Dịch niệu đạo là gì

Viêm niệu đạo là bệnh thường gặp ở cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên nam giới thường tỏ ra khá chủ quan vì tỉ lệ mắc bệnh thấp hơn so với nữ giới. Viêm niệu đạo nếu không được chẩn đoán, điều trị sớm và hiệu quả có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng sinh sản ở nam giới.

1. Viêm niệu đạo là gì?

Niệu đạo là bộ phận quan trọng nối dẫn nước tiểu từ bàng quang đến đầu dương vật qua lỗ sáo. Đồng thời là bộ phận có nhiệm vụ dẫn và truyền tinh dịch mỗi khi nam giới xuất tinh. Viêm niệu đạo là hiện tượng khi niệu đạo bị viêm và kích thích, gây ra cảm giác khó chịu khi đi tiểu.

Viêm niệu đạo hiện đang có xu hướng ngày càng tăng ở cả nam và nữ giới. Ở nam thường phổ biến nhất trong độ tuổi từ 20 - 30 tuổi. Đặc biệt ở những người thường xuyên có thói quen quan hệ tình dục không an toàn, quan hệ qua đường hậu môn.

Ảnh minh họa [Nguồn Internet]

2. Nguyên nhân gây viêm niệu đạo

Viêm niệu đạo có rất nhiều nguyên nhân gây ra, đa số do vi khuẩn tấn công xung quanh lỗ niệu đạo như vi khuẩn E. Coli, Neisseria gonorrhoeae, Herpes simplex virus [HSV], Chlamydia trachomatis, Trichomonas. Sau đây là một số nguyên nhân chính gây bệnh viêm niệu đạo ở nam giới:

- Quan hệ tình dục không an toàn: Là nguyên nhân hàng đầu ở nam giới. Đối với những nam giới đã từng quan hệ tình dục, nếu người tình bị nhiễm các bệnh liên quan đến phụ khoa như lậu, giang mai thì nguy cơ viêm niệu đạo là rất cao.

- Tiếp xúc hóa chất: Nguyên nhân là khi tắm, nam giới sử dụng loại xà phòng không thích hợp, gây nên kích ứng hoặc do những tác động của chất diệt tinh trùng có trong bao cao su, gel bôi dương vật gây nên.

- Tác động cơ học: Thường do những chấn thương trên dương vật gây ảnh hưởng đến niệu đạo khi thực hiện các thủ thuật như đặt ống tiểu, xét nghiệm bàng quang, tán sỏi bàng quang, nong niệu đạo,...

- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục: Nguyên nhân gây viêm niệu đạo ở nam là do tác động của vi khuẩn, vi nấm, trong đó vi khuẩn chiếm tỷ lệ lây nhiễm cao nhất, gây ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục của người nam. Nhiễm khuẩn đường sinh dục có thể là do hẹp bao quy đầu, vệ sinh không sạch sẽ làm vi khuẩn đi vào trong niệu đạo gây viêm nhiễm niệu đạo.

- Vệ sinh kém: Nam giới thường ít chú ý đến việc vệ sinh cá nhân, nhất là bộ phận sinh dục. Chính những thói quen vệ sinh này mà khả năng mắc bệnh viêm niệu đạo ở nam giới tăng cao.

- Nhịn tiểu: Nhịn tiểu là thói quen của nhiều nam giới. Việc nhịn tiểu rất có hại cho sức khỏe, không kể nam hay nữ. Việc nhịn tiểu sẽ làm cho vi khuẩn tích tụ tại bàng quang và dẫn đến bệnh viêm niệu đạo ở nam giới.

3. Dấu hiệu viêm niệu đạo nam

- Đi tiểu bất thường: Thường xuyên buồn tiểu, đi tiểu nhiều lần trong ngày, tiểu buốt, tiểu dắt. Quan sát nước tiểu thấy có mủ, màu đục hoặc máu tươi xuất hiện.

- Dương vật tổn thương: Niệu đạo sưng đỏ, dương vật căng tức, đau ở bìu, ngứa lỗ sáo và bao quy đầu.

- Ra nhiều chất nhầy: Tiết dịch nhiều, thường ở lỗ niệu đạo. Chất dịch nhầy có màu trắng, hơi vàng và xanh.

- Đau khi quan hệ: Cảm giác đau buốt trong và sau khi quan hệ tình dục, đau khi cả đang cương dương và xuất tinh. Bên cạnh đó, nam giới có thể có cảm giác đau âm ỉ vùng bụng dưới, thắt lưng và xương mu.

- Triệu chứng khác: Sốt, buồn nôn, nổi hạch, nóng ran bên trong vùng niệu đạo, sưng khớp,...

- Nếu bạn nhận thấy xuất hiện một trong những triệu chứng trên thì không nên chủ quan mà hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng.

4. Viêm niệu đạo nam giới có nguy hiểm không?

Viêm niệu đạo ở nam giới nếu không chữa trị sớm và hiệu quả có thể gây nên những biến chứng nguy hiểm. Nhưng hầu hết người bệnh thường mơ hồ, không nắm rõ những triệu chứng dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như:

- Bệnh để lâu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới khả năng sinh sản ở cả nam và nữ giới

- Có nguy cơ lan sang các bộ phận khác của cơ thể như đường tiết niệu, bàng quang, thận, niệu quản,... thậm chí trường hợp nguy hiểm có thể gây ảnh hưởng đến máu, nhiễm trùng huyết tăng nguy cơ tử vong.

- Ngoài ra bệnh còn tăng nguy cơ bị viêm tuyến tiền liệt, hẹp 1 phần niệu đạo, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt, chất lượng tình dục... do đó bạn nên chữa trị càng sớm càng tốt.

5. Chẩn đoán và điều trị

Việc chẩn đoán viêm niệu đạo ở nam giới dựa vào xét nghiệm chất nhầy, mủ vào sáng sớm lúc mới ngủ dậy. Bác sĩ cũng có thể chỉ định xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu, nội soi bàng quang để chẩn đoán thêm.

Sau khi có kết quả chẩn đoán, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị. Tùy vào từng tình trạng của người bệnh mà sẽ có phác đồ điều trị khác nhau. Phương pháp điều trị hiện nay là sử dụng thuốc kháng sinh kết hợp các loại thuốc giảm đau và thuốc hạ sốt [nếu có].

Một số loại thuốc chữa viêm niệu đạo ở nam giới như nitrofurantoin, fosfomycin, aminoglycoside, fluoroquinolones, thuốc hạ sốt paracetamol, thuốc giảm đau tiết niệu phenazopyridine.

Bên cạnh việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần điều trị tại nhà theo hướng dẫn của bác sĩ để tăng hiệu quả điều trị bằng cách:

- Uống nhiều nước mỗi ngày để giúp đẩy vi khuẩn ra ngoài theo đường tiểu

- Vệ sinh bộ phận sinh dục sạch sẽ hằng ngày, nhất là vệ sinh khu vực dưới bao quy đầu sau khi tắm

- Quan hệ tình dục một cách an toàn

- Không nên nhịn tiểu

6. Viêm niệu đạo có thể phòng ngừa được hay không?

Để phòng tránh bệnh viêm niệu đạo ở nam giới, các bạn nên thực hiện các bước sau đây:

- Uống đủ lượng nước cần thiết cho cơ thể mỗi ngày: Mỗi ngày nên uống ít nhất 2 lít nước. Việc uống đủ nước giúp cơ thể bài tiết nước tiểu, loại bỏ vi khuẩn có trong niệu đạo và ngăn ngừa nguy cơ viêm đường tiết niệu.

- Quan hệ tình dục an toàn, lành mạnh: Quan hệ tình dục không an toàn là nguy cơ cao nhất gây viêm niệu đạo, bởi một số bệnh lây qua đường tình dục như giang mai, lậu...

- Hạn chế nhịn tiểu: Nhịn tiểu nhiều có thể gây ảnh hưởng đến bàng quang và có thể gây bệnh viêm nhiễm niệu đạo.

- Mặc đồ rộng rãi, thoải mái và thoáng; không nên chọn chất liệu bí bách, chật hẹp.

- Có lối sống lành mạnh: Ăn uống, nghỉ ngơi, rèn luyện thể chất đầy đủ để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.

Trong quá trình điều trị, người bệnh không hoàn tất việc điều trị, bỏ sót thuốc không uống hoặc quan hệ trong thời gian điều trị mà không có biện pháp bảo vệ, thì nguy cơ tái nhiễm trùng có thể xảy ra hoặc có thể người bệnh truyền sang vi khuẩn cho người khác.

Nhóm Admin ST

Chủ Đề