Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với Đông Nam a

X

This site uses cookies. By continuing, you agree to their use. Learn more, including how to control cookies.

Trần Hoàng

Sau chiến tranh lạnh, khu vực Đông Nam Á, nơi mà sau năm 1975, “một khoảng trống quyền lực” xuất hiện, sau khi Mỹ kết thúc chiến tranh ở Việt Nam, Liên Xô đang từng bước sụp đổ. Phía bắc Trung Quốc khi ấy là Liên Xô [sau này là nước Nga], phía đông bắc là Nhật Bản và Hàn Quốc, cho nên Đông Nam Á là nơi lựa chọn số một của Trung Quốc để mở rộng ảnh hưởng của mình, thực hiện bá quyền thế giới, ngang tầm hoặc vượt Mỹ. Đông Nam Á là nơi có tiềm lực về mọi mặt, đặc biệt tài nguyên đa dạng và phong phú, là thị trường tiêu thụ rộng lớn cho nền sản xuất lớn ở Trung Quốc.

2.1. Bối cảnh quốc tế và khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc.

Chiến tranh lạnh kết thúc bằng sự sụp đổ của Liên Xô và hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu, thế hai cực Ianta bị phá vỡ, Mỹ là cực duy nhất còn lại. Tuy nhiên, thế một cực của Mỹ chỉ duy trì trong một thời gian ngắn, bởi sự vươn lên mạnh mẽ của các nước như Nhật Bản, Trung Quốc, Liên minh Châu Âu đã làm diễn biến quan hệ quốc tế thay đổi. Xu thế hòa hoãn, hòa bình, mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế trở thành chiến lược hàng đầu của hầu hết các nước trên thế giới đã kéo các nước lại gần nhau hơn, cùng hợp tác phát triển. Thế một cực của Mỹ dần biến mất, thay vào đó là đa cực, đa phương hóa. Các nước tiến hành đổi từ đối đầu sang đối thoại, cạnh tranh trong kinh tế thay cho chạy đua vũ trang.

Đến năm 1991, các nước trong khu vực Đông Nam Á sau khi giành được độc lập đã bắt đầu tiến hành xây dựng kinh tế, xã hội. Thiết lập tổ chức ASEAN vào ngày 8/8/1967 nhưng phải đến năm 1991 khi Thái Lan đề phát thành lập ‘Khu vực thương mại tự do” thì khối mậu dịch ASEAN mới hình thành, gồm 5 thành viên đầu tiên là Thái Lan, Indonesia, Singapore, Philipines, Malaysia. Đến hiện tại tổng số thành viên là 10 quốc gia, với sự tham gia của Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, Brunay. Các nước trong khu vực Đông Nam Á đang cùng nhau xây dựng kinh tế và bảo đảm an ninh khu vực.

Về phía mình, Trung Quốc mong muốn vươn lên trở thành bá chủ thế giới với nền kinh tế phát triển, tìm kiếm thị trường tiêu thụ rộng lớn, phát triển đất nước theo chiến lược đề ra. Chính những bối cảnh như vậy đã tác động đến chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc sau chiến tranh lạnh.

2.2. Chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc sau chiến tranh lạnh.

2.2.1. Quan điểm của Trung Quốc về khu vực Đông Nam Á sau chiến tranh lạnh và sự thiết lập quan hệ song phương và đa phương.

Về phương diện an ninh, Đông Nam Á là nơi Trung Quốc có các lợi ích an ninh trực tiếp. Nước này chia sẻ biên giới chung trên bộ với ba nước Đông Nam Á lục địa là Việt Nam, Lào và Myanmar. Trên biển, Trung Quốc tiếp giáp với Việt Nam và Philippines. Mọi biến động chính trị theo hướng tiêu cực ở Đông Nam Á đều có thể khiến cho an ninh của Trung Quốc ở phía Nam, Tây Nam và Đông Nam bị ảnh hưởng. Do vậy, duy trì môi trường hòa bình, an ninh ở Đông Nam Á là phù hợp với lợi ích an ninh của Trung Quốc.

Về phương diện kinh tế, Đông Nam Á là một thị trường rộng lớn với gần 500 triệu dân có mức sống ngày càng cao. Nếu thiết lập được quan hệ tốt với ASEAN, tổ chức hợp tác khu vực của 6 nước Đông Nam Á và đang trong quá trình mở rộng để đón nhận các thành viên mới trên bán đảo Đông Dương, Trung Quốc sẽ có điều kiện thuận lợi hơn để tiếp cận thị trường rộng lớn này. Hiện nay, ASEAN gồm 10 thành viên. Ngoại trừ Singapo, thì các nước còn lại đều là những nước giàu tài nguyên thiên nhiên, nhất là các tài nguyên Trung Quốc có ít hoặc đang cạn kiệt [dầu mỏ, các loại khoáng sản như than, thiếc, đồng, bauxite…]. Nền nông nghiệp nhiệt đới của Đông Nam Á có thể là nguồn nguyên liệu dồi dào cung cấp cho ngành chế biến thực phẩm đang rất phát triển ở Trung Quốc. Trên vùng biển Đông Nam Á có các tuyến giao thông hàng hải nhộn nhịp vào loại bậc nhất thế giới. Thông qua các con đường này, Trung Quốc xuất khẩu hàng hóa ra bên ngoài và chuyên chở hàng hóa nhập khẩu phục vụ cho nhu cầu sản xuất trong nước. Quan hệ hữu nghị và tin cậy lẫn nhau giữa Trung Quốc với ASEAN sẽ là đảm bảo vững chắc cho dòng vốn của người Hoa và Hoa kiều chảy vào nền kinh tế Hoa lục. Đây là một khu vực, ở bất kì quốc gia nào cũng có người Hoa sinh sống, tuy chỉ chiếm 10% ở mỗi nước, nhưng người chiếm 80% tài sản xã hội của khu vực này. Từ khi Trung Quốc tiến hành mở cửa, vốn đầu tư của ASEAN [chủ yếu là Hoa Kiều].

Về phương diện chiến lược, Đông Nam Á đóng một vị trí quan trọng trong chiến lược vươn lên thành cường quốc toàn cầu của Trng Quốc. Tại Hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 3 [khoá 11] cuối năm 1978, chiến lược phát triển của Trung Quốc trong vòng 70 năm, từ 1980 đến 2050 đã được thông qua. Chiến lược này gồm 3 bước.

Điều họ mong muốn là vị thế của một cường quốc toàn cầu, vượt Mỹ hay ít nhất là có thể sánh ngang hàng với Mỹ. Để có được sự thừa nhận này, Trung Quốc cần xác lập được một khu vực ảnh hưởng riêng. Trong những khu vực xung quanh Trung Quốc, chỉ ở Đông Nam Á, Trung Quốc mới tìm thấy những điều kiện thuận lợi để thực hiện được mục tiêu đó.

Với những quan điểm như vậy, Trung Quốc dần dần thiết lập các mối quan hệ song phương và đa phương với các nước Đông Nam Á. Quan hệ Trung Quốc với ASEAN thực tế được thiết lập năm 1996, nhưng mãi tới năm 2001 mới có những bước tiến. Trước đó, Trimg Quốc là thành viên ARF năm 1994, là đối tác đối thoại ASEAN năm 1990. Mối quan hệ phát triển kể cả bề rộng chiều sâu, từ “Mối đe dọa Trung Quốc” chuyển sang “cơ hội Trung Quốc” và Biển Đông tạm trở nên “đỡ nóng”. ASEAN và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ Đối tác Chiến lược vì Hòa bình và An ninh vào năm 2003.

2.2.2. Chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc sau chiến tranh lạnh.

Tham vọng bành trướng của Trung Quốc đã có từ rất lâu, đặc biệt là sau chiến tranh lạnh, với sự sụp đổ của Liên Xô, Trung Quốc cố gắng trở thành một cực đối đầu với Mỹ trong tất cả các lĩnh vực, với mong muốn ngang Mỹ hoặc vượt Mỹ. Để thực hiện tham vọng của mình, Trung Quốc từng bước xây dựng sự ảnh hưởng của mình đến các khu cực châu Á hay châu Phi. Trong đó, khu vực Đông Nam Á trở thành mục tiêu quan trọng của chính sách bành trướng của Trung Quốc.

Đầu tiên, Trung Quốc muốn biến Đông Nam Á thành thị trường kinh tế riêng của mình. Tiếp sau đó là từng bước chi phối nền kinh tế của khu vực này, tạo sự lệ thuộc vào Trung Quốc. Cuối cùng là đi đến chi phối về mặt chính trị. Biến các nước Đông Nam Á thành đồng minh của mình. Phá thế bao vây của Mỹ, tranh giành thị trường với Nhật Bản, phục vụ cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Từ sau chiến tranh lạnh, nhất là những năm đầu thế kỉ XXI, Trung Quốc đã hình thành nên chính sách láng giềng. Đây là chính sách lấy Đông Nam Á là trung tâm của sự phát triển. Chính sách này là sự kế thừa chính sách ngoại giao toàn phương vi, ngoại giao “ẩn mình chờ thời cơ” của Đặng Tiểu Bình, lý luận đa cực hóa, đa phương hóa của Giang Trạch Dân, chính sách “trỗi dậy hòa bình” của Hồ Cẩm Đào. Chính sách láng giếng được đề ra gần đây đã xem trọng vị thế của khu vực Đông Nam Á. Một điều chúng ta có thể thấy rằng “Đại hội XIV của Đảng Cộng Sản Trung Quốc hợp vào tháng 10 năm 1992 đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng của chính sách đối ngoại Trung Quốc là phát triển quan hệ hợp tác với các nước ASEAN. Xét về lâu dài chính sách đối ngoại của Trung Quốc đối với ASEAN là sự tiếp nối từ trước, nhằm lập ảnh hưởng về chính trị, kinh tế, văn hóa với ASEAN, không để cho bất kỳ nước lớn nào chen chân vào Đông Nam Á, đặc biệt là Mỹ và Nhật Bản”[1]

Chúng ta có thể quan sát trong thực tế những năm gần đây đặc biệt trong quan hệ Trung-Mỹ, quan hệ Trung Quốc-ASEAN; hay từ việc giải quyết các vấn đề chính trị nội tại như Đài Loan, Tây Tạng, Tân Cương hay qua các hoạt động thể thao [thế vận hội Olimpic Bắc Kinh], kinh tế [xung đột thương mại, chính sách chống bán phá giá của Mỹ và EU]…chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc được thực hiện ngày càng chủ động, tích cực và uyển chuyển.

Tại cuộc gặp gỡ giữa những người đứng đầu nhà nước, chính phủ các nước thành viên ASEAN và chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân tại Kumlumpur thủ đô Malayxia ngày 16 tháng 12 năm 1997 đã đưa ra tyên bố chung về sự phát triển vào thế kỉ XXI “những người đứng đầu nhà nước, chính phủ các nước thành viên ASEAN và chủ tịch nước Cộng Hòa Nhân dân Trung Hoa bày tỏ về những sự hài lòng về những mối quan hệ đang phát triển nhanh chóng giữa ASEAN và Trung Quốc cũng như từng nước thành viên ASEAN và Trung Quốc”, cam kết “thúc đẩy các mối quan hệ láng giềng tốt và hữu nghị, tăng cường các cuộc trao đổi cấp cao, củng cố cơ chế đối thoại và hợp tác trong tất cả các lĩnh vực nhằm tăng cường hiểu biết và lợi ích chung”, “tăng cường sự hợp tác ở các cấp song phương và đa phương trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển lâu bền và tiến bộ xã hội trên cơ sở những nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi và chia sẻ trách nhiệm vì lợi ích và sự thịnh vượng quốc gia và khu vực trong thế kỉ XXI”.

Từ đó, chúng ta thấy rằng, các điểm chính trong chính sách ngoại giao mới của Trung Quốc trong những năm đầu thế kỷ XXI tập trung vào: tạo lập và duy trì môi trường láng giềng tốt đẹp là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của chính sách ngoại giao của Trung Quốc; ổn định, cải thiện và phát triển quan hệ với các nước lớn có vị trí then chốt; phát triển quan hệ với các nước đang phát triển; thực hiện ngoại giao đa phương; tăng cường “sức mạnh mềm” của Trung Quốc [thông qua các hoạt động hợp tác kinh tế, giao lưu văn hóa, thành lập các Học viện Khổng Tử].

Từ những tư tưởng chính của chính sách ngoại giao của Trung Quốc có thể thấy được đối với các nước ASEAN, chiến lược ngoại giao của Trung Quốc tập trung vào các điểm chính sau đây[2]:

Thứ nhất, Thi hành chính sách láng giềng thân thiện [xóa bỏ hoài nghi, tăng thêm tin cậy; mở rộng điểm đồng, tăng cường hợp tác; thúc đẩy đoàn kết, cùng nhau phát triển] góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực phát triển.

Thứ hai, Đối với các vấn đề hợp tác chung, Trung Quốc sẽ xử sự với ASEAN như một thực thể thống nhất, không chấp nhận những ưu tiên cá biệt nhằm lợi dụng sự khác biệt giữa các nước ASEAN với nhau, để tự ASEAN giải quyết những mâu thuẫn đó.

Thứ ba, Tích cực tham gia các diễn đàn đa phương, giải quyết các điểm nóng trong khu vực. Thực hiện chính sách cân bằng quan hệ với các nước lớn tại khu vực.

Bên cạnh đó, một khuynh hướng quan trọng trong chiến lược của Trung Quốc đối với khu vực Đông Nam Á là không ngừng mở rộng ảnh hưởng, phát huy sức mạnh mềm để ràng buộc các nước ASEAN về kinh tế và chính trị, tăng cường sức mạnh và sự có mặt về quân sự ở khu vực, không để các nước ASEAN liên kết với nhau chống lại Trung Quốc.

Nhìn chung, chúng ta thấy rằng, chiến sách đối ngoại nói chung, chính sách đối với Đông Nam Á nói riêng của Trung Quốc đã có sự thay đổi sao cho phù hợp. Trung Quốc dần coi trọng khu vực Đông Nam Á, một khu vực láng giềng mang lại tìm lực phát triển to lớn.

2.2.3. Trung Quốc tiến hành chính sách trên một số lĩnh vực.

2.2.3.1. Trên lĩnh vực kinh tế.

Vấn đề kinh tế trong giai đoạn hiện nay được vô cùng xem trọng. Chính sách phát triển mối quan hệ hàng đầu của đối ngoại là kinh tế đối ngoại. Thông qua các dự án, hiệp định kí kết với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc mong muốn có được nguồn tài nguyên phong phú, một thị trường rộng lớn. Đồng thời, hợp tác kinh tế là xu thế toàn cầu. Các nước ASEAN đang trong thời kì phát triển, nên vấn đề kinh tế là không thể thiếu. Hợp tác kinh tế thương mại giữa Trung Quốc với ASEAN và bản thân các nước Đông Nam Á phát triển trong những năm đầu thế kỉ XXI.

 “Năm 2001, đầu tư theo hiệp định của ASEAN vào Trung Quốc là 53,4 tỷ USD, đầu tư thực tế là 26,1 tỷ USD. Đầu tư của Trung Quốc vào ASEAN hàng năm đều tăng lên 60%. Hai bên xác định mục tiêu và phương hướng phát triển toàn diện quan hệ kinh tế, coi nông nghiệp, tin học, phát triển nguồn nhân lực, khai thác lưu vực sông Mê Kông và tăng cường đầu tư vào thị trường của nhau là những lĩnh vực hợp tác trọng điểm đầu thế kỉ XXI”[3]. Với Hiệp định khung khu mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN tại Campuchia tại Hội nghị ASEAN+1 lần 8 4/11/2002 không những nhất trí hoàn thành FTA trong vòng 10 năm mà còn bao gồm cả việc tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế, mậu dịch và đầu tư. Nó phù hợp xu thế nhất thể hóa khu vực, đồng thời có tác dụng đóng góp cho an ninh khu vực, lập nên một cơ chế quốc tế phù hợp.

Ngoài những chính sách chung đối với khu vực Đông Nam Á, thì Trung Quốc cũng tiến hành ngoại giao với các nước trong khu vực về cả mặt chính trị và kinh tế. “Năm 2002, một bản ghi nhớ về hiểu biết của đôi bên [Memorandum of Understanding, MOU] đã được ký để thiết lập một “Diễn đàn nhiên liệu giữa Indonesia và Trung Quốc” [Indonesia-China Energy Forum]. Các hãng dầu của Trung Quốc lập tức nhảy vào Inđônêsia khai thác dầu quặng và khí. Đầu tư của Trung Quốc ở Inđônêsia tăng từ 282 triệu đô la năm 1999 đến 6,8 tỷ năm 2003. Mậu dịch hai chiều tăng từ 2 tỷ đô la năm 1992 đến 8 tỷ năm 2002”. “Thái Lan cũng đã đề nghị dự án dùng Thái Lan làm một “Cầu nối nhiên liệu trên đất liền” [Energy Land Bridge] để gắn liền vùng biển Audaman với Vịnh Thái Lan ở phía nam vùng eo biển gọi là “Isthmus of Kra” để việc chuyên chở dầu sang Trung Quốc có thể nhanh hơn và để tránh dùng eo biển Malacca khi có biến cố”. trong lĩnh vực quân sự tiến hành kí kết một hiệp định “Liên Hiệp Chiến Lược” [Strategic Partnership] bao gồm trao đổi quân sự thường xuyên cũng như tập trận thường xuyên. Thái Lan đã mua vũ khí từ Trung Quốc từ đầu thập kỷ 80 trong chương trình hợp tác nầy với giá đặc biệt dành cho “anh em bầu bạn.”

2.2.3.2. Trên lĩnh vực chính trị – anh ninh.

Với sự lớn mạnh trên lĩnh vực kinh tế, là một quốc gia đang gây tầm ảnh hưởng đối với khu vực, Trung Quốc đang lôi kéo đồng minh của mình tại đây. Trung Quốc tiến hành song phương, đa phương với tổ chức ASEAN, với từng quốc gia trong khu vực. Mục đích là nâng cao ảnh hưởng của mình tại khu vực này.

ASEAN và Trung Quốc dã kí kết các hiệp thương với nhau. Với các hiệp thương, Trung Quốc nhằm tạo ra một môi trường ổn định và hợp tác khu vực và quốc tế. Một số hiệp thương: Trung Quốc và ASEAN ký Tuyên bố ứng xử của các bên ở Biển đông [DOC] tháng 11 năm 2002 tại Campuchia đã đánh dấu sự tin tưởng lẫn nhau về chính trị giữa Trung Quốc và ASEAN, có lợi cho việc bảo vệ hòa bình và an ninh trong khu vực.[4]Hai bên ký kết Hiệp định khung hợp tác kinh tế toàn diện, tiến tới thực hiện FTA năm 2010. Tại Bali, Inđônêsia tháng 10/2003, hai bên ký Tuyên bố chung quan hệ đối tác chiến lược và hòa bình và phồn vinh, nâng quan hệ lên một tầm cao mới. Tháng 10/2003 Trung Quốc chính thức tham gia Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á [TAC] với nội dung thúc đẩy hòa bình khu vực. Trung Quốc tích cực tham gia cơ chế đối thoại ASEAN [ARF]. Để tạo được lợi ích an ninh của mình trong khu vực, Trung Quốc có chủ trương thúc đẩy song phương với từng quốc gia thành viên ASEAN, phải đối quốc tế hóa giải quyết tranh chấp biển đảo giữa các bên liên quan trong khu vực.

Trên danh nghĩa là hợp tác cùng gìn giữ an ninh khu vực, nhưng trong thực tế Trung Quốc lại có những bước đi gây căng thẳng đặc biệt là những hành động trên biển Đông. DOC căn bản chỉ là một bản tuyên bố chính trị, không ràng buộc về mặt pháp lí, vậy nên khi các căng thẳng xảy thì lại không có những chế tài xử lý thích đáng. Hay các hiệp định hợp tác chiến lược vô hình chung làm cho Trung Quốc dần lấn sâu, can thiệp vào các công việc đối ngoại của ASEAN với các nước châu Âu.

2.3. Phản ứng của các nước Đông Nam Á trước chính sách của Trung Quốc đối với khu vực sau chiến tranh lạnh.

Trước chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc sau chiến tranh lạnh, với mong muốn hợp tác của ASEAN thì hai bên luôn luôn tăng cường hợp tác và phát triển mạnh mẽ mối quan hệ này. Không những Trung Quốc cần ASEAN, cần Đông Nam Á mà chính các quốc gia này cũng cần đến Trung Quốc. Vì ASEAN đang nỗ lực hoạt động để biến ý tưởng Hợp tác Đông Á mà Malaysia khởi xướng thành hiện thực. Hiệp hội này cũng đang tìm kiếm các ý tưởng, các con đường để mở rộng hợp tác khu vực của ASEAN sang lĩnh vực an ninh, vốn được ASEAN thận trọng né tránh trong suốt thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Những hoạt động đó của ASEAN sẽ tạo cơ hội cho Trung Quốc hiện diện trong khu vực và qua đó, nâng cao vị thế của họ Đông Nam Á và Đông Á. Về phương diện đối nội, ASEAN đang tìm cách khởi động tiến trình liên kết kinh tế khu vực. Nếu ASEAN thành công trong nỗ lực này, Trung Quốc sẽ có thêm cơ hội để đẩy mạnh quan hệ kinh tế, mậu dịch với các nước Đông Nam Á.

Hiện nay, các quan điểm khác nhau về chính sách của Trung Quốc của các nước đang dần thay đổi. Tuy nhiên, họ căn cứ vào tình hình trong nước để đưa ra những quan điểm khác nhau. Hiện nay các nước Đông Nam Á có quan hệ khăng khít với Mỹ cũng đang xá lánh, và với Trung Quốc cũng ngược lại tương tự. Đó là hiện tượng cân bằng. Đồng thời, ta có thể thấy rằng, sự ràng buộc về kinh tế đã dẫn họ vào ràng buộc chính trị. Các quan hệ khăng khít giữa các nước Đông Nam Á với các cường quốc đang được thay đổi dần, trong đó Trung Quốc và Mỹ là lớn nhất.

Đối với Việt Nam, Trung Quốc luôn xác định đây là một mắt xích quan trọng trong chính sách Đông Nam Á của họ nhờ vào vị trí địa lý thuận lợi cả trên bộ lẫn trên biển, là cầu nối, cửa ngõ để Trung Quốc đi xuống phía Nam. Ngoài ra, Trung Quốc cũng muốn sử dụng mối quan hệ láng giềng truyền thống, sự tương đồng về ý thức hệ cũng như sức hấp dẫn về hợp tác kinh tế để lôi kéo Việt Nam, qua đó đẩy nhanh tốc độ gia tăng ảnh hưởng của họ ở ĐNA. Thêm vào đó, vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong ASEAN cũng buộc Trung Quốc phải tính đến trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách Đông Nam Á. Những thách thức ảnh hưởng đối với Việt Nam là hết sức to lớn. Như là: giải quyết chủ quyền biển đảo Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa luôn là vấn đề nóng bỏng giữa hai nước. Việt Nam cần có những giải pháp tốt nhất để hạn chế sự ảnh hưởng, sự lệ thuộc của Trung Quốc với đa phương hóa giải quyết các vấn đề mang tính toàn cầu hóa.

2.4. Kết luận

Sau chiến tranh lạnh, dựa trên tình hình thế giới, khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc đã đề ra các chính sách Đông Nam Á nhằm mục đích nâng cao sự ảnh hưởng của mình, ngang bằng hoặc vươn cao so với Mỹ với mưu đồ bá chủ thế giới. Đối với Đông Nam Á nói riêng, chính sách ngoại giao nói chung, thì đến lúc này, Trung Quốc đang xem trọng các mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, Cộng đồng ASEAN.

Với chính sách đó, nó đã tác động mạnh mẽ đến các cường quốc, nhất là Mỹ. Chính sách đó làm giảm tầm ảnh hưởng của Mỹ, tăng đồng minh cho Trung Quốc ở khu vực. Các nước Đông Nam Á đang điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình để phù hợp với tình hình đất nước của mình.

Như vậy, chính sách Đông Nam Á của Trung Quốc mang lại những tác động vô cùng to lớn đối với các cường quốc có tầm ảnh hưởng trước đây, cũng như các quốc gia Đông Nam Á hiện nay.

[1] Lê Văn Mỹ, Bước đầu tìm hiểu về “ngoại giao láng giềng” của Trung Quốc từ sau chiến tranh lạnh, Tạp chí Nghiên cứu Trung Quốc số 3[61]- 2005, tr.47

[2] Lê Thị Thu Hồng, TS. Phạm Hồng Thái [30/09/2014], Chính sách ngoại giao láng giềng của Trung Quốc nhìn từ ASEAN. Viện nghiên cứu Đông Bắc Á. //www.inas.gov.vn/712-chinh-sach-ngoai-giao-lang-gieng-cua-trung-quoc-nhin-tu-asean.html.

[3] Chính sách của Trung Quốc đối với ASEAN, Tạp chí Quan hệ quốc tế hiện đại [TQ] số 10/2002. TTXVN, TTKCN, 19/1/2003

[4] Tuyên bố về Ứng xử của các Bên ở Biển Đông [DOC] và Quy tắc Hướng dẫn thực thi DOC, trên trang web Ban thư ký Asean quốc gia Việt Nam Bộ Ngoại giao – Vụ Asean, //asean.mofa.gov.vn/thong-tin/27/tuyen-bo-ve-ung-xu-cua-cac-ben-o-bien-dong-doc-va-quy-tac-huong-dan-thuc-thi-doc.html.

Video liên quan

Chủ Đề