Giấy chứng nhận cơ bản là gì

Những sản phẩm mà các bạn hiện thấy trên thị trường không phải tự nhiên được phép lưu hành để đến tay người tiêu dùng hay xuất khẩu, mà chúng phải vượt qua được một số bước để đánh giá chất lượng. Trong đó có việc chứng nhận sản phẩm.

Vậy pháp luật quy định như thế nào về chứng nhận sản phẩm? Quý Khách hàng cần làm gì để thực hiện đúng và đầy đủ thủ tục để sản phẩm của mình được chứng nhận đạt yêu cầu? Câu trả lời sẽ có trong bài viết dưới đây của NPLaw.

Căn cứ pháp lý:

1. Nghị định số 107/2016/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 01 tháng 7 năm 2016 quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp [sau đây gọi là Nghị định 107/2016/NĐ-CP];

2. Nghị định số 154/2018/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 09 tháng 11 năm 2018 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Khoa học và Công nghệ và một số quy định về kiểm tra chuyên ngành [sau đây gọi là Nghị định 154/2018/NĐ-CP];

3. Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17067:2015 [ISO/IEC 17067:2013]

I. Chứng nhận sản phẩm được hiểu như thế nào?

Căn cứ theo tiểu mục 4.1 Mục 4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17067:2015 [ISO/IEC 17067:2013] về Đánh giá sự phù hợp - Nguyên tắc cơ bản trong chứng nhận sản phẩm và hướng dẫn về chương trình chứng nhận sản phẩm được hiểu như sau:

Chứng nhận sản phẩm là việc cung cấp đánh giá và xác nhận của bên thứ ba về sự đáp ứng các yêu cầu quy định đã được chứng minh. Việc chứng nhận sản phẩm được diễn ra dưới sự đánh giá độc lập do các tổ chức chứng nhận tuân thủ Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17065:2013 [IEC/ISO 17065:2012] tiến hành.

Mục đích lớn nhất của việc chứng nhận sản phẩm [có sự đánh giá của bên thứ ba nên tạo được sự khách quan và chính xác] là mang đến lòng tin cho người tiêu dùng, cơ quan quản lý, ngành công nghiệp và các bên quan tâm khác rằng sản phẩm phù hợp với các yêu cầu xác định, bao gồm, ví dụ như tính năng, sự an toàn, khả năng vận hành tương tác và tính bền vững của sản phẩm. Bởi vì chất lượng sản phẩm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý của người tiêu dùng, có khả năng đưa một ngành công nghiệp phát triển hoặc khiến cho ngành công nghiệp đó sụp đổ. Do đó, việc thực hiện nghiêm túc quy định về chứng nhận sản phẩm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả doanh nghiệp, người tiêu dùng lẫn một số cơ quan, tổ chức liên quan.

II. Các mục tiêu cơ bản của chứng nhận sản phẩm cần đạt được là gì?

Theo tiểu mục 4.2 Mục 4 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17067:2015 [ISO/IEC 17067:2013] thì các mục tiêu cơ bản của việc chứng nhận sản phẩm cần thực hiện được đó là:

1. Giải quyết nhu cầu của người tiêu dùng, người sử dụng và rộng hơn là tất cả các bên quan tâm thông qua việc mang lại sự tin tưởng về việc đáp ứng các yêu cầu quy định.

2. Cho phép các nhà cung ứng chứng tỏ với thị trường rằng sản phẩm của họ đã được một bên thứ ba độc lập xác nhận đáp ứng các yêu cầu quy định.

3. Mang lại những giá trị cơ bản như sau:

- Sự tin tưởng cho những người quan tâm tới việc đáp ứng các yêu cầu;

- Giá trị đủ để nhà cung ứng có thể đưa sản phẩm ra thị trường một cách có hiệu lực.

III. Các yếu tố cần có của một chương trình chứng nhận sản phẩm và mối quan hệ giữa chương trình và hệ thống chứng nhận sản phẩm

Các chương trình chứng nhận sản phẩm được xây dựng với nhiều yếu tố để phù hợp với sản phẩm được đánh giá. Giữa chương trình và hệ thống chứng nhận sản phẩm có mối quan hệ chặt chẽ.

1. Các yếu tố cần có của một chương trình chứng nhận sản phẩm

Căn cứ theo tiểu mục 6.5.1 Mục 6 Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17067:2015 [ISO/IEC 17067:2013] về Đánh giá sự phù hợp - Nguyên tắc cơ bản trong chứng nhận sản phẩm và hướng dẫn về chương trình chứng nhận sản phẩm, thì với một chương trình chứng nhận sản phẩm cần quy định về tất cả 22 yếu tố, trong đó có thể đặc biệt lưu ý với các nhóm yếu tố như sau:

[1] Phạm vi của chương trình, bao gồm loại sản phẩm được quy định;

[2] Tài liệu hoặc các tiêu chuẩn dùng để viện dẫn khi đánh giá sản phẩm;

[3] Việc lựa chọn các hoạt động thích hợp với mục đích và phạm vi của chương trình, tối thiểu một chương trình chứng nhận cần có;

[4] Những yêu cầu khác khách hàng phải đáp ứng, ví dụ việc vận hành hệ thống quản lý hay các hoạt động kiểm soát quá trình nhằm đảm bảo chứng tỏ việc thực hiện các yêu cầu xác định là có hiệu lực đối với quá trình sản xuất đang diễn ra của sản phẩm đã được chứng nhận;

[5] Các yêu cầu đối với tổ chức chứng nhận hoặc các tổ chức đánh giá sự phù hợp khác tham gia vào quá trình chứng nhận; những yêu cầu này không nên mâu thuẫn với các yêu cầu của tiêu chuẩn áp dụng đối với các tổ chức đánh giá sự phù hợp;

[6] Các nội dung, liên quan đến sự phù hợp, tuyên bố về sự phù hợp, dấu phù hợp;

[7] Các nguồn lực cần thiết cho việc triển khai chương trình, gồm cả tính khách quan và năng lực nhân sự [nội bộ và bên ngoài], các nguồn lực xem xét đánh giá và việc sử dụng các nhà thầu phụ;

[8] Các yếu tố về việc báo cáo, kiểm tra, giám sát chương trình, cách thức xử lý các điểm không phù hợp với các yêu cầu chứng nhận, kể cả yêu cầu đối với sản phẩm;

[9] Các điều kiện chung đối với việc cấp, duy trì, mở rộng hay thu hẹp phạm vi chứng nhận, đình chỉ và hủy bỏ chứng nhận: điều này cũng bao gồm các yêu cầu về tạm dừng hoạt động quảng cáo, trả lại các tài liệu chứng nhận và mọi hành động khác nếu chứng nhận bị đình chỉ, hủy bỏ hoặc chấm dứt.

Trên đây là những yếu tố cơ bản nhất được phân loại theo nhóm lớn, ngoài ra còn một số yếu tố khác được quy định tại văn bản Tiêu chuẩn quốc gia.

2. Mối quan hệ giữa chương trình và hệ thống chứng nhận sản phẩm

Chương trình chứng nhận sản phẩm sử dụng các quy tắc, thủ tục và cách quản lý xác định, chúng có thể là duy nhất đối với chương trình đó hoặc có thể được xác định trong hệ thống chứng nhận sản phẩm áp dụng cho nhiều chương trình. Một hệ thống chứng nhận sản phẩm bao gồm hai chương trình chứng nhận trở lên.

Chương trình chứng nhận sản phẩm được xây dựng thì mới có nguồn để tạo thành hệ thống. Luôn cần có một chương trình chứng nhận sản phẩm, nhưng chỉ cần xác định một cách riêng rẽ hệ thống chứng nhận sản phẩm khi sử dụng cùng các quy tắc, thủ tục và cách quản lý cho nhiều chương trình chứng nhận.

IV. Hướng dẫn thủ tục đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm

Thủ tục đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm bao gồm một số nội dung chính cần lưu ý như sau:

1. Hồ sơ đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm bao gồm những gì?

Căn cứ khoản 2 Điều 18 Nghị định 107/2016/NĐ-CP, khoản 1 Điều 3 Nghị định 154/2018/NĐ-CP, được sửa đổi bởi khoản 8 Điều 3 Nghị định 154/2018/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm [cấp mới Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm] bao gồm một số tài liệu như sau:

[1] Đơn đăng ký hoạt động chứng nhận theo Mẫu số 01 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 107/2016/NĐ-CP;

[2] Bản sao Quyết định thành lập hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;

[3] Danh sách chuyên gia đánh giá theo Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP và các chứng chỉ, tài liệu liên quan đối với mỗi chuyên gia gồm: Bản sao Quyết định tuyển dụng hoặc Hợp đồng lao động; bản sao các bằng cấp, chứng chỉ theo quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 107/2016/NĐ-CP;

[4] Tài liệu chứng minh năng lực hoạt động chứng nhận đáp ứng yêu cầu có hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng các yêu cầu quy định trong tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế và hướng dẫn quốc tế cho mỗi loại hình tương ứng, cụ thể như sau:

Trường hợp tổ chức chứng nhận đã được tổ chức công nhận quy định tại Điều 21 Nghị định 107/2016/NĐ-CP hoặc tổ chức công nhận nước ngoài quy định tại Điều 25 Nghị định 107/2016/NĐ-CP công nhận nhưng có phạm vi đăng ký hoạt động rộng hơn phạm vi được công nhận, tổ chức chứng nhận nộp bản sao Chứng chỉ công nhận kèm theo phạm vi được công nhận và các tài liệu, quy trình chứng nhận, các tài liệu khác liên quan để chứng minh năng lực hoạt động phù hợp với các yêu cầu của tiêu chuẩn tương ứng quy định tại khoản 2 Điều 17 Nghị định 107/2016/NĐ-CP như Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17065:2013 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17065:2012, Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO/IEC 17021-1:2015 hoặc tiêu chuẩn quốc tế ISO/IEC 17021-1:2015 và các hướng dẫn liên quan của Diễn đàn Công nhận Quốc tế [IAF],... đối với phạm vi chưa được công nhận;

[5] Mẫu Giấy chứng nhận và Dấu chứng nhận.

2. Trình tự thực hiện thủ tục đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm

Quá trình tiếp nhận hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm được thực hiện như sau:

- Bước 1: Cá nhân, tổ chức có nhu cầu đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm chuẩn bị và nộp hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền;

- Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận và thẩm định tính hợp lệ của hồ sơ;

- Bước 3: Trường hợp hồ sơ không đầy đủ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo bằng văn bản yêu cầu tổ chức chứng nhận sửa đổi, bổ sung;

- Bước 4: Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ, bộ quản lý ngành, lĩnh vực chịu trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận cho tổ chức chứng nhận;

- Bước 5: Cá nhân, tổ chức tiếp nhận kết quả.

3. Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm

Cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm không cụ thể mà được xác định dựa trên nguyên tắc đăng ký hoạt động theo quy định tại Điều 4 Nghị định 107/2016/NĐ-CP như sau:

3.1. Trường hợp tổ chức đánh giá sự phù hợp có nhu cầu đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với sản phẩm, hàng hóa, quá trình sản xuất, cung ứng dịch vụ, quá trình, môi trường [sau đây gọi là đối tượng đánh giá sự phù hợp] chuyên ngành thuộc trách nhiệm, quản lý nhà nước của một bộ quản lý ngành, lĩnh vực

Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp này thuộc bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý tương ứng với đối tượng đó. Ví dụ: Doanh nghiệp có nhu cầu đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm đối với sản phẩm, dịch vụ về môi trường thì nộp hồ sơ đến Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3.2. Trường hợp tổ chức đánh giá sự phù hợp có nhu cầu đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm đa ngành thuộc trách nhiệm quản lý của từ hai bộ quản lý ngành, lĩnh vực trở lên

Thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ trong trường hợp này là Bộ Khoa học và Công nghệ.

3.3. Tổ chức đánh giá sự phù hợp có nhu cầu đăng ký hoạt động đánh giá sự phù hợp đối với hai hoặc nhiều đối tượng đánh giá sự phù hợp chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của hai hoặc nhiều bộ quản lý ngành, lĩnh vực

Trong trường hợp này, việc nộp hồ sơ được thực hiện tại các bộ quản lý ngành, lĩnh vực quản lý từng đối tượng tương ứng.

V. Một số câu hỏi về chứng nhận sản phẩm

Xoay quanh vấn đề về chứng nhận sản phẩm, một số câu hỏi thường gặp được NPLaw giải đáp như sau:

1. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm bao gồm những tài liệu nào?

Căn cứ tại khoản 4 Điều 18 Nghị định 107/2016/NĐ-CP, trường hợp cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chứng nhận sản phẩm, tổ chức, cá nhân cần chuẩn bị hồ sơ bao gồm các tài liệu như sau:

[1] Đơn đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận theo Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 107/2016/NĐ-CP;

[2] Bản chính Giấy chứng nhận bị hư hỏng [nếu có] đối với trường hợp Giấy chứng nhận bị hư hỏng.

2. Các hình thức chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm và hàng hóa là gì?

Một số hình thức chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa bao gồm:

[1] Chứng nhận tự nguyện: là chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm và hàng hóa với tiêu chuẩn theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân;

[2] Chứng nhận bắt buộc: là chứng nhận sự phù hợp của sản phẩm và hàng hóa với quy chuẩn kỹ thuật theo yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước [ở Trung ương hoặc địa phương].

3. Tại sao nên tìm luật sư để tư vấn về chứng nhận sản phẩm phù hợp theo tiêu chuẩn?

Việc chứng nhận sản phẩm có vai trò quan trọng đối với mỗi nhà sản xuất vì sản phẩm đã được chứng nhận đạt tiêu chuẩn sẽ mang lại niềm tin đến từ người tiêu dùng và các đối tác nhập khẩu, phân phối của chính nhà sản xuất đó. Chứng nhận sản phẩm ngoài tự nguyện thì còn có bắt buộc đối với một số loại sản phẩm nhất định. Đó chính là lý do vì sao các cá nhân, tổ chức sản xuất sản phẩm dù bất kỳ lĩnh vực gì cũng nên thực hiện tốt quy định về chứng nhận sản phẩm.

Việc có một luật sư tư vấn về chứng nhận sản phẩm giúp cho Quý Khách hàng vẫn còn đang có nhiều băn khoăn về vấn đề này có thêm những hiểu biết về quy định pháp luật, thực hiện đầy đủ các thủ tục để sản phẩm đạt yêu cầu theo các tiêu chuẩn hiện hành, phòng ngừa những rủi ro pháp lý không đáng có trước, trong và sau khi chứng nhận sản phẩm.

Một lựa chọn vô cùng đúng đắn mà Quý Khách hàng có thể cân nhắc chính là Công ty Luật TNHH Ngọc Phú [NPLaw]. NPLaw hiện có cung cấp dịch vụ tư vấn về chứng nhận sản phẩm cũng như các vấn đề pháp lý có liên quan trong quá trình kinh doanh, sản xuất, lưu hành sản phẩm. Quý Khách hàng có mong muốn được tư vấn vui lòng liên hệ số hotline 0913 449 968 hoặc truy cập trang web nplaw.vn để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm hướng dẫn về các thủ tục. Với nghiệp vụ chuyên môn cao, NPLaw hứa hẹn sẽ mang lại trải nghiệm dịch vụ pháp lý chất lượng và uy tín đến với Quý Khách hàng.

Trên đây là nội dung tư vấn của NPLaw về chứng nhận sản phẩm. Quý Khách hàng khi cần được tư vấn về việc thực hiện các thủ tục liên quan đến chứng nhận sản phẩm hãy lưu ý các nội dung trên. Trong trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào về vấn đề này hoặc có vấn đề pháp lý khác vui lòng liên hệ NPLaw để được tư vấn giải quyết. Trân trọng cảm ơn Quý Khách hàng.

Chủ Đề