Quy trình xử lý dụng cụ y tế

Cập nhật: 14:47 - 10/12/2020 | Lần xem: 8571

Chiều 09/12/2020 vừa qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã tổ chức buổi sinh hoạt Khoa học Kỹ thuật chuyên đề “Tầm quan trọng của khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế trong công tác kiểm soát dịch bệnh” với sự tham gia của các nhân viên y tế.

Theo ThS Nguyễn Hữu Hiền - Quyền Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới “Tất cả các dụng cụ y tế sau khi sử dụng cho chăm sóc và điều trị người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19 đều có nguy cơ lây nhiễm, nếu không được xử lý khử khuẩn-tiệt khuẩn đúng cách và đạt hiệu quả thì sẽ có nguy cơ phát tán và lây nhiễm mầm bệnh vi-rút cho nhân viên y tế và cộng đồng”

Cần phân loại và phân tích các nhóm nguy cơ lây nhiễm qua các nhóm dụng cụ để có biện pháp khử khuẩn - tiệt khuẩn phù hợp. Với các dụng cụ thiết yếu như dụng cụ xâm nhập máu và mô vô khuẩn như: dụng cụ phẫu thuật, dụng cụ thay băng, cắt chỉ, một số dụng cụ hỗ trợ hô hấp phải thực hiện tiệt khuẩn. Với các dụng cụ bán thiết yếu như các dụng cụ tiếp xúc với niêm mạc lành như: dụng cụ hỗ trợ hô hấp, ống soi mềm thì thực hiện khử khuẩn mức độ cao. Với các dụng cụ không thiết yếu như dụng cụ tiếp xúc da lành, ví dụ: dụng cụ thăm khám [ống nghe], lấy dấu hiệu sinh tồn thì thực hiện khử khuẩn mức độ trung bình.

Khi tái xử ly dụng cụ y tế cần tuân thủ các nguyên tắc: [1]Thiết bị và dụng cụ y tế sau sử dụng phải được tái xử lý ngay. [2]Tốt nhất nên sử dụng các loại thiết bị và dụng cụ y tế dùng một lần [ví dụ: các dụng cụ hỗ trợ hô hấp như ống hút đờm, mặt nạ khí dung, dây máy thở, bộ chăm sóc răng miệng...]. [3]Thiết bị và dụng cụ y tế dùng nhiều lần phải được tái xử lý theo đúng quy định của Bộ Y tế. [4]Trong trường hợp sử dụng lại các loại thiết bị và dụng cụ y tế dùng một lần, phải thực hiện tái xử lý theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất và quy định của Bộ Y tế. [5]Trong quá trình tái xử lý, phải đảm bảo chức năng hoạt động của thiết bị và dụng cụ y tế. [6]Đảm bảo có đầy đủ quy trình hướng dẫn tái xử lý cho tất cả các loại thiết bị và dụng cụ y tế tại nơi phát sinh và nơi xử lý dụng cụ. [7]Cung cấp đầy đủ máy móc, trang thiết bị, hóa chất, vật tư tiêu hao, phương tiện phòng hộ cá nhân. [8]Nhân viên làm công tác tái xử lý thiết bị và dụng cụ y tế phải được huấn luyện và có chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo về khử khuẩn tiệt khuẩn. [9]Phải thực hiện và lưu trữ kết quả kiểm tra, giám sát chất lượng tái xử lý thiết bị và dụng cụ y tế; đảm bảo an toàn cho nhân viên y tế; đảm bảo an toàn cho môi trường trong công tác tái xử lý. [10] Phải thực hiện việc thống kê, báo cáo số liệu về công tác tái xử lý, cung cấp thiết bị và dụng cụ y tế dùng để chăm sóc và điều trị người nhiễm/nghi nhiễm COVID-19.

Bên cạnh đó, cũng lưu ý bước làm sạch dụng cụ là sử dụng biện pháp cơ học để làm sạch những tác nhân nhiễm khuẩn và chất hữu cơ bám trên những dụng cụ, mà không nhất thiết phải tiêu diệt được hết các tác nhân nhiễm khuẩn. Đây là bước bắt buộc phải thực hiện trước khi thực hiện khử khuẩn - tiệt khuẩn. Làm sạch ban đầu tốt sẽ giúp cho hiệu quả của việc khử khuẩn hoặc tiệt khuẩn được tối ưu.

Ảnh minh họa [nguồn internet]

Thu Loan - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM [HCDC]

Cập nhật: 12:28 - 19/06/2020 | Lần xem: 4196

Tái sử dụng dụng cụ, vật tư y tế - cấn thực hiện đúng quy trình khử khuẩn, tiệt khuẩn

Chiều 18/6/2020, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đã tổ chức buổi sinh hoạt Khoa học Kỹ thuật chuyên đề “Tái sử dụng dụng cụ, vật tư trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” với sự tham gia của gần 200 nhân viên y tế từ các bệnh viện, cơ sở y tế trong TP.HCM

Chia sẻ tại buổi sinh hoạt, PGS.TS.BS Lê Thị Anh Thư – Chủ tịch Hội kiểm soát nhiễm khuẩn TP. Hồ Chí Minh cho biết: tái sử dụng dụng cụ là thực hành thường gặp, ngay cả với các dụng cụ để sử dụng một lần. Khử khuẩn, tiệt khuẩn sẽ giảm lây nhiễm vi sinh vật qua dụng cụ, giảm nhiễm trùng bệnh viện từ đó tăng chất lượng thủ thuật, phẫu thuật.

Việc tái sử dụng dụng cụ, vật tư y tế phải tuân thủ nguyên tắc chung của khử khuẩn, tiệt khuẩn như: phải đảm bảo dụng cụ sau khi dùng cho mỗi bệnh nhân đều phải được khử, tiệt khuẩn, mức độ khử tiệt khuẩn phụ thuộc vào loại dụng cụ sử dụng và thành phần của loại dụng cụ. Quy trừ khử khuẩn bao gồm: làm sạch, tráng -  làm khô, ngâm hóa chất khử khuẩn, tráng nước vô trùng, làm khô, dự trữ, sau sử dụng. Quy trình tiệt khuẩn dụng cụ bao gồm: thào rời dụng cụ, làm sạch khử khuẩn, kiểm tra, đóng gói, đặt vào lò, tiệt khuẩn. lưu trữ - phân phát, sử dụng.

Trong đó làm sạch là bước quan trọng nhất trong quá trình khử khuẩn dụng cụ, quyết định hiệu quả của việc khử khuẩn và tiệt khuẩn sau đó. Bước làm sạch nhằm loại bỏ vi khẩn, các chất hữu cơ muối và các vết bẩn nhìn thấy được bằng nước, nhiệt, chất kháng khuẩn và bàn chải. Một số thiết bị như cây treo dịch truyền, xe lăn… đôi khi không cần khử khuẩn hay tiệt khuẩn thêm sau khi được làm sạch.

Theo BS Lê Thị Anh Thư, xử lý đúng dụng cụ y tế sau khi sử dụng rất quan trọng. Do đó các cơ sở y tế cần nắm vững nguyên tắc khử khuẩn, tiệt khuẩn để ứng dụng phù hợp cho từng trường hợp. Bên cạnh đó, cần lưu ý trong dịch bệnh, khuyến cáo sử dụng dụng cụ 1 lần rồi bỏ. Với trường hợp muốn xử lý lại để tái sử dụng cần đảm bảo: dụng cụ nguyên vẹn, dụng cụ không còn khả năng lây nhiễm, không được xử lý quá 5 lần và cơ sở y tế chịu trách nhiệm về chất lượng dụng cụ.

Chương trình sinh hoạt Khoa học Kỹ thuật tháng 7 với chuyên đề “Chăm sóc sức khỏe tâm thần trong và sau dịch COVID-19” sẽ được tổ chức vào 13g30 thứ năm 16/7/2020 tại 125/61 Âu Dương Lân, Phường 3, Quận 8.

Toản cảnh buổi Sinh hoạt Khoa học Kỹ thuật tháng 6 tại HCDC

Thu Loan - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM

Chủ Đề