Công xã thị tộc là gì

Trong giai đoạn phát triển của công xã thị tộc, mặc dù lực lượng sản xuất đã phát triển hơn trước nhiều, nhưng trong điều kiện kĩ thuật lạc hậu, công cụ lao động hết sức thô sơ, nghèo nàn, người ta vẫn phải tiến hành lao động tập thể. Việc săn bắt những đàn thú, việc khai phá những cánh rừng rậm, xây dựng những công trình tưới, tiêu nước, xây dựng nhà cửa v.v đòi hỏi phải có sự góp sức của nhiều người. Như thế, yêu cầu của công việc và trình độ lao động thời nguyên thủy đã tạo nên sự hợp tác lao động một cách tự nhiên của mọi thành viên trong thị tộc.

Đồng thời, quan hệ huyết thống vốn được duy trì trong thị tộc càng gắn bó các thành viên trong lao động cũng như trong mọi sinh hoạt của cuộc sống thường ngày. Có thể coi thị tộc là một gia đình lớn mà thế hệ trên và dưới có quan hệ ruột thịt với nhau, theo dòng mẹ. Mỗi thị tộc có tên gọi riêng, có khi lấy tên một loài thú vật nào đấy như gấu, hươu, nai, chiếm cứ một khu vực lãnh thổ riêng, trong đó có ruộng đất trồng trọt, rừng, ao hồ và những tài sản khác, có nghĩa địa riêng. Đó là lãnh địa thuộc quyền sở hữu riêng của mỗi thị tộc. Sự xâm phạm lãnh thổ của thị tộc hay bộ lạc này bởi một bộ lạc khác thường dẫn đến những cuộc xung đột đôi khi rất tàn khốc.

Xem thêmCác hình thức gia đình thời công xã thị tộc

Song đối với nội bộ thị tộc thì mọi thành viên đều có quyền sở hữu và sử dụng mọi tài sản trong phạm vi lãnh địa của thị tộc. Đó là chế độ sở hữu tập thể của thị tộc. Dưới chế độ công xã thị tộc, chưa có sự chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất và sản phẩm lao động. Người ta chưa phân biệt đâu là của anh và đâu là của tôi.

Thực ra, bấy giờ, ngoài những mảnh da thú để che thân, vài công cụ bằng đá và khẩu phần thức ăn đã ăn hết ngay hàng ngày, con người cũng chưa có gì thừa, để dành, chưa có gì riêng mà cất giữ. Vì thức ăn kiếm được chưa nhiều, mặc dù săn bắt cả ngày, mỗi người cũng chỉ được một khẩu phần thức ăn đủ sống và người ta buộc phải chia đều cho nhau. Tài sản quý giá nhất lúc bấy giờ là ruộng đất, đồng cỏ, rừng và ao hồ để trồng trọt, chăn nuôi, săn bắn và hái lượm. Nhưng trong điều kiện dân cư thưa thớt, công cụ thô sơ, con người không đủ sức để khai phá đất hoang. Vì thế, người ta cũng không có nhu cầu chiếm giữ đất đai làm của riêng. Cũng có một số nhà nghiên cứu cho rằng có thể có một số công cụ lao động thuộc quyền sở hữu cá nhân của một số thành viên nào đó trong thị tộc. Nhưng đó là quan hệ giữa người với hiện vật, không phải là tư hữu tài sản vì nó không tạo ra của cải thừa cho cá nhân dẫn tới hiện tượng người bóc lột người.

Với chế độ sở hữu tập thể như vậy, tất nhiên mọi thành viên của thịtộc đều bình đẳng, cùng làm, cùng hưởng như nhau. Người ta chưa phân biệt đâu là quyền lợi và đâu là nghĩa vụ. Mọi người đều tự giác tham gia vì hiểu rằng mình sẽ được hưởng một phần thành quả lao động tập thể đó cũng như mọi thành viên khác trong thị tộc. Tập tục chia đều thức ăn và những tài sản khác cho các thành viên của thị tộc vẫn còn khá phổ biến ở một số thổ dân châu Úc và nhiều nơi khác.

Khi đi trên tàu Bigl, Đacuyn đã từng chứng kiến hiện tượng: một nhóm người trên đảo khi được tặng một mảnh vải đã xé nhỏ ra thành nhiều mảnh và chia đều cho mọi thành viên trong nhóm. Trong thị tộc, bộ lạc, có cơ quan quản lí dân chủ, có lớp bô lão được kính trọng, tộc trưởng, tù trưởng có uy tín, nhưng không một ai có thể vi phạm chế độ sở hữu chung hoặc được quyền hưởng thụ nhiều hơn người khác. Mọi công việc quan trọng của thị tộc như tuyên chiến, nghị hòa, rời địa bàn cư trú, bầu thủ lĩnh quân sự v.v đều do hội nghị toàn thể các thành viên thị tộc hay bộ lạc quyết định. Còn trong cuộc sống thường ngày, người ta quan hệ với nhau theo những phong tục, tập quán đã được truyền từ đời này qua đời khác.

Lênin viết: Trong xã hội ấy, chúng ta thấy tập quán giữ địa vị thống trị, những bô lão trong thị tộc có uy tín, được tôn trọng và có quyền hành Nhưng bất cứ ở đâu, người ta cũng không thấy có một hạng người đặc biệt, tự tách ra để cai quản người khác và nắm lấy một cách có hệ thống và thường xuyên, vì lợi ích và mục đích thống trị, bộ máy cưỡng bách, bộ máy bạo lực ấy [tức nhà nước]

Những tập quán quen thuộc đó trong thị tộc đã tạo ra một cuộc sống cộng đồng trong mọi lĩnh vực sinh hoạt của thị tộc. Sự cộng đồng là tình trạng cùng chung nhau, cùng giống nhau thể hiện trong mọi mặt của đời sống, mọi quan hệ trong thị tộc. Người ta cùng vui chung với nhau, cùng tổ chức các lễ hội, cùng nhảy múa xung quanh một đống lửa, hay cùng chia sẻ với nhau trong cơn hoạn nạn. Mọi thành viên trong thị tộc đều có cách sống, phong tục, tập quán như nhau.

Lịch sử thế giới cổ đại - NXB Giáo dục,

« Công xã thị tộc mẫu hệ là gì?
Các hình thái ý thức của xã hội nguyên thủy »

Video liên quan

Chủ Đề