Ngô Quyền lên ngôi có ý nghĩa như thế nào

Phát triển Cổ Loa gắn với sự kiện Ngô Quyền xưng vương và định đô

Hội thảo khoa học "Ngô Quyền - Vị tổ trung hưng đất nước".

Tại cuộc Hội thảo khoa học Ngô Quyền - Vị tổ trung hưng đất nước được UBND TP Hà Nội và Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cùng tổ chức, ngày 1-10, tại Hà Nội, các nhà nghiên cứu đã khẳng định những đóng góp của Ngô Quyền trong tiến trình lịch sử dân tộc cũng như với lịch sử, văn hóa của vùng đất Cổ Loa [huyện Đông Anh, Hà Nội] nói riêng, đưa ra những cơ sở khoa học để xây dựng công trình tưởng niệm Ngô Quyền, xây dựng kịch bản cho Lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa.

Người khẳng định nền độc lập, khởi nguồn cuộc trung hưng

Thế kỷ thứ 10 được các nhà nghiên cứu coi là thế kỷ quá độ, thế kỷ bản lề trong lịch sử Việt Nam. Trong thế kỷ đặc biệt này đã diễn ra cuộc đấu tranh giành lại, bảo vệ và khẳng định mạnh mẽ nền độc lập, khẳng định bước trưởng thành vượt bậc của dân tộc và bắt đầu một thời kỳ độc lập, tự chủ và phát triển hưng thịnh lâu dài của quốc gia Đại Việt.

Trong thế kỷ lịch sử sôi động đó, vị anh hùng Ngô Quyền đã nổi lên đoàn kết, quy tụ mọi nguồn nội lực của đất nước. Bằng chiến thắng Bạch Đằng vang dội năm 938, ông đã đặt cơ sở cho việc khôi phục quốc thống [Ngô Thì Sĩ].

Sau khi đánh tan quân xâm lược Nam Hán trên sông Bạch Đằng, Ngô Quyền xưng Vương và chọn vùng đất Cổ Loa làm nơi định đô từ mùa xuân năm 939. Ông đặt trăm quan, chế định triều nghi, phẩm phục, có thể thấy được quy mô của bậc đế vương [Ngô Sĩ Liên].

Trước Ngô Quyền, các thủ lĩnh Khúc Hạo và Dương Đình Nghệ từng bước gây nền độc lập, dù đã thoát khỏi sự cai trị từ phương bắc nhưng vẫn chỉ xưng Tiết độ sứ. Chỉ đến Ngô Quyền mới xưng Vương, khẳng định mạnh mẽ tinh thần quốc gia độc lập. Đây là bước đột biến mạnh mẽ, chưa từng có và đặt nền móng cho cả quá trình khẳng định và bảo vệ nền độc lập dân tộc trong suốt chiều dài tiếp theo của lịch sử.

Các sử gia đời sau tôn vinh Ngô Quyền là bậc tổ trung hưng thứ nhất [Phan Bội Châu] của quốc gia dân tộc trong thời phong kiến. Năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, sau khi trở về Tổ quốc, lãnh đạo cách mạng, viết Lịch sử Việt Nam bằng thơ lục bát để tuyên truyền vận động quần chúng, trong đó ca ngợi người anh hùng quê gốc Đường Lâm đã Cứu dân ra khỏi cát lầm nghìn năm [Hồ Chí Minh - Toàn tập, 2011].

Lăng Ngô Quyền ở Đường Lâm [Sơn Tây, Hà Nội].

Việc thực hành tưởng niệm mang nhiều ý nghĩa

Việc Ngô Quyền lên ngôi, xưng vương, định đô ở Cổ Loa và bắt đầu thiết lập bộ máy nhà nước độc lập đầu tiên, dù chỉ trong thời gian ngắn sáu năm, là một mốc son đáng tự hào, xứng đáng được đời sau ghi nhận, tưởng niệm. Nhân dân đã lập đền thờ phụng Ngô Quyền ở quê [Đường Lâm, thị xã Sơn Tây, Hà Nội] và nhiều nơi khác.

Khu vực có nhiều di tích thờ ông nhất là vùng Hải Phòng, gần chiến trường Bạch Đằng năm xưa. Theo nhà nghiên cứu Đoàn Trường Sơn [Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Hải Phòng], hơn 50 di tích thờ Ngô Quyền ở vùng Hải Phòng có điểm chung là đều quay về hướng tây - hướng về kinh đô Cổ Loa.

Nhưng ở Cổ Loa cho đến nay, những dấu tích vật chất về Ngô Quyền và vương triều của ông rất mờ nhạt, chỉ còn những ghi chép trong những bộ sử đời sau về sự kiện này và những tương truyền trong dân gian về cây đa nghìn tuổi Ngô Quyền trồng ở Cổ Loa, về giếng nước nhà Ngô, về câu đất Cổ Loa, cây đa Dục Tú, về huyền tích Ngô Quyền thả trôi quả bầu theo dòng sông để đặt mốc giới phân chia đất cho dân Dục Tú ...

Việc xây dựng một công trình tưởng niệm Ngô Quyền và tổ chức lễ hội kỷ niệm sự kiện Ngô Quyền xưng vương và định đô ở Cổ Loa mang nhiều ý nghĩa chính trị, văn hóa, không chỉ giáo dục truyền thống, tuyên truyền quảng bá lòng yêu nước, truyền thống văn hiến, lòng tự hào và khát vọng hòa bình của dân tộc mà còn hơn thế nữa, tạo cơ hội để Cổ Loa nói riêng, huyện Đông Anh và Thủ đô Hà Nội nói chung xây dựng thương hiệu văn hóa, tạo những điều kiện để phát triển kinh tế xã hội.

Khách tham quan triển lãm tư liệu về Ngô Quyền.

Các chuyên gia nghiên cứu văn hóa cho rằng, việc tổ chức các hoạt động của lễ hội phải gắn chặt với Ngô Quyền, với các sự kiện lịch sử liên quan đến triều đại của Ngô vương; đồng thời nằm trong tổng thể hội lễ của Khu di tích cấp quốc gia đặc biệt Cổ Loa.

Việc tổ chức lễ hội phải lấy cộng đồng cư dân địa phương làm trung tâm và họ phải được tham gia, bàn bạc, tổ chức, thực hành và được hưởng lợi từ những hoạt động này; cần chú ý và thỏa mãn những nhu cầu của người dân, khách tham quan di tích và tất cả các bên liên quan. Tất cả những nghi lễ, trò diễn, trò chơi, biểu diễn nghệ thuật, thi đấu thể thao phải được xem xét trong bối cảnh không gian cụ thể nơi diễn ra lễ hội để lựa chọn và đưa vào kịch bản chi tiết ...

Bên cạnh đó, cần có đồ án chi tiết, xây dựng những công trình tưởng niệm, chọn ngày tổ chức kỷ niệm hợp lý với sinh hoạt tinh thần của cư dân mà vẫn gắn với lịch sử.

Phát biểu tại cuộc Hội thảo, đồng chí NgôThị Thanh Hằng, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội khẳng định: Thành ủy và UBND thành phố quan tâm đến việc xây dựng dự án đền thờ và lễ hội tưởng nhớ công lao của Ngô Quyền, mong các nhà nghiên cứu ủng hộ công việc bảo tồn và phát huy giá trị các di tích, các nguồn tư liệu liên quan đến Ngô Quyền trên mảnh đất Cổ Loa lịch sử.

Việc nghiên cứu cần tiếp tục sâu hơn để có được bản thiết kế chi tiết cho công trình cũng như những kết luận khoa học để xây dựng kịch bản cách thực hành nghi lễ phụng thờ, quy mô và hình thức tổ chức Lễ hội Ngô Quyền xưng vương và định đô tại Cổ Loa trong thời gian tới.

VƯƠNG ANH

Video liên quan

Chủ Đề