Ghép thận sống được bao lâu

Bệnh viện TWQĐ 108 với đội ngũ y bác sỹ giỏi có chuyên môn cao đã thực hiện ghép thận thường quy thành công nhiều năm nay. Tuy nhiên để thận ghép cũng như cơ thể được khỏe mạnh, sau ghép thận bệnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau.    

Bệnh thận mạn giai đoạn cuối cần phải điều trị thay thế thận. Ghép thận là một biện pháp thay thế thận tiên tiến giúp cuộc sống của người bệnh được trở lại bình thường. Bệnh nhân ghép thận nên tái khám định kỳ và thực hiện theo lời khuyên của bác sỹ theo dõi sau ghép; uống thuốc chống thải ghép thường xuyên, đúng liều, đúng thời điểm theo chỉ định của bác sỹ để chống thải ghép; theo dõi xét nghiệm nồng độ thuốc và thăm khám lâm sàng để chắc chắn rằng thận ghép hoạt động bình thường; thực hiện lối sống khoa học, lành mạnh: chế độ ăn, tập thể dục và giảm cân khi cần thiết. Bên cạnh những lưu ý trên, bệnh nhân cần quan tâm đến những vấn đề cụ thể như sau:

1. Thải ghép: Đây là biến chứng thường gặp và quan trọng nhất sau ghép thận.

Có 2 loại thải ghép: cấp và mạn tính. Thải ghép là phản ứng bình thường của cơ thể bạn sau khi nhận thận, do đó người bệnh cần uống thuốc chống thải ghép đều đặn theo đơn của bác sỹ theo dõi sau ghép, không bao giờ được ngừng hoặc quên uống thuốc. Có một số mẹo để bạn không bao giờ quên uống thuốc:

Phải luôn nhớ uống thuốc là một phần của hoạt động thường nhật của bạn.

Sử dụng đồng hồ điện tử và đặt chuông báo giờ uống thuốc. Bạn phải nắm rõ tên thuốc, giờ uống, tác dụng của từng loại thuốc.

Hỏi kỹ và xem lại hướng dẫn khi có bất kỳ một thay đổi liều thuốc nào.

Báo lại bác sỹ theo dõi sau ghép nồng độ thuốc khi đi khám, xét nghiệm.

Khi bạn được bác sỹ kê đơn điều trị bất kỳ một bệnh nào khác thì bạn đều phải hỏi ý kiến bác sỹ theo dõi sau ghép để chắc chắn thuốc đó không ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc chống thải ghép.

Tiếp tục uống thuốc chống thải ghép kể cả bạn cảm thấy cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh. Ngừng thuốc là nguyên nhân gây thải ghép.

Tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép: Tăng cân, tăng huyết áp, tăng nguy cơ nhiễm trùng, và tăng nguy cơ bị ung thư. Bạn nên báo lại với bác sỹ khi có bất kỳ thay đổi gì trong cơ thể bạn.

2. Nhiễm trùng: Uống thuốc chống thải ghép sẽ làm cơ thể suy giảm miễn dịch và dễ bị nhiễm virus và một số nhiễm trùng khác. Cách đơn giản nhất để phòng nhiễm trùng là bạn phải rửa tay thường xuyên, dùng gel kháng khuẩn vào mùa lạnh hoặc mùa cúm. Tiêm vắc xin theo hướng dẫn của bác sỹ cũng là cách để phòng bệnh. Cần báo với bác sỹ theo dõi sau ghép càng sớm càng tốt khi có những dấu hiệu sau:

Loét, vết thương, tổn thương đặc biệt là vết thương lâu liền sẹo.

Các dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu: tiểu tiện thường xuyên, đau hoặc nóng rát khi tiểu tiện, nước tiểu đục hoặc đỏ, có mùi hôi.

Các dấu hiệu của nhiễm trùng đường hô hấp: ho, ngạt mũi, chảy nước mũi, đau rát họng hoặc sốt.

Tránh nhiễm trùng bạn cần:

+ Rửa tay thường xuyên

+ Duy trì thói quen vệ sinh tốt, đặc biệt là khi nuôi thú cưng

+ Tránh tiếp xúc với những người đang bị ốm

+ Tránh tiếp xúc với những người mới tiêm phòng vắc xin sống giảm động lực [Trẻ em đã uống vắc xin phòng bại liệt trong 3 tuần; trẻ em đã tiêm vắc xin phòng sởi hoặc quai bị; người lớn tiêm vắc xin thủy đậu giảm động lực]. Ngoài ra, không ai trong gia đình ngừa vắc xin ngừa cúm đường mũi.

+ Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

+ Nếu có kế hoạch đi du lịch thì bạn phải hỏi ý kiến bác sỹ theo dõi cho bạn và có thể bạn phải tiêm vắc xin phòng một số bệnh phổ biến ở khu vực bạn muốn du lịch

3. Vắc xin: Vắc xin bảo vệ cơ thể, tránh nhiễm trùng tuy nhiên một số vắc xin không tốt cho người bệnh sau ghép thận [vắc xin sống giảm động lực]. Bạn phải xin ý kiến bác sỹ theo dõi ghép nếu bạn muốn tiêm hoặc tiêm nhắc lại vắc xin.

Bạn nên:

+ Tiêm vắc xin phòng virus viêm gan B trước ghép.

+ Tránh những vắc xin sống

+ Tránh vắc xin cúm đường mũi

+ Chỉ ghép sau khi tiêm phòng cúm ít nhất 3-6 tháng và nhắc lại hằng năm bằng đường tiêm.

Một số vắc xin an toàn được khuyến nghị: Bạch hầu, ho gà, uốn ván; Viêm gan virus A [khi đi du lịch hoặc có nguy cơ mắc]; Viêm gan virus B [tiêm trước ghép]; Vắc xin phòng viêm phế cầu [nhắc lại mũi đơn sau 5 năm]; Vắc xin bại liệt đã bất hoạt; Cúm type A và B [nhắc lại hằng năm]; Viêm màng não [nếu có nguy cơ cao]; Thương hàn đường tiêm tĩnh mạch

Một số vắc xin cần tránh:Vắc xin thủy đậu; Vắc xin BCG [lao]; Đậu mùa; Cúm đường mũi; Thương hàn type 1a đường uống và các vắc xin mới hơn khác; Sởi [trừ khi có bùng phát dịch]; Quai bị; Rubella; Bại liệt đường uống; Viêm não Nhật Bản; Sốt vàng da.

4. Đái tháo đường mới xuất hiện sau ghép [NODAT]: Là đái tháo đường mới xảy ra sau ghép mà trước đó bạn không mắc. Có thể do tác dụng phụ của thuốc chống thải ghép. Những người béo bụng hoặc tiền sử gia đình đái tháo đường thì sẽ có nguy cơ NODAT cao. Bạn nên xét nghiệm đường máu thường xuyên trong các đợt tái khám và các bác sỹ sẽ có kế hoạch theo dõi đường máu cho bạn. Nếu bạn bị đái tháo đường thì bạn phải:

+ Điều chỉnh chế độ ăn giảm tinh bột

+ Tập thể dục [theo hướng dẫn của bác sỹ]

+ Dùng thuốc hạ đường máu

5. Bệnh tim mạch: Người bệnh sau ghép thận có nguy cơ bị bệnh tim mạch cao hơn. Các yếu tố nguy cơ gồm: hút thuốc lá, đái tháo đường, thừa cân béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, thời gian lọc máu trước ghép. Để giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, bạn cần:

+ Kiểm soát tăng huyết áp

+ Kiểm soát mỡ máu

+ Bỏ thuốc lá

+ Tập thể dục dưới sự cho phép của bác sỹ theo dõi thận ghép

+ Duy trì cân nặng bằng chế độ ăn uống hợp lý, lành mạnh.

+ Kiểm soát đường máu tốt, nếu bạn bị đái tháo đường thì hãy làm việc.

6. Tăng huyết áp

Bạn nên kiểm tra huyết áp thường xuyên, huyết áp mục tiêu là dưới: 130/80 mmHg. Để kiểm soát huyết áp tốt, bạn cần:

+ Kiểm soát cân nặng, bao gồm tập thể dục.

+ Chế độ ăn ít muối

+ Thuốc hạ áp

7. Rối loạn mỡ máu

Một số người bị cholesterol và triglycerid tăng cao sau ghép thận do: tác dụng phụ của thuốc, tăng cân, chế độ ăn uống kém, tiền sử gia đình hoặc lười vận động. Các vấn đề liên quan đến thận gây protein niệu cũng làm tăng mỡ máu.Để kiểm soát mỡ máu tốt, bạn cần:

+ Chế độ ăn hợp lý

+ Tập thể dục dưới sự cho phép của bác sỹ theo dõi thận ghép

+ Thuốc hạ mỡ máu

8. Ngừng thuốc lá

Hút thuốc lá là yếu tố nguy cơ tim mạch, ung thư phổi và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, và còn ảnh hưởng đến thận ghép của bạn. Vì vậy bạn nên ngừng thuốc lá.

9. Cân nặng

Sau ghép bạn có thể bị tăng cân do tác dụng phụ của thuốc và do chế độ ăn thiếu nghiêm ngặt. Tăng cân gây béo phì, và đây là yếu tố nguy cơ tim mạch cũng như đái tháo đường sau ghép. Bạn cần được chuyên gia dinh dưỡng cùng bác sỹ theo dõi sau ghép tư vấn về chế độ ăn và bạn cần thực hiện lối sống khoa học, hợp lý.

10. Ung thư

Một số loại thuốc chống thải ghép có nguy cơ gây ung thư [da và môi], đặc biệt ở những người có tiền sử gia đình hoặc bản thân bị ung thư, sống ở vùng nhiều ánh nắng mặt trời. Do đó để giảm nguy cơ ung thư bạn cần:

+ Tránh ánh nắng trực tiếp

+ Tránh đến những nơi nhiều ánh nắng mặt trời

+ Bôi kem chống nắng chống UVA, UVB

+ Phát hiện những thay đổi trên da, thường xuyên tự kiểm tra da và môi bạn. Thông báo cho bác sỹ theo dõi của bạn khi thấy: khối u lạ, sưng, xước, loét hoặc màu sắc bất thường trên da, niêm mạc của bạn. Nên khám bác sỹ da liễu hằng năm, trao đổi với bác sỹ theo dõi của bạn và sàng lọc yếu tố nguy cơ ung thư:

+ Nữ: ung thư vú, ung thư cổ tử cung

+ Nam: ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại trực tràng.

11. Bệnh lý xương

Bệnh lý xương [hay còn gọi bệnh thận mạn- rối loạn chuyển hóa xương và khoáng: CKD-MBD] có thể vẫn tiếp tục sau ghép thận. Bệnh lý xương gây xương yếu và giòn dẫn đến dễ bị gãy. Bác sỹ theo dõi sau ghép sẽ xét nghiệm nồng độ calci, phốt pho, hormon tuyến cận giáp [PTH] và vitamin D cho bạn. Để giảm nguy cơ bệnh lý xương bạn cần:

+ Tập thể dục: đi bộ, đi xe đạp, tập tạ

+ Bổ xung vitamin D nếu kết quả xét nghiệm vitamin D thấp

+ Thuốc làm tăng mật độ xương không sử dụng phổ biến sau ghép. Nếu bác sỹ kê đơn thuốc này thì bạn cần sinh thiết xương trước khi sử dụng thuốc này.

12. Thiếu máu

Sau ghép bạn có thể bị thiếu máu do quá trình phẫu thuật, tác dụng phụ của thuốc, nhiễm trùng, hồng cầu bị vỡ bất thường hoặc thải ghép. Thuốc hạ áp cũng có thể khiến cơ thể tạo ra ít tế bào hồng cầu hơn. Thiếu máu gây mệt mỏi, nếu không được điều trị sẽ gây thiếu máu các cơ quan, dẫn đến suy tim. Nếu bạn bị thiếu máu bạn phải có chế độ ăn giàu sắt và bác sỹ kê đơn thuốc sắt cho bạn.

13. Gút

Là tình trạng tăng axít uric gây lắng đọng tinh thể trong khớp gây sưng đau. Cơ thể phải cần thời gian để loại bỏ axít uric sau khi ghép và thuốc chống thải ghép [cyclosporin] có tác dụng phụ là gây tăng axít uric. Để tránh bị gút thì bạn sẽ được bác sỹ kiểm soát nồng độ axít uric:

+ Chế độ ăn: hạn chế một số thực phẩm: thịt đỏ, hải sản, nước ngọt, nước ngọt có đường và rượu.

+ Giữ cân nặng

+ Kiểm soát huyết áp, đường máu và mỡ máu.

+ Thuốc [tránh nhóm chống đau giảm viêm non steroid]

14. Hoạt động tình dục và khả năng sinh sản

Sau ghép chức năng tình dục của bạn sẽ trở lại bình thường [nếu vấn đề đó do suy thận hoặc do lọc máu]. Bạn và bạn tình có thể trao đổi với bác sỹ theo dõi sau ghép khi có vấn đề về chức năng tình dục, tình dục an toàn và cách phòng tránh thai. Phụ nữ độ tuổi sinh đẻ nên tham khảo ý kiến bác sỹ khi có ý định mang thai và phòng tránh thai. Trước khi mang thai bạn nên:

+ Đợi ít nhất sau ghép 1 năm

+ Đợi đến khi chức năng thận ổn định

+ Khám bác sỹ chuyên khoa sản

+ Tìm hiểu về lợi ích và rủi ro khi cho con bú vì một số loại thuốc có thể qua sữa mẹ và gây hại cho em bé.

15. Sức khỏe tâm thần

Lo lắng và trầm cảm là phổ biến sau ghép, có khi bạn cảm thấy choáng váng vì những thay đổi đang xảy ra sau ghép. Điều này có thể là do các vấn đề sức khỏe trước ghép, cũng có thể từ chính cuộc ghép hoặc do tác dụng phụ của một số thuốc chống thải ghép. Nếu bạn đang cảm thấy lo lắng hoặc trầm cảm thì bạn nên thảo luận với bác sỹ theo dõi sau ghép để xem có phải điều trị hay không và họ chính là người sẽ lên kế hoạch điều trị phù hợp cho bạn để bạn vượt qua giai đoạn này.

16. Lối sống lành mạnh

Lối sống lành mạnh rất quan trọng sau ghép vì giúp mang lại cảm giác khỏe mạnh và cải thiện một số yếu tố nguy cơ tim mạch: đái tháo đường sau ghép, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu Để có lối sống lành mạnh, bạn nên:

+ Quay trở lại cuộc sống thường ngày: công việc, tới trường hay làm việc nhà

+ Tăng cường hoạt động thể lực: tập thể dục thường xuyên [bạn phải hỏi ý kiến bác sỹ trước khi tập]

+ Chế độ ăn uống hợp lý: bạn nên tham khảo bác sỹ dinh dưỡng để họ kê cho bạn thực đơn phù hợp.

+ Giảm cân khi cần thiết để đạt trọng lượng khối cơ thể hợp lý.

BSCKI. Nguyễn Thị Thúy. Khoa Thận lọc máu

Nguồn: www.kidney.org

Chủ Đề