Kho Thượng Hải về Việt Nam bao lâu

Nguồn hình ảnh, Ảnh chụp màn hình Facebook

Chụp lại hình ảnh,

Câu hỏi được bàn tán sôi nổi trên mạng xã hội những ngày qua

Quyết tâm theo đuổi chiến lược không Covid, Trung Quốc đang phong tỏa hoặc kiểm soát chặt chẽ để phòng chống dịch, khiến nhiều người Việt Nam phải chờ cả tháng mà vẫn chưa nhận được hàng online.

Nếu bạn đặt mua qua mạng thứ gì đó, rất có thể nó có xuất xứ từ Thâm Quyến, thành phố được coi là cỗ máy sản xuất của Trung Quốc, nơi có khoảng một nửa số nhà xuất khẩu bán lẻ trực tuyến của nước này đặt trụ sở.

Trung Quốc phong tỏa: Nền kinh tế trả giá vì chiến lược không Covid

Hai tuần qua, "đơn hàng của bạn đã xuất kho Thâm Quyến chưa?" là một câu hỏi nhận được rất nhiều tương tác trên mạng xã hội ở Việt Nam, đặc biệt đối với các tín đồ yêu thích mua sắm qua mạng.

Khi đặt hàng quốc tế trên các sàn thương mại điện tử, các cửa hàng ở nước ngoài phần lớn sẽ gửi hàng đến kho Nghĩa Ô, kho Thâm Quyến và kho Thượng Hải trước khi vào Việt Nam.

Bạn Phương Quỳnh, sinh sống tại TP.HCM cho biết có 7 đơn hàng đặt từ tháng đầu 2 mà tới hiện tại phần lớn vẫn chưa được nhận hàng.

Quỳnh cho biết: "Mình hay mua hàng trên quốc tế trên Shopee và Lazada vì mẫu mã đa dạng, giá thành rẻ hơn nhiều so với mua hàng tại nội địa. Thời gian chờ có thể chấp nhận được".

Bình thường thì tầm 7-10 ngày là Quỳnh nhận được hàng mà đợt này gần 30 ngày mới nhận được 2 đơn, số còn lại chưa biết thời gian nhận thế nào.

"Theo thông báo hiện trên 5 đơn hàng chưa nhận được thì đơn nào tới kho Thượng Hải mới được thông quan để cho hàng vào, còn lại ở Thâm Quyến chưa có thông báo gì." - Quỳnh nói.

Nguồn hình ảnh, Nhân vật cung cấp

Chụp lại hình ảnh,

Bạn Phương Quỳnh đặt hàng hơn một tháng vẫn chưa được thông quan

Bạn Ngọc Dung có đơn hàng đã xuất kho Nghĩa Ô, thì bức xúc "nhưng xuất đến đâu, bao giờ bàn giao cho đơn vị vận chuyển để ship thì lại là chuyện ở một tương lai khác".

Cư dân mạng đang truyền tay nhau những câu chuyện cười ra nước mắt.

Bạn Nam Phương hài hước chia sẻ: "Đặt túi chống sốc cho laptop mà nó ở kho Thâm Quyến tới lúc lap hư luôn rồi".

Bạn Minh Anh than thở: "Đặt cái dây đeo khẩu trang từ lúc còn là F0 đến lúc Hà Nội qua đỉnh dịch rồi hàng vẫn chưa được thông quan."

Không chỉ người tiêu dùng, các shop order [hàng hóa không có sẵn mà chỉ được nhập về khi khách hàng đặt hàng, giao tiền cọc để người bán nhập sản phẩm] cũng như đang ngồi trên đống lửa vì hàng bị tắc biên vô thời hạn.

Anh Nam, chủ cửa hàng chuyên order hàng Quảng Châu ở Hà Nội nói rằng từ sau Tết Nguyên Đán, anh bị rất nhiều khách hàng phàn nàn, thậm chí đòi hủy đơn và lấy lại cọc do không chờ được.

"Người may mắn thì chỉ phải chờ 2-3 tuần, còn nếu không thì cứ xác định "hóng" hơn một tháng mà hàng vẫn chưa về cũng là chuyện bình thường." - anh Nam cho BBC biết.

Các cửa hàng nội địa cũng phải trì hoãn việc sản xuất, giao hàng vì bị phụ thuộc vào việc chờ giao nguyên liệu từ Trung Quốc sang.

Một chủ shop quần áo tại chung cư Tôn Thất Thiệp, TP.HCM cho biết: "Nguyên vật liệu bị tắc biên ở Trung Quốc khiến shop bị ảnh hưởng khan hàng để cung cấp cho người tiêu dùng. Tuy nhiên đây là tình hình chung nên cửa hàng đành xin lỗi và giải thích để khách có thể thông cảm."

Trong khi nhiều quốc gia trên thế giới chấp nhận sống chung với đại dịch và nới lỏng nhiều hạn chế thì Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi chiến lược không Covid.

Tại sao Trung Quốc vẫn cố gắng đạt 'Không Covid'?

Thâm Quyến vừa trải qua một đợt phong tỏa 6 ngày từ 13/03 đến 18/03, khiến hàng hóa không được thông quan và đến tay người tiêu dùng đúng hẹn.

Tương tự, chính quyền thành phố Thượng Hải bắt đầu kế hoạch phong tỏa hai giai đoạn từ ngày 28/03 áp dụng lần lượt cho khu vực phía Tây và phía Đông nhằm kiểm soát đợt bùng dịch tồi tệ nhất sau 2 năm.

Nguồn hình ảnh, Getty Images

Chụp lại hình ảnh,

Rất nhiều tàu hàng đang tắc nghẽn tại cảng Thâm Quyến

Nhiều chuyên gia cho rằng nếu Trung Quốc vẫn áp dụng các biện pháp phong tỏa có phần cực đoan, có thể nền kinh tế nước này và người tiêu dùng trên toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng sẽ bị ảnh hưởng lớn.

Video liên quan

Chủ Đề