Cơ quan nhà nước nào có vai trò tổ chức thực hiện pháp luật trên thực tế

Thi tuyển công chức. Ảnh minh họa: internet

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XI chỉ rõ: "Thực hiện nghiêm Luật cán bộ, công chức, Luật Viên chức và các văn bản pháp luật có liên quan đến công tác cán bộ"[4] nhằm nâng cao chất lượng công tác cán bộ. Như vậy, thực hiện pháp luật về quản lý công chức chính là giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng hoạt động thực thi công vụ của công chức hành chính, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong giai đoạn hiện nay, đồng thời là yếu tố bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Để làm rõ vai trò của công tác thực hiện pháp luật về quản lý công chức, cần có sự thống nhất về cách hiểu: công chức hành chính là những ai, quản lý công chức là gì và thế nào là thực hiện pháp luật về quản lý công chức?

Theo quan điểm hành chính học: công chức hành chính là những người được nhà nước tuyển dụng lâu dài và được bổ nhiệm vào ngạch, vào chức danh hoặc gắn với một vị trí việc làm, hoạt động công vụ của họ gắn với quyền lực công [hoặc quyền hạn hành chính nhất định] được cơ quan nhà nước có thẩm quyền trao cho và chịu trách nhiệm trước cơ quan, tổ chức có thẩm quyền về thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; được trả lương gắn với chức trách, nhiệm vụ.

Theo Luật cán bộ, công chức năm 2008, công chức hành chính là công dân Việt Nam, được tuyển dụng, bổ nhiệm vào ngạch, chức vụ, chức danh trong cơ quan của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện; trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân mà không phải là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân quốc phòng; trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân mà không phải là sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp và trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước; đối với công chức trong bộ máy lãnh đạo, quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập thì lương được bảo đảm từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật[5].

Trong bài viết này xin chỉ đề cập đến công chức hành chính từ cấp huyện trở lên. Theo đó, quản lý công chức hành chính được hiểu là quá trình tác động có mục đích của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trên cơ sở luật định đối với đội ngũ công chức, theo những nguyên tắc và phương pháp quản lý nhằm đạt được mục tiêu, hiệu quả của cơ quan, tổ chức được giao thẩm quyền quản lý công chức, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.

Theo quy định của Luật cán bộ, công chức, công chức do Chính phủ thống nhất quản lý. Bộ Nội vụ là cơ quan thuộc Chính phủ có chức năng tham mưu, giúp Chính phủ quản lý đội ngũ công chức. Tại Điều 7, khoản 2 của Luật cán bộ, công chức quy định cơ quan quản lý công chức là cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao thẩm quyền tuyển dụng, bổ nhiệm, nâng ngạch, nâng lương, cho thôi việc, nghỉ hưu, giải quyết chế độ, chính sách, đánh giá và khen thưởng, kỷ luật đối với công chức.

Việc quản lý công chức được thực hiện căn cứ vào trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của công chức; đồng thời thực hiện các nội dung quản lý như: quản lý biên chế, quản lý hệ thống tiêu chuẩn chức danh công chức, tổ chức tuyển dụng, nâng ngạch; bố trí, sử dụng, điều động, luân chuyển, biệt phái, đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, xử lý vi phạm; thực hiện chính sách, chế độ tiền lương, thôi việc, nghỉ hưu và các chính sách đãi ngộ khác đối với công chức.

Quản lý công chức để đảm bảo mục tiêu cần phải được thực hiện trên cơ sở các nguyên tắc và chế định do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý công chức chính là công cụ để các cơ quan, tổ chức được giao thẩm quyền quản lý công chức triển khai việc tổ chức, thực hiện quản lý công chức theo quy định. Pháp luật về quản lý công chức trước hết phải được xác định là hệ thống những văn bản quy phạm pháp luật quy định những nội dung liên quan đến quản lý công chức, bao gồm: luật, pháp lệnh, nghị định, thông tư quy định về quản lý công chức.

Một trong những yếu tố quyết định đến chất lượng đội ngũ công chức là việc chấp hành nghiêm chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý công chức. Vì vậy, chất lượng của hệ thống thể chế về quản lý công chức phải được đảm bảo hoàn thiện, thống nhất, khả thi đáp ứng yêu cầu giải quyết các vấn đề thực tiễn trong quản lý công chức. Việc quy định các nội dung quản lý công chức và tổ chức thực hiện quản lý công chức phải đảm bảo phù hợp với hệ thống chính trị ở nước ta, mặt khác phải đảm bảo được yếu tố chuyên nghiệp của đội ngũ công chức, đạt mục tiêu xây dựng đội ngũ công chức có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.

Những phân tích trên cho thấy vai trò của công tác thực hiện pháp luật về quản lý công chức như sau:

Một là, thực hiện pháp luật về quản lý công chức là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của công chức, của cơ quan quản lý công chức, của nhân dân và nhà nước. Thực hiện pháp luật về quản lý công chức là hoạt động có mục đích nhằm làm cho các quy định về quyền và nghĩa vụ của công chức đi vào cuộc sống thực tiễn. Do vậy, có tác dụng rất lớn trong việc khuyến khích, động viên đội ngũ công chức phát huy khả năng, yên tâm cống hiến, phục vụ nhà nước, phục vụ nhân dân. Mọi hành vi vi phạm pháp luật của công chức đều phải chịu các chế tài nghiêm khắc, vì vậy trong quá trình quản lý, chủ thể tham gia quan hệ pháp luật quản lý công chức không thể tùy tiện vi phạm mà không bị trừng phạt. Điều đó góp phần đảm bảo lợi ích của cơ quan quản lý công chức, của nhân dân và nhà nước, bởi thước đo sự hài lòng của người dân đối với nhà nước chính là hiệu quả làm việc của đội ngũ công chức trong thực thi công vụ.

Hai là, thực hiện pháp luật về quản lý công chức góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Một nhà nước vững mạnh và thực sự là của dân, do dân và vì dân phải là một nhà nước có nền công vụ trong sạch, hoạt động hiệu lực và hiệu quả với một đội ngũ công chức có tinh thần trách nhiệm cao. Yêu cầu phát triển nguồn nhân lực công vụ trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải đổi mới cơ chế quản lý công chức. Luật cán bộ, công chức đã quy định nguyên tắc quản lý công chức trên cơ sở kết hợp giữa tiêu chuẩn chức danh với vị trí việc làm và chỉ tiêu biên chế. Thực hiện nguyên tắc này nhằm xây dựng và đảm bảo chất lượng đội ngũ công chức trong hoạt động thực thi công vụ. Việc xác định rõ vị trí việc làm trong quản lý công chức để bố trí, sử dụng phù hợp với khả năng của công chức và yêu cầu của vị trí việc làm là cơ sở quan trọng để nâng cao chất lượng và trách nhiệm trong hoạt động công vụ. Thông qua các chế định về quản lý công chức, chủ thể quản lý nhận thức được họ phải làm gì và phải chịu trách nhiệm gì về kết quả công việc của mình. Trách nhiệm, đạo đức, hiệu quả làm việc của công chức, nhất là của công chức lãnh đạo là vấn đề đang được quan tâm chấn chỉnh, bởi đó là yếu tố then chốt đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước. Luật cán bộ, công chức quy định các nguyên tắc trong thực thi công vụ "công khai, minh bạch, đúng thẩm quyền và có sự kiểm tra, giám sát", "bảo đảm thứ bậc hành chính và có sự phối hợp chặt chẽ". Trong quản lý công chức, Luật cũng quy định rõ nguyên tắc quản lý công chức "Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ trách nhiệm cá nhân và phân công, phân cấp rõ ràng". Quản lý công chức [kể cả việc quản lý hoạt động thực thi công vụ của công chức], phát huy vai trò cá nhân và thực hiện phân công, phân cấp rõ ràng nhằm xác định trách nhiệm của chủ thể quản lý, từ đó xử lý sai phạm kịp thời, chính xác và có cơ sở để đánh giá, khen thưởng, động viên đội ngũ công chức nâng cao trách nhiệm trong thực thi công vụ. Chất lượng đội ngũ công chức và trách nhiệm trong thực thi công vụ chính là yếu tố quan trọng đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Vì vậy, cần thực hiện tốt pháp luật về quản lý công chức để góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Ba là, thực hiện pháp luật về quản lý công chức góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của đội ngũ công chức trong thực hiện pháp luật về công chức và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, đội ngũ công chức nhận thức được vai trò, tầm quan trọng của việc thực hiện pháp luật, từ đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong đời sống xã hội. Hoạt động quản lý công chức không chỉ đòi hỏi vai trò của chủ thể quản lý mà còn đòi hỏi vai trò, trách nhiệm của đội ngũ công chức trong việc thực hiện các quy định về quản lý công chức, góp phần giảm thiểu tranh chấp, khiếu kiện và thúc đẩy sự phát triển, ổn định của xã hội. Việc thực hiện nghiêm minh các chế tài xử phạt khi công chức vi phạm kỷ luật hành chính sẽ có tác dụng ngăn ngừa các công chức khác không vi phạm pháp luật về công chức, về quản lý công chức.

Bốn là, thực hiện pháp luật về quản lý công chức góp phần xây dựng một nền hành chính trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, hội nhập quốc tế; đảm bảo ổn định trật tự xã hội và phát triển kinh tế bền vững. Khi các chế định quy định về đạo đức công vụ của công chức cũng như những chế định về đánh giá, khen thưởng, kỷ luật đối với công chức… được quy định trong Luật cán bộ, công chức thực sự được triển khai vào đời sống thực tiễn sẽ góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công vụ của công chức. Một nền hành chính thật sự trong sạch, vững mạnh là một nền hành chính đáp ứng được yêu cầu và sự hài lòng của người dân, đảm bảo các thiết chế được thực hiện nghiêm minh, mọi cán bộ, công chức, các cơ quan trong nền hành chính đều tuân thủ theo pháp luật.

Năm là, thực hiện pháp luật về quản lý công chức góp phần xây dựng, hoàn thiện các thể chế về quản lý công chức nói riêng và các chính sách, hệ thống pháp luật nói chung. Một trong những hoạt động quản lý của nhà nước là tham gia vào quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật trên cơ sở thực tiễn quản lý và đạo luật gốc, đó là Hiến pháp. Vì vậy, cần triển khai thực hiện có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, làm cho các chủ thể pháp luật tham gia vào quan hệ pháp luật về quản lý công chức tự giác thực hiện các quy định của pháp luật trong hoạt động thực tế, biến những quy định của pháp luật trở thành hành vi thực tế của các chủ thể pháp luật. Khi đã nhận thức đúng vai trò, trách nhiệm của mình trong hoạt động xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, đội ngũ công chức sẽ luôn triển khai thực hiện đúng các quy trình, nguyên tắc và các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Trên cơ sở đó mới có thể đảm bảo được chất lượng và hiệu quả công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật về quản lý công chức nói riêng.

Xác định vai trò, tầm quan trọng của công tác thực hiện pháp luật về quản lý công chức nhằm giúp các nhà quản lý nhận thức rõ sự cần thiết, ý nghĩa của công tác thực hiện pháp luật về quản lý công chức, từ đó chủ động có các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác thực hiện pháp luật về quản lý công chức, đưa pháp luật về quản lý công chức vào thực tiễn cuộc sống, nâng cao chất lượng hoạt động thực thi công vụ, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, góp phần đẩy mạnh quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Đặng Thị Mai Hương - Trường Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức - Bộ Nội vụ

-----------------------------

Ghi chú:

[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khoá X, Nxb CTQG, H.2009, tr.125.

[2] Sđd, tr.254.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb CTQG, H.2001, tr.78.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb CTQG, H.2011, tr.54-55.

[5] Trần Anh Tuấn [chủ biên], Pháp luật về công vụ, công chức của Việt Nam và một số nước trên thế giới, Nxb CTQG, H.2012, tr.326.

Bài đăng trên Tạp chí Tổ chức nhà nước Số 11/2013

Video liên quan

Chủ Đề