Những thuận lợi và khó khăn trong dạy học bằng trải nghiệm

Khó khăn từ thực tế triển khai

Những năm gần đây, hoạt động trải nghiệm sáng tạo được các nhà trường tổ chức thường xuyên trong năm học, kỳ nghỉ hè nhằm đưa học sinh đến gần với thực tế cuộc sống. Hoạt động này diễn ra khá phong phú, đa dạng dưới nhiều hình thức tổ chức khác nhau, giúp học sinh có được những bài học vô cùng sinh động, phong phú để thêm yêu cuộc sống và giúp ích cho việc học tập.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, nhà trường gặp không ít khó khăn. Việc xây dựng kế hoạch, chương trình dạy học hiện nay thường kín về thời lượng. Nếu muốn tổ chức một hoạt động trải nghiệm bổ trợ môn học, chương trình học thì rất khó bố trí vào khoảng thời gian giữa các tiết học, buổi học. Không thể tiến hành một hoạt động trải nghiệm trong vòng một tiết học khi phải lấy quỹ thời gian của tiết học khác. Vì vậy, việc sắp xếp quỹ thời gian hợp lý cho hoạt động trải nghiệm cần được nghiên cứu và phân bố hợp lý.

Thông thường thì các địa điểm trải nghiệm như: Khu di tích, bảo tàng, các địa danh, các khu công nghiệp, du lịch, sinh thái, làng nghề… thường khá xa trường học. Vì vậy, sẽ rất khó khăn khi tổ chức cho học sinh đến học tập, trải nghiệm. Dù ở đâu cũng cần phải có khoản kinh phí nhất định để phục vụ cho hoạt động trải nghiệm như: Tiền thuê xe đưa đón, nước uống, ăn sáng, trưa, chiều… trong khi kinh phí cho hoạt động này thì lại rất eo hẹp.

Khi tổ chức, yếu tố về sự an toàn cho học sinh là rất quan trọng. Do khoảng cách địa lý, phương tiện di chuyển và đối tượng trải nghiệm nên việc bảo đảm an toàn trong quá trình tổ chức cho số đông học sinh tham gia học tập sẽ gặp không ít khó khăn. Bản thân các trường lại không có giáo viên chuyên trách nên những giáo viên còn thiếu giờ dạy sẽ được phân bổ dạy môn giáo dục hướng nghiệp ngoài giờ lên lớp. Những giáo viên này chưa được tập huấn về nghiệp vụ tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho nên năng lực thực hiện hoạt động này còn nhiều bất cập, đa số thiếu kinh nghiệm, chưa nắm vững kỹ năng, nghiệp vụ.

Một khó khăn nữa là, tâm lý e ngại của cha mẹ học sinh, và của chính một số giáo viên chủ nhiệm vì lo sợ mất thời gian học tập, tốn tiền, sự an toàn của học sinh, của con em mình. Ngoài ra, một số giáo viên, học sinh, phụ huynh có tư tưởng tham gia hoạt động trải nghiệm sáng tạo là đi chơi nên không có nhận thức đúng đắn về hoạt động trải nghiệm sáng tạo, mang tâm lý đi du lịch là chính.

Làm thế nào để hoạt động hiệu quả?

Nâng cao nhận thức cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và các lực lượng giáo dục về tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong hoạt động trải nghiệm là giải pháp hàng đầu. Có nhiều cách làm để nâng cao nhận thức như: Tổ chức học tập, nghiên cứu một cách nghiêm túc các văn kiện của Đảng, của Nhà nước về GD-ĐT; Phổ biến các văn bản liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông, chương trình tổng thể, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, hướng nghiệp cho tập thể giáo viên, nhân viên của nhà trường; Tham gia giao lưu với các trường khác giúp giáo viên học hỏi và trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau…

Khi xây dựng kế hoạch thực hiện hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh, nhà trường phải thực hiện đúng quy định và phù hợp với điều kiện thực tiễn, có tính khả thi nhằm định hướng cho giáo viên, học sinh trong việc thực hiện, tạo tính chủ động khi huy động các nguồn lực; phối hợp triển khai và đánh giá việc thực hiện các hoạt động trải nghiệm sáng tạo cho học sinh.

Nhà trường cần trao đổi với đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp nêu rõ thực trạng học sinh của nhà trường về năng lực, kiến thức, kỹ năng. Sau đó trình bày ý tưởng tổ chức các hoạt động trải nghiệm sáng tạo xin ý kiến của Ban đại diện cha mẹ học sinh về việc xây dựng kế hoạch chi tiết cho hoạt động. Huy động sự tham gia của giáo viên, tổ chức đoàn thanh niên, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh xây dựng kế hoạch các chuyên đề hoạt động cụ thể cho từng tháng, từng kỳ với từng đối tượng học sinh. Bám sát chủ đề, chủ điểm năm học, trong đó nêu rõ các lực lượng tham gia, địa điểm tổ chức, dự trù kinh phí tổ chức.

Hoạt động trải nghiệm sáng tạo là nhiệm vụ mới mẻ, khó khăn nên giáo viên còn rất lúng túng trong khâu xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện. Do vậy, tổ chức tập huấn để mỗi giáo viên nắm chắc mục đích, ý nghĩa, yêu cầu và hình thức tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo là rất cần thiết. Trong hoạt động trải nghiệm sáng tạo, người giáo viên chỉ định hướng còn học sinh là chủ thể của tất cả các khâu, do đó, các em phải hiểu về hoạt động trải nghiệm sáng tạo thì mới có thể tham gia thực hiện được.

Để làm được điều này, giáo viên sau khi được tập huấn cần giới thiệu, hướng dẫn cho học sinh hiểu về mục đích, hình thức, cách tổ chức để học sinh biết lựa chọn hình thức tổ chức phù hợp với nội dung, nắm được các bước cơ bản cần thực hiện, trách nhiệm của từng cá nhân khi tham gia hoạt động…

Việc đổi mới và đa dạng hóa các phương thức tổ chức hoạt động trải nghiệm sáng tạo là cần thiết nhằm tạo sự hấp dẫn, hứng thú cho học sinh để các em được trải nghiệm về kiến thức và rèn luyện các kỹ năng mềm. Thông qua đổi mới các hình thức tổ chức sẽ phát triển môi trường học tập, giúp học sinh phát triển toàn diện nhân cách, thúc đẩy sự sáng tạo của học sinh.

Cần phối hợp giữa các lực lượng trong và ngoài nhà trường để tổ chức có hiệu quả các hoạt động trải nghiệm, tạo được sự đồng thuận thông qua cơ chế phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các lực lượng giáo dục; Tăng cường kiểm tra, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện các hoạt động trải nghiệm cho học sinh để thu thập thông tin, đánh giá đúng ưu điểm, hạn chế trong việc thực hiện kế hoạch, qua đó kịp thời điều chỉnh, uốn nắn những sai lệch, bảo đảm cho các hoạt động trải nghiệm được thực hiện hiệu quả và có chất lượng.  

          Theo P.GS-TS. Đinh Thị Kim Thoa: HĐTN là những hoạt động tập thể, hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp [HĐGDNGLL] song HĐTN phong phú hơn cả nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức dạy học.

          Thực tế, các trường Tiểu học tổ chức HĐGDNGLL dưới các hình thức động ngoại khóa, tham quan, dã ngoại, … qua đó cũng giúp các em hình thành và phát triển các kĩ năng cơ bản, phù hợp với sự phát triển chung. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng việc tổ chức HĐGDNGLL trong trường Tiểu học hiện nay chưa được đầu tư đúng mức, còn nhiều khó khăn về kinh phí, hiệu quả giáo dục chưa rõ ràng về năng lực cũng như phẩm chất. Vậy đối với môn học HĐTN khi thực hiện sẽ như thế nào? Với góc nhìn cá nhân của một CBQL trường TH, tôi nhận thấy:

          *Những khó khăn và lo ngại:

          HĐTN là môn học hoàn toàn mới, bắt buộc có phân hóa ở trường Tiểu học. Mặc dù các trường được giao chủ động lựa chọn các hình thức tổ chức cụ thể phù hợp với điều kiện của nhà trường và địa phương tuy nhiên không tránh khỏi những lúng túng trong công tác chỉ đạo thực hiện.

          HĐTN chỉ đạt mục tiêu khi GV thiết kế tốt kế hoạch khoa học, có tính khả thi cao và sử dụng các phương pháp hợp lí, hiệu quả. Ngoài ra, GV cần có các kĩ năng quản lí học sinh hoạt động ngoài nhà trường an toàn, vui tươi, lành mạnh kèm theo năng khiếu điều hành. Tuy nhiên, hiện nay rõ ràng đội ngũ GV chưa thể đáp ứng được về lượng cũng như chất. Một số trường Tiểu học GV còn thiếu, có GV còn ngại đổi mới, chưa thiết tha với HĐTN vì dạy học môn này đòi hỏi đầu tư công sức,thời gian.

          Thêm nữa, HĐTN có thể tổ chức tại nhiều thời điểm, địa điểm khác nhau tùy vào quy mô, nội dung. Với những địa điểm xa, đòi hỏi kinh phí di chuyển, phương tiện xe cộ, ăn uống cho  học sinh khá cao, công tác huy động xã hội hóa không dễ đôi lúc dẫn đến tình trạng hiểu nhầm là lạm thu.

          Việc lựa chọn các công trình, di tích tổ chức HĐTN cũng cần bàn. Các địa điểm trên địa bàn tỉnh còn ít, một số nơi chưa đảm bảo được tính nhân văn, tính lịch sử, có nơi có người thuyết minh nhưng có nơi không có, việc trải nghiệm dễ bị hình thức. Cơ hội tiếp cận kiến thức của học sinh chưa được đảm bảo.

          Sắp tới bộ sách HĐTN cũng được xuất bản, đầu sách tăng kèm theo kinh phí mua sắm sách giáo khoa cũng tăng, đây cũng là gánh nặng của phụ huynh nhất là HSDTTS.

          Cuối cùng việc tổ chức đánh giá cho học sinh như các môn học khác, liên quan đến việc đổi mới đánh giá, nhà trường và GV không tránh khỏi khó khăn.

          *Đề xuất hướng đi:

          Một là, nhận định được tính tích cực của môn học, từng bước khắc phục khó khăn, CBQL trường Tiều học làm tốt công tác đổi mới quản lí, giáo dục. Chủ động trong chỉ đạo để đáp ứng mục tiêu đặt ra. Tăng cường nghiên cứu, tìm hiểu kĩ về nội dung, chương trình, xác định hướng đi mới... Dự kiến trước những khó khăn, nguyên nhân cơ bản để có định hướng giải pháp thực hiện khả thi. Biết lắng nghe, trưng cầu ý kiến, huy động trí tuệ tập thể, xây dựng kế hoạch dài hạn, phân chia từng giai đoạn. lựa chọn các hình thức tổ chức phù hợp với tình hình trường lớp và đội ngũ.

          Hai là, thành lập tổ tư vấn, tập huấn kĩ năng xây dựng kế hoạch dựa trên nền tảng tổ chức HĐGDNGLL theo tài liệu hướng dẫn Bộ giáo dục và Đào tạo - Dự án phát triển giáo viên Tiểu học. Lựa chọn những tập huấn viên, giáo viên có năng lực và kinh nghiệm để tham gia tập huấn các cấp. Hướng dẫn GV xây dựng kế hoạch có sự tham gia của học sinh và ý kiến đóng góp của CMHS, có sự thống nhất chỉ đạo chung của nhà trường. Khuyến khích GV có các hình thức tổ chức sáng tạo, khám phá, tương tác, phân hóa đối tượng… và sử dụng các phương pháp dạy học huy động 100% học sinh tham gia, khơi gợi các em suy nghĩ về những trải nghiệm, phát triển kĩ năng phân tích, tổng hợp, … Cách thức tổ chức theo hướng trải nghiệm. Tăng cường công tác truyền thông tác động GV thay đổi nhận thức tích cực, gắn với những nội dung, phương pháp thực hiện cụ thể, sát thực. CBQL đồng hành cũng GV trong quá trình đổi mới.

          Ba là, CBQL hoặc GV có kế hoạch tuyên truyền, phân tích rõ những ích lợi khi học sinh tham gia trải nghiệm. Phối hợp với các bộ phận chặt chẽ, lập kế hoạch cụ thể, chi tiết đầy đủ về thời gian, địa điểm, đặc biệt là kinh phí. Có sự thảo luận thống nhất rõ ràng với các bộ phận, đặc biệt là CMHS. Kêu gọi sự đồng thuận từ phía CMHS hỗ trợ đối với những trường hợp đặc biệt khó khăn. Huy động nhà hảo tâm, mở cơ chế cho CMHS góp sức người, sức của trên tinh thần tự nguyện. Chú ý tính vừa sức, phù hợp với tình hình địa phương. Quản lí thu chi chặt chẽ. Tránh trường hợp lạm thu trong nhà trường.

          Bốn là, cần tranh thủ sự chỉ đạo của các cấp, chính quyền địa phương, các cơ quan đoàn thể có liên quan để thực hiện. Cần có sự thống nhất về danh sách các công trình, di tích, các nơi các em đến. Đảm bảo tính thuận lợi,an toàn có ý nghĩa lịch sử và tính nhân văn sâu sắc. Chú trọng công tác thuyết minh tuyên truyền, nếu không sẽ hình thức, vô bổ.

          Năm là, đổi mới công tác phối hợp, phát huy 100% CMHS tham gia, hiến kế. Phân tích rõ được tính ưu việt khi được học tập môn học HĐTN, thông qua HĐTN học sinh có kinh nghiệm, kĩ năng sống, năng lực cơ bản, đồng thời cũng được trải nghiệm về cảm xúc từ đó điểu chỉnh cảm xúc cá nhân hướng cá nhân phát triển toàn diện. Tuyên truyền với CMHS hiểu đây cũng là môn học được đánh giá như các môn học khác. Có ý kiến đề xuất hỗ trợ từ các phía đối với HDDBDTTS.

          Sáu là, mạnh dạn đề xuất với các cấp lãnh đạo về việc việc tập huấn đánh giá môn học HĐTN, nội dung tinh gọn, tránh rườm rà, cồng kềnh hồ sơ; nhất quấn trong đánh giá; cách ghi chép học bạ cụ thể, mô tả được năng lực của từng cá nhân học sinh.

         Với sự nhận diện về những khó khăn và đề xuất hướng đi trước thềm đổi mới giáo dục phổ thông nói chung và đối với môn học HĐTN nói riêng, hy vọng góp phần nhỏ bé vào công cuộc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diền theo Nghị quyết số 29/NQ-TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về Đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo.

Một số hình ảnh học sinh tham gia hoạt động trải nghiệm

Video liên quan

Chủ Đề