Bùi hải đăng thơ văn xuôi đôi điều cảm nhận năm 2024

Có gì rất linh ứng khi Tiến ra định cư Vũng Tàu, khác nào ngọn hải đăng cô đơn trên biển. Tiến có đưa tôi cuốn 99 khúc du ca còn lại. Có đầy đủ những gì làm nên thương hiệu Trần Tiến từ Cô gái Sầm Nưa tới hôm nay. Nhưng nếu không đắm mình vào Vũng Tàu, chắc không thể có Mẹ tôi dâng trào đến không ngờ: “Biển sóng thét gào/ Một ngày nhớ mẹ sóng trào khơi xa/ Trời gió mây ngàn/ Một ngày khóc mẹ trăng tàn sao rơi/ Mẹ ơi! Thế giới mênh mông/ Mênh mông không bằng nhà mình/ Tuổi thơ như chiếc gối êm/ Êm cho tuổi già úp mặt …”

LTS. Nguyễn Thụy Kha và Trần Tiến là những người bạn lâu năm, thân thiết. Họ có chung một thời tuổi trẻ trên những nẻo đường chiến tranh và chung cả sự say mê lẫn khát vọng nghệ thuật. Trần Tiến hát, viết ca khúc, viết văn xuôi, làm cái gì cũng tinh tế. Nguyễn Thụy Kha làm thơ, làm báo, làm nhạc, làm phim, làm gì cũng được nhiều người biết tới. Sự đồng điệu trong sáng tạo là chất men cho tình bạn lâu bền của hai con người mà khi đứng cách xa nhau nhìn về nhau không mờ ảo, thậm chí với rất nhiều yêu thương, ngưỡng mộ. Như những gì dưới đây Nguyễn Thụy Kha viết về Trần Tiến bạn mình…

***

Đúng là Tiến hiện đang không được khỏe như xưa, nhưng Tiến vẫn mạnh mẽ. Tiến còn cất giọng hát vang ca khúc do chính mình viết trên giường bệnh. Thì ra, những xôn xao này chỉ càng cho ta thấy một điều rất thật rằng cuộc đời yêu quý Trần Tiến biết bao…

1.

Chơi với nhau đã ngoài 30 năm, uống với nhau cũng lia chia mọi chốn. Nhưng lần này là lần đầu tiên gặp Trần Tiến ở Vũng Tàu. Thật thú vị.

Tệ xá vợ chồng Tiến ngụ cư xinh xắn và gọn gàng. Ngà [vợ Tiến] đang nấu ăn trưa, mỉm cười đón khách, còn Tiến thì xăng xái kéo ghế cho mọi người ngồi và lôi bia 33 ra bật nắp búa xua. Vui quá, nhìn dáng vẻ phong trần của chàng lãng tử du ca nay đã được neo mình vào thành phố biển dầu khí hưởng tuổi già, thấy thời gian trôi nhanh quá. Nhanh quá, ngày nào mới đôi mươi với: Bài ca thanh niên ra tiền tuyến, Cô gái Sầm Nưa mà giờ đã nhấp nháy thất thập. Nhanh quá, ngày nào mới Giai điệu Tổ quốc, Mùa xuân gọi, Đến với Lênin, Những đôi mắt mang hình viên đạn… trào dâng thời chiến tranh biên giới khí thế hừng hực. Lại ngày nào vào nhập cư Sài Gòn với Tạm biệt chim én, Mặt trời bé con, Thành phố trẻ… đi hát đêm về uống xuyên trời khuya nơi tệ xá Nguyễn Thị Minh Khai [đối diện nhà thương Từ Dũ]. Thời gian cứ thế dồn đẩy chàng nhạc sĩ tài năng với bao giai điệu, với bao đêm diễn, với bao nơi chia sẻ bạn bè.

Bữa trưa đã được dọn ra giản dị. Thật lạ khi Tiến mang ra cho mỗi người một chén nước mắm sánh đặc và cắt dọc vào đó nửa con cà cuống thơm hương rừng Lào. Người bạn nhiếp ảnh từng ở Đức lâu năm ồ lên vì lần đầu nhìn thấy cà cuống. Lập tức hai mảnh được ghép lại và máy di động tách một cái. Bia và rượu trộn lẫn cuộc nhậu. Bạn cũ, bạn mới ngà ngà hơi men. Tiến chợt cất lên “Hà Nội buồn thương nhớ ơi!..”. nghe sao mà nồng nhớ.

Nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha. Ảnh: CTV

Trưa Vũng Tàu hôm nay dịu nắng như thu Hà Nội. Tiến nói: “Mình thích bài này hơn cả Ngẫu hứng phố”. Đúng quá. Nét nhạc thanh lịch như người Tràng An: “Nghèo mà sang”, nét nhạc như lối gác căn nhà gần ga Hàng Cỏ. Còn Ngẫu hứng phố là lối đi len lách quán “bia hơi vỉa hè”. Chưa nhậu hết cuộc trưa, đã bàn tới cuộc chiều. Tiến bảo: “Chiều nay, vợ chồng tao đã mời vợ chồng thằng Kỳ tới nhà ăn lẩu bò. Nhưng chúng mày ra chơi, ngồi nhà thì không có biển. Thôi cả lũ ra Gành Hào 2 vừa nhậu vừa ngắm biển Vũng Tàu ban đêm”.

Kỳ là bạn thân của Tiến thời thơ ấu. Cả hai đã cùng tới học hát ở nhà bà Minh Đỗ [nữ ca sĩ nổi tiếng Hà Nội thập kỷ 50 thế kỷ trước]. Chiến tranh chống Mỹ, Kỳ vào văn công Trường Sơn. Vì là lính “Hà Nội đất Thánh” nên hay chịu lời ra tiếng vào. Tức khí, Kỳ xin làm lính xế đoàn 559. Ngày cả tiểu đoàn vận tải của Kỳ bị B52 tiêu hủy, ai cũng ngỡ Kỳ hy sinh. Giấy báo tử đưa về phố. Nhà Kỳ đã bao năm giỗ cúng, Kỳ lại bất ngờ trở về.

Câu chuyện Tiên sư thằng Kỳ, Tiến đã viết trong Ngẫu hứng 10 đăng trên các mạng. Giờ về già cả hai rủ nhau “ở ẩn” tại Vũng Tàu. Chiều qua, vợ chồng Kỳ vừa mời vợ chồng Tiến ăn bữa cơm “nhập cư” mà Tiến đùa là “nhập quan”. Chiều nay vợ chồng Tiến mời lại. “Có thêm chúng mày thì vui quá rồi. Bạn bè thằng Kha cũng toàn thằng đểu như nó. Nhậu đi cho đã” - Tiến nói vậy, cười nheo nheo cặp mắt.

Chiều Vũng Tàu trút xuống một cơn mưa biển. Đến lúc hoàng hôn dâng, không gian càng dịu mát, cả hai Gành Hào 1 và 2 đều đông khách. Nhà hàng ở ngay bến tàu cánh ngầm. Dù nước ngoài sảnh còn lấp xấp, Tiến vẫn kéo tuột chúng tôi ra hưởng gió biển ào ạt để nhìn sang mũi Nghinh Phong nhấp nháy hải đăng. Tiến bảo đó sẽ là nơi tạo ra một trường nhạc giữa biển với thiết kế “như hai piano cơ” đấu đầu độc đáo. Làm trường nhạc để lại cho đời. Thế thôi. Không chỉ gió mà sóng biển cũng ào ạt. Thấy khoan khoái vì có lẽ tiên thiên đã ngấm vào cơ thể. Đón gió, ngóng sóng đã đời, cả lũ kéo vào bàn nhậu. Lâu mới ăn cá đối trứng nướng phưng phức mùi biển. Vẫn nước mắm sánh đặc, vẫn cà cuống. Nhưng có thêm bánh phở cuốn dẻo quẹo, trắng tinh. Ăn như muốn tan chảy trong mồm. Rượu ngon, bạn “đểu”. Bô lô, ba la những ký ức không đầu không cuối, lại nhớ vụ đi vận động “Sinh đẻ kế hoạch”. Và thế là những Sao em nỡ vội lấy chồng, Thượng đế buồn, Sói con ngơ ngác của tôi, Cô bé vô tư… tiếp tục tan chảy trong sự nghiệp Trần Tiến.

Đến màn hát lời “chế” bài Giấc mơ Chapi thì tất cả đều cười ngật ngưỡng: “Ở nơi ấy, họ đi ấy, không cần giấy, không cần nước, chỉ cần lá khô…”. Trần Tiến là một trong không nhiều những nhạc sĩ có ca khúc được “chế” lời. Lời chế có lời hay, lời dở nhưng lời “chế” không bao giờ dành cho những ca khúc thường thường, mà chỉ dành cho những ca khúc có đời sống thực sự trong nhân gian.

Nhưng màn này vẫn chưa đột ngột bằng màn Trần Tiến làm đầu bếp nấu phở. Thì ra thay vì lẩu bò, Trần Tiến xách cả đồ nghề, vật liệu, gia vị từ nhà tới nhà hàng để thực hiện màn kết độc đáo này. Nhìn đầu bếp say sưa ở cương vị người nấu phở, tất cả đều thán phục. Ngà vợ Tiến bảo tôi: “Anh thấy hay không, ông này lúc trước có biết bếp núc gì đâu. Sểnh ra là đi diễn, đi viết. Vậy mà bây giờ ông ấy rất thích vào bếp nấu nướng”.

Phở Trần Tiến bốc khói nghi ngút trước mặt mọi người. Nhìn tô phở như những nốt tròn tỏa làn sương quyến rũ vào khẩu vị ẩm thực của mọi người. Quyến rũ đến tứa nước miếng. Vậy là tất cả đều xì xụp, sung sướng. Và thấy mình len lỏi đâu đó trong thoáng nhớ Hà Nội. Không chỉ thích bếp núc, Tiến còn thích đi theo dân chài câu cá trên thuyền thúng. Những thú vui đời thường của “vua nhạc pop Việt” thật thuần khiết, đúng với tâm hồn Trần Tiến.

… Rồi đến lúc chúng tôi ngập ngừng chia tay sau một đêm say cùng nhau. Một đêm hiếm gặp lại. Cũng phải chấp nhận thôi. Cũng phải vậy thôi. Đời còn biết bao lần say như vậy nữa, hở Tiến?

2.

Một đêm Vũng Tàu chớm thu, 5 năm sau lần gặp đến say mèm, Trần Tiến tự lái xe đưa tôi đến nhậu ở nhà một người em mến mộ âm nhạc.

Vừa đi, vừa huyên thuyên đủ chuyện, nhưng dù vẫn cái giọng trêu đùa trẻ như ngày nào, thì cả hai thằng đều biết tuổi già đã đong đầy trên mặt. Thấp thoáng đâu trong nét nhăn ấy là sự cô đơn. Đêm ấy uống đủ say. Về khách sạn, không hiểu sao, tôi lại da diết lên tự khúc Một mình của chàng “Vư-xốt-ky Việt Nam” - tôi hay gọi Tiến như vậy: “Rượu một mình, với ngọn đèn đêm/ Khi gió thu về một chú ve sầu/ Nằm chết bên thềm cửa sổ mùa thu”.

Giai điệu lướt đi, bỗng hiện ra một Trần Tiến lôi thôi lếch thếch ba lô trên đường Trường Sơn, chắc trong cơn sốt, hay đi qua cầu dây chòng chành vượt suối: “Cùng ta cạn với núi cao/ Năm nào đôi chân chưa mỏi/Cùng ta cạn với suối sâu/ Với người sốt rét qua cầu/ Cùng ta cạn với rừng già bạn ta yên nghỉ/ Biết có bao giờ về uống cùng ta…”.

Tôi bùi ngùi tự rót thêm cho mình ly rượu. Con đường ấy, lối mòn ấy, bàn chân trai tráng của bao đồng đội đã đi qua, đã hằn lại dấu vết. Để rồi chìm vào bươn chải hôm nay. Hồi đó, đầu Đổi mới, khi ca khúc này mới ra, Tiến hay hát khi quây quần mấy thằng bạn thân. Có cái lạ, khi Tiến ở Sài Gòn, thấy không cách xa nhau là mấy. Vậy mà khi Tiến ra định cư ở Vũng Tàu cứ thấy xa xa là sao? Hình như cái tâm lý “gặp lần nào biết lần ấy” của tuổi già nó tạo ra khoảng vắng ấy chăng: “Rót cho đầy mãi nỗi đau/ Rồi sẽ thành tiếng hát/ Con người, con người chỉ lớn lên trong chính nỗi cô đơn”. Giai điệu như cắt ruột mà viết.

Hồi đó, tuy ở Sài Gòn náo động, Trần Tiến vẫn cô đơn như một ngọn hải đăng. Cô đơn tỏa sáng. Tôi đã chập được cái tứ “Hải đăng trong thành phố” để viết tặng Tiến khi tá túc tại nhà Tiến ở ngã tư gần quận 10: “Đôi khi chúng ta ngồi/ Ôm cây đàn thốt lên giai điệu/ Nhìn nhau qua ly rượu/ Mắt bạn vời xa…/ Một chốn nào hư ảo, một chốn nào có thật đời mình/ Rồi cùng lặng thầm/ Cháy đỏ quá khứ/ Cả một thời trong veo hăm hở/ Ngùn ngụt lên ngọn lửa bài ca/ Cả một thời ngọt ngào đắng đót/ Còn nguyên trong nước mắt ứa ra/ Cứ thế/ Nhấp nháy giống một ngôi sao xa/ Trong tâm tưởng một chỗ nào thành phố/ Nhấp nháy ngọn hải đăng biển đêm/ Quá khứ một thời chưa khi nào tắt…”.

Bài thơ đã được Trần Tiến đưa vào tập văn xuôi của anh năm 2016 Ngẫu hứng Trần Tiến. Có gì rất linh ứng khi Tiến ra định cư Vũng Tàu, khác nào ngọn hải đăng cô đơn trên biển. Tiến có đưa tôi cuốn 99 khúc du ca còn lại. Có đầy đủ những gì làm nên thương hiệu Trần Tiến từ Cô gái Sầm Nưa tới hôm nay. Nhưng nếu không đắm mình vào Vũng Tàu, chắc không thể có Mẹ tôi dâng trào đến không ngờ: “Biển sóng thét gào/ Một ngày nhớ mẹ sóng trào khơi xa/ Trời gió mây ngàn/ Một ngày khóc mẹ trăng tàn sao rơi/ Mẹ ơi! Thế giới mênh mông/ Mênh mông không bằng nhà mình/ Tuổi thơ như chiếc gối êm/ Êm cho tuổi già úp mặt …”. Đúng thế. Đêm Vũng Tàu là đêm hai thằng tôi úp mặt vào bao kỷ niệm suốt mấy chục năm gắn bó với lãng du.

Trần Tiến ngẫu hứng tại nhà riêng ở Vũng Tàu. Ảnh: Thái Trần

Hiện lại khoảnh khắc xuất thần Những đôi mắt mang hình viên đạn. Hiện lại khoảnh khắc vời xa Tạm biệt chim én. Hiện lại những khoảnh khắc thăng hoa Sao em nỡ vội lấy chồng, Thượng đế buồn, Cô bé vô tư…

Hiện lại và hiện lại…

Cầm 99 khúc du ca còn lại của Trần Tiến, thấy trang nào cũng hiện lại bao kỷ niệm, bao chất chứa. Có lẽ, tiếp nối với Trịnh Công Sơn, người đời không thể nào quên những giai điệu và lời ca Trần Tiến ở Mặt trời bé con, Giai điệu Tổ quốc, Đi qua hải quan, Ngẫu hứng phố, Nhăng nhố.

Hiện lại cả một thời hàn vi cơ cực để rồi thét lên Trần trụi 87: “Tôi đã thấy bạn tôi đi buôn trên đường phố Nga/ Bạn tôi lang thang trên đường phố Mỹ/ Bạn bè lừa nhau ngay trên quê hương… Tôi đã thấy người mẹ năm xưa chào đón quân đi/ Mẹ mang mo cơm nuôi từng chiến sĩ/ Bà mẹ nào giờ đây lang thang xin ăn...”. Để từ đấy mà buồn vui trong tổ khúc Ra ngõ mà trông. Những tuyệt chiêu này, dần dà sẽ ngấm vào công chúng với Ra ngõ gặp gái, Ra ngõ mà buồn, Ra ngõ mà chơi, Ra ngõ mà kinh, Ra ngõ mà say, Ra ngõ mà trông, Ra ngõ mà vui, Ra ngõ mà yêu, Ra ngõ từng đêm, Ra ngõ tụng kinh. Hát để ngẫm đời.

Mới trưa 24.9.2020, nhìn Nguyễn Cường và Dương Thụ thắp hương tiễn biệt Phó Đức Phương - nhạc sĩ đầu tiên của “bộ tứ sông Hồng” ra đi về cõi Thiên Thai. Mới thấy những giọt long lanh của cõi tạm đã dần tong tanh với thế hệ 4X rồi. Làm sao cưỡng được thời gian? Nhưng vẫn thoáng buồn.

Mới rằm Trung thu 1.10.2020, trong lễ khai trương triển lãm Kinh Gốm của Lê Thiết Cương, nghe những xôn xao bạn bè về sức khỏe Trần Tiến. Đúng là Tiến hiện đang không được khỏe như xưa, nhưng Tiến vẫn mạnh mẽ. Tiến còn cất giọng hát vang ca khúc do chính mình viết trên giường bệnh. Thì ra, những xôn xao này chỉ càng cho ta thấy một điều rất thật rằng cuộc đời yêu quý Trần Tiến biết bao…Tình yêu ấy có lẽ đã khiến cho người bạn tài hoa của tôi cảm thấy mãn nguyện. Tôi chỉ muốn ghi lại những câu thơ cuối bài Hải đăng trong thành phố để chúc sức khỏe bạn Trần Tiến vô cùng mạnh mẽ của tôi:

Chủ Đề