Hướng dẫn giám sát cúm gia cầm sau tiêm phòng

Hướng dẫn phòng, chống bệnh Cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút Cúm gia cầm thể độc lực cao

Vi rút CGC thường sống lâu hơn trong không khí ở độ ẩm thấp và trong phân ở điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao. Vi rút có thể sống tới 35 ngày trong chuồng nuôi có nhiệt độ thấp, tới 3 tháng trong phân gia cầm mắc bệnh

Bệnh Cúm gia cầm [Avian Influenza] là bệnh truyền nhiễm ở gia cầm [bao gồm cả gia cầm nuôi, chim yến và chim hoang dã] và động vật có vú [gồm một số loài gia súc, các loài động vật hoang dã và người]. Bệnh Cúm gia cầm [CGC] do vi rút cúm típ A thuộc họ Orthomyxoviridae, là loại vi rút có bộ gien ARN, có vỏ bọc bằng lipit.

Theo thông báo của Cục Thú y, trong tháng 6 năm 2021 dịch bệnh Cúm gia cầm [CGC] A/H5N8 lần đầu tiên được phát hiện tại Việt Nam, đến nay đã có nhiều tỉnh, thành phố phát sinh ổ dịch. Để chủ động phòng, chống dịch bệnh CGC A/H5N8 trên địa bàn tỉnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y Nghệ An hướng dẫn các biện pháp phòng chống dịch bệnh như sau:

  1. THÔNG TIN CHUNG VỀ BỆNH CÚM GIA CẦM

1. Tóm tắt đặc điểm chung của bệnh Cúm gia cầm

- Bệnh Cúm gia cầm [Avian Influenza] là bệnh truyền nhiễm ở gia cầm [bao gồm cả gia cầm nuôi, chim yến và chim hoang dã] và động vật có vú [gồm một số loài gia súc, các loài động vật hoang dã và người]. Bệnh Cúm gia cầm [CGC] do vi rút cúm típ A thuộc họ Orthomyxoviridae, là loại vi rút có bộ gien ARN, có vỏ bọc bằng lipit.

- Căn cứ đặc tính kháng nguyên, vi rút CGC có hai loại kháng nguyên H [Hemagglutinin] và N [Neuraminidase]. Kháng nguyên H có 16 subtype đánh số thứ tự từ H1 đến H16; kháng nguyên N có 09 subtype được đánh số thứ tự từ N1 đến N9. Tuỳ theo chủng vi rút CGC gây bệnh, ký hiệu của subtype H và N được chỉ định cho chủng vi rút đó.

- Căn cứ độc lực, vi rút CGC được phân loại thành các chủng vi rút CGC độc lực cao [bao gồm các chủng H5, H7] và các chủng vi rút CGC độc lực thấp. Tuy nhiên, việc phân loại có tính tương đối, phụ thuộc các đặc điểm dịch tễ, tình trạng miễn dịch của mỗi cá thể động vật, có những chủng vi rút CGC H5/N1 ít gây bệnh lâm sàng hoặc thậm chí không gây bệnh lâm sàng ở gia cầm; có những chủng vi rút CGC độc lực cao H7 có thể gây bệnh ở người [như H7N9] nhưng ít hoặc không gây bệnh ở gia cầm.

- Trong chăn nuôi, gà thường bị mắc bệnh CGC trầm trọng, tỷ lệ chết có thể lên đến 100%; vịt thường mang mầm bệnh, có thể có hoặc không có triệu chứng lâm sàng và là nguồn chủ yếu gieo rắc vi rút CGC ra môi trường. Một số chủng vi rút CGC không gây bệnh hoặc ít gây bệnh lâm sàng ở gia cầm nhưng có thể lây truyền bệnh và gây tử vong ở người [ví dụ chủng vi rút CGC A/H7N9,…].

2. Sức đề kháng của vi rút CGC

Vi rút CGC thường sống lâu hơn trong không khí ở độ ẩm thấp và trong phân ở điều kiện nhiệt độ thấp, độ ẩm cao. Vi rút có thể sống tới 35 ngày trong chuồng nuôi có nhiệt độ thấp, tới 3 tháng trong phân gia cầm mắc bệnh. Vi rút dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ 700C trong 05 phút. Trong tủ lạnh và tủ đá, vi rút có thể sống được vài tháng. Chất sát trùng thông thường như: xút 2%, phoóc-môn 3%, crezin 5%, chloramin B 3%, iodin 1%, halamid 20%, cồn 700 - 900, vôi bột hoặc nước vôi 10%, nước xà phòng đặc,...

3. Nguồn bệnh và đường truyền lây

- Loài mắc: Động vật mắc bệnh CGC là các loài gia cầm như gà, gà tây, vịt, ngan, ngỗng, chim cút, bồ câu, đà điểu, chim hoang dã và động vật có vú thuộc mọi lứa tuổi. Đặc biệt vi rút có thể lây nhiễm và gây bệnh cho người.

- Nguồn bệnh: Vi rút có trong hầu hết các cơ quan nội tạng của động vật mắc bệnh, trong phân, dịch tiết như nước mũi, nước bọt, dịch tiết của con vật mắc bệnh. Các loài chim di trú, thủy cầm hoang dã có thể mang vi rút CGC và là nguồn lây lan dịch bệnh chủ yếu cho gia cầm nuôi. Trong chăn nuôi, thủy cầm [vịt, ngan/vịt xiêm] mang trùng vi rút cúm được xem là nguồn lây nhiễm bệnh chính cho gia cầm nuôi nhốt.

- Đường truyền lây: Trong cơ thể gia cầm mắc bệnh, vi rút CGC nhân lên trong đường hô hấp và đường tiêu hoá, sau đó được bài thải qua phân, nước mũi, nước bọt, dịch tiết. Thời kỳ lây truyền thường trong vòng từ 3 đến 5 ngày, có khi kéo dài đến 7 ngày kể từ khi có triệu chứng của bệnh. Sự truyền lây bệnh được thực hiện theo 2 phương thức là trực tiếp và gián tiếp.

[i] Lây trực tiếp: Do gia cầm mẫn cảm tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh cúm hoặc động vật mắc bệnh, động vật mang trùng vi rút cúm, từ đó vi rút cúm xâm nhập vào cơ thể thông qua các chất bài tiết từ đường hô hấp hoặc qua phân, thức ăn và nước uống bị nhiễm vi rút cúm.

[ii] Lây gián tiếp: Qua những dụng cụ chăn nuôi, thức ăn, nước uống, lồng nhốt, quần áo, dày dép của người vào trại, phương tiện vận chuyển... bị nhiễm phân, dịch tiết có chứa vi rút cúm của động vật mắc bệnh bài thải ra.

4. Triệu chứng, bệnh tích

- Triệu chứng: Gia cầm mắc bệnh CGC thể độc lực cao [bao gồm chủng CGC A/H5N8] có thời gian ủ bệnh ngắn, thường từ 01 - 03 ngày, có thể dài hơn tuỳ theo độc lực của vi rút. Do vậy, gia cầm mắc bệnh thường bị chết đột ngột, có thể không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Tỷ lệ chết có thể lên tới 100% tổng đàn trong vòng vài ngày; gia cầm đi lại không bình thường, loạng choạng, lắc đầu, run rẩy, mệt mỏi, nằm tụ tập từng đám; có các biểu hiện ở đường hô hấp như ho, khó thở, sổ mũi, chảy nước mũi, thở khò khè, viêm xoang, sưng viêm mí mắt, chảy nhiều nước mắt, nhiều con sưng khớp; sưng phù đầu và mặt, sưng mí mắt, mào và tích tím tái; xuất huyết dưới da, đặc biệt ở những chỗ da không có lông; tiêu chảy, phân loãng màu trắng hoặc trắng xanh, năng suất trứng giảm rõ rệt ở những con gia cầm đang đẻ, có trường hợp đẻ trứng không có vỏ.

- Bệnh tích đặc trưng: Khí quản xuất huyết, đọng nhiều dịch rỉ viêm, túi khí dày đục, có ổ cazein, phổi viêm xuất huyết; dạ dày tuyến xuất huyết, manh tràng, ruột non xuất huyết, hậu môn xuất huyết, gan, lách, thận sưng hoặc xuất huyết; màng bao tim, cơ tim xuất huyết; tim nhão, bao tim chứa nhiều dịch thẩm xuất màu vàng; buồng trứng, dịch hoàn xuất huyết; màng não xung huyết, một số xuất huyết dưới da chân.

5. Nhận định tình hình

Nguy cơ dịch bệnh CGC A/H5N8 phát sinh và lây lan trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới là rất cao do:

- Tổng đàn gia cầm toàn tỉnh lớn [trên 28 triệu con] chủ yếu chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, thả rông

- Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin CGC rất thấp.

- Con giống không có nguồn gốc hoặc người dân tự ấp nở, đàn giống gốc chưa được tiêm phòng.

- Lưu lượng vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm lớn, có nhiều chợ buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

- Có đường biên giới giáp ranh với nước bạn Lào, các hoạt động giao lưu, thương mại, phương tiện, con người qua lại giữa 2 nước diễn ra thường xuyên.

- Đường truyền lây đa dạng, không thể kiểm soát do các loài chim hoang dã có thể nhiễm vi rút CGC A/H5N8 từ địa phương khác di chuyển vào Nghệ An tiếp xúc trực tiếp gây bệnh cho gia cầm nuôi.

- Biến đổi khí hậu gây ra thời tiết cực đoan, nắng nóng đan xen mưa lũ làm ảnh hưởng đến sức đề kháng của gia cầm.

- Mùa mưa bão đang đến gần, xác chết, chất thải gia cầm từ cơ sở chăn nuôi, giết mổ, buôn bán theo nguồn nước trôi dạt ra môi trường.

II. GIẢI PHÁP PHÒNG CHỐNG DỊCH CGC A/H5N8 VÀ CÁC CHỦNG VI RÚT CGC THỂ ĐỘC LỰC CAO KHÁC

1. Giải pháp chung

Triển khai các giải pháp phòng, chống dịch bệnh CGC A/H5N8 và các chủng vi rút CGC theo quy định của Luật Thú y, Quyết định số 1116/QĐ-UBND ngày 09/4/2019 của UBND tỉnh ban hành Kế hoạch phòng, chống bệnh CGC trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2019 – 2025; đặc biệt là Công điện số 23/CĐ-UBND ngày 13/7/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về việc tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp kiểm soát, phòng, chống bệnh Cúm gia cầm A/H5N8 và các chủng vi rút Cúm gia cầm thể độc lực cao khác lây lan diện rộng.

2. Phòng bệnh CGC

Khi dịch bệnh CGC chưa phát sinh trên địa bàn, UBND các huyện, thành phố, thị xã chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và PTNT/Kinh tế, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp, UBND cấp xã thực hiện một số nội dung:

- Để phòng chống dịch CGC, tiêm phòng là giải pháp hiệu quả nhất tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm. UBND cấp huyện chỉ đạo rà soát, hướng dẫn tổ chức, cá nhân chăn nuôi bỏ kinh phí mua vắc xin CGC tiêm phòng cho đàn gia cầm, bảo đảm đạt tỷ lệ trên 80% tổng đàn; thường xuyên tiêm phòng bổ sung cho đàn gia cầm mới phát sinh, chưa được tiêm phòng và hết thời gian miễn dịch. Sử dụng các loại vắc xin CGC phù hợp với chủng vi rút gây bệnh theo khuyến cáo của Cục Thú y, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh. Cách dùng, liều dùng vắc xin Cúm gia cầm:

+ Phòng bệnh cho gà: Tiêm vắc xin lần đầu cho gà con ở 14-21 ngày tuổi, liều 0,5 ml/ con. Trong vùng có nguy cơ cao bệnh dịch cúm gia cầm, có thể tiêm nhắc lại sau 2-3 tuần sau mũi tiêm đầu tiên, liều 0,5 ml/ con. Gà giống, gà đẻ: liều 0,5 ml/ con và cứ 6 tháng tiêm vắc xin nhắc lại một lần.

+ Phòng bệnh cho chim cút: Tiêm vắc xin ở 3-4 tuần tuổi, liều 0,5 ml/ con.

+ Phòng bệnh cho vịt: Vịt từ 14 – 35 ngày tuổi, liều 0,5 ml/ con. Tiêm nhắc lại sau 14 – 21 ngày sau mũi tiêm đầu tiên. Vịt trên 35 ngày tuổi: 1 ml/ con. Vịt giống và vịt đẻ: liều 1 ml/ con và cứ 6 tháng tiêm vắc xin nhắc lại một lần.

+ Phòng bệnh cho ngan [vịt xiêm]: Ngan [vịt xiêm] từ 14 – 35 ngày tuổi, liều 0,5 ml/ con. Tiêm nhắc lại sau 14 – 21 ngày sau mũi tiêm đầu tiên. Ngan [vịt xiêm] trên 35 ngày tuổi: 1 ml/ con. Ngan [vịt xiêm] giống và ngan [vịt xiêm] đẻ: liều 1 ml/ con và cứ 6 tháng tiêm vắc xin nhắc lại một lần.

- Tổ chức khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi để tiêu diệt mầm bệnh các đợt trong năm theo Kế hoạch của Sở Nông nghiệp và PTNT Nghệ An. Ngoài ra, UBND các cấp bố trí kinh phí, chỉ đạo người chăn nuôi mua hóa chất, vôi bột thường xuyên vệ sinh, sát trùng các vùng chăn nuôi trọng điểm, vùng tập trung, vùng nguy cơ cao như chợ, lò mổ ... trên địa bàn.

- Chủ động giám sát gia cầm có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, phát hiện, xử lý kịp thời, hạn chế dịch bệnh phát sinh và lây lan ra diện rộng.

- Thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền sâu rộng về tính chất nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết bệnh CGC và biện pháp phòng, chống cho người chăn nuôi biết và thực hiện

- Tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán, giết mổ gia cầm và sản phẩm gia cầm trên địa bàn. Xử lý nghiêm các trường hợp gia cầm không rõ nguồn gốc, không có giấy tờ kiểm dịch, nhập lậu qua biên giới, giết mổ gia cầm không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y an toàn thực phẩm.

3. Xử lý dịch bệnh CGC, chống dịch

Khi có kết quả dương tính với vi rút CGC: UBND cấp huyện tập trung các nguồn lực để triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp chống dịch bệnh theo quy định của Luật thú y, các văn bản hướng dẫn Luật.

  1. Công bố dịch: Tùy theo tính chất lây lan của dịch bệnh, UBND cấp huyện xem xét, quyết định công bố dịch bệnh động vật trên địa bàn. Các thủ tục công bố dịch theo quy định tại Điều 26 của Luật Thú y khi có đủ điều kiện: Có kết luận chẩn đoán, xét nghiệm xác định bệnh CGC, chiều hướng lây lan nhanh trên diện rộng và văn bản đồng ý của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh.
  1. Tổ chức tiêm phòng khẩn cấp bao vây ổ dịch:

- Sử dụng các loại vắc xin CGC đang được phép lưu hành tại Việt Nam và có hiệu quả bảo hộ đối với chủng vi rút CGC A/H5N6 để tiêm phòng cho gia cầm khỏe mạnh tại các thôn, ấp, bản nơi xảy ra dịch; đồng thời tổ chức tiêm phòng bao vây ổ dịch theo hướng từ ngoài vào trong đối với gia cầm mẫn cảm tại các thôn, bản chưa có dịch trong cùng xã và các xã tiếp giáp xung quanh xã có dịch. Thời gian tiêm phòng cho toàn đàn gia cầm kết thúc càng sớm càng tốt nhưng không chậm hơn 05 ngày.

- Huy động lực lượng tại chỗ hỗ trợ tiêm phòng; người trực tiếp tham gia tiêm phòng phải là nhân viên thú y hoặc người đã qua tập huấn về tiêm phòng.

- Giao Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện hướng dẫn và giám sát việc tiêm phòng, xử lý sau tiêm phòng.

  1. Lấy mẫu:

- Khi gia cầm ốm, chết, nghi ngờ mắc bệnh CGC, tiến hành lấy 5 con gia cầm hoặc 5 đầu gia cầm gộp thành một mẫu để gửi xét nghiệm. Thực hiện nghiêm quy trình an ninh sinh học khi lấy mẫu, bảo quản, gửi mẫu theo Công văn 1075/CNTY.QLDB ngày 27/10/2020 của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

- Đối với các ổ dịch xảy ra nhỏ lẻ trên một đơn vị hành chính cấp xã: lấy 1-2 mẫu gộp [mỗi hộ chăn nuôi, trang trại chăn nuôi nghi ngờ dịch bệnh lấy 01 mẫu] để gửi xét nghiệm xác định bệnh.

- Khi dịch xảy ra diện rộng, căn cứ tỉnh hình thực tế [vị trí địa lý, quy mô chăn nuôi, mật độ chăn nuôi...], Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y chỉ đạo lấy mẫu phù hợp với địa bàn.

  1. Tiêu hủy gia cầm:

- Việc tiêu hủy gia cầm phải được thực hiện ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính vi rút cúm gia cầm hoặc được cơ quan quản lý chuyên ngành thú y địa phương kiểm tra, xác minh và kết luận là mắc bệnh cúm gia cầm.

- Gia cầm bị tiêu hủy trong các trường hợp sau:

  • Tiêu hủy đối với toàn bộ đàn gia cầm mắc bệnh, chết, có dấu hiệu mắc bệnh Cúm gia cầm. Xử lý đối với chất thải của gia cầm, thức ăn hoặc chất độn chuồng bị nhiễm bệnh hoặc có khả năng nhiễm bệnh. Khử trùng tiêu độc nghiêm ngặt đối với vật phẩm, phương tiện giao thông, khu vực để dụng cụ, nền chuồng… người, xe cộ và các thiết bị liên quan.

+ Đàn gia cầm nuôi thả rông xung quanh mà chưa được tiêm phòng vắc xin cúm và đã tiếp xúc với đàn gia cầm mắc bệnh hoặc tiếp xúc với đàn gia cầm có dấu hiệu mắc bệnh Cúm gia cầm thể độc lực cao.

- Địa điểm tiêu hủy: UBND cấp huyện chỉ đạo Phòng tài nguyên môi truờng huyện có trách nhiệm phối hợp với UBND cấp xã tìm địa điểm tiêu hủy phù hợp. Ưu tiên tiêu hủy ngay tại trong vườn của hộ gia đình/trang trại có gia cầm bệnh, trong xóm có dịch nếu có nơi chôn lấp phù hợp. Trường hợp trong xóm/hộ gia đình không có đất để tiêu hủy thì chọn địa điểm phù hợp, nhưng không quá xa ổ dịch để tránh phát tán mầm bệnh. Trong trường hợp phải tiêu hủy số lượng gia cầm nhiều phải theo hướng dẫn của phòng Tài nguyên và Môi trường

- Vận chuyển xác gia cầm đến địa điểm tiêu hủy: Xác gia cầm phải được cho vào bọc kín để phun khử trùng trước khi vận chuyển; phương tiện vận chuyển xác gia cầm phải có sàn kín hoặc lót bằng nilon hoặc vật liệu chống thấm khác khác bên trong [đáy và xung quanh thành] để không làm rơi vãi các chất thải trên đường đi, được vệ sinh, khử trùng tiêu độc theo hướng dẫn của cơ quan chuyên ngành thú y ngay trước khi vận chuyển và sau khi bỏ bao chứa xuống địa điểm tiêu hủy hoặc rời khỏi khu vực tiêu hủy. Trong suốt quá trình vận chuyển phải có người thực hiện phun khử trùng tiêu độc theo sau để đảm bảo khử trùng tiêu độc triệt để, ngăn chặn phát tán mầm bệnh ra môi trường.

- Người tham gia tiêu hủy gia cầm: chỉ huy động đủ số lượng người tham gia tiêu hủy, những người không liên quan không đến gần ổ dịch, điểm tiêu hủy; các thành viên phải mặc bảo hộ lao động 1 lần, đeo khẩu trang, găng tay, kính bảo hộ, đi ủng. Sau khi xong nhiệm vụ, cho tất cả bảo hộ xuống hố chôn cùng gia cầm [có thể giữ ủng lại, rửa ngay tại chỗ, phun sát trùng đậm, cho vào bao ni lông buộc lại để dùng lần sau]. Tất cả thành viên trước khi ra về phải phun sát trùng dày dép, phương tiện, dụng cụ… Khi vận chuyển gia cầm từ hộ gia đình ra hố chôn phải có máy phun khử trùng tiêu độc đi sau để tiêu diệt mầm bệnh, tránh phát tán qua vận chuyển.

- Quy cách hố chôn:

+ Địa điểm: Hố chôn phải cách nhà dân, giếng nước, khu chuồng nuôi động vật tối thiểu 30m và có đủ diện tích; nên chọn nơi chôn trong vườn [tốt nhất là vườn cây ăn quả hoặc lấy gỗ];

+ Kích cỡ: Hố chôn phải đủ rộng phù hợp với khối lượng gia cầm và chất thải cần chôn. Ví dụ nếu cần chôn tổng gia cầm có trọng lượng khoảng 01 tấn thì hố chôn cần có kích thước là sâu 2 – 2,5m; rộng 1,5 - 2m; dài 1,5 - 2m.

- Các bước chôn lấp: Sau khi đào hố, rải một lớp vôi bột xuống đáy hố theo tỷ lệ khoảng 01 kg vôi/m2, cho bao chứa xuống hố, phun thuốc sát trùng hoặc rắc vôi lên trên bề mặt, lấp đất và nện chặt; yêu cầu khoảng cách từ bề mặt bao chứa trên cùng đến ngang mặt đất [lớp đất phủ bên trên]tối thiểu phải dày ít nhất là 1m và cao hơn mặt đất để tránh nước chảy vào bên trong gây sụt, lún hố chôn. Phun sát trùng khu vực chôn lấp để hoàn tất quá trình tiêu hủy.

- Quản lý hố chôn: Hố chôn xác động vật phải có biển cảnh báo người ra vào khu vực. Cắt cử lực lượng canh hố chôn 24/24 giờ trong vòng ít nhất 02 ngày đêm.

Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm quản lý, tổ chức kiểm tra định kỳ và xử lý kịp thời các sự cố sụt, lún, xói mòn, rò rỉ, bốc mùi của hố chôn. Địa điểm chôn lấp phải được đánh dấu trên bản đồ của xã, ghi chép và lưu giữ thông tin tại Ủy ban nhân dân cấp xã.

đ. Tổ chức vệ sinh khử trùng tiêu độc:

- Đối với vùng dịch là xã, phường, thị trấn nơi có ổ dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng nguy cơ cao: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc bằng vôi bột, hóa chất 01 lần/ tuần.

- Người chăn nuôi, trang trại chăn nuôi phải tự chủ động thực hiện khử trùng, tiêu độc chuồng nuôi, trang trại chăn nuôi thường xuyên bằng vôi bột, hóa chất để tiêu diệt mầm bệnh.

- Nguyên tắc vệ sinh, khử trùng tiêu độc: Người thực hiện khử trùng tiêu độc phải sử dụng bảo hộ lao động dùng 01 lần. Trước khi phun hóa chất diệt mầm bệnh phải làm sạch đối tượng khử trùng tiêu độc bằng biện pháp cơ học [quét dọn, cạo, cọ rửa]. Pha chế và sử dụng hóa chất sát trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất, bảo đảm pha đúng nồng độ, phun đúng tỷ lệ trên một đơn vị diện tích.

- Loại hóa chất: Sử dụng hóa chất đặc hiệu trong Danh mục thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam để khử trùng tiêu độc. Sử dụng vôi bột, hóa chất để phun khử trùng tiêu độc tại các hộ, trang trại bị dịch và khu vực xung quanh.

- Đối tượng vệ sinh, khử trùng tiêu độc: Trang trại, nông hộ chăn nuôi gia cầm, các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, chợ buôn bán, cơ sở thu gom, nơi cách ly kiểm dịch gia cầm và sản phẩm của gia cầm. Khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy gia cầm và chất thải của gia cầm nhiễm bệnh. Trạm, chốt kiểm dịch động vật, chốt kiểm soát ổ dịch, phương tiện vận chuyển gia cầm và sản phẩm của gia cầm. Nơi công cộng, đường làng, ngõ xóm.

  1. Phong tỏa:

- UBND cấp huyện nơi xảy ra dịch bệnh chỉ đạo UBND cấp xã để tiến hành phong tỏa vùng dịch, ổ dịch; nghiêm cấm vận chuyển gia cầm và sản phẩm gia cầm ra vào vùng dịch; thực hiện công tác chống dịch theo hướng dẫn của Chi cục Chăn nuôi và Thú y.

- UBND cấp xã thành lập các chốt kiểm dịch tạm thời tại các trục đường chính, để tổ chức kiểm soát chặt chẽ 24/24 giờ [kể cả thứ 7, chủ nhật và ngày lễ] đối với gia cầm từ vùng dịch ra ngoài, lực lượng trực là công an và phụ trách thú y của xã; chốt có barie, lập biển cảnh báo khu vực có dịch; tổ chức phun thuốc sát trùng, tiêu độc các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật đi qua chốt. Tại chốt phải có tấm bạt lót nền đường rộng từ mép đường bên này sang mép đường bên kia, chiều dài bạt ít nhất 4 mét, xung quanh được đắp đất để nâng mép bạt [cao 5-10 cm], cả diện tích tấm bạt được rải rơm, vôi bột, phun thuốc sát trùng và phun thêm nước tạo độ ẩm [đàm bảo nước không làm loãng hóa chất và vôi bột]. Trường hợp phát hiện gia cầm ốm, nghi bị bệnh đi qua chốt thì báo cáo cho Cơ quan chuyên môn cấp huyện [Phòng Nông nghiệp/Kinh tế, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp] đến kiểm tra, xác minh và lấy mẫu xét nghiệm bệnh.

  1. Điều tra, xác minh nguyên nhân dịch: Tổ chức điều tra xác định nguyên nhân ổ dịch, nguồn lây nhiễm để xử lý kịp thời, hiệu quả. Tiến hành giám sát, kiểm tra, rà soát và đánh giá rủi ro lây nhiễm đối với trại nuôi gia cầm, nơi chăn thả, chợ mua bán, lò giết mổ, kịp thời nắm vững, báo cáo tình hình dịch bệnh kịp thời.
  1. Các tổ chức, cá nhân chăn nuôi gia cầm

- Chủ động giám sát đàn gia cầm, khi có các biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh, gia cầm ốm, chết nghi mắc bệnh CGC báo cáo kịp thời đầy đủ về tình hình dịch bệnh cho chính quyền, cơ quan thú y để lấy mẫu, chẩn đoán bệnh kịp thời, phòng chống dịch khẩn cấp, hạn chế dịch bệnh lây lan ra diện rộng; Thực hiện tốt “5 không”: không giấu dịch; không mua bán gia cầm, sản phẩm gia cầm mắc bệnh; không bán chạy gia cầm mắc bệnh; không chăn thả rông hoặc vận chuyển gia cầm bị mắc bệnh ra khỏi vùng dịch; không vứt xác gia cầm bừa bãi ra môi trường.

- Tiêm phòng vắc xin để tạo miễn dịch chủ động cho đàn gia cầm trong công tác phòng, chống dịch hết sức quan trọng. Vì vậy, người chăn nuôi tự bỏ kinh phí mua vắc xin [đặc biệt vắc xin CGC] để tiêm phòng đầy đủ đàn gia cầm theo quy định tại Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn

- Tăng cường áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, con giống đảm bảo nguồn gốc rõ ràng, được kiểm soát của cơ quan thú y. Thường xuyên vệ sinh, sát trùng bằng vôi bột, hóa chất tại chuồng nuôi và khu chăn thả; chủ động chăm sóc, nuôi dưỡng để nâng cao sức đề kháng cho đàn gia cầm.

- Kê khai hoạt động chăn nuôi gia cầm theo quy định với chính quyền địa phường. Số lượng vật nuôi tối thiểu phải kê khai: gà, vịt, ngan, ngỗng 20 con; đà điểu 01 con; chim cút 100 con; bồ câu 30 con.

- Có biện pháp không để chim hoang dã tiếp xúc với đàn gia cầm, đối với trang trại chăn nuôi gia cầm không nuôi chung nhiều loại gia cầm khác nhau, chim bồ câu để hạn chế lây lan dịch bệnh.

Chủ Đề