta đã nặng rã rời Trong em hẳn cũng:”Hết đời, còn đâu!” Với ta, bao chuyện sở cầu Cũng như thế sự, nát nhàu tâm tư Trùng trùng những thực và hư Tạm vui, chỉ những tình cờ, thế thôi!

[Cuối năm 1995]

Không thấy Mai Trung Tĩnh viết bài thơ xuôi nào nữa từ khi định cư ở Mỹ. Còn về thơ tự do, có lẽ sau đây là bài thơ tự do cuối cùng gửi lại cho đời, trước khi não bộ hư hao.

Anh suy nghĩ miên man về quê hương đổ vỡ, về cuộc đời trầm luân, về nhân tình thế thái,

về thân phận trên xứ lạ quê người và những đổi thay dồn dập.

Có những điều “vẫn như thế”, có những điều “không như thế” quay cuồng hỗn loạn. Duy chỉ có nơi sâu kín nhất trong lòng – trong trái tim hay trong khối óc ? – là “vẫn còn nguyên như thế”, mãi mãi “còn nguyên như thế”!

Người đọc sẽ hiểu những điệp ngữ “như thế” xuất hiện mỗi hàng chữ, mỗi câu là dụng ý của nhà thơ muốn nói những gì…

Như thế

Vẫn mây trời như thế Nắng vẫn như thế Gió và mưa như thế Nhưng ta không còn phải sống những giây phút như thế Thành phố ta ở không như thế Những bộ mặt quanh ta không như thế Ngôn ngữ ta nghe và báo ta đọc không như thế Âm nhạc ta nghe cũng không bị nghe như thế Và những giấc ngủ của ta Những giấc mơ của ta

Không còn bị như thế

Duy có một điều Trong chỗ sâu kín nhất của lòng ta Ta cảm thấy vẫn còn như thế Có lẽ mãi còn nguyên như thế

[Annapolis 1995]

***

Bạn đọc thân mến,

Chúng ta vừa điểm qua một số thơ trong tập “Thơ Mai Trung Tĩnh” để tìm hiểu thêm về tâm tình một người bạn thơ nổi tiếng.

Trong giới văn nghệ sĩ, bạn bè yêu mến anh không phải chỉ vì thi tài mà vì anh còn là một người đàng hoàng đứng đắn, biết nhường nhịn, cởi mở.

Nên khi cần in tập thơ này, đã có thêm nhiều bằng hữu góp tay.

Trong nguyệt san Kỷ Nguyên Mới, số 10, tháng 7- 2001, Phạm Trần viết bài “Giấc mơ Mai Trung Tĩnh đã thành sự thật”, nhắc đến những sự đóng góp của bạn bè ở Việt Nam và ở Mỹ để hoàn thành tập thơ này.

Văn Quang sưu tập và đánh máy thơ, Uyên Thao đánh máy, trình bày; Vương Đức Lệ cùng ban biên tập Kỷ Nguyên Mới chạy nước rút; các họa sĩ góp nét vẽ, người chụp chân dung; Hội Văn Học nghệ Thuật Hoa Thịnh Đốn bảo trợ; bạn học Chu Văn An yểm trợ tài chánh in thơ; bằng hữu trong giới văn nghệ khắp nơi, bạn bè cũ góp công góp sức… Không kể hết được…

Chị Vũ Thị Thảo, hiền thê của thi sĩ Mai Trung Tỉnh.

Một người nữa không ai biết đến nhưng không thể quên tên: Đó là chị Vũ Thị Thảo, hiền thê của anh Mai Trung Tĩnh.

Chị đã chăm lo săn sóc gia đình, thăm nuôi anh khi đi cải tạo, đi tù. Chị đã âm thầm tận tụy lo lắng cho anh trong suốt thời gian ở Mỹ, khi anh nằm trong “Nursing home”, hàng ngày sáng chiều vào thăm, lo ăn uống thuốc men, dọn dẹp vệ sinh xong lại lầm lũi đi làm…

Hai vợ chồng, hai thế giới đơn côi, hai phương trời cách biệt … Vẫn gần mà như thấy vẫn xa xôi…

Không thấy bóng hạnh phúc! Và vẫn như xa cách muôn trùng!

Hình ảnh nghiệt ngã ấy cứ còn vương vấn mãi trong tôi!

Với Mai Trung Tĩnh, tôi không có gì để dám so sánh với anh. Nhưng chúng tôi giống nhau một điểm:

Chúng tôi thiếu tình thương gia đình nên tìm hơi ấm trong vòng tay bè bạn.

Bạn bè là lẽ sống, bạn bè là nơi nương tựa trong những ngày đất khách tha hương.

[Lê-văn-Phúc – Virginia, tháng 7/2001]

Nhạc sĩ Trân Thiện Thanh.

Nhớ về Trần Thiện Thanh

[Nguyễn Ngọc Ngạn]

Nói đến những sáng tác của Trần Thiện Thanh, người ta thường nghĩ ngay tới hai dòng nhạc: nhạc tình và nhạc lính. Thật ra hai dòng nhạc ấy vẫn là một, bởi cũng giống như Lam Phương hay Anh Bằng, nhạc lính của Trần Thiện Thanh chỉ là nhạc tình trong thời chiến. Anh chia sẻ tâm sự người quân nhân xa nhà, anh cảm thông nỗi niềm người tình hay người vợ đợi chờ ở hậu phương. Thế hệ mai sau sẽ thấy nhạc Trần Thiện Thanh là những trang sử viết gọn, ghi dấu một thời khói lửa trên quê hương Việt Nam.

Tôi gặp Nhật Trường Trần Thiện Thanh lần đầu tiên ở Las Vegas khi anh mới ra hải ngoại. Vì chưa quen, chưa biết tính tình anh thế nào, nên tôi chỉ bắt tay xã giao, chúc mừng anh vừa sang Mỹ định cư. Ngày ấy tôi mới lên sân khấu Thúy Nga được hơn 2 năm, nên vẫn còn là khuôn mặt mới trong làng văn nghệ. Nhưng dĩ nhiên anh vẫn coi tôi ở Sài Gòn vì băng lậu tràn ngập trong nước. Nghe tôi gợi chuyện, Trần Thiện Thanh lắc đầu cười buồn rồi bùi ngùi nói:

– Anh Ngạn ở cải tạo về mà đi được ngay, hên quá!

Tôi hiểu trong lòng anh đang mang nỗi sầu “trâu chậm uống nước đục”! Mất miền Nam, anh đang ở lứa tuổi ngoài 30. Tiếng hát Nhật Trường và dòng nhạc Trần Thiện Thanh đang độ sung mãn như dòng suối tuôn chảy chan hòa thì bất ngờ bị đứt đoạn. Rồi anh kẹt lại đến 20 năm mới có người bảo lãnh ra hải ngoại. Khoảng thời gian hai thập niên ấy là một phí phạm lớn, rất thiệt thòi cho sinh hoạt văn nghệ của anh và của những người yêu nhạc Trần Thiện Thanh. Cho nên giờ này anh ngồi trầm ngâm ưu tư cũng là phải! Trên chuyến xe đón nghệ sĩ từ phi trường vào khách sạn, anh không nói chuyện với ai, khác hẳn những nghệ sĩ chung quanh lúc nào cũng ồn ào vui đùa thoải mái. Đó cũng là live show duy nhất tôi đứng cùng anh trên một sân khấu, rồi suốt 20 năm làm văn nghệ, chẳng bao giờ tôi diễn chung với anh một lần nào nữa!

Cuối tháng 4 năm 2009, tôi nhận được lá thư của một khán giả, bà Vũ Vân Nga ở Sugar Land, Texas, có đoạn viết như sau:

“Cả gia đình và bạn bè Nga có một thắc mắc từ lâu lắm mà đợi hoài không thấy nên đành viết thư hỏi sau 25 năm đợi chờ: Lý do gì Thúy Nga không làm chủ đề Trần Thiện Thanh [Nhật Trường]? Thiết nghĩ đây cũng là thắc mắc chung của rất nhiều người Việt Nam, vậy xin trả lời trên show Paris By Night cho vui lòng mọi người. Cám ơn chú Ngạn…”

[trích thư viết ngày 21 tháng 4 năm 2009]

Tôi không trả lời thắc mắc này trên Paris By Night là vì có một chút tế nhị giữa Trần Thiện Thanh với trung tâm Thúy Nga. Từ khi tôi cộng tác với Paris By Night, Thúy Nga đã thực hiện băng chủ đề giới thiệu sự nghiệp của hầu hết tất cả mọi nhạc sĩ miền Nam, như Phạm Duy, Lam Phương, Ngô Thụy Miên, Văn Phụng, Đức Huy, Nguyễn Hiền, Song Ngọc, Hoàng Thi Thơ, Huỳnh Anh, Cung Tiến, Tuấn Khanh, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, Lê Dinh, Trường Sa, Phạm Mạnh Cương, Nhật Ngân, Trần Trịnh, Xuân Tiên, Thanh Sơn, Châu Kỳ, Nguyễn Ánh 9, Quốc Dũng và Tùng Giang. Chỉ có Phạm Đình Chương không may mất sớm khi Thúy Nga chưa bắt đầu loạt video chủ đề này. Và người thứ hai là Hoàng Trọng, Thúy Nga đang chuẩn bị mời thì ông qua đời.

Ông Tô Văn Lai, chủ nhân trung tâm Thúy Nga, thường nói với mọi người:

“Giáo sư Dương Quảng Hàm viết cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu, để ghi lại đôi nét về sự nghiệp các nhà văn, nhà thơ. Thúy Nga cũng muốn làm điều này với các nhạc sĩ sáng tác, để lưu lại chút tài liệu nhạc sử cho thế hệ mai sau.”

Với chủ trương ấy, Thúy Nga đã lần lượt mời tất cả các nhạc sĩ lên sân khấu Paris By Night, mặc dầu băng chủ đề một nhạc sĩ đôi khi khó bán hơn các chương trình đại nhạc hội tổng hợp.

Mời mọi nhạc sĩ lên sân khấu Paris By Night mà thiếu Trần Thiện Thanh thì phải có lý do!

Cái lý do ấy là hai bên đã gặp nhau khoảng 4 lần, ngay từ những ngày đầu khi Trần Thiện Thanh vừa đặt chân đến Mỹ, nhưng đôi bên không đạt được thỏa thuận vì Trần Thiện Thanh đòi nhiều điều kiện khó khăn quá. Ngoài tiền tác quyền anh tính quá cao so với các nhạc sĩ khác, anh còn muốn can dự cả vào việc chọn bài bản và mời ca sĩ trình diễn.

Sau những lần gặp gỡ bất thành ấy, giao tình giữa Thúy Nga và Trần Thiện Thanh ngày càng xa cách. Nói đúng ra thì không phải riêng với Thúy Nga, mà với bất cứ trung tâm băng nhạc nào, Trần Thiện Thanh cũng chẳng thân thiện bởi bản tính anh vốn lạnh lùng, khiến nghệ sĩ gặp anh đều ngần ngại, ít dám kết thân. Cũng nên nhớ ngày ấy, chỉ có Thúy Nga là trung tâm duy nhất thực hiện băng chủ đề về các nhạc sĩ. Anh không đạt được thỏa thuận với Thúy Nga thì đâu còn trung tâm nào thực hiện cho anh!

Những năm sau này, anh ít đi show, trừ các show Hội Đoàn hay Hội Chợ Tết, mặc dầu tiếng hát Nhật Trường vẫn còn nguyên vẹn như trước năm 1975. Có ba trung tâm băng nhạc hoạt động đều đặn là Asia, Thúy Nga và Hollywood Night thì không may, anh lại cộng tác với Hollywood Night là trung tâm yểu tử đầu tiên! Anh lập trung tâm Nhật Trường, tự thực hiện vài chương trình thu hình chính những ca khúc hay nhất của mình, nhưng kết quả tài chánh thu nhập rất èo uột bởi anh đầu tư kỹ thuật sơ sài quá.

Một lần, tôi sang Cali, đi với ông Tô Văn Lai đến thăm nhạc sĩ Lam Phương sau khi ông bị tai biến mạch máu não phải ngồi xe lăn. Tình cờ tôi gặp Nhật Trường Trần Thiện Thanh và Mỹ Lan cũng vừa từ trong nhà Lam Phương bước ra. Gặp Nhật Trường thì tôi không thấy thoải mái lắm mặc dù tôi rất phục tài anh: viết nhạc hay mà hát cũng hay. Chỉ có điều vì chưa thân nên tôi vẫn giữ một khoảng cách.

Mỹ Lan vốn trước đây ở Montreal, lại gia nhập Thúy Nga cùng thời với tôi, hay gặp nhau bên Paris trong những cuốn băng đầu tiên, nên cũng khá thân. Đã lâu mới gặp lại, tôi niềm nở tiếp chuyện Mỹ Lan và hỏi:

– Lâu rồi Mỹ Lan có về lại Canada không?

Trần Thiện Thanh từ bên kia đường đi nhanh qua, tươi cười bảo tôi:

– Ý đồ gì mà anh cứ rủ vợ tôi về Canada?

Thái độ thân thiện và cởi mở của anh làm tôi rất ngạc nhiên. Anh bắt tay và nhìn tôi, trang nghiêm tiếp:

– Nguyễn Ngọc Ngạn, người gây sóng gió!

Tôi hiểu anh muốn nhắc đến một số bài báo đả kích tôi nên tôi trả lời:

– Sóng gió tìm tôi chứ tôi đâu có bao giờ gây sóng gió!

Rồi tôi từ giã anh và Mỹ Lan để vào gặp nhạc sĩ Lam Phương trong căn nhà mobile home.

Năm sau, tôi lại gặp Nhật Trường ở San Jose nhân dịp đầu Xuân. Anh hát cho đoàn xe hoa diễu hành ban ngày, tôi diễn trong show văn nghệ buổi tối. Tình cờ ở chung khách sạn, tôi xuống lobby lấy ly cà phê lên phòng thì thấy anh ngồi một mình ngoài hành lang và giơ tay ngoắc tôi. Tôi bưng tách cà phê Starbucks lại ngồi với anh. Gặp anh, tôi luôn giữ thái độ dè dặt thì chính anh lại liên tục đùa giỡn, chọc ghẹo tôi, có lẽ vì anh biết tính tôi qua những cuốn Paris By Night bên cạnh Kỳ Duyên. Anh hỏi thăm tôi thời còn đi dạy học ở Sài Gòn bởi anh cũng là nhà giáo trước khi tình nguyện vào quân đội trước tôi. Lan man qua nhiều mẩu chuyện, tôi vẫn thấy nét buồn trong ánh mắt anh. Anh là người mang bản tính tự tôn, vừa là nhạc sĩ giỏi vừa là ca sĩ hay, anh nghĩ mình phải thành công lớn tại hải ngoại mới đúng, thế mà tiếc rằng con đường văn nghệ không trải thảm đỏ đón anh! Biết vậy, nhưng tôi không đả động gì đến việc mời anh trở lại nói chuyện với Thúy Nga, mà anh vốn là người tự ái nên dù muốn, anh cũng không bao giờ ngỏ lời trước! Người làm nghệ thuật, bất cứ ngành nào, cũng đều muốn tác phẩm của mình được phổ biến càng rộng càng tốt. Nhu cầu ấy lớn hơn cả tiền bạc. Tôi nhớ một lần gặp nhạc sĩ Phạm Duy gần 20 năm về trước, lúc tôi vừa vào Paris By Night. Ngồi ở tiệm ăn, bên cạnh một người bạn trẻ vừa từ Việt Nam qua, nhạc sĩ Phạm Duy hỏi:

– Cậu về bên ấy, có thấy chúng nó hát nhạc của tôi không?

Người bạn trẻ lắc đầu. Tôi thấy Phạm Duy buồn lắm. Sau đó ông rủ tôi về nhà, chỉ cho tôi thấy, ông đang đưa hết tất cả các tác phẩm của ông vào computer để lưu trữ và phổ biến. Tôi vốn mù tịt về lãnh vực này. Ông bảo tôi:

– Trong nước không cho phổ biến nhạc Phạm Duy thì chính Phạm Duy phải tự lo phổ biến lấy!

Chỉ một lời tâm sự ấy, tôi hiểu nỗi khắc khoải của những nhạc sĩ không đưa được tác phẩm của mình đi xa. Paris By Night dù sao cũng là diễn đàn rộng lớn nhất của người Việt từ hải ngoại đến trong nước, anh Trần Thiện Thanh không thể không có lúc nghĩ đến việc góp mặt trên diễn đàn này, giống như bao nhiêu nhạc sĩ khác. Nhưng một chút tự ái đã giữ chân anh lại!

Mãi đến khi anh lâm trọng bệnh, nữ ca sĩ Hoàng Oanh mới gợi ý khuyên anh nên hợp tác với Thúy Nga thực hiện một cuốn Paris By Night về sự nghiệp sáng tác của anh để lưu lại cho đời như các nhạc sĩ khác. Nếu anh đồng ý thì Hoàng Oanh sẽ là nhịp cầu liên lạc với Thúy Nga và Nguyễn Ngọc Ngạn.

Trong cuộc đời mấy chục năm văn nghệ, Hoàng Oanh là người mà Trần Thiện Thanh nể nang nhất, hay nói đúng hơn, đã có một thời anh “thầm yêu trộm nhớ” người nữ ca sĩ trang nghiêm này. Anh đã sáng tác ít nhất hai bản nhạc cho Hoàng Oanh, là: Người Yêu Của Lính và Một Đời Yêu Em.

Trước đề nghị tha thiết của Hoàng Oanh, Nhật Trường xiêu lòng bảo:

– Cám ơn madam. Tôi về bàn lại rồi sẽ phone cho madam.

Cuối tuần đó, Trần Thiện Thanh gọi cho Hoàng Oanh để xúc tiến, vì bệnh anh đột ngột trở nặng. Nhưng Hoàng Oanh bận đi show, không gặp.

Như thế thì rõ ràng Nhật Trường Trần Thiện Thanh và Thúy Nga không có duyên làm việc với nhau. Bao nhiêu năm khỏe mạnh, ở bên cạnh nhau, anh không hợp tác vì tự ái. Đến khi đổi ý thì đã quá muộn!

Anh mất rồi, trung tâm Asia thực hiện cho anh cuốn băng rất thành công. Nhưng tiếc rằng, anh không còn nữa, không có mặt trên băng để khán giả được nghe những lời tâm sự, những xuất xứ, những động cơ sáng tác của từng ca khúc nổi tiếng mà anh đã để lại cho đời.

Ngày trước, chúng ta có nhạc sĩ Lê Thương sở trường về “chuyện ca”, nghĩa là dùng một bài hát để kể một câu chuyện, chẳng hạn “Bà Tư Bán Hàng” hoặc trường ca “Hòn Vọng Phu”. Gần chúng ta hơn, Trần Thiện Thanh cũng có biệt tài về thể loại này: dùng một ca khúc ngắn ngủi mà kể được một câu chuyện minh bạch, không gò bó, không gượng ép, làm sống lại hình ảnh của những người lính trong cuộc chiến, như Tình Thư Của Lính, Người Ở Lại Charlie, Anh Không Chết Đâu Anh, Góa Phụ Ngây Thơ, Chân Trời Tím, Chiều Trên Phá Tam Giang, Lâu Đài Tình Ái, Bảy Ngày Đợi Mong, Tình Đầu Tình Cuối, v.v…

Mãi mãi, người ta sẽ nhớ Trần Thiện Thanh là dòng nhạc tình ghi dấu tích của mùa chinh chiến.

[Nguyễn Ngọc Ngạn]

DVD vinh danh Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh của Trung Tâm Asia.

Trần Thiện Thanh và Tuổi Trẻ VN – Suy nghĩ của một du học sinh Việt Nam

[Phan Nguyên – Theo Diễn Đàn Thế Kỷ -10 Aug 2014]

Là một người khách bất chợt, vô tình xem được chương trình Asia 50 “Anh Không Chết Ðâu Anh”/Nhật Trường-Trần Thiện Thanh. Có những điều chợt nghĩ tràn về, cũng như có những điều muốn nói chợt phủ tuôn trên mặt giấy, mà tôi cũng không ngờ.

Chìm đắm trong không gian âm nhạc với 25 bài hát của tác giả Trần Thiện Thanh, có lẽ đâu đó, những khán giả đầu tiên của bộ DVD này đều có những tâm trạng khác nhau. Người thì im lặng về quá khứ xuân xanh của đời mình, người thì ứa nước mắt với những kỷ niệm riêng vẫn còn lẩn khuất dày vò mình cho đến tận giờ… và với ai thưởng thức âm nhạc thì vẫn ngộp thở bởi sự bất ngờ mới mẻ đến từ điều hết sức quen thuộc: Không ai nghĩ rằng một tác giả đầy chất bình dị, đại chúng như Trần Thiện Thanh lại đồ sộ, sâu sắc và nhân bản như vậy.

Thế giới đã đổi thay lắm rồi. Bên ngoài không còn súng nổ. Không còn những tiếng trực thăng vội vã trên đầu và những lần gói ghém hành trang để ra đi… nhưng quá khứ vẫn làm người ta nhói tim trước những điều còn dở dang của cuộc đời riêng, của lịch sử chung mỗi khi chạm đến.

Và khi đó là sự thật. Sự thật đó là bên ngoài lý thuyết của một cuộc chiến, được đánh giá là một trong những cuộc chiến đẫm máu và khốc liệt nhất của thời cận đại, là những thân phận bị nghịch cảnh biến họ thành những người hùng, những thân phận chỉ muốn sống bình thường, yêu thương đột nhiên trở thành huyền thoại đau thương của một dân tộc. Và đôi khi, nhìn lại, những giọt nước mắt giờ đây rơi xuống dường như không chỉ vì số phận một ai đó mà là những giọt nước mắt dành cho tổ quốc đã quá đỗi điêu linh.

Là một người sinh ra ở cuối thập niên 70, cuộc chiến tranh Việt Nam với tôi là một điều xa lạ. Nhưng âm nhạc của Trần Thiện Thanh thì lại rất quen thuộc. Mỗi ngày, giữa thời khốn khó sau chiến cuộc, âm nhạc Trần Thiện Thanh vẫn vang lên ở mọi nhà. Trong những con hẻm sâu khúc khuỷu, chú xích lô nghỉ trưa úp chiếc nón trên mặt nằm nghe “Lâu Ðài Tình Ái” bên chiếc máy cassette con con. Rồi đêm về, giữa canh khuya, trong căn nhà ọp ẹp, đâu đó văng vẳng buồn buồn nghe tiếng nhạc “Rừng Lá Thấp” thấp thoáng trong giấc mộng đêm hè. Một Trần Thiện Thanh, một Nhật Trường vẫn có sức sống bền bỉ, len lỏi ngụ cư trong dòng đời, không hề bị lãng quên theo năm tháng.

Người ta có thể nói Nhật Trường-Trần Thiện Thanh là kẻ cơ hội khi biết lợi dụng những câu chuyện vô danh để biến nó thành những tượng đài của thời cuộc. Rất có thể như vậy. Nào là Mộng Thường, nào là chuyện người đại úy tên Ðương… nhưng nếu không có những bài hát của ông, có lẽ những người đó cũng lặng lẽ ở cõi riêng của mình như hơn 58,000 cái tên người lính Mỹ lặng câm trên bức tường đá hoa cương tại Washington DC.

Thế nhưng họ đã trở thành những điều mà hàng triệu người Việt thuộc lòng, ghi nhớ qua nhiều thế hệ – và ở đây sự phản biện chỉ có thể bắt nguồn từ trái tim: Nếu Trần Thiện Thanh không thật sự cảm tác nên, thì đó chỉ là những bài hát tâm lý chiến chống Cộng thô thiển, chỉ đủ sức rên rỉ qua một lần xuất hiện. Và giờ đây, nhiều năm nữa, người yêu âm nhạc Việt Nam vẫn tiếp tục lắng nghe những bài hát của ông về cuộc đời, về tình yêu, về thân phận. Chiến tranh đã bộc phát nên những tài năng lớn. Nếu Trịnh Công Sơn đau thương và tượng hình qua tập Ca khúc Da Vàng, Phạm Duy khắc khoải và huyền ảo với những tình ca chiến trường, thì Nhật Trường dịu dàng và mộc mạc chia sẻ qua những nhạc khúc về chiến tranh thông qua những gương mặt người, có thể là một anh lính chiến, có thể đó là một cô gái, có thể đó là chuyện một giấc mộng…

Ông chú của bạn tôi, là một chiến binh Bắc Việt, từng nhiều tháng liền tập kích, nằm trong rừng miền Nam có lần kể rằng những đêm nghe trực thăng hay đồn trú của lính Nam Việt phát những bài như “Rừng Lá Thấp” hay “Anh Không Chết Ðâu Anh”… ông đã ứa nước mắt, giấu mặt khóc vì những bài hát ấy dường như không viết cho riêng ai, mà cho tất cả những người đang đối diện vào một cuộc chiến kỳ quặc, xé nát trái tim một dân tộc. Ai lại không có một người mẹ già? Ai lại không có một miền quê chờ ngày trở về, và ai lại không mơ một cuộc sống thanh bình như Nhật Trường-Trần Thiện Thanh đã hát?

Tôi không muốn nói nhiều về các bài hát. Vì nó đã quá quen thuộc như tiếng chuông nhà thờ mỗi buổi chiều nhưng mỗi khi gióng lên, vẫn làm người nghe xao xuyến. Ở đây, điều tôi nhìn thấy là Trung Tâm Asia đã làm được ước mơ của âm nhạc người Việt Nam: Vinh danh, làm huy hoàng và hoàn thiện những gì của một sân khấu ca nhạc mà hơn 20 năm ngay tại quê nhà Việt Nam, trước khi tôi rời khỏi nước du học, vẫn không sao làm được.

Tôi không biết mình chống Cộng hay không nhưng tôi hãnh diện vì những gì có được. Thật tráng lệ cho một nhạc sĩ, cho những nhạc khúc của người Việt được vinh danh như vậy. Bên cạnh đó, có lẽ dù không muốn, nhưng Trần Thiện Thanh lại vô tình trở thành một người chép sử đô thị nghiệp dư. Tất cả những người ông viết nên, được chú dẫn một cách cụ thể từ ý nghĩa đến sự kiện. Tôi lắng nghe những gì MC Nam Lộc, Việt Dũng kể lại, thậm chí cả những điều mà nhà văn Phan Nhật Nam nói như chực khóc trong ấn phẩm này. Tôi chia sẻ với quá khứ và kỷ niệm của mỗi người.

Như đã nói ở phần trên, cuộc chiến VN với tôi vẫn xa lạ lắm, nhưng tôi trân trọng lịch sử và ký ức của riêng mỗi người, bất luận ở chiến tuyến nào. Như nhà văn Nga Abutaliv có nói: “Nếu bạn bắn vào quá khứ bằng súng lục, tương lai sẽ bắn vào bạn bằng đại bác…” – Tôi chợt nhận ra rằng đã mấy chục năm rồi, bất chợt từ một chương trình ca nhạc của người Việt hải ngoại, rằng dù không còn chiến tranh, nhưng đất nước tôi, dân tộc tôi vẫn chất chứa một nỗi buồn sâu thẳm của một quá khứ đổ vỡ, phân chia.

[Phan Nguyên – Theo Diễn Đàn Thế Kỷ -10 Aug 2014]

oOOo

Lâu Đài Tình Ái – Ca sĩ Nhật Trường [NS Trần Thiện Thanh]:

Lâu Đài Tình Ái – Ca nhạc sĩ Phạm Ngọc Lân:

Lâu Đài Tình Ái – Ca sĩ Dalena, Anh Khoa:

Lâu Đài Tình Ái – Ca sĩ Như Quỳnh, Thái Châu:

Lâu Đài Tình Ái – Ca sĩ Uyên Trang, Dương Ngọc Thái:

Lâu Đài Tình Ái – Ca sĩ Cẩm Ly, Quốc Đại:

Video liên quan

Chủ Đề