Bao nhiêu quốc gia theo tỷ giá cố định năm 2024

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam [NHNN] vừa quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5% [có hiệu lực từ ngày 17/10/2022]. Theo các chuyên gia, việc nới biên độ tỷ giá của NHNN là bước đi cần thiết, hợp lý trong bối cảnh hiện nay, thể hiện sự linh hoạt, chủ động trong điều hành nhằm thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế. Với động thái nới biên độ lần này giúp NHNN không phải bán ngoại tệ để can thiệp thị trường, qua đó tiết kiệm được dự trữ ngoại hối.

Mỗi quốc gia đều lựa chọn một cơ chế điều hành tỷ giá khác nhau, có nước chọn cơ chế tỷ giá cố định, có nước chọn cơ chế thả nổi hoàn toàn, có nước lại áp dụng cơ chế thả nổi có điều tiết. Việt Nam đang áp dụng cơ chế thả nổi có điều tiết thông qua 2 cơ số: Tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá. Việc thu hẹp, mở rộng biên độ tỷ giá, hay nâng tỷ giá trung tâm là câu chuyện mang tính nghiệp vụ và kỹ thuật của NHNN trong điều hành tỷ giá.

Cơ chế điều hành tỷ giá của NHNN tiếp tục phát huy tác dụng

Sáng ngày 17/10/2022, NHNN phát đi thông cáo về việc điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5% nhằm chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ [Fed] và các ngân hàng trung ương [NHTW] trên thế giới.

Động thái này của NHNN có nghĩa giá trần USD của ngân hàng có thể giao dịch đạt gần 24.800 VND/USD kéo mức chênh lệch giữa VND/USD so với hồi đầu năm tăng lên đáng kể.

Theo NHNN, từ đầu năm 2022 đến nay, Fed và nhiều NHTW lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành, xung đột Nga - Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước. Trước tình hình đó, NHNN đã chủ động, linh hoạt áp dụng đồng bộ các công cụ, giải pháp, can thiệp để duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường tiền tệ, ngoại hối, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội [Nghị quyết số 43] và Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ về chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43. Để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Fed và các NHTW trên thế giới, ngày 17/10/2022, Thống đốc NHNN ban hành Quyết định số 1747/QĐ-NHNN quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng [TCTD] được phép. Theo đó, biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và USD được điều chỉnh từ ±3% lên ±5%.

.JPG]

Việc nới biên độ tỷ giá của NHNN là bước đi cần thiết, hợp lý trong bối cảnh hiện nay, thể hiện sự linh hoạt, chủ động trong điều hành nhằm thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế Nguồn: Internet

NHNN cho biết sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để ổn định thị trường.

Trong quá khứ, vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế 2008 - 2009, NHNN đã nhiều lần tăng biên độ giao dịch từ ±1% lên ±3%, rồi lên ±5%. Sau khi khủng hoảng đi vào giai đoạn cuối, NHNN lại điều chỉnh giảm biên độ tỷ giá.

Đến năm 2015, khi đồng tiền nhiều quốc gia trên thế giới mất giá, NHNN lại tăng biên độ từ ±1% lên ±3% và mới đây nâng lên ±5%. Sau khi NHNN điều chỉnh biên độ giao dịch, tỷ giá thị trường có tăng lên, NHNN sẽ theo dõi sát thị trường và quyết định tỷ giá trung tâm bao nhiêu là hợp lý.

Đến nay, cơ chế tỷ giá trung tâm đã được NHNN áp dụng hơn 6 năm. Ngày 03/01/2016, NHNN chính thức công bố tỷ giá hối đoái trung tâm USD/VND là 21.890 - mở ra một trang mới trong lịch sử điều hành tỷ giá hối đoái. Tỷ giá hối đoái trung tâm được tính toán và công bố dựa trên tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng chốt vào giờ đóng cửa phiên ngày hôm trước và tỷ giá hối đoái trên thị trường quốc tế lúc 7h sáng của ngày công bố. Như vậy, tỷ giá trung tâm được hình thành dựa trên 3 trụ cột là: [i] Cơ sở tham chiếu diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng; [ii] Diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng tiền của các nước có quan hệ thương mại, vay, trả nợ, đầu tư lớn với Việt Nam; [iii] Các cân đối kinh tế vĩ mô.

Thay vì “neo” vào USD như trước đây, 8 đồng tiền thế giới được đưa tham chiếu để tính tỷ giá trung tâm là: USD, EUR [đồng tiền chung châu Âu], CNY [Trung Quốc], Yên Nhật, Đô la Singapore, Won [Hàn Quốc], Đô la Đài Loan và Baht [Thái Lan]. Trên cơ sở tỷ giá trung tâm công bố hằng ngày trên trang thông tin điện tử NHNN, các TCTD và chi nhánh ngân hàng nước ngoài sẽ dựa trên cơ sở tỷ giá này để quyết định tỷ giá giao dịch với khách hàng của mình trong biên độ +/-3%. Tỷ giá hối đoái trung tâm khép lại năm 2016 được NHNN công bố ngày 30/12/2016 đứng ở mức 22.159 đồng/USD - tăng 1,24% so với hồi đầu năm.

Bên cạnh đó, NHNN cũng thay đổi cách thức giao dịch với NHTM theo hợp đồng phái sinh, thay cho hợp đồng giao ngay trước đây. Các NHTM chủ động thực hiện giao dịch với đối tác và được hủy ngang giữa chừng để chủ động mua ngoại tệ trên thị trường khi giá trên thị trường tốt hơn giá bán của NHNN. NHNN đảm bảo cung cấp đủ ngoại tệ và đóng vai trò người bán cuối cùng cho NHTM.

Theo NHNN, tỷ giá trung tâm sẽ linh hoạt hơn, bám sát diễn biến cung cầu ngoại tệ trong nước cũng như diễn biến trên thị trường thế giới. Cách thức điều hành mới khác với trước đây là không định hướng cụ thể mức biến động tỷ giá hằng năm. Tuy nhiên tỷ giá vẫn được NHNN quản lý phù hợp với định hướng điều hành chính sách tiền tệ, đảm bảo sự ổn định của thị trường ngoại hối, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và mục tiêu nâng cao vị thế của đồng Việt Nam trong dài hạn. Bên cạnh đó, NHNN sử dụng công cụ kỳ hạn như một biện pháp kỹ thuật để định hướng vùng mục tiêu tỷ giá cho doanh nghiệp và thị trường nắm được.

Cách thức điều hành tỷ giá mới không những làm giảm động cơ đầu cơ, găm giữ ngoại tệ, khuyến khích tổ chức và cá nhân bán ngoại tệ ra lấy VND để hưởng lợi tức lớn hơn, giải phóng lượng ngoại tệ được đầu cơ, găm giữ trong thời gian qua, mà còn giúp thị trường ngoại tệ hấp thu tốt hơn các cú sốc bên ngoài, hỗ trợ tốt hơn khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Các chuyên gia đánh giá cao chính sách tỷ giá uyển chuyển và linh hoạt hơn đã giúp giải tỏa được áp lực của thị trường bên ngoài.

Rõ ràng, đến nay, cơ chế tỷ giá hối đoái trung tâm mà NHNN đang áp dụng vẫn khẳng định được sự nhất quán chế độ tỷ giá của Việt Nam là chế độ tỷ giá thả nổi có quản lý, phù hợp mục tiêu chính sách tiền tệ nói riêng và chính sách kinh tế vĩ mô nói chung, phù hợp với sự phát triển nền kinh tế thị trường Việt Nam cũng như thông lệ quốc tế.

Nới biên độ tỷ giá là cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hiện nay

Nhìn chung, các chuyên gia đánh giá cao điều hành tỷ giá của NHNN trong bối cảnh phải giải nhiều bài toán cùng lúc như vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng, vừa đảm bảo an toàn hoạt động hệ thống ngân hàng, chưa kể áp lực trước những thách thức, diễn biến khó lường từ tình hình thế giới. Đáng chú ý, so với các đồng tiền lớn trên thế giới, VND vẫn là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với USD, mặc dù VND đang có lợi thế ổn định so với USD nhưng NHNN vẫn phải điều chỉnh để linh hoạt hơn.

Theo Tiến sĩ Võ Trí Thành, trong bối cảnh hiện nay, áp lực lên tỷ giá, lạm phát là rất lớn, việc NHNN nới biến độ tỷ giá là cần thiết. Đây cũng là cách để một phần giảm áp lực với tỷ giá, tìm điểm cân bằng mới thích hợp hơn cho tỷ giá và cũng tạo dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt và chủ động hơn. Nới biên độ điều chỉnh tỷ giá chỉ là một trong nhiều giải pháp, công cụ mà NHNN thực hiện nhằm giúp tỷ giá ổn định một cách tương đối trong so sánh với biến động tỷ giá của nhiều quốc gia khác cũng như trong bối cảnh Fed và nhiều quốc gia tiếp tục thắt chặt tiền tệ, nâng lãi suất.

Trước đó, để ổn định tỷ giá, NHNN đã dùng biện pháp như: Sử dụng Quỹ dự trữ ngoại hối, tăng lãi suất, chuyển phương thức giao dịch ngoại tệ từ bán kỳ hạn 3 tháng sang phương thức bán giao ngay… Chính vì vậy, việc nới biên độ này nằm trong tổng thể nhiều công cụ khác, ở chừng mực nhất định, giúp cân bằng được tất cả các chiều cạnh để tác động không quá tiêu cực tới nền kinh tế.

Tiến sĩ Võ Trí Thành nhìn nhận: Thách thức rất lớn của NHNN hiện nay là cùng lúc phải làm 3 nhiệm vụ, thứ nhất là ổn định kinh tế vĩ mô, thứ hai là trong chừng mực nhất định phải hỗ trợ cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế, thứ ba là tạo sự an toàn cho hệ thống nói chung, đặc biệt là hệ thống ngân hàng thương mại. “Điều này không đơn giản nhưng chúng ta đang có năng lực để làm được việc đó. Thứ nhất, chúng ta đã trải qua nhiều biến động trong thời gian dài, đối phó với nhiều cú sốc nên có kinh nghiệm ứng xử với cú sốc đó. Thứ hai, chúng ta có nhiều công cụ, giải pháp, có cả giải pháp hành chính, cùng với những giải pháp này, chúng ta có thể lựa chọn mục tiêu ưu tiên trong mỗi giai đoạn, ví dụ như làm sao để ổn định kinh tế vĩ mô tương đối thì đảm bảo biến động tỷ giá để làm chính sách tiền tệ linh hoạt và tương đối so với biến động tỷ giá của các đối tác. Thứ ba, mặc dù hệ thống ngân hàng Việt Nam còn một số vấn đề tồn tại nhưng thực tế nó đã khá ổn định so với giai đoạn cách đây trên dưới 10 năm” - ông nói.

Đồng quan điểm, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, động thái nới biên độ tỷ giá của NHNN là nhằm cân bằng cung cầu thị trường trong bối cảnh áp lực với tỷ giá tăng mạnh. Tiến sĩ nhận định: “Có thể thấy điều chỉnh biên độ tỷ giá lần này của NHNN là hợp lý nằm trong xu thế chung của các đồng tiền khác so sánh với USD. Hai là, buộc phải làm như vậy, nếu tỷ giá không điều chỉnh biên độ đồng nghĩa với việc NHNN can thiệp ngoại tệ, dự trữ ngoại tệ bị suy giảm. Nên tăng tỷ giá hối đoái một mặt phù hợp với xu thế tăng mạnh của đồng USD trên toàn cầu, một mặt giảm thiểu việc phải bán quá nhiều ngoại tệ”. Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa cũng khẳng định, so với đồng tiền lớn trên thế giới, VND là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với USD.

Trong khi đó, Tiến sĩ Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phân tích: "Lựa chọn biên độ tỷ giá lớn hơn có nghĩa là chúng ta chấp nhận thị trường sẽ có sự biến hóa, linh hoạt hơn giữa cung và cầu. Tuy vậy, với tư cách là NHTW, là người mua bán cuối cùng trên thị trường, NHNN sẽ có sự can thiệp để tỷ giá đạt trạng thái tối ưu. Tối ưu có nghĩa là các cân đối của nền kinh tế được thỏa mãn. Cụ thể là bảo đảm tác động của chi phí nhập khẩu không quá lớn dẫn tới tác động vào lạm phát, đảm bảo sức cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu, đảm bảo không tác động quá lớn đến tâm lý nhà đầu tư nước ngoài [FDI và FII], đến dòng kiều hối, xếp hạng tín nhiệm quốc gia...”

Tiến sĩ cũng nhận định, nếu xét về so sánh tương quan song phương, VND đang có lợi thế ổn định so với USD do lạm phát Việt Nam thấp hơn Mỹ và lãi suất cao hơn Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn, dòng vốn đầu tư đang tìm cách trú ẩn vào USD, thì việc điều hành tỷ giá không chỉ căn cứ vào hai yếu tố này. Bối cảnh hiện nay buộc Việt Nam phải lựa chọn linh hoạt hơn. “Thời gian qua, chúng ta đã ứng biến khá tốt. So với các năm trước, tỷ giá năm nay điều chỉnh mạnh hơn, song so với tương quan các nước khác, thì VND vẫn là một trong những đồng tiền có mức mất giá ít nhất so với USD”- ông nói.

Không chỉ các chuyên gia trong nước đánh giá tích cực về điều hành tỷ giá của NHNN, ông Francois Painchaud - Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam cũng cho rằng, động thái điều chỉnh tỷ giá của NHNN thể hiện sự linh hoạt trong điều hành. Đây là hành động kịp thời và phù hợp với tình hình quốc tế và nền tảng vĩ mô vững chắc của Việt Nam.

Theo ông Francois Painchaud, thế giới đang đối mặt với tăng trưởng kinh tế chậm hơn, lạm phát cao hơn và điều kiện tài chính toàn cầu thắt chặt hơn. Đặc biệt, ở Mỹ, lãi suất đã tăng lên đáng kể để đối phó với lạm phát cao hơn. Lãi suất cao hơn ở Mỹ và những lo ngại về kinh tế toàn cầu đã khiến đồng USD mạnh lên. Nhiều đồng tiền đã giảm giá so với đô la Mỹ, bao gồm một số đồng tiền trong khu vực nhưng đồng Việt Nam mất giá không nhiều so với các nước khác. Với nền tảng kinh tế phát triển vững chắc của Việt Nam và lạm phát tương đối thấp thì việc điều hành tỷ giá hối đoái linh hoạt là cần thiết.

“Các quốc gia phải đảm bảo lượng dự trữ ngoại hối để đối phó với lượng dòng tiền chảy ra và tình hình phức tạp có thể diễn ra trong tương lai. Các biện pháp can thiệp ngoại hối có thể giúp đối phó với tình hình phức tạp của thị trường hiện nay” - ông cho biết.

Về phía các doanh nghiệp, trước diễn biến tỷ giá tăng, chuyên gia cũng khuyến nghị các doanh nghiệp nên sử dụng những công cụ tài chính phái sinh ngoại tệ như: Mua bán ngoại tệ có kỳ hạn, các hợp đồng hoán đổi [SWAP]... để phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Không chỉ trong bối cảnh tỷ giá biến động mạnh mà ngay cả trong thời điểm bình thường, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng cần đặc biệt chú trọng đến rủi ro về dòng tiền, rủi ro về lãi suất và tỷ giá thông qua các sản phẩm phòng vệ rủi ro.

Chủ Đề