Kỷ vật đình hôn của Nguyễn Thái Học

CHÂN DUNG LÃNH TỤ NGUYỄN THÁI HỌC

Nguyễn Thái Học [chữ Hán: 阮太學; 1 tháng 121902 – 17 tháng 61930] là sinh viên và nhà cách mạng Việt Nam chủ trương dùng vũ lực lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp để thành lập một nước độc lập Việt Nam Dân Quốc. Ông sáng lập Việt Nam Quốc Dân Đảng [VNQDĐ] năm 1927 và lãnh đạo cuộc Khởi nghĩa Yên Bái năm 1930. Cuộc khởi nghĩa thất bại, ông bị Pháp áp giải từ ngục thất Hỏa Lò ở Hà Nội lên Yên Bái chặt đầu cùng với 12 đảng viên VNQDĐ sáng sớm ngày 17 tháng 6 năm 1930.

THÂN THẾ

Nguyễn Thái Học sinh ngày 1 tháng 12 năm Nhâm Dần [1902] tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên [nay là Thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc]. Ông là con cả của cụ Nguyễn Văn Hách và bà Nguyễn Thị Quỳnh. Gia đình ông là một gia đình trung nông sống bằng nghề làm ruộng và dệt vải, buôn vải. Từ 4 tuổi ông đã được cha mẹ cho đi học chữ Hán, và năm 11 tuổi ông bắt đầu theo học chương trình tiểu học Pháp-Việt tại thị xã Vĩnh Yên

Năm 19 tuổi ông thi đậu vào trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội, và nhận học bổng của Chính phủ Bảo hộ Pháp. Do tính tình cương trực và không thích khuất phục lối giáo dục của người Pháp, ông bỏ học vào năm thứ ba, và sau đó ghi danh học trường Cao đẳng Thương mại thuộc Đại học Đông Dương [1925-1927]. Trong thời gian này, ông tham gia thành lập Nam Đồng Thư Xã, và tiếp xúc với một số sinh viên đồng chí hướng, trong số đó có Phó Đức Chính, sinh viên trường Cao đẳng Công chánh và Hồ Văn Mịch, sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm, hai nhà cách mạng tương lai sẽ gắn liền với cuộc đời cách mạng của ông sau này.

Cũng trong thời gian là sinh viên của Đại học Đông Dương, Nguyễn Thái Học đã gửi cho Toàn quyền Đông Dương Alexandre Varenne một số bức thư kêu gọi chính quyền thực dân Pháp tiến hành một loạt cải cách tiến bộở Việt Nam. Sở dĩ Nguyễn Thái Học gửi những đề xuất cải cách của mình cho Varenne vì ông ta vốn là một đảng viên của Đảng Xã hội Pháp, người vừa mới tới nhậm chức toàn quyền đã quyết định ân xá Phan Bội Châu và hứa hẹn nhiều cải cách rộng lớn ở xứ thuộc địa Đông Dương. Tuy nhiên, đó chỉ là những lời hứa suông, và ông ta không bao giờ quan tâm trả lời những bức thưđầy tâm huyết của Nguyễn Thái Học.

Hoàn toàn thất vọng về con đường cải cách của chính quyền thuộc địa, Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đi đến quyết định là: con đường duy nhất để mở ra cơ hội phát triển cho dân tộc Việt Nam chỉ có thể là con đường dùng vũ trang lật đổ chế độ thực dân Pháp và chế độ phong kiến, thành lập một nước Việt Nam Cộng Hòa và thiết lập một nền dân chủ trên toàn cõi Đông Dương 

ĐỀN NỢ NƯỚC

Pháp thành lập một Hội đồng Đề hình để xử các nghĩa quân VNQDĐ. Rất nhiều đảng viên VNQDĐ bị chung thân khổ sai, một số tự sát và bị hành hình như:

-Ngày 11 tháng 2 năm 1930, Nguyễn Khắc Nhu đập đầu tự sát trong ngục thất ở Hưng Hóa.

-Ngày 8 tháng 3 năm 1930, Đặng Văn Lương, Đặng Văn Tiệp, Nguyễn Thanh Thuyết, Ngô Hải Hoằng bị xử chém tại Yên Bái.

-Ngày 17 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị xử chém tại Yên Bái.

-Ngày 18 tháng 6 năm 1930, Nguyễn Thị Giang dùng súng tự sát ở gốc cây đề làng Thổ Tang, tỉnh Vĩnh Yên nay là tỉnh Vĩnh Phúc.

-Ngày 7 tháng 9 năm 1930, Đỗ Thị Tâm nuốt giải yếm tự sát trong ngục thất ở Hà Nội. Khi ấy cô được 18 tuổi.

-Ngày 22 tháng 11 năm 1930, Nguyễn Văn Toại và 4 đồng chí bị xử chém tại Phú Thọ.

-Tháng 12 năm 1930, Đoàn Trần Nghiệp, hay Đặng Trần Nghiệp, tức Ký Con, và 6 đồng chí bị xử chém tại trước cổng nhà tù Hỏa Lò tại Hà Nội.

-Ngày 23 tháng 6 năm 1931Trần Quang Diệu, Vũ Văn Giáo, Trần Nhật Đồng và một số đồng chí bị xử chém tại Hải Dương.

-Ngày 23 tháng 6 năm 1931Lê Hữu Cảnh bị hành hình trước cổng ngục thất Hỏa Lò Hà Nội.

-Năm 1936Sư Trạch tự sát tại ngục thất ở Guyane thuộc Pháp.

-Không rõ tháng năm, Lương Ngọc Tốn, Nguyễn Văn Nho, Nguyễn Quang Triều, Nguyễn Minh Luân, Nguyễn Trọng Bằng, Phạm Văn Khuê bị hành hình trước ngục thất Hỏa Lò, Hà Nội.

Sau khi hành quyết một số lãnh tụ và nghĩa quân của VNQDĐ tại Yên Bái, Pháp cho chôn chung một mộ tại thị xã Yên Bái, cách ga xe lửa độ một cây số, và cho lính canh giữ đến cuối năm 1930. Năm 1945, quân đội VNQDĐ chiếm đóng Yên Bái, cho trùng tu mộ phần của 17 vị anh hùng và lập đền thờ kỷ niệm.[4][7] Khu mộ này sau được nhà nước Việt Nam trùng tu và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa. Tên ông cùng nhiều lãnh tụ VNQDĐ vẫn được dùng đạt tên đường và trường học tại VIệt Nam cho đến ngày nay.

Trong cuộc hội thảo ngày 24 tháng 12 năm 2003 tổ chức tại quê hương ông các nhà khoa học đã tôn vinh Nguyễn Thái Học là Anh hùng Dân tộc.

Bách khoa toàn thư mở Wikipedia [trích]

X

This site uses cookies. By continuing, you agree to their use. Learn more, including how to control cookies.

Triệu Phong biên soạn

Nguyễn Thái Học [1904-1930]

Ông Nguyễn Thái Học là chủ tịch và là sáng lập viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng. Theo giấy khai sinh, ông sinh ngày 1 Tháng 12 năm 1904 [*]. Là con một gia đình tiểu nông tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên, ở cạnh bên làng của ông Đội Cấn. Các nhà viết sử xem ông Nguyễn Thái Học thuộc về thế hệ Tây học hoạt động chống Pháp kế tiếp thế hệ các nhà Nho chống Pháp sau khi người Pháp bãi bỏ Nho học tại Việt Nam.

Vào đầu thế kỷ 20, nhiều người Việt đã nhận ra rằng vì lạc hậu mà Việt Nam bị Pháp đô hộ và họ tìm cách học hỏi Tây phương để tìm cách thoát khỏi sự đô hộ của người Pháp. Khi cục diện thế giới bắt đầu xuất hiện mầm mống chia hai ngả, tư bản và cộng sản, thì mầm mống này cũng xuất hiện trong số những người trẻ Việt Nam đi tìm học văn minh Tây phương. Kiến thức về chính trị Tây phương được đưa vào Việt Nam qua ngả Trung Hoa với hình thức các hoạt động chính trị của Tôn Dật Tiên và Trung Hoa Quốc Dân Đảng và từ Tây phương với những người Việt du học ở Pháp và cũng đồng thời do ông Hồ Chí Minh đi Nga học tập cách mạng vô sản ở đó và rồi về Việt Nam. Kết quả của thế hệ trẻ học tập kiến thức chính trị Tây phương là tại Việt Nam, trong khi Việt Nam Quốc Dân Đảng của Nguyễn Thái Học tuyên truyền thu nhận đảng viên thuộc mọi thành phần trong nước cho phong trào của mình thì Việt Nam Thanh Niên Cách Mạng Đồng Chí Hội của Hồ Chí Minh cũng ganh đua lôi kéo người về phe mình. Hai khuynh hướng này tuy giống nhau về mục tiêu trước mắt là đánh đuổi người Pháp nhưng khác nhau về quan niệm sẽ phát triển đất nước ra sao sau khi đã giành được độc lập. Hai khuynh hướng này đã tồn tại và tranh chấp với nhau sau khi người Pháp không còn cai trị Việt Nam nữa và ảnh hưởng của hai khuynh hướng này vẫn còn tồn tại đến hàng nhiều thập niên sau đó.

Năm 1925, ông gửi hai bức thư cho ông Toàn Quyền Đông Dương Alexandre Varenne đề nghị cải cách nền công thương nghiệp tại Việt Nam và đề nghị thành lập trường Cao Đẳng Công Nghệ tại Hà Nội. Ông cũng đề nghị chính quyền thành lập các thư viện tại các làng xã và các thành phố. Ngoài ra ông cũng đề nghị chính quyền giúp đỡ dân nghèo để họ có đời sống khá hơn. Các bức thư của ông đều không nhận được sự trả lời của ông Toàn Quyền.

Tháng 6 năm 1927, ông làm đơn gửi đến thống sứ Bắc Kỳ xin phép xuất bản một nguyệt san lấy tên là Nam Thanh với mục đích cổ vũ đồng bào tham gia các hoạt động công thương nghiệp . Đơn xin thành lập báo của ông bị từ chối.

Bởi thiếu thời lòng yêu nước của ông đã được kích thích bởi cuộc khởi nghĩa Thái Nguyên năm 1917, đến khi theo học trường Cao đẳng Thương mại Hà Nội, lại do phong trào ân xá cụ Phan Sào Nam, truy điệu cụ Phan Tây Hồ, và cụ Lương Văn Can, nên sau đó, ông quyết định vạch một con đường theo phương pháp “chánh đảng bí mật.”

Những người thành lập Nam Đồng Thư Xã, 1925. Địa chỉ của Nam Đồng Thư Xã ở số 129 phố Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội

Ông đi tuyên truyền, hoạt động các nơi để bí mật tổ chức chánh đảng. Ngày 25 Tháng 12, năm 1927, ông cùng với một số người đồng chí hướng, trong đó có những người trong nhóm nhà sách Nam Đồng Thư Xã, thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng với mục tiêu dùng vũ lực đánh đuổi người Pháp, giành lại độc lập cho Việt Nam, ông được các đồng chí cử làm đảng trưởng. Chánh đảng này từ đó một ngày một bành trướng. Việt Nam Quốc Dân Đảng theo lý thuyết Tam Dân Chủ Nghĩa do bác sĩ Tôn Dật Tiên ở Trung Hoa đề xướng và chủ trương sau khi giành được độc lập sẽ thiết lập chế độ dân chủ, cộng hòa. Trong tôn chỉ của đảng có câu:

“Mục đích và tôn chỉ của Đảng là làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam theo chế độ cộng hòa . Đồng thời giúp đỡ các dân tộc bị áp bức trong công cuộc tranh đấu giành độc lập của họ đặct biệt là các lân quốc: Ai Lao và Cao Miên”.

Việt Nam Quốc Dân Đảng sau đó kết nạp các đảng viên thuộc mọi thành phần trong nước. Đến năm 1927, Việt Nam Quốc Dân Đảng có 120 chi bộ và hơn 1500 đảng viên bao gồm nhiều thành phần như công chức, giáo viên, nhà Nho, học sinh, sinh viên, nhà báo, công nhân, nông dân, địa chủ, thương gia, binh sĩ trong quân đội thuộc địa…

Ngày 2 Tháng 9, 1929, một số đảng viên tại Hà Nội, không tuân theo lệnh trên, đã ám sát Hervé Bazin, một người có tiếng là tàn ác chuyên tuyển mộ nhân công cho các đồn điền Pháp. Vụ ám sát này làm cho chính quyền thuộc địa tìm cách tiêu diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng . Do có người trong đảng làm phản khai báo cho Pháp, chính quyền thuộc địa đã bắt 277 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng .

Nơi diễn ra các cuộc khởi nghĩa.

Thực dân Pháp bủa lưới mật thám truy tầm các đảng viên rất gắt và rao thưởng 5.000 đồng cho ai bắt được ông Nguyễn Thái Học.

Trước tình hình này, vì lo ngại đảng sẽ bị tan rã, Nguyễn Thái Học ra lệnh cho các đảng viên sản xuất bom, thu thập vũ khí để chuẩn bị khởi nghĩa . Cuối năm 1929, một xưởng chế tạo bom tại Bắc Giang bị phát nổ . Người Pháp biết là Việt Nam Quốc Dân Đảng đang chế tạo vũ khí nên lại càng cố truy tầm. Sau đó một số địa điểm làm đao, kiếm và chế tạo bom bị chính quyền khám phá và thêm nhiều đảng viên bị bắt. Trước tình hình này, ngày 26 Tháng 1, 1930, Nguyễn Thái Học tổ chức một buổi họp tại làng Võng La. Tại đây ông nói :

“Gặp thời thế không chiều mình, Ðảng chúng ta có thể tiêu hao hết lực lượng. Một khi lòng sợ sệt đã xen vào trong đầu óc quần chúng, khiến cho họ hết hăng hái, hết tin tưởng, thì phong trào cách mạng có thể nguội lạnh như đám tro tàn, rồi của sẽ không tiếp, người sẽ bị bắt lần, vô tình đã xô đẩy anh em vào cái chết lạnh lùng mòn mỏi ở các nơi phòng ngục trại giam âu là chết đi, để lấy lại gương hy sinh phấn đấu cho người sau nối bước. Chúng ta không thành công thì thành nhân có gì mà ngần ngại”

Mọi người trong buổi họp đồng ý sẽ phát động tổng khởi nghĩa. Sau đó, Nguyễn Thái Học triệu tập một buổi họp khác ở Hải Dương và các đảng viên tại khu vực này cũng đồng ý tổng khởi nghĩa . Ngày tổng khởi nghĩa được quyết định vào đêm mồng 9 tháng 2, năm 1930. Nguyễn Thái Học sẽ đảm nhiệm việc khởi nghĩa tại miền xuôi, còn Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính sẽ đảm nhiệm việc khởi nghĩa tại miền núi. Địa điểm các cuộc khởi nghĩa bao gồm:Khu vực miền núi: Hưng Hóa, Lâm Thao, Phú Thọ, Yên Bái, Sơn Tây.

Khu vực miền xuôi: Hải Dương, Hải Phòng, Kiến An, Bắc Ninh, Đáp Cầu, Phả Lại và Hà Nội.

Nguyễn Khắc Nhu

Gần đến ngày khởi nghĩa, vì các cơ sở của Việt Nam Quốc Dân Đảng tại miền xuôi tương đối yếu, lại thêm bị người Pháp luôn lùng xục, bắt bớ nên Nguyễn Thái Học thấy các cơ sở miền xuôi chưa sẵn sàng để khởi nghĩa vào ngày đã định. Do đó, Nguyễn Thái Học cho người báo với Nguyễn Khắc Nhu là dời ngày tổng khởi nghĩa lại đến ngày 15 Tháng 2, 1930. Người đi báo tin bị người Pháp bắt giữa đường nên Nguyễn Khắc Nhu và Phó Đức Chính không hề hay biết là ngày tổng khởi nghĩa đã được dời lại.

Đến đêm ngày 9-2-1930, các cơ sở ở miền núi từ Sơn Tây, Phú Thọ đến Yên Bái vẫn khởi nghĩa theo như kế hoạch đã định sẵn. Cuộc khởi nghĩa mạnh nhất ở Yên Bái . Quân khởi nghĩa chiếm được một phần đồn Pháp và làm chủ tỉnh lỵ Yên Bái trong gần hai ngày . Các cuộc khởi nghĩa này đều bị người Pháp dập tắt.

Sau khi cuộc khởi nghĩa bị thất bại, cơ sở bị tan vỡ, một số lớn các cấp bộ đảng bị bắt, các anh em hoạt động cách mạng ở Tàu cho người về khuyên ông xuất dương. Nhưng ông không chịu vì không thể bỏ các đồng chí ở trong vòng gian nan.

Sau Khởi nghĩa Yên Bái không thành, Phó Đức Chính thoát vòng vây chạy về Sơn Tây liên lạc với các đồng chí để tiến hành công phá thành Sơn Tây nhưng bất thành, chiều 15 Tháng 2, 1930 ông bị bắt tại làng Nam An, tổng Cẩm Thượng, huyện Tùng Thiện, tỉnh Sơn Tây trong khi đang họp bàn cùng Cai Tân, Nguyễn Văn Khôi lên kế hoạch khởi nghĩa tại đây.

Về phần Nguyễn Thái Học, sau bị truy nã rất ngặt, ông cùng các đồng chí là Sư Trạch, Lê Hữu Cảnh định dò đường qua Tàu. Nhưng đến làng Cổ Vịt, Chí Linh, Hải Dương, thì bị bọn tuần phiên bắt được. Ông bị giam tại Hỏa Lò. Ngày 28 Tháng 3 năm 1930, Hội đồng Đề hình họp xét xử các đảng viên VNQDĐ tại Yên Bái. Báo “Le Petit Parisen” [Người Paris nhỏ] ngày 17.6.1930, mô tả hình ảnh Nguyễn Thái Học trước Hội đồng Đề hình, ông không ngần ngại nhận hết trách nhiệm về mình. Đến ngày 17 Tháng 6 năm 1930 thì ông bị thực dân Pháp đưa lên đoạn đầu đài ở Yên Bái với 12 đồng chí. Ngoài 13 người này ra, chính quyền thuộc địa xử chém hơn 20 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng khác trong thời gian từ 8 Tháng 6, 1930 đến 23 Tháng 6, 1930 đồng thời kết án tù chung thân nhiều đảng viên khác.

Trong phiên xử của Hội đồng Đề hình ngày 28 Tháng3, 1930 ông Phó Đức Chính tự nhận mình chỉ huy cuộc Khởi nghĩa Yên Bái nên bị khép tội xử tử, viên Chánh Hội đồng hỏi: Có chống án không? Ông đáp: “Làm một việc hỏng cả một việc rồi! Còn sống làm gì nữa mà chống án?”

Nhà báo Pháp Louis Roubaud đã gọi Phó Đức Chính là “Sự Chính Trực và Đạo Đức” [Droit et Vertu], ông nhận trách nhiệm, sát cánh như người phụ tá bên cạnh vị “Đại Giáo Sư”.

Báo Pháp gọi Nguyễn Thái Học là nhà “Đại Giáo Sư”. Trên chuyến tàu hỏa đưa 13 đảng viên VNQDĐ lên Yên Bái hành quyết. Thường ngày Nguyễn Thái Học ít nói, nhưng hôm ấy ông biết mình sắp bị rơi đầu nhưng vẫn cười đùa vui vẻ không tỏ vẻ lo sợ. Cùng đi có vị cố đạo làm lễ rửa tội cho những nhà ái quốc trước khi bước lên máy chém. Nguyễn Thái Học đã hỏi vị cố đạo: “Làm việc cứu quốc có phải là phạm vào một điều cấm trong Kinh thánh chăng?” khiến viên cố đạo không biết trả lời như thế nào.

Bước lên pháp trường ông từ chối rửa tội, ông nói: “Đấu tranh cho tự do, độc lập của dân tộc thì không có tội gì để rửa” và hô vang “Việt Nam vạn tuế”. Nhà báo Pháp Louis Roubaud chứng kiến cuộc hành hình ngày 17 Tháng 6, 1930, 15 năm sau vẫn còn ám ảnh cuộc hành hình hình đó, ông viết: “Tôi nghe các nhà cách mạng cùng hô to trước khi bước lên đoạn đầu đài đã cho tôi thấy một lòng quyết tâm, một sự tin tưởng gần như tuyệt đối vào chủ nghĩa quốc gia của họ. Những tiếng hô đó đã làm cho tôi, một người ngoại quốc, cũng phải cảm động…”.

Nguyễn Thái Học chỉ 26 tuổi, Phó Đức Chính mới 23, người lớn tuổi nhất là Nguyễn Khắc Nhu cũng chỉ 48, nhưng sự nghiệp và cái chết của họ thật lẫy lừng. Những ngày cuối cùng của cuộc đời họ thật lẫm liệt…

Ảnh của 12 liệt sĩ bị đem chém đầu cùng với Nguyễn Thái Học
Hàng 1: Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con, Nguyễn Khắc Nhu
Hàng 2: Nguyễn An, Lê Hữu Cảnh, Hà Văn Lao
Hàng 3: Bùi Tư Toàn, Bùi Xuân Mai, Lê Xuân Huy
Hàng 4: Bùi Văn Chuẩn, Nguyễn Như Liên tức Ngọc Tỉnh, Nguyễn Văn Toại

Các liệt sĩ VNQDĐ sau khi bị xử chém ở Yên Bái. Trong vòng tròn là đầu đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Hình đã được đăng trên các báo Pháp và Việt sau ngày hành quyết. Nguyễn Thái Học đã để lại câu nói cho hậu thế : “Không thành công thì thành nhân.”

Đầu của 13 liệt sĩ Việt Nam Quốc Dân Đảng. [Ảnh này và hai ảnh trên trích từ minhduc7.blogspot.com]

Hai bức thư sau đây là những bức thư ông Nguyễn Thái Học viết ở trong nhà giam Hỏa Lò gởi cho Toàn Quyền Đông Dương và Hạ Nghị Viện Pháp. Nhưng không phải để trần tình xin ân xá mà để cho người Pháp sau cái chết của ông phải sửa chính sách đàn áp dã man lại.

Bức gửi cho Toàn Quyền Đông Dương

Ngày … Tháng 3 năm 1930

Gửi ông Toàn Quyền Đông Dương ở Hà Nội

Ông Toàn Quyền,

Tôi, Nguyễn Thái Học ký tên dưới đây, chủ tịch đảng Cách Mệnh Việt Nam Quốc Dân Đảng, hiện bị giam ở ngục Yên Bái, trân trọng nói ông rõ rằng :

Hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp, tội thực có trách nhiệm về mọi việc chánh biến phát sinh ở trong nước, do Đảng tôi chỉ huy từ năm 1927 tới nay, vì tôi là chủ tịch của Đảng và là người sáng lập nữa. Vậy xin ông giết một mình tôi, chứ đừng giết các người đảng viên hay gọi là đảng viên hiện bị giam giữ ở các ngục, bởi vì người ta vô tội ! Người ta vô tội vì trong số đó thì một phần là các đảng viên, nhưng họ vào đảng là vì tôi khuyến khích họ, cho họ biết thế nào là nghĩa vụ một người dân đối với quốc gia, thế nào là nỗi khổ nhục của một tên dân mất nước; còn ngoài ra là những người bị vu cáo bởi bọn thù hằn, bởi lũ mật thám, bởi những bạn bè bán mình cho chính phủ Đông Dương ! Tôi nhắc lại một lần nữa để ông biết cho rằng chỉ cần giết một mình tôi, vì tôi mới chính là thủ phạm. Mà nếu còn chưa đủ hả, thì xin tru di cả nhà tôi, nhưng tôi đem nước mắt mà xin ông tha cho những người khác ! Sau nữa tôi mong ông nghĩ đến danh dự nước Pháp, đến công lý, đến nhân đạo mà thôi, đừng ra lệnh ném bom hay đốt phá những làng vô tội như ông vừa mới làm ! Đó là một lệnh giết người. Những đồng bào của tôi sẽ vì thế mà chết đói, chết rét mấy vạn mà kể !

Sau cùng kết luận bức thư, tôi nói cho ông biết rằng nếu người Pháp muốn ở yên ở Đông Dương mà không phải khốn đốn vì phong trào cách mệnh thì :

  1. Phải thay đổi cái chương trình chính trị hung tàn và vô đạo hiện hành ở Đông Dương.
  2. Phải cư xử cho ra vẻ người bạn dân Việt Nam, chứ đừng có lên bộ ông chủ bạo ngược và áp chế.
  3. Phải để lòng giúp đỡ những nỗi đau khổ về tinh thần, về vật chất của người Việt Nam, bằng cách trả lại các nhân quyền như tụ do ngôn luận; đừng có dung túng bọn tham quan, ô lại, và những phong tục hủ bại ở các hương thôn; mở mang nền công, thương bản xứ, cho nhân dân được học tập những món cần thiết.

Ông Toàn Quyền, hãy nhận lấy tấm lòng tôn kính và cảm kích, với sự nhiệt liệt tạ ơn.

Kẻ thù của ông

Nguyễn Thái Học

Bức gửi cho Hạ Nghị Viện Pháp

Các ông Nghị viên,

Tôi ký tên dưới đây là Nguyễn Thái Học, người Việt Nam, 26 tuổi, chủ tịch và sáng lập viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, hiện bị bắt và giam ở ngục Yên Bái, Bắc Kỳ, Đông Dương, trân trọng bày tỏ như sau :

Theo công lý, ai cũng có quyền bên vực tổ quốc mình khi bị các nước xâm lược, và theo nhân đạo, ai cũng có nghĩa vụ phải cứu vãn đồng bào ở trong vòng nguy hiểm, khó khăn. Như tôi thấy rằng Tổ Quốc tôi bị người Pháp các ông chiếm lĩnh hơn sáu mươi năm nay; tôi thấy rằng, dưới ách chuyên chế của các ông, đồng bào tôi khốn khổ vô cùng, và dân tộc tôi dần dần sẽ tiêu diệt hoàn toàn, theo luật tự nhiên đào thải. Bởi vậy, quyền lợi và nghĩa vụ đã thúc giục tôi phải tìm hết cách để bênh vực Tổ Quốc tôi đương bị người chiếm lĩnh, và dân tộc tôi đương ở cảnh gian nguy. Trước hết, tôi định cùng với các người Pháp ở Đông Dương mà làm việc cho đồng bào, Tổ Quốc, và dân tộc tôi, nhất là việc mở mang trí thức và kinh tế. Về phương diện kinh tế, năm 1925 tôi đã gửi cho viên Toàn Quyền Varenne một bức thư, gồm có những nguyện vọng xin bênh vực che chở cho nền công, thương bản xứ, và nhất là lập một trường Cao đẳng Công nghệ ở Bắc Kỳ. Năm 1926, tôi lại gửi một bức thư nữa cho viên Toàn Quyền Đông Dương, trong có một dự án giúp cho dân nghèo có thể dễ sống. Năm 1927, tôi lại gửi cho Thống sứ Bắc Kỳ một bức thư, xin ra một tập tuần báo, mục đích là bênh vực và khuyến khích cho nền công thương bản xứ. Về phương diện trí thức, năm 1925, tôi gửi thư cho Toàn Quyền Đông Dương, yêu cầu :

  1. Quyền tự do mở các trường dạy không lấy tiền cho dân hạ cấp đến học, nhất là cho thợ thuyền và nông dân.
  2. Quyền tự do mở các bình dân thư xã ở các làng cùng ở các tỉnh công nghệ.

Khốn nỗi cái gì họ cũng cự tuyệt ! Thư tôi chẳng thấy trả lời; dự án của tôi chẳng thấy thực hiện; các lời yêu của tôi chẳng thấy ưng chuẩn, mà đến các bài tôi viết lên báo cũng bị kiểm duyệt xóa bỏ nốt ! Cứ những chuyện cự tuyệt đó, tôi thấy rõ ràng : người Pháp không hề có thực lòng với người Việt, và tôi chẳng giúp ích gì được cho Tổ Quốc tôi, đồng bào, dân tộc tôi cả, trừ khi là đuổi người Pháp ra khỏi đất nước tôi. Bởi vậy, năm 1927, tôi bắt đầu tổ chức một đảng cách mạng, lấy tên là Việt Nam Quốc Dân Đảng, mục đích là đánh đổ chế độ cường quyền áp bức ra khỏi nước tôi, và lập nên Chính phủ Cộng hòa Việt Nam, gồm những người thực lòng tha thiết đến hạnh phúc của quần chúng.

Đảng tôi tổ chức bí mật, và đến Tháng 2 năm 1929 thì bọn mật thám khám phá. Trong các đảng viên đảng tôi bị bắt một số khá lớn, và bị cấm cố từ 2 năm đến 20 năm, 52 người. Bị bắt nhiều, bị xử ức mặc dầu, Đảng tôi đâu có chịu hoàn toàn tiêu diệt ! Dưới quyền tôi chỉ huy, đảng vẫn hoạt động và đi tới mục đích. Ở Bắc Kỳ nổi lên một phong trào cách mạng, nhất là ở Yên Bái, đã giết chết được mấy sĩ quan. Tổ chức và cầm đầu cho phong trào đó, người ta buộc cho Đảng tôi, lấy cớ chính rằng tôi là chủ tịch của Đảng đã hạ lệnh đánh. Kỳ thực thì tôi chưa hề hạ lệnh ấy, và đã đem những chứng cớ chính xác, để chứng rõ ràng không, với Hội đồng Đề hình Yên Bái. Vậy mà một số đông đảng viên hoàn toàn không biết đến phong trào ấy cũng bị bắt và bị buộc là có tham dự vào công việc ! Chính phủ Đông Dương đã đốt nhà họ ! Chính phủ Đông Pháp đã cho lính đến đóng, rồi tịch thu gạo thóc của họ mà chia phần với nhau ! Chẳng những đảng viên đảng tôi, phải cam chịu nỗi bất bình, mà gọi là tàn bạo, tưởng đúng hơn ! – mà còn phần đông đồng bào, hiền lành làm lụng ở nhà quê, để sống cái đời ngựa, trâu, cũng chịu hại lây nữa ! Hiện nay trong các miền Kiến An, Hải Phòng, Bắc Ninh, Sơn Tây, Phú Thọ, Yên Bái, có hàng vạn người đàn ông, đàn bà, ông già, con trẻ vô tội mà bị giết ! Hoặc bởi chết đói, chết rét, vì Chính phủ Đông Pháp đã đốt mất nhà ! Vậy tôi trân trọng lấy nước mắt, nhờ các ông làm cho tỏ rõ nỗi bất bình ấy, là cái nó làm cho dân tộc tôi sẽ hoàn toàn tiêu diệt, là cái nó làm cho mất hết danh dự nước Pháp, là cái nó làm cho giảm cả giá trị của loài người !

Sau nữa tôi trân trọng bảo cho các ông biết : Tôi xin chịu trách nhiệm về tất cả mọi việc chính biến phát sinh trong nước tôi và chỉ huy bởi Đảng tôi, từ năm 1927 đến giờ; vậy chỉ cần giết một mình tôi là đủ, mà đừng làm tội những người khác hiện nay đương bị giam ở các cửa ngục. Vì chỉ có một mình tôi là thủ phạm thôi, còn những người khác đều vô tội cả ! Họ vô tội cả vì trong số đó một phần là những đảng viên, nhưng sở dĩ vào Đảng là vì họ nghe lời tôi khuyến khích cho họ biết : thế là nghĩa vụ của người dân đối với nước ; thế nào là nỗi khổ, nhục của tên vong quốc nô ! Còn ngoài ra thì là những người không phải đảng viên, nhưng bị kẻ thù hay bọn mật thám đặt điều vu cáo, hay lại vu cáo bởi những bạn hữu không chịu nổi những cách tra tấn tàn nhẫn của công an cục [sở mật thám] và khai bừa ra cho đỡ phải đòn ! Tôi nhắc lại một lần nữa để các ông biết rằng chỉ cần giết một mình tôi hay còn chưa đủ hả thì tru di cả nhà tôi, nhưng xin các ông tha cho những người vô tội như trên đã nói. Sau cùng tôi kết luận bức thư này nói cho các ông biết rằng : Nếu người Pháp muốn ở yên Đông Dương, mà không khốn đốn vì phong trào cách mệnh thì phải thay đổi cái chương trình chính trị hung tàn và vô đạo hiện hành ở Đông Dương : phải cư xử cho ra vẻ những người bạn của giống Việt Nam chứ đừng có lên bộ là những ông chủ bạo ngược và áp chế; phải để lòng giúp đỡ cho những nỗi đau khổ về tinh thần về vật chất của người Việt Nam, chứ đừng có khắc khe, thâm độc nữa !

Các ông Nghị !

Hãy nhận lấy tấm lòng tôi trân trọng cám ơn.

[*] Có tài liệu nói Nguyễn Thái Học sinh năm 1902 nhưng theo bức thư ông gửi cho các nghị viên Pháp năm 1930, trong đó ông tự xưng 26 tuổi, cũng là năm ông bị tử hình, như vậy ông sinh năm 1904 hữu lý hơn.

[Trích đoạn chương “Hai bức thư cuối cùng của Nguyễn Thái Học,” từ trang 498 đến 505 của cuốn THI VĂN QUỐC CẤM Thời Thuộc Pháp. Thái Bạch biên soạn. Nhà sách Khai Trí xuất bản năm 1968.]

[Trích đoạn từ trang mạng nongnghiep.vn, 06.02.2020 – “Bài II : Những ngày cuối cùng của các lãnh tụ VNQDĐ” của Thái Sinh]

[Trích đoạn trang mạng minhduc7.blogspot.com – bài “Nguyễn Thái Học và hai khuynh hướng phát triển quốc gia“]

Video liên quan

Chủ Đề