Các bài tập luyện ngón piano cơ bản

Bạn yêu âm nhạc và muốn trở thành một nghệ sĩ piano tài năng?

Song song với học về nhạc lý thì luyện ngón piano là việc không thể thiếu nếu bạn muốn thành tài. Vì thế, hôm nay, My Piano House sẽ hướng dẫn các bạn bài tập luyện ngón piano dễ học nhất.

Hoàn thành các bài tập luyện ngón piano mỗi ngày là một phương pháp hiệu quả để nâng cao tốc độ và sự khéo léo của đôi bàn tay và các ngón tay. Theo thời gian, các bài tập sẽ giúp bạn thuần thục hơn trên bàn phím đàn piano, tốc độ di chuyển tay và sắp xếp các ngón nhanh hơn và khoa học hơn.

Thực hiện các bài tập luyện ngón piano thường xuyên sẽ cải thiện kỹ thuật của bạn rất nhiều, có thể thấy sự tiến bộ rõ rệt nếu chăm chỉ luyện tập.

Việc ngồi xuống một cây đàn piano và chơi một vài nốt nhạc là khá dễ dàng. Tuy nhiên, cách chúng ta kiểm soát tư thế bàn tay, cánh tay và vai đóng một vai trò rất quan trọng đối với khả năng chơi tốt đàn piano của chúng ta. Tư thế sai lệch sẽ làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng chơi đàn của bạn.

Do đó, trước hết hãy chuẩn bị một tư thế ngồi chuẩn và thoải mái, sau đó sắp xếp bàn tay và các ngón tay thật khoa học.

1. Bắt đầu ở tempo [nhịp độ] chậm

Có 3 dạng bài luyện ngón thường gặp, thứ nhất là dạng bài giúp bạn tăng tốc độ di chuyển ngón, thứ hai là dạng bài giúp bạn giãn khoảng cách ngón, mở rộng bàn tay để chơi được các quãng rộng và sau cùng là dạng bài giúp bạn rèn luyện chiến lược sắp xếp các ngón tay khoa học.

Tựu chung lại thì mục đích của việc luyện ngón là giúp cho các ngón tay linh hoạt hơn, di chuyển nhanh hơn. Nhưng không vì thế mà bạn bắt đầu ngay ở một tâm thế nôn nóng mà thay vào đó bạn cần xuất phát với một nhịp độ thật chậm ở các bài tập, giữ đúng tư thế ngồi, tư thế tay và chơi tròn trịa từng nốt nhạc.

Tập giữ nhịp khi chơi là điều khá quan trọng, bởi yếu tố nhịp độ là thành phần cơ bản góp phần quyết định chất lượng của tác phẩm. Nếu mắc lỗi sai nhịp trong thời gian dài và liên tục, bạn sẽ rất khó sửa, vì thế cần chú trọng điều này ngay từ những buổi tập đầu tiên. Chơi ở một tempo chậm rãi sẽ giúp bạn tránh được tối đa sai sót về nhịp độ, sau khi đã tự tin bạn có thể tăng dần tốc độ.

2. Luyện ngón trước mỗi buổi học

Ngoài những buổi luyện ngón chuyên biệt thì trước các buổi học hoặc chơi đàn thư giãn bạn cũng nên sử dụng một vài đoạn luyện ngón cho việc khởi động, giúp đôi tay mềm dẻo hơn để đạt hiệu suất học tập cao nhất.

Đặc biệt các bài tập chạy gam sẽ rất hiệu quả giúp bạn củng cố kiến thức nhạc lý song song với thực hành. Đối với những bạn muốn học piano để đệm hát thì việc chạy gam là không thể thiếu ở mỗi buổi tập.

3. Duy trì lịch tập

Để việc luyện ngón có hiệu quả thì bạn cần duy trì lịch tập thường xuyên và đều đặn, song song với việc trau dồi kiến thức, kỹ năng mới.

Các bài tập có thể khá nhàm chán bởi âm thanh đơn điệu và tiết tấu dập khuôn, nhưng chắc chắn đây là phương pháp hiệu quả giúp bạn rèn luyện kỹ năng chơi đàn.

Dưới đây là một số bài luyện ngón piano đơn giản, dễ học, mời các bạn tham khảo:

– Bài 1:

Thuộc 5 nốt nhạc từ C – G, đây là những nốt nhạc trên bàn phím piano. Chúng tương ứng với 5 ngón tay của bạn và cũng là các nốt [Đô – Rê – Mi – Fa – Sol – La – Si với C – D – E – F – G A – B]. Bạn cần luyện nhiều lần để thành thao các nốt này, nhưng hãy nhớ các ngón tay cần phân phối lực tương đương để khi chơi các nốt nhạc có độ lớn âm thanh như nhau.

– Bài 2:

Bạn cần phải thật đúng tư thế khi luyện ngón. Đặc biệt không dùng một ngón tay để kéo từ phím này sang phím khác. Thay vào đó bạn hãy di chuyển chúng theo chuyển động thẳng của phím đàn một cách ổn định nhất.

– Bài 3:

Tốt nhất, bạn nên tập đánh trước trên các phím piano gần kề nhau rồi chuyển sang nhanh dần. Tức là bạn cần đánh lần lượt từng tay từ nốt trắng này sang nốt trắng khác, từ nốt trắng đến nốt đen rồi đi lên rồi đi xuống theo từng tay. Đây cũng giống như một cách để khởi động làm nóng ngón tay trước khi bắt đầu chơi đàn. Ngoài ra, bạn cũng nên luyện các ngón tay theo một bản nhạc.

– Bài 4:

Hãy bắt đầu với một bản nhạc đơn giản và luyện mỗi ngày với tốc độ nhanh dần đều, với từng tay rồi tới cả hai tay. Với cách này, bạn sẽ tự tạo cho bản thân một thói quen tốt để giúp tay mềm mại và điêu luyện hơn khi tập chơi đàn.

– Bài 5:

Bên cạnh đó có một cách luyện ngón piano rất hiệu quả nữa là chạy scale [hay còn gọi là chạy hợp âm hai bàn tay nối tiếp nhau trên các quãng của đàn piano]. Cụ thể hơn là khi bàn tay này vừa dứt đàn thì bàn tay kia nối tiếp luôn liền mạch. Ví dụ như: Tay trái bạn đã đánh C – E – G thì tay phải nối tiếp đánh C – E – G ở quãng trên nó, cứ như vậy hai tay nối nhau liên tiếp. Tất nhiên, khi bạn mới bắt đầu sẽ chỉ tập ở tốc độ chậm, nhưng nếu bạn chăm chỉ luyện tập mỗi ngày, tốc độ sẽ nhanh hơn trước rất nhiều.

– Bài 6:

Với một người mới bắt đầu làm quen với piano thì tập chuyển hợp âm hai tay trên cùng một bài hát cũng là một cách rất hữu ích. Cách làm này sẽ giúp bạn quen với việc di chuyển và nhớ các vị trí của hợp âm trên đàn piano. Bạn cũng đừng quên tập từ chậm đến nhanh với cách làm này nhé và tập từng tay hoặc hai tay từ hợp âm này tới hợp âm kia.

– Bài 7:

Tập các quãng đầy đủ [1 hoặc 2 quãng tám] trong khi tạo sự chuẩn bị cho ngón tay cái trước khi nó bắt đầu chơi. Ví dụ như ở thang điểm C, sau khi bạn chơi D đầu tiên bởi ngón trỏ tay phải thì hãy chuẩn bị trước ngón cái để nó sẵn sàng trên hoặc gần nốt F. Nếu tập thường xuyên và đúng cách, bài tập này sẽ giúp bạn loại bỏ hoàn toàn những va chạm khi chơi đàn, đồng thời giúp bạn chơi với tốc độ cao mà vẫn đảm bảo chính xác.

– Bài 8:

Hãy thử cách chơi hai nốt nhạc trong cùng 1 lúc. Ví dụ như ngón tay cái phải và ngón giữa đánh đồng thời, còn những ngón khác dừng lại. Với cách chơi này, điều quan trọng là phải cố định các ngón khác không hề bị tác động gõ xuống phím theo phản xạ. Bởi đây là một lỗi sai rất dễ mắc phải mà nếu để lâu sẽ khiến chúng ta khó kiểm soát.

Chủ Đề