Hướng dẫn duy trì độ che phủ rừng năm 2024

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU ngày 28/11/2019 của BTV Tỉnh ủy “Về phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, huyện Hải Hà tích cực tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng, duy trì tỷ lệ che phủ rừng, phát triển sản xuất, làm giàu từ rừng một cách bền vững.

Người dân xã Quảng Đức trồng rừng năm 2022.

Những năm qua, huyện tích cực tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân hiểu về lợi ích, tầm quan trọng của công tác bảo vệ, phát triển rừng. Đồng thời, tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý những vi phạm các quy định về bảo vệ rừng. Do đó, tình trạng cháy rừng, chặt phá, khai thác rừng phòng hộ được kiểm soát. Tỷ lệ che phủ rừng duy trì 59,2%.

Với diện tích tự nhiên 51.155,5ha, trong đó diện tích đất quy hoạch lâm nghiệp 33.189,1ha [15.485,3ha rừng phòng hộ, 17.703,8ha rừng sản xuất]. Rừng trồng chiếm 77,76% tổng diện tích rừng sản xuất; diện tích rừng tự nhiên lớn thứ 2 so với các địa phương trong tỉnh, với tính đa dạng sinh học cao, đa dạng hệ sinh thái…, huyện có điều kiện thuận lợi để triển khai các nội dung, giải pháp về phát triển rừng, bảo tồn thiên nhiên kết hợp phát triển du lịch sinh thái.

Để bảo vệ, phát triển lâm nghiệp bền vững, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn tích cực, chủ động phối hợp với Hạt Kiểm lâm tổ chức tuyên truyền Luật Lâm nghiệp, Nghị quyết số 19-NQ/TU và chủ trương, chính sách của trung ương, của tỉnh về phát triển lâm nghiệp bền vững trên địa bàn, thông qua các cuộc họp thôn, bản, lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”; nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ và phát triển rừng; phòng cháy, chữa cháy rừng; vận động nhân dân tham gia trồng rừng gỗ lớn, trồng cây bản địa với các loài cây lim, giổi, lát hoa, quế; khoán bảo vệ diện tích rừng tự nhiên đến các tổ bảo vệ rừng, các gia đình sống gần rừng; chỉ đạo các chủ rừng nhóm 2 xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, xây dựng phương án phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

Thu hoạch cây keo trồng tại xã Quảng Sơn.

Qua rà soát, diện tích đất rừng sản xuất quy hoạch sang đất rừng phòng hộ là 2.096,65ha. Trong đó: 264,59ha do 39 hộ gia đình, cá nhân quản lý; 261,96ha do UBND xã Quảng Đức quản lý; 1.570,09ha do Lâm trường 103 [Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 327, Quân khu 3] quản lý. Để quản lý chặt chẽ diện tích đất này, huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành chức năng phối hợp, hướng dẫn chủ đầu tư các dự án, công trình trên địa bàn huyện thực hiện các trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng theo quy định. Trong 2 năm 2020-2021, trên địa bàn huyện có 18 dự án, công trình được HĐND tỉnh thông qua chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác, tổng diện tích khoảng 241ha rừng sản xuất là rừng trồng.

Cùng với đó, huyện thực hiện bảo vệ và quản lý chặt chẽ, kết hợp với tăng cường các biện pháp trồng mới, phục hồi, tái sinh các khu rừng tự nhiên; diện tích rừng là nguồn sinh thủy của các hồ. Huyện chỉ đạo đơn vị chủ rừng được UBND tỉnh phân bổ kinh phí khoán bảo vệ rừng năm 2020 và năm 2021 thực hiện đầy đủ các trình tự, thủ tục khoán bảo vệ theo quy định. Tổng diện tích rừng được giao khoán là 11.881ha tại khu vực rừng phòng hộ hồ Trúc Bài Sơn, Lâm trường 103, UBND xã Cái Chiên…, góp phần ổn định đời sống, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Quảng Sơn. Đối với diện tích rừng tự nhiên ngoài quy hoạch 3 loại rừng, UBND huyện tiếp tục phối hợp với Sở NN&PTNT thực hiện phương án rà soát tổng thể để báo cáo UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét, đưa vào quy hoạch 3 loại rừng, nhằm bảo vệ, sử dụng hiệu quả diện tích rừng tự nhiên hiện có trên địa bàn huyện.

Huyện đang chỉ đạo các phòng, ban, ngành chức năng phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan triển khai Đề án xây dựng, thành lập mới Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Quảng Nam Châu trên địa bàn huyện. Đơn vị nhà thầu đang triển khai điều tra theo 9 chuyên đề theo đề cương nhiệm vụ đã được UBND tỉnh phê duyệt. Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Quảng Nam Châu có diện tích khoảng 19.744ha, là khu vực có diện tích rừng tự nhiên lớn, liền vùng, liền khoảnh, có tính đa dạng sinh học cao với khoảng 876 loài thực vật, 41 loài thú; trong đó có 63 loài thực vật, 19 loài thú, 12 loài chim nguy cấp, quý, hiếm, 12 loài lưỡng cư - bò sát có giá trị bảo tồn cao.

Nhằm nâng cao giá trị rừng và đưa ra các giải pháp bảo vệ rừng bền vững, hiệu quả, huyện chỉ đạo, đôn đốc các chủ rừng thuộc đối tượng phải xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững theo quy định tại khoản 1, Điều 27 Luật Lâm nghiệp. Đến nay 9/9 chủ rừng đã xây dựng phương án.

Cùng với đó, huyện tuyên truyền, hướng dẫn các chủ rừng ưu tiên đăng ký cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững theo Hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia [VFCS] để thúc đẩy phát triển thương hiệu chứng chỉ rừng quốc gia, khẳng định cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực thi quản lý rừng bền vững.

Lực lượng chức năng của huyện tuần tra, bảo vệ rừng.

Năm 2018, Đề án giao đất, giao rừng, cho thuê đất, thuê rừng huyện Hải Hà được UBND tỉnh phê duyệt với tổng diện tích là 3.320,12ha. Trong đó: Diện tích giao cho các hộ gia đình và cộng đồng dân cư 2.722,35ha; diện tích cho thuê 597,77ha, bao gồm: Quảng Đức 1.617,58ha, Quảng Sơn 775,28ha, Quảng Thành 867,26ha, Quảng Long 40,00ha, Đường Hoa 20ha. Đến nay, xã Quảng Sơn đã thực hiện xong Đề án giao rừng, cho thuê rừng gắn với giao đất, cho thuê đất cho 221 hộ dân với 357 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, diện tích trên 700ha và giao rừng cho 1 cộng đồng bản Tài Chi với diện tích 25,4ha để quản lý.

Với mục tiêu bảo vệ, phát triển rừng bền vững, Hải Hà phấn đấu đến năm 2025 tiếp tục nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và dịch vụ môi trường rừng, độ che phủ đạt ổn định từ 57%; nâng cao năng suất rừng trồng bình quân tăng 20m3/ha/năm; tốc độ phát triển kinh tế của ngành lâm nghiệp đạt từ 3-4%; sản lượng khai thác gỗ đạt từ 30.000-40.000m3/năm; giảm từ 5 cơ sở xuống 1 cơ sở chế biến băm dăm gỗ nằm trong quy hoạch của tỉnh và của huyện.

Chủ Đề