Hướng dẫn số 69 của mặt trận tỉnh tây ninh

Tham dự Hội nghị có Lãnh đạo UBND các huyện, thị xã và các sở, ngành, đoàn thể có liên quan như: Sở Tư pháp, Sở Lao động – Thương binh và xã hội, Sở Thông tin và Truyền thông, Hội liên hiệp phụ nữ tỉnh, Công an tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Trung tâm hỗ trợ kết hôn...

Theo đánh giá của các ngành chức năng, trong năm 2007 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, tình hình kết hôn có yếu tố nước ngoài nói chung và tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, đặc biệt là người Trung Quốc [Đài Loan] và Hàn Quốc vẫn còn diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng, dưới nhiều hình thức tinh vi trá hình làm ảnh hưởng đến trật tự xã hội, danh dự, nhân phẩm của người phụ nữ Việt Nam. Trong năm đã có 432 trường hợp đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài và 109 trường hợp ghi chú kết hôn, có 443 trường hợp phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài, trong đó phụ nữ Việt Nam lấy chồng là công dân Trung Quốc [Đài Loan] là 275 trường hợp [chiếm tỷ lệ 63,6%], công dân Hàn Quốc 148 trường hợp [chiếm tỷ lệ 27,3%].

Trước tình hình này, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ban, ngành có những hoạt động phối hợp đồng bộ nhằm đấu tranh ngăn chặn việc môi giới hôn nhân trái phép hoặc lợi dụng danh nghĩa hôn nhân để buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài. Chú trọng công tác khảo sát nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vụ việc vi phạm, song song với việc tổ chức tư vấn, hướng dẫn phụ nữ Việt Nam khi kết hôn với người nước ngoài thông hiểu và cảnh giác để tránh bị lợi dụng. Kết quả các trường hợp đăng ký hôn nhân có yếu tố nước ngoài đều thực hiện đúng quy định của pháp luật, hạn chế tình trạng phụ nữ Tây Ninh lấy chồng nước ngoài thông qua môi giới kết hôn trái pháp luật, chưa phát hiện các trường hợp nào bị thân nhân cưỡng ép kết hôn, kịp thời ngăn chặn các đối tượng từ nước ngoài đến Tây Ninh tổ chức coi mắt để môi giới hôn nhân trái pháp luật.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã phát biểu tham luận xung quanh các vấn đề: Công tác phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và hoạt động môi giới kết hôn bất hợp pháp diễn ra trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh; công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục cho chị em phụ nữ về thuần phong, mỹ tục, giữ gìn truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam và công tác hỗ trợ, tư vấn kết hôn có yếu tố nước ngoài; vấn đề phối hợp giải quyết việc làm cho phụ nữ trong độ tuổi lao động; công tác chỉ đạo, điều hành, kiểm tra giám sát việc thực hiện Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg và những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện Chỉ thị.

Qua các ý kiến tham luận của đại biểu thấy nổi lên một số vấn đề còn tồn tại, khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, đó là: Công tác tuyên truyền, tập trung vào diện rộng nhưng chưa đi vào chiều sâu; chưa chủ động phòng ngừa, ngăn chặn các vụ buôn bán phụ nữ, trẻ em ra nước ngoài; có nhiều vụ, đối tượng và nạn nhân liên quan đến nhiều tỉnh, kể cả nước ngoài làm cho công tác điều tra xử lý gặp khó khăn; hoạt động môi giới hôn nhân bất hợp pháp ngày càng tinh vi, lực lượng cán bộ thiếu làm cho công tác đấu tranh, phòng ngừa gặp nhiều khó khăn; mức xử lý các đối tượng cò mồi, môi giới hôn nhân bất hợp pháp hiện nay chưa đủ tính răn đe nên tình hình hoạt động môi giới vẫn còn.

Để khắc phục những tồn tại này, các đại biểu đề xuất một số kiến nghị đối với Chính phủ và Bộ Tư pháp như sau: Đối với Chính phủ, sớm cho phép thành lập tổ chức môi giới hôn nhân tại Việt Nam, liên kết với các tổ chức môi giới hôn nhân ở nước ngoài để giúp đỡ phụ nữ Việt Nam có nhu cầu kết hôn với người nước ngoài nhằm hạn chế các trường hợp kết hôn thông qua môi giới bất hợp pháp; mở rộng quan hệ hợp tác song phương, ký kết Hiệp định về hôn nhân và gia đình, sớm có thỏa thuận cấp quốc gia về quy định người nước ngoài phải có một giá trị tài sản nhất định được ký quỹ tại ngân hàng Việt Nam trước khi kết hôn với phụ nữ Việt Nam để đảm bảo lợi ích của người phụ nữ Việt Nam trong các trường hợp kết hôn không nhằm mục đích xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững và tiến bộ. Đối với Bộ Tư pháp, sớm có Thông tư hướng dẫn Nghị định số 69/2006/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 68/2002/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số Điều của Luật Hôn nhân và gia đình về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, nhất là việc xác định các căn cứ pháp lý làm cơ sở cho việc từ chối đăng ký kết hôn cũng như ghi chú kết hôn; phối hợp với Bộ Công an có kế hoạch tăng cường công tác phòng, chống tội phạm mua bán phụ nữ, trẻ em, các tổ chức môi giới kết hôn với người nước ngoài.

Trong năm 2007, với vai trò là cơ quan trực tiếp tham mưu UBND tỉnh thực hiện Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg, Sở Tư pháp đã phối hợp với các ngành có liên quan như Công an, Hội liên hiệp phụ nữ tăng cường quản lý đăng ký hôn nhân có yếu tố nước ngoài tại Sở Tư pháp, tổ chức phỏng vấn hai bên nam nữ nhằm phát hiện ra các trường hợp môi giới kết hôn bất hợp pháp, đồng thời để tránh tình trạng bọn môi giới hướng dẫn trước một số câu trả lời cho hai bên nam nữ, cán bộ phỏng vấn phải thường xuyên thay đổi các câu hỏi phỏng vấn, có hướng dẫn cụ thể từng trường hợp về xác nhận tình trạng độc thân của người phụ nữ Việt Nam, vận dụng linh hoạt các quy định của pháp luật để áp dụng vào từng trường hợp cụ thể để tránh cho người phụ nữ Việt Nam không bị buôn bán ra nước ngoài và để đảm bảo cho hôn nhân có yếu tố nước ngoài được lành mạnh, tiến bộ, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, văn minh.

Phát biểu kết thúc Hội nghị, ông Phạm Văn Tân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, các sở, ban, ngành hữu quan thực hiện các giải pháp sau để tăng cường quản lý Nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài trong năm 2008, đó là: Các cơ quan thông tin đại chúng cần tiếp tục phát huy vai trò của mình trong việc thông tin về tình hình phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài có liên quan đến nhiều vấn đề trong xã hội; các cấp, các ngành tăng cường hơn nữa vai trò của mình, phối kết hợp chặt chẽ với nhau để ngăn ngừa, chấm dứt ngay tình trạng môi giới hôn nhân bất hợp pháp, lành mạnh hóa mối quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài, đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, xây dựng gia đình hạnh phúc, bền vững, góp phần phát huy và giữ gìn truyền thống, văn hóa của dân tộc; thực hiện tốt hơn Chỉ thị số 03/2005/CT-TTg, Nghị định số 68, 69 và các văn bản khác về quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài; vận động nhân dân tích cực phát hiện, báo cơ quan chức năng về hoạt động môi giới kết hôn bất hợp pháp, kết hôn giả tạo, kiên quyết xử lý đúng pháp luật; Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành có liên quan nghiêm túc thực hiện quy định bắt buộc phỏng vấn trực tiếp tại Sở Tư pháp, việc phỏng vấn phải công khai, minh bạch, công bằng, đúng quy định pháp luật, có những câu hỏi mang tính bất ngờ, thường xuyên, liên tục thay đổi các câu hỏi phỏng vấn; tạo điều kiện cho chị em phụ nữ có cuộc sống ổn định, có công ăn việc làm, thực hiện tốt hơn công tác xoá đói giảm nghèo; thường xuyên kiểm tra, giám sát, xóa bỏ các tụ điểm môi giới hôn nhân bất hợp pháp, xác minh, làm rõ những vấn đề nghi vấn; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và vai trò của Mặt trận Tổ quốc trong quản lý Nhà nước đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài...

Chủ Đề