Dân số timor leste có khoảng bao nhiêu người

1.131.612 người [tháng 11/2009 [với hơn 10 dân tộc có văn hoá và ngôn ngữ riêng. Có hai chủng tộc chính là Malay, Papuan và thiểu số người Hoa. Dân tộc Tetum [33%], Mambai [12%], Kemak [8%], Bunak, Fataluku, Makasai [10%], Galoli [8%] và Tokodede [8%]. Cho đến nay, tộc Tetum vẫn ở trình độ xã hội mẫu hệ và có 4 thổ ngữ khác nhau.]

* Thủ đô

Hải cảng Đi-li [khoảng 200.000 người]

* Ngôn ngữ

Tiếng Tetum và tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ chính thức, tiếng In-đô-nê-xi-a và tiếng Anh là ngôn ngữ làm việc

* Tôn giáo

Thiên chúa giáo [98%], Tin Lành [1%] và Hồi giáo [1%].

* Vị trí địa lý

Ti-mo Lét-xtê gồm phần Đông Bắc và một vùng nhỏ phía Tây của đảoTimor [đảo Timor nằm ở phía Nam quần đảo Inđônêxia] cùng hai đảo nhỏ phụ cận là Cam Binh và Gia Cô. Phía Tây của đảo Timor là lãnh thổ của In-đô-nê-xi-a [thuộc tỉnh Nusa Tenggara Timur]. Phía Đông và Bắc của Đông Timo gần với các đảo thuộc In-đô-nê-xi-a, phía Nam gần với Ố-xtrây-li-a và được ngăn cách cách bởi biển Timor.

* Khí hậu

Nhiệt đới ấm và nóng. Nhìn chung khí hậu ở Ti-mo Lét-xtê giống khí hậu ở Bắc Ố-xtrây-li-a, chia làm 2 mùa: mùa khô từ tháng 5 đến tháng 12, mùa mưa từ tháng 12 đến tháng 4.

* Đơn vị tiền tệ

Đôla Mỹ [chưa có tiền bản địa].

* Ngày Quốc khánh

28/11/1975

* Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với ViệtNam

28/7/2002

* Thu nhập bình quân trên người

469 USD năm 2008 [số liệu của IMF]

* Ngày gia nhập LHQ

27/9/2002 [thành viên thứ 191]

II. LÃNH ĐẠO NHÀ NƯỚC VÀ CHÍNH PHỦ HIỆN NAY [nhiệm kỳ 2007 – 2012]

+ Tổng thống: Hô-xê Ra-mốt Hốt-ta [Jose Ramos Horta]

+ Thủ tướng Kay Ra-la Xa-na-na Gút-xmao [Kay Rala Xanana Gusmao hoặc Jose Alexandre Gusmao, Chủ tịch đảng Quốc gia vì tái thiết Ti-mo Lét-xtê – CNRT]

+ Phó Thủ tướng: Hô-xê Lu-ít Gu-tê-rét [Jose Luis Guterres, Bộ trưởng Ngoại giao trong nhiệm kỳ ông Hốt-ta làm Thủ tướng]

+ Chủ tịch Quốc hội: Phéc-nan-đô đờ A-rau-giô [Fernando de Araujo, Chủ tịch đảng Dân chủ]

+ Ngoại trưởng: Gia-ca-ri-át An-ba-nô đa Cốt-xta [Zacarias Albano da Costa]

III. LỊCH SỬ:

Các nghiên cứu cho thấy cách đây 13.000 năm đã có cư dân đến sinh sống ở đảo Timor. Năm 1509, các thương nhân Bồ Đào Nha bắt đầu đến đảo Timor và năm 1556 lập thuộc địa đầu tiên ở Lifau [hiện là quận Oecussi] ở phía Tây Bắc của đảo Timor, sau đó mở dần phạm vi thuộc địa ra toàn đảo Timor

Từ 1942 đến 1945, phát xít Nhật xâm chiếm Timor, dùng đây làm căn cứ chống Ố-xtrây-li-a và quân đồng minh. Sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Bồ Đào Nha quay lại quản lý Timor-Leste và coi đây là một tỉnh "hải ngoại" của mình.

Vào khoảng đầu năm 1975, sau chuyến thăm In-đô-nê-xi-a, Lãnh đạo Liên minh Dân chủ Timor [UDT] đã cùng Hiệp hội Dân chủ Hoà bình Timor [APODETI] hợp thành mặt trận chống lại Mặt trận Cách mạng vì một Timor Leste Độc lập [FRETILIN], chủ trương sát nhập Timor-Leste vào In-đô-nê-xi-a. Ngày 1/9/1975, FRETILIN giành lại được quyền kiểm soát Dili và đơn phương tuyên bố thành lập nước Cộng hoà Dân chủ Timor-Leste. Ngày 7/12/1975, In-đô-nê-xi-a đã đưa quân chiếm Dili, thủ phủ Timor-Leste, lật đổ chính phủ Cộng hoà Dân chủ Timor-Leste.

Trong suốt thời gian sau khi In-đô-nê-xi-a chiếm đóng Timor-Leste, LHQ đã ra nhiều nghị quyết lên án In-đô-nê-xi-a, yêu cầu rút quân khỏi Timor-Leste và tôn trọng quyền tự quyết của nhân dân Timor-Leste. Duy nhất chỉ có Ô-xtrây-li-a công nhận sự chiếm đóng của In-đô-nê-xi-a.

Tháng 1/1999, Tổng thống In-đô-nê-xi-a Habibie lên nắm quyền thay Tổng thống Suharto đã thay đổi lập trường đối với vấn đề Timor-Leste, đưa ra "Đề nghị 2 điểm" Timor-Leste là chọn độc lập hoặc tự trị, Timor-Leste chọn con đường độc lập. Ngày 19/10/1999, Hội đồng Hiệp thương Nhân dân In-đô-nê-xi-a [MPR] phê chuẩn kết quả bỏ phiếu ngày 30/8/1999 ở Timor-Leste và chính thức chấp nhận để Timor-Leste tách ra khỏi In-đô-nê-xi-a.

Tháng 4/2006, Timor-Leste rơi vào khủng hoảng với một loạt vụ xung đột bạo lực xảy ra trên khắp các đường phố thủ đô Đili, làm hàng chục người chết và hơn 150.000 người phải rời thủ đô [sau sự kiện Thủ tướng Mari Alkatiri sa thải khoảng 600 lính tham gia biểu tình chống Chính phủ]. Thủ tướng Alkatiri bất lực không kiểm soát được tình hình, buộc phải cầu cứu sự giúp đỡ của lực lượng quốc tế [gồm khoảng 2500 người quân đội và cảnh sát] từ Ô-xtrây-lia, Niu Di-lân, Bồ Đào Nha và Ma-lai-xi-a.

Ngày 9/4/2007, Timor-Leste tổ chức tổng tuyển cử bầu Tổng thống mới. Ngày 20/5/2007, ông Jose Ramos Horta chính thức nhậm chức Tổng thống.

Ngày 30/6/2007, Timor-Leste đã tổ chức bầu Quốc hội mới [giảm 23 ghế so với nhiệm kỳ Quốc hội trước]. Ngày 8/8/2007, Thủ tướng mới của Timor-Leste, Xanana Gusmao chính thức tuyên thệ nhậm chức.

Ngày 11/02/2008, hai vụ tấn công xảy ra gần như đồng thời tại thủ đô Dili do lãnh đạo lực lượng cựu binh nổi loạn An-phrê-đô Rây-na-đô và phát ngôn viên Gát-xtao Xa-xin-ha cầm đầu nhằm vào Tổng thống Hốt-ta và Thủ tướng Gút-xmao, bắn trọng thương ông Hốt-ta. Lực lượng cảnh vệ đã bắn chết An-phrê-đô Rây-na-đô cùng một tên khác trong nhóm tấn công. HĐBA LHQ đã họp khẩn cấp ngay sáng cùng ngày và thông qua [bằng đồng thuận] Tuyên bố của Chủ tịch HĐBA lên án vụ tấn công. Cho đến nay tình hình Timor-Leste đã tương đối ổn định

Ngày 26/2/2009 LHQ đã quyết định gia hạn thêm hoạt động của UNMIT và tiếp tục triển khai lực lượng an ninh quốc tế [ISF] theo yêu cầu của Chính phủ Timor-Leste. Sứ mệnh này đảm bảo an ninh cho Timor-Leste cũng như đào tạo các lực lượng địa phương. Chính phủ Timor-Leste dự kiến tổ chức các cuộc bầu cử địa phương trong năm nay và đã kêu gọi cộng đồng quốc tế trợ giúp cho quá trình dân chủ tại nước này.

IV. THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ:

1.Thể chế Nhà nước: Chế độ chính trị Cộng hoà nghị viện.

2. Cơ cấu các cơ quan quyền lực của Nhà nước:

- Nguyên thủ quốc gia: Tổng thống [nhiệm kỳ 5 năm, mặc dù theo Hiến pháp 22/3/2002 Tổng thống chỉ đóng vai trò là biểu tượng quốc gia nhưng vẫn có quyền phủ quyết, giải tán quốc hội và tổ chức tổng tuyển cử].

- Người đứng đầu Chính phủ: Thủ tướng

- Tên gọi Chính phủ: Hội đồng Bộ trưởng

Sau bầu cử 30/8/2001, Quốc hội lập hiến Ti-mo Lét-xtê chuyển thành Quốc hội đầu tiên của Ti-mo Lét-xtê, cơ quan quyền lực cao nhất gồm 88 đại biểu [nhiệm kỳ 5 năm]. Hiện nay, số lượng đại biểu Quốc hội [nhiệm kỳ 2007-2012] giảm xuống còn 65 người [Fretilin chiếm 21 ghế; đảng CNRT 18 ghế; đảng Dân chủ xã hội và Hiệp hội những người dân chủ xã hội Ti-mo Lét-xtê 11 ghế; đảng Dân chủ 8 ghế; đảng Thống nhất quốc gia 3 ghế; đảng Liên minh Dân chủ và đảng Thống nhất quốc gia vì kháng chiến của Ti-mo Lét-xtê, mỗi đảng 2 ghế]

- Hệ thống Toà án, công tố, kiểm soát theo mô hình Nhà nước Cộng hoà.

3. Địa giới hành chính và phân cấp quản lý: được chia thành 13 tỉnh, 65 quận, thị.

4. Các Đảng phái chính trị:

Năm 1974, Thống đốc Bồ Đào Nha tại Ti-mo Lét-xtê cho phép thành lập các đảng phái chính trị. Lúc đó 5 đảng đã được thành lập gồm 3 đảng chính là Liên minh Dân chủ Timor [UDT], Hiệp hội dân chủ hoà bình dân Timor [APODETI], Mặt trận cách mạng vì một Ti-mo Lét-xtê độc lập [FRETILIN]. Ngoài ra còn có đảng Lao động [TRABALHISTA].

Trong một thời gian dài, UDT, APODETI, FRETILIN mâu thuẫn nhau về chủ trương chính trị cho Ti-mo Lét-xtê. Vào những năm 70, UDT là đảng bảo thủ được khoảng 10% số dân ủng hộ và chủ trương gắn chặt quan hệ với Bồ Đào Nha. APODETI là một đảng rất nhỏ chỉ được khoảng 5% dân chúng ủng hộ và chủ trương sát nhập Ti-mo Lét-xtê vào In-đô-nê-xi-a. FRETILIN là một đảng cánh tả đại diện cho nhiều tầng lớp, quan điểm khác nhau nên khuynh hướng chính trị trong đảng rất phức tạp. Đảng này được khoảng 60% dân số ủng hộ, chủ trương độc lập ngay cho Ti-mo Lét-xtê và chống việc sát nhập vào In-đô-nê-xi-a.

Trong kỳ bầu cử Quốc hội ngày 30/6/2007, có 14 đảng chính trị tham gia, chia thành nhiều phe phái, trong đó 7 đảng và liên minh các đảng có ghế trong Quốc hội mới [65 ghế].

  1. KINH TẾ-XÃ HỘI :

1/ Về kinh tế:

Khi LHQ tiếp quản năm 1999, nền kinh tế Ti-mo Lét-xtê bị tàn phá nặng nề. Hiện Ti-mo Lét-xtê đang sống dựa hoàn toàn vào sự trợ giúp của các tổ chức quốc tế và LHQ và là nước nghèo nhất Châu Á. Là nước mới độc lập, nền kinh tế của Ti-mo Lét-xtê còn rất nhiều khó khăn. Nông nghiệp là khu vực chủ đạo trong nền kinh tế Ti-mo Lét-xtê, chiếm 25% tổng sản phẩm quốc dân [GDP] và sử dụng 75% lực lượng lao động. Tuy vậy, hàng năm Ti-mo Lét-xtê vẫn phải nhập khẩu gạo và các mặt hàng khác. GDP năm 2003 là 341 triệu đô la Mỹ, năm 2004 là 328 triệu đô la Mỹ và năm 2005 ước tính đạt 349 triệu đô la Mỹ [1,8%], GDP năm 2006 ước tính tiếp tục giảm. Thu nhập bình quân tính theo đầu người năm 2002 là 516 đô la Mỹ; năm 2003 là 444 đô la Mỹ; năm 2004 là 402 đô la Mỹ và năm 2005 ước tính là 400 đô la Mỹ do viện trợ nước ngoài cho Ti-mo Lét-xtê ngày càng giảm. Năm 2008 tăng lên 469 USD. Tăng trưởng GDP năm 2009 9%, thấp hơn dự báo 13% của ADB. Một nửa dân số thu nhập dưới 1 USD/ngày . Tỷ lệ thất nghiệp cao, theo điều tra của LHQ là 20%.

Ti-mo Lét-xtê đã đề ra kế hoạch Phát triển quốc gia đến 2015, trong đó xác định các ưu tiên hàng đầu là củng cố bộ máy hành chính, xoá đói giảm nghèo và tăng cường an ninh lương thực; và đề ra các mục tiêu cụ thể sau: đưa tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm lên 5% trong thời kỳ trung hạn và giảm 50% số người sống dưới mức nghèo đói [hiện nay là 40% trong tổng số 1 triệu dân] vào năm 2015.

Ti-mo Lét-xtê có tiềm năng lớn về dầu lửa và khí đốt. Dự kiến Ti-mo Lét-xtê có thể thu được 7 tỷ USD trong 20 năm tới từ việc khai thác và phân chia dầu khí với Ô-xtrây-li-a.

2/ Về văn hoá- xã hội:

Hơn 400 năm dưới sự cai trị thực dân của Bồ Đào Nha, hơn 24 năm là lãnh thổ của In-đô-nê-xi-a và thời gian nằm dưới sự quản trị của Cơ quan Hành chính Lâm thời của Liên Hợp quốc ở Ti-mo Lét-xtê đã ảnh hưởng ít nhiều tới nếp sống, sinh hoạt của người dân Ti-mo Lét-xtê. Những tàn dư văn hoá của Bồ Đào Nha trong hơn 400 năm đã giúp phân biệt Ti-mo Lét-xtê với In-đô-nê-xi-a. Ngay bản thân người Ti-mo Lét-xtê cũng hướng tới Bồ Đào Nha. Quốc gia này cũng lấy tiếng Bồ Đào Nha làm quốc ngữ mặc dù chỉ có 17% dân số nói tiếng Bồ trong khi có tới 63% dân nói tiếng In-đô-nê-xi-a.

Ti-mo Lét-xtê đã xây dựng được một số trường Đại học, Cao đẳng và trường học các loại. Hiện trong tổng số 10.000 công chức trên toàn quốc thì có tới 6.000 công chức thuộc ngành giáo dục. Tuy nhiên, Ti-mo Lét-xtê còn gặp nhiều khó khăn trong lĩnh vực này như tỷ lệ mù chữ còn cao [chiếm tới 40% dân số], chất lượng giáo dục thấp, thiếu kinh phí, sách giáo khoa và trang thiết bị cơ bản. Ti-mo Lét-xtê đã lập được 20 trung tâm y tế mới. Ngành này cũng đang gặp nhiều khó khăn do thiếu ngân sách để mua trang thiết bị, dụng cụ y tế và thuốc chữa bệnh, thiếu trầm trọng đội ngũ bác sĩ, y tá.

VI. AN NINH QUỐC PHÒNG:

Dưới sự cai quản của LHQ, lực lượng quân đội và cảnh sát Ti-mo Lét-xtê đang dần được hình thành. Ngày 26/10/2001, quân chủng đầu tiên thuộc Lực lượng Quốc phòng Ti-mo Lét-xtê đã được thành lập. Hiện nay quân đội Ti-mo Lét-xtê có 2 tiểu đoàn với tổng quân số khoảng trên 2000 quân. Lực lượng cảnh sát địa phương với quân số khoảng gần 2000 cũng đang được hình thành và đi vào hoạt động. Tuy vậy, sau sự kiện sa thải khoảng 600 binh lính nổi loạn năm 2006, lực lượng quân đội và cảnh sát Ti-mo Lét-xtê gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, gần như mọi hoạt động bảo đảm an ninh cho Ti-mo Lét-xtê chủ yếu do lực lượng gìn giữ hoà bình của LHQ và/hoặc nước ngoài đảm nhận.

VII. ĐỐI NGOẠI :

Ngay sau khi tuyên bố độc lập, Timor-Leste đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước: Trung Quốc, In-đô-nê-xi-a, Ố-xtrây-li-a, Mỹ, Nhật, một số nước ASEAN…, Timor-Leste cũng đã chính thức trở thành thành viên thứ 191 của LHQ [27/9/2002], thành viên thứ 84 của IMF và WB, thành viên thứ 61 của ADB và đang trong quá trình vận động xin gia nhập ASEAN vào năm 2012. Để hoàn thành mục tiêu này, Timor-Leste đã thành lập "Ủy ban Thư ký Quốc gia về ASEAN". Trong chuyến thăm Phi-líp-pin của Tổng thống Timor-Leste đầu năm 2009, Timor-Leste đã giành được sự ủng hộ của Phi-lip-pin trong việc gia nhập ASEAN, bên cạnh đó, Thái Lan và Ma-lai-xi-a cũng đã lên tiếng ủng hộ Timor-Leste gia nhập mái nhà chung ASEAN.

Hiện Timor-Leste đã thiết lập quan hệ ngoại giao với khoảng 90 nước và đã có 15 cơ quan đại diện ở nước ngoài, trong đó chủ yếu là một số nước lớn như Mỹ, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, In-đô-nê-xi-a, Thái Lan... Hiện ở Đili có 9 cơ quan đại diện nước ngoài, trong đó có Mỹ, Nhật, Trung Quốc, EU, Bồ Đào Nha, In-đô-nê-xi-a, Ố-xtrây-li-a, Ma-lai-xi-a và Thái Lan.

Timor-Leste duy trì chính sách quan hệ láng giềng thân thiện, đặc biệt là với Ô-xtrây-li-a và In-đô-nê-xi-a [Tổng thống Ti-mo Lét-xtê Hô-xê Ra-mốt Hốt-ta dự diễn đàn Bali tháng12/2009 và lễ nhậm chức của Tổng thống In-đô-nê-xi-a Susilo Bambang Yuhoyono 10/2009; ký thỏa thuận Ti-mo Lét-xtê không truy xét các vụ vi phạm nhân quyền do quân đội Indonesia gây ra trước đây; Lãnh đạo Cục Cảnh sát Quốc gia và Tư lệnh Quân đội hai nước lần đầu tiên thăm viếng lẫn nhau]. Ti-mo Lét-xtê lập UBBG về ASEAN; cũng như các nước ASEAN, Ti-mo Lét-xtê coi trọng quan hệ với các nước lớn như Trung Quốc, Mỹ và EU. Trong chính sách đối ngoại, Timor-Leste coi trọng hàng đầu quan hệ với Ố-xtrây-li-a, In-đô-nê-xi-a và Bồ Đào Nha, vì 3 nước này đóng vai trò bảo đảm về an ninh và công cuộc tái thiết cho Timor-Leste.

Timor-Leste đã tham dự các Hội nghị CC ASEAN, AMM với tư cách khách mời của nước chủ nhà. Tại cuộc họp ARF tại Viên Chăn ngày 29/7/2005, Timor-Leste đã được gia nhập làm thành viên thứ 25 của Diễn đàn này. Timor-Leste mong muốn ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác [TAC], trở thành quan sát viên của ASEAN và tiến tới gia nhập ASEAN vào năm 2012.

VIII. QUAN HỆ VIỆT NAM - TI-MO LÉT-XTÊ:

1. Hợp tác chính trị:

Đang được đẩy mạnh theo hướng tích cực. Ngày 19/8/2009. Đại sứ Ti-mo Lét-xtê tại Ma-lai-xi-a kiêm nhiệm Việt Nam trình quốc thư lên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Này 14-16/9/2009, Ngoại trưởng Ti-mo Lét-xtê Gia-ca-ri-at An-ba-nô đa Cốt-xta [Zacarias Albano da Costa] thăm chính thức Việt Nam. Hai bên đã thống nhất thành lập Ủy ban hỗn hợp về kinh tế, thương mại và kỹ thuật.

2. Hợp tác thương mại

Hợp tác thương mại còn ở mức khiêm tốn, nhưng có nhiều triển vọng. Năm 2008 kim ngạch hai chiều đạt 48 triệu USD [ta xuất 112.000 tấn gạo sang Bạn]; Đến năm 2009, kim ngạch hai thương mại 11 tháng đầu năm đạt 96 triệu USD [chủ yếu là ta xuất khẩu gạo sang bạn]. Bộ trưởng Công thương và Du lịch Bạn Gin đờ Cốt-xta An-vít đã có chuyến thăm chính thức và làm việc tại Việt Nam [22-24/9/2009], trong chuyến thăm, Bộ trưởng Công thương Việt Nam và Bộ trưởng Công thương và Du lịch Ti-mo Lét-xtê đã ký MOU về thương mại gạo, trong đó, Việt Nam sẽ cung cấp cho Ti-mo Lét-xtê 200.000 tấn gạo trắng mỗi năm từ năm 2010 – 2012. Hai bên còn có tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, khai khoáng, nông nghiệp, thuỷ sản và xây dựng./.

Chủ Đề