Hải quân nhân dân Việt Nam được tổ chức biên chế thành máy vùng

Hải quân là gì? Tìm hiểu về Quân chủng Hải quân của Việt Nam

Quân chủng Hải quân là lực lượng nòng cốt bảo vệ chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên biển. Hải quân nhân dân Việt Nam có nhiệm vụ quản lý và kiểm soát chặt chẽ các vùng biển, hải đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông; giữ gìn an ninh, chống lại mọi hành vi vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia của Việt Nam trên biển; bảo vệ các hoạt động bình thường của Việt Nam trên các vùng biển đảo, theo quy định của luật pháp quốc tế và pháp luật Việt Nam; bảo đảm an toàn hàng hải và tham gia tìm kiếm cứu nạn theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia, sẵn sàng hiệp đồng chiến đấu với các lực lượng khác nhằm đánh bại mọi cuộc tiến công xâm lược trên hướng biển.

Lễ tiếp nhận tàu Lý Thái Tổ.

Bộ tư lệnh Hải quân chỉ huy toàn bộ lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam. Bộ Tư lệnh có Tư lệnh và các Phó Tư lệnh, Chính uỷ và Phó Chính uỷ, các cơ quan đảm nhiệm các mặt công tác quân sự; công tác đảng, công tác chính trị; kỹ thuật; hậu cần. Hải quân nhân dân Việt Nam có 5 vùng Hải quân [1, 2, 3, 4, 5] và các đơn vị trực thuộc. Lực lượng chủ yếu của Hải quân nhân dân Việt Nam là các đơn vị tàu mặt nước, pháo - tên lửa bờ biển; hải quân đánh bộ; đặc công hải quân và các đơn vị phòng thủ đảo. Hải quân nhân dân Việt Nam đã được tăng cường lực lượng và phương tiện để làm tốt nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn. Trong tương lai, Hải quân nhân dân Việt Nam được tăng cường trang bị vũ khí hiện đại, nâng cao sức mạnh chiến đấu để có đủ khả năng hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán và các lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.

Hải quân nhân dân Việt Nam có truyền thống rất vẻ vang, lập công lớn trong chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân và hải quân Mỹ nhất là thành tích chống phong toả đường biển và các nhiệm vụ được giao trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Quân chủng Hải quân được Nhà nước Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tư liệu BQP

Các vùng hải quân của HQVN.

  • Vùng Hải quân là tổ chức liên binh đoàn chiến dịch-chiến thuật của hải quân, phân chia theo lãnh thổ, gồm các binh đoàn, binh đội tàu mặt nước, không quân của hải quân, Hải quân đánh bộ, bộ đội phòng thủ đảo, pháo binh bờ biển và các đơn vị bảo đảm tác chiến [ra đa, thông tin, kỹ thuật, hậu cần...].
  • Ngày 26 tháng 10 năm 1975, Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 141/QĐ-QP thành lập 5 vùng duyên hải thuộc Bộ Tư lệnh hải quân. Đến năm 1978 giải thể vùng 2 và đổi tên vùng duyên hải thành vùng hải quân.
  • Ngày 14 tháng 1 năm 2011, Bộ Quốc phòng ra Quyết định nâng cấp Bộ Chỉ huy Vùng Hải quân lên thành Bộ Tư lệnh Vùng Hải quân
  • Bộ Tư lệnh Vùng 1
  • Bộ Tư lệnh Vùng 2
  • Bộ Tư lệnh Vùng 3
  • Bộ Tư lệnh Vùng 4
  • Bộ Tư lệnh Vùng 5

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân [thứ 3, phải sang] và các đại biểu giao lưu văn nghệ cùng quân, dân trên đảo Trường Sa

Thực tiễn tình hình và yêu cầu lịch sử đã đặt ra cho Quân chủng Hải quân những trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang. Đó là, vừa phải bảo vệ vững chắc chủ quyền, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên các vùng biển, đảo; xây dựng Quân chủng thực sự là lực lượng nòng cốt, tiên phong góp phần giải quyết tốt mối quan hệ kinh tế - quốc phòng và an ninh biển đảo; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhân dân. Bám sát yêu cầu đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Quân ủy Trung ương, những năm gần đây, Hải quân nhân dân Việt Nam đã phát triển với tốc độ rất nhanh, tạo bước biến đổi quan trọng cả về lượng và chất. Cùng lúc, Quân chủng tập trung đầu tư mua sắm, đóng mới nhiều phương tiện, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại như tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9; máy bay EC-225, DHC-6; tàu ngầm ki lô 636 thế hệ mới; tên lửa bờ thế hệ mới; tàu pháo được thiết kế chế tạo mới, vận hành thao tác tự động… Xây dựng, phát triển thêm những đơn vị lực lượng mới như Lữ đoàn Không quân Hải quân, Lữ đoàn Tàu ngầm hiện đại, Lữ đoàn Tên lửa bờ, Lữ đoàn tàu pháo- Tên lửa, nâng cấp các vùng lên Bộ Tư lệnh vùng Hải quân tương đương quân đoàn, một số trung đoàn lên lữ đoàn, các tiểu đoàn ra đa lên trung đoàn… Đến nay, Quân chủng đã hoàn chỉnh tổ chức biên chế Hải quân theo hướng đủ 5 thành phần cơ bản [Tàu mặt nước; tàu ngầm; pháo binh-tên lửa bờ; không quân hải quân; hải quân đánh bộ-đặc công nước].

Do đặc thù thực hiện nhiệm vụ, tuy cuộc sống của người lính biển còn nhiều thiếu thốn, đặc biệt là nơi núi cao, đảo xa nhưng nếu đến bất kỳ đảo nào dù là đảo gần bờ hay xa bờ, dù ở Trường Sa hay vùng biển đảo miền Trung, đảo Tây Nam hay Nhà giàn DK1 ở thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Hải quân luôn tự hào vì được đóng góp một phần công sức nhỏ bé của mình để bảo vệ Tổ quốc. Trao đổi cùng chúng tôi, Thượng tá Phạm Thế Nhương, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng đảo Trường Sa chia sẻ: “Nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của đơn vị. Cấp ủy, chỉ huy Đảo đã tăng cường quán triệt cho cán bộ chiến sĩ nêu cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu cao, xây dựng kế hoạch duy trì lực lượng và phương tiện luyện tập, xử lý thành thạo các phương án bảo đảm các phương án luôn luôn sẵn sàng, con người sẵn sàng, vũ khí trang bị sẵn sàng khi có lệnh chiến đấu là có thể thực hiện nhiệm vụ chiến đấu thắng lợi, góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc”.

Bên cạnh đó, phát huy truyền thống anh hùng, chủ động bắt nhịp với xu thế mới, bằng nỗ lực vượt bậc, quyết tâm cao nhất, chuẩn bị chu đáo từ công tác xây dựng hạ tầng cơ sở, chuẩn bị con người đến tiếp nhận, huấn luyện mà đặc biệt là việc tiếp nhận các trang thiết bị hiện đại trong một thời gian ngắn, lực lượng Hải quân Việt Nam đã tạo được bước đột phá mới trên lĩnh vực quân sự Việt Nam. Việc tiếp nhận, làm chủ và đưa vào khai thác sử dụng các loại trang bị, vũ khí mới, hiện đại trên đặt ra yêu cầu rất cao đối với mỗi cán bộ, chiến sĩ hải quân, đòi hỏi đội ngũ cán bộ chiến sĩ vận hành sử dụng tàu ngầm, tàu chiến điêu luyện, có sức khỏe tốt, có trình độ kỹ thuật, mưu trí dũng cảm.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Quán, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn tàu ngầm 189, bản lĩnh chính trị vững vàng của mỗi cán bộ thủy thủ được thể hiện qua những chuyến lặn biển dài ngày, điều khiển con tàu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, khẳng định trí tuệ, sự tự tin, lòng dũng cảm và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Do đó, Đảng ủy chỉ huy lữ đoàn luôn coi vấn đề rèn luyện chính trị, tinh thần không lùi bước trước khó khăn kể cả phải chấp nhận hi sinh của cán bộ thủy thủ là vấn đề then chốt tạo bước đột phá hơn nữa trong thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ.

Với phương châm “đoàn kết, gắn bó cùng nhân dân”, không chỉ thực hiện nhiệm vụ then chốt là bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ Hải quân còn luôn là điểm tựa tin cậy cho nhân dân yên tâm vươn khơi, bám biển, phát triển kinh tế; xây dựng thế “trận lòng dân” trên biển, đảo. Ngư dân Nguyễn Duy Hùng, chủ tàu cá TH 95159 ở phường Quảng Tiến, Thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Đi đánh bắt vùng khơi xa nhiều bất trắc. Ví như tàu bị trục trặc hay chúng tôi bị ốm đau nặng, nhờ bộ đội Hải quân cấp cứu kịp thời, rồi lúc thiên tai bão gió... Có bộ đội Hải quân cùng đồng hành, bà con ngư dân như thêm điểm tựa để yên tâm bám biển, vươn khơi”.

Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân chủng Hải quân khẳng định: “Nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo và xây dựng Quân chủng Hải quân tiến thẳng lên hiện đại đã đặt ra những yêu cầu mới hết sức nặng nề với các cán bộ, chiến sĩ Quân chủng nhưng cũng hết sức vinh quang. Bên cạnh đó tình hình trên biển dự báo có những diễn biến phức tạp khó lường, tuy nhiên trong hoàn cảnh nào thì mỗi người lính Hải quân nhân dân Việt Nam vẫn nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc…”.

Bám sát yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, phát huy truyền thống “Chiến đấu anh dũng; mưu trí sáng tạo; làm chủ vùng biển; quyết chiến quyết thắng”, cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam nguyện tiếp tục nỗ lực phấn đấu xây dựng Quân chủng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, thực sự là lực lượng nòng cốt trong quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc trong tình hình mới./.

Nguồn: dangcongsan.vn

Video liên quan

Chủ Đề