Đem chuông đi đánh xứ người nghĩa là gì

Cuối năm 2019, năm đầu tiên học thạc sĩ ngành Sáng tác âm nhạc tại Đại học Texas Tech, tôi bắt đầu sáng tác tác phẩm cho hợp xướng và bộ gõ Buddhist Poems from Vietnam [Thơ Phật Giáo Việt Nam], và hoàn thành tác phẩm này vào đầu năm 2020. Trong khoảng thời gian này dịch COVID-19 bùng phát, tất cả những buổi hoà nhạc và sự kiện âm nhạc đều bị huỷ bỏ. Thế nên, khi tôi gởi tác phẩm của mình cho tiến sĩ, chỉ huy hợp xướng Julia Davids ở trường đại học cũ là North Park University để xin cô lời khuyên giúp tôi sáng tác tốt hơn cho hợp xướng, tôi không hy vọng rằng tác phẩm của mình sẽ được diễn trong tương lai gần. Tôi đã rất vui và bất ngờ khi giáo sư Davids quyết định ra mắt tác phẩm này vào ngày 1/4/2022 trong buổi hoà nhạc hợp xướng với chủ đề “Where is my voice?” [Giọng tôi nơi nao?]. Càng vui hơn khi chủ đề buổi hoà nhạc đã thể hiện hành trình học và sáng tác âm nhạc của tôi trên đất Mỹ, khi tôi phải liên tục đi tìm chất giọng của riêng mình khi viết những tác phẩm kết nối những nền văn hoá Đông–Tây. Cụ thể, trong tác phẩm này, tôi đã dịch những bài thơ Phật giáo thời Lý–Trần mà tôi yêu sang tiếng Anh và phổ những tác phẩm này theo phong cách nhạc hợp xướng nhiều bè rất đặc trưng của phương Tây. Hơn nữa, trong bộ gõ, ngoài gồm trống conga và trống lắc thông dụng trong dàn nhạc phương Tây, tôi còn dùng cả tiếng mõ gỗ và bát chuông của Phật giáo Việt Nam. Việc đem những bát chuông này đến Mỹ là cả một hành trình cam go nhưng đáng giá.

Khi sáng tác, tôi mường tượng trong đầu tiếng chuông Việt ngân vang, trong trẻo, âm thanh thân quen tôi nghe từ thuở ấu thơ. Tuy nhiên, vấn đề khó nhất chính là tìm được chuông có cao độ âm nhạc chính xác, vì hầu hết các bát chuông được tạo ra với mục đích hỗ trợ Phật tử hành thiền hoặc hành lễ chứ không phải để làm nhạc cụ. Khi biết Đại học North Park sẽ diễn tác phẩm của mình, tôi đã dành rất nhiều thời gian để dò hỏi khắp nơi trên Internet, nhưng vẫn không tìm được chuông ưng ý. Ban đầu, trường đã định dùng chuông Trung quốc hay những chiếc chuông Tây Tạng rất phổ biến ở Mỹ để thay thế, nhưng tôi chỉ mong phần trình diễn tác phẩm của mình có thể giúp bạn bè quốc tế hiểu thêm về kỹ nghệ của người Việt. Trong khi tôi tuyệt vọng nhất, thì may mắn thay, một người bạn thân của tôi từ hồi còn học ở Nhạc viện Thành phố Hồ Chí Minh đã chỉ cho tôi đến tiệm nhạc cụ của thầy Trần Trung ở 4C Xô Viết Nghệ Tĩnh, quận Bình Thạnh. Vì lúc đó tôi đang ở Mỹ, mẹ tôi đã đến tận tiệm để giúp tôi xem chuông qua một cuộc gọi video. Khỏi phải nói là tôi đã mừng rỡ đến mức nào khi nghe được tiếng chuông trong trẻo vang lên theo đúng cao độ tôi cần. Sau một thời gian bàn bạc với thầy Trung và Trường Âm nhạc, Nghệ thuật, và Sân khấu của Đại học North Park, trường đã đồng ý mua bốn chiếc chuông của thầy Trung, và thầy cũng đã nhiệt tình ủng hộ chúng tôi với một mức giá rất ưu đãi. Nhờ hảo tâm của rất nhiều người, cuối cùng, tôi cũng đã thành công đem được những bát chuông của quê hương đến đất Mỹ. Những chiếc chuông này độc đáo ở chỗ chúng không chỉ là vật phẩm của một tôn giáo mà còn là nhạc cụ. Vì thế, chúng có cao độ chính xác, màu âm trong sáng, và độ ngân vang tuyệt đẹp.

Trước tiên, tôi hiểu rõ mình không phải là một nhà giảng đạo hay nhà Phật học, và tác phẩm này chỉ là cách một nhạc sĩ như tôi cảm thụ tư tưởng Phật giáo Việt Nam theo cách hiểu của riêng tôi. Tôi chọn dịch và phổ nhạc những bài thơ này mà còn vì tôi tin rằng dàn hợp xướng và cả khán giả có thể nhận thấy những thông điệp trong thơ phù hợp với đức tin và giá trị của mình, dù họ có theo một tôn giáo khác, hay thậm chí là vô thần. Ở một thế giới mà sự khác biệt tôn giáo vẫn còn là một trong nhưng nguyên nhân lớn nhất khiến con người tàn hại nhau, tôi may mắn được sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn, nơi nhiều tôn giáo chung sống rất chan hoà. Sau này, khi du học Mỹ, lại có một mùa hè ở Thái Lan trong khoá thực tập Education in Human Values [Giáo dục Giá trị Con người], tôi càng hiểu thêm rằng trong khi nhân loại còn cả một quãng đường dài để chấm dứt hoàn toàn những xung đột và bạo lực tôn giáo, cũng đã có rất nhiều người tốt đã cho tôi thấy cách mà một cộng đồng đa sắc tộc, đa văn hoá phải cố gắng thế nào để chấp nhận và yêu thương nhau. Trong đó, bước đầu tiên và quan trọng nhất chính là tìm thấy những giá trị đại đồng có thể kết nối chúng ta.

Một trong những thử thách lớn nhất của tôi khi viết tác phẩm này chính là công đoạn dịch thơ sang tiếng Anh. Thường thì kinh sách và thơ thiền Phật giáo có rất nhiều tầng nghĩa, nhiều cách hiểu. Kể cả các cao tăng và học giả của nhiều tông phái khác nhau cũng rất thường bất đồng chính kiến. Là một nhạc sĩ đơn thuần, tôi có thể cố gắng dịch theo lăng kính của mình, nhưng bản dịch của tôi chỉ là một lát cắt bé nhỏ so với ý nghĩa lớn lao và thâm sâu của những bài thơ này.

Nhờ hảo tâm của rất nhiều người, cuối cùng, tôi cũng đã thành công đem được những bát chuông của quê hương đến đất Mỹ.

Chương đầu tiên không hoàn toàn là sáng tác của tôi, mà dựa vào giai điệu của một câu chú tiếng Phạn phổ biến: Om Muni Muni Maha Muni Shakyamuna ye Soha. Các câu chú thường được xem là công cụ giúp người tu hành nhanh chóng tập trung năng lượng và tịnh tâm cho việc thiền định. Thế nên, mỗi âm tiết hoặc từ trong một bài chú mang ý nghĩ tốt lành, đẹp đẽ, thiêng liêng. Khi ở Việt Nam và Thái Lan, tôi thường được nghe những câu chú như “Shanti! Shanti! Shanti!” [Bình An! Bình An! Bình An!] hay “Om Mani Padmehum” [Án ma ni bát mê hồng]. Câu chú “Om Muni Muni Maha Muni Shakyamuna ye Soha” được bắt đầu bằng tiếng “Om” mà các tôn giáo gốc Ấn Độ cho là âm thanh thiêng liêng khởi nguồn cho cả vũ trụ. Là một nhạc sĩ, tôi rất yêu thần thoại đã cho rằng vũ trụ bắt nguồn từ một âm thanh, một sự rung động! Những chữ còn lại có thể được tạm dịch như sau:

Muni [Mâu Ni]: bậc thánh, đấng trí tuệ và nhân từ

Maha: vĩ đại, cao quý

Shakyamuni [hay Shakyamuna]: đấng trí tuệ và nhân từ của họ Thích Ca

Soha: Chúc mừng, hoan hô

Bài chú này ca tụng đức Thích Ca Mâu Ni. Từ lúc ngài sinh ra, phụ vương của ngài đã cho ngài một một cuộc đời vương giả, sung sướng. Nhưng, một ngày nọ, ngài nhận ra rằng đã sinh ra trong cõi đời này thì ai cũng phải trải qua cái khổ của sinh, lão, bệnh, tử. Vì thế, vị hoàng tử trẻ trung, giàu có quyết định từ bỏ tất cả để tìm con đường giải thoát cho tất cả chúng sinh. Trải qua nhiều sai lầm và gian khổ, ngài mới có thể đắc đạo thành Phật và đem trí tuệ của mình truyền dạy cho mọi người. Phải hiểu rằng xã hội Ấn Độ thời đó và tới bây giờ phân biệt giai cấp rất nặng, nên lời dạy “Vạn vật chúng sinh ai cũng có Phật tính” của ngài có thể xem là cả một cuộc cách mạng. Đặc biệt, khi thuyết giáo, ngài không ép buộc người học phải tin giáo điều của ngài một cách mù quáng, mà luôn khuyến khích họ tự đặt nghi vấn và giải quyết nghi vấn thông qua trải nghiệm của chính bản thân mình.

Thông thường, người niệm chú thường niệm một mình hoặc hát chung đồng thanh với nhiều người. Tuy nhiên, vì đây là một tác phẩm âm nhạc cho hợp xướng, nên tôi đã viết thêm bè và một đoạn nhạc mới để tô điểm cho giai điệu của bài chú; kể cả tiếng mõ, tiếng chuông cũng mang cao độ và tiết tấu âm nhạc để đóng vai trò nhạc cụ, chứ không đơn thuần chỉ là pháp khí hỗ trợ hành thiền hoặc nghi lễ.

Chương đầu tiên sử dụng một câu chú tiếng Phạn để gợi nhớ nguồn gốc Ấn Độ của Phật giáo, nhưng năm chương sau đều dựa vào các bài thơ Phật giáo của Việt Nam, được viết bởi các nhà sư từ thế kỷ X đến XIV, thời vàng son của Phật giáo Việt Nam. Trong một đất nước luôn đối mặt với ngoại xâm và nội chiến, những bậc tăng không tìm giác ngộ trong một cuộc sống ẩn dật, mà tích cực tham gia vào quốc sự, bảo vệ đất nước và người dân. Tỉ như, vị tăng đầu tiên xuất hiện trong tác phẩm của tôi, Vạn Hạnh [938–1018], là thầy học và cố vấn của Lý Thái Tổ, người đã giúp vị vua này tiếp nối ngôi vị của nhà Tiền Lê [980–1009] đầy sóng gió mà không đổ một giọt máu. Quyền lực chính trị của ngài không nhằm để phục vụ cho những dục vọng vị kỷ, vì ngài hiểu rõ con đường đến giác ngộ chính là đi qua sự vô thường của thế gian mà không chấp mắc, sợ hãi, kiêu mạn. Thế nên, trước khi mất, ngài đã viết Thị đệ tử:

Thân như điện ảnh hữu hoàn vô,

Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô.

Nhậm vận thịnh suy vô bố uý,

Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.

Bản dịch của Ngô Tất Tố:

Thân như bóng chớp, có rồi không,

Cây cối xuân tươi, thu não nùng.

Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,

Kìa kìa ngọn cỏ giọt sương đông.

Lời hát tiếng Anh của tôi:

The body exists and disappears

like a fleeting flash.

All plants flourish in the spring

but wither in the fall.

Be not afraid of the rise and fall of life.

They are like dew on the tip of a leaf.

Nguyễn Kỳ Nam cùng giáo sư, chỉ huy dàn nhạc Julia Davids trong buổi hoà nhạc ngày 1.4.2022

Chương thứ ba dựa vào bài Nguyên Hoả của Khuông Việt [933–1011]. Ngài là Quốc sư của vua Lê Đại Hành, vị vua đầu tiên của triều tiền Lê. Khi ngài còn phụng sự cho triều đình, Lê Đại Hành đã đánh bại quân xâm lược Tống vào năm 981. Tuy nhiên, nhà Tống vẫn còn là một đế chế mạnh và bành trướng, cho nên Lê Đại Hành cần các học giả tinh thông Hán học, đặc biệt là Nho học và Phật học, để đàm phán ngoại giao sao cho vừa tỏ lòng nể phục nước lớn, vừa khẳng định sự độc lập của Đại Việt. Khuông Việt gánh vác trọng trách đó với trí tuệ và lòng nhẫn nại, những điều mà ông có thể biểu đạt trong bài thơ Nguyên Hoả:

Mộc trung nguyên hữu hoả,

Nguyên hoả phục hoàn sinh.

Nhược vị mộc vô hoả,

Toàn toại hà do manh?

Bản dịch của Nguyễn Bá Chung:

Cây xanh sẵn lửa bao đời

Truyền qua bao kiếp đổi dời tái sinh

Nếu không sẵn nhiệt tử sanh

Đem cây cọ xát dễ thành lửa sao?

Lời hát tiếng Anh của tôi:

In the wood, there lies fire,

And the fire will come alive.

If wood contains no fire,

Where does the spark come from?

Thoạt nhìn, đây có vẻ như một câu hỏi hơi trẻ con, “Làm sao lửa đến từ gỗ?” Chúng ta cần hiểu rằng, trong thơ Thiền, những phép so sánh và ẩn dụ giản dị như là cửa ngõ dẫn tới một hành trình khám phá sâu thẳm nội tâm con người. Trong trường hợp này, “lửa” diễn tả những cảm xúc và năng lượng tàn phá ẩn bên trong ta. Những tia lửa bắn ra chỉ là triệu chứng của những vấn đề tiềm tàng, và khi gặp điều kiện thích hợp bên ngoài [khi gỗ bị cọ xát], thì những tiêu cực nội tại sẽ huỷ diệt tất cả.

Chương thứ tư dựa vào bài Xuân Hiểu của Trần Nhân Tông [1258–1308], người được dân Việt cung kính gọi Phật Hoàng. Khi ngài ra đời, đế chế Nguyên Mông đã xâm chiếm gần hết cõi đại lục Á Âu. Mục tiêu tiếp theo của Nguyên Mông là Đại Việt, một mảnh đất bé nhỏ so với những vùng mà họ đã chiếm giữ. Quân Mông Nguyên xâm lược Đại Việt lần đầu tiên vào năm 1258, khi vua Trần Thánh Tông đang trị vì. Vì cuộc xâm lăng lần đầu bị thất bại, Mông Nguyên vẫn nuôi ý định đánh chiếm Đại Việt lần nữa. Vì thế, từ nhỏ, Trần Nhân Tông đã phải được rèn luyện để làm một vị vua thiện chiến, người có thể dẫn dắt đất nước chiến thắng hai cuộc chiến với Nguyên Mông năm 1284 và 1287, triệt để dập tắt dã tâm xâm lăng Đại Việt của họ. Tuy nhiên, dù đã là một nhà lãnh đạo quân sự có đầy chiến công, Trần Nhân Tông vẫn là một Phật tử thành tâm như bao vị vua Đại Việt thuở trước. Khoảng sáu năm sau trận chiến cuối cùng với quân Mông Nguyên, khi đã chắc chắn rằng con trai mình có thể phục dựng đất nước đã trải qua hoang tàn chiến tranh, ngài thoái vị để chính thức xuất gia, trở thành người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm.

Tôi nghĩ cuộc đời ngài khá giống với đức Thích Ca Mâu Ni trong rất nhiều phương diện: ngài sinh ra trong hoàng tộc, đi qua những đổi thay của cuộc sống, chứng kiến nỗi đau nhân sinh, rồi từ bỏ vinh quang của một vị vua thế tục để tìm kiếm sự giải thoát tuyệt đối. Trần Nhân Tông có rất nhiều bài thơ thiền nổi tiếng, riêng tôi lại rất thích bài Xuân Hiểu vì nó cho thấy tâm hồn trong trẻo của ngài nâng niu vẻ đẹp giản đơn của thiên nhiên, sống trọn vẹn từng khoảnh khắc.

Thụy khởi khải song phi,

Bất tri Xuân dĩ quy.

Nhất song bạch hồ điệp,

Phách phách sấn hoa phi.

Bản dịch của Ngô Tất Tố:

Ngủ dậy ngỏ song mây

Xuân về vẫn chửa hay

Song song đôi bướm trắng

Phất phới sấn hoa bay.

Lời hát tiếng Anh của tôi:

I rose up and looked through the window

Not knowing that Spring has returned

A couple of white butterflies

Flew with their flapping wings

toward the flowers

Bài thơ tôi dùng để sáng tác chương năm là Ngôn Hoài của sư Không Lộ thời vua Lý Nhân Tông, trị vì từ 1066 đến 1128. Bài thơ này còn bàng bạc một màu sắc của Đạo giáo vì nó đề cập đến những khái niệm của thuật phong thuỷ như “long xà địa,” hay khả năng phi thân lên thẳng [trực thướng] đỉnh cô sơn. [Trong lời hát tiếng Anh, tôi dùng chữ “climb” [leo trèo] để dịch chữ “trực thướng,” nhưng thực ra, tôi nghĩ từ “climb” này không thể hiện được hành động hướng thẳng lên cao như trong bản gốc]. Nếu bỏ qua những điều thần kỳ mà đa số phàm nhân như chúng ta không thể đạt được như thế, thì ta cũng có thể hiểu “long xà địa” như một nơi có cảnh rừng núi và sông hồ tươi đẹp, tạo nên nhiều đường cong thiên nhiên lộng lẫy, mang lại những năng lượng tích cực, thuận lợi cho việc tự tu tập. Đó thường là một vùng đất hoang vắng, tự nhiên, nơi những thiền sư như Không Lộ tránh xa cõi nhân gian ồn ào để kết nối với vũ trụ rộng lớn trong sự cô tĩnh tuyệt đối. Chữ “thái hư” ở đây không chỉ có nghĩa là bầu trời, mà còn là một vùng thiên không bao la của tâm trí.

Trạch đắc long xà địa khả cư,

Dã tình chung nhật lạc vô dư.

Hữu thời trực thướng cô phong đỉnh,

Trường khiếu nhật thanh hàn thái hư.

Bản dịch của Phan Vô:

Kiểu đất long xà chọn được nơi

Tình quê nào chán suốt ngày vui

Có khi đỉnh núi trèo lên thẳng

Một tiếng kêu vang lạnh cả trời.

Lời hát tiếng Anh của tôi:

I chose to stay in a land of snakes and dragons

The joy of the countryside is endless

Sometimes, I climbed the peak

of a lonely mount,

Shout a long shout that freezes the whole sky.

Chương cuối cùng dựa theo bài thơ Hưu Hướng Như Lai của sư Quảng Nghiêm [1121–1191]:

Li tịch phương ngôn tịch diệt khứ,

Sinh vô sinh hậu thuyết vô sinh.

Nam nhi tự hữu xung thiên chí,

Hưu hương Như Lai hành xứ hành.

Bản dịch của Ngô Tất Tố

Thoát kiếp rồi bàn câu tịch diệt

Không sinh hãy nói chuyện siêu sinh

Tài trai có chí xông trời thẳm

Giẫm vết Như Lai luống nhọc mình.

Lời hát tiếng Anh của tôi:

Only talk about Nirvana when we

are free from the desire of Nirvana

Only talk about Death and Life when we are free from Death and Life

Men have the will to fly our own sky

Do not tread in the footsteps of the Buddha.

Quảng Nghiêm nổi tiếng là một người thích đặt ra nhiều câu hỏi phản biện về Phật pháp. Thoạt nghe, lời thơ có vẻ quá nổi loạn: làm sao một người tu hành lại từ chối đi theo con đường của Như Lai? Nhưng, thực ra ngài muốn nói với những người chỉ răm rắp tìm Như Lai qua ngoại vật như sách vở, câu từ, mà quên đi rằng đường đến giải thoát thực ra phải tìm từ bên trong. Tôi nghĩ rằng có giải thích thật nhiều cũng không bằng trích một lời dạy của chính đức Thích Ca trong Kinh Kalama: “Này các người Kalama, đương nhiên phải nghi ngờ, đương nhiên phải phân vân. Ðối với điều đang nghi ngờ thì phân vân khởi lên. Này các người Kalama, đừng tin vì nghe nói lại, đừng tin vì theo phong tục, đừng tin vì nghe tin đồn, đừng tin vì kinh điển truyền tụng, đừng tin vì lý luận, đừng tin vì công thức, đừng tin vì có suy tư đầy đủ về những dữ kiện, đừng tin vì có thẩm sát và chấp nhận lý thuyết, đừng tin vì thấy thích hợp, đừng tin vì Sa môn là thầy mình. Nhưng này các người Kalama, khi nào các người tự biết rõ: Các pháp này là bất thiện, các pháp này là đáng chê, các pháp này bị người trí chỉ trích, các pháp này nếu được thực hiện, chấp nhận thì dẫn đến bất hạnh khổ đau; thời này các người Kalama, các người hãy từ bỏ chúng đi.” Lời dạy này, có mấy ai hiểu và hành được trong thời đại mà người ta buôn thần bán thánh, dùng mê tín để làm lợi cho mình và kéo nhau vào bể trầm luân?

Hành trình của một nhạc sĩ có những lúc gian nan, nhưng sau đêm ra mắt tác phẩm Những Bài thơ Phật giáo Việt Nam, tôi vẫn cảm nhạc niềm hạnh phúc lâng lâng và hương vị ngọt ngào khi tác phẩm của mình được một dàn hợp xướng trình diễn và được khán giả đón nhận nồng hậu. Điều đó đã tiếp sức cho tôi hiểu được rằng khi tôi kiên trì với những gì mình thật lòng yêu quý, thì tôi có thể dùng âm nhạc, nghệ thuật để cho thế giới thấy rằng đất nước mình không chỉ có những trận chiến tranh khốc liệt, mà còn có một văn hoá sâu thẳm nhân văn, một kho báu ẩn tàng đang chờ được đem trao tặng.

Chủ Đề