Luật Dân quân tự vệ 2022 có máy nhiệm vụ

Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định: “Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất, công tác, được tổ chức ở địa phương gọi là dân quân, được tổ chức ở cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế [sau đây gọi chung là cơ quan, tổ chức] gọi là tự vệ”

1. Nam giới được hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ nếu đang một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

Đây là điểm mới đáng chú ý của Luật Dân quân tự vệ 2019. Nếu trước đây, chỉ phụ nữ có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi được hưởng quyền này, thì nay nam giới đảm bảo điều kiện quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 11 Luật dân quân tự vệ 2019 cũng được hoãn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ.

2. Thêm trường hợp được thôi nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ trước thời hạn

Kế thừa các trường hợp được thôi nghĩa vụ trước thời hạn như trước đây [sức khỏe không đảm bảo, hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn đột xuất], khoản 1 Điều 12 Luật Dân quân tự vệ 2019 có thêm nhiều trường hợp được thôi nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ, cụ thể:

- Nữ dân quân tư vệ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nam dân quân tự vệ một mình nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi.

- Người có lệnh gọi nhập ngũ hoặc lệnh gọi thực hiện nghĩa vụ công an; có quyết định tuyển dụng công chức, viên chức, công nhân quốc phòng hoặc công an nhân dân;

- Người có giấy báo và vào học ở cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường của cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; có giấy báo và đi lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài;

 3. Những trường hợp đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ

Luật dân quân tự vệ 2009 không có quy định nào về đối tượng được đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ. Do vậy, đây được coi là điểm mới đáng chú ý của Luật Dân quân tự vệ sửa đổi áp dụng từ ngày 01/7/2020. 6 trường hợp đưa ra khỏi danh sách dân quân tự vệ được quy định tại khoản 2 Điều 12, bao gồm:  Chết hoặc bị Tòa án tuyên bố là mất tích, đã chết; Bị khởi tố bị can; Bị tước danh hiệu Dân quân tự vệ; Bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc; Nghiện ma túy theo xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc bị áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc; bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn.

4. Hành vi phân biệt đối xử về giới bị nghiêm cấm

Luật dân quân tự vệ 2019 đã bổ sung thêm những hành vi bị nghiêm cấm về Dân quân tự vệ, theo đó khoản 6 điều 14 nêu rõ "Phân biệt đối xử về giới trong công tác Dân quân tự vệ" là hành vi bị nghiêm cấm.

 5. Dân quân thường trực được đảm bảo chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Dân quân thường trực là lực lượng thường trực làm nhiệm vụ tại các địa bàn trọng điểm về quốc phòng. Tại điểm c, khoảng 1 Điều 34 Luật Dân quân tự vệ 2019 bổ sung thêm chế độ, chính sách đối với dân quân thường trực nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của lực lượng dân quân tự vệ trong tình hình mới, phù hợp với quy định của Bộ luật lao động:

Theo đó, từ 01/7/2020, dân quân thường trực sẽ được:

- Trợ cấp ngày công lao động;

- Bảo đảm tiền ăn [trước đây chỉ bố trí nơi ăn, nghỉ];

- Hưởng chế độ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ đến 06 giờ sáng hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; 

- Trợ cấp ngày công lao động tăng thêm trong trường hợp kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ dân quân tự vệ;

- Hưởng trợ cấp 1 lần khi được công nhận hoàn thành nghĩa vụ quân sự tại ngũ trong thời bình;

- Hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế như hạ sĩ quan, binh sĩ quân đội đang tại ngũ.

Sau hơn 09 năm thực hiện, Luật Dân quân tự vệ năm 2009 đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân vững chắc, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, cơ sở. Tuy nhiên, nhiều chủ trương, quan điểm mới của Đảng, quy định của Hiến pháp năm 2013 liên quan đến Dân quân tự vệ chưa được thể chế và cụ thể hóa trong Luật Dân quân tự vệ năm 2009. Một số quy định của Luật chưa thống nhất, đồng bộ với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quốc phòng và pháp luật có liên quan. Nhiều vấn đề mới phát sinh trên thực tiễn liên quan đến Dân quân tự vệ chưa được điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, đã bộc lộ nhiều hạn chế, vướng mắc, bất cập trong xây dựng, huấn luyện, đào tạo, hoạt động và bảo đảm chế độ, chính sách cho Dân quân tự vệ, v.v.

Ảnh minh họa

Để xây dựng Dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở khi có chiến tranh; cùng với Quân đội nhân dân làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ngày 22/11/2019, tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV đã biểu quyết thông qua Luật Dân quân tự vệ số 48/2019/QH14 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020, thay thế Luật Dân quân tự vệ năm 2009.

Việc xây dựng, ban hành Luật Dân quân tự vệ [sửa đổi] là cần thiết, thể hiện ở một số vấn đề cơ bản sau:

Thứ nhất, để phù hợp với chủ trương, quan điểm mới của Đảng về bảo vệ Tổ quốc. Từ năm 2009 đến nay, Đảng ta đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị với nhiều chủ trương, quan điểm mới về bảo vệ Tổ quốc, quốc phòng, an ninh liên quan đến Dân quân tự vệ cần được thể chế, như: Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; Nghị quyết số 28-NQ/TW, ngày 25/10/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng [khóa XI] về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đã có phát triển mới về xây dựng lực lượng vũ trang quần chúng; trong đó xác định: “sẵn sàng vũ trang toàn dân bảo vệ Tổ quốc”; “xây dựng Dân quân tự vệ rộng khắp, có chất lượng cao”; Nghị quyết số 24-NQ/TW, ngày 16/4/2018 của Bộ Chính trị [khóa XII] về Chiến lược quốc phòng Việt Nam, đã chỉ rõ: khi xảy ra chiến tranh xâm lược chủ động thực hiện phương châm “làng giữ làng, bản giữ bản, xã giữ xã, huyện giữ huyện, tỉnh giữ tỉnh, xây dựng Dân quân tự vệ rộng khắp, chất lượng cao, hiệu quả thiết thực, phù hợp với từng địa bàn, loại hình tổ chức kinh tế, xã hội, v.v. Tập trung xây dựng dân quân thường trực các tỉnh biên giới, địa bàn trọng điểm và Dân quân tự vệ biển”; Kết luận số 31-KL/TW, ngày16/4/2018 của Bộ Chính trị [khóa XII] về Chiến lược quân sự Việt Nam, xác định “Xây dựng đồng bộ, phù hợp giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và Dân quân tự vệ”, v.v.

Thứ hai, để phù hợp với Hiến pháp và pháp luật mới. Hiến pháp năm 2013 quy định: “Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa là sự nghiệp của toàn dân”; “ xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp, làm nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quốc phòng”. Từ năm 2009 đến nay, Quốc hội đã ban hành một số luật liên quan đến Dân quân tự vệ1; trong khi đó, Luật Dân quân tự vệ và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật có nhiều quy định không còn phù hợp, thiếu thống nhất, chưa đầy đủ, đồng bộ với hệ thống pháp luật hiện hành.

Thứ ba, để khắc phục những hạn chế, thiếu sót của Luật Dân quân tự vệ năm 2009. Qua tổng kết thực hiện Luật Dân quân tự vệ, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác Dân quân tự vệ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập ảnh hưởng đến chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng này. Một trong những nguyên nhân chính là do một số quy định của Luật Dân quân tự vệ năm 2009 và các văn bản thi hành Luật chưa thể chế đầy đủ quan điểm, chủ trương mới của Đảng, chưa cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về Dân quân tự vệ và chưa phù hợp với thực tiễn đất nước.

Thứ tư, xuất phát từ vai trò của lực lượng Dân quân tự vệ trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Thực tiễn trong chiến tranh giải phóng dân tộc, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây và dự báo chiến tranh nếu xảy ra trong tương lai, ở bất kỳ quy mô, hình thái, phương thức chiến tranh nào thì Dân quân tự vệ luôn là lực lượng nòng cốt cùng toàn dân đánh giặc ở địa phương, cơ sở. Vì vậy, xây dựng Dân quân tự vệ vững mạnh và rộng khắp là vấn đề có ý nghĩa chiến lược cần phải thực hiện ngay từ thời bình, góp phần củng cố, tăng cường nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với nền an ninh nhân dân, thế trận an ninh nhân dân, sẵn sàng chuyển sang thế trận chiến tranh nhân dân, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Luật Dân quân tự vệ năm 2019, gồm: 08 chương, 50 điều [so với Luật năm 2009, giảm 01 chương, 16 điều]. Trong phạm vi bài viết, xin giới thiệu những điểm sửa đổi, bổ sung so với Luật Dân quân tự vệ năm 2009, tập trung vào một số nội dung sau:

Điều 12, Luật năm 2019 đã bổ sung quy định thôi thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ trước thời hạn trong trường hợp, như: Dân quân tự vệ nữ mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi, Dân quân tự vệ nam một mình nuôi con dưới 36 tháng tuổi; hoàn cảnh gia đình khó khăn đột xuất không có điều kiện tiếp tục thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; có lệnh gọi nhập ngũ hoặc lệnh gọi thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; có giấy báo và vào học ở cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trường của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội; người có giấy báo và đi lao động, học tập, làm việc ở nước ngoài, v.v. Đồng thời, quy định đưa ra khỏi danh sách Dân quân tự vệ, để khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật năm 2009, nâng cao chất lượng tổng hợp và khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng Dân quân tự vệ.

Điều 14, của Luật bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm về Dân quân tự vệ, như: thành lập, tham gia, tài trợ Dân quân tự vệ trái pháp luật và cấm phân biệt đối xử về giới trong công tác Dân quân tự vệ.

Để bảo đảm chất lượng, đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ, Điều 26, Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định: Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã phải được đào tạo Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã ngành quân sự cơ sở trình độ trung cấp, cao đẳng hoặc đại học tại nhà trường Quân đội.

Ngoài những nội dung cơ bản nêu trên, Điều 49, quy định về sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật về quốc phòng.

Để triển khai thi hành Luật, thực hiện Quyết định số 1811/QĐ-TTg, ngày 16/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Dân quân tự vệ năm 2019, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan, tổ chức có liên quan xây dựng, trình Chính phủ 02 nghị định, ban hành các thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, theo đúng thẩm quyền, quy định2.

Triển khai thực hiện Đề án số 14300/ĐA-BQP, ngày 20/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Dân quân tự vệ năm 2019. Theo đó, từ nay đến năm 2022, các cơ quan, đơn vị toàn quân triển khai thực hiện 06 nhiệm vụ, đó là: biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Dân quân tự vệ; tập huấn cán bộ; xây dựng mô hình điểm tuyên truyền pháp luật về Dân quân tự vệ ở cấp xã; hội thi pháp luật về Dân quân tự vệ; làm phim tuyên truyền; tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, hệ thống thông tin cơ sở và lồng ghép thông qua các hoạt động khác.

Sự ra đời của Luật Dân quân tự vệ năm 2019 là cơ sở pháp lý quan trọng, bảo đảm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này, góp phần thực hiện công tác quốc phòng, quân sự địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nguyễn Đình Bằng

1 – Luật Biển Việt Nam năm 2012, Bộ luật Lao động năm 2012, Luật Giáo dục quốc phòng và an ninh năm 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cư trú năm 2013, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế năm 2014, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017, Luật Quốc phòng năm 2018, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018, Luật Công an nhân dân năm 2018 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, v.v.

2 – Nghị định: 

1] Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng và chế độ chính sách đối với Dân quân tự vệ.

2] Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dân quân tự vệ về hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ.

– Thông tư:

1] Thông tư của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định chi tiết biện pháp thi hành một số điều của Luật Dân quân tự vệ về tổ chức xây dựng lực lượng Dân quân tự vệ.

2] Thông tư quy định và hướng dẫn về trang bị, đăng ký, quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ và phương tiện kỹ thuật của Dân quân tự vệ.

3] Thông tư quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với Dân quân tự vệ.

4] Thông tư quy định một số điều của Luật Dân quân tự vệ về huấn luyện Dân quân tự vệ.

5] Thông tư quy định chế độ hoạt động và kế hoạch về Dân quân tự vệ.

6] Thông tư hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng đối với lực lượng Dân quân tự vệ.

tapchiqptd.vn

Video liên quan

Chủ Đề