Hội chứng loạn sản tủy xương là gì

Thầy thuốc Văn nghệ

Hội chứng loạn sản tủy xương

14/09/2019

Hội chứng loạn sản tủy xương là các rối loạn gây ra do các tế bào máu sinh sản kém hay không hoạt động. Hội chứng này là kết quả không ổn ở xương xốp, nơi các tế bào máu được tạo ra gọi là tủy xương.

Hội chứng này hiếm khi gây ra các dấu hiệu gì trong giai đoạn đầu. Theo thời gian, hội chứng này gây ra mệt mỏi, khó thở, xanh xao do thiếu máu. Người bệnh dễ bị bầm tím hay chảy máu bất thường do giảm tiểu cầu.

Ở một người khỏe mạnh, tủy xương tạo ra các tế bào máu mới chưa trưởng thành và trưởng thành theo thời gian. Hội chứng loạn sản tủy xương phá vỡ quá trình này khiến các tế bào máu không trưởng thành. Thay vì phát triển bình thường, các tế bào máu sẽ chết trong tủy xương hoặc ngay sau khi vào máu. Có nhiều tế bào chưa trưởng thành dẫn đến các vấn đề như mệt mỏi do thiếu máu, nhiễm trùng do giảm bạch cầu và chảy máu do giảm tiểu cầu.

Nguyên nhân gây ra hội chứng loạn sản tủy xương thường do tiếp xúc với phương pháp điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị, với hóa chất độc hại như thuốc lá, benzen và thuốc trừ sâu, hay với kim loại nặng như chì và thủy ngân.

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc hội chứng này bao gồm tuổi cao. Hầu hết những người có hội chứng loạn sản tủy xương đều trên 60 tuổi.

Các biến chứng bao gồm thiếu máu. Số lượng hồng cầu giảm gây thiếu máu, khiến ta cảm thấy mệt mỏi, xanh xao. Có quá ít tế bào bạch cầu làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nghiêm trọng.

Thiếu tiểu cầu trong máu để cầm máu dẫn đến chảy máu quá nhiều.

Một số người mắc hội chứng này cuối cùng có thể bị ung thư tế bào máu.

Để chẩn đoán, thầy thuốc hỏi han tiền sử bệnh, khám tổng quát và làm các xét nghiệm máu.

Thầy thuốc yêu cầu một số xét nghiệm máu để xác định số lượng tế bào hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu, tìm kiếm những thay đổi bất thường về kích thước của các tế bào máu khác nhau.

Thầy thuốc làm sinh thiết tủy xương để thử nghiệm. Trong quá trình sinh thiết và chọc hút tủy xương, thầy thuốc dùng một cây kim mỏng để hút một lượng nhỏ tủy xương trên mặt sau xương hông.

Điều trị hội chứng này thường nhắm mục tiêu làm chậm tiến triển bệnh, kiểm soát các triệu chứng như mệt mỏi, ngăn ngừa chảy máu và nhiễm trùng.

Nếu không có triệu chứng, thầy thuốc khuyên nên chờ đợi và xét nghiệm thường xuyên.

Trường hợp nặng thiếu máu nhiều, thầy thuốc cần truyền máu để thay thế các tế bào hồng cầu, bạch cầu hay tiểu cầu.

Thầy thuốc dùng thuốc làm tăng số lượng tế bào máu trong cơ thể.

Đây là các yếu tố tăng trưởng, những loại thuốc này là phiên bản nhân tạo của các chất tìm thấy tự nhiên trong tủy xương.

Một số yếu tố tăng trưởng như epoetin làm giảm nhu cầu truyền máu bằng cách tăng hồng cầu. Những thuốc khác như filgrastim giúp ngăn ngừa nhiễm trùng bằng cách tăng các tế bào bạch cầu.

Thầy thuốc điều trị nhiễm trùng bằng kháng sinh.

Phương pháp cuối cùng là cấy ghép tủy xương.

Trong quá trình ghép tủy xương, còn gọi là ghép tế bào gốc, thầy thuốc dùng thuốc hóa trị liệu liều cao để loại bỏ các tế bào máu hư hỏng trong tủy xương. Sau đó, thầy thuốc thay thế bằng các tế bào khỏe mạnh do hiến tặng.

Các kỹ thuật mới hơn sử dụng hóa trị ít độc hơn trước khi cấy ghép so với các kỹ thuật cũ. Tuy nhiên, cấy ghép tủy xương có nguy cơ tác dụng phụ đáng kể. Vì lý do này, rất ít người mắc hội chứng này là ứng cử viên cho ghép tế bào gốc tủy xương.

Bs Đào Ty Tách
Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM số 563

Ý Kiến bạn đọc

Hủy trả lời

Họ tên:
Email:
Nội dung

Mã xác nhận

Video liên quan

Chủ Đề