Doanh thu sản xuất thuốc từ dược liệu tại Việt Nam

Lá cây sâm ngọc linh. [Nguồn: TTXVN]

Việt Nam được đánh giá là một quốc gia có tiềm năng lớn về dược liệu trong khu vực Đông Nam Á và trên thế giới. Nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng và vốn tri thức bản địa chính là kho tàng quý báu để Việt Nam triển khai các nghiên cứu nhằm tạo ra các sản phẩm từ dược liệu phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe và phát triển kinh tế. Tuy nhiên, hiện nay việc nuôi trồng dược liệu trong nước vẫn chưa chủ động và dược liệu chưa trở thành hàng hóa có sức cạnh tranh. Theo kết quả điều tra đến năm 2016, Việt Nam đã ghi nhận được trên 5.000 loài thực vật được sử dụng làm thuốc; trong đó có gần 200 loài có tiềm năng khai thác và phát triển trồng để đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và hướng tới xuất khẩu [như quế, hồi, hòe, nghệ, actiso, sa nhân, kim tiền thảo, đinh lăng, thảo quả…]. Việc nuôi trồng dược liệu cũng làm tăng hiệu quả kinh tế cho các hộ nông dân, đặc biệt là có hiệu quả kinh tế cao hơn từ 3-5 lần so với trồng một số loại cây nông nghiệp [như lúa, ngô, sắn…].

Nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng

Theo Cục Quản lý Y dược cổ truyền [Bộ Y tế], trong tổng số trên 5.000 loài cây và nấm làm thuốc đã biết, có nhiều loài có tiềm năng khai thác tạo nguồn nguyên liệu làm thuốc phục vụ nhu cầu thị trường. Theo kết quả điều tra giai đoạn 2013-2015, hiện có khoảng 70 loài, nhóm loài cây dược liệu có tiềm năng khai thác với tổng trữ lượng khoảng 18.000 tấn/năm [như: diếp cá, cẩu tích, lạc tiên, rau đắng đất…]. Đặc biệt, Việt Nam đang sở hữu nhiều loài dược liệu quý, hiếm, đặc hữu như: sâm Ngọc linh, ba kích, châu thụ, ngân đằng… Trên nền thế mạnh về nguồn tài nguyên dược liệu, cộng đồng dân tộc Việt Nam đã tích lũy được những kinh nghiệm và truyền thống lâu đời trong sử dụng các loại cây, con làm thuốc góp phần hình thành nên một kho tàng tri thức khổng lồ mang bản sắc riêng theo từng dân tộc, từng vùng miền. Ngành y tế đã tổng hợp được danh mục các loài cây thuốc từ cộng đồng các dân tộc và thu thập, sưu tầm được gần 1.300 bài thuốc dân gian trên cả nước. Những tri thức bản địa này là cơ sở quan trọng nhằm hỗ trợ cho việc sàng lọc, nghiên cứu phát triển sản phẩm phục vụ công tác phòng và chữa bệnh của nhân dân.

[Thủ tướng: Phát triển dược liệu, nâng cao mức sống của người dân]

Bên cạnh đó, sau gần 30 năm thực hiện, công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn cây thuốc đã đạt những kết quả nhất định. Đến nay, ngành y tế đã duy trì mạng lưới bảo tồn nguồn gen tại 7 vùng sinh thái gồm: vùng Đồng bằng sông Hồng [Hà Nội], vùng trung du phía Bắc [Tam Đảo], vùng núi cao phía Bắc [Lào Cai], vùng Bắc Trung Bộ [Thanh Hóa], vùng Tây Nguyên [Đà Lạt], vùng Duyên hải Nam Trung Bộ [Phú Yên] và vùng Đông Nam Bộ [Thành phố Hồ Chí Minh]. Cùng với đó, ngành đã lưu giữ và bảo tồn 1.531 nguồn gen thuộc 884 loài cây thuốc tại 7 vườn cây thuốc thuộc các đơn vị; 100% các nguồn gen bảo tồn được đánh giá ban đầu; 30% nguồn gen được đánh giá chi tiết về các chỉ tiêu sinh trưởng và phát triển… Đặc biệt, hiện đã có 11 cây dược liệu được trồng theo nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt trồng trọt và thu hái cây thuốc” [GACP-WHO], bao gồm trinh nữ hoàng cung, actiso, bìm bìm biếc, rau đắng đất, đinh lăng, diệp hạ châu đắng, cỏ nhọ nồi, tần dày lá, dây thìa canh, chè dây và kim tiền thảo.

Thị trường rộng lớn

Theo Tổ chức Y tế Thế giới [WHO], khoảng 80% dân số ở các nước đang phát triển sử dụng y học cổ truyền hoặc thuốc từ thảo dược để chăm sóc và bảo vệ sức khỏe. Chính vì vậy, ngoài những tiềm năng và thế mạnh về nguồn tài nguyên và thuốc từ dược liệu, Việt Nam có nhiều cơ hội giúp thúc đẩy phát triển ngành dược liệu trong nước.

Thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu của Việt Nam là rất lớn. Hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền hiện có 63 bệnh viện y học cổ truyền công lập; 92,7% bệnh viện đa khoa tỉnh có bộ phận y học cổ truyền; khoảng 80% trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền và gần 7.000 cơ sở hành nghề y học cổ truyền tư nhân sử dụng dược liệu trong khám chữa bệnh. Như vậy, nhu cầu sử dụng dược liệu rất lớn [khoảng 10%/năm]; trong đó, khối bệnh viện y học cổ truyền công lập sử dụng khoảng 300 loại dược liệu khác nhau ở mức khoảng 3.000 tấn mỗi năm.

Ngoài ra, tính đến tháng 12/2016, cả nước có khoảng 226 cơ sở sản xuất thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền [trong đó có 131 cơ sở sản xuất qui mô công nghiệp] sử dụng trên 300 loại dược liệu khác nhau với khoảng 80 loại dược liệu được dùng phổ biến. Cả nước hiện có 1.440 cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng với nhu cầu sử dụng dược liệu ước tính khoảng 20.000 tấn mỗi năm. Khối lượng dược liệu xuất khẩu theo thống kê đạt gần 5.000 tấn mang lại giá trị trên 6 triệu USD mỗi năm. Bên cạnh đó, trên thế giới đang có xu hướng định hình lại phương pháp nghiên cứu tìm ra các thuốc mới thay vì chú trọng đến việc tổng hợp hóa học trong phòng thí nghiệm với nhiều khó khăn, nhiều độc tính cùng chi phí lớn [khoảng 700.000 triệu USD cho phát triển thuốc mới]. Các nhà khoa học dược, các tập đoàn dược phẩm lớn hiện đang chú trọng vào sàng lọc từ thiên nhiên để tìm ra các hoạt chất sinh học mới có dược tính mạnh hơn, ít độc hơn và với chi phí cho nghiên cứu phát triển thấp hơn so với tổng hợp hóa học. Hiện trên thế giới, những hoạt chất từ dược liệu đã và đang đem lại doanh thu hàng chục tỷ USD mỗi năm như taxon chữa ung thư từ thông đỏ; acid shikimic chữa cúm từ hồi; vinblastin và vincristin chữa ung thư từ dừa cạn… Vì vậy, những đặc sắc về nguồn gen và tri thức của nước ta chính là những lợi thế quan trọng để tiếp cận thị trường, giúp hỗ trợ mạnh cho quá trình sàng lọc ban đầu này. Một thế mạnh nữa của Việt Nam chính là diện tích đất đai rộng lớn và trù phú với lượng nhân công dồi dào, rất phù hợp cho công tác nuôi trồng, thu hái dược liệu. Đặc biệt, giá trị kinh tế mang lại từ việc trồng dược liệu cao hơn hẳn so với các loại cây lương thực khác [cao hơn gấp 5-10 lần trồng lúa]. Cụ thể như: trồng đương quy có thể cho thu nhập từ 90-100 triệu đồng/ha/năm, cây Actiso thu nhập từ 60-80 triệu đồng/ha/năm; trong khi đó cây lúa chỉ cho thu nhập từ 20-40 triệu đồng /ha/năm. Vì vậy, phát triển dược liệu đang và sẽ là một hướng bền vững, ổn định góp phần xóa đói giảm nghèo cho nhiều vùng trong cả nước đồng thời, công tác phát triển dược liệu luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm. Đặc biệt, Luật Dược 2016 vừa được Quốc hội thông qua đã đưa ra rất nhiều chính sách lớn, tạo tiền đề quan trọng cho công tác phát triển dược liệu Việt Nam trong giai đoạn hiện nay…/.

Thu Phương [TTXVN/Vietnam+]

Dược phẩm là một trong các ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, bởi nó góp phần giúp người dân, người lao động được đảm bảo sức khỏe, từ đó hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực khác thực hiện tốt các sứ mệnh của mình. Tuy nhiên, ngành dược nói chung và hoạt động của các doanh nghiệp ngành dược nói riêng tại Việt Nam vẫn còn bộc lộ một số tồn tại và hạn chế, khiến ngành dược nước ta mãi chưa phát triển lớn mạnh được.

Thị phần phân tán, tiềm lực tài chính nhỏ

Theo IQVIA [2021], quy mô của ngành dược Việt Nam tính đến năm 2020 đạt khoảng 6,4 tỷ USD, đạt tốc độ tăng trưởng kép hàng năm [CAGR] 6% trong giai đoạn 2018-2020 [Hình 1]. Tốc độ tăng trưởng của ngành dược năm 2020 chậm lại so với các năm trước do việc siết chặt các biện pháp kiểm soát lây nhiễm trong các bệnh viện và thu nhập của người lao động giảm do hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Hệ thống sản xuất, kinh doanh dược phẩm được mở rộng với khoảng 250 nhà máy sản xuất, 200 cơ sở xuất nhập khẩu, 4.300 đại lý bán buôn và hơn 62.000 đại lý bán lẻ.

Hình 1: Giá trị ngành dược Việt Nam các năm 2018-2020

Đơn vị: Nghìn tỷ đồng

Nguồn: Báo cáo thị trường dược phẩm 2020 [1]

Tuy nhiên, quy mô của doanh nghiệp dược có tính chất phân tán rất cao, tiềm lực tài chính nhỏ. Năm 2020, doanh nghiệp dược có quy mô lớn nhất hiện nay là Dược Hậu Giang chỉ chiếm chưa đến 3% trong tổng thị phần ngành dược. Những doanh nghiệp dược trong top 10 công ty dược uy tín năm 2020 còn lại cũng chỉ chiếm tỷ lệ dao động trên dưới 1% thị phần ngành dược [2].

Nếu so sánh với một số ngành khác như ngành sữa hoặc ngành bia, có thể thấy rõ sự khác biệt khi một vài doanh nghiệp lớn chiếm đa số trong tổng thị phần. Về tổng quy mô thị trường, hai ngành trên cũng có quy mô gần tương đương với ngành dược. Tuy nhiên, trong ngành sữa, năm 2020, Vinamilk dẫn đầu với thị phần chiếm tới 43,3% bỏ xa các vị trí tiếp theo, tiếp đến là FrieslandCampina với thị phần là 15,8%, Nuti Food là 7,2%, TH True Milk là 6,1% [4]. Đối với thị trường bia, năm 2020, Bia Sài Gòn hiện đang dẫn đầu thị phần với tỷ lệ là 39,6%, tiếp đến là Heneiken với thị phần là 33,5%, bia Hà Nội là 10,9%, bia Huda là 4,2% [3].

Nếu so sánh về tổng tài sản, theo số liệu báo cáo tài chính năm 2020 đã được công bố, quy mô tổng tài sản của hai tập đoàn lớn nhất ngành bia và ngành sữa lần lượt gấp khoảng 5 và 9 lần so với tập đoàn số một về dược là Dược Hậu Giang. Việc quy mô tổng tài sản và thị phần có sự tập trung trong một số doanh nghiệp lớn đã giúp cho các doanh nghiệp trên có một tiềm lực tài chính to lớn, có khả năng thực hiện những dự án lớn, xây dựng các nhà máy sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại, cũng như là thuê các chuyên gia để sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng cao, được người tiêu dùng đón nhận [8], [9], [10].

Đối với ngành dược, sự phân tán cao cùng với tiềm lực tài chính thấp dẫn tới khả năng tăng đầu tư vào nghiên cứu và trang bị công nghệ sản xuất bị hạn chế, khó khăn trong đầu tư dự án quy mô lớn, khó khăn trong việc mua các sáng chế về dược, khó nâng cao năng lực đội ngũ nhân lực về nghiên cứu phát triển sản phẩm, khó nâng cao năng suất và giảm chi phí giá thành.

Thuốc nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao, đặc biệt là những phân khúc giá trị cao

Không những bị phân tán về thị trường, ngành dược phẩm còn có hạn chế lớn khi thuốc sản xuất trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 47% nhu cầu. Việt Nam đã nhập khẩu hơn 3,3 tỷ USD dược phẩm trong năm 2020, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm vào khoảng 9% trong giai đoạn 2018-2020 [Hình 2]. Kháng sinh vẫn là nhóm dược phẩm dẫn đầu về kim ngạch, hiện thị phần nhập khẩu của nhóm thuốc này chiếm khoảng 48,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu dược phẩm. Thị trường nhập khẩu thuốc chủ yếu từ các nước, như: Pháp, Đức, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Ý, Hàn Quốc, Bỉ… [1].

Hình 2: Giá trị nhập khẩu ngành dược Việt Nam

Đơn vị: Tỷ USD

Nguồn: Báo cáo thị trường dược phẩm 2020 [1]

Thực trạng trên một phần lớn là do, vấn đề quy mô và tiềm lực quá nhỏ, tác động tới trình độ, khả năng sáng chế và khả năng sản xuất dẫn tới các sản phẩm về dược phẩm do các công ty dược tại Việt Nam chủ yếu sản xuất dạng bào chế đơn giản, thực phẩm chức năng và các loại thuốc generic [dược phẩm hết thời hạn bảo hộ độc quyền] để giải quyết những bệnh lý thông thường.

Việc nhập khẩu nhiều thuốc ngoại có thể dẫn tới các vấn đề về nhập thuốc giả, thuốc kém chất lượng, giá thuốc cao do cơ chế độc quyền, tự định đoạt giá của doanh nghiệp nhập khẩu… Những điều này dẫn tới an toàn về sức khỏe và tính mạng, tiền của và sự an tâm của người dân khi tham gia khám chữa bệnh.

Nhập khẩu dược liệu chiếm tỷ lệ rất cao, tập trung chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ

Bên cạnh việc nhập khẩu nhiều thuốc ngoại, ngành dược còn phải nhập khẩu nhiều dược liệu từ nước ngoài. Theo báo cáo của Công ty Cổ phần chứng khoán FPT [FPTS], tỷ lệ nhập khẩu dược liệu từ nước ngoài chiếm tỷ lệ rất cao, lên tới 80%-90%. Trong đó, số nguyên liệu nhập khẩu từ Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tỷ trọng lên tới 85% tổng kim ngạch nguyên liệu nhập khẩu. Dù Việt Nam là nước có nguồn dược liệu rất đa dạng, nhưng nhập khẩu dược liệu vẫn chiếm tỷ trọng cao diễn ra trong nhiều năm do kỹ thuật trồng, kỹ thuật chế biến, chiết xuất dược liệu còn chưa được thực hiện nghiêm túc và có đầu tư đúng mức [1], [5].

Việc nhập khẩu nhiều nguyên liệu, lại phụ thuộc vào một số ít thị trường, nên nguồn cung thuốc thành phẩm cũng bị hạn chế, gây áp lực đến tăng chi phí sản xuất, từ đó dẫn tới tăng giá thuốc thị trường. Do phụ thuộc lớn vào nguyên vật liệu, nên sản phẩm làm ra từ dược liệu theo thống kê chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu thị trường và các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài cũng có giá trị rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, việc phụ thuộc vào nhập khẩu dược liệu quá nhiều, cộng với thiếu sự quản lý chặt chẽ cũng dẫn tới những dược liệu nhập về có thể là những dược liệu rác, kém chất lượng [1], [5], [6], [7].

Khó khăn đến từ đại dịch Covid-19

Kết quả khảo sát của Vietnam Report về các doanh nghiệp ngành dược năm 2020 cho thấy, mặc dù so với các ngành khác thì dược phẩm là một trong những ngành ít chịu ảnh hưởng nhất do đây là một trong những mặt hàng thiết yếu đối với người dân, tuy nhiên, cũng có 64,3% doanh nghiệp dược phản hồi khảo sát cho biết doanh nghiệp bị tác động nghiêm trọng vừa phải; 28,6% doanh nghiệp đánh giá tác động ít, không đáng kể và chỉ có 7,1% doanh nghiệp đánh giá bị tác động nghiêm trọng [2].

Đặc biệt, đại dịch Covid-19 xảy ra từ đầu năm 2020 hầu như khiến cắt đứt chuỗi cung ứng nguyên liệu của ngành dược vì Trung Quốc và Ấn Độ - 2 công xưởng cung cấp nguyên liệu dược lớn nhất thế giới bị gián đoạn với số người nhiễm Covid-19 rất cao. Việc khan hiếm nguyên liệu trong chuỗi cung ứng toàn cầu cùng với chi phí vận chuyển, phân phối tăng cao trong tình hình dịch bệnh Covid-19 dẫn đến đẩy giá nguyên liệu tăng cao. Hơn nữa, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Chính phủ yêu cầu kê khai thông tin người đến mua thuốc ho, hạ sốt, các sản phẩm khẩu trang và cồn sát khuẩn không được tăng giá cùng giãn cách toàn xã hội đã làm cho kênh OTC [kênh bán lẻ của các nhà thuốc, hiệu thuốc] bị ảnh hưởng nghiêm trọng, đối với kênh ETC [kênh đấu thầu trong bệnh viện], việc siết chặt để đảm bảo không có lây nhiễm trong bệnh viện kéo theo số bệnh nhân tới khám rất hạn chế, thậm chí một số nơi đã đóng cửa các khoa không cấp thiết nên kênh phân phối này hầu như bị khóa chặt.

Nhu cầu của người sử dụng sản phẩm dược thay đổi, giảm lượng cầu ở các kênh bệnh viện, các sản phẩm thuốc chưa thiết yếu, tăng nhu cầu cho các sản phẩm phòng bệnh như khẩu trang, nước rửa tay, các sản phẩm vitamin và tăng cường miễn dịch. Sự thay đổi đã gây những khó khăn nhất định với các doanh nghiệp dược, bởi trên thực tế thị phần các sản phẩm vitamin và tăng cường miễn dịch thuộc về sản phẩm nước ngoài, số lượng doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất đã giảm từ hơn 4.190 doanh nghiệp xuống còn 300 doanh nghiệp [2] sau khi Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, ngày 2/2/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm đã siết chặt tiêu chuẩn sản xuất HS-GMP cho sản phẩm bảo vệ sức khỏe/thực phẩm chức năng từ ngày 01/7/2019.

Trong khi đó, khẩu trang hay nước rửa tay đều không phải mặt hàng kinh doanh chính của các doanh nghiệp dược phẩm. Thị phần các sản phẩm này còn gặp sự cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất vật tư y tế, sản phẩm vệ sinh cá nhân… Khi tình trạng khan hiếm mặt hàng khẩu trang y tế tiếp tục xảy ra tại phần lớn các nhà thuốc, cơ sở kinh doanh trang thiết bị phòng chống dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp hóa chất, dệt may chuyển hướng sản xuất sản phẩm phòng chống dịch Covid-19, khiến thị trường này lại trở nên cạnh tranh gay gắt hơn.

MỘT SỐ ĐỀ XUẤT CHO SỰ PHÁT TRIỂN NGÀNH DƯỢC THỜI GIAN TỚI

Ngành dược cần triển khai liên kết với một vài đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài để có thể nâng nhanh quy mô tổng vốn, tài sản và tận dụng năng lực công nghệ...

Thị trường dược ở Việt Nam là một thị trường được đánh giá là lớn thứ hai ở Đông Nam Á [1] và có rất nhiều tiềm năng để phát triển do: thu nhập người dân được nâng lên, ô nhiễm môi trường ngày càng cao dẫn tới nhiều bệnh tật, dân số Việt Nam đang ngày càng già hóa, tỷ lệ người già ngày càng gia tăng, vì vậy, nhu cầu được chăm sóc và điều trị bằng thuốc và dược phẩm ngày càng cao hơn.

Qua phân tích ở trên, ta có thể thấy nhược điểm lớn nhất của ngành dược là quy mô quá nhỏ và phân tán cao và những nhược điểm khác đã dẫn đến nhiều hệ quả về công nghệ sản xuất, khả năng nghiên cứu và sản xuất, đầu tư vùng trồng dược liệu, chất lượng nhân lực… Vì vậy, để ngành dược Việt Nam phát triển lớn mạnh, theo tác giả, cần thực hiện những giải pháp sau:

Thứ nhất, cần sáp nhập các doanh nghiệp dược với nhau. Để gia tăng quy mô nhanh nhất, việc hiệp thương giữa các doanh nghiệp dược với nhau để diễn ra các thương vụ sáp nhập một vài doanh nghiệp dược với nhau, hình thành một vài tập đoàn dược quy mô lớn gấp nhiều lần hiện nay là hết sức cần thiết. Việc sáp nhập các doanh nghiệp dược sẽ tạo lợi thế gia tăng tiềm lực tài chính, tận dụng cơ sở vất chất, vùng trồng dược liệu và công nghệ sẵn có và mạng lưới hoạt động.

Bên cạnh đó, với cơ cấu tài chính an toàn với tỷ lệ nợ vay thấp của hầu hết các doanh nghiệp trong lĩnh vực dược phẩm, sau quá trình hợp nhất có thể tăng vốn thêm bằng cách gia tăng nợ vay. Khi tỷ suất lợi nhuận ở mức cao, tỷ lệ nợ ở mức thấp, các doanh nghiệp cần vay nợ thêm để tận dụng lợi ích của đòn bẩy tài chính nhằm nâng cao tỷ suất lợi nhuận vốn chủ sở hữu. Nguồn lực tài chính từ nợ vay có thể giúp các doanh nghiệp ngành dược đầu tư vào các công nghệ mới, tuyển dụng được những chuyên gia trong ngành và phát triển được mảng nghiên cứu sản phẩm cũng như là dự án trồng dược liệu… để tăng hiệu quả kinh doanh.

Thứ hai, triển khai liên kết với một vài đối tác, đặc biệt là đối tác nước ngoài để có thể nâng nhanh quy mô tổng vốn, tài sản và tận dụng năng lực công nghệ sản xuất, kinh nghiệm của họ để tạo tiền đề cho phát triển các công ty trong ngành dược.

Thứ ba, các tập đoàn dược cần mở rộng vùng trồng nguyên liệu sạch, chuẩn hóa và đầu tư các máy móc hiện đại cùng đội ngũ chuyên gia có trình độ cao liên quan đến khâu chế xuất, sản xuất dược liệu để mang những sản phẩm thực sự an toàn, chất lượng và hiệu quả tới tay người tiêu dùng.

Thứ tư, các doanh nghiệp dược Việt Nam cần chú trọng đầu tư nâng cấp nhà máy hướng tới các tiêu chuẩn cao hơn, như: EU-GMP, PIC/S. JAPAN-GMP… Bên cạnh đó, các chuỗi dược phẩm bán lẻ cũng cần tích cực hoàn thiện chuỗi phân phối, mở rộng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm, đồng thời ứng dụng hiệu quả công nghệ 4.0 trong các hoạt động./.

Tài liệu tham khảo

1. IQVIA [2021]. Báo cáo thị trường dược phẩm 2020

2. Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam [Vietnam Report] [2020]. Báo cáo Top 10 Công ty Dược uy tín năm 2020, ngày 26/11/2020

3. M.Chung [2021]. Thị trường bia còn xa mới trở lại thời điểm trước Covid, truy cập từ //vneconomy.vn/thi-truong-bia-con-xa-moi-tro-lai-thoi-diem-truoc-covid.htm

4. M.Chung [2021]. Ngành sữa năm 2021 sẽ tăng trưởng theo kịch bản nào?, truy cập từ //vneconomy.vn/nganh-sua-nam-2021-se-tang-truong-theo-kich-ban-nao.htm

5. Công ty Chứng khoán FPT [2020]. Báo cáo cập nhật ngành dược phẩm, truy cập từ //www.fpts.com.vn/FileStore2/File/2020/04/10/Pharmaceutical_Update_Report_-_Apr2020_108753a8.pdf

6. Thế Hải [2020]. Nhập khẩu thuốc chữa bệnh dự kiến đạt 3,5 tỷ USD trong năm 2020, truy cập từ //baodautu.vn/nhap-khau-thuoc-chua-benh-du-kien-dat-35-ty-usd-trong-nam-2020-d117755.html

7. Ng. Hải [2019]. Hầu hết dược liệu nhập khẩu vào Việt Nam đều là "rác", truy cập từ //nld.com.vn/kinh-te/hau-het-duoc-lieu-nhap-khau-vao-viet-nam-deu-la-rac-20190116142038479.htm

8. //finance.vietstock.vn/DHG/tai-chinh.htm?tab=CDKT

9. //finance.vietstock.vn/VNM/tai-chinh.htm?tab=CDKT

10. //finance.vietstock.vn/SAB/tai-chinh.htm?tab=CDKT

Nguyễn Mạnh Hà

Trường Đại học Công nghiệp Việt Hung

[Bài đăng trên Tạp chí Kinh tế và Dự báo số 35, tháng 12/2021]

Video liên quan

Chủ Đề