Sau khi thành lập vào thế kỷ thứ 6 tcn tổ chức nào của cộng hòa la mã

Hy Lạp được coi là cái nôi của nền văn minh phương Tây, là nơi sinh của nền dân chủ, triết học, văn học, nghiên cứu lịch sử, khoa học chính trị, toán học và một số ngành khoa học khác; đề tài cho nhiều bộ phim phương Tây và Thế vận hội Olympic.

Từ thế kỷ 8 trước Công nguyên [TCN], Hy Lạp gồm nhiều thị quốc [thành bang] độc lập, được gọi là poleis [số ít là polis - thành phố; chữ polis trong Acropolis có ý nghĩa như vậy], kéo dài tới vùng Địa Trung Hải và Biển Đen.
Các thị quốc Hy Lạp liên kết thành Liên minh Delian [Delian League, thành lập năm 478 TCN].

Vào thế kỷ 4 TCN, vua Argead Philip II [trị vì năm 359–336 TCN] của tiểu quốc Macedonia đã thống nhất phần lớn đất nước Hy Lạp ngày nay. Con trai của ông là Alexander Đại đế [Alexander the Great, trị vì năm 336- 323 TCN] nhanh chóng chinh phục mở rộng lãnh thổ, từ đông Địa Trung Hải đến Ấn Độ, tạo ra một trong những đế chế lớn nhất thời bấy giờ. Từ đây mở ra một thời kỳ đỉnh cao của văn hóa Hy Lạp, ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa La Mã cổ đại và vẫn còn tác động nên các nền văn minh phương Tây.  

Hy Lạp bị Cộng hòa La Mã [Roman Republic, tồn tại năm 509 – 27 TCN] thôn tính vào thế kỷ 2 TCN, trở thành một phần không thể thiếu của Đế chế La Mã [Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN – 476] và vương quốc tiếp theo là Đế chế Byzantine [Byzantine Empire, tồn tại năm 395–1453]. Cả hai đế chế này đều sử dụng ngôn ngữ và văn hóa Hy Lạp.
Về tôn giáo, Chính Thống giáo Hy Lạp [Greek Orthodox Church] xuất hiện trong thế kỷ 1, đã góp phần hình thành bản sắc của Hy Lạp hiện đại và lan truyền văn hóa Hy Lạp tới các vùng đất theo Chính Thống giáo Hy Lạp.

Thế kỷ 15, Hy Lạp nằm dưới sự thống trị của Đế chế Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ [Ottoman Empire, tồn tại năm 1299–1922]. Hy Lạp giành lại độc lập vào năm 1830.

Hy Lạp [Hellenic Republic] là một quốc gia có hệ thống di tích lịch sử phong phú, phản ánh một phần qua 18 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận [đến năm 2019]. 

Tại Hy Lạp có một bán đảo lịch sử được nhiều người biết đến là bán đảo Peloponnese, nằm tại miền nam Hy Lạp. Bán đảo chia thành 3 khu vực hành chính: Peloponnese, Western Greece và Attica.
Khu vực hành chính Tây Hy Lạp [Western Greece] có một vùng lịch sử là Elis hay Ilia, hiện là tỉnh Ilia với thủ phủ là thành phố Pyrgos. Tại đây có di tích của các đô thị cổ Elis, Epitalion và Olympia, nổi tiếng với Thế vận hội Olympic cổ đại, bắt đầu vào năm 776 TCN. 


Bản đồ Hy Lạp và vị trí thành phố Pyrgos, thủ phủ của Tỉnh Ilia, Vùng Western Greece


Không gian Địa điểm khảo cổ Olympia, Hy Lạp 

Olympia nằm trong thung lũng của sông Alfeiós [Alpheus/ Alpheios] ở phía tây của Peloponnese, cách Vịnh Kyparissia trên Biển Ionian khoảng 18 km; có độ cao trung bình 60m so với mực nước biển. Sông Kladeos, một nhánh của sông Alfeiós, tạo thành biên giới phía tây của khu vực.
Olympia tại đây được đặt theo tên của đỉnh Olympus [Mount Olympus], nằm tại phía bắc Hy Lạp, là núi cao nhất ở Hy Lạp với 52 đỉnh và hẻm núi sâu, cao tới 2917m [so với mực nước biển], là một trong những dãy núi cao nhất châu Âu và nổi bật so với địa hình xung quanh và là Khu Dự trữ Sinh quyển Thế giới [năm 1938]. Trong thần thoại Hy Lạp, đỉnh Mytikas của dãy núi Olympus là quê hương của 12 vị thần chính, thuộc tôn giáo Hy Lạp cổ đại, sinh sống. 

Olympia là một thánh địa tôn giáo Panhellenic [Panhellenic Sanctuary] có quy mô lớn và quan trọng của Hy Lạp cổ đại, nơi Thế vận hội Olympic được tổ chức 4 năm một lần trong suốt thời kỳ Cổ điển, từ thế kỷ 8 TCN đến thế kỷ 4 sau Công nguyên. Thế vận hội đã được khôi phục trên toàn cầu vào năm 1894, để tôn vinh lý tưởng hòa bình quốc tế.
Thánh địa [Panhellenic] linh thiêng, có tên là Altis, chủ yếu dành riêng cho thần Zeus, mặc dù các vị thần khác cũng được tôn thờ ở đó. Các trò chơi được tiến hành dưới tên của ông đã thu hút du khách từ khắp nơi trên thế giới Hy Lạp, tạo nên bản sắc của một quốc gia Hy Lạp cổ đại.
Địa điểm khảo cổ Olympia lưu giữ hơn 750 tòa nhà quan trọng. Nhiều tàn tích trong số này vẫn còn tồn tại. Tại đây có tới hơn 70 ngôi đền, cũng như kho đồ lễ, bàn thờ, tượng và các công trình kiến ​​trúc khác dành riêng cho nhiều vị thần.  

Địa điểm này đã từng có người cư trú từ thời Tiền sử. Sự sùng bái tôn giáo thờ thần Zeus phát triển vào khoảng năm 1000 TCN. Hiện không còn di tích kiến trúc nào của thời kỳ này.
Lễ hội Olympic đầu tiên được tổ chức tại địa điểm này vào thế kỷ thứ 8 TCN.
Bằng chứng sớm nhất về hoạt động xây dựng có từ khoảng năm 600 TCN, trong đó có Đền thờ Hera. Thế kỷ 5 - 4 TCN, thời kỳ Cổ điển, là thời kỳ hoàng kim của địa điểm. Trong thời kỳ này, một loạt các tòa nhà tôn giáo và thế tục cũng như những công trình kiến ​​trúc đã được xây dựng, trong đó có Đền thờ thần Zeus.

Cuối thế kỷ thứ 4 TCN, thời kỳ Hy Lạp hóa [năm 323 – 27 TCN], nhiều công trình được xây dựng như Đài tưởng niệm Philippeion với mặt bằng hình tròn kiểu Tholos. Vào khoảng năm 300 TCN, tòa nhà lớn nhất trên địa điểm, Leonidaion, được hình thành để phục vụ những vị khách quan trọng. Do tầm quan trọng ngày càng tăng của các trò chơi, các công trình thể thao khác đã được xây dựng như Nhà đấu vật Palaestra [thế kỷ thứ 3 TCN], Nhà thi đấu [thế kỷ thứ 2 TCN ] và nhà tắm [khoảng năm 300 TCN]. Vào năm 200 TCN, một cổng hình vòm đã được dựng lên tại lối vào sân vận động.

Trong thời kỳ La Mã [năm 27 TCN – 476], những trò chơi được mở cho tất cả công dân của Đế chế La Mã [Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN – 395 sau Công nguyên, sau này phân thành Đế chế Đông La Mã và Tây La Mã]. Một chương trình xây dựng tòa nhà mới và sửa chữa rộng rãi, bao gồm cả Đền thờ Thần Zeus, đã diễn ra.
Vào năm 150 sau Công nguyên, Đài tưởng niệm Nympheum [hay Exedra] được xây dựng.
Vào năm 100 sau Công nguyên, các bồn tắm mới thay thế các nhà tắm cũ thời Hy Lạp và một hệ thống dẫn nước được xây dựng vào năm 160 sau Công nguyên.
Thế kỷ thứ 3 chứng kiến ​​địa điểm bị thiệt hại nặng nề do hàng loạt trận động đất.
Vào năm 267, địa điểm bị các thị quốc lân cận cướp phá. Song lễ hội Olympic vẫn tiếp tục được tổ chức tại địa điểm này cho đến kỳ Olympic cuối cùng vào năm 393. Sau đó hoàng đế La Mã Thiên chúa giáo Theodosius I [trị vì năm 379 – 395] đã ra lệnh bãi bỏ lễ hội. Đền thờ thần Zeus đã bị phá hủy vào khoảng năm 426, trong cuộc đàn áp người ngoại giáo ở cuối Đế chế La Mã, sau một sắc lệnh cấm các lễ hội ngoại giáo của Theodosius II [hoàng đế Đông La Mã, trị vì năm 402- 450].
Xưởng của Pheidias [nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư người Hy Lạp, năm 480 – 430 TCN], nơi đã tạo ra tượng thần Zeus đã biến thành Nhà thờ và địa điểm này là nơi sinh sống của một cộng đồng Cơ đốc giáo.
Các sự kiện Olympic quy mô nhỏ vẫn được tổ chức bí mật cho đến khi bệnh dịch hạch và trận động đất tàn phá nơi này vào giữa thế kỷ thứ 6. Vào đầu thế ký thứ 7, các trận lũ lụt lặp đi lặp lại đã biến các khu định cư cuối cùng tại đây bị bỏ hoang hoàn toàn.

Địa điểm khảo cổ học Olympia được phát hiện vào năm 1766, khám phá và khai quật vào năm 1829. Cuộc khai quật lớn đầu tiên của Olympia bắt đầu vào năm 1875. Những năm tiếp sau, địa điểm tiếp tục được khai quật và phát hiện nhiều di vật lịch sử. 

Khu bảo tồn Olympia, Quận Ilia, Vùng Tây Hy Lạp, Tây Peloponnese tại Thánh địa [Panhellenic] Altis hình thành trong một thung lũng, được tạo ra bởi sự hợp lưu của sông Alpheios và sông Kladeos, trong một khung cảnh tự nhiên tuyệt đẹp và thanh bình.
Thánh địa Altis là trung tâm văn hóa, tôn giáo, chính trị và thể thao quan trọng nhất với lịch sử hình thành từ cuối thời kỳ Đồ đá mới [thiên niên kỷ thứ 4 TCN]. Khu bảo tồn là trung tâm thờ phụng thần Zeus, đứng đầu của 12 vị thần trên đỉnh Olympian.
Tại Thánh địa Altis, khu rừng thiêng và trung tâm của Khu bảo tồn, một số tác phẩm nghệ thuật và kỹ thuật tạo hình đã trở thành một cột mốc quan trọng trong lịch sử nghệ thuật.
Các nghệ sĩ vĩ đại, như Pheidias, với dấu ấn cá nhân của họ về nguồn cảm hứng và sự sáng tạo, đã cung cấp những sản phẩm nghệ thuật độc đáo tại Thánh địa cho thế giới.
Tại đây, Ý tưởng Olympic [Olympic Idea] đã ra đời, biến Olympia trở thành một biểu tượng phổ quát duy nhất của hòa bình và cống hiến phục vụ nhân loại. Ở đây, người ta đề cao lý tưởng hài hòa về thể chất và tinh thần, về cuộc thi cao quý, về cách thi đấu lành mạnh, về việc đình chiến để đảm bảo thành phố đăng cai không bị tấn công, để các vận động viên, khán giả có thể đi đến Thế vận hội và trở về một cách an toàn theo Hiệp ước thiêng liêng [Sacred Truce]; Những giá trị này không thay đổi từ đó đến tận bây giờ.


Phối cảnh tổng thể Khu bảo tồn Olympia, Hy Lạp


Mô hình phục dựng Khu bảo tồn Olympia, Hy Lạp 

Khu bảo tồn Olympia, Quận Ilia, Vùng Tây Hy Lạp, Tây Peloponnese, Hy Lạp được UNESCO tôn vinh là Di sản thế giới [năm 1989] với tiêu chí: 

Tiêu chí [i] : Khu bảo tồn Olympia tại Thánh địa Altis là một trong những nơi tập trung cao nhất các kiệt tác của thế giới Địa Trung Hải cổ đại, là tuyệt tác về tài năng sáng tạo của con người. Nhiều di tích đã không còn, chẳng hạn như Olympia Zeus, một bức tượng thờ bằng vàng và ngà voi của Pheidias, được thực hiện từ năm 438 đến năm 430 TCN và là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Những kiệt tác khác vẫn còn tồn tại: đồ đồng cổ mạ vàng, tác phẩm điêu khắc tại đền thờ thần Zeus, và tác phẩm tượng thần Hermes nổi tiếng của nhà điêu khắc Praxiteles tại Đền Hera. Đây là các tác phẩm điêu khắc lớn và tài liệu tham khảo quan trọng trong lịch sử nghệ thuật. 

Tiêu chí [ii]: Ảnh hưởng của các di tích trên đỉnh Olympia là rất đáng kể: Đền thờ thần Zeus, được xây dựng vào năm 470-457 TCN, là hình mẫu của những ngôi đền theo phong cách Doric vĩ đại được xây dựng ở bán đảo Peloponnese, cũng như ở miền Nam nước Ý và ở đảo Sicily, Ý trong thế kỷ thứ 5 TCN.
Bức tượng nữ thần chiến thắng Hy Lạp - Nike of Paionios, được điêu khắc vào khoảng năm 420 TCN, có ảnh hưởng lâu dài đến những câu chuyện ngụ ngôn mang tính biểu tượng về chiến thắng đến mức nghệ thuật Tân cổ điển của thế kỷ 19 vẫn còn chịu ảnh hưởng lớn; Nhà đấu vật Palaestra [Olympian Palaestra] liên quan đến thời kỳ La Mã, một quảng trường và một không gian mở dành cho việc tập luyện của các vận động viên cũng như một nơi để họ chuẩn bị tinh thần và thể chất trước Thế vận hội, là tài liệu tham khảo kiểu mẫu được Vitruvius [kiến trúc sư và kỹ sư người La Mã, khoảng 80- 70TCN – 15 TCN] đưa ra trong “De Architectura” [Mười sách về Kiến trúc; được coi là cuốn sách đầu tiên về lý thuyết kiến ​​trúc]. Giá trị của công trình như một tiêu chuẩn kiến trúc trong mọi trường hợp là điều không thể chối bỏ. 

Tiêu chí [iii]: Olympia là một bằng chứng đặc biệt về một nền văn minh cổ đại trên bán đảo Peloponnese, cả về thời lượng và chất lượng. Trong các thung lũng, những khu định cư đầu tiên của con người có từ thời Tiền sử, tồn tại từ năm 4000 đến 1100 TCN. Các khu định cư và nghĩa địa đã được khai quật khám phá dọc theo bờ sông Alpheios tồn tại từ thời đại Đồ đồng [Bronze Age, 3300 TCN – 1200 TCN]; cũng như trong các thời kỳ Middle Helladic [Giai đoạn giữa của thời đại Đồ đồng, 2000 TCN– 1550 TCN] và Mycenaean [Giai đoạn cuối của thời đại Đồ đồng tại Hy Lạp; 1750 TCN - 1050 TCN].
Được hiến dâng cho Thần Zeus, Thánh địa Altis là một khu bảo tồn lớn từ thế kỷ 10 TCN đến thế kỷ 4 sau Công nguyên, tương ứng với đỉnh cao của phong trào Olympia, được đánh dấu cụ thể bằng lễ kỷ niệm Thế vận hội Olympic từ năm 776 TCN đến năm 393 sau Công nguyên. Một khu định cư của người Cơ đốc giáo đã tồn tại một thời gian tại Thánh địa Altis vĩ đại, cũng như việc phát hiện ra xưởng của Pheidias dưới tàn tích của một nhà thờ Byzantine là một dấu hiệu nổi bật về sự định cư liên tục của con người, chỉ bị gián đoạn vào thế kỷ thứ 7 sau Công nguyên, do hậu quả của thiên tai.

Tiêu chí [iv] :Olympia là một ví dụ nổi bật về một khu bảo tồn cổ đại tuyệt vời của một thánh địa [Panhellenic], với nhiều chức năng: tôn giáo, chính trị và xã hội, minh hoạ cho một giai đoạn có ý nghĩa trong lịch sử nhân loại.
Các khu bảo tồn cổ đại, chẳng hạn như Đền thờ Pelopion và một dãy Kho đồ lễ thánh [Treasuries] ở phía bắc dưới chân núi Kronions, hiện diện trong các bức tường [Peribolus] của Thánh địa Altis, cùng với ngôi đền chính thờ thần Zeus và Hera. Xung quanh Thánh địa là những cấu trúc xây dựng được sử dụng bởi các thầy tu [Nhà Theokoleon] và chính quyền [Nhà Hội đồng Bouleuterion], cũng như các công trình  công cộng [Prytaneion, nơi gặp gỡ của quan chức và vận động viên], nhà ở [Nhà ở cho vận động viên Leonidaion và Nhà trọ La Mã], nhà ở cho khách quý [Biệt thự Nero] và những cấu trúc thể thao sử dụng cho Thế vận hội Olympic: Sân vận động và Trường đua ngựa [Hippodrome] ở phía đông, các Nhà tắm nước nóng, Nhà đấu vật Palaestra và Phòng tập thể dục Gymnasium ở phía nam và phía tây.

Tiêu chí [vi]: Olympia được liên kết trực tiếp và hữu hình với một sự kiện có ý nghĩa toàn cầu. Thế vận hội Olympic được tổ chức thường xuyên bắt đầu từ năm 776 TCN. Olympiad - khoảng thời gian bốn năm giữa hai lễ kỷ niệm liên tiếp diễn ra vào mỗi năm thứ năm - đã trở thành một phép đo thời gian và hệ thống xác định niên đại được sử dụng trong thế giới Hy Lạp. Tuy nhiên, tầm quan trọng của Thế vận hội Olympic nơi các vận động viên đến từ các thành phố Hy Lạp tại Địa Trung Hải được hưởng lợi từ Thỏa thuận đình chiến thần thánh kéo dài 3 tháng, thể hiện những lý tưởng cao cả của chủ nghĩa nhân văn Hy Lạp: Cạnh tranh hòa bình và trung thực giữa những con người tự do và bình đẳng; Những người được chuẩn bị để vượt qua sức mạnh thể chất của họ trong một nỗ lực tối cao với tham vọng duy nhất là phần thưởng tượng trưng một vòng hoa ô liu. 


Sơ đồ phạm vi Di sản Khu bảo tồn Olympia, Hy Lạp


Sơ đồ hạng mục di tích chính tại Di sản Khu bảo tồn Olympia, Hy Lạp; được phân theo thời kỳ: Thời kỳ Cổ xưa [Archaic Period, màu tím, từ thế 8 TCN đến khi người Ba Tư xâm lược Hy Lạp lần thứ 2 vào năm 480 TCN]; Thời kỳ Cổ điển [Classical Period, màu da cam, từ thế kỷ 5 TCN – 4 TCN; Thời kỳ Hy Lạp hóa [Hellenistic Period, màu vàng, từ khoảng năm 323- 27 TCN]; Thời kỳ La Mã [Roman Period, màu xanh lá cây, từ năm 27TCN – 476] 


Các loại đền thờ Hy Lạp cổ điển; một số loại có mặt tại Olympia, Hy Lạp 


3 thức cột Hy Lạp - La Mã tại Olympia: Doric, Ionic, Corinthia

Di tích Olympia là một quần thể công trình, tựa lưng vào dãy núi Kronos và hướng ra sông Kladeos. Quần thể chia thành hai khu vực, được phân tách bởi các bức tường thành: Khu vực gắn với dãy núi Kronos, nằm tại phía đông và bắc Di sản [di tích ký hiệu từ 1- 19]; Khu vực gắn với sông Kladeos, nằm tại phía tây và nam Di sản [di tích ký hiệu từ 20- 33]. 

Khu vực phía đông và bắc Di sản – Thánh địa Altis
Thánh địa Altis là một khu vực hình tứ giác với chiều dài hơn 183 m mỗi cạnh và có tường bao quanh ngoại trừ phía bắc, được bao bọc bởi núi Kronos. Các hạng mục công trình chính trong Thánh địa gồm: 

Cổng Northwest Propylon
Trong kiến ​​trúc Hy Lạp cổ đại, propylaeon [propylaea] là một cổng hoàng tráng.
Cổng Northwest Propylon [hình vẽ ký hiệu 1], nằm tại phía tây bắc của Thánh địa Altis, trên một bức tường thành, mở ra phía núi Kronos.
Cổng Northwest Propylon được xây dựng vào thời La Mã, hiện chỉ còn lại tàn tích.

Tòa nhà Prytaneion
Tòa nhà Prytaneion [hình vẽ ký hiệu 2], nằm tại phía đông Cổng Northwest Propylon, sát chân núi Kronos. Prytaneion là thuật ngữ được sử dụng cho công trình nơi các quan chức gặp nhau và gặp những vận động viên dành chiến thắng trong Thế vận hội Olympic.

Nhìn chung, tại Hy Lạp cổ đại, mỗi bang, thành phố hay làng mạc đều sở hữu một tòa nhà Prytaneion, đặt tại trung tâm, là nơi lưu giữ ngọn lửa thiêng Olympic, đại diện cho sự đoàn kết và sức sống của cộng đồng.
Ngọn lửa được giữ liên tục, được chăm sóc bởi nhà vua hoặc các thành viên trong hoàng tộc.
Prytaneion vào thời kỳ Cổ điển, là trung tâm tôn giáo và chính trị của cộng đồng, là hạt nhân của tất cả các chính phủ, và là "Ngôi nhà chính thức" của toàn dân. Tại Olympia, Prytaneion là nơi các linh mục và thẩm phán sống.
Công trình được sử dụng để tổ chức lễ kỷ niệm và các bữa tiệc của những người chiến thắng trong các trò chơi Olympic. Đây đặt Bàn thờ Hestia, nơi ngọn lửa Olympic ban đầu từng cháy.
Công trình có mặt bằng hình vuông, bố cục chếch về phía tây nam. Bên trong phân thành nhiều phòng. Nhà có một sảnh hiên với 4 cột trang trí bên ngoài.   


Sơ đồ Tòa nhà Prytaneion, Olympia, Hy Lạp


Tàn tích Tòa nhà Prytaneion, Olympia, Hy Lạp 

Đền thờ Philippeion
Đền thờ Philippeion [hình vẽ ký hiệu 3] nằm tại phía nam Tòa nhà Prytaneion. Công trình có mặt bằng hình tròn, kiểu đền Tholos, là một trong những loại đền thờ Hy Lạp thời Cổ điển.
Trong Đền thờ có các bức tượng bằng ngà voi và vàng của gia đình Philippeion, gồm: Philip II [vua của vương quốc Macedonia cổ đại, trị vì năm 359 – 336 TCN], Alexander Đại đế [Alexander the Great, trị vì năm
336–323 TCN], Olympias [mẹ của Alexander Đại đế, năm 375- 316 TCN], Amyntas III [vua của vương quốc Macedonia cổ đại, trị vì năm 393- 370 TCN] và Eurydice I [nữ hoàng, vợ vua Amyntas III, trị vì năm 393- 369]. Công trình được xây dựng để kỷ niệm chiến thắng của vua Philip trong trận chiến Chaeronea [338 TCN]. 

Đền có mặt bằng hình tròn, đường kính 15m với hai lớp cấu trúc xây dựng: Lớp vòng tròn bên ngoài là một hàng 18 cột Ionic bằng đá vôi; Lớp vòng tròn bên trong là một lớp tường đặc có bổ trụ là 9 cột Corinthian, được thiết kế xa hoa và có một cửa ra vào quay về phía đông. Công trình có mái lợp bằng đá cẩm thạch với các bức chạm khắc.


Tàn tích Đền thờ Philippeion, Olympia, Hy Lạp


Sơ đồ mặt bằng, mặt cắt Đền thờ Philippeion, Olympia, Hy Lạp


Mô hình phục dựng Đền thờ Philippeion, Olympia, Hy Lạp

Đền Hera
Đền Hera [Temple of Hera; hình vẽ ký hiệu 4] nằm tại phía bắc Thánh địa Altis, có mặt bằng là một hình chữ nhật kéo dài.
Đền Hera hay Heraion, là một ngôi đền Hy Lạp cổ xưa, được dành riêng cho Hera, nữ hoàng của 12 vị thần Hy Lạp trên đỉnh Olympus; là nữ thần của hôn nhân, phụ nữ và gia đình, và là người bảo vệ phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ; vợ của thần Zeus.
Đây là ngôi đền cổ nhất tại Thánh địa và là một trong những ngôi đền đáng kính nhất ở Hy Lạp. Ban đầu là một ngôi đền chung của Hera và Zeus, cho đến khi một ngôi đền riêng được xây dựng cho thần Zeus. Chính tại bàn thờ của ngôi đền hướng đông - tây này, ngọn lửa Olympic được thắp sáng và mang đi khắp nơi trên thế giới. Ngọn đuốc của ngọn lửa Olympic được thắp sáng trong đống đổ nát của nó cho đến ngày nay.
Ngôi đền được xây dựng vào khoảng năm 590 TCN, nhưng đã bị phá hủy bởi một trận động đất vào đầu thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên. Ban đầu ngôi đền được làm bằng gỗ, sau đó được thay thế bằng đá, gạch.
Trong thời kỳ La Mã, ngôi đền được chuyển thành một loại kho chứa lễ vật. Ngày nay, nhiều nơi phục dựng các công trình theo mẫu Đền Hera, như một biểu tượng của văn hóa thời Cổ đại. 

Công trình bố cục hướng về phía đông, có mặt bằng kiểu Peripteros [Peripteral, là một loại đền thờ Hy Lạp hoặc La Mã cổ đại, 4 phía xung quanh điện thờ là hàng hiên có cột].
Đền có kích thước 50,01m x 18,76 m, dài hơn và hẹp hơn so với các ngôi đền theo kiểu kiến ​​trúc Doric phổ biến thời bấy giờ.
Phần móng của công trình bằng đá vôi, cột đá, tường bằng gạch bùn và mái được lợp bằng ngói đất nung.
Bao xung quanh công trình là một hàng cột Doric. Mặt đông và tây có hàng 6 cột. Hai bên mặt bắc và nam có hàng 16 cột.
Sau Hàng hiên [Peristyle] là Cổng vào đền thờ [Pronaos] với cột ở hai bên.
Bên trong Điện thờ [Naos/Cella] có hai hàng cột với mỗi hàng 8 cột.
Ngôi đền chắc chắn có hai bức tượng. Tượng thần Hera ngồi cùng với tượng thần Zeus đứng phía sau. Có thể tượng thần Zeus đã chuyển đến Đền thờ thần Zeus.
Tại giữa hai cột bên trong Điện thờ có bệ đặt tượng thần Hermes [một trong 12 vị thần trên đỉnh Olympus của thần thoại Hy Lạp, là con của Zeus và Maia] và thần trẻ sơ sinh Dionysus [còn được gọi là Hermes của nhà điêu khắc Praxiteles [người Hy Lạp vào thế kỷ 4 TCN] hoặc Hermes của Olympia. Hiện bức tượng được trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ học Olympia.
Không gian phía sau Điện thờ [Opisthodomos, nơi lưu giữ các đồ tế lễ của Đền] cũng có Hàng hiên với 2 cột như Cổng vào đền thờ.


Tàn tích Đền Hera với các cột Doric, Olympia, Hy Lạp


Sơ đồ mặt bằng Đền Hera, Olympia, Hy Lạp; Ghi chú: A: Hàng hiên [Peristyle]; B: Cổng vào đền thờ [Pronaos]; C: Điện thờ [Naos/Cella] ; D: Không gian phía sau Điện thờ [Opisthodomos] ; E: Bệ của Tượng thần Hermes.


Bức tượng thần Hermes và thần trẻ sơ sinh Dionysus tại  Bảo tàng Khảo cổ học Olympia.  

Đền thờ Pelopion
Đền Pelopion [hình vẽ ký hiệu 5] nằm tại phía nam của Đền Hera, được cho là thờ Pelops, một nhân vật trong thần thoại Hy Lạp, vua của thị quốc Pisa vùng Peloponnesus, một trong những người sáng lập Thế vận hội Olymia.

Đền được xây dựng vào thế kỷ thứ 4 TCN, mặt bằng hình ngũ giác, có tường đá bao quanh; ra vào thông qua tòa nhà cổng từ phía tây nam. Chính giữa là một gò đồi nhỏ.
Khu đền thờ này đã trở thành một địa điểm để hiến tế động vật ở Hy Lạp thời Cổ điển và tiếp tục sử dụng cho đến thời kỳ La Mã, chỉ ngừng hoạt động với sự ra đời của Cơ đốc giáo.
Để giành chiến thắng trong các cuộc đua Olympia, nhiều người đàn ông trẻ đã đến đây để làm lễ quanh năm.
Hiện tại công trình hầu như bị phá hủy hoàn toàn, chỉ còn lại tàn tích móng và các suy đoán. 


Tàn tích Đền thờ Pelopion, Olympia, Hy Lạp


Mô hình phục dựng Đền thờ Pelopion, Olympia, Hy Lạp  

Đài tưởng niệm Herodes Atticus
Đài tưởng niệm Herodes Atticus [Nymphaeum of Herodes Atticus; hình vẽ ký hiệu 6] nằm tại phía bắc Thánh địa Altis, sát chân núi Kronos.
Nymphaeum tại Hy Lạp và La Mã chỉ một đền thờ tiên nữ hay thần nước. Những di tích này ban đầu là hang động tự nhiên, được cho là nơi cư trú của các nữ thần sông, suối địa phương. Sau này, các hang động tự nhiên được thay thế bằng các đền thờ nhân tạo.
Mặc dù địa điểm Olympya nằm cạnh sông Kladeos, song phần lớn địa hình [cao trung bình 60m] cao hơn nhiều so với cao độ mực nước sông [38m] và nước sông thường xuyên bị ô nhiễm do số đông người sử dụng, nên nhu cầu nước sạch tại đây được đáp ứng chủ yếu bằng nước giếng và nước mưa.
Tại Olympya, để tránh tình trạng thiếu nước cho một số đông du khách, người Hy Lạp – La Mã đã xây dựng các tuyến mương dẫn nước từ các con suối tại thượng nguồn. Kênh chính chạy xuyên qua núi theo các đường hầm, vượt qua các thung lũng trên các cầu cạn. Từ điểm cuối của hệ thống kênh chính hay hệ thống truyền dẫn có hệ thống phân phối, gồm mương, rãnh cấp cho các phòng tắm, hồ bơi, nhà nghỉ, các máng dẫn nước uống dọc theo cạnh của mỗi sân chơi.
Hệ thống này hoạt động hoàn hảo vào thế kỷ thứ 2, thời kỳ Đế chế La Mã [Roman Empire, tồn tại năm 27 TCN – 476]. Ngoài chức năng chính là hệ thống dẫn nước, những công trình hạ tầng này cũng được trang trí bởi các cấu trúc phụ, tượng, đồ đá có hoa văn trang nhã.
Tại điểm cuối của hệ thống kênh chính [song cũng là điểm cao nhất của Khu vực Di sản], người ra xây dựng đền thờ [Nymphaeum] thờ nữ thần sông, suối. Đó cũng chính là Đài tưởng niệm mang tên Herodes Atticus [người Hy Lạp, năm 101- 177 sau Công nguyên]. Ông là nhà hùng biện, thượng nghị sĩ La Mã và kỹ thuật dân dụng, đặc biệt là thiết kế và xây dựng hệ thống cấp nước. Nymphaeum tại Olympia là một trong dự án điển hình của ông.
Tại đây người ta đã phát hiện được đường hầm dẫn nước dài 88m, tại cao độ 55m và cao độ của các bể chứa là 50m. Sự chênh cao độ này tạo ra áp lực nước cho các vòi phun nước tại phía địa hình thấp. 

Đài tưởng niệm Herodes Atticus được xây dựng vào khoảng năm 160 sau Công nguyên. Toàn bộ cấu trúc rộng 33m, cao 13m. Nước được dẫn từ một con suối cách đó 4km. Công trình gồm ba khối chứa nước:

Khối trên cao, tại phía bắc, có mặt bằng hình bán nguyệt. Theo chiều cao phân thành 3 phần. Phía dưới là bể nước hình bán nguyệt. Tiếp theo là một bức tường chắn với các vòi nước chảy vào bể. Trên cùng là một bức tường trang trí với các hàng cột kép cao hai tầng. Giữa hàng cột mỗi tầng là các hốc tròn, bên trong đặt tượng.

Khối giữa, có mặt bằng hình chữ nhật. Theo chiều cao phân thành 2 phần. Phía dưới là một bể chứa nước hình chữ nhật; hai đầu của bể là hai đền nhỏ [Naiskos], mặt bằng hình tròn, có cột đỡ và bên trong đặt tượng. Phía trên là một bức tường chắn với các vòi nước chảy vào bể. Trên bề mặt, chính giữa của bức tường chắn là tượng con bò đực.

Khối dưới cùng là một bức tường chắn thấp với các vòi nước chảy vào rãnh nước, chảy đến các nơi sử dụng. 


Tàn tích Đài tưởng niệm Herodes Atticus, Olympia, Hy Lạp

Sơ đồ Olympia, Hy Lạp với hệ thống cấp nước; Thư viện Nga, 1885


Sơ đồ phục dựng Đài tưởng niệm Herodes Atticus, Olympia, Hy Lạp


Sơ đồ vị trí của 11 hốc tròn và 22 tượng tại phần trên của Đài tưởng niệm Herodes Atticus, Olympia, Hy Lạp


Tàn tích các bức tượng tại Đài tưởng niệm Herodes Atticus; Bảo tàng Khảo cổ học Olympic

Đền Metroon
Đền Metroon [hình vẽ ký hiệu 7] nằm tại phía đông nam Đền Hera.
Đền có cấu trúc theo kiểu đền Peripteros [Peripteral, là một loại đền thờ Hy Lạp hoặc La Mã cổ điển, 4 phía xung quanh điện thờ là hàng hiên có cột] tương tự như Đền Hera, song quy mô chỉ bằng một phần tư. Đền được xây dựng vào cuối thế kỷ 4 TCN.

Công trình bố cục theo hướng đông – tây, hướng về phía đông, rộng 10,62m, dài 20,67m.
Bao xung quanh công trình là một hàng cột Doric. Mặt đông và tây có hàng 6 cột. Hai bên mặt bắc và nam có hàng 11 cột.
Sau Hàng hiên [Peristyle] là Cổng vào đền thờ [Pronaos] với cột ở hai bên.
Bên trong Điện thờ [Naos/Cella] có hai hàng cột với mỗi hàng 4 cột, là nơi đặt tượng Mẹ của các vị thần [Cybele].
Không gian phía sau Điện thờ [Opisthodomos] cũng có Hàng hiên với 2 cột như Cổng vào đền thờ. 


Tàn tích Đền Metroon, Olympia, Hy Lạp


Sơ đồ mặt bằng Đền Metroon, Olympia, Hy Lạp

Kho đồ lễ thánh
Kho đồ lễ thánh [Treasuries; hình vẽ ký hiệu 8] nằm tại phía bắc Thánh địa Altis, sát chân núi Kronos. Kho đồ lễ thánh hay Kho bạc là một dãy các tòa nhà có quy mô nhỏ bao gồm một phòng đơn trước một tiền sảnh với hai cột, giống như một ngôi đền [kiểu Anta] với thức cột Doric.
Từ Tây sang Đông có 12 kho [ký hiệu theo hình vẽ] : I. Sicyon; II. Syracuse; III. Epidamnus]; IV. Byzantium; V. Sybaris; VI. Cyrene; VII. Unidentified; VIII. Altar; IX. Selinunte; X. Metapontum; XI. Megara; XII. Gela. 

Một số kho đồ lễ thánh ban đầu được xây dựng trong suốt thế kỷ thứ 6 TCN, thời kỳ Cổ xưa. Đây là nơi lưu giữ đồ cúng bằng vàng mã có giá trị và cả những vật phẩm giành được trong chiến tranh, thể hiện vị thế và giàu có từ các chính thể, chính trị gia đã tài trợ cho việc xây dựng và gửi đồ tế lễ.
Kho đồ lễ thánh được xây dựng trên bệ nền như một sân thượng tự nhiên ở chân núi.
Kho gần đây nhất được phát hiện là của Syracuse [một thành phố lịch sử trên đảo Sicily của Ý]; được xây dựng để kỷ niệm chiến thắng trước người Carthage [phía tây Địa Trung Hải, tồn tại năm 814 TCN – 146 TCN] vào năm 480 TCN, thời kỳ Cổ điển.


Tàn tích Kho đồ lễ thánh, Olympia, Hy Lạp

Sân vận động
Sân vận động [Stadium; hình vẽ ký hiệu 10] nằm tại phía đông bắc Thánh địa Altis, là địa điểm của nhiều sự kiện thể thao tại Thế vận hội Olympic cổ đại.
Sân vận động đầu tiên được xây dựng vào khoảng năm 560 TCN và chỉ bao gồm một đường đua đơn giản. Sân được tu sửa vào khoảng năm 500 TCN với các nền dốc dành cho khán giả. Sau này, một loạt các môn thể thao đã được thêm vào lễ hội Olympic. 

Sân có lối vào từ phía tây, dọc theo bức tường chắn đất cho Kho đồ lễ thánh [Treasuries]. Chân bức tường này đặt 13 bức tượng bằng đồng được gọi là Zanes. Để vào sân vận động, tất cả vận động viên phải đi qua những bức tượng này, như một lời giáo huấn các vận động viên phải công bằng và trung thực trong thi đấu, nếu không sẽ bị trừng phạt.
Vào Sân vận động phải qua một đường hầm bằng đá, có vòm mái cong che phía trên [Crypt/arched Way; hình vẽ ký hiệu 9].
Đường đua của Sân vận động dài 212,54 m và rộng 30–34 m, chủ yếu phục vụ cho các cuộc đua chạy chung kết, xác định người nhanh nhất thế giới.
Đường đua được làm bằng đất sét cứng. Hai đầu đường đua, tại vạch xuất phát và vạch đích được làm bằng đá, cách nhau khoảng 193m.
Sân có sức chứa 20 ngàn khán giả. Các ghế trên khán đài được làm bằng gạch bùn. Bờ nam của sân có bục dành cho trọng tài, xây dựng bằng đá. Bờ phía bắc có chỗ ngồi dành riêng cho nữ tư tế [priestess] Demeter.


Phối cảnh tổng thể tàn tích Sân vận động, Olympia, Hy Lạp


Tàn tích các bệ đặt các bức tượng giáo huấn Zanes đặt dọc theo bức tường dẫn vào Sân vận động, Olympia, Hy Lạp


Hình ảnh mô phỏng các bức tượng giáo huấn Zanes dọc theo bức tường dẫn vào Sân vận động, Olympia, Hy Lạp; Phía trên những  bức tượng là các tòa nhà thuộc Kho đồ lễ thánh


Tàn tích đường chạy tại Sân vận động, Olympia, Hy Lạp


Tàn tích khán đài của trọng tài tại phía nam Sân vận động, Olympia, Hy Lạp 

Tòa nhà Echo Stoa
Tòa nhà Echo Stoa [hình vẽ ký hiệu 11] nằm tại phía đông Thánh địa Altis.
Tòa nhà như một hành lang có mái che [Stoa], là phần giới hạn tại phía đông của Thánh địa Altis và là ranh giới phía tây của Sân vận động Olympia. Công trình được xây dựng vào năm 350 TCN.

Cấu trúc xây dựng này tương tự như cấu trúc xây dựng của một số tòa nhà [Stoa] tại Địa điểm khảo cổ học Delphi [Archaeological Site of Delphi, Hy Lạp; Di sản thế giới năm 1987].
Công trình dài khoảng 97m, rộng 12m. Tại phía tây là một hàng cột Doric, mở ra bên ngoài. Tại phía đông là bức tường, được trang trí bằng những bức tranh. Đây là không gian để mọi người gặp gỡ và trò chuyện. 

Tại Thánh địa Altis còn có một công trình hành lang có mái che [Stoa] khác là Hestia Stoa [hình vẽ ký hiệu 13], nằm tại phía nam của Tòa nhà Echo Stoa. 


Tàn tích Tòa nhà Echo Stoa, Olympia, Hy Lạp


Hình ảnh mô phỏng Tòa nhà Echo Stoa, Olympia, Hy Lạp 

Đài tưởng niệm Ptolemy II và Arsinoe II
Đài tưởng niệm Ptolemy II và Arsinoe II [Building of Ptolemy II and Arsinoe II; hình vẽ ký hiệu 12] nằm cạnh Tòa nhà Echo Stoa.
Đài tưởng niệm được xây dựng để tôn vinh những vị vua Hy Lạp cai trị Ai Cập: Vua Ptolemy II Philadelphus [trị vì từ năm 284 - 246 TCN] của Vương quốc Ptolemaic [Nhà nước Hy Lạp Cổ đại có trụ sở tại Ai Cập, trong thời kỳ Hy Lạp hóa, tồn tại năm 305 TCN – 30 sau Công nguyên] và nữ hoàng Arsinoë II [trị vì năm 273- 270/268 TCN] của Vương quốc Ptolemaic; vợ vua Ptolemy II Philadelphus.
Đài tưởng niệm được xây dựng với mục tiêu quảng bá vai trò lãnh đạo của vua và nữ hoàng cho những người hành hương tới Thánh địa Olympia.

Đài tưởng niệm được đặt trên một bệ nền dài 20m và rộng 4m. Tại các góc của Đài tưởng niệm có hai cột Ionic cao khoảng 9m, nơi đặt tượng Ptolemy II Philadelphus và Arsinoë II.
Hiện công trình chỉ còn lại tàn tích. Một cột đã được khôi phục lại với chiều cao hoàn chỉnh và bệ cột với các dòng chữ khắc trên bề mặt.   


Tàn tích cột tại Đài tưởng niệm Ptolemy II và Arsinoe II, Olympia, Hy Lạp 

Đền thờ Thần Zeus
Đền thờ Thần Zeus [Temple of Zeus; hình vẽ ký hiệu 15] là một ngôi đền Hy Lạp cổ đại quan trọng nhất, nằm tại trung tâm Thánh địa Altis, dành riêng cho thần Zeus.
Đền bị tàn phá vào khoảng năm 426 sau Công nguyên, trong cuộc đàn áp người ngoại giáo ở cuối Đế chế La Mã, sau một sắc lệnh cấm các lễ hội ngoại giáo của Theodosius II [Hoàng đế Đông La Mã, trị vì năm 402- 450]. Đền tiếp tục bị phá hủy bởi trận động đất năm 522, 551, dẫn đến khu vực này bị bỏ hoang và bị bồi lấp bởi phù sa tới 8m.

Ngôi đền có kích thước mặt bằng 72m x 30m; cao 20,7m, được xây dựng vào năm 489 – 463 TCN, là hình mẫu của ngôi đền Hy Lạp cổ điển với phong cách Doric. Kích thước, quy mô và đồ trang trí của Đền vượt xa bất cứ thứ gì được xây dựng trước đây bên trong Thánh địa Altis.
Công trình được tiếp cận bằng một đoạn được dốc tại phía đông, đặt trên một bệ nền 3 bậc, có mặt bằng kiểu Peripteros [Peripteral, là một loại đền thờ Hy Lạp hoặc La Mã cổ đại, 4 phía xung quanh điện thờ là hàng hiên có cột], tương tự như Đền Hera.
Bao xung quanh công trình là một hàng cột Doric. Mặt đông và tây có hàng 6 cột. Hai bên mặt bắc và nam có hàng 13 cột. Các cột cao 10,43m, đường kính 2,25 tại chân cột, bằng đá vôi địa phương, phủ vữa trắng.
Sau Hàng hiên [Peristyle] là Cổng vào đền thờ [Pronaos] với cột ở hai bên.
Bên trong Điện thờ [Naos/Cella] có hai hàng cột với mỗi hàng 7 cột.
Không gian phía sau Điện thờ [Opisthodomos] cũng có Hàng hiên với 2 cột như Cổng vào đền thờ. Đây là nơi lưu giữ các đồ tế lễ của Đền.
Công trình được xây dựng bằng đá vôi địa phương, được phủ bằng một lớp vữa mỏng, lợp bằng ngói đá cẩm thạch núi Pentelic, được cắt mỏng đến mức một số viên ngói ánh sáng có thể lọt qua.
Từ mép của mái nhà nhô ra 102 con sơn hoặc các đầu thú hình đầu sư tử. Trong đó có 39 chiếc còn tồn tại.
Công trình có nhiều điêu khắc bằng đá cẩm thạch nhập khẩu. Các bức chạm khắc miêu tả các cuộc đua xe ngựa, các vị thần và người.
Đền có tượng thần Zeus nổi tiếng, là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Tượng là hình người khổng lồ ngồi cao khoảng 12,4 m do nhà điêu khắc Phidias [người Hy Lạp, năm 480 – 430 TCN] thực hiện trong xưởng của ông tại địa điểm ở Olympia. Việc hoàn thành bức tượng mất khoảng 13 năm [470–457 TCN] và là một trong những tác phẩm nghệ thuật được tôn kính nhất của Hy Lạp Cổ điển.
Vị thần ngồi trên ngai vàng. Thân thể bằng ngà voi, áo choàng bằng vàng [tượng kiểu Chryselephantine]. Bên trong là khung gỗ. Hình thức của bức tượng không chỉ nhằm mục đích gây ấn tượng về mặt thị giác, mà còn thể hiện sự giàu có và thành tựu văn hóa của những người đã tạo dựng tượng hoặc tài trợ cho việc xây dựng chúng. Việc tạo ra một bức tượng như vậy liên quan đến các kỹ năng điêu khắc, trang sức và chạm khắc ngà voi. Sau khi hoàn thành, các bức tượng yêu cầu được bảo trì liên tục. Bức tượng đã bị phá hủy vào thế kỷ 5 sau Công nguyên.


Tàn tích Đền thờ thần Zeus, Olympia, Hy Lạp


Hình ảnh mô phỏng Đền thờ thần Zeus, Olympia, Hy Lạp


Sơ đồ mặt bằng Đền thờ thần Zeus, Olympia, Hy Lạp


Dãy tượng trang trí trên đầu hồi Đền thờ thần Zeus, Olympia, Hy Lạp; Bảo tàng Khảo cổ học Olympic


Mô phỏng tượng Thần Zeus tại Olympia [Quatremère, năm 1815]

Ngoài các công trình chính nêu trên, tại Thánh địa còn có các di tích khác như: Tòa nhà Hy Lạp [Hellenistic Building; hình vẽ ký hiệu 14] nằm tại phía nam Tòa nhà Echo Stoa và những di tích nhỏ khác tại sân của Thánh địa Altis: Ban thờ Thần Zeus [Altar of Zeus; hình vẽ ký hiệu 16] nằm giữa trung tâm Thánh địa; Ex-voto of  Achaeans [hình vẽ ký hiệu 17]; 18. Ex-voto of Mikythos [hình vẽ ký hiệu 18]; Nike of Paeonius [hình vẽ ký hiệu 19]. 

Khu vực phía tây và nam Di sản – Bên ngoài Thánh địa Altis 

Phòng tập thể dục
Phòng tập thể dục [Gymnasion, hình vẽ ký hiệu 20] nằm tại phía tây Khu vực Di sản, cạnh sông Kladeos, bên ngoài tường thành bao quanh Thánh địa Altis.
Vào thời Hy Lạp Cổ điển, các phòng tập thể dục hoạt động như một cơ sở đào tạo cho các đối thủ trong trò chơi công cộng. Đây không chỉ là nơi tập thể dục và rèn luyện sức khỏe mà còn kết hợp chặt chẽ với giáo dục và y học.
Chỉ những nam công dân trưởng thành [trên 18 tuổi] mới được phép sử dụng Phòng tập thể dục. Các vận động viên luyện tập trong tình trạng khỏa thân. Tại đây, người ta cũng tổ chức các buổi thuyết trình và thảo luận về triết học, văn học và âm nhạc.

Công trình được xây dựng vào thời kỳ Hy Lạp hóa [năm 323- 27 TCN], có mặt bằng hình chữ nhật kéo dài. Chính giữa nhà là một hàng cột.
Hiện công trình chỉ còn lại tàn tích móng. 


Tàn tích Phòng tập thể dục, Olympia, Hy Lạp 

Nhà đấu vật Palaestra
Nhà đấu vật Palaestra [hình vẽ ký hiệu 21] nằm tại phía tây Khu vực Di sản, cạnh sông Kladeos, bên ngoài tường thành bao quanh Thánh địa Altis; bố trí kề liền phía nam Phòng tập thể dục [Gymnasion].
Công trình được xây dựng vào thời kỳ Hy Lạp hóa, thế kỷ thứ 4 – 2 TCN.

Nhà đấu vật được cho là thiết kế tiêu chuẩn trong thế giới Hy Lạp – La Mã. Tòa nhà kiểu Peristyle [ngôi nhà với sân trong], có mặt bằng gần như hình vuông với kích thước 66,35m x 66,75m với bố cục gần theo đúng các hướng bắc, nam, đông, tây. Các dãy phòng bao quanh một sân trong với kích thước mỗi chiều 41m.
Dọc 4 phía sân là hàng hiên với các hàng cột. Dọc theo hàng hiên là các dãy phòng mở về phía sân trong. Cách bố cục này tương tự như doanh trại quân đội, bệnh viện.
Phía bắc của công trình là một đường chạy, nơi các cuộc thi được tổ chức với những người xem ngồi trên hàng ghế dọc theo phía bắc.
Công trình có móng bằng đá, tường trên bằng gạch với trang trí bằng vữa, tường bao bằng gỗ.
Cột trang trí chủ yếu dạng Doric, nhưng cũng có trang trí dạng Ionian và Corinthian cho các ô cửa.


Tàn tích Nhà đấu vật, Olympia, Hy Lạp


Tàn tích Đường chạy tại phía bắc Nhà đấu vật, Olympia, Hy Lạp 

Tòa nhà Theokoleon
Tòa nhà Theokoleon [hình vẽ ký hiệu 22], nằm tại phía tây Thánh địa Altis.
Tòa nhà kiểu Peristyle [ngôi nhà với sân trong]. Các dãy phòng bao quanh sân trong có kích sâu khoảng 4,95m. Sân trong hình vuông rộng khoảng 6,7m. Công trình được xây dựng vào thời Hy Lạp hóa, có thể dành cho thầy tu. 


Tàn tích Tòa nhà Theokoleon, Olympia, Hy Lạp 

Đền Heroon
Đền Heroon [hình vẽ ký hiệu 23] nằm tại phía tây Thánh địa Altis, gần Tòa nhà Theokoleon.
Người La Mã và Hy Lạp thực hành một tính ngưỡng sùng bái anh hùng. Các anh hùng đóng một vai trò trung tâm trong cuộc sống của một thị quốc [polis], mang lại cho thành phố một bản sắc riêng biệt.

Tòa nhà gần như hình vuông bao gồm 1 căn phòng hình tròn [Tholos] với đường kính khoảng 8m và 2 căn phòng hình chữ nhật; được xây dựng vào khoảng năm 450 TCN, thời kỳ Cổ điển.
Căn phòng hình tròn là nơi tôn nghiêm, thờ các anh hùng. Tại đây đã tìm thấy một bàn thờ nhỏ [0,54x 0,38 x 0,37m] bằng tro và đất sét. Sự tôn vinh các anh hùng được thể hiện bằng các chữ bằng sơn và các trang trí bằng những cành ô liu. 


Tàn tích Đền Heroon, Olympia, Hy Lạp


Sơ đồ mặt bằng Đền Heroon, Olympia, Hy Lạp

Xưởng Pheidias và Vương cung thánh đường cổ
Xưởng Pheidias và Vương cung thánh đường cổ [Pheidias' workshop and paleochristian basilica; hình vẽ ký hiệu 24] nằm tại phía nam của Đền Heroon, được xây dựng bởi Phidias hay Pheidias [nhà điêu khắc, họa sĩ và kiến ​​trúc sư người Hy Lạp; khoảng năm  480 – 430 TCN]. Hầu hết các nhà phê bình và sử gia đều coi ông là một trong những nhà điêu khắc vĩ đại nhất của Hy Lạp cổ đại. Ngày nay, một miệng núi lửa trên sao Thủy, đường kính 100 km được đặt tên là Phidias. Một tiểu hành tinh ở Vành đai tiểu hành tinh chính được đặt tên theo Phidias [4753 Phidias].

Đối với người Hy Lạp cổ đại, hai tác phẩm của Phidias vượt xa tất cả những tác phẩm khác: Tượng thần Zeus khổng lồ, được dựng trong Đền thờ thần Zeus trên đỉnh Olympia [là một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại] và Athena Parthenos, một tác phẩm điêu khắc của nữ thần Athena, được đặt trong đền Parthenon ở Athens. Cả hai tác phẩm điêu khắc đều thuộc về giữa thế kỷ thứ 5 TCN.
Một số bản sao và tác phẩm lấy cảm hứng từ các tác phẩm của ông đã được thực hiện.

Xưởng Pheidias, nơi chế tác các bức tượng được khai quật vào năm 1954- 1956. Tại đây đã phát hiện các dụng cụ, khuôn bằng đất nung và các công cụ khác. Khám phá này đã cho phép các nhà khảo cổ học tái tạo các kỹ thuật được sử dụng để làm bức tượng và xác nhận niên đại của các bức tượng. 

Trong cuộc đàn áp người ngoại giáo ở cuối thời Đế chế La Mã gắn với sự ra đời của Cơ đốc giáo, Xưởng của Pheidias đã biến thành Nhà thờ, một Vương cung thánh đường.   


Tàn tích Xưởng Pheidias và Vương cung thánh đường cổ, Olympia, Hy Lạp 

Nhà tắm Hy Lạp
Nhà tắm Hy Lạp [Greek Baths; hình vẽ ký hiệu 26] nằm tại phía tây Thánh địa Altis, sát sông Kladeos.
Đây là một trong những nhà tắm sớm nhất trong khu vực Di sản, được xây dựng trong thế kỷ thứ 5 TCN và tiếp tục phát triển trong suốt quá trình sử dụng.
Nhà tắm Hy Lạp đơn sơ ban đầu với một giếng nhỏ, được biến thành một không gian sang trọng với kiến ​​trúc phức tạp hơn với những đồ trang trí, đồ khảm phong phú. Vào thời kỳ La Mã, hệ thống cấp thoát nước đã được hoàn thiện. Có cả bồn tắm nước nóng và nước lạnh, như thường thấy ở các khu tập luyện và địa điểm thi đấu thể thao. Các nhà tắm của người Hy Lạp được xây dựng để phục vụ nhu cầu của các vận động viên, để tắm rửa sau khi tập luyện hoặc trong Thế vận hội Olympic.
Nhà tắm Hy Lạp đã trải qua nhiều giai đoạn xây dựng và được bổ sung thêm: Hồ bơi, bồn tắm, lò đun nóng nước, lò sưởi; các bồn tắm có nhiệt độ khác nhau, hệ thống khử khói cho sàn có hệ thống sưởi…
Vào thời kỳ La Mã, các nhà tắm được mở rộng quy mô bằng việc xây dựng thêm Nhà tắm Kladeos [Baths of Kladeos; hình vẽ ký hiệu 25]; Phòng tắm phía Nam [South Baths; hình vẽ ký hiệu 30]. 


Tàn tích Nhà tắm Hy Lạp, Olympia, Hy Lạp 

Nơi ở của vận động viên Leonidaion
Leonidaion [hình vẽ ký hiệu 29] nằm tại phía tây Thánh địa Altis. Đây là nơi ở của các vận động viên tham gia Thế vận hội Olympic. Công trình là tòa nhà lớn nhất trong khu vực, được xây dựng vào khoảng năm 330 TCN.

Chu vi công trình là 138 cột kiểu Ionian, tạo thành một hình vuông, rộng khoảng 80m.
Bên trong công trình là một sân trong. Dọc theo 4 mặt sân là một hàng hiên với 44 cột theo phong cách Doric.
Vào cuối thế kỷ thứ ba sau Công nguyên, Leonidaion vẫn còn được sử dụng. Sau đó công trình bị phá hủy trong  một trận động đất. Các vật liệu xây dựng ngôi nhà được lấy đi để xây dựng công trình khác.


Tàn tích Nhà ở của vận động viên Leonidaion, Olympia, Hy Lạp


Sơ đồ mặt bằng Nhà ở của vận động viên Leonidaion, Olympia, Hy Lạp 

Nhà Hội đồng Bouleuterion
Nhà Hội đồng Bouleuterion [hình vẽ ký hiệu 31] nằm tại phía nam Thánh địa Altis, là nơi hội họp các cơ quan lập pháp địa phương và các cuộc họp khác. Phức hợp bao gồm hai tòa nhà chính, một nhà vuông và một nhà hẹp dài như một hành lang tại phía đông. Hai bên là hai dãy nhà phụ có một đầu là hình bán tròn.
Công trình có niên đại từ thế kỷ thứ 6 - 4 TCN.
Bên trong Bouleuterion là bàn thờ và tượng thần Zeus, nơi các vận động viên tuyên thệ trước khi bắt đầu Thế vận hội. 


Tàn tích Nhà Hội đồng Bouleuterion, Olympia, Hy Lạp 

Biệt thự Nero
Biệt thự Nero [Villa of Nero; hình vẽ ký hiệu 33] nằm tại phía đông nam Thánh địa Altis.
Công trình là một trong những biệt thự La Mã cổ đại được xây dựng cho hoàng đế La Mã Nero [trị vì năm 54- 68] vào thế kỷ 1 sau Công Nguyên.  


Tàn tích Biệt thự Nero, Olympia, Hy Lạp 

Ngoài các công trình chính nêu trên, tại Khu vực phía tây và nam Di sản, bên ngoài Thánh địa Altis còn có các di tích khác như: Ký túc xá [Hostels; hình vẽ ký hiệu 27, 28], xây dựng vào thời kỳ La Mã; Tòa nhà South Stoa [South Stoa; hình vẽ ký hiệu 32], là một công trình như hành lang có mái che [Stoa], là phần giới hạn tại phía nam của Khu vực Di sản. 

Di sản Địa điểm khảo cổ học Olympia cùng với Địa điểm khảo cổ học Delphi [Archaeological Site of Delphi, Hy Lạp; Di sản thế giới năm 1987] là hai khu bảo tồn quan trọng nhất tại Hy Lạp. 

Chủ Đề