Nơi dựng nào sâu đây là mục dịch của Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ 1954

“Trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới”, đó là nhận định của các nhà nghiên cứu sử học nước ngoài khi nhìn nhận và đánh giá chân thực, khách quan về Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954. Những đánh giá như vậy sẽ giúp chúng ta có thêm cái nhìn mới, toàn diện hơn về tầm vóc lịch sử và giá trị thời đại của Chiến thắng vĩ đại này. Đồng thời, đó cũng là cơ sở quan trọng đập tan mọi âm mưu, thủ đoạn xuyên tạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp Chiến thắng vĩ đại của dân tộc ta.

Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng để làm rõ hơn nội dung này.

Thiếu tướng, Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự, Bộ Quốc phòng

PV: Thưa Thiếu tướng, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tạo nên cơn dư chấn trong đời sống chính trị của các dân tộc thuộc địa trong thế kỷ 20. Thiếu tướng có thể cho biết, với người Pháp, đặc biệt là những người trong cuộc, họ nhìn nhận thế nào về sự kiện này?

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên: Trước hết cần khẳng định lại, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã dẫn đến sự thất bại của cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của thực dân Pháp. Khi Điện Biên Phủ thất thủ cách đó nửa vòng trái đất, cả nước Pháp hầu như chết lặng. Cao ủy Pháp tại Đông Dương - Georges Thierry d’Argenlieu đã gửi ngay cho người Pháp ở Đông Dương một bức thông điệp với lời lẽ chua chát "Điện Biên Phủ không còn nữa, không việc gì mà chúng ta phải giấu giếm cái đòn mà chúng ta phải chịu". Thất bại ở Điện Biện Phủ đã khiến giới chóp bu của Pháp là những người trong cuộc đã đổ lỗi cho nhau. Hai mươi năm sau Điện Biên Phủ, ông Jean Pouget, tùy viên của tướng Henri Navarre đã cho rằng, sự sụp đổ của người Pháp tại Điện Biên Phủ đánh dấu sự kết thúc của một thời kỳ thực dân và bắt đầu kỷ nguyên của độc lập tự do, không cuộc cách mạng giải phóng dân tộc nào ở Châu Á, Châu Phi hay Châu Mỹ mà không đề cập đến chiến thắng của tướng Giáp, Điện Biên Phủ đã trở thành cột mốc của giải phóng dân tộc.

Chiều 7/5/1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. [Ảnh: Tư liệu TTXVN]

PV: Trong dịp chúng ta kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 2014 thì Tiến sĩ Christian C.Lentz [Đại học North Carolina Chapel Hill, Hoa Kỳ] đã cho rằng, trận Điện Biên Phủ đã làm thay đổi thế giới. Thiếu tướng bình luận gì về nhận định này?

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên: Đây là nhận định hoàn toàn xác đáng, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã tác động trực tiếp và gián tiếp đến phong trào giải phóng dân tộc ở Châu Á, Châu Phi, Châu Mỹ Latinh, cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa vùng dậy đấu tranh giành độc lập tự do. Từ năm 1954 đến năm 1964 đã có tới 17/22 nước thuộc địa của Pháp giành độc lập. Riêng ở Châu Phi năm 1960 đã có tới 17 quốc gia tuyên bố độc lập và lịch sử đã gọi sự kiện này là “Năm Châu Phi”. Không chỉ có vậy, Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có ảnh hưởng sâu sắc đến chiến lược quân sự của các nước đế quốc nói chung và đặc biệt là chiến lược toàn cầu của đề quốc Mỹ. Sau Điện Biên Phủ, Mỹ đã lập ra các khối liên minh quân sự nhằm ngăn chặn ảnh hưởng và tác động của Điện Biên Phủ ra các nước xung quanh. Như vậy, rõ ràng Chiến thắng Điện Biên Phủ đã có tác động sâu sắc, làm thay đổi thế giới.

PV: Một nhà báo Pháp cũng thừa nhận “Sự thất thủ Điện Biên Phủ đã gây nên nỗi kinh hoàng khủng khiếp. Đây là một trong những thất bại lớn nhất của người Pháp”. Như vậy, thế giới cũng đã thừa nhận chiến thắng của chúng ta. Vậy nhưng vẫn có một số người cố tình xuyên tạc cho rằng, chúng ta đã hao người tốn của để có được chiến thắng này… Thiếu tướng có thể chia sẻ quan điểm của mình?

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên: Đây là một luận điểm xuyên tạc lịch sử hết sức nguy hiểm, và như chúng ta đã biết thì trong suốt chiều dài lịch sử để tồn tại và phát triển, các thế hệ người Việt thường xuyên phải trải qua các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và hơn ai hết, nhân dân ta hiểu rất sâu sắc giá trị của hòa bình. Có một quy luật chung cho thấy rằng, kẻ đi xâm lược thường mạnh hơn chúng ta về vũ khí và phương tiện chiến tranh, chúng không dễ gì từ bỏ mưu đồ của mình, chừng nào mà còn chưa chuốc lấy những thất bại mang tính quyết định, và thực dân Pháp cũng như vậy. Mà Điện Biên Phủ chính là một đòn quyết định đè bẹp ý chí xâm lược của thực dân Pháp, buộc Chính phủ Pháp phải cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Với Chiến thắng Điện Biên Phủ, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta kết thúc thắng lợi.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp trao lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh tặng các đơn vị lập công. Điện Biên Phủ là một trong những trận quyết chiến chiến lược trong lịch sử Việt Nam. Thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ đã khẳng định sự trưởng thành vượt bậc của Quân đội nhân dân Việt Nam. [Ảnh: Tư liệu TTXVN]

PV: Nhiều người còn cho rằng, là nếu ta thỏa hiệp với người Pháp thì sẽ có được độc lập mà không cần phải tiến hành một cuộc chiến tranh trường kỳ 9 năm gian khổ như vậy. Chúng ta cần nhìn nhận về vấn đề này như thế nào, thưa Thiếu tướng?

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên: Đây là một quan điểm hoàn toàn không có cơ sở và sai lầm. Như chúng ta đã biết, ngày 23/9/1945, thực dân Pháp nổ súng ở Sài Gòn, chính thức phát động cuộc chiến tranh tái xâm lược Việt Nam. Trước âm mưu và hành động xâm lược của thực dân Pháp, chúng ta luôn tích cực thiện chí tìm mọi giải pháp thương lượng nhằm giải quyết quan hệ Việt - Pháp, luôn bày tỏ mong muốn xây dựng quan hệ thân thiện giữa hai nước. Ngày 6/3/1946, Chính Phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã ký với Pháp Hiệp định sơ bộ và ngày 14/9/1946 ký với Pháp Tạm ước nhằm cố gắng duy trì đàm phán, vãn hồi hòa bình ở Việt Nam. Tuy nhiên, với dã tâm tái xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp đã liên tiếp gây hấn, gây ra các vụ xung đột trên phạm vi cả nước ta, đơn phương xóa bỏ mọi cam kết, không thi hành Hiệp định Sơ bộ và Tạm ước 14/9/1946.

Ngày 18/12/1946, tướng Louis Morlière đã gửi cho chúng ta 2 tối hậu thư với những yêu sách không thể tiếp tục nhân nhượng. Đêm 19/12, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến nêu rõ: Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng thì thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa. Điểm qua những sự kiện như vậy, để thấy rằng, mọi vãn hồi hòa bình của Việt Nam vẫn không thể vượt qua dã tâm xâm lược của thực dân Pháp. Và chúng ta không còn con đường nào khác buộc phải cầm súng để kháng chiến.

PV: Thực tế lịch sử đã rõ ràng như vậy, nhưng vì sao các thế lực thù địch vẫn cố tình đổi trắng thay đen, đưa ra những quan điểm xuyên tạc như vậy?

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên: Ngày nay, chúng ta đang trên con đường phát triển và hội nhập quốc tế với nhiều thành tựu rất quan trọng, uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Nhưng các thế lực thù địch luôn tìm cách chống phá. Mục đích chủ yếu của chúng là xuyên tạc lịch sử, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận những chiến công của quân và dân ta. Tuy nhiên, những luận điệu của chúng không dễ gì thuyết phục, bởi dân tộc Việt Nam đã có truyền thống yêu nước, lòng tự tôn dân tộc đã thấm sâu vào máu và trở thành động lực to lớn để mỗi người dân Việt Nam cảm nhận, chuyển hóa thành hành động, tự tin vững bước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại của Pháp quân ta phá hủy hoặc thu được trong chiến dịch Điện Biên Phủ. [Ảnh: Tư liệu TTXVN]

PV: Tuy vậy, chúng ta vẫn phải đấu tranh phản bác lại những quan điểm xuyên tạc lịch sử này để cho nhân dân và bạn bè thế giới hiểu rõ hơn về cuộc chiến chính nghĩa và thắng lợi vinh quang của chúng ta?

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên: Đúng như vậy, trước sự xuyên tạc của các thế lực thù địch, hơn lúc nào hết chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền lịch sử, tới mọi người dân và đặc biệt là thế hệ trẻ. Bởi lẽ, không biết đến những năm tháng bi tráng, hào hùng trong lịch sử dân tộc là vô cùng nguy hại. Và sẽ là một bi kịch của đất nước nếu như các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ, thờ ơ, quay lưng với lịch sử. Không ai muốn đất nước có chiến tranh nhưng khi Tổ quốc cần thì sẽ có lớp lớp các thế hệ người Việt Nam ra trận để bảo vệ Tổ quốc. Do đó cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác giáo dục truyền thống lịch sử, đây là một trong những cách hữu hiệu nhất ngăn chặn âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch xuyên tạc lịch sử của dân tộc.

PV: Xin cảm ơn Thiếu tướng./.

    Nhân dịp kỷ niệm 65 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Trang thông tin điện tử Ban Nội chính Trung ương trân trọng giới thiệu bài viết: “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam” của Thiếu tướng - Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam.

    Cách đây 65 năm, tại Điện Biên Phủ - một cánh đồng lòng chảo trên miền rừng núi Tây Bắc Việt Nam, đã diễn ra trận quyết chiến chiến lược giữa quân và dân ta với đội quân xâm lược Pháp.

    Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, ngoan cường, quân và dân ta đã giành thắng lợi vang dội, giáng đòn quyết định, đánh bại nỗ lực chiến tranh cuối cùng của thực dân Pháp và can thiệp Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam.

    Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 đã trở thành một trong những chiến công chói lọi bằng vàng như một Bạch Đằng, Chi Lăng, Đống Đa của thế kỷ 20 trong lịch sử dân tộc; là kết quả sự hội tụ của nhiều nhân tố, trong đó có bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam.

Chiều 7-5-1954, lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội nhân dân Việt Nam tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ đã toàn thắng. [Ảnh: Tư liệu TTXVN]

    Điều đó được thể hiện ở một số nội dung cơ bản sau:

    Một là, nắm chắc tình hình, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược đúng đắn; lựa chọn mục tiêu tác chiến phù hợp, có ý nghĩa quyết định giành thắng lợi.

    Chiến dịch Điện Biên Phủ - đỉnh cao của Chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954 giành thắng lợi quyết định đã làm thay đổi cục diện chiến tranh.

    Trong thắng lợi đó, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được thể hiện rõ qua những quyết định về chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng tạo, kịp thời của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Quân ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch.

    Giữa năm 1953, để cứu vãn tình thế ngày càng nguy khốn trên chiến trường Đông Dương, với sự giúp sức của Mỹ, thực dân Pháp đề ra và thực hiện Kế hoạch Nava nhằm xoay chuyển tình thế, giành thắng lợi quyết định về quân sự trong vòng 18 tháng làm cơ sở thực hiện “một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh.”

    Trước âm mưu và hành động mới của địch, cuối tháng 9 năm 1953, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bàn nhiệm vụ quân sự Đông Xuân 1953-1954, xác định phương hướng chiến lược và chủ trương tác chiến là: sử dụng một bộ phận chủ lực mở những cuộc tiến công vào những hướng địch sơ hở, đồng thời tranh thủ cơ hội tiêu diệt địch ở những hướng địch có thể đánh sâu vào vùng tự do của ta; trong lúc đó, đẩy mạnh chiến tranh du kích ở khắp các chiến trường sau lưng địch.

    Hướng Tây Bắc được chọn là hướng chính, các hướng khác là phối hợp. Tuy nhiên, tùy tình hình cụ thể có thể thay đổi cho phù hợp. Phương châm tác chiến được Bộ Chính trị xác định là: "Tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt.”

    Trên cơ sở phương hướng chiến lược và chủ trương tác chiến đã được xác định, ta đã từng bước khắc chế, buộc địch phải thay đổi Kế hoạch Nava.

    Ý đồ của địch là tập trung lực lượng lớn ở đồng bằng Bắc Bộ để đối phó với bộ đội chủ lực ta, nhằm đè bẹp chiến tranh du kích và uy hiếp vùng tự do.

    Tuy nhiên, ta không đưa lực lượng đối đầu với địch ở đồng bằng mà chủ động mở các cuộc tiến công chiến lược lên Tây Bắc, Trung Lào, Hạ Lào-Đông Bắc Campuchia, Bắc Tây Nguyên, Thượng Lào, buộc địch phải bị động đối phó.

    Khối cơ động chiến lược của Pháp bị chia nhỏ, phân tán trên nhiều chiến trường. Như vậy, ta đã điều được lực lượng địch, thu hút chúng đến những chiến trường có lợi cho ta, bảo vệ được vùng tự do và tiêu diệt được nhiều sinh lực địch.

    Mặt khác, ta đã tạo được sự phối hợp nhịp nhàng giữa tác chiến tập trung của các binh đoàn chủ lực với chiến tranh du kích rộng khắp, giữa mặt trận chính diện với mặt trận sau lưng địch và với chiến trường hai nước Lào và Campuchia.

    Thực hiện Kế hoạch Nava, thực dân Pháp muốn chủ trương chuẩn bị một trận “tổng giao chiến” mang tính quyết định trên một chiến trường do chúng lựa chọn.

    Tuy nhiên, bằng cuộc tiến công lên Tây Bắc, ta đã buộc địch phải điều chỉnh kế hoạch, vội vã ném những đơn vị tinh nhuệ nhất của chúng xuống Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh.

    Đây là vị trí cô lập, xa căn cứ hậu phương của địch, mọi sự tiếp tế đều dựa vào đường hàng không, nếu bị triệt phá thì khó duy trì khả năng chiến đấu. Mặt khác, thời tiết và địa hình rừng núi ở Điện Biên Phủ hạn chế việc phát huy ưu thế về không quân, pháo binh.

    Trong khi đó, lực lượng ta gồm những đơn vị chủ lực có ưu thế tuyệt đối về chính trị - tinh thần và đã có sự chuẩn bị về nhiều mặt, bên cạnh đó là hậu phương rộng lớn với khí thế cách mạng sôi nổi, sẵn sàng chi viện tiền tuyến đánh giặc.

    Trước hình hình đó, trên cơ sở phân tích, đánh giá khách quan về nhiều mặt thuận lợi, khó khăn, thế và lực của cả ta và địch, Bộ Chính trị quyết định tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

    Đây là một quyết tâm đầy bản lĩnh vì ta chấp nhận giao chiến ở nơi kẻ thù có lực lượng mạnh nhất, và thắng lợi ở trận chiến này sẽ có ý nghĩa quyết định đến cục diện chiến tranh.

Như vậy, ta đã chủ động tạo ra thời cơ và chủ động nắm lấy thời cơ, buộc địch phải bị động giao chiến trên một chiến trường do ta lựa chọn.

    Thắng lợi vang dội Điện Biên Phủ đã chứng minh chủ trương chiến lược và sự lựa chọn mục tiêu tác chiến của ta là đúng đắn, phù hợp, thể hiện bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. 

    Hai là, kịp thời thay đổi phương châm tác chiến - yếu tố có ý nghĩa trực tiếp quyết định thắng lợi Chiến dịch Điện Biên Phủ.

    Ngày 26-11-1953, Bộ phận tiền phương của Bộ Tổng Tư lệnh do Thiếu tướng, Phó Tổng tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái dẫn đầu lên đường đi Tây Bắc. Cùng đi với đoàn có Cố vấn tham mưu Mai Gia Sinh trong đoàn cố vấn Trung Quốc và cán bộ phiên dịch.

    Sau thời gian nắm bắt tình hình, cân nhắc hai phương án: bao vây đánh dần từng bước hay tiến công tiêu diệt nhanh, Đoàn đưa ra chủ trương "nên dùng cách đánh nhanh để tiêu diệt địch," tranh thủ thời cơ địch chưa kịp xây dựng thành một tập đoàn cứ điểm, đánh sớm và đánh nhanh để giành thắng lợi.

    Ngày 5-1-1954, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Chỉ huy trưởng kiêm Bí thư Đảng ủy chiến dịch, cùng Trưởng đoàn cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh lên đường ra mặt trận.

    Ngày 14-1, tại Hội nghị cán bộ chiến dịch do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì, tất cả đều tán thành chủ trương “đánh nhanh, thắng nhanh," tin tưởng rằng ta có thể nhanh chóng giành thắng lợi trong vài ngày đêm.

    Thời gian nổ súng được xác định là ngày 20-1-1954. Dự kiến chiến dịch diễn ra trong 2 ngày 3 đêm chiến đấu liên tục.

    Tuy nhiên, sau bảy ngày, pháo vẫn chưa vào đến vị trí quy định, Đảng ủy và Bộ Chỉ huy chiến dịch quyết định lùi ngày nổ súng tiến công đến 17 giờ ngày 25-1.

    Đến gần ngày N, thời gian nổ súng tiến công lại được quyết định lùi đến ngày 26-1.

    Trong quá trình tổ chức chuẩn bị thực hiện phương châm “đánh nhanh, thắng nhanh," ta có điều kiện nắm chắc hơn tình hình tập đoàn cứ điểm.

    Lực lượng địch lúc này đã tăng lên 13 tiểu đoàn, trận địa phòng ngự được xây dựng vững chắc, phía tây có thêm 2 vị trí mới, đồi Độc Lập được tăng cường thêm lực lượng và tổ chức thành cụm cứ điểm, phân khu Hồng Cúm được tổ chức thành cụm cứ điểm mạnh, có khả năng chi viện cho phân khu trung tâm.

    Trước tình hình mới do sự tăng cường của địch ở Điện Biên Phủ, sự bố trí lực lượng, trận địa của địch đã thay đổi, ngày 26-1-1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định “không thể đánh theo kế hoạch đã định… Nếu đánh là thất bại.”

    Tại cuộc họp Đảng ủy Mặt trận, Đại tướng quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc.” Theo đó, hoãn cuộc tiến công theo kế hoạch, bộ đội toàn tuyến được lệnh rút về vị trí tập kết, kéo pháo ra; mọi công tác chuẩn bị thực hiện theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc.”

    Sau khi được báo cáo, Bộ Chính trị đã nhất trí cho đây là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.

    Sau khi thay đổi phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc," công tác chuẩn bị cho một chiến dịch dài ngày phải tổ chức lại với vô vàn khó khăn, thử thách. Nhưng đó là công việc cần thiết để bảo đảm cho thắng lợi của một trận quyết chiến chiến lược.

    Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng dũng cảm và mưu trí với biết bao hi sinh, mất mát, Chiến dịch Điện Biên Phủ đã giành toàn thắng vào chiều ngày 7-5-1954.

    Chiến thắng đó bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ sự chỉ đạo chiến dịch với quyết định thay đổi phương châm tác chiến vô cùng bản lĩnh và sắc sảo của Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch - Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.

    Có thể khẳng định, sự thay đổi đó là một nhân tố quyết định dẫn tới thắng lợi Điện Biên Phủ. 

    Ba là, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng.

    Trước chiến dịch Điện Biên Phủ, quân và dân ta đã mở nhiều chiến dịch lớn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc đã được động viên và phát huy.

    Đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, sức mạnh đó đã được phát huy ở mức cao nhất trong toàn bộ cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

    Phối hợp với Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Tổng tư lệnh, quân và dân ta ở khắp các địa phương trên cả nước, từ Tây Bắc, Liên khu 3, Tả Ngạn, đến Bình-Trị-Thiên, Liên khu 5, Nam Bộ… đều đẩy mạnh các hoạt động phối hợp, liên tiếp tiến công tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giải phóng nhiều vùng đất đai và nhân dân, buộc thực dân Pháp phải phân tán lực lượng khắp nơi để đối phó.

    Bên cạnh đó, các lực lượng thanh niên, phụ nữ khắp mọi miền đất nước đều tích cực tham gia các hoạt động đấu tranh chính trị, phá tề trừ gian, binh, địch vận… phối hợp với Điện Biên Phủ.

    Trận quyết chiến Điện Biên Phủ diễn ra ở địa hình rừng núi hiểm trở, xa hậu phương, có nhiều đèo cao, vực sâu, mạng lưới giao thông chiến lược hầu như chưa có.

    Trong khi đó, miền Tây Bắc vừa được giải phóng, kinh tế chậm phát triển, đời sống của đồng bào còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn.

    Chính vì vậy, để bảo đảm một khối lượng lớn vật chất hậu cần, kỹ thuật cho một chiến dịch lớn chưa từng có và diễn ra dài ngày là điều cực kỳ khó khăn, đòi hỏi phải phát huy cao độ bản lĩnh và trí tuệ của cả dân tộc.

    Trước tình hình đó, Đảng ta đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cả hậu phương và tiền tuyến nhằm cung cấp đầy đủ, kịp thời mọi yêu cầu của bộ đội trong suốt quá trình diễn ra chiến dịch.

    Với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng," tính chung trong chiến dịch, nhân dân ta đã “đóng góp 25.560 tấn gạo, 226 tấn muối, 1.909 tấn thực phẩm, 26.453 lượt dân công, 20.991 xe đạp thồ, 1.800 mảng nứa, 756 xe thô sơ, 914 con ngựa thồ và 3.130 chiếc thuyền.”

    Nhiều nơi do địch đánh phá không làm kịp, để có lương thực kịp thời nuôi bộ đội, đồng bào đồng ý giao cả những rẫy lúa, nương ngô cho các đơn vị tự thu hoạch rồi sau ghi sổ lại.

    Nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn giã gạo vào cả ban đêm cho bộ đội, điều mà trước đó theo phong tục lâu đời rất kiêng kỵ. Chỉ có sự tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, đồng bào mới sẵn sàng đóng góp cho chiến dịch như vậy.

    Đó là một nỗ lực phi thường thể hiện bản lĩnh của một dân tộc, một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu, đang phải tiến hành cuộc kháng chiến cứu nước trường kỳ đầy gian khổ, hi sinh.

    Truyền thống đoàn kết dân tộc, tư tưởng đại đoàn kết Hồ Chí Minh đã được phát huy mạnh mẽ, thể hiện tinh thần cả nước đồng lòng, toàn dân đánh giặc.

    Bên cạnh tinh thần đại đoàn kết và những đóng góp sức người, sức của to lớn cho chiến dịch Điện Biên Phủ, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam còn được thể hiện ở tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn thể dân tộc, đặc biệt là các chiến sỹ xung kích ngoài mặt trận, trực tiếp sống mái với quân thù.

    Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch dài ngày, nơi tập trung những nỗ lực cao nhất của cả hai bên.

    Chính vì vậy, đó là cuộc chiến đấu vô cùng gian khổ với nhiều mất mát, hy sinh. Nhưng dưới sự lãnh đạo, giáo dục, tổ chức và rèn luyện của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nguồn sức mạnh tinh thần vô địch của dân tộc đã được khơi dậy, chuyển hóa thành sức mạnh vật chất để chiến thắng kẻ thù.

    Chính sách giảm tô, cải cách ruộng đất, đem lại ruộng đất cho nông dân, trong đó có nhiều gia đình cán bộ, chiến sỹ ngoài mặt trận đã khơi dậy lòng biết ơn và niềm tin tuyệt đối của bộ đội vào Đảng, Bác Hồ và thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến.

    Bên cạnh đó, thông qua các đợt học tập, chỉnh quân chính trị, phát động căm thù, đặc biệt là sau khi được học tập, quán triệt các mệnh lệnh của Chỉ huy trưởng chiến dịch về tăng cường ý thức chấp hành kỷ luật chiến trường, thực hiện tốt nhiệm vụ và kế hoạch tác chiến chuyển từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc," tinh thần quyết chiến, quyết thắng được nâng cao trong cán bộ, chiến sỹ, tạo nên ưu thế tuyệt đối sức mạnh chính trị tinh thần làm nên thắng lợi của chiến dịch.

    Bốn là, tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước anh em và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, phát huy sức mạnh dân tộc kết hợp sức mạnh thời đại.

    Phải tiến hành cuộc kháng chiến chống lại sự xâm lược của một cường quốc có tiềm lực hơn ta gấp nhiều lần là một thử thách cực kỳ to lớn với dân tộc Việt Nam.

    Vấn đề đặt ra là, với một đất nước còn nghèo nàn, lạc hậu như nước ta, vừa mới giành được độc lập với muôn vàn khó khăn chồng chất, chúng ta sẽ tiến hành cuộc kháng chiến như thế nào, lấy đâu sức mạnh để đánh giặc?

    Với truyền thống anh dũng chống ngoại xâm trong lịch sử, ý chí quật cường của cả dân tộc, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam một lần nữa được phát huy cao độ.

    Trong cuộc chiến đấu không cân sức với kẻ thù xâm lược, với đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện,dựa vào sức mình là chính, với tinh thần tự lực, tự cường, Đảng ta đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát huy cao độ sức mạnh của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, từng bước giành những thắng lợi quan trọng trong cuộc trường kỳ kháng chiến.

    Bên cạnh đó, chúng ta luôn chú trọng tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ quốc tế, làm nhân lên sức mạnh của ta trên con đường đi đến thắng lợi cuối cùng.

    Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp nói chung, chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, Đảng ta luôn coi trọng sự đoàn kết, liên minh chiến đấu chống kẻ thù chung của quân và dân ba nước Việt Nam-Lào-Campuchia anh em.

    Chính nhờ sự phối hợp chặt chẽ đó đã làm cho sức mạnh chiến đấu của ba dân tộc được nhân lên gấp bội, còn kẻ thù thì phải phân tán lực lượng để đối phó với ta trên khắp chiến trường Đông Dương, tạo điều kiện để ta giành thắng lợi ở mặt trận chính Điện Biên Phủ.

    Với quan điểm coi cách mạng Việt Nam là một bộ phận của cách mạng thế giới và luôn kiên định thực hiện đường lối đoàn kết quốc tế trong sáng, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của nhân dân thế giới, nên từ năm 1950, đặc biệt là trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, chúng ta đã nhận được sự ủng hộ to lớn của các lực lượng dân chủ, tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Pháp, và đặc biệt là của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, nhất là Liên Xô và Trung Quốc đối với cuộc kháng chiến chính nghĩa mà nhân dân ta đang tiến hành.

    Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, “Trung Quốc quyết định toàn lực chi viện, chiến trường cần thứ gì, cần bao nhiêu đều cố gắng cung cấp nhanh nhất.”

    Cùng với chi viện về vật chất, vũ khí, trang bị kỹ thuật, Trung Quốc còn giúp đỡ huấn luyện quân sự, bồi dưỡng kiến thức về tác chiến, cử cố vấn sang trực tiếp giúp đỡ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trên lĩnh vực quân sự.

    Riêng trong chiến dịch Điện Biên Phủ, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam 1.700 tấn gạo [bằng 6,8% tổng số gạo dùng trong chiến dịch], 3.600 viên đạn 105 mm cùng 24 khẩu pháo [chiếm 18% tổng số đạn 105 mm dùng trong chiến dịch; một tiểu đoàn DKZ 75, một tiểu đoàn Kachiusa [của Liên Xô] cùng 1.136 viên đạn.

    Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không bao giờ quên sự ủng hộ hiệu quả của Trung Quốc, Liên Xô, của các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

    Chính bằng sức mạnh ấy, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đã giành thắng lợi vẻ vang trong chiến dịch Điện Biên Phủ, kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

    Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự hội tụ của nhiều nhân tố hợp thành, nhưng ngọn nguồn sâu xa của những nhân tố đó chính là bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, được thể hiện qua sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng, Bác Hồ, của những vị chỉ huy tài ba, mưu lược cũng như của toàn thể nhân dân Việt Nam, có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế.

    Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay, bản lĩnh và trí tuệ ấy vẫn luôn là tiềm năng quý giá của dân tộc ta, cần được khơi dậy và phát huy để tạo thành nguồn sức mạnh tổng hợp, đưa sự nghiệp cách mạng vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” đi đến thành công.

Thiếu tướng - Tiến sỹ Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam

Video liên quan

Chủ Đề