Hiê n nay co bao nhiêu đa i tươ ng

– Thân sinh của vua là Lê Khoáng, nguyên là trại chủ Lam Sơn [Thanh Hoá], sau được tôn phong là Tuyên Tổ Phúc Hoàng Đế. Thân mẫu là Trịnh Thị Ngọc Thương, sau được tôn phong là Trịnh Từ Ỷ Văn hoàng thái hậu.

– Vua sinh ngày 6 tháng 8 năm Ất Sửu [1385] tại Chủ Sơn, Lôi Dương [nay thuộc tỉnh Thanh Hoá].

– Ngày mồng 2 Tết năm Mậu Tuất [1418], Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa đánh đuổi quân Minh xâm lược. Lúc ấy, Lê Lợi xưng là Bình Định Vương.

– Sau hơn mười năm chiến đấu ngoan cường, cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi khởi xướng và lãnh đạo đã giành toàn thắng.

– Ngày 15 tháng 4 năm Mậu Thân [1428], Lê Lợi lên ngôi hoàng đế tại kinh thành Thăng Long.

– Vua ở ngôi gần 6 năm, mất ngày 22 tháng 8 năm Quý Sửu [1433], thọ 48 tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi, Lê Lợi chỉ đặt một niên hiệu là Thuận Thiên [1428 – 1433].

2 – Lê Thái Tông [1433 – 1442]

– Họ và tên: Lê Nguyên Long.

– Vua là con thứ của Lê Thái Tổ, thân mẫu là Phạm hoàng hậu [huý là Phạm Ngọc Trần].

– Vua sinh ngày 21 tháng 11 năm Quý Mão [1423] tại Thanh Hoá.

– Được lập làm thái tử ngày 6 tháng 1 năm Kỉ Dậu [1429] và được lên nối ngôi ngày 8 tháng 9 năm Quý Sửu [1433]. Vua ở ngôi 9 năm, mất ngày 4 tháng 8 năm Nhâm Tuất [1442], thọ 19 tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi, Lê Thái Tông đã đặt hai niên hiệu. Đó là:

•Thiệu Bình: 1434 – 1439

•Đại Bảo: 1440 – 1442.

3 – Lê Nhân Tông [1442 – 1459]

– Họ và tên: Lê Bang Cơ.

– Vua là con thứ ba của Lê Thái Tông, thân mẫu là Tuyên Từ hoàng thái hậu [huý là Nguyễn Thị Anh, người Bố Vệ, Đông Sơn, Thanh Hoá].

– Vua sinh ngày 9 tháng 6 năm Tân Dậu [1441], được lập làm thái tử ngày 16 tháng 11 năm 1441.

– Ngày 8 tháng 12 năm Nhâm Tuất [1442], được lên nối ngôi. Vua ở ngôi gần 17 năm, mất ngày 3 tháng 10 năm Kỉ Mão [1459] vì bị anh là Lê Nghi Dân giết, thọ 18 tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi, Lê Nhân Tông đã đặt hai niên hiệu là:

•Thái Hoà: 1443 – 1453

•Diên Ninh: 1454 – 1459.

4 – Lê Nghi Dân [1459 – 1460]

– Lê Nghi Dân là con trưởng của Lê Thái Tông, thân mẫu là bà Dương Thị Bí.

– Sinh vào tháng 6 năm Kỉ Mùi [1439]. Ngày 21 tháng 3 năm Canh Thân [1440] được lập thái tử, nhưng đến tháng 1 năm Tân Dậu [1441] thì bị giáng truất, cho làm Lạng Sơn Vương.

– Ngày 3 tháng 10 năm Kỉ Mão [1459], Lê Nghi Dân cùng đồ đảng nổi dậy giết chết Lê Nhân Tông rồi tự lập làm vua.

– Ngày 6 tháng 6 năm Canh Thìn [1460] thì bị triều thần giết, thọ 21 tuổi.

– Trong thời gian 8 tháng ở ngôi, Lê Nghi Dân có đặt một niên hiệu là Thiên Hưng.

5 – Lê Thánh Tông [1460 – 1497]

– Họ và tên: Lê Tư Thành, con thứ tư của Lê Thái Tông, thân mẫu là Quang Thục thái hậu [huý là Ngô Thị Ngọc Dao].

– Vua sinh ngày 20 tháng 7 năm Nhâm Tuất [1442].

– Ngày 8 tháng 6 năm Canh Thìn [1460], nghĩa là hai ngày sau khi Lê Nghi Dân bị giết, Lê Tư Thành được triều thần tôn lên ngôi.

– Vua ở ngôi 37 năm, mất ngày 30 tháng giêng năm Đinh Tị [1497], thọ 55 tuổi.

Trong thời gian 37 năm ở ngôi, Lê Thánh Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:

•Quang Thuận: 1460 – 1469

•Hồng Đức: 1470 – 1497.

6 – Lê Hiến Tông [1497 – 1504]

– Họ và tên: Lê Tranh, lại có tên khác là Lê Huy.

– Vua là con trưởng của Lê Thánh Tông, thân mẫu là Trường Lạc thái hậu [huý là Nguyễn Thị Hằng, người ở Gia Miêu Ngoại Trang, huyện Tống Sơn, Thanh Hoá] là con gái của Trịnh Quốc Công Nguyễn Đức Trung.

– Vua sinh ngày 10 tháng 8 năm Tân Tị [1461], được lập làm thái tử tháng 3 năm Nhâm Ngọ [1462], lên nối ngôi tháng 2 năm Đinh Tị [1497].

– Vua ở ngôi hơn 7 năm, mất ngày 24 tháng 5 năm Giáp Tí [1504] thọ 43 tuổi.

– Trong thời gian hơn 7 năm ở ngôi, Lê Hiến Tông chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Thống [1498 – 1504].

7 – Lê Túc Tông [1504]

– Họ và tên: Lê Thuần.

– Vua là con thứ ba [trong số 6 người con trai] của Lê Hiến Tông. Thân mẫu là Trang Thuận Minh Ý hoàng thái hậu, huý là Nguyễn Thị Hoàn, quán xã Bình Lăng, huyện Thiên Thi, nay là huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

– Vua sinh ngày 3 tháng 8 năm Mậu Thân [1488], được lập làm thái tử tháng 12 năm Kỉ Mùi [1499], lên nối ngôi từ tháng 6 năm Giáp Tí [1504], ở ngôi được 6 tháng thì mất vào tháng 12 năm Giáp Tí [1504], thọ 16 tuổi.

– Trong 6 tháng ở ngôi, vua có đặt một niên hiệu là Thái Trịnh [1504].

8 – Lê Uy Mục [1505 – 1509]

– Họ và tên: Lê Tuấn, lại có tên khác là Lê Huyên.

– Vua sinh ngày 5 tháng 5 năm Mậu Thân [1488].

– Vua là con thứ hai của Lê Hiến Tông, thân mẫu là Chiêu Nhân hoàng thái hậu, huý là Nguyễn Thị Cận, quán xã Phù Chẩn, huyện Đông Ngàn, nay thuộc Bắc Ninh.

– Vua lên ngôi tháng 12 năm Giáp Tí [1504], ở ngôi 5 năm, bị giết mà mất vào ngày 1 tháng 12 năm Kỉ Tị [1509] thọ 21 tuổi.

– Trong thời gian 5 năm ở ngôi, Lê Uy Mục có đặt một niên hiệu là Đoan Khánh [1505 – 1509].

9 – Lê Tương Dực [1510-1516]

– Họ và tên: Lê Oanh [cũng đọc là Lê Oánh], lại có tên khác là Lê Trừ.

– Vua là con của Kiến Vương Tân [Kiến Vương Tân là con thứ năm của Lê Thánh Tông, em của vua Lê Hiến Tông, chú của Lê Túc Tông và Lê Uy Mục]. Thân mẫu là Từ Huy Hoàng thái hậu, huý là Trịnh Thị Tuyên, người xã Thuỷ Chú, huyện Lôi Dương, nay thuộc huyện Thọ Xuân, tinh Thanh Hoá, con gái của quan Tả tôn chính Trịnh Trọng Phong.

– Vua sinh năm Quý Sửu [1493], thời Lê Hiến Tông, được phong là Giản Tu Công, khi Lê Uy Mục lên ngôi, vì kinh thành có biến nên chạy vào Thanh Hoá.

– Tháng 10 năm Kỉ Tị [1509], được quần thần tôn lên ngôi để lo việc lật đổ Lê Uy Mục. Tháng 12 năm đó [1509], giết Lê Uy Mục mà lên ngôi.

– Vua ở ngôi hơn 6 năm, bị giết vào ngày 7 tháng 4 năm Bính Tí [1516], thọ 23 tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi vua có đặt một niên hiệu là Hồng Thuận [1509 – 1516].

10 – Lê Chiêu Tông [1516 – 1522]

– Họ và tên: Lê Y, lại còn có tên khác là Lê Huệ.

– Vua là con của Cẩm Giang Vương Sùng, cháu đích tôn của Kiến Vương Tân. Thân mẫu của vua huý là Trịnh Thị Loan, người xã Phi Bạo, huyện Thanh Chương, Nghệ An, sau được tôn phong là Trịnh thái hậu.

– Vua sinh ngày 4 tháng 10 năm Bính Dần [1506] ở ngôi 6 năm [1516 – I522], bỏ kinh đô chạy vào Thanh Hoá ngày 18 tháng 10 năm Nhâm Ngọ [1522], bị giết vào tháng 12 năm Canh Dần [1530], thọ 24 tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi, Lê Chiêu Tông có đặt một niên hiệu là Quang Thiệu [1516 – 1522].

11 – Lê Cung Hoàng [1522 – 1527]

– Họ và tên: Lê Xuân, lại có tên khác là Lê Khánh.

– Vua là con của Cẩm Giang Vương Sùng. cùng thân mẫu với Lê Chiêu Tông, em ruột của Lê Chiêu Tông, nên sử thường chép về vua trước khi lên ngôi là Hoàng Đệ Xuân [em ruột của vua, tên là Xuân].

– Vua sinh ngày 26 tháng 7 năm Đinh Mão [1507], lên ngôi tháng 12 năm 1522 [khi Lê Chiêu Tông chạy vào Thanh Hoá].

– Vua ở ngôi 5 năm. Tháng 6 năm Đinh Hợi [1527], bị Mạc Đăng Dung cướp ngôi, sau đó vài tháng thì bị giết, thọ 20 tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi, Lê Cung Hoàng chỉ đặt một niên hiệu là Thống Nguyên [1522 – 1527].

12 – Lê Trang Tông [1533 – 1548]

– Họ và tên: Lê Ninh, lại có tên khác là Lê Huyến.

– Vua là con của Lê Chiêu Tông, thân mẫu là Phạm hoàng hậu,huý là Phạm Thị Ngọc Quỳnh, quê ở sách Cao Trí [nay thuộc Thanh Hoá].

– Sừ chép vua sinh năm Ất Hợi [1515], chúng tôi lấy làm ngờ vì năm đó Lê Chiêu Tông mới 8 tuổi, làm sao có con được.

– Vua lên ngôi năm Quý Tị [1533] tại Thanh Hoá, là vị vua đầu tiên của Nam Triều trong cuộc hỗn chiến Nam – Bắc Triều [hay hỗn chiến Lê – Mạc].

– Vua ở ngôi 15 năm, mất ngày 29 tháng 1 năm Mậu Thân [1548] thọ 33 tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi, vua chỉ đặt một niên hiệu là Nguyên Hoà [1533 – 1548].

13 – Lê Trung Tông [1548 – 1556]

– Họ và tên: Lê Huyên.

– Vua là con trưởng của Lê Trang Tông, thân mẫu là ai thì chưa rõ.

– Sử chép vua sinh năm Giáp Ngọ [1534] chúng tôi cũng lấy làm ngờ, bởi không dám chắc Lê Trang Tông sinh năm 1515.

– Vua lên ngôi năm Mậu Thân [1548], ở ngôi 8 năm, mất ngày 24 tháng 1 năm Bính Thìn [1556], thọ 22 tuổi [?] Vua không có con nối dõi.

– Trong thời gian ở ngôi, Lê Trung Tông có đặt một niên hiệu là Thuận Bình [1548 – 1556].

14 – Lê Anh Tông [1556 – 1573]

– Họ và tên: Lê Duy Bang [cháu 5 đời của Lê Trừ, anh Lê Lợi]. Sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục [chính biên, quyển 18, tờ 7] cho biết Lê Trừ là anh Lê Lợi. Lê Trừ sinh ra Lê Khang, Lê Khang sinh ra Lê Thọ, Lê Thọ sinh ra Lê Duy Thiệu, Lê Duy Thiệu sinh ra Lê Duy Quang, Lê Duy Quang sinh ra Lê Duy Bang.

– Thân mẫu của vua người Bố Vệ, huyện Đông Sơn, nay thuộc tỉnh Thanh Hoá, chưa rõ họ tên và tước hiệu.

– Vua sinh năm Nhâm Thìn [1532], lên ngôi năm Bính Thìn [1556], ở ngôi 17 năm, bỏ Thanh Hoá chạy vào Nghệ An để tránh loạn năm 1572, bị giết ngày 22 tháng 1 năm Quý Dậu [1573], thọ 41 tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi, Lê Anh Tông có đặt 3 niên hiệu sau đây:

•Thiên Hựu: 1556 – 1557

•Chính Trị: 1558 – 1571

•Hồng Phúc: 1572 – 1573.

15 – Lê Thế Tông [1573 – 1599]

– Họ và tên: Lê Duy Đàm.

– Vua là con thứ 5 của Lê Anh Tông. thân mẫu chưa rõ.

– Vua sinh tháng 11 năm Đinh Mão [1567], tại Thanh Hoá.

– Lên ngôi ngày 1 tháng 1 năm Quý Dậu [1573], khi mới sáu tuổi. Bấy giờ, Lê Anh Tông còn đang chạy loạn ở Nghệ An.

– Vua ở ngôi 26 năm, mất ngày 24 tháng 8 năm Kỉ Hợi [1599] vì bệnh, thọ 32 tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi, vua Lê Thế Tông có đặt hai niên hiệu sau đây:

•Gia Thái: 1573 – 1577

•Quang Hưng: 1578 – 1599.

16 – Lê Kính Tông [1599 – 1619]

– Họ và tên: Lê Duy Tân.

– Vua là con thứ của Lê Thế Tông, thân mẫu là ai chưa rõ.

– Vua sinh năm Mậu Tí [1588], lên ngôi ngày 27 tháng 8 năm Kỉ Hợi [1599], ở ngôi 20 năm, bị giết ngày 12 tháng 5 năm Kỉ Mùi [1619], thọ 31 tuổi.

– Trong thời gian 20 năm ở ngôi, Lê Kính Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:

•Thận Đức: 1600 – 1601

•Hoằng Định: 1601 – 1619.

17 – Lê Thần Tông [1619 – 1643 và 1649 – 1662]

– Họ và tên: Lê Duy Kỳ.

– Vua là con trưởng của Lê Kính Tông, thân mẫu là Đoan Từ hoàng thái hậu, huý là Trịnh Thị Ngọc Trinh [con gái thứ của Bình An Vương Trịnh Tùng].

– Vua sinh ngày 19 tháng 11 năm Đinh Mùi [1607].

– Vua hai lần lên ngôi.

•Lần thứ nhất lên ngôi vào tháng 6 năm Kỉ Mùi [1619], sau khi vua cha là Lê Kính Tông bị giết. Lần này vua ở ngôi 24 năm [1619 – 1643]. Sau đó, nhường ngôi cho con là Lê Duy Hựu để lên làm thượng hoàng 6 năm [1643 – 1649].

•Lần thứ hai lên ngôi vào tháng 10 năm Kỉ Sửu [1649] sau khi con là vua Lê Chân Tông mất. Lần này ở ngôi 13 năm [1649 – 1662].

– Vua mất ngày 22 tháng 9 năm Nhâm Dần [1662], thọ 55 tuổi.

Trong thời gian ở ngôi, vua Lê Thần Tông đã đặt 6 niên hiệu sau đây:

Hai niên hiệu cho lần ở ngôi thứ nhất là:

•Vĩnh Tộ: 1619 – 1629

•Đức Long: 1629 – 1643

Bốn niên hiệu cho lần ở ngôi thứ hai là:

•Khánh Đức: 1649 – 1653

•Thịnh Đức: 1653 – 1658

•Vĩnh Thọ: 1658 – 1662

•Vạn Khánh: 1662 [vừa đặt thì mất].

18 – Lê Chân Tông [1643 – 1649]

– Họ và tên: Lê Duy Hựu.

– Vua là con trưởng của Lê Thần Tông, thân mẫu là Trịnh thái hậu [không rõ tên].

– Vua sinh năm Canh Ngọ [1630], được truyền ngôi tháng 10 năm Quý Mùi [1648], ở ngôi 6 năm, mất vào tháng 8 năm Kỉ Sửu [1649], thọ 19 tuổi. Vua không có con nối dõi.

– Trong thời gian 6 năm ở ngôi, vua có đặt một niên hiệu là Phúc Thái [1643 – 1649].

19 – Lê Huyền Tông [1662 – 1671]

– Họ và tên: Lê Duy Vũ.

– Vua là con thứ của vua Lê Thần Tông, em của vua Lê Chân Tông, thân mẫu là Phạm hoàng hậu, huý là Phạm Thị Ngọc Hậu.

– Vua sinh năm Giáp Ngọ [1654], được lập làm thái tử từ tháng 9 năm Nhâm Dần [1662], lên ngôi tháng 11 năm 1662.

– Vua ở ngôi 9 năm, mất ngày 15 tháng 10 năm Tân Hợi [1671], thọ 17 tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi, vua chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Trị [1663 – 1671].

20 – Lê Gia Tông [1671 – 1675]

– Họ và tên: Lê Duy Cối, lại có tên khác là Lê Duy Khoái.

– Vua là con thứ của Lê Thần Tông, em của vua Lê Chân Tông và Lê Huyền Tông. Thân mấu của vua là bà Chiêu Nghi Lê Thị Ngọc Hoàn. Thuở nhỏ, vua được bà chính phi của chúa Trịnh Doanh là Trịnh Thị Ngọc Lung nuôi dưỡng, nên khi vua lên ngôi, mẹ nuôi được tôn là Quốc Thái Mẫu, còn mẹ sinh chỉ được tôn là Chiêu Nghi.

– Vua sinh năm Tân Sửu [1661], được lên nối ngôi ngày 19 tháng 11 năm Tân Hợi [1671], ở ngôi 4 năm, mất ngày mồng 3 tháng 4 năm Ất Mão [1675], thọ 14 tuổi, không có con để nối dõi.

– Trong thời gian ở ngôi, vua có đặt hai niên hiệu là:

•Dương Đức: 1672 – 1674

•Đức Nguyên: 1674 – 1675

21 – Lê Hy Tông [1675 – 1705]

– Họ và tên: Lê Duy Hiệp.

– Vua là con của Lê Thần Tông, khi Lê Thần Tông mất, vua vẫn chưa chào đời. Vua là em của Lê Chân Tông, Lê Huyền Tông và Lê Gia Tông Thân mẫu của vua là bà Trịnh Thị Ngọc Trúc [cũng có sách viết là Trịnh Thị Ngọc Tấn], con gái của chúa Trịnh Tráng.

– Vua sinh ngày 15 tháng 3 năm Quý Mão [1663], lên ngôi ngày 12 tháng 6 năm 1675, ở ngôi 30 năm

– Vua nhường ngôi cho con trưởng để lên làm thượng hoàng 11 năm [1705 – 1716], mất tháng 4 năm Bính Thân [1716], thọ 53 tuổi.

Trong thời gian ở ngôi, Lê Hy Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:

•Vĩnh Trị: 1676 – 1679

•Chính Hoà: 1680 – 1705.

22 – Lê Dụ Tông [1705 – 1729]

– Họ và tên: Lê Duy Đường.

– Vua là con trưởng của Lê Hy Tông, thân mẫu là thái hậu họ Nguyễn, huý là Nguyễn Thị Ngọc Đệ, quán xã Trùng Quán, huyện Đông Ngàn [nay thuộc Bắc Ninh].

– Vua sinh tháng 10 năm Canh Thân [1680], lên ngôi tháng 4 năm 1705, ở ngôi 24 năm [1705 – 1729], nhường ngôi để làm thượng hoàng 2 năm [1729 – 1731], mất vào tháng 1 năm Tân Hợi [1731], thọ 51 tuổi.

– Trong thời gian 24 năm ở ngôi, Lê Dụ Tông đã đặt hai niên hiệu sau đây:

•Vĩnh Thịnh: 1705 – 1720

•Bảo Thái: 1720 – 1729.

23 – Lê Đế Duy Phường [1729 – 1732]

– Họ và tên: Lê Duy Phường.

– Vua là con thứ của Lê Dụ Tông. thân mẫu người họ Trịnh.

– Vua sinh năm Kỉ Sửu [1709], được lập làm thái tử từ ngày 8 tháng 7 năm Đinh Mùi [1727], lên ngôi ngày 21 tháng 4 năm Kỉ Dậu [1729], ở ngôi 3 năm, bị chúa Trịnh là Trịnh Khương [tức Trịnh Giang] phế làm Hôn Đức Công ngày 15 tháng 8 năm Nhâm Tí [1732], đến tháng 9 năm Ất Mão [1735] thì bị giết, thọ 26 tuổi.

Trong thời gian ở ngôi, Lê Đế Duy Phường có đặt một niên hiệu Vĩnh Khánh [1729 – 1732].

24 – Lê Thuần Tông [1732 – 1735]

– Họ và tên: Lê Duy Tường.

– Vua là con trưởng của Lê Dụ Tông, anh của Lê Đế Duy Phường, thân mẫu người họ Nguyễn.

– Vua sinh vào tháng 2 năm Kỉ Mão [1699], lên ngôi ngày 26 tháng 8 năm Nhâm Tí [1732], ở ngôi 3 năm, mất vào ngày rằm tháng 4 năm Ất Mão [1735], thọ 36 tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi, Lê Thuần Tông có đặt một niên hiệu là Long Đức [1732 – 1735].

25 – Lê Ý Tông [1735 – 1740]

– Họ và tên: Lê Duy Thận, lại có tên là Duy Chấn.

– Vua là con thứ 11 của Lê Dụ Tông, em ruột của Lê Thuần Tông [Duy Tường], thân mẫu chưa rõ.

– Vua sinh vào tháng 2 năm Kỉ Hợi [1719], lên ngôi ngày 27 tháng 4 năm Ất Mão [1735], ở ngôi 5 năm [1735 – 1740], nhường ngôi để làm thượng hoàng 19 năm [1740 – 1759], mất vào tháng 6 [nhuận] năm Kỉ Mão [1759], thọ 40 tuổi.

– Trong thời gian 5 năm ở ngôi, Lê Ý Tông chỉ đặt một niên hiệu là Vĩnh Hựu [1735 – 1740].

26 – Lê Hiển Tông [1740 – 1786]

– Họ và tên: Lê Duy Diêu.

– Vua là con trưởng của Lê Thuần Tông, gọi Lê Ý Tông là chú ruột, được Lê Ý Tông truyền ngôi cho, thân mẫu là người họ Đào, quán xã Bảo Vực, huyện Văn Giang [tỉnh Hưng Yên].

– Vua sinh vào tháng 4 năm Đinh Dậu [1717], được truyền ngôi ngày 21 tháng 5 năm Canh Thân [1740], ở ngôi 46 năm, mất vào tháng 7 năm Bính Ngọ [1786], thọ 69 tuổi.

– Trong thời gian 46 năm ở ngôi, Lê Hiển Tông chỉ đặt một niên hiệu là Cảnh Hưng [1740 – 1786].

27 – Lê Chiêu Thống [1786 – 1788]

– Họ và tên: Lê Duy Kỳ, lại có tên khác là Lê Tư Khiêm.

– Chiêu Thống là con trưởng của thái tử Lê Duy Vĩ, tức là cháu đích tôn của Lê Hiển Tông. Thái tử Lê Duy Vĩ vì trước đó phạm tội, bị phế làm thứ dân nên không được truyền ngôi. Thân mẫu của Lê Chiêu Thống hiện chưa rõ.

– Lê Chiêu Thống sinh năm Ất Dậu [1765], lên ngôi tháng 8 năm Bính Ngọ [1786], ở ngôi 2 năm, sau mất vì bệnh khi đang sống lưu vong tại Trung Quốc vào tháng 10 năm Quý Sửu [1793], thọ 28 tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi, vua có đặt một niên hiệu là Chiêu Thống [1786 – 1788]. Thực ra, sử vẫn gọi Lê Chiêu Thống là Lê Mẫn Đế, nhưng trong trường hợp đặc biệt này, thể theo kí ức mang dấu ấn tình cảm không được tốt đẹp của dân gian, chúng tôi viết là Lê Chiêu Thống, sau mới chú thích rằng đó chính là Lê Mẫn Đế.

Trở lên là các vua họ Lê. Tuy không liên tục và quyền bính thăng trầm không dứt, nhưng trước sau, xét về danh nghĩa, họ Lê cũng đã truyền ngôi được 360 năm, gồm 27 đời vua. Trong số 27 đời vua nói trên, chúng ta thấy:

– 11 vua đầu, nối nhau trị vì 100 năm, tuy mạnh yếu không đều nhau, nhưng nhìn chung, đó là những vị vua của thời cường thịnh. Sử gọi đó là thời Lê Sơ.

– Các vua từ đời thứ 12 trở đi, quyền lực càng ngày càng bị thu nhỏ, để rồi cuối cùng chỉ còn là danh nghĩa tượng trưng mà thôi. Khái niệm thời Lê trung hưng mà sử cũ vẫn thường nói đến có lẽ là không ổn.

– Cũng từ 27 vị vua nói trên, chúng ta thấy:

•Có ba vua chỉ làm vua một thời gian rồi nhường ngôi để làm thượng hoàng. Đó là: Lê Thần Tông, Lê Hy Tông và Lê Dụ Tông.

•Vua thọ nhất là Lê Hiển Tông [69 tuổi], vua mất sớm nhất là Lê Gia Tông [14 tuổi].

•Có 7 vua chỉ sống không quá 20 tuổi. Đó là: Lê Thái Tông [19 tuổi], Lê Nhân Tông [18 tuổi], Lê Túc Tông [16 tuổi], Lê Cung Hoàng [20 tuổi], Lê Chân Tông [19 tuổi], Lê Huyền Tông [17 tuổi] và Lê Gia Tông [14 tuổi].

•Có 7 vua chỉ thọ từ trên 20 đến 30 tuổi. Đó là: Lê Nghi Dân [21 tuổi], Lê Uy Mục [21 tuổi], Lê Tương Dực [28 tuổi], Lê Chiêu Tông [24 tuổi], Lê Trung Tông [22 tuổi], Lê Đế Duy Phường [27 tuổi] và Lê Chiêu Thống [28 tuổi].

•Vua lên ngôi muộn nhất là Lê Thái Tổ [năm 43 tuổi], vua lên ngôi sớm nhất là Lê Nhân Tông [lúc 1 tuổi].

•Có 5 vua lên ngôi từ lúc 10 tuổi trở xuống. Đó là: Lê Thái Tông [10 tuổi], Lê Nhân Tông [1 tuổi], Lê Chiêu Tông [10 tuổi], Lê Thế Tông [6 tuổi] và Lê Gia Tông [10 tuổi].

•Vua ở ngôi lâu nhất là Lê Hiển Tông [46 năm], vua ở ngôi ngắn nhất là Lê Nghi Dân [8 tháng], Lê Túc Tông [6 tháng].

•Có một người làm vua hai lần, đó là Lê Thần Tông.

•Có 7 vua thọ từ 40 tuổi trở lên. Đó là: Lê Thái Tổ [48 tuổi], Lê Thánh Tông [55 tuổi], Lê Hiến Tông [43 tuổi], Lê Anh Tông [41 tuổi], Lê Thần Tông [55 tuổi], Lê Ý Tông [40 tuổi] và Lê Hiển Tông [69 tuổi].

•Vua đặt nhiều niên hiệu nhất: Lê Thần Tông [tổng cộng hai lần làm vua, đặt 6 niên hiệu].

•Có 8 vua chết vì bị giết. Đó là: Lê Nghi Dân, Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông, Lê Cung Hoàng, Lê Anh Tông, Lê Kính Tông và Lê Đế Duy Phường.

•Vua được lịch sử tôn làm anh hùng là Lê Thái Tổ, vua có tên tuổi rực rỡ nhất trong thời kì trị nước là Lê Thánh Tông, vua bị đời đời lên án vì tội phản quốc là Lê Chiêu Thống.

Chương 8 : THẾ THỨ TRIỀU MẠC

TIỂU DẪN

Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Lê. Triều Mạc được dựng lên kể từ đó. Đành thịnh suy mỗi lúc một khác, nhưng xét về danh nghĩa, phải đến năm 1677, triều Mạc mới bị tiêu diệt hoàn toàn. Theo đó mà tính thì triều Mạc đã tồn tại 150 năm, và đấy là một khoảng thời gian lịch sử rất đáng kể.

Nhưng từ năm 1527 trở đi, trên đất nước ta không phải chỉ có triều Mạc mà còn có cả triều Lê, rồi từ năm 1558 trở đi lại có thêm chính quyền của họ Nguyễn ở phía nam nữa. Đó là thực tế khiến cho các nhà sử học dễ bị lúng túng khi trình bày về diễn tiến của lịch sử dân tộc ở giai đoạn này.

Ở đây, chúng tôi chỉ có ý định giới thiệu thế thứ của các triều đại sao cho dễ theo dõi chứ không hề có ý định tham gia vào cuộc thảo luận để đánh giá triều Mạc, bởi vậy, xin bạn đọc chớ nghĩ rằng chúng tôi có chút định kiện nào đó đối với triều Mạc nên mới để triều Mạc ở sau triều Lê thời trung hưng.

Từ năm 1592 trở đi, vai trò của triều Mạc trên vũ đài chính trị của đất nước kể như đã chấm dứt, nhưng dẫu sao thì họ Mạc vẫn còn và vẫn tiếp tục xưng đế xưng vương, cho nên, sách này giới thiệu thế thứ của họ Mạc sau năm 1592 cũng là điều bình thường. Vấn đề ở đây không phải là thực lực và ảnh hưởng của triều Mạc ra sao mà chỉ xét về danh nghĩa triều Mạc tồn tại đến lúc nào.

Bấy giờ, các thế lực phong kiến khác nhau đã tranh chấp với nhau rất quyết liệt. Trong điều kiện đó, lãnh thổ và dân cư của từng thế lực luôn luôn bị biến động, mọi ghi chép của sử cũ về hai lĩnh vực này chỉ có ý nghĩa tham khảo trong một thời điểm cụ thể nào đó chứ không có giá trị chung cho cả triều Mạc.

I – THẾ THỨ THỜI CƯỜNG THỊNH CỦA TRIỀU MẠC

1 – Mạc Thái Tổ [1527 – 1529]

– Họ và tên: Mạc Đăng Dung.

– Nguyên quán: Cổ Trai, Nghi Dương [nay thuộc Hải Phòng].

– Thuở nhỏ Mạc Đăng Dung sống bằng nghề đánh cá, sau thi đỗ lực sĩ. Đời Lê Tương Dực [1509 – 1516], Mạc Đăng Dung giữ chức Đô chỉ huy sứ, tước Vũ Xuyên bá. Mạc Đăng Dung làm quan trải ba triều [Tương Dực, Chiêu Tông và Cung Hoàng]. Thời Lê Cung Hoàng [1522 – 1527], Mạc Đăng Dung được phong làm Thái Sư Nhân Quốc Công rồi đến An Hưng Vương.

– Tháng 6 năm Đinh Hợi [1527], Mạc Đăng Dung cướp ngôi của nhà Lê, làm vua từ tháng 6 năm 1527 đến tháng 12 năm Kỉ Sửu [1529] thì nhường ngôi cho con để làm thượng hoàng.

– Mạc Đăng Dung sinh năm Quý Mão [1483] mất ngày 22 tháng 8 năm Tân Sửu [1541], thọ 58 tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi, Mạc Đăng Dung có đặt một niên hiệu là Minh Đức [1527 – 1529].

2 – Mạc Thái Tông [1530 – 1540]

– Họ và tên: Mạc Đăng Doanh.

– Thái Tông là con trưởng của Mạc Thái Tổ, thân mẫu là ai, chào đời năm nào thì chưa rõ.

– Được truyền ngôi ngày 1 tháng 1 năm Canh Dần [1530], ở ngôi 10 năm [1530 – 1540], mất ngày 15 tháng 1 năm Canh Tí [1540], không rõ thọ bao nhiêu tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi, Thái Tông có đặt một niên hiệu là Đại Chính [1530 – 1540].

3 – Mạc Hiến Tông [1540 – 1546]

– Họ và tên: Mạc Phúc Hải.

– Hiến Tông là con trưởng của Thái Tông [Mạc Đăng Doanh], thân mẫu là ai, sinh năm nào chưa rõ.

– Lên ngôi cuối tháng 1 năm Canh Tí [1540], ở ngôi 6 năm [1540 -1546], mất ngày 8 tháng 5 năm Bính Ngọ [1546], nay chưa rõ thọ bao nhiêu tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi, Mạc Hiến Tông có đặt một niên hiệu là Quảng Hoà [1540 – 1546].

4 – Mạc Tuyên Tông [1546-1561]

– Họ và tên: Mạc Phúc Nguyên.

– Tuyên Tông là con trưởng của Hiến Tông [Mạc Phúc Hải], thân mẫu là ai sinh năm nào chưa rõ.

– Lên ngôi tháng 5 năm Bính Ngọ [1546], ở ngôi 15 năm [1546 – 1561], mất vào tháng 12 năm Tân Dậu [1561], chưa rõ thọ bao nhiêu tuổi.

– Trong thời gian ở ngôi, Mạc Tuyên Tông đã đặt 3 niên hiệu sau đây:

•Vĩnh Định: 1547

•Cảnh Lịch: 1548 – 1553

•Quang Bảo: 1554 – 1561.

5 – Mạc Mậu Hợp [1562 – 1592]

– Mạc Mậu Hợp là họ và tên thật, nhưng vị vua thứ năm này của nhà Mạc sau vì bị giết nên theo điển lễ xưa, không được đặt miếu hiệu. Sử cũ theo đúng điển lễ cổ mà chép thế thứ theo họ tên thật của vua.

– Mạc Mậu Hợp là con của Tuyên Tông [Mạc Phúc Nguyên], thân mẫu là ai, sinh năm nào chưa rõ.

– Lên ngôi tháng 1 năm Nhâm Tuất [1562], ở ngôi 31 năm [1562 – 1592], bị Trịnh Tùng giết chết vào tháng 12 năm Nhâm Thìn [1592], thọ bao nhiêu tuổi chưa rõ.

– Trong thời gian 31 năm ở ngôi, Mạc Mậu Hợp đã đặt sáu niên hiệu sau đây:

•Thuần Phúc: 1562 – 1565

•Sùng Khang: 1566 – 1577

•Diên Thành: 1578 – 1585

•Đoan Thái: 1586 – 1587

•Hưng Trị: 1588 – 1590

•Hồng Ninh: 1591 – 1592.

Như vậy, trong thời cường thịnh, triều Mạc có tất cả 5 vua nối nhau trị vì. Người ở ngôi lâu hơn cả là Mạc Mậu Hợp [31 năm], và chỉ có vua đầu triều Mạc thực hiện chế độ truyền ngôi để làm thượng hoàng. Vua đặt nhiều niên hiệu hơn cả là Mạc Mậu Hợp [6 niên hiệu] và Mạc Tuyên Tông [3 niên hiệu].

II – THẾ THỨ THỜI SUY TÀN CỦA NHÀ MẠC

Sau khi Mạc Mậu Hợp bị giết, triều Mạc tan rã. Một số tôn thất của nhà Mạc đã tập hợp tàn binh, quyết chống đối nhà Lê đến cùng. Hoạt động của nhà Mạc lúc này tập trung chủ yếu ở khu vực tỉnh Cao Bằng ngày nay.

Điều đáng tiếc là tiềm lực của nhà Mạc không còn gì đáng kể nữa nhưng có lúc, nhà Mạc lại có tới những hai vua. Các vua sau này của nhà Mạc đều không có miếu hiệu nên chúng tôi theo sử cũ mà chép theo họ và tên thật. Sau Mạc Mậu Hợp. nhà Mạc còn có 5 vua sau đây:

1 – Mạc Toàn [1592 – 1593]

– Được cha là Mạc Mậu Hợp truyền ngôi vào tháng 11 năm Nhâm Thìn [1592].

– Bị Trịnh Tùng bắt vào tháng 1 năm Quý Tị [1593] và bị giết cùng với Mạc Kính Chỉ.

– Niên hiệu khi ở ngôi là Vũ.

2 – Mạc Kính Chỉ [1592 – 1593]

– Mạc Kính Chỉ là con của Mạc Kính Điển. cháu nội của vua Mạc Hiến Tông [Mạc Phúc Hải].

– Lên ngôi ngay sau khi Mạc Mậu Hợp bị bắt và bị giết. Ở ngôi đến tháng 1 năm Quý Tị [1593] thì bị Trịnh Tùng bắt và giết.

– Niên hiệu khi ở ngôi là Bảo Định [1592] và Khang Hựu [1593 – vừa đặt thì bị bắt và bị giết].

3 – Mạc Kính Cung [1593 – 1625]

– Tự lập làm vua năm Quý Tị [1593], ở ngôi cho đến năm Ất Sửu [1625], tổng cộng 32 năm.

– Bị Trịnh Tráng bắt giết vào tháng 5 năm 1625.

– Niên hiệu khi ở ngôi là Càn Thống.

4 – Mạc Kính Khoan [1623 – 1638]

– Tự lập làm vua ngay khi Mạc Kính Cung còn sống.

– Mất vì bệnh vào tháng 3 năm Mậu Dần [1638], chưa rõ thọ bao nhiêu tuổi. Ở ngôi 15 năm [1623 – 1638].

– Niên hiệu khi ở ngôi là Long Thái.

– Trước đó vào năm Ất Sửu [1625], Mạc Kính Khoan đã vì thế cô mà xin đầu hàng chúa Trịnh Tráng. Nhưng rồi từ khi về lại với đất Cao Bằng, Mạc Kính Khoan liến lập phủ đệ và sau đó xưng đế như cũ. Bởi sự kiện này, nhiều sách chép về Mạc Kính Khoan chỉ đến năm 1625 mà thôi.

5 – Mạc Kính Vũ [1638 – 1677]

– Mạc Kính Vũ là con của Mạc Kính Khoan. Kính Vũ còn có tên khác là Kính Hoàn.

– Nối ngôi Mạc Kính Khoan kể từ năm Mậu Dần [1638].

– Ở ngôi 39 năm. Đầu năm Đinh Tị [1677], bị chúa Trịnh Tạc đánh, phải chạy sang Trung Quốc, sau không rõ sống chết ra sao.

– Cũng tương tự như cha, tháng 9 năm Đinh Mùi [1667], vì thế cô, Mạc Kính Vũ đã đầu hàng chúa Trịnh Tạc, nhưng sau Mạc Kính Vũ lại tổ chức lực lượng để chống lại chúa Trịnh. Bởi lẽ này, nhiều sách chỉ chép Mạc Kính Vũ đến năm 1667 là dứt.

– Niên hiệu khi ở ngôi là Thuận Đức [1638 – 1677].

Chương 9 : THẾ THỨ TRIỀU TRỊNH -NGUYỄN

I – THẾ THỨ CÁC ĐỜI CHÚA TRỊNH

TIỂU DẪN

Từ năm 1533, Nam triều được dựng lên, Nam triều là triều Lê nhưng quyền bính thực sự lại nằm trong tay Nguyễn Kim. Tháng 5 năm Ất Tị [1545], Nguyễn Kim bị một hàng tướng của nhà Mạc [tức Bắc triều] là Dương Chấp Nhất bỏ thuốc độc giết chết. Từ đó, tất cả quyền bính của Nam triều lọt hết vào tay con rể của Nguyễn Kim là Trịnh Kiểm. Cục diện vua Lê chúa Trịnh bất đầu xuất hiện và xu hướng chung là vị trí của vua Lê ngày càng bị lu mờ.

Ở chương thứ bảy, chúng tôi đã giới thiệu thế thứ các đời vua triều Lê, ở đây xin trình bày tiếp thế thứ các đời chúa Trịnh. Rất tiếc là sử cũ không chép năm sinh cũng như thân mẫu của các chúa, vì vậy, lí lịch của các chúa Trịnh không đầy đủ và rõ ràng.

1 – Trịnh Kiểm [1545 – 1569]

– Tháng 1 năm Ất Tị [1545], sau khi Nguyễn Kim mất, được phong làm Đô tướng tiết chế thuỷ bộ chư dinh. Nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức là Thái sư, tước là Lạng Quốc Công.

– Làm chúa cho đến tháng 10 năm Kỉ Tị [1569] thì nhường ngôi chúa cho con trưởng là Trịnh Cối.

– Mất vào tháng 2 năm Canh Ngọ [1570], không rõ thọ bao nhiêu tuổi.

2 – Trịnh Cối [1569 – 1570]

– Con trưởng của Trịnh Kiểm, trước đó đã được phong làm Tuấn Đức Hầu.

– Được Trịnh Kiểm truyền ngôi chúa từ tháng 10 năm Kỉ Tị [1569], nhưng ngay sau đó bị em là Trịnh Tùng đem quân đến đánh để giành quyền. Cuộc tranh giành xảy ra quyết liệt nhất vào tháng 4 năm Canh Ngọ [1570].

– Tháng 8 năm Canh Ngọ [1570], Trịnh Cối đầu hàng nhà Mạc, mất năm Giáp Thân [1584].

3 – Trịnh Tùng [1570 – 1623]

– Con thứ của Trịnh Kiểm, trước đó đã được phong là Từ Phúc Lương Hầu.

– Giành được ngôi chúa từ tay anh vào tháng 8 năm Canh Ngọ [1570], được vua Lê phong làm Tiết Chế thuỷ bộ chư dinh.

– Tháng 1 năm Quý Dậu [1573], tự phong là Đô tướng tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại binh chương quân quốc trọng sự.

– Ít lâu sau lại tự phong làm Đô nguyên soái Tổng quốc chính, Thượng phụ bình an vương.

– Mất vì bệnh vào tháng 6 năm Quý Hợi [1623].

4 – Trịnh Tráng [1623 – 1657]

– Con trưởng của Trịnh Tùng.

– Tháng 2 năm Mậu Tuất [1598] được phong làm Bình Quận Công, sau đổi là Thanh Quận Công.

– Tháng 6 năm Quý Hợi [1623] được nối ngôi chúa.

– Tháng 11 năm Quý Hợi [1623] tự phong làm Nguyên soái, Tổng quốc chính, Thanh Đô Vương.

– Tháng 10 năm Đinh Mão [1651] tự phong làm Sư phụ. Thanh Vương.

– Tháng 10 năm Dinh Mão [1651] được nhà Minh phong làm Phó quốc vương.

– Mất vào tháng 4 năm Đinh Dậu [1657].

5 – Trịnh Tạc [1657 – 1682]

– Con trưởng của Trịnh Tráng.

– Tháng 9 năm Nhâm Ngọ [1642], được phong làm Tây Quận Công.

– Tháng 4 năm Ất Dậu [1645], được phong làm Thái uý, Tây Quốc Công.

– Nối ngôi chúa từ tháng 4 năm Đinh Dậu [1657].

– Tháng 9 năm Kỉ Hợi [1659], tự phong làm Thượng sư Tây vương.

– Tháng 4 năm Mậu Thân [1668], tự phong làm Nguyên soái, Thượng sư thái phụ Tây vương.

– Mất vào tháng 5 năm Nhâm Tuất [1682].

6 – Trịnh Căn [1682 – 1709]

– Con trưởng của Trinh Tạc.

– Tháng 4 năm Quý Dậu [1657], được phong làm Thái bảo, Phú quốc công.

– Tháng 9 năm Quý Dậu [1657], được phong làm Thái phó.

– Tháng 7 năm Giáp Dần [1674], được phong làm Nguyên soái, tước Định Nam Vương và tự xưng là Phó Vương.

– Nối ngôi chúa từ tháng 5 năm Nhâm Tuất [1682].

– Tháng 10 năm Giáp Tí [1684], tự phong là Đại nguyên soái, Tổng quốc chính, Thượng thánh phụ sư, Thịnh công nhân minh uy đức định vương, đồng thời phong cho con thứ là Trịnh Bách làm Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, chức Thái uý, tước Kiêm Quốc Công. Đấy là chức dự bi nối ngôi chúa, nhưng Trịnh Bách mất sớm, chưa kịp nối ngôi chúa.

– Mất vào tháng 5 năm Kỉ Sửu [1709].

7 – Trịnh Bách [1684]

– Con thứ của Trịnh Căn [con trưởng của Trịnh Căn mất sớm].

– Tháng 10 năm Giáp Tí [1684], được phong làm Tiết chế thuỷ bộ chư dính, chức Thái uý, tước Kiêm Quốc Công. Chức ấy và tước ấy có nghĩa là từ năm 1684, Trịnh Bách bắt đầu làm những công việc của người ở ngôi chúa, dù chưa thực sự nối ngôi chúa.

8 – Trịnh Bính [1688]

– Con trưởng của Trịnh Vĩnh, cháu đích tôn của Trịnh Căn. Trịnh Vĩnh mất sớm nên Trịnh Căn đã có ý lập Trịnh Bách.

– Tháng 2 năm Mậu Thìn [1688], vì chú là Trịnh Bách đã mất nên được Trịnh Căn phong làm Tiết chế thuỷ bộ chư dinh chức Thái uý, tước Tấn Quốc Công. Đó là chức tước của người chuẩn bị nối ngôi chúa, nhưng chưa kịp chính thức nối ngôi thì Trịnh Bính mất.

9 – Trịnh Cương [1709 – 1729]

– Con của Trịnh Bính.

– Tháng 1 năm Quý Mùi [1703] được phong làm Tiết chế, An Quốc Công.

– Tháng 5 năm Kỉ Sửu [1709] lên nối nghiệp chúa, tự xưng là Nguyên soái Tổng quốc chính, An Đô Vương.

– Tháng 9 năm Giáp Ngọ [1714], tự phong là Đại nguyên soái, Tổng quốc chính, Thượng sư, An Vương.

– Mất vào tháng 10 năm Kỉ Dậu [1729].

10 – Trịnh Giang [1729 – 1740]

– Con của Trịnh Cương. Cũng có sách gọi Trịnh Giang là Trịnh Khương.

– Tháng 5 năm Canh Tí [1720] được lập làm thế tử.

– Nối nghiệp chúa kể từ tháng 10 năm Kỉ Dậu [1729].

– Tháng 4 năm Canh Tuất [1730], tự phong là Nguyên soái, Thống quốc chính, Uy Nam Vương.

– Tháng 8 năm Nhâm Tí [1732], tự phong làm Đại nguyên soái, Thượng sư, Uy Vương.

– Tháng 9 năm Kỉ Mùi [1739] xưng là An Nam Thượng Vương.

– Tháng 1 năm Canh Thân [1740], nhường ngôi cho em để làm thái thượng vương.

– Mất vào tháng 12 năm Tân Tị [1761].

11 – Trịnh Doanh [1740 – 1767]

– Con của Trịnh Cương, em Trịnh Giang.

– Đầu năm Bính Thìn [1736], được Trịnh Giang phong làm Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, chức Thái uý, tước Ân Quốc Công.

– Tháng 1 năm Canh Thân [1740], được nối ngôi chúa. tự phong làm Nguyên soái, Tổng quốc chính, Minh Đô Vương.

– Tháng 3 năm Nhâm Tuất [1742], tự phong Đại nguyên soái, Tổng quốc chính, Thượng sư, Minh Vương.

– Mất vào tháng 1 năm Đinh Hợi [1767].

12 – Trịnh Sâm [1767 – 1782]

– Con Trịnh Doanh.

– Tháng 10 năm Mậu Dần [1758] được Trịnh Doanh phong làm Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, chức Thái uý, tước là Tĩnh Quốc Công.

– Nối nghiệp chúa từ tháng 1 năm Đinh Hợi [1767], xưng là Nguyên soái, Tĩnh Đô Vương.

– Tháng 8 năm Kỉ Sửu [1769], tự phong làm Thượng sư Tĩnh Vương.

– Tháng 10 năm Canh Dần [1770], tự phong làm Thượng sư, Thượng phụ, Duệ đoan văn công vũ đức, Tĩnh Vương.

– Mất vào tháng 9 năm Nhâm Dần [1782].

13 – Trịnh Cán [1782]

– Con thứ của Trịnh Sâm, mẹ là Đặng Thị Huệ.

– Tháng 10 năm Tân Sửu [1781] được Trịnh Sâm lập làm thế tử.

– Tháng 9 năm Nhâm Dần [1782] lên nối nghiệp chúa.

– Tháng 10 năm Nhâm Dần bị anh là Trịnh Khải hợp mưu với kiêu binh truất phế.

– Chết vì bệnh vào cuối năm Nhâm Dần [1782].

14 – Trịnh Khải [1782 – 1786]

– Con trưởng của Trịnh Sâm, sinh năm Quý Mùi [1768], mẹ người họ Dương.

– Tháng 9 năm Canh Tí [1780] bị Trịnh Sâm truất bỏ ngôi con trưởng rồi sau đó còn bị bắt giam.

– Tháng 10 năm Nhâm Dần [1782], phế bỏ em là Trịnh Cán và tự lập làm chúa.

– Tháng 6 năm Bính Ngọ [1786], khi Tây Sơn tấn công ra Bắc Hà, Trịnh Khải bỏ kinh thành Thăng Long chạy trốn, nhưng lại bị người học trò của Lý Trần Quán là Nguyễn Trang bắt nạp cho Tây Sơn. Dọc đường bị áp giải, Trịnh Khải tự tử thọ 26 tuổi.

15 – Trịnh Bồng [1786]

– Lí lịch trước đó không rõ, chỉ biết vào tháng 9 năm Bính Ngọ [1786], khi Trịnh Khải đã tự tử, Trịnh Bồng tự lập làm chúa, xưng là Nguyên soái, Yến Đô Vương.

– Tháng 11 năm Bính Ngọ [1786], bị Nguyễn Hữu Chỉnh đánh đuổi, sau không rõ sống chết ra sao.

II – THẾ THỨ CÁC ĐỜI CHÚA NGUYỄN

1 – Nguyễn Hoàng [1558 – 1613]

– Con thứ hai của Nguyễn Kim [người có công dựng ra Nam triều, sau được truy tôn là Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế]. Thân mẫu người họ Nguyễn [con gái của quan Đặc Tiến Phụ quốc thượng tướng quân, thự vệ sự triều Lê], sau được truy tôn là Tĩnh hoàng hậu.

– Sinh vào tháng 8 năm Ất Dậu [1525].

– Vào trấn thủ Thuận Hoá tháng 10 năm Mậu Ngọ [1558] và đến tháng 11 năm Canh Ngọ [1570] thì kiêm quản cả xứ Quảng Nam [thay cho Nguyễn Bá Quýnh].

– Tháng 5 năm Quý Tị [1593] được phong làm Thái uý, Đoan Quốc Công.

– Ở ngôi chúa 55 năm, dân thường gọi là chúa Tiên, mất vào tháng 6 năm Quý Sửu [1613], thọ 88 tuổi.

– Sau được truy tôn làm Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế.

– Trong thời gian ở ngôi, Nguyễn Hoàng đã cho quân đánh Chiêm Thành, mở rộng biên cương đến khu vực tỉnh Phú Yên ngày nay. Trận đánh này xảy ra năm Tân Hợi [1611].

2 – Nguyễn Phúc Nguyên [1613 – 1635]

– Con thứ 6 của Nguyễn Hoàng, [bốn người con đầu của Nguyễn Hoàng đều mất sớm, người con thứ 5 thì phải làm con tin ở Đàng Ngoài]. Thân mẫu người họ Nguyễn. sau được truy tôn là Gia Dụ hoàng hậu.

– Sinh vào tháng 7 năm Quý Hợi [1563].

– Năm Nhâm Dần [1602] được làm trấn thủ Quảng Nam.

– Nối nghiệp chúa từ tháng 6 năm Quý Sửu [1613], xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái bảo, tước Thuỵ Quân Công.

– Ở ngôi chúa 22 năm, dân thường gọi là chúa Phật hay chúa Sãi, mất vào tháng 10 năm Ất Hợi [1635], thọ 72 tuổi.

– Sau được truy tôn là Hy Tông Hiếu Văn Hoàng Đế.

3 – Nguyễn Phúc Lan [1635 – 1648]

– Con thứ hai của Nguyễn Phúc Nguyên, thâu mẫu người họ Nguyễn, sau được truy tôn là Hiếu Văn hoàng hậu.

– Sinh vào tháng 7 năm Tân Sửu [1601].

– Nối nghiệp chúa từ tháng 10 năm Ất Hợi [1635], dân thường gọi là chúa Thượng, ở ngôi chúa 13 năm, mất vào tháng 2 năm Mậu Tí [1648], thọ 47 tuổi.

– Sau được truy tôn là Thần Tông Hiếu Chiêu Hoàng Đế.

4 – Nguyễn Phúc Tần [1648 – 1687]

– Con thứ hai của Nguyễn Phúc Lan, thân mẫu người họ Đoàn, sau được truy tôn là Hiếu Chiêu hoàng hậu.

– Sinh vào tháng 6 năm Canh Thân [1620].

– Nối nghiệp cha từ tháng 2 năm Mậu Tí [1648], xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái Bảo, tước Dũng Quốc Công, dân thường gọi là chúa Hiền.

– Ở ngôi chúa 39 năm, mất vào tháng 3 năm Đinh Mão [1687], thọ 67 tuổi. Sau được truy tôn là Thái Tông Hiếu Triết Hoàng Đế.

5 – Nguyễn Phúc Trăn [1687 – 1691]

– Con thứ hai của Nguyễn Phúc Tần, thân mẫu người họ Tống, sau được truy tôn là Hiếu Triết hoàng hậu.

– Sinh vào tháng 12 năm Kỉ Sửu [1649].

– Nối nghiệp chúa từ tháng 3 năm Đinh Mão [1687], xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái phó, tước Hoàng Quốc Công, dân thường gọi là chúa Nghĩa.

– Ở ngôi chúa 4 năm, mất vào tháng 1 năm Tân Mùi [1691], thọ 42 tuổi.

– Sau được truy tôn là Anh Tông Hiếu Nghĩa Hoàng Đế.

6 – Nguyễn Phúc Chu [1691 – 1725]

– Con trưởng của Nguyễn Phúc Trăn, thân mẫu người họ Tống, sau được truy tôn là Hiếu Nghĩa hoàng hậu.

– Sinh vào tháng 5 năm Ất Mão [1675].

– Nối nghiệp chúa từ tháng 1 năm Tân Mùi [1691], xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái bảo, tước Tộ Quận Công, dân thường gọi là Quốc chúa.

– Ở ngôi chúa 34 năm, mất vào tháng 4 năm Ất Tị [1725] thọ 50 tuổi.

– Sau được truy tôn là Hiển Tông Hiếu Minh Hoàng Đế.

– Trong thời gian ở ngôi chúa, Nguyễn Phúc Chu có ba lần mở rộng lãnh thổ.

– Lần thứ nhất: lấy hết phần đất còn lại của Chiêm Thành [năm Quý Dậu, 1693], biên giới cực nam của xứ Đàng Trong, từ đó kéo dài đến Bình Thuận ngày nay.

– Lần thứ hai: lấy một phần đất Chân Lạp tiếp giáp với xứ Đàng Trong, tương ứng với miền đông Nam Bộ ngày nay [năm Mậu Dần, 1698].

– Lần thứ ba: nhận đất xứ Hà Tiên do Mạc Cửu dâng. Đất này tương ứng với toàn bộ tỉnh Kiên Giang, tỉnh Bạc Liêu, Cà Mau và một phần nhỏ của tỉnh An Giang và tỉnh Sóc Trăng ngày nay [năm Giáp Ngọ, 1714].

7 – Nguyễn Phúc Chú [1725 – 1738]

– Con trưởng của Nguyễn Phúc Chu, thân mẫu người họ Tống, sau được truy tôn là Hiếu Minh hoàng hậu.

– Sinh vào tháng 12 năm Bính Tí [1696].

– Nối nghiệp chúa từ tháng 4 năm Ất Tị [1725] xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái phó, tước Đỉnh Quốc Công, dân thường gọi là Ninh Vương.

– Ở ngôi chúa 13 năm, mất vào tháng 4 năm Mậu Ngọ [1738] thọ 42 tuổi.

– Sau được truy tôn là Túc Tông Hiếu Ninh Hoàng Đế.

8 – Nguyễn Phúc Khoát [1738 – 1765]

– Con trưởng của Nguyễn Phúc Chú, thân mẫu người họ Trương, sau được truy tôn là Hiếu Ninh hoàng hậu.

– Sinh vâo tháng 8 năm Giáp Ngọ [1714].

– Nối nghiệp chúa từ tháng 4 năm Mậu Ngọ [1738], xưng là Tiết chế thuỷ bộ chư dinh, Tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, chức Thái bảo. tước Hiếu Quận Công, dân thường gọi là Võ Vương.

– Ở ngôi chúa 27 năm, mất tháng 4 năm Ất Dậu [1765], thọ 51 tuổi.

– Sau được truy tôn là Thế Tông Hiếu Võ Hoàng Đế.

– Trong thời gian ở ngôi chúa, Nguyễn Phúc Khoát đã giúp Nặc Tôn lên ngôi vua Chân Lạp. Đáp lại, Nặc Tôn đã cắt dâng miền đất nằm giữa Hà Tiên với miền đông Nam Bộ ngày nay cho chúa Nguyễn Phúc Khoát. Ngoài ra, Nặc Tôn còn cắt tặng riêng cho Mạc Thiên Tứ [con Mạc Cửu, người chỉ huy quân của chúa Nguyễn giúp Nặc Tôn] 5 châu nữa. Cả năm châu đó, triều Nguyễn đã trả lại cho Chân Lạp vào năm đầu đời Tự Đức [1848].

9 – Nguyễn Phúc Thuần [1765 – 1777]

Con thứ 16 của Nguyễn Phúc Khoát. thân mẫu người họ Nguyễn, sau đi tu, được truy tôn là Tuệ Tĩnh Thánh Mẫu Nguyên Sư.

– Sinh vào tháng 11 năm Giáp Tuất [1754].

– Nối nghiệp chúa từ tháng 5 năm Ất Dậu [1765], ở ngôi chúa 12 năm, mất vào tháng 9 năm Đinh Dậu [1777], khi bị Tây Sơn đánh đuổi ở Gia Định.

– Dân thường gọi là Định Vương.

– Sau được truy tôn là Duệ Tông Hiếu Định Hoàng Đế.

Chương 10 : THẾ THỨ CHÍNH QUYỀN TÂY SƠN

I – SỰ HÌNH THÀNH CHÍNH QUYỀN TÂY SƠN

Năm 1771, từ đất Tây Sơn, dưới sự lãnh đạo của ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ, một cuộc vùng dậy mạnh mẽ chưa từng thấy đã bùng nổ. sử gọi đó là phong trào Tây Sơn. Xuất phát điểm, Tây Sơn là một phong trào đấu tranh giai cấp, phản ánh cuộc xung đột dữ dội giữa một bên là nông dân với một bên là giai cấp phong kiến thống trị của Đàng Trong. Nhưng càng về sau, quy mô cũng như tính chất của phong trào Tây Sơn càng thay đổi một cách nhanh chóng và sâu sắc.

– Từ năm 1771 đến năm 1783, Tây Sơn thực sự là đội quân nông dân, hành động đúng như lời hịch ban ra lúc mới dựng cờ xướng nghĩa, là: “Tưới mưa dầm khi hạn, kẻo cùng dân sa chốn lầm than”.

– Từ năm 1784 trở đi, khi mà giai cấp phong kiến thống trị ở Đàng Trong đã đi từ chỗ đối nghịch với phong trào Tây Sơn đến chỗ phản bội quyền lợi của dân tộc và cam tâm rước giặc Xiêm La về giày xéo đất nước, phong trào Tây Sơn đã kịp thời chuyển hoá một cách kì diệu, tự phá bỏ ranh giới chật hẹp của cuộc đấu tranh giai cấp, quả cảm vươn lên đảm nhận sứ mệnh bảo vệ độc lập dân tộc, tấn công không khoan nhượng vào cả thù trong lẫn giặc ngoài. Trận quyết chiến chiến lược Rạch Gầm – Xoài Mút [1785], vừa là cống hiến xuất sắc của phong trào Tây Sơn, vừa là trận phản ánh quá trình thay đổi hoàn toàn về chất của chính phong trào này.

– Từ năm 1786 trở đi, phong trào Tây Sơn lan rộng ra cả Đàng Ngoài, trở thành cơn bão lửa quật khởi của nông dân cả nước, hiên ngang tuyên chiến với toàn bộ cơ đồ thống trị của giai cấp phong kiến đương thời. Lần đầu tiên, Tây Sơn đã thực hiện được một nhiệm vụ trọng đại, đáp ứng tình cảm thiêng liêng của nhân dân là xoá bỏ biên giới sông Gianh, nối liền lãnh thổ Đàng Trong với Đàng Ngoài.

– Năm 1789, một lần nữa, Tây Sơn đã trừng trị đích đáng hành vi cướp nước và tội phản quốc của tập toàn phong kiến thống trị. Trận Ngọc Hồi – Đống Đa là trận quyết chiến chiến lược kiệt xuất của Tây Sơn, cũng là trận phản ánh sự hoàn tất của quá trình chuyển hoá “từ một đội quân nông dân thành một đội quân dân tộc”.

– Ngay từ năm 1771, các lãnh tụ của phong trào Tây Sơn đã kết hợp một cách khá hài hoà giữa nhiệm vụ lật nhào chế độ thống trị của giai cấp phong kiến với nhiệm vụ xây dựng một hệ thống chính quyền mới. Từ năm 1778. lãnh tụ của Tây Sơn đã xưng là hoàng đế và từ năm 1786 trở đi, Tây Sơn đã có ba hệ thống chính quyền, quản lí ba vùng khác nhau của đất nước. Tuy đều là thành tựu chung của một phong trào. nhưng ba hệ thống chính quyền của Tây Sơn có xu hướng tách biệt nhau khá rõ nét. Bởi thực tế đó, chúng tôi tiến hành giới thiệu thế thứ của chính quyền Tây Sơn theo từng khu vực một.

II – THẾ THỨ CÁC CHÍNH QUYỀN TÂY SƠN

1 – Nguồn gốc chung của anh em Tây Sơn

Năm 1655, lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất trong cuộc Trịnh – Nguyễn phân tranh, chúa Nguyễn đã chủ dộng cho quân vượt biên giới sông Gianh, tấn công vào lãnh địa của chúa Trịnh. Quân Nguyễn đã chiếm được một vùng đất rộng lớn, gồm từ Nghệ An trở vào Nam, nhưng sau gần 5 năm, xét thấy không thể giữ được, chúa Nguyễn lại cho rút quân về. Cùng với cuộc rút lui này, chúa Nguyễn đã cưỡng ép rất nhiều dân cư Đàng Ngoài di cư vào Đàng Trong. Tổ tiên của anh em Tây Sơn vốn người họ Hồ ở Hưng Nguyên [Nghệ An] là một trong những nạn nhân của cuộc cưỡng ép di cư. Nay ở xã Hưng Thái, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An, vẫn còn một khu đất bằng phẳng, tương truyền đó chính là khu mộ tổ của anh em Tây Sơn.

Vào Nam, tổ tiên của anh em Tây Sơn bị đưa về khu vực phía trên đèo An Khê. Sau một thời gian khai hoang, họ đã góp phần tạo ra ấp Tây Sơn, gồm có ấp Nhất, và ấp Nhì [hai đều thuộc huyện An Khê].

Vào khoảng giữa thế kỉ XVIII, một người của họ Hồ là Hồ Phi Phúc đã di cư về quê vợ của ông là thôn Phú Lạc, ấp Kiên Thành [nay thuộc xã Bình Thành, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định]. Khu Gò Lăng ở xã này, tương truyền, chính là nền nhà cũ của Hồ Phi Phúc. Sau một thời gian cư ngụ tại quê vợ, Hồ Phi Phúc lại chuyển đến ở thôn Kiên Mĩ [một địa điểm cách thôn Phú Lạc không xa].

Từ lúc phải rời đất tổ là Nghệ An để vào Nam cho đến khi ba anh em Tây Sơn chào đời, họ Hồ đã trải bốn thế hệ khác nhau. Họ đã sống ở bốn địa điểm khác nhau là Hưng Nguyên, Tây Sơn, Phú Lạc và Kiên Mĩ. Đến đời thứ tư, không rõ vì sao anh em Tây Sơn lại lấy theo họ mẹ là họ Nguyễn.

Anh em Tây Sơn có nguồn gốc nông dân, nhưng là nông dân khá giả và có được học hành cả văn chương lẫn võ nghệ.

2 – Thế thứ chính quyền Nguyễn Nhạc

a – Nguyễn Nhạc [? – 1793]

– Nguyễn Nhạc là tên thật. Ngoài ra, ông còn có hai tên gọi khác, là ông Hai Trầu. [vì có một thời ông làm nghề buôn trầu] và ông Biện Nhạc [vì có một thời ông làm biện lại là chức dịch của một sở tuần ti, tương tự như nhân viên thu thuế].

– Con trưởng của ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng.

– Nguyễn Nhạc sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông lớn hơn em là Nguyễn Huệ khoảng mười tuổi. Có người phỏng đoán ông sinh năm 1743.

– Năm 1771, ông là người khởi xướng và lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Tây Sơn.

– Năm 1773, ông xưng là Tây Sơn Đệ Nhất trại chủ.

– Tháng 3 năm 1776, xưng là Tây Sơn Vương, đóng đô ở thành Đồ Bàn [ngày nay thuộc tỉnh Binh Đinh].

– Năm 1778, lên ngôi hoàng đế, dặt niên hiệu là Thái Đức, từ đó, đổi gọi thành Đồ Bàn là thành Hoàng Đế.

– Năm 1786, xưng là Trung ương hoàng đế và dời đô về Quy Nhơn.

– Mất năm 1793 vì bệnh.

b – Nguyễn Bảo

– Con của Nguyễn Nhạc, sinh và mất năm nào không rõ.

– Nối ngôi cha năm 1793.

– Sau, Quang Toản [con của Quang Trung] đánh chiếm hết đất, chỉ phong cho Nguyễn Bảo là Hiếu Công, cho thu thuế huyện Phù Li làm lương ăn.

3 – Thế thứ chính quyền Nguyễn Huệ

a – Nguyễn Huệ [1753 – 1792]

– Con thứ ba của ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng. Nguyễn Huệ còn có tên gọi khác là Nguyễn Văn Thơm và Nguyễn Văn Bình. Đương thời, dân địa phương thường gọi là ông Ba Thơm.

– Sinh năm 1753.

– Năm 1771, tham gia khởi xướng và là một trong những lãnh tụ của phong trào Tây Sơn.

– Tháng 3 năm 1776, khi Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn Vương, ông được phong làm Phụ chính.

– Năm 1778, được phong làm Long nhương tướng quân.

– Cuối năm 1784, đầu năm 1785, ông là tổng chỉ huy quân đội Tây Sơn, đánh trận quyết định với quân Xiêm La xâm lược do Nguyễn Ánh rước về và đã thắng vang dội ở Rạch Gầm – Xoài Mút.

– Năm 1786, khi Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương hoàng đế, ông được phong làm Bắc bình vương, cai quản vùng đất từ Bến Ván [Quảng Nam] ra bắc.

– Ngày 25-11 năm Mậu Thân [1788] tức ngày 22-12-1788, khi Lê Chiêu Thống rước quân xâm lược Mãn Thanh về giày xéo đất nước, để quy tụ lực lượng vào sự nghiệp chống xâm lăng, Nguyễn Huệ lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Quang Trung.

– Xuân Kỉ Dậu [1789], đại phá quân Mãn Thanh trong trận Ngọc Hồi – Đống Đa lịch sử.

– Từ năm 1787, khi cai quản luôn toàn bộ đất đai Bắc Hà, Nguyễn Huệ đã có ý định xây dựng kinh đô ở Nghệ An, gọi đó là Phượng Hoàng Tnmg Đô.

– Mất ngày 16 tháng 9 năm 1792, thọ 39 tuổi.

– Con thứ của Quang Trung, mẹ người họ Phạm [mất trước Quang Trung, khi sống được Quang Trung phong là Chánh cung hoàng hậu, khi mất được Quang Trung truy tặng là Nhân Cung Đoan Tĩnh Trinh Thục Nhu Thuần Vũ, Chánh hoàng hậu].

– Sinh năm Quý Mão [1783], lúc nhỏ có tên là Trác, do vậy cũng có tên khác lúc nhỏ là ông hoàng Trác.

– Nối ngôi từ tháng 9 năm 1792, ở ngôi 10 năm, sau bị Gia Long bắt và giết vào ngày 7 tháng 10 năm Nhâm Tuất [1802].

4 – Chính quyền Nguyễn Lữ [? – 1787]

– Nguyền Lữ là con thứ tư của ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng, không rõ sinh năm nào. Trước khi tham gia phát động và lãnh đạo khởi nghĩa Tây Sơn, ông còn có tên gọi khác là thầy Tư Lữ.

– Tháng 3 năm 1776, khi Nguyễn Nhạc xưng là Tây Sơn Vương, ông được phong làm Thiếu phó.

– Năm 1778. ông được phong làm Tiết chế.

– Năm 1786, khi Nguyễn Nhạc xưng là Trung ương hoàng đế, ông được phong làm Đông định vương, cai quản vùng đất Gia Định [Nam Bộ ngày nay] .

– Năm 1787, ông mất vì bệnh ở Quy Nhơn.

Chương 11 : THẾ THỨ TRIỀU NGUYỄN [1802 – 1945]

I – VÀI NÉT VỀ ĐẤT NƯỚC THỜI NGUYỄN

Sau khi đánh bại toàn bộ lực lượng của Tây Sơn, tháng 5 năm Nhâm Tuất [1802], Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế. Triều Nguyễn được dựng lên kể từ đó. Đây là triều đại cuối cùng của lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam và trên đại thể, chúng ta có thể chia triều đại này làm hai giai đoạn khác nhau.

Giai đoạn thứ nhất là giai đoạn triều Nguyễn tồn tại với tư cách của một vương triều độc lập [1802 – 1884].

Giai đoạn thứ hai là giai đoạn triều Nguyễn đã đi từ chỗ thất bại đến đầu hàng để rồi cuối cùng là làm tay sai cho thực dân Pháp xâm lược [1884 – 1945].

Dưới thời Nguyễn, đất nước có mấy điểm đáng lưu ý sau đây:

– Lần đầu tiên, cả nước có chung một hệ thống chính quyền bao trùm lên toàn bộ lãnh thổ của cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài mà trước đó, Tây Sơn đã có công nối liền.

Về quốc hiệu. năm 1802, Gia Long đặt là Nam Việt, nhưng đến năm 1804, nhà Thanh đổi lại thành Việt Nam. Ta có quốc hiệu là Việt Nam kể từ đó. Đến thời Minh Mạng, triều Nguyễn lại cho đổi lại là Đại Nam. và quốc hiệu Đại Nam cũng đã từng được sử sách nhiều lần ghi chép, nhưng trong thực tế thông dụng hơn cả vẫn là quốc hiệu Việt Nam

– Các vua thời Nguyễn chỉ đặt một niên hiệu, do vậy dân vẫn thường quen gọi các vua thời Nguyễn theo niên hiệu, như Gia Long,Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức mà rất ít khi gọi theo miếu hiệu.

– Về lãnh thổ, năm 1848, vua Tự Đức đã cắt trả cho Chân Lạp 5 châu mà năm 1757. Nặc Tôn [vua Chân Lạp] đã cắt tặng riêng cho Mạc Thiên Tứ [tướng của chúa Nguyễn được cử đem quân đi giúp Nặc Tôn lên ngôi]. Năm châu đó là: Sài Mạt, Linh Quỳnh, Cần Bột, Hương Úc và Chân Sum. Bản đồ nước ta ổn định như ngày nay là bắt đầu từ năm 1848.

– Về dân số, đến những năm cuối cùng của triều Nguyễn, cả nước có 25 triệu người.

II – THẾ THỨ CÁC VUA TRIỀU NGUYỄN

1 – Nguyễn Thế Tổ [1802 – 1819]

– Họ và tên: Nguyễn Phúc Chủng, tự là Phúc Ánh.

– Con thứ ba của Nguyễn Phúc Luân. tức là Nguyễn Phúc Kỳ. [Nguyễn Phúc Luân là con thứ ba của chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát]. Nguyễn Phúc Luân bị Trương Phúc Loan giết hại vào năm 1765. Ông có 5 người con trai nhưng bốn người mất sớm, chỉ còn lại Nguyễn Phúc Ánh mà thôi.

– Sinh ngày 15 tháng 1 năm Nhâm Ngọ [1762].

– Năm 1774, khi quân chúa Trịnh đánh chiếm Phú Xuân, chúa Nguyễn chạy vào Nam để tránh quân Trịnh và quân Tây Sơn. Nguyễn Ánh theo chúa Nguyễn vào Gia Định.

– Năm 1780, khi chúa Nguyễn bị Tây Sơn giết, Nguyễn Ánh lên ngôi vương, quy tụ lực lượng để chống Tây Sơn.

– Ngày 2 tháng 5 năm Nhâm Tuất [1802], sau khi thắng Tây Sơn và chiếm được toàn cõi, Nguyễn Ánh lên ngôi hoàng đế, đặt niên hiệu là Gia Long.

– Ở ngôi 17 năm, mất ngày 19 tháng 12 năm Kỉ Mão [1819], thọ 57 tuổi.

2 – Nguyễn Thánh Tổ [1820 – 1840]

– Họ và tên: Nguyễn Phước Hiệu, hiệu là Phước Đảm.

– Con thứ tư của Nguyễn Thế Tổ [Gia Long], thân mẫu người họ Trần, sau được tôn phong là Thuận Thiên Cao hoàng hậu.

– Sinh năm Tân Hợi [1791].

– Được lập làm thái tử tháng 6 năm Bính Tí [1816].

– Lên ngôi tháng 12 năm 1819, niên hiệu là Minh Mạng.

– Ở ngôi 20 năm, mất năm Canh Tí [1840], thọ 49 tuổi.

3 – Nguyễn Hiến Tổ [1841 – 1847]

– Họ và tên: Nguyễn Phúc Miên Tông.

– Con trưởng của Nguyễn Thánh Tổ [Minh Mạng], thân mẫu là bà Hồ Thị Hoa, người Bình An, Biên Hoà [nay thuộc Thuận An, Bình Dương]. Sau bà được tôn phong là Tả Thiên Nhân hoàng hậu.

– Sinh năm Đinh Mão [1807]

– Lên nối ngôi vào tháng 1 năm Tân Sửu [1841], lấy niên hiệu là Thiệu Trị.

– Mất vào tháng 9 năm Đinh Mùi [1847], thọ 40 tuổi.

4 – Nguyễn Dực Tông [1848 – 1883]

– Họ và tên: Nguyễn Phúc Thì, hiệu là Nguyễn Phúc Hồng Nhậm.

– Con thứ hai của Nguyễn Hiến Tổ [Thiệu Trị], thân mẫu là bà Phạm Thị Hàng [sau được tôn phong là Thái hậu Từ Dũ].

– Sinh ngày 25 tháng 8 năm Kỉ Sửu [1829].

– Lúc nhỏ được phong là Phước tuy công, lên nối ngôi từ tháng 10 năm Đinh Mùi [1847], đặt niên hiệu là Tự Đức từ năm 1848.

– Ở ngôi 35 năm, mất ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi [1883], thọ 54 tuổi.

5 – Nguyễn Dục Đức [1883]

– Họ và tên: Nguyễn Phúc Ưng Chân.

– Con của Nguyễn Phúc Hồng Y nhưng lại là con nuôi của Nguyễn Dực Tông [Tự Đức].

– Lên ngôi theo di chiếu của Tự Đức, nhưng các quan phụ chính đại thần là Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết vì không ưa nên vin vào cớ di chiếu có đoạn nói mắt Dục Đức có tật, rồi phế đi khi ông vừa lên ngôi được ba ngày [20, 21 và 22 tháng 7 năm 1883].

– Sinh năm Quý Sửu [1853], bị phế và bị giết năm 1883. thọ 30 tuổi.

6 – Nguyễn Hiệp Hoà [1883]

– Họ và tên: Nguyễn Phúc Hồng Dật.

– Con của Nguyễn Hiến Tổ [Thiệu Trị], em của Nguyễn Dực Tông [Tự Đức], sinh năm nào không rõ.

– Được Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường đưa lên ngôi để thay Dục Đức [Nguyễn Phúc Ưng Chân].

– Ở ngôi được 4 tháng [từ tháng 8 đến tháng 11 – 1883], niên hiệu Hiệp Hoà. mất ngày 18 tháng 11 năm 1883, vì bị giết.

7 – Nguyễn Giản Tông [1884]

– Họ và tên: Nguyễn Phúc Ưng Đăng.

– Con của Kiên Thái Vương [Nguyễn Phúc Hồng Cai], nhưng lại làm con nuôi của Nguyễn Dực Tông [Tự Đức].

– Sinh năm Kỉ Tị [1869].

– Lên nối ngôi sau khi Hiệp Hoà bị giết [11 – 1883], ở ngôi đến ngày 6 tháng 4 năm Giáp Thân [1884] thì mất vì bệnh, thọ 15 tuổi.

– Niên hiệu: Kiến Phúc.

8 – Nguyễn Hàm Nghi [1884 -1888]

– Họ và tên: Nguyễn Phúc Ưng Lịch.

– Con của Kiên Thái Vương [Nguyễn Phúc Hồng Cai], em ruột Kiến Phúc.

– Sinh năm Nhâm Thân [1872], lên ngôi tháng 6 năm 1884, đặt niên hiệu là Hàm Nghi từ năm 1885.

– Ngày 23-6-1885, xuất bôn để lãnh đạo phong trào chống Pháp, lập căn cứ tại Tuyên Hoá [Quảng Bình].

– Ngày 26-9 năm Mậu Tí [1888], bi tên phản thần là Trương Quang Ngọc bắt nạp cho Pháp. bị Pháp đưa đi an trí tại Thuận An một thời gian ngắn, sau đó, đày sang Algérie [An-giê-ri] và mất tại Algérie vào năm 1943, thọ 71 tuổi.

9 – Nguyễn Cảnh Tông [1885 – 1888]

– Họ và tên: Nguyễn Phúc Ứng Xuy.

– Con của Kiên Thái Vương [Nguyễn Phúc Hồng Cai], anh của Nguyễn Giản Tông [Kiến Phúc] và Nguyễn Hàm Nghi.

– Sinh năm Quý Hợi [1863].

– Lên ngôi ngày 6 tháng 8 năm Ất Dậu [1885].

– Mất vì bệnh ngày 27-12 năm Mậu Tí [1888], thọ 25 tuổi.

– Niên hiệu khi ở ngôi: Đồng Khánh.

10 – Nguyễn Thành Thái [1889 – 1907]

– Họ và tên: Nguyễn Phúc Bửu Lân.

– Con của vua Dục Đức, thân mẫu là bà Phan Thị Điểu [sau được tôn phong là Từ Minh Huệ thái hậu].

– Sinh ngày 22 tháng 2 năm Kĩ Mão [1879].

– Lên ngôi năm 1889, niên hiệu là Thành Thái.

– Năm 1907, bị Pháp đưa đi an trí ở Vũng Tàu. sau bị đày sang đảo Réunion [châu Phi thuộc Pháp].

– Năm 1947 về nước, sống tại Sài Gòn nhưng bị quản thúc.

– Năm 1951 được về thăm Huế một lần.

– Mất ngày 24 tháng 3 năm Giáp Ngọ [1954], thi hài được đem ra Huế, thọ 65 tuổi.

11 – Nguyễn Duy Tân [1907 – 1916]

– Họ và tên: Nguyễn Phúc Vĩnh San.

– Con thứ 8 của Nguyễn Phúc Bửu Lân [Thành Thái].

– Sinh ngày 19 tháng 9 năm 1900.

– Lên ngôi năm 1907, ở ngôi 9 năm, lấy niên hiệu là Duy Tân. Năm 1916, lãnh đạo khởi nghĩa chống pháp [cùng với Thái Phiên, Trần Cao Vân…], bị bắt ngày 3 tháng 11 năm 1916. Sau bị đày sang đảo Réunion. Trong thế chiến thứ hai, Duy Tân từng tham gia lực lượng quân đồng minh chống phát-xít. Duy Tân mất trong một tai nạn máy bay vào ngày 26 tháng 12 năm 1945 tại Bắc Phi [theo tài liệu khác thì ở Trung Phi – CB]. Ngày 2 tháng 4 năm 1987, thi hài vua Duy Tân được đem về táng tại Huế [bên cạnh mộ của Thành Thái]. Thọ 45 tuổi.

12 – Nguyễn Hoằng Tông [1916 – 1925]

– Họ và tên: Nguyễn Phúc Bửu Đảo.

– Con của Nguyễn Cảnh Tông [Đồng Khánh].

– Sinh năm Nhâm Ngọ [1882].

– Lên ngôi năm 1916, ở ngôi 9 năm, niên hiệu là Khải Định.

– Là tay sai của Pháp, từng sang Pháp [năm 1922], mất vì bệnh năm 1925, thọ 43 tuổi.

13 – Nguyễn Bảo Đại [1925 – 1945]

– Họ và tên: Nguyễn Phúc Vĩnh Thuỵ.

– Con của Nguyễn Hoằng Tông [Khải Định].

– Lên nối ngôi năm 1925, niên hiệu là Bảo Đại.

– Tháng 8 năm 1945, Cách mạng Tháng Tám thắng lợi, Bảo Đại thoái vị. Triều Nguyễn đến đó là chấm dứt.

Trở lên là 13 vua của triều Nguyễn, nối nhau trị vì 143 năm [1802 – 1945]. Trong số 18 vua của nhà Nguyễn, chúng ta thấy:

– Vua ở ngôi lâu nhất là Nguyễn Dực Tông [Tự Đức]: 35 năm, vua ở ngôi ngắn nhất là Nguyễn Dục Đức: ba ngày.

– Vua thọ nhất là Hàm Nghi [71 tuổi], vua mất sớm nhất là Kiến Phúc [15 tuổi].

– Có ba vị vua bị Pháp đem đày đi là: Hàm Nghi, Thành Thái và Duy Tân. Có hai vua bị triều thần giết là Dục Đức và Hiệp Hoà.

Thượng tướng và Đại tướng ai cao hơn?

Nga. Thượng tướng [tiếng Nga: Генерал-полковник] là cấp hàm cao thứ ba trong Quân đội Nga, sau Đại tướng và Nguyên soái. Thượng tướng Nga thường giữ các chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, Thứ trưởng Quốc phòng, Tổng tham mưu trưởng, Phó Tổng tham mưu trưởng, Tư lệnh Quân chủng, Tư lệnh Quân khu.

Việt Nam có bao nhiêu Đại tướng 2023?

Hiện tại có 2 Đại tướng Quân đội giữ quân hàm hiện đang công tác là Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Lương Cường, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Việt Nam có bao nhiêu thiếu tướng?

  1. Thiếu tướng, số lượng không quá 162 bao gồm: Số lượng không quá 11; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Công an Trung ương. Số lượng không quá 03; Phó Cục trưởng, Phó Tư lệnh và tương đương của đơn vị trực thuộc Bộ Công an quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

Nước ta hiện nay có bao nhiêu quân khu?

[Bqp.vn] - Lục quân bao gồm 7 quân khu [1, 2, 3, 4, 5, 7, 9] và Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội; 4 quân đoàn [1, 2, 3, 4]; 6 binh chủng [Đặc công, Pháo binh, Tăng - Thiết giáp, Công binh, Thông tin liên lạc, Hóa học].

Chủ Đề