Đối thủ tiềm ẩn là gì

Cạnh tranh kinh tế là sự ganh đua giữa các chủ thể kinh tế [nhà sản xuất, nhà phân phối, bán lẽ, người tiêu dùng, thương nhân…] nhằm giành lấy những vị thế tạo nên lợi thế tương đối trong sản xuất, tiêu thụ hay tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ hay các lợi ích về kinh tế, thương mại khác để thu được nhiều lợi ích nhất cho mình.

Theo Michael Porter thì cạnh tranh là giành lấy thị phần. Bản chất của cạnh tranh là tìm kiếm lợi nhuận, là khoản lợi nhuận cao hơn mức lợi nhuận trung bình mà doanh nghiệp đang có. Kết quả quá trình cạnh tranh là sự bình quân hóa lợi nhuận trong ngành theo chiều hướng cải thiện sâu dẫn đến hệ quả giá cả có thể giảm đi.

Ở góc độ thương mại, cạnh tranh là một trận chiến giữa các doanh nghiệp và các ngành kinh doanh nhằm chiếm được sự chấp nhận và lòng trung thành của khách hàng. Hệ thống doanh nghiệp tự do đảm bảo cho các ngành có thể tự mình đưa ra các quyết định về mặt hàng cần sản xuất, phương thức sản xuất, và tự định giá cho sản phẩm hay dịch vụ.

Cạnh tranh có thể xảy ra giữa những nhà sản xuất, phân phối với nhau hoặc có thể xảy ra giữa người sản xuất với người tiêu dùng khi người sản xuất muốn bán hàng hóa, dịch vụ với giá cao, người tiêu dùng lại muốn mua được với giá thấp. Cạnh tranh của một doanh nghiệp là chiến lược của một doanh nghiệp với các đối thủ trong cùng một ngành…

Có nhiều biện pháp cạnh tranh: cạnh tranh giá cả [giảm giá] hoặc cạnh tranh phi giá cả [Khuyến mãi, quảng cáo] Hay cạnh tranh của một doanh nghiệp, một ngành, một quốc gia là mức độ mà ở đó, dưới các điều kiện về thị trường tự do và công bằng có thể sản xuất ra các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, đồng thời tạo ra việc làm và nâng cao được thu nhập thực tế.

Cạnh tranh trong kinh tế luôn liên quan đến quyền sở hữu, nói cách khác, sở hữu là điều kiện để cạnh tranh kinh tế diễn ra.

Lợi thế cạnh tranh

Lợi thế cạnh tranh là sở hữu của những giá trị đặc thù, có thể sử dụng được để “nắm bắt cơ hội”, để kinh doanh có lãi. Khi nói đến lợi thế cạnh tranh, là nói đến lợi thế mà một doanh nghiệp, một quốc gia đang có và có thể có, so với các đối thủ cạnh tranh của họ. Lợi thế cạnh tranh là một khái niệm vừa có tính vi mô [cho doanh nghiệp], vừa có tính vĩ mô [ở cấp quốc gia]. Ngoài ra còn xuất hiện thuật ngữ lợi thế cạnh tranh bền vững có nghĩa là doanh nghiệp phải liên tục cung cấp cho thị trường một giá trị đặc biệt mà không có đối thủ cạnh tranh nào có thể cung cấp được.

Năng lực cạnh tranh

Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là sự thể hiện thực lực và lợi thế của doanh nghiệp so với đối thủ cạnh tranh trong việc thoả mãn tốt nhất các đòi hỏi của khách hàng để thu lợi nhuận ngày càng cao, bằng việc khai thác, sử dụng thực lực và lợi thế bên trong, bên ngoài nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ hấp dẫn người tiêu dùng để tồn tại và phát triển, thu được lợi nhuận ngày càng cao và cải tiến vị trí so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường.

Năng lực canh tranh của doanh nghiệp được tạo ra từ thực lực của doanh nghiệp và là các yếu tố nội hàm của mỗi doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh không chỉ được tính băng các tiêu chí về công nghệ, tài chính, nhân lực, tổ chức quản trị doanh nghiệp,… mà năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gắn liền với ưu thế của sản phẩm mà doanh nghiệp đưa ra thị trường. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gắn với thị phần mà nó nắm giữ, cũng có quan điểm đồng nhất của doanh nghiệp với hiệu quả sản xuất kinh doanh…

Năng lực cạnh tranh còn có thể được hiểu là khả năng tồn tại trong kinh doanh và đạt được một số kết quả mong muốn dưới dạng lợi nhuận, giá cả, lợi tức hoặc chất lượng các sản phẩm cũng như năng lực của nó để khai thác các cơ hội thị trường hiện tại và làm nảy sinh thị trường mới.

Cạnh tranh hoàn hảo

Cạnh tranh hoàn hảo là cạnh tranh trong một mô hình kinh tế được mô tả là một mẫu kinh tế thị trường lý tưởng, ở đó không có người sản xuất hay người tiêu dùng nào có quyền hay khả năng khống chế được thị trường, làm ảnh hưởng đến giá cả. Cạnh tranh hoàn hảo được cho là sẽ dẫn đến hiệu quả kinh tế cao. Những nghiên cứu về các thị trường cạnh tranh hoàn hảo cung cấp cơ sở cho học thuyết về cung và cầu.

Các giả thiết quan trọng để mô hình cạnh tranh hoàn hảo có thể được thành lập là:

  • Tất cả các hàng hóa trao đổi được coi là giống nhau. Nghĩa là hàng hóa phải cùng một cấp chất lượng và số lượng. Các hàng hóa bán ra không khác nhau về quy cách, phẩm chất, mẫu mã. Người mua không phải quan tâm đến việc họ mua các đơn vị hàng hóa đó của ai.
  • Tất cả người bán và người mua đều có hiểu biết đầy đủ về các thông tin liên quan đến việc mua bán, trao đổi.
  • Không có gì cản trở việc gia nhập hay rút khỏi thị trường của một người mua hay một người bán.
  • Để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh các doanh nghiệp buộc phải tìm cách giảm chi phí, hạ giá thành hoặc làm khác biệt hoá sản phẩm của mình so với các đối thủ cạnh tranh

Thị trường cạnh tranh hoàn hảo chủ yếu xuất hiện ở các sản phẩm thiết yếu

Cạnh tranh không hoàn hảo

Cạnh tranh không hoàn hảo, trong kinh tế học, là một dạng cạnh tranh trong các thị trường khi các điều kiện cần thiết cho việc cạnh tranh hoàn hảo không được thỏa mãn.

Các loại cạnh tranh không hoàn hảo gồm:

  • Độc quyền:chỉ có một người bán một mặt hàng.
  • Độc quyền nhóm bán: Thị trường mà ở đó chỉ có một số lượng nhỏ người bán.
  • Cạnh tranh độc quyền: có nhiều người bán nhưng mỗi người đều tìm cách làm cho sản phẩm của mình trở nên khác biệt.
  • Độc quyền mua: Thị trường chỉ có một người mua một mặt hàng.
  • Độc quyền nhóm mua: Thị trường trong đó chỉ có một số lượng nhỏ người mua.

Trong thị trường cũng có thể xảy ra cạnh tranh không hoàn hảo do những người bán hoặc người mua thiếu các thông tin về giá cả các loại hàng hóa được trao đổi.

Cạnh tranh độc quyền

Cạnh tranh độc quyền là một hình thái tổ chức thị trường mà có nhiều người bán một sản phẩm khác biệt và sự gia nhập cũng như rời bỏ ngành công nghiệp tương đối dễ dàng về lâu dài.

Cạnh tranh độc quyền phổ biến nhất trong ngành bán lẻ của nền kinh tế. Do có nhiều sản phẩm thay thế gần gũi, đường cầu mà công ty cạnh tranh độc quyền gặp phải rất linh hoạt.

Mức sản lượng tốt nhất trong ngắn hạn là khi doanh thu cận biên [Marginal Revenue – MR] = chi phí cận biên [Marginal Cost – MC].

Các doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền nên chi tiêu vào việc thay đổi sản phẩm và các chi phí bán hàng cho đến khi MR=MC.

Nếu các doanh nghiệp cạnh tranh độc quyền có lãi ngắn hạn, trong dài hạn sẽ có nhiều công ty gia nhập thị trường hơn. Điều này làm cho đường cầu của mỗi doanh nghiệp dịch chuyển sang phía trái cho đến khi tất cả các doanh nghiệp hoà vốn.

Cạnh tranh lành mạnh

Cạnh tranh lành mạnh là loại cạnh tranh theo đúng quy định của pháp luật, đạo đức xã hội, đạo đức kinh doanh. Cạnh tranh có tính chất thi đua, thông qua đó mỗi chủ thể nâng cao năng lực của chính mình mà không dùng thủ đoạn triệt hạ đối thủ. Phương châm của cạnh tranh lành mạnh là “không cần phải thổi tắt ngọn nến của người khác để mình tỏa sáng”.

Có thể thấy, kinh doanh như một cuộc chơi nhưng không giống như chơi thể thao, chơi bài hay chơi cờ, khi mà phải luôn có kẻ thua – người thắng [lose – win]; trong kinh doanh, thành công của doanh nghiệp không nhất thiết đòi hỏi phải có những kẻ thua cuộc. Thực tế là hầu hết các doanh nghiệp chỉ thành công khi những người khác thành công [sự “cộng sinh của hai bên”]. Đây là sự thành công cho cả đôi bên nhiều hơn là cạnh tranh làm hại lẫn nhau. Tình huống này được gọi là “cùng thắng” [win – win].

Ở Việt Nam có câu “buôn có bạn, bán có phường” có nghĩa là không nhất thiết các doanh nghiệp cạnh tranh cùng một mặt hàng phải sống chết với nhau mà thông thường phải liên kết với nhau thành các phố kinh doanh cùng một mặt hàng như phố hàng trống, hàng mã….

Cạnh tranh không lành mạnh

Cạnh tranh không lành mạnh là tất cả những hành động trong hoạt động kinh tế trái với đạo đức nhằm làm hại các đối thủ kinh doanh hoặc khách hàng. Và cũng gần như sẽ không có người thắng nếu việc kinh doanh được tiến hành giống như một cuộc chiến. Cạnh tranh khốc liệt mang tính tiêu diệt chỉ dẫn đến một hậu quả thường thấy sau các cuộc cạnh tranh khốc liệt là sự sụt giảm mức lợi nhuận ở khắp mọi nơi.

Trong giai đoạn đầu của kỷ nguyên công nghiệp, các công ty, doanh nghiệp thường xuyên phải cạnh tranh khốc liệt trong tình huống đối đầu để duy trì sự phát triển và gia tăng lợi nhuận. Do đó các nhà kinh doanh cho rằng cạnh tranh thuộc phạm trù tư bản nên quan điểm về cạnh tranh trước kia được hầu hết các nhà kinh doanh đều nhầm tưởng “cạnh tranh” với nghĩa đơn thuần theo kiểu “thương trường là chiến trường”.

Mục đích của nhà kinh doanh là luôn luôn mang lại những điều có lợi cho doanh nghiệp mình. Đôi khi đó là sự trả giá của người khác. Đây là tình huống “cùng thua” [lose – lose]. Không ít cơ sở sản xuất, doanh nghiệp còn sử dụng những chiêu thức “đen” nhằm hạ thấp và loại trừ các doanh nghiệp hoạt động trên cùng một lĩnh vực ngành nghề để độc chiếm thị trường.

Những thủ đoạn cạnh tranh không lành mạnh

Một trong những thủ đoạn “đen”, ít tốn kém đầu tư mà gây thiệt hại lớn cho các đối thủ cạnh tranh là tung tin thất thiệt, thường gọi là tin đồn. Tin đồn có ảnh hưởng xấu đến doanh nghiệp đối thủ, tập trung vào các vấn đề nhạy cảm như phương thức kinh doanh, tổ chức nhân sự, chất lượng sản phẩm, thậm chí đôi khi cả những khuyết tật đời tư cá nhân của các nhân vật chủ chốt trong đơn vị, doanh nghiệp đó.

Trên thế giới, không ít các đại gia lừng danh đã từng là nạn nhân của những thông tin thất thiệt này như: Sony, Erickson, Coca Cola, Pepsi…

Đối thủ cạnh tranh tiềm năng

Đối thủ cạnh tranh tiềm năng là những từ khác nhau để chỉ một đối thủ có khả năng gia nhập và cạnh tranh trong một thị trường cụ thể song hiện tại chưa gia nhập.

Trong quản trị chiến lược, khái niệm này luôn được xét đến khi phân tích cạnh tranh nhằm đánh giá các nhân tố bên ngoài có thể liên quan, tác động đến tổ chức, công ty trong tương lai, nhằm ra quyết định chiến lược chính xác.

Chủ Đề