Nghiên cứu mới nhất về viêm gan B

Viêm gan do virus viêm gan B  là một bệnh nhiễm trùng nặng và phổ biến, đã gây bệnh cho hàng trăm triệu người trên khắp thế giới. Tại Hải Dương, tỷ lệ thai phụ nhiễm virus viêm gan B khá cao. Kết quả nghiên cứu của ThS Phạm Thị Thanh Tâm và cộng sự tại Bệnh viện Phụ sản Hải Dương [năm 2012] trên 7.463 thai phụ cho thấy tỉ lệ thai phụ có kháng nguyên bề mặt của siêu vi B [HBsAg] chiếm 6%. Tuy nhiên, chưa có nghiên cứu nào đi sâu phân tích về các yếu tố tăng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con, đặc biệt là yếu tố tải lượng virus viêm gan B trong máu cao ở thai phụ, là căn cứ để đưa ra các khuyến cáo phòng bệnh hiệu quả nhằm ngăn chặn đường lây truyền này.

Chính vì vậy, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương phối hợp với Bệnh viện Phụ sản Hải Dương thực hiện đề tài khoa học: “Hoàn thiện quy trình và phác đồ điều trị dự phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con ở các thai phụ có tải lượng virus máu cao tại bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương”. Đề tài do Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương chủ trì thực hiện từ tháng 1/2015 đến tháng 11/2016.

Ban chủ nhiệm đề tài đã tiến hành nghiên cứu đánh giá thực trạng thai phụ viêm gan B mạn tính có tải lượng virus máu cao tại bệnh viện phụ sản tỉnh Hải Dương. Nghiên cứu được thực hiện trong thời gian từ tháng 1/2015 đến tháng 11/2016, với quy mô 334 mẫu xét nghiệm máu định lượng HBV DNA, trên 334 đối tượng là thai phụ nhiễm virus viêm gan B mạn tính ở tuần thai 28. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Trong tổng số 334 thai phụ nhiễm virus viêm gan B, có 45,5 % số thai phụ không phát hiện virus trong máu; 7,8% tỷ lệ thai phụ có kết quả xét nghiệm máu định lượng HBV DNA dưới ngưỡng phát hiện; 12,6% tỷ lệ thai phụ có kết quả xét nghiệm máu định lượng HBV DNA ≤ 106 copies/ml. Đặc biệt, tỷ lệ thai phụ có lượng virus trong máu cao > 106 copies/ml chiếm tới 34,1%. Đây là nhóm đối tượng có nguy cơ cao lây truyền viêm gan B từ mẹ sang con. Theo đánh giá về mặt dịch tễ học, nhóm thai phụ có tải lượng HBV DNA cao ở các địa phương có tỷ lệ lớn là huyện Cẩm Giàng [19,3%], thành phố Hải Dương [14,9%], huyện Gia Lộc [11,4%]; thấp nhất là các địa phương như: Ninh Giang [1,8%], thị xã Chí Linh [1,8%]... Trong độ tuổi của các thai phụ trong nghiên cứu [17 – 38 tuổi], thì tỷ lệ thai phụ bị nhiễm virus cao nhất ở độ tuổi từ 20 – 30 tuổi [chiếm tỷ lệ 88,5%], hoàn toàn phù hợp với độ tuổi sinh sản của phụ nữ.

Để xác định hiệu quả can thiệp điều trị bằng thuốc kháng virus trên thai phụ có tải lượng virus máu cao, đề tài đã tiến hành nghiên cứu điều trị trên 68 thai phụ, sử dụng ngẫu nhiên 2 loại thuốc Lamivudin và Tenofovir, thời gian điều trị trong 3 tháng cuối thai kỳ. Trong tổng số 68 thai phụ tham gia điều trị, chỉ có 02 trường hợp xảy ra tác dụng phụ, chiếm tỷ lệ 2,94%, với biểu hiện: ban đỏ xuất hiện quanh mắt trong thời gian 01 ngày, nôn trong 3 ngày đầu điều trị và không cần can thiệp thuốc hỗ trợ, không có trường hợp bùng phát viêm gan B trong đợt điều trị. Như vậy, hai loại thuốc trên đều thể hiện sự an toàn trong quá trình điều trị cho thai phụ.  Kết quả nghiên cứu đánh giá hiệu quả điều trị cho thấycó sự khác biệt về tải lượng HBV DNA trước và sau điều trị, sau điều trị tải lượng HBV DNA giảm có ý nghĩa thống kê với p < 0,001. Trong đó, nhóm thai phụ điều trị bằng Tenofovir có mức độ giảm tải lượng HBV DNA nhiều hơn so với nhóm thai phụ điều trị bằng Lamivudin, nhóm điều trị bằng Lamivudin chủ yếu giảm ở mức 1-3 log10 trong khi nhóm điều trị bằng Tenofovir giảm tập trung ở mức 5 log10.  Theo dõi 52 mẫu xét nghiệm máu định tính HBsAg, 53 mẫu xét nghiệm định lượng HBV DNA trên trẻ sơ sinh của các thai phụ trong thời gian nghiên cứu cho thấy, 13% xét nghiệm máu cuống rốn có kết quả HBsAg dương tính và 7,6 % xét nghiệm định lượng HBV DNA phát hiện thấy có virus trong máu. Tại thời điểm 1 tháng sau sinh, theo dõi 47 mẫu xét nghiệm máu định tính HBsAg, 46 mẫu xét nghiệm định tính anti HBsAg và 49 mẫu xét nghiệm định lượng HBV DNA kết quả xét nghiệm máu của các bé chưa có trường hợp nào HBsAg dương tính và chưa có trường hợp nào phát hiện có HBV DNA trong máu; 84,8 % trẻ đã có đáp ứng kháng thể bảo vệ chống nhiễm virus VGB. Kết quả này cho thấy hiệu quả điều trị thuốc kháng virus làm giảm tỷ lệ lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con trong chu kỳ sinh là rất tốt.

Từ kết quả nghiên cứu trên, Ban chủ nhiệm đề tài đã hoàn thiện quy trình và phác đồ điều trị dự phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con ở các thai phụ có tải lượng virus máu cao tại bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương. Quy trình bao gồm 10 bước cụ thể, trong đó có các bước từ tư vấn ngay khi thai phụ mang thai tháng đầu tiên, đến việc xét nghiệm sàng lọc định tính HBsAg có thể thực hiện tại các cơ sở y tế, phòng khám thai. Các bước tư vấn khả năng lây truyền virus viêm gan B sang con, tư vấn điều trị, xét nghiệm trước, trong và sau quá trình sinh con 1 tháng cần được thực hiện tại các cơ sở y tế lớn tại tỉnh Hải Dương là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương, Bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương và Bệnh viện Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương.

Kết quả nghiên cứu của đề tài đã được Hội đồng khoa học và công nghệ của tỉnh đánh giá có tính cấp thiết và giá trị cao đối với xã hội và ngành y tế, đồng thời có khả năng áp dụng cao trong tỉnh Hải Dương, góp phần phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con, giảm thiểu tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B trong cộng đồng tỉnh Hải Dương. Với ý nghĩa khoa học và thực tiễn đạt được, đề tài được Hội đồng nghiệm thu đánh giá xếp loại Khá. ThS Nguyễn Thị Thu Hiền – Phó trưởng Bộ môn Nhi [Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương] – chủ nhiệm đề tài, cho biết: Trước khi Trường Đại học Kỹ thuật y tế Hải Dương thực hiện đề tài khoa học trên, tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh Hải Dương mới thực hiện được việc xét nghiệm sàng lọc phát hiện các thai phụ nhiễm virus viêm gan B, theo dõi sát các thai phụ này để đảm bảo an toàn cho các thai phụ sinh con.

Với việc áp dụng đề tài khoa học công nghệ trong lĩnh vực y tế, các thai phụ không chỉ được xét nghiệm sàng lọc tình trạng nhiễm virus viêm gan B, được xét nghiệm đầy đủ các chỉ số đánh giá tình trạng nhiễm mà còn được áp dụng phác đồ điều trị phòng lây truyền virus viêm gan B từ mẹ sang con theo hướng dẫn mới nhất của Bộ Y tế nhằm hạn chế tối đa nguy cơ bùng phát viêm gan B trong thai kỳ và nguy cơ lây truyền virus viêm gan B sang con. Quy trình và phác đồ điều trị hoàn thiện cần được phổ biến rộng rãi đến đội ngũ nhân viên y tế trên địa bàn tỉnh Hải Dương, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực y tế trong tỉnh để đưa vào chương trình giảng dạy cho các đối tượng Bác sĩ đa khoa, điều dưỡng, nữ hộ sinh. Bài của Thu Hiền - Anh Nguyên

Đăng trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Hải Dương số 2 ra tháng 4 năm 2017

Bức tranh viêm gan

Bệnh viêm gan virus là bệnh truyền nhiễm phổ biến gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe và tử vong do các biến chứng của viêm gan virus. Nhiễm virus viêm gan cấp tính thường không có triệu chứng hoặc có thể biểu hiện không rõ ràng, những trường hợp nặng có thể gây ra suy gan cấp hoặc diễn biến kéo dài dẫn đến viêm gan mạn, xơ gan và ung thư gan. Có 5 loại viêm gan virus, mặc dù chúng đều gây ra bệnh gan, nhưng chúng khác nhau ở những cách thức quan trọng bao gồm phương thức lây truyền, mức độ nghiêm trọng của bệnh, phân bố địa lý và cách phòng ngừa, trong đó viêm gan virus B và C lây truyền qua đường máu và dịch thể, tương tự với đường lây truyền HIV; viêm gan virus D chỉ lây truyền khi có mặt viêm gan B, và có đường lây truyền tương tự. Viêm gan virus A và E lây qua đường phân - miệng do thức ăn, nước uống và thực hành vệ sinh không đầy đủ. Tổ chức y tế thế giới [WHO] ước tính có khoảng 325 triệu người trên toàn thế giới sống chung với bệnh viêm gan B và / hoặc C, và hầu hết, việc xét nghiệm và điều trị vẫn còn nằm ngoài khả năng. Một số loại viêm gan có thể phòng ngừa được thông qua tiêm chủng. Một nghiên cứu của WHO cho thấy ước tính khoảng 4,5 triệu ca tử vong sớm có thể được ngăn chặn ở các nước thu nhập thấp và trung bình vào năm 2030 thông qua tiêm chủng, xét nghiệm chẩn đoán, thuốc men và các chiến dịch giáo dục.Chiến lược viêm gan toàn cầu của WHO, được tất cả các Quốc gia thành viên của WHO xác nhận, nhằm giảm 90% ca nhiễm viêm gan mới và 65% tử vong trong giai đoạn 2016-2030.

Thông điệp ngày Thế giới phòng chống viêm gan 28/7/2021: Hãy hành động ngay không thể chờ đợi

Trong 5 loại virus viêm gan, virus viêm gan B và C có ảnh hưởng đến sức khỏe con người nhiều nhất. Hàng năm trên thế giới có khoảng 1 triệu trường hợp tử vong có liên quan đến bệnh viêm gan virus [chiếm khoảng 2,7% tổng số các trường hợp tử vong]. Virus viêm gan B và C là nguyên nhân gây ung thư gan hàng đầu, ước tính có khoảng 57% các trường hợp xơ gan và 78% trường hợp ung thư gan tiên phát do nhiễm virus viêm gan B và C.

Bệnh viêm gan virus B có thể phòng ngừa được nếu sử dụng vắc xin sớm và đúng quy định.Tổ chức Y tế thế giới khuyến cáo tất cả trẻ em nên được tiêm phòng vắc xin viêm gan B. Đối với trẻ em ở khu vực có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B cao, nên tiêm vắc xin trong vòng 24 giờ sau khi sinh và các liều sau đó theo đúng lịch tiêm chủng. Mặc dù bệnh viêm gan B có thể dự phòng được, tỷ lệ bao phủ vắc xin viêm gan B trên toàn cầu mới đạt 75% thấp hơn nhiều so với mục tiêu cần đạt là 90% trong đó tỷ lệ tiêm vắc xin viêm gan B liều sơ sinh [trong vòng 24 giờ đầu] mới đạt 27%. Hơn nữa, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, khoảng 257 triệu người [2016] trên toàn cầu đã nhiễm virus viêm gan B mạn tính và gánh nặng bệnh tật do viêm gan B gây ra đối với hệ thống y tế cũng như sức khỏe người dân là rất lớn.

Hiện nay chưa có vắc xin dự phòng cho viêm gan C nhưng đã có một số phác đồ điều trị mang lại hiệu quả đáng kể trong việc ức chế và loại trừ virus, tuy nhiên, các chủng virus viêm gan C có mức độ đáp ứng khác nhau với các liệu pháp điều trị. Các phác đồ mới đây nhất sử dụng thuốc kháng virus thế hệ mới có thể điều trị thành công khoảng 95%.Tuy nhiên, việc tiếp cận với các thuốc này vẫn còn rất thấp do chi phí điều trị hiện còn rất cao.Mặt khác, việc không tuân thủ đầy đủ phác đồ điều trị có thế làm giảm hiệu quả của việc điều trị.

Trong bối cảnh gánh nặng bệnh gan do virus viêm gan ngày càng trở nên nặng nề, Tổ chức Y tế thế giới cũng đã kêu gọi các quốc gia và các đối tác phát triển xây dựng các chiến lược hiệu quả với mục tiêu đối phó với các thách thức của bệnh viêm gan và nâng cao nhận thức về căn bệnh này. Tổ chức Y tế Thế giới đã lấy ngày 28/7 hàng năm là “Ngày Viêm gan thế giới” và lần đầu tiên được tổ chức vào năm 2011. Năm 2012, Tổ chức Y tế thế giới đã ban hành Khung chương trình Hành động Toàn cầu về Phòng chống nhiễm virus viêm gan với tầm nhìn không còn lây truyền viêm gan virus trên thế giới và tất cả bệnh nhân đều được tiếp cận về chăm sóc điều trị an toàn và hiệu quả. Khung Chương trình bao gồm 4 thành tố chính:Tăng cường nhận thức, thúc đẩy quan hệ đối tác và huy động nguồn lực; Xây dựng chính sách dựa vào bằng chứng và số liệu cho hành động; Ngăn chặn sự lây truyền của virus; Sàng lọc, chăm sóc và điều trị.

          Bộ Y tế cho biết Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B và viêm gan C cao trong quần thể dân cư nói chung và chịu hậu quả nặng nề do nhiễm virus viêm gan gây nên. Kết quả nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy tỷ lệ nhiễm virus viêm gan của một số nhóm dân cư từ 8 - 25% đối với virus viêm gan B và khoảng 2,5 -4,1% với virus viêm gan C, đồng thời cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus viêm gan A, D, E trong số các bệnh nhân viêm gan nhập viện. Trong số những người hiến máu lần đầu ở tuổi từ 18-60 tuổi, tỷ lệ người khỏe mạnh mang virus viêm gan B thay đổi theo từng địa phương, vùng, miền và dao động từ 15 - 25%.Tình hình nhiễm virus viêm gan B ở nhóm người khỏe mạnh và phụ nữ có thai tại Việt Nam cũng có tỷ lệ từ 10 - 20%. Đây là yếu tố quan trọng gây nhiễm virus viêm gan B ở trẻ em qua lây truyền mẹ con trong quá trình chuyển dạ đẻ và là nguyên nhân chính gây viêm gan mạn tính ở trẻ em. Theo kết quả của các nghiên cứu trong nước và quốc tế, 90% số trẻ nhiễm virus viêm gan B sau khi sinh hoặc trong những năm đầu đời có nguy cơ chuyển thành nhiễm virus viêm gan B mạn tính. Viêm gan mạn tính là một vấn đề y tế nghiêm trọng ở Việt Nam và ung thư gan là nguyên nhân chính gây tử vong do ung thư.

Như vậy, nhiễm virus viêm gan, đặc biệt là virus viêm gan B và viêm gan C đang diễn biến một cách âm thầm nhưng là vấn đề lớn đối với sức khỏe người dân nước ta hiện nay, tiềm ẩn nhiều nguy cơ biến chứng và gây tử vong. Trong khi đó, hiện nay Việt Nam chưa có kế hoạch tổng thể và các giải pháp đồng bộ nhằm đẩy mạnh các hoạt động phòng chống viêm gan virus.

Tại Quảng Trị, nghiên cứu của Lê Việt về tình trạng nhiễm viêm gan tại Cam Lộ và Triệu Phong năm 2009 cho thấy tỷ lệ nhiễm viêm gan B trong cộng đồng là 11,4% [HbsAg] và tỷ lệ từng nhiễm với viêm gan B là 51,7% [Anti HbC], viêm gan C là 0,17%. Một số vụ dịch viêm gan A trong giai đoạn 2018 đến 6 tháng 2021 xảy ra tại Linh Thương [Gio Linh], Vĩnh Ô [Vĩnh Lính] và rải rác tại một số xã của huyện Hướng Hóa là minh chứng cho điều này.Việc giám sát bệnh viêm gan virus tại Việt Nam nói chung và Quảng Trị nói riêng được thực hiện theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày 28/12/2015 của Bộ Y tế, và là một trong 43 bệnh truyền nhiễm được báo cáo định kỳ.Vì thế, công tác giám sát viêm gan virus được lồng ghép vào hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm quốc gia và số liệu báo cáo chủ yếu dựa vào kết quả chẩn đoán lâm sàng, không quản lý đến từng ca bệnh. Thu thập số liệu về bệnh viêm gan virus ở Quảng Trị theo hệ thống giám sát thường quy tính từ ngày 1/1/2018 đến 30/6/2021 cả tỉnh ghi nhận tổng cộng có 171 viêm gan do virus các loại gồm A, B, và C và con số này chỉ phản ánh được số bệnh nhân viêm gan do virus đến nhập viện nên không phản ánh đúng số ca hiện nhiễm hoặc đã từng nhiễm tại cộng đồng đối với từng loại virus viêm gan để từ đó xác định các hoạt động ưu tiên trong dự phòng viêm gan virus.

Trong điều kiện nguồn lực [nhân lực, vật lực, tài lực và tin lực] còn hạn chế thì việc phòng bệnh viêm gan virus thông qua truyền thông cần phải được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm giúp cộng đồng hiểu rõ nguy cơ và tác hại của bệnh mang đến không chỉ trước mắt mà cả lâu dài để tự phòng chống cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Giải pháp

Tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch cho trẻ em khỏi nguy cơ mắc các bệnh truyền nhiễm

Đầu tiên cần tiêm phòng vắc xin đầy đủ và sớm nhất có thể. Trẻ sơ sinh phải được tiêm chủng viêm gan B càng sớm càng tốt, tốt nhất là trong vòng 24 giờ sau khi sinh. Với thanh thiếu niên và người lớn cần xét nghiệm máu xem đã bị nhiễm viêm gan B chưa.Nếu chưa bị mà cơ thể chưa có kháng thể thì cần tiêm phòng ngay để bảo vệ cho bản thân mình.

Ngoài ra, để phòng ngừa các bệnh viêm gan do virus trước tiên cần kiểm soát đường lây nhiễm. Đối với bệnh viêm gan virus A và E: nấu chín thức ăn và ăn khi còn nóng. Không ăn những thực phẩm còn sống, tái như gỏi cá sống, tiết canh... Uống nước đun sôi để nguội. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước sạch sau khi đi vệ sinh, sau khi thay tã cho em bé, trước khi nấu ăn và trước khi ăn. Rửa rau và trái cây bằng nước sạch, tốt nhất là dưới vòi nước chảy. Đối với bệnh viêm gan virus B, C và D: không dùng chung bơm kim tiêm, kim xăm mình, môi, lông mày và các vật dụng cá nhân như bàn chải răng, dao cạo... với người khác. Không để các vết thương bị hở tiếp xúc trực tiếp với máu của người khác. Sử dụng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục.

 Chú ý chế độ ăn uống hợp lý với người bệnh sẽ giúp người bệnh tăng cường khả năng đề kháng như ăn nhiều rau xanh và trái cây, hạn chế ăn muối, chất ngọt và chất béo, không hút thuốc lá, uống rượu bia và cần thận trọng khi sử dụng các loại thuốc vì một số thuốc có thể gây độc cho gan như thuốc an thần, thuốc giảm đau - chống viêm…

Tác động của viêm gan virus đối với sức khỏe cộng đồng rất lớn không chỉ hôm nay mà còn để lại hậu quả cho ngày mai. Xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh, Tổ chức Y tế thế giới chọn ngày 28/7 hàng năm làm Ngày Thế giới phòng chống viêm gan [World Hepatitis Day- 28/7] và Chủ đề của năm nay là “Viêm gan: Hãy hành động ngay không thể chờ đợi”, truyền tải sự cấp thiết của những nỗ lực cần thiết để loại bỏ bệnh viêm gan như một mối đe dọa sức khỏe cộng đồng vào năm 2030. Cứ 30 giây lại có một người chết vì các bệnh liên quan đến viêm gan - ngay cả trong cuộc khủng hoảng COVID-19 hiện nay - chúng ta cũng không thể chờ đợi để hành động đối với bệnh viêm gan siêu vi.

                       ThsBs Lê Thạnh - Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Trị

Video liên quan

Chủ Đề