Cách nấu trà hoa cúc táo đỏ

Trà hoa cúc là một thức uống quen thuộc trong văn hóa ẩm thực Việt Nam. Tuy nhiên không phải ai cũng biết nên uống trà hoa cúc khi nào là tốt, những ai không nên uống trà hoa cúc để vừa có thể thanh tâm, giải nhiệt nhưng vẫn có thể bảo vệ sức khỏe của bản thân. Bài viết này sẽ giải đáp các thắc mắc đó cho các bạn đấy.

Trà hoa cúc thanh nhiệt

1. Trà hoa cúc là gì? 

Trà hoa cúc hay còn gọi là trà bông cúc là một món thức uống thanh tao, đầy thi vị với thành phần chủ yếu là hoa cúc khô. Hoa cúc được dùng làm trà có tên khoa học là Chrysanthemum Indicum, họ Asteraceae. Theo nhiều nghiên cứu, loại hoa cúc này có vị đắng, cay, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, giải độc, bổ não và chữa suy nhược thần kinh.

Bình thường, trà hoa cúc được pha rất đơn giản là dùng hoa cúc khô bỏ vào trong nước nóng ở nhiệt độ tầm 90-95°C rồi chờ khoảng 5 phút là có thể đem ra uống. Đôi khi người ta còn có thể cho thêm mật ong, táo đỏ hoặc kỷ tử vào nấu cùng với hoa cúc khô tạo nên một món thức uống đậm đà, mới lạ. 

2. Thành phần của trà hoa cúc

Trong bài viết này sẽ giới thiệu đến các bạn món Trà hoa cúc, táo đỏ cùng kỷ tử nhé. Sau đây là các thành phần chủ yếu trong món thức uống này:

  • Hoa cúc khô: Đây chắc hẳn là một nguyên liệu không quá xa lạ với mọi người nhưng ít ai biết những công dụng tuyệt vời của loại thực vật này. Hoa cúc trong Đông y không những có tác dụng giải cảm, giải nhiệt, tiêu độc, nhuận gan, làm dịu mẫn đỏ do nóng trong người mà còn trị mất ngủ, hạ huyết áp, ngăn ngừa ung thư và cải thiện sức khỏe cho đôi mắt nữa đấy.
  • Táo đỏ [hay còn gọi là đại táo, táo tàu]: Nếu ai đã từng ăn sâm bổ lượng hay ăn món canh gà hầm thuốc bắc chắc đã quá quen thuộc với loại thực phẩm này rồi nhỉ. Táo đỏ trong Đông y có vị ngọt, tính ôn, có tác dụng bổ trung ích khí, dưỡng huyết an thần, hòa hoãn dược tính. Ngoài ra, theo khoa học, táo đỏ còn chứa nhiều loại vitamin và khoáng chất tốt cho cơ thể như vitamin A, vitamin B2, vitamin C, calcium, phosphorous và iron nữa đấy các bạn ạ.
  • Kỷ tử hay còn gọi là Câu khởi, Khởi tử, Địa cốt tử, Quả kỷ tử, có vị ngọt, tính bình, có tác dụng tư bổ can thận, sinh tinh huyết, minh mục, nhuận phế. Kỷ tử còn có thể giúp giảm cân, chống trầm cảm, hỗ trợ cho gan trong quá trình thải độc, từ đó giúp chúng ta tăng cường hệ miễn dịch và đẹp da. Đặc biệt trong quả kỷ tử có chứa chất zeaxanthin, một chất chống oxy hóa được biết đến với những lợi ích tuyệt vời cho đôi mắt đấy nhé.

3. Có bao nhiêu loại trà hoa cúc

Hoa cúc bình thường có khoảng 13.000 loại khác nhau nhưng loại hoa cúc được sử dụng để làm trà hoa cúc thì chủ yếu có hai loại đó là hoa cúc trắng [Chrysanthemum morifolium] và hoa cúc vàng [Chrysanthemum indicum]

2 loại hoa cúc khô

4. Cách sao trà hoa cúc

Cách sao trà hoa cúc

Trà hoa cúc bắt nguồn được sử dụng cho tầng lớp quý tộc thời nhà Tống, cho đến sau này trà hoa cúc mới được sử dụng rộng rãi ở các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Triều Tiên,… và ở cả Việt Nam. 

Hoa cúc hiện nay được trồng ở khắp nơi trên đất nước ta. Mùa thu chính là mùa hoa cúc nở rộ và cũng là mùa thu hoạch hoa cúc. Hoa cúc sau khi thu hoạch sẽ được đem sấy hoặc phơi khô, sau khi sẽ được bảo quản cẩn thận ở nơi khô ráo, tránh để cho hoa khô bị ẩm mốc.

5. 15 công dụng tuyệt vời của trà hoa cúc

Qua những công dụng của từng nguyên liệu trên, chúng ta có thể thấy trà hoa cúc, táo đỏ, kỷ tử có rất nhiều tác dụng cho cơ thể của chúng ta. Sau đây là 15 tác dụng tuyệt vời của trà hoa cúc, chúng ta cùng điểm qua nhé!

5.1 Giải nhiệt:

Những người thường xuyên bị nhiệt, nóng bức do làm việc trong môi trường chật hẹp, như văn phòng, công xưởng… thì việc uống trà hoa cúc rất tốt. Nó sẽ giúp cho những đối tượng này giải nhiệt cơ thể. Ngoài ra, khi kết hợp loại trà này với trà xanh và hoa hòe còn có tác dụng tăng cường sức đề kháng, thanh nhiệt, giải độc, làm sáng mắt, giúp phòng ngừa và chữa trị chứng nhức đầu do sốc nhiệt.

5.2 Giải cảm, điều trị cảm lạnh:

Tạp chí sức khỏe Natural Health đã từng đề cập rằng các thầy thuốc cổ truyền Trung Quốc đã sử dụng trà hoa cúc để chữa phong hàn hoặc cảm lạnh kèm sốt cao, sưng tấy và nhức đầu. Do hoa cúc có tính mát nên chúng được ứng dụng trong việc hạ sốt rất hiệu quả.

5.3 Tiêu độc, nhuận gan:

Trà hoa cúc có tác dụng giải độc gan và thanh lọc cơ thể. Khi kết hợp với bồ công anh và hoa kim ngân nó sẽ giúp bạn tiêu độc, nhuận gan, chữa mụn nhọt và ghẻ ngứa. 

5.4 Cải thiện sức khỏe tim mạch:

Chất flavones có nhiều trong hoa cúc là một lớp chất chống oxy hóa, có khả năng làm giảm huyết áp và mức cholesterol, là những dấu hiệu quan trọng của nguy cơ mắc bệnh tim ở người bình thường. Bên cạnh đó, các nghiên cứu gần đây còn cho thấy chất chống oxy hóa trong hoa cúc khá công hiệu trong việc điều trị chứng đau thắt ngực hoặc làm dịu những cơn đau ngực xuất phát từ bệnh động mạch vành.

5.5 Kiểm soát đường huyết:

Nghiên cứu chỉ ra rằng trong trà hoa cúc có chứa các hợp chất có tác dụng phòng ngừa sự tiến triển của bệnh tiểu đường, từ đó giúp kiểm soát hàm lượng đường huyết ở người bình thường và cả những bệnh nhân bị bệnh tiểu đường. 

5.6 Hỗ trợ tiêu hóa:

Những ai thường bị trướng bụng, đầy hơi, khó tiêu hoặc các rối loạn liên quan đến hệ tiêu hóa thì nên thử uống loại trà này, nó sẽ đem đến cho bạn hiệu quả không ngờ đấy.

Trà hoa cúc có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa

5.7 Hỗ trợ điều trị chứng lo âu:

Trà hoa cúc còn có tác dụng làm dịu hệ thần kinh trung ương, từ đó giúp cho tâm trí của bạn được thư giản, giảm lo âu, căng thẳng.

5.8 Làm dịu mẫn đỏ do nóng trong người:

Theo Đông y, khi cơ thể bị nhiệt sẽ dễ dẫn đến phát ban. Vì vậy, với công dụng giải nhiệt, giải độc, loại trà thảo dược này có thể được sử dụng để điều trị ban đỏ, làm dịu các nốt mẫn đỏ trên da.

5.9 Cải thiện sức khỏe đôi mắt:

Đôi mắt được mệnh danh là cửa sổ tâm hồn nên chúng ta cần phải thật cẩn thận chăm sóc đôi mắt để chúng được khỏe mạnh. Khi hoa cúc được kết hợp với kỷ tử thì công dụng với đôi mắt lại càng được nâng cao. Đối với những ai thường xuyên phải làm việc với máy tính hoặc đọc sách quá nhiều, xem ti vi nhiều giờ liền, mắt rất dễ bị đau, khô, mỏi hoặc đỏ thì việc uống trà hoa cúc sẽ giúp bạn cải thiện thị lực, bảo vệ sức khỏe cho đôi mắt của bạn.

5.10 Ngăn ngừa ung thư:

Tại Mỹ người ta đã nghiên cứu và phát hiện ra rằng chất apigenin trong trà hoa cúc có tác dụng ngăn ngừa tế bào ung thư lan rộng và giúp các thuốc trị ung thư phát huy tác dụng hơn, chống lại các tế bào ung thư, đặc biệt là các tế bào vú, đường tiêu hóa, da, tuyến tiền liệt và tử cung. Ngoài ra, nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người uống trà hoa cúc hàng ngày có nguy cơ mắc ung thư thấp hơn. Khi bạn thường xuyên dùng trà hoa cúc,  các khối u ung thư sẽ có thể được thu nhỏ cũng như ngăn chặn sự tấn công của bệnh tuyến giáp.

5.11 Trị mất ngủ, hạ huyết áp:

Trà hoa cúc có tác dụng làm giảm huyết áp và ngăn ngừa các triệu chứng liên quan như chóng mặt, mất ngủ và nhức đầu. Đây là loại thảo dược được mệnh danh là liều thuốc ngủ tự nhiên cùng với tác dụng làm dịu bớt căng thẳng thần kinh, món thức uống này sẽ giúp bạn ngủ ngon hơn.

5.12 Chữa đau bụng kinh:

Trong thời kỳ “đèn đỏ”, chắc hẳn ai cũng từng trải qua cảm giác đau bụng khó chịu đúng không nào. Vậy thì sao bạn không thử uống 1 tách trà hoa cúc ngay đi nào. Loại trà thảo dược này có tác dụng làm tăng hoạt chất giúp giảm co thắt cơ tử cung, từ đó làm dịu các cơn đau bụng kinh khó chịu

5.13 Tăng cường miễn dịch:

Tính kháng khuẩn có trong hoa cúc giúp tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, từ đó kích thích sản sinh các tế bào chống lại bệnh tật, cũng như giúp cho các cơ quan bên trong cơ thể chống lại nhiễm trùng.

5.14 Giảm đau đầu:

Vì có tác dụng làm dịu các cơn căng thẳng thần kinh nên trà hoa cúc cũng sẽ giúp bạn giảm bớt các cơn đầu do stress nữa nhé.

Trà hoa cúc làm dịu các cơ đau đầu

5.15 Làm đẹp da:

Việc uống trà hoa cúc là một trong những phương pháp làm trẻ hóa làn da ở nữ giới, đây được biết đến là một biện pháp vừa đơn giản lại mang lại hiệu quả không hề nhỏ về sức khỏe cho làn da. Trong hoa cúc có nhiều chất Beta-carotene – tham gia vào quá trình trao đổi chất và duy trì sức khỏe ổn định, tái tạo làn da. Chất này cũng phân hủy thành vitamin A để mang nhiều lợi ích khác nhau cho da. Để làm giảm nếp nhăn và tình trạng da xỉn màu thì uống trà hoa cúc hoặc sử dụng nó trên da của bạn cũng rất có hiệu quả, đồng thời nó còn  giúp giảm sự đổi màu da, loại bỏ bọng mắt. Ngoài ra bạn có thể dùng hoa cúc kết hợp với nấm phục linh để giúp sắc mặt tươi tắn hơn với làn da sáng mịn.

5. Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Hoa cúc khô: 10g – 20g [tùy theo sở thích]
  • Táo đỏ: 50g
  • Kỷ tử: 30g
  • Đường phèn: 400g [có thể gia giảm tùy theo khẩu vị nhé]
  • Nước lọc: 2 lít
    Nguyên liệu nấu trà hoa cúc

6. Sơ chế các nguyên liệu

  • Hoa cúc rửa sạch để lọc bỏ cặn và cát, tránh việc khi nấu sẽ bị cặn quá nhiều dưới đáy nồi nhé
    Hoa cúc trắng phơi khô
  • Táo đỏ rửa sạch ngâm khoảng 10 phút cho mềm rồi cắt bỏ hạt táo. Bước này sẽ giúp cho việc nấu trà ra những dưỡng chất trong táo nhanh hơn nha
    Táo đỏ bỏ hạt
  • Kỷ tử cũng đem rửa cho sạch bụi
    Kỷ tử rửa sạch

7. Các bước thực hiện

  • Chuẩn bị 1 cái nồi to vừa, cho táo đỏ kỷ tử vào nồi. Sau đó đổ 2 lít nước lọc đã chuẩn bị ở trên vào cùng, rồi bắc lên bếp nấu với lửa lớn.
  • Khi nồi nước đã sôi thì vặn nhỏ lửa lại để táo đỏ và kỷ tử từ từ ra hết dưỡng chất bên trong.
  • Nấu sôi như vậy khoảng 30 phút thì cho hoa cúc đã rửa sạch vào.
  • Lúc này bạn nấu thêm từ 5 đến 10 phút nữa cho hương thơm của hoa cúc ngấm vào nước.
  • Tiếp đó thì cho đường phèn vào. Lượng đường phèn có thể tăng giảm tùy theo khẩu vị của mỗi người nhé
    Nồi trà hoa cúc đã hoàn thành
  • Như vậy là đã hoàn thành một nồi nước trà hoa cúc thơm ngon rồi. Bạn có thể cho trà vào bình, gạn bỏ bã và để uống dần.
    Bình trà hoa cúc xinh xắn

8. Nấu trà hoa cúc cần chú ý điều gì?

  • Hoa cúc khô có vị hơi nhẫn và đắng nên bạn không nên cho quá nhiều hoa cúc vào nấu, bạn có thể tự điều chỉnh lượng bông cúc sao cho phù hợp với khẩu vị của gia đình.
  • Khi nấu trà, không nên nấu hoa cúc quá lâu sẽ dễ làm cho nồi trà bị đắng nhé.
  • Với món thức uống này, mình khuyên các bạn nên sử dụng đường phèn vàng thay vì đường cát. Vì đường phèn có vị thanh ngọt và dịu mát hơn đường cát nên khi kết hợp để nấu món trà này sẽ gia tăng cảm giác ngọt lành hơn, tăng tác dụng giải nhiệt mùa hè hơn nha.
  • Trà hoa cúc có thể dùng nóng hoặc dùng lạnh. Nếu dùng lạnh thì bạn nên đem bình trà bỏ vào tủ lạnh để uống dần chứ không nên thêm đá vào uống vì sẽ làm trà bị nhạt, không ngon và đậm đà nữa.

9. Nên uống trà hoa cúc khi nào?

  • Trà hoa cúc thích hợp uống sau khi ăn nhiều dầu mỡ 4 đến 6 giờ đồng hồ để hỗ trợ cơ thể tiêu hóa lượng mỡ đó, giúp giảm cảm giác đầy hơi, khó tiêu sau khi ăn. 
  • Ngoài ra, sau khi vận động ra nhiều mồ hôi, cơ thể bị mất nước và dễ gây cảm giác chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi. Do đó, việc uống trà hoa cúc lúc này sẽ giúp cơ thể của các bạn được bù nước và giảm nồng độ máu cũng như giảm sự đau nhói của các bắp thịt do việc vận động quá mức gây nên.
  • Sau khi ăn mặn: Sau khi bạn dung nạp nhiều thực phẩm có vị mặn thì hàm lượng muối trong cơ thể của bạn sẽ tăng cao, việc uống 1 ly trà hoa cúc sẽ giúp cơ thể bạn trung hòa lượng muối đó và nhanh chóng bài tiết lượng muối thừa ra khỏi cơ thể. Bên cạnh đó, việc uống trà hoa cúc thường xuyên sẽ giúp bạn giảm nguy cơ mắc ung thư.
  • Tuy nhiên, các bạn không nên uống trà hoa cúc táo đỏ kỷ tử vào lúc bụng đang đói. Vì uống vào lúc này cơ thể rất dễ bị hạ đường huyết, làm dịch vị bị biến đổi và đau dạ dày.
  • Không được dùng trà hoa cúc để uống thuốc: Chất axit tannic có trong trà có thể tạo ra phản ứng hóa học với một số chất có trong thuốc [chẳng hạn như viên sắt sulfate, berberine,…] tạo nên kết tủa, gây ảnh hưởng đến sự hấp thụ thuốc cũng như tác dụng của thuốc. Còn nếu uống thuốc an thần [như phenobarbital …] bằng nước trà hoa cúc thì chất caffeine và theophylline trong trà cùng các chất kích thích khác sẽ làm cho thuốc an thần bị giảm bớt, hoặc mất tác dụng.

10. Những người nào không nên uống trà hoa cúc?

  • Phụ nữ mang thai nên cẩn thận khi sử dụng trà hoa cúc bởi loại thảo dược này có thể tác động tới bào thai trong bụng, gây đầy hơi, trướng bụng, hệ miễn dịch suy giảm và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.
  • Người có cơ địa thể hàn, dạ dày lạnh hoặc luôn sợ lạnh, tay chân lạnh ngay cả trong mùa hè, người có hệ miễn dịch kém cũng không nên uống loại thảo dược này.
  • Đặc biệt, những bạn nào có cơ địa dễ bị say trà cũng không nên uống nhé, vì sẽ dễ có cảm giác hoa mắt, bồn chồn và khó chịu trong người đó.

Như vậy là mình đã hướng dẫn xong cho các bạn cách làm món thức uống có tên trà hoa cúc táo đỏ kỷ tử rồi. Trong những ngày hè nắng nóng hay những lúc bị căng thẳng trong công việc, trong cuộc sống, bản thân mình thường hay nấu món trà này cho gia đình thân yêu của mình để cùng nhau nói chuyện, tâm sự, giải tỏa stress hoặc đơn giản là nhâm nhi một ly trà hoa cúc thơm thế này với một miếng bánh quy hay bánh trung thu cũng rất thích hợp nha các bạn.

Với một công thức đơn giản cùng nguyên liệu dễ tìm như trên, hi vọng các bạn sẽ có thể thực hiện món thức uống ngon lành này cho chính gia đình mình, cùng người mình yêu thương trải qua những khoảnh khắc hạnh phúc và bình yên của cuộc sống nhé!

Chúc các bạn thành công!

1268 views

Share FacebookTwitterPin It

Video liên quan

Chủ Đề