Người đi xây dựng vùng kinh tế mới trong ba năm đầu

Cơ sở hạ tầng vùng kinh tế mới Lâm Viên hoàn thiện, góp phần phát triển kinh tế- xã hội miền núi Hòa Phú.

Được biết, giai đoạn 1976-1978, gần 600 hộ dân các vùng nội thành Đà Nẵng đã tình nguyện lên rừng núi Lâm Viên khai hoang, lập nghiệp và thành lập 5 làng kinh tế mới.

Lúc bấy giờ, xã Hòa Phú có gần 800 hộ dân nhưng cơ sở hạ tầng chỉ là con số “không”. Ngoài tuyến đường độc đạo ĐH409 [nay là QL14G] nối liền miền núi với miền xuôi được cấp phối đá, các tuyến giao thông còn lại hoàn toàn là đường đất; làng xóm chỉ là những mái nhà tranh tre lụp xụp, cuộc sống người dân vô cùng khó khăn, kham khổ thiếu ăn, thiếu mặc triền miên.

Những người đi kinh tế mới đã cẩn trọng ghi dấu gốc gác của mình bằng cách lấy tên nơi ở cũ đặt cho nơi lập làng mới như Hòa Hải, Hòa Thọ, Hòa Phát, Hòa Xuân… Đó là những xã của H.Hòa Vang khi chưa chia tách địa giới hành chính, một phần để nhớ quê hương, một phần để thể hiện sự quây quần, đoàn kết ở nơi định cư mới. Cụ Nguyễn Văn Xuân [thôn Hòa Thọ] nhớ lại: Ngày ấy, khi lên đây, cuộc sống vô cùng khó khăn, đường đi lối lại toàn rừng rậm, lau lách. Song, với ý chí quyết tâm không quản ngại khó khăn, gian khổ, những người đi kinh tế mới đã cùng với người dân địa phương tập trung xây dựng phát triển kinh tế. Lúc đó, muốn xuống chợ Túy Loan trao đổi hàng hóa phải gồng gánh khoai sắn lội bộ luồn rừng. Từ sáng sớm đã ra khỏi nhà đến chạng vạng tối mới quay về. Vì thế, mỗi chuyến đi phải mua dự trữ mắm muối, cá khô cho gần cả tháng; có người đau ốm thì dân làng thay nhau cáng võng xuống trạm xá Hòa Phong điều trị. Nói chung, cái khổ thời ấy thì không sao kể hết.

Nghề ươm cây giống tái sinh rừng đã mang lại nhiều lợi nhuận cho người dân thôn kinh tế mới Hòa Hải [xã Hòa Phú].

Trước tình hình đó, các cấp chính quyền huy động máy móc, vận động người dân be bờ, đắp đập dẫn nước từ các khe suối về đồng ruộng trồng lúa nước mưu sinh. Người dân từng bước chủ động nguồn lương thực, thực phẩm dài ngày. Sau đó, các đập Hòn Dòng [thôn An Châu], Hố Cau [thôn Hòa Phát] được hình thành, tạo nguồn nước sản xuất để tăng năng suất cây trồng. Có nguồn nước, nhiều hộ dân còn đào thêm ao nuôi cá, chăn thả gia súc, phát triển rừng trồng. Cùng với đó, nhiều chương trình khuyến nông của TP, huyện được đưa đến tận nơi, người dân được tập huấn, hướng dẫn và biết cách áp dụng kỹ thuật mới để từng bước xóa bỏ hình thức sản xuất lạc hậu. Rồi điện, trạm Y tế, trường học, kênh mương nội đồng, nhà ở cứ dần dần kiên cố, khang trang lên; máy móc được đưa vào đồng ruộng làm thay sức người, người dân không còn ở nhà tạm… Lão nông Trần Khương [thôn Hòa Phát] trải lòng: “Lúc đó, cuộc sống xen ghép giữa người dân hai miền xuôi, ngược với những phong tục tập quán, canh tác, sinh hoạt có khác nhau đôi chút nhưng chúng tôi đều đồng thuận hỗ trợ, giúp nhau cùng vượt qua khó khăn để vươn lên thoát nghèo. Sau 45 năm từ vùng nội thành lên đây khai hoang, lập nghiệp, gia đình tôi với 3, 4 thế hệ nhưng cái ăn, cái mặc vẫn đủ đầy, cháu con đều được học hành đến nơi, đến chốn”.

Ông Võ Sơn- Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Hòa Hải chia sẻ: “Khi địa phương triển khai xây dựng nông thôn mới thì bộ mặt miền núi nơi đây bắt đầu khởi sắc. Từ chỗ toàn đường đất, đi lại khó khăn nay được thảm nhựa, bê-tông hóa, ô-tô lưu thông đến tận nơi vận chuyển hàng hóa”. Cũng theo ông Sơn, trước đây, làng kinh tế mới quê ông có gần 100 hộ dân nhưng không có nổi một ngôi nhà kiên cố, hộ nghèo chiếm 60-70%. Nay, hơn 80% hộ dân trong thôn gắn bó với kinh tế rừng, đặc biệt là nghề ươm cây giống tái sinh rừng sau khai thác phát triển mạnh, bình quân mỗi hộ thu lãi từ 80 đến 100 triệu đồng/năm; không chỉ đáp ứng đủ cây giống chất lượng cao tại chỗ mà còn xuất bán cây con cho nhiều địa phương ở Quảng Nam, Thừa Thiên- Huế. Ngoài tuyến QL14G đã được nâng cấp, mở rộng thì hiện nay với việc thi công xây dựng đường Vành đai phía Tây qua địa bàn xã sẽ tạo thêm động lực để địa phương phát triển mọi mặt.

Đến các làng kinh tế mới Lâm Viên hôm nay, chúng tôi cảm nhận sự đổi thay của vùng đất một thời được ví như “khỉ ho, cò gáy”. Hệ thống giao thông nông thôn, nội đồng không những được đầu tư bê-tông, thảm nhựa mà còn mở rộng thênh thang theo hướng đô thị; thu nhập bình quân đầu người đạt 48 triệu đồng/năm 2021. Bên cạnh đó, người dân cũng từng bước làm chủ được xu hướng sản xuất, duy trì các mô hình kinh tế hiệu quả, như trồng bưởi da xanh, cam đường, chuối thanh tiêu; nuôi cá nước ngọt, heo mọi…

“Có thể nói, ước mơ của bao thế hệ người dân miền núi đã trở thành hiện thực. Diện mạo nông thôn đổi mới, người dân rất phấn khởi, ngày càng tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước. Hòa Phú cũng là xã miền núi đầu tiên của huyện “cán đích” Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới [giai đoạn 2011-2015]; trong đó có phần đóng góp không nhỏ của người dân ở các làng kinh tế mới”- Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Huỳnh Tấn Sinh khẳng định.

Vy Hậu

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, lời dạy của Bác từ lâu đã thành động lực để bà Đinh Thị Hóa [SN 1954, ở xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh] vượt khó, trở thành một trong số ít những người tiên phong đi xây dựng vùng kinh tế mới Khe Mây.

“Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, lời dạy của Bác từ lâu đã thành động lực để bà Đinh Thị Hóa [SN 1954, ở xã Hương Đô, Hương Khê, Hà Tĩnh] vượt khó, trở thành một trong số ít những người tiên phong đi xây dựng vùng kinh tế mới Khe Mây.

Đến thăm mô hình kinh tế vườn đồi của gia đình bà Đinh Thị Hóa [thôn 1, xã Hương Đô] những ngày đầu tháng 5, chúng tôi không khỏi thán phục, ngỡ ngàng khi chứng kiến người phụ nữ gần 70 tuổi nhưng vẫn leo hết đồi này sang đồi khác để kiểm tra, chăm sóc từng gốc cam, cây bưởi. Là người con của vùng đất Hương Đô, mấy chục năm lăn lộn với núi đồi đã rèn giũa trong bà sức dẻo dai, bền bỉ, sự tháo vát mà ít ai có được ở độ tuổi này.

Gần 70 tuổi nhưng bà Hóa vẫn tỉ mẩn chăm sóc từng gốc cây.

Trang trại hơn 20 ha cam chanh, cam bù, bưởi Phúc Trạch, dó trầm, sưa đỏ… của gia đình bà Hóa là một trong những mô hình vườn đồi đầu tiên ở xã Hương Đô, hiện nay đã trở thành điển hình trong sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa của huyện. Mỗi năm, trang trại cho doanh thu hàng chục tỷ đồng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế địa phương.

Kể lại hành trình hơn 30 năm gian khó từ những ngày đầu lên đồi “xây dựng cơ đồ”, bà Hóa bồi hồi xúc động: “Năm 1992, tôi là Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Hương Đô. Khi đó, khoảng 90% dân số của địa phương là hộ nghèo. Lụt lội thường xuyên, đời sống người dân cơ cực, đói khổ quanh năm. Bởi vậy, khi Nhà nước có chủ trương xây dựng vùng kinh tế mới Khe Mây, tôi đã xung phong đi đầu. Tôi chỉ nghĩ mình là đảng viên, mình phải tiên phong thì người khác mới theo. Xây dựng thành công mô hình kinh tế mới mong “cái đói, cái nghèo” không còn đeo bám người dân nữa”.

Trang trại của bà Hóa hiện có nhiều cây dó trầm trên 20 năm tuổi.

Trong trí nhớ của bà Hóa, ngày đó khu vực trang trại của gia đình bà là đất trống, đồi trọc, đường đi chỉ là những lối mòn nhỏ. Điều kiện khó khăn nên trong số hàng chục hộ dân tình nguyện di dân làm kinh tế mới, chỉ còn 3 – 5 hộ “cầm cự lâu dài”. Với số vốn ít ỏi vợ chồng tích cóp được, bà Hóa thuê người khai hoang.

Bà Hóa bồi hồi, xúc động khi nhớ về những ngày đầu lên vùng kinh tế mới Khe Mây.

Trang trại không chỉ là thành quả mà còn là mồ hôi, nước mắt, tâm huyết hơn 30 năm của vợ chồng bà.

“Lúc đó, nhiều người tỏ ra ái ngại, họ nghĩ tôi chỉ hô hào khẩu hiệu để làm chính trị, chứ không thể nào “làm nên chuyện” giữa vùng đồi núi hoang vu.

Bác Hồ đã dạy: “Muốn dân tin phải cho dân thấy”, tôi đã thuê người gánh gỗ, gánh ngói đi bộ vào sâu 5 km để dựng ngôi nhà gỗ 2 gian giữa rừng. Dựng nhà, làm đất xong, tôi bắt đầu trồng các loại cây như: cam, vải, dó trầm, keo. Ban đầu tôi trồng gần 40 gốc cam xã Đoài được cấp giống cho người đi kinh tế mới. Dần dần, tôi chiết cành tạo giống cam để mở rộng diện tích. Đến năm 1993, trang trại của tôi đã có hơn 1 ha cam”- bà Hóa kể.

Người chồng là sỹ quan quân đội đã tiếp thêm cho bà Hóa động lực gắn bó, phát triển mô hình ở vùng kinh tế mới.

Thời đó, ngoài sự động viên của chính quyền địa phương thì sự ủng hộ của người chồng là sỹ quan quân đội đã tiếp thêm cho bà động lực gắn bó, phát triển mô hình ở vùng kinh tế mới.

Ông Trần Văn Thành – chồng bà Hóa bộc bạch: “Tôi công tác xa nhà, năm 1993 nghỉ hưu mới trở về quê sinh sống. 2 vợ chồng cùng động viên nhau vượt qua khó khăn, khai khẩn đất hoang, trồng thêm những giống cây mới để phát triển trang trại. Suốt nhiều năm ròng rã, cứ ban ngày bà đi làm việc ở Hội Phụ nữ xã, cuối chiều về nhà lo cơm nước, chăm sóc mẹ chồng già yếu, xong xuôi 2 vợ chồng lại chở nhau lên đồi chăm sóc cam, bắt đuổi côn trùng phá hoại tới 23h đêm mới về”.

Dù đã ở độ tuổi trên dưới 70, vợ chồng ông Thành bà Hóa vẫn còn tâm huyết với vườn đồi, cây trái

“Có công mài sắt, có ngày nên kim”, năm 1997, bao công sức, nỗ lực vợ chồng bà Hóa bỏ ra cũng được đền đáp. Lứa cam đầu tiên cho thu hoạch với thu nhập 20 triệu đồng là cả gia tài lớn. Những năm sau đó, có ngân hàng “tiếp vốn” từ 50 triệu, 100 triệu, 500 triệu và nay là 2 tỷ đồng, gia đình bà mạnh dạn quy hoạch, tiếp tục mở rộng diện tích trang trại, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Di dân đi làm kinh tế, những năm đầu vô vàn khó khăn, từ vốn, cây giống, kinh nghiệm… đều thiếu thốn. Thế nhưng, bà Hóa chưa bao giờ có ý định bỏ cuộc. Giai đoạn đầu, một mặt bà nỗ lực xây dựng mô hình, mặt khác bà kêu gọi người dân cùng vào xây vùng kinh tế mới.

Mỗi năm, trang trại của gia đình bà Hóa có doanh thu hàng chục tỷ đồng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế địa phương.

“Hồi đó, ngày ngày tôi nấu cơm, nấu nước hỗ trợ người dân để họ có động lực cùng vào gây dựng. Rồi tôi cũng bỏ kinh phí ra làm đường giúp dân đi lại. Thời gian trôi qua, chứng kiến thành quả sau bao năm gây dựng của gia đình tôi, nhiều người dân Hương Đô bắt đầu mạnh dạn vào vùng kinh tế mới đầu tư trồng cam” – bà Hóa chia sẻ.

Năm 2021, bà Hóa vay ngân hàng 2 tỷ đồng đầu tư mở rộng diện tích trang trại, xây hồ chứa nước tưới.

Không chỉ “đảm việc nhà”, bà Hóa còn là nữ cán bộ đầy trách nhiệm, được cấp trên tin tưởng. Năm 1995, Hội Phụ nữ xã Hương Đô là địa phương đầu tiên được Hội LHPN huyện Hương Khê bàn giao 50 triệu đồng để hỗ trợ chị em vay vốn làm ăn.

Trong vai trò là Chủ tịch Hội Phụ nữ xã, bà Hóa đã tìm hiểu cặn kẽ để phân bổ nguồn vốn phù hợp và hướng dẫn hội viên sử dụng hiệu quả.

Ngoài trồng cây, bà Hóa còn đầu tư nuôi gà, thả cá.

Đi tiên phong với nhiều kinh nghiệm phát triển kinh tế vườn đồi, không chỉ làm giàu cho vùng đất Hương Đô, bà Hóa còn truyền đạt kinh nghiệm cho nhiều người cách trồng, chăm sóc cam, dó trầm và hỗ trợ cây giống, hướng dẫn cách tiếp cận vay vốn để xây dựng mô hình kinh tế.

Học hỏi kinh nghiệm từ mô hình kinh tế của gia đình bà Hóa, anh Lê Văn Phương đã “gầy dựng” trang trại cam 5ha, cho thu nhập 750 triệu đồng/năm.

Anh Lê Văn Phương – hộ dân trồng cam tại thôn 1, xã Hương Đô cho biết: “Học hỏi kinh nghiệm từ mô hình của bác Hóa, năm 2003, bố tôi bắt đầu vào vùng kinh tế mới Khe Mây để đầu tư khai khẩn và trồng cam. Hiện chúng tôi đã có 5 ha cam, trừ chi phí cho lãi ròng khoảng 750 triệu đồng mỗi năm. Nhờ những người đi đầu như bác Hóa đã tạo động lực cho thế hệ chúng tôi tự tin phát triển kinh tế vườn đồi, khai thác lợi thế của địa phương”.

Mùa cam chín, thương lái vào tận vườn bà Hóa thu mua với giá 60 – 80.000 đồng/kg.

Chẳng những “bắt” rừng hoang “đẻ vàng”, bà Hóa cũng là một trong những người đầu tiên xây dựng nên thương hiệu cam Khe Mây nức tiếng trên cả nước. Sản xuất theo hướng hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm là mục tiêu gia đình bà luôn theo đuổi.

Hiện nay, trang trại gia đình bà Hóa đã trở thành điển hình trong sản xuất nông nghiệp quy mô hàng hóa của huyện.

Trước đây, dù phương tiện vận chuyển, truyền thông chưa thuận lợi nhưng với vị thơm ngon đặc trưng, cam Khe Mây được người dân địa phương đưa đi khắp các tỉnh, thành để làm quà. Thời đó, nhắc đến cam Khe Mây, người ta nhớ ngay đến cam bà Hóa, cam ông Oánh [em trai bà Hóa]. Còn nay, với thương hiệu cam có tiếng, mỗi mùa cam chín, trang trại gia đình bà Hóa lại dập dìu thương lái vào thu mua với giá từ 60.0000 – 80.000 đồng/kg.

Hai người con trai đều đã lập gia đình, công việc ổn định là niềm vui của vợ chồng bà Hóa.

Để có được thành công như ngày hôm nay, bà Hóa đã vượt qua rất nhiều khó khăn, từ khai hoang đất rừng, tự học tập, tìm tòi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây theo quy trình kỹ thuật. Với những cố gắng, cống hiến của mình trong hoạt động xã hội và phát triển kinh tế địa phương, bà Hóa đã nhiều lần được vinh dự ra Hà Nội tham gia các sự kiện của Trung ương như: Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc, hội nghị ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn toàn quốc, gặp mặt gia đình tiêu biểu toàn quốc…

Giờ đây, ở độ tuổi gần 70, ngoài niềm vui sum vầy bên con cháu, bà vẫn cùng chồng quán xuyến, trông nom trang trại, tỉ mẩn chăm sóc từng gốc cam, gốc bưởi... Đây không chỉ là thành quả mà còn là mồ hôi, nước mắt, tâm huyết hơn 30 năm của vợ chồng bà.

Vợ chồng bà Hóa bên những kỷ vật được tặng mỗi lần ra Hà Nội tham dự sự kiện.

Bà Trần Thị Hồng Thắm – Bí thư Đảng ủy xã Hương Đô tự hào: “Bà Đinh Thị Hóa là đảng viên điển hình trong nêu gương học tập và làm theo Bác. Dù đã an cư lạc nghiệp song bà Hóa là một trong số ít những người tiên phong di dân, đi xây dựng vùng kinh tế mới Khê Mây. Chính ý chí, nghị lực của người nữ đảng viên ấy đã tạo nên vườn đồi doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm và tạo phong trào xây dựng kinh tế, giúp nhiều hộ dân Hương Đô thoát nghèo. Trải qua hành trình hàng chục năm, bà là một trong những người hình thành, phát triển đặc sản cam Khe Mây nức tiếng và làm “thay da đổi thịt” vùng đất Hương Đô. Giờ đây nhắc đến Hương Đô là nhắc đến vùng kinh tế trù phú với gần 140 hộ phát triển trang trại, cho thu nhập hàng trăm đến hàng tỷ đồng/hộ/năm”.

Ngọc Loan – Thu Phương

Trình Bày: Thanh Hà

3:18:05:2022:04:52

Video liên quan

Chủ Đề