Nghị định 17/2010 về bán đấu giá tài sản

Luật Đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 17/11/2016 với 8 chương, 81 điều đã đánh dấu mốc quan trọng trong việc hoàn thiện, thống nhất khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản. Một trong những điểm mới của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản là về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản. Luật Đấu giá tài sản năm 2016 tách bạch quy trình đấu giá với quy trình trước và sau khi tổ chức đấu giá. Luật quy định về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản chung tại Chương III và trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá tại Chương IV theo hướng chặt chẽ, đảm bảo tính minh bạch, khách quan.

    I. Về quy trình trước khi tổ chức đấu giá, một điểm mới của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP đó là quy định về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản tại Điều 56. Theo đó, sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản. Người có tài sản đấu giá căn cứ hồ sơ tham gia tổ chức đấu giá của tổ chức đấu giá tài sản để lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản và chịu trách nhiệm về việc lựa chọn.

    II. Về quy trình tổ chức đấu giá

   1. Việc niêm yết các thông tin đấu giá tài sản được công khai rộng rãi, minh bạch tới các đối tượng có nhu cầu mua tài sản đấu giá. Thời gian, địa điểm niêm yết việc đấu giá tài sản được quy định như sau:

   Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định: Đối với tài sản là động sản, niêm yết ít nhất là 07 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá. Đối với tài sản là bất động sản, niêm yết ít nhất là 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.

   Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định: Đối với tài sản là động sản, niêm yết chậm nhất là 07 ngày trước khi tiến hành bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Đối với tài sản là bất động sản, niêm yết chậm nhất là 30 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Như vậy, đối với tài sản là bất động sản, thời gian niêm yết thông báo công khai quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016 đã rút ngắn hơn và để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả của việc niêm yết Luật đã bỏ quy định về việc niêm yết tại nơi có bất động sản đấu giá.

   2. Về việc lưu tài liệu, hình ảnh việc niêm yết đấu giá tài sản trong hồ sơ đấu giá. Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định việc lưu tài liệu, hình ảnh việc niêm yết đấu giá tài sản trong hồ sơ đấu giá áp dụng đối với cả tài sản là động sản và tài sản là bất động sản.

    Nghị định số 17/2010/NĐ-CP không quy định về nội dung này, tuy nhiên Khoản 2 Điều 14 Thông tư số 23/2010/TT-BTP ngày 06/12/2010 của Bộ Tư pháp quy định định chi tiết và hướng dẫn thực hiện Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản quy định việc lưu tài liệu, hình ảnh việc niêm yết bán đấu giá tài sản hoặc lập văn bản có xác nhận của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có bất động sản bán đấu giá việc đã niêm yết, thông báo công khai trong hồ sơ bán đấu giá, áp dụng đối với tài sản bán đấu giá là bất động sản khi niêm yết tại nơi có bất động sản.

   3. Thông báo công khai việc bán đấu giá tài sản

   Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định: Đối với tài sản đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ 50 triệu đồng trở lên và bất động sản thì tổ chức đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất 02 lần trên báo in hoặc báo hình của trung ương hoặc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi có tài sản đấu giá và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản; mỗi lần thông báo công khai cách nhau ít nhất 02 ngày làm việc; Thời gian thông báo công khai lần thứ hai ít nhất là 07 ngày làm việc đối với tài sản là động sản, 15 ngày đối với tài sản là bất động sản trước ngày mở cuộc đấu giá; Nội dung thông báo công khai việc đấu giá tài sản so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP yêu cầu có thêm:  Tên, địa chỉ của người có tài sản đấu giá; Nơi có tài sản đấu giá; Tiền đặt trước; Điều kiện, cách thức đăng ký tham gia đấu giá; Tài liệu, hình ảnh về việc thông báo công khai này phải được tổ chức đấu giá tài sản lưu trong hồ sơ đấu giá.

Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định: Đối với tài sản bán đấu giá là động sản có giá khởi điểm từ 30 triệu đồng trở lên và bất động sản thì đồng thời với việc niêm yết, tổ chức bán đấu giá tài sản phải thông báo công khai ít nhất 02 lần, mỗi lần cách nhau 03 ngày trên phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương hoặc địa phương nơi có tài sản bán đấu giá về việc bán đấu giá tài sản.

   4. Về việc xem tài sản đấu giá

   Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định: Kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến ngày mở cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được trực tiếp xem tài sản hoặc mẫu tài sản trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 02 ngày. Đối với tài sản đấu giá là quyền tài sản hoặc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu, quyền sử dụng thì kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến ngày mở cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản tổ chức cho người tham gia đấu giá được xem giấy tờ về quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản và tài liệu liên quan trong khoảng thời gian liên tục ít nhất là 02 ngày.

Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định: Đối với tài sản bán đấu giá là động sản thì ít nhất 02 ngày trước ngày mở cuộc bán đấu giá tài sản, người bán đấu giá tài sản phải tạo điều kiện cho người tham gia đấu giá được xem tài sản bán đấu giá. Đối với tài sản bán đấu giá là bất động sản thì người tham gia đấu giá tài sản được trực tiếp xem tài sản từ khi niêm yết và thông báo công khai cho đến trước ngày mở cuộc bán đấu giá tài sản 02 ngày.

   5. Thủ tục mua hồ sơ, đăng ký tham gia đấu giá

Được thực hiện công khai, thuận lợi, đảm bảo tính chặt chẽ, khách quan, nhằm tránh tình trạng tổ chức đấu giá cản trở hoặc hạn chế người đăng ký tham gia đấu giá. Khoản 2 Điều 38 của Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định: Tổ chức đấu giá tài sản bán hồ sơ tham gia đấu giá, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá trong giờ hành chính, liên tục kể từ ngày niêm yết việc đấu giá tài sản cho đến trước ngày mở cuộc đấu giá 02 ngày. Tổ chức đấu giá tài sản không được đặt thêm yêu cầu, điều kiện nào đối với người đăng ký tham gia đấu giá ngoài các điều kiện đã được pháp luật quy định.

    6. Về tiền đặt trước và xử lý tiền đặt trước

   * Nâng tỷ lệ tiền đặt trước lên mức phù hợp

  Để hạn chế tình trạng người không có nhu cầu mua tài sản nhưng vẫn đăng ký tham gia đấu giá để trục lợi hoặc gây khó khăn cho cuộc đấu giá, Luật Đấu giá tài sản quy định khoản tiền đặt trước tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá; trong khi Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định khoản tiền đặt trước tối thiểu là 1% và tối đa không quá 15% giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá.

   * Khoản tiền đặt trước, tiền mua tài sản đấu giá được quản lý chặt chẽ hơn.

  Điều 39 của Luật Đấu giá tài sản quy định một cách cụ thể về tiền đặt trước với các nội dung chính như: Về mức [tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm của tài sản đấu giá]; Về nơi nộp [tài khoản thanh toán riêng của tổ chức đấu giá tài sản mở tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam; trường hợp khoản tiền đặt trước có giá trị dưới 5 triệu đồng thì người tham gia đấu giá có thể nộp trực tiếp cho tổ chức đấu giá tài sản; người tham gia đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản có thể thỏa thuận thay thế tiền đặt trước bằng bảo lãnh ngân hàng]; Về thời hạn tổ chức đấu giá thu tiền đặt trước [03 ngày làm việc trước ngày mở cuộc đấu giá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác nhưng phải trước ngày mở cuộc đấu giá]; Về xử lý tiền đặt trước [ quy định tại Khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8 Điều 39] trong đó quy định 05 trường hợp không được nhận lại tiền đặt trước, xử lý tiền đặt trước và tiền lãi [nếu có] trong trường hợp trúng đấu giá, trường hợp không trúng đấu giá, trường hợp có thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản đã niêm yết, thông báo công khai.

   7. Về hình thức đấu giá và trình tự, thủ tục tiến hành cuộc đấu giá

Nghị định số 17/2010/NĐ-CP chỉ có duy nhất một điều [Điều 34] quy định về trình tự tiến hành cuộc bán đấu giá tài sản. Đến Luật Đấu giá tài sản năm 2016, Luật đã quy định rõ ràng, rành mạch các hình thức đấu giá: đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá [Điều 41], đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá [Điều 42], đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp [Điều 43].

Điều 43 của Luật Đấu giá tài sản và Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 15/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản đã quy định rất cụ thể về hai hình thức đấu giá mới đó là: Đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp và Đấu giá trực tuyến.

   8. Về phương thức đấu giá

 Nghị định số 17/2010/NĐ-CP quy định duy nhất phương thức trả giá lên. Luật Đấu giá tài sản năm 2016, ngoài phương thức trả giá lên có bổ sung phương thức đặt giá xuống. Theo đó, đấu giá viên đặt giá từ cao xuống thấp cho đến khi xác định được người chấp nhận mức giá do đấu giá viên đưa ra.

   9. Luật Đấu giá tài sản quy định 05 trường hợp hủy kết quả đấu giá tại Điều 72 nhằm đảm bảo chặt chẽ, khách quan, xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm trong hoạt động đấu giá tài sản, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích của các bên có liên quan, lợi ích của Nhà nước phù hợp với thực tiễn hoạt động đấu giá tài sản và quy định của pháp luật về dân sự.

   10. Quy định về bán đấu giá trong trường hợp chỉ có một người đăng ký tham gia đấu giá, một người tham gia đấu giá, một người trả giá, một người chấp nhận giá, quy định tại Điều 49 của Luật: chỉ được tiến hành sau khi đã tổ chức cuộc đấu giá lần đầu nhưng không thành.

   11. Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định về đấu giá theo thủ tục rút gọn – một nội dung mới chưa có tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP. Tại Điều 53, Luật quy định cụ thể về: Các trường hợp đấu giá theo thủ tục rút gọn; Thời gian niêm yết việc đấu giá tài sản theo thủ tục rút gọn; Bán hồ sơ tham gia đấu giá, tổ chức tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá.

   III. Về quy trình sau khi tổ chức đấu giá

   Luật Đấu giá tài sản năm 2016 quy định việc chuyển hồ sơ cuộc đấu giá tại Điều 45: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá, tổ chức đấu giá tài sản hoặc Hội đồng đấu giá tài sản chuyển kết quả đấu giá tài sản, biên bản đấu giá, danh sách người trúng đấu giá cho người có tài sản đấu giá để ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá hoặc cho cơ quan có thẩm quyền để phê duyệt kết quả đấu giá tài sản, hoàn thiện các thủ tục liên quan, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

   Về việc ký hợp đồng mua bán tài sản đấu giá: Luật quy định hợp đồng mua bán tài sản đấu giá được ký kết giữa người có tài sản đấu giá với người trúng đấu giá hoặc giữa người có tài sản đấu giá, người trúng đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản nếu các bên có thỏa thuận, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Còn theo quy định tại Nghị định số 17/2010/NĐ-CP trước đây, hợp đồng mua bán tài sản bán đấu giá được ký kết giữa tổ chức bán đấu giá tài sản và người mua được tài sản bán đấu giá.

  Trên đây là một số điểm mới về trình tự, thủ tục đấu giá tài sản quy định tại Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và các văn bản hướng dẫn thi hành so với Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn thi hành. Luật Đấu giá tài sản 2016 ra đời đã góp phần khắc phục những tồn tại, bất cập của hoạt động đấu giá tài sản hiện nay, hoàn thiện khung pháp lý điều chỉnh hoạt động đấu giá tài sản, giúp hoạt động đấu giá tài sản phát triển theo hướng chuyên nghiệp.

                                                      Triệu Thanh Phượng

Video liên quan

Chủ Đề