Cách đánh giá 1 người có phẩm chất chính trị

Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm trong đổi mới hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay, theo đó việc giữ vững phẩm chất chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức trong phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là hết sức quan trọng, góp phần xây dựng bộ máy hành chính hoạt động hiệu quả và hướng tới một chính phủ kiến tạo - liêm chính - vì nhân dân. Việc tìm hiểu nhân tố tác động đến phẩm chất chính trị của cán bộ, công chức là cơ sở đề ra các giải pháp hữu hiệu để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có đủ tâm, tầm, trí trong tình hình mới.

.jpg] Ảnh minh họa: internet

Để giữ vững và rèn luyện phẩm chất chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức, phải có phương pháp đánh giá toàn diện phẩm chất, năng lực của họ cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống; trình độ, năng lực và phương pháp, tác phong công tác; trong đó, phẩm chất chính trị là yếu tố rất quan trọng, giữ vai trò chủ đạo, chi phối, định hướng các phẩm chất khác. Việc giữ vững phẩm chất chính trị giúp cán bộ, công chức có sức "đề kháng" cao và "miễn dịch" trước sự mua chuộc, "cám dỗ" của các thế lực thù địch, của mặt trái nền kinh tế thị trường và tiêu cực xã hội. Có tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ kể cả khó khăn, nguy hiểm; tâm huyết, tận tâm, tận tụy với nhiệm vụ được giao. Thực tiễn cho thấy, đa số cán bộ, công chức đều làm việc với tinh thần "vì nhân dân phục vụ", là "công bộc", là "đầy tớ" của nhân dân; luôn nêu cao ý thức trách nhiệm trong công việc, tích cực đổi mới phương pháp, tác phong công tác; tích cực, chủ động, sáng tạo, tự giác học tập, tu dưỡng, rèn luyện và nỗ lực phấn đấu, giúp lãnh đạo, chính quyền, đoàn thể, địa phương, cơ quan, đơn vị giải quyết kịp thời, có hiệu quả nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế, bất cập; chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ đất nước "chủ động và tích cực hội nhập, hợp tác quốc tế"[1] ngày càng sâu rộng hiện nay. Một trong những nguyên nhân cơ bản, chủ yếu của hạn chế, bất cập này là do cán bộ, công chức chưa vững vàng về phẩm chất chính trị, dẫn đến làm việc thiếu tích cực, thụ động, bảo thủ, trì trệ, quan liêu, mệnh lệnh; thờ ơ, vô cảm, hách dịch, nói không đi đôi với làm, “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”; tranh công đổ lỗi, đùn đẩy trách nhiệm, ứng xử thiếu văn hóa... dẫn đến hiệu quả công việc thấp, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và bộ máy chính quyền các cấp.

Kỹ năng làm việc của một bộ phận cán bộ, công chức chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu tính chuyên nghiệp. Năng lực nghiên cứu, xây dựng chính sách, pháp luật còn hạn chế, dẫn đến không ít văn bản vừa ban hành đã phải bãi bỏ hoặc sửa đổi vì có nhiều sai sót. Tư tưởng "bình quân chủ nghĩa", sự cạnh tranh thiếu lành mạnh trong nội bộ, hiện tượng ỷ lại, dựa dẫm, làm việc cầm chừng, thiếu linh hoạt, thiếu sáng tạo vẫn còn. Bên cạnh đó, một bộ phận cán bộ, công chức làm việc không đúng chuyên môn hoặc mới đáp ứng tiêu chí về văn bằng, chứng chỉ nhưng khả năng làm việc lại hạn chế.

Thực trạng phẩm chất chính trị của đội ngũ cán bộ, công chức nêu trên chịu sự tác động bởi một số nhân tố khách quan và chủ quan như sau:

1. Công tác quản lý, kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức; sự gương mẫu của người đứng đầu

Nếu mọi hoạt động của cán bộ, công chức luôn đặt dưới sự quản lý, kiểm tra chặt chẽ của lãnh đạo các cấp; bản thân cán bộ, công chức và người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, địa phương luôn nêu cao ý thức, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ sẽ mang lại hiệu quả cao trong công việc và ngược lại, khi nào công tác quản lý, kiểm tra bị buông lỏng, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ không được chú trọng, ý thức tự giác của cán bộ, công chức không cao thì hiệu quả công việc nơi đó thường thấp, dễ dẫn đến hiện tượng tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.

Trong công tác quản lý, kiểm tra cán bộ, công chức, việc quy định rõ chức trách, nghĩa vụ, quyền hạn đối với từng vị trí việc làm sẽ góp phần đánh giá đúng phẩm chất chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, năng lực chuyên môn và hiệu quả làm việc của họ; đồng thời, giúp cán bộ, công chức quán triệt và thực hiện tốt nhiệm vụ, chức trách được giao. Việc quản lý, kiểm tra cán bộ, công chức phải tiến hành toàn diện cả nơi làm việc và nơi cư trú, cả trong công việc cũng như cuộc sống hàng ngày; trong đó trọng tâm là quản lý chặt chẽ tình hình tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; tiến độ, chất lượng công việc và tình hình chính trị nội bộ; kiểm tra ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật, kỷ cương, văn hóa công sở và đạo đức nghề nghiệp; đồng thời, biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, có cách làm tốt, sáng tạo, hiệu quả, phương pháp, tác phong công tác phù hợp.

Đi đôi với tăng cường công tác quản lý, kiểm tra việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là một trong những yếu tố hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến phẩm chất chính trị của họ. Nếu làm tốt vấn đề này, việc bố trí, sử dụng cán bộ, công chức của cả hệ thống chính trị và từng cơ quan, đơn vị, địa phương sẽ đảm bảo đúng quy trình và tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực. Nếu coi việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức chỉ để đáp ứng mặt bằng kiến thức, tiêu chí bằng cấp thì không thể tạo ra được đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất, năng lực thực thi công vụ. Thực tế cho thấy, nếu chỉ quan tâm đến tăng, giảm biên chế hoặc phổ cập đủ tiêu chí bằng cấp mà không quan tâm đến chất lượng đào tạo, bồi dưỡng thì nguy cơ “chảy máu chất xám” ra khỏi cơ quan nhà nước là rất lớn. Kết quả thăm dò, nghiên cứu cho thấy: lương và thu nhập chưa phải là lý do cơ bản khiến người tài rời bỏ công vụ, mà là do không được bố trí, sử dụng công việc phù hợp và không đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của họ.

Đi đôi với việc quản lý, kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, sự gương mẫu và uy tín của người đứng đầu cũng tác động rất lớn đến phẩm chất chính trị của họ; nếu người đứng đầu gương mẫu sẽ ảnh hưởng tích cực, kích thích họ say mê làm việc và ngược lại, họ sẽ bất mãn, tiêu cực, mất niềm tin, làm việc cầm chừng, hiệu quả thấp. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền"[2]; bởi vậy, ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, Người đã nói tới những kẻ "vác mặt làm quan cách mạng", "miệng thì nói dân chủ, nhưng việc làm thì họ theo lối "quan chủ", miệng thì nói phụng sự quần chúng, nhưng "họ làm trái ngược với lợi ích quần chúng, trái ngược với phương châm và chính sách của Đảng và Chính phủ"[3].

2. Trình độ, kỹ năng, phương pháp và tác phong công tác

Đây là yếu tố tác động trực tiếp đến phẩm chất chính trị, chất lượng, hiệu quả làm việc của cán bộ, công chức. Trình độ của cán bộ, công chức thể hiện rõ nhất qua hiệu quả công việc khi được giao, nếu họ thực sự có trình độ thì khi nhận nhiệm vụ sẽ sớm đưa ra giải pháp hữu hiệu để thực hiện công việc đảm bảo chất lượng, tiến độ theo kế hoạch đã xây dựng. Kỹ năng làm việc của cán bộ, công chức thể hiện ở việc thiết kế, xây dựng và tổ chức thực hiện các công việc được giao, đảm bảo khoa học, chất lượng, hiệu quả. Việc đánh giá trình độ, kỹ năng làm việc của cán bộ, công chức phải bảo đảm toàn diện cả về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp, tác phong công tác; tinh thần, ý thức trách nhiệm trong công việc và sự phối hợp trong công tác, trong quan hệ với cấp trên, với đồng nghiệp và với nhân dân. Đối với những cán bộ, công chức giữ cương vị lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là người đứng đầu phải đánh giá kết quả, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương nơi người đó đảm nhiệm và uy tín, năng lực lãnh đạo, quản lý, khả năng tập hợp, đoàn kết cán bộ, công chức và quần chúng nhân dân.

Thực tế cho thấy, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức hạn chế về trình độ và kỹ năng làm việc, kiến thức lý thuyết, lý luận thiếu vững chắc, sự trải nghiệm thực tiễn, vốn sống còn ít; động cơ, thái độ làm việc thiếu tích cực, thiếu chủ động; đề cao chủ nghĩa cá nhân, chỉ nhìn thấy lợi ích trước mắt, lợi ích cục bộ mà chưa có tầm nhìn chiến lược và lợi ích lâu dài. Một bộ phận cán bộ, công chức làm việc theo chủ nghĩa kinh nghiệm, lười suy nghĩ, sao chép máy móc dẫn tới giải quyết công việc hiệu quả thấp, thiếu tính cập nhật. Tình trạng không tập trung làm việc chuyên môn, chỉ quan tâm giải quyết các mối quan hệ để thăng tiến vẫn còn. Thêm vào đó, còn một bộ phận cán bộ, công chức chưa có ý thức, thái độ, trách nhiệm cao đối với nhiệm vụ; mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp về tinh thần, thái độ phục vụ của họ còn thấp. Trong xử lý công việc còn thể hiện kiểu ban ơn, xin - cho; làm việc quan liêu, hách dịch, xa dân...

3. Công tác đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm

Đây là nhân tố rất quan trọng và nhạy cảm, tác động rất lớn đến phẩm chất chính trị của cán bộ, công chức. Nếu thực hiện không tốt sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức mạnh của đội ngũ cán bộ, công chức. Đòi hỏi phải đánh giá khách quan, công tâm, đề bạt, bổ nhiệm đúng người, đúng việc; nếu đánh giá cán bộ, công chức theo kiểu cào bằng sẽ không khuyến khích được tinh thần làm việc hăng say, nhiệt tình, trách nhiệm, không phát huy hết chất xám, khả năng, sở trường, thế mạnh của họ. Bởi vậy, trong đánh giá cán bộ, công chức cần phải phân loại theo các mức độ từ giỏi đến trung bình và yếu kém để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, kèm cặp, giúp đỡ họ. Như vậy, phải có tiêu chí đánh giá cụ thể thì mới tránh được tình trạng đánh giá hời hợt, cảm tính hoặc chỉ có định tính mà không rõ định lượng, làm tốt vấn đề này sẽ kích thích lòng nhiệt huyết, sự say mê cống hiến và tạo động lực tích cực để cán bộ, công chức làm việc hết mình.

Đi đôi với đánh giá đúng, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức phải dựa trên cơ sở phẩm chất, năng lực, chuyên môn đào tạo, sự trải nghiệm thực tiễn công tác và hiệu quả thực hiện nhiệm vụ của họ; trong đó, đi đôi với yêu cầu cao về trình độ năng lực thì yêu cầu về phẩm chất chính trị, đạo đức là yếu tố quan trọng hàng đầu. Trong đề bạt, bổ nhiệm phải tuân thủ đúng quy trình, công tâm, khách quan, công khai và công bằng, vì việc mà bố trí người cho phù hợp. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa làm tốt việc đánh giá cán bộ; còn hình thức, cào bằng, chung chung, cảm tính; vẫn còn hiện tượng người làm nhiều, năng lực tốt nhưng thẳng thắn thường hay va chạm đôi khi không được đánh giá cao; ngược lại, người nói hay, nói nhiều nhưng làm ít thì ít va chạm lại được đánh giá cao… Trong bố trí cán bộ, công chức ở một số nơi không đúng chuyên môn được đào tạo, có tình trạng một việc nhiều người làm hay một người phải làm nhiều việc, nơi thừa, nơi thiếu, dẫn đến không khuyến khích được cán bộ, công chức nỗ lực cống hiến trong công việc mà còn làm thui chột tài năng, kìm hãm sự cống hiến, phấn đấu của họ.

Như vậy, nhân tố đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ, công chức giữ vai trò rất quan trọng, tác động trực tiếp đến tư tưởng chính trị, tình cảm, niềm tin, ý chí phấn đấu và động cơ làm việc của cán bộ, công chức. Để thực hiện tốt vấn đề này, đòi hỏi việc đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ phải tiến hành đồng bộ, khoa học, đúng quy trình, công khai, dân chủ, khách quan, minh bạch; chấp hành nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có cơ cấu, số lượng hợp lý và chất lượng cao; gắn đánh giá, đề bạt, bổ nhiệm với yêu cầu công việc thực tế của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị, bảo đảm có nguồn kế cận, kế tiếp và các độ tuổi để không hẫng hụt về số lượng, cơ cấu, độ tuổi…

4. Môi trường làm việc

Môi trường làm việc lành mạnh sẽ góp phần đẩy lùi những tác động tiêu cực của môi trường xã hội vào cơ quan, đơn vị; đồng thời, tạo ra bầu không khí dân chủ, cởi mở, gắn bó giữa những đồng chí, đồng nghiệp với nhau. Môi trường làm việc tốt là nơi có sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo, quản lý đối với cán bộ, công chức cả về chế độ, chính sách đãi ngộ đến cơ hội thăng tiến cho họ; đồng thời, động viên, khuyến khích họ hăng say, nhiệt tình, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Do vậy, nếu môi trường làm việc thiếu tính minh bạch, thiếu công khai, mất dân chủ sẽ làm thui chột tính tích cực, sáng tạo và cống hiến của cán bộ, công chức. Nếu việc thực hành dân chủ chưa thường xuyên, chưa trở thành nền nếp, vẫn còn hiện tượng áp đặt, gia trưởng, tham nhũng, tự do vô tổ chức, coi thường kỷ luật, kỷ cương thì sẽ dẫn tới việc cán bộ, công chức không phát huy cao tinh thần trách nhiệm, thui chột tài năng hoặc thủ tiêu đấu tranh trong nội bộ cơ quan, đơn vị, địa phương.

Do vậy, môi trường làm việc lành mạnh có vai trò rất quan trọng, là nơi nuôi dưỡng, ươm mầm những tài năng, sự say mê công tác, cống hiến trí tuệ, sức lực cao nhất của cán bộ, công chức vào nhiệm vụ; nơi đó cán bộ, công chức giao tiếp, ứng xử với đồng chí, đồng nghiệp, với nhân dân thực sự thể hiện tầm cao của văn hóa giao tiếp; đồng thời, lấy uy tín đối với tập thể, mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp là một trong những tiêu chí đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ và xem xét đề bạt, bổ nhiệm, khen thưởng cán bộ, công chức.

5. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và xã hội

Những thành tựu đạt được qua hơn 30 năm đổi mới đất nước có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, vào sự thắng lợi của con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, giúp cán bộ, công chức yên tâm công tác, tự giác học tập, tu dưỡng rèn luyện, trau dồi phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống. Bên cạnh những thành tựu đạt được, Đảng ta cũng chỉ ra hạn chế, khuyết điểm đó là: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn”[4]. Thực tế cho thấy, lối sống thực dụng đã len lỏi vào môi trường làm việc của cán bộ, công chức ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương, dẫn đến hiện tượng chủ nghĩa cá nhân, đặt mục tiêu hưởng thụ trước cống hiến, sống thờ ơ, vô cảm. Bên cạnh đó, chất lượng đấu tranh phòng, chống tham nhũng của một số bộ, ngành, địa phương chưa cao; sự tu dưỡng, rèn luyện về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, công chức còn hạn chế.

Bên cạnh đó, sự chống phá quyết liệt của các thế lực thù địch đối với Đảng và Nhà nước cũng là một trong những nhân tố tiêu cực tác động đến phẩm chất chính trị của cán bộ, công chức. Thông qua âm mưu “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” nội bộ ta của các thế lực thù địch; đặc biệt, chúng lợi dụng mạng xã hội để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối của Đảng, nói xấu, bôi nhọ hình ảnh Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cường điệu hóa các hiện tượng tiêu cực, tham nhũng… Trước tình hình đó, chúng ta cần phải tăng cường rèn luyện và nâng cao cảnh giác cho cán bộ, công chức, bởi sinh thời V.I. Lênin từng chỉ rõ: “Không ai có thể tiêu diệt được chúng ta, ngoài những sai lầm của bản thân chúng ta. Toàn bộ vấn đề là chữ “nếu” này. Nếu chúng ta do sai lầm mà gây ra sự chia rẽ thì tất cả sẽ sụp đổ,...”[5].

Những nhân tố tác động đến phẩm chất chính trị của cán bộ, công chức hiện nay có cả mặt tích cực và tiêu cực, đòi hỏi chúng ta phải có giải pháp hữu hiệu để phát huy sự ảnh hưởng tích cực, hạn chế đến mức tối thiểu hoặc vô hiệu hóa sự ảnh hưởng tiêu cực của các nhân tố đó, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thông về nghiệp vụ; mềm dẻo, linh hoạt trong xử lý công việc nhưng giữ vững nguyên tắc; nhanh nhạy trong nhận diện, dự báo và xử lý, giải quyết kịp thời, đúng đắn, hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra.

ThS. Nguyễn Đăng Tuyên - Học viện Khoa học Quân sự

------

Ghi chú:

[1], [4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb CTQG, H.2016, tr.313, tr. 185.

Chủ Đề