Tài liệu so sánh văn học

Giáo trình Văn học so sánh đã trình bày những lý luận sâu sắc , kinh điển với một văn phong giản dị dễ hiểu. Ở đây các tác giả chỉ so sánh văn học Phương Tây với văn học Trung Quốc, nhưng do nên văn học Trung Quốc là nên văn học lớn có nhiều ảnh hưởng đối với văn học một số nước phương Đông như Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên… nên có thể coi là các tác giả đã so sánh văn học phương Tây vơi văn học phương Đông vậy.

Cuốn giáo trình văn học so sánh này gồm 4 phần lớn : Lịch sử và tính chất văn học so sánh; Khái quát ly luận văn học so sánh; Nghiên cứu xuyên văn hóa; So sánh văn học Đông – Tây. Phần bốn so sánh thơ ca, tiểu thuyết và hý kịch Đông- Tây

Bộ sách là công trình tập thể của các giảng viên trong Khoa và các nhà nghiên cứu đã tham gia cộng tác với Khoa. Sách được nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ xuất bản và phát hành. Web Khoa Văn học giới thiệu phần "Lời nói đầu" của hai cuốn sách.

NHỮNG CUỘC HỘI NGỘ CỦA VĂN CHƯƠNG THẾ GIỚI

VĂN HỌC SO SÁNH: NGHIÊN CỨU VÀ DỊCH THUẬT

LỜI NÓI ĐẦU

So sánh là thao tác cơ bản của tư duy. Mọi sự vật đều được nhận thức thông qua so sánh. Văn học như một loại hình tư duy bằng nghệ thuật về bản chất là sự so sánh. Tỷ dụ, ẩn dụ, hoán dụ, v.v. là những phương thức ngôn ngữ làm nên văn học. Các tư tưởng về văn học, từ quan niệm mimesis [mô phỏng] của Aristotle thời cổ đại cho tới “văn học là nhân học” thời hiện đại, đều nhấn mạnh vào bản chất so sánh đó.

So sánh cũng là thao tác cơ bản của thưởng thức và phê bình văn học có từ thời cổ đại. Tuy nhiên, phải đến thời cận đại, đặc biệt là từ đầu thế kỷ XIX, khi tư duy khoa học đã hiện diện trong các lĩnh vực nhân văn, trong đó có văn học, thì so sánh mới được ý thức như một phương pháp, và đó cũng là thời điểm khởi đầu cho văn học so sánh. Như vậy cho đến nay, văn học so sánh đã trải qua một lịch sử gần hai thế kỷ. Thế nhưng câu hỏi “văn học so sánh là gì?” và vấn đề số phận, khả năng sinh tồn của nó như một bộ môn, một lĩnh vực, một xu hướng nghiên cứu vẫn không ngừng được đặt ra. Ba định nghĩa được trích ở trên thay cho những đề từ phần nào thể hiện những thay đổi theo thời gian trong cách hiểu về văn học so sánh. Điều này cho thấy văn học so sánh là một môn học luôn nằm trong trạng thái vận động, lúc thăng lúc trầm, nhưng không ngừng tìm tòi và đổi mới để thích ứng với những hoàn cảnh khác nhau của các thời đại.

“Trong khi phác họa quỹ đạo phía trước của văn học so sánh, một cách để xác định vị trí của chúng ta là nhìn về lại quá khứ”. Nhà văn học so sánh Hoa Kỳ David Damrosch đã viết như vậy khi nói về lịch sử gần hai thế kỷ của văn học so sánh trên thế giới.

Ở Việt Nam, văn học so sánh đến khá muộn, phải vào đến đầu thập niên 1970 mới có những bài viết đầu tiên giới thiệu về xu hướng này trong khoa nghiên cứu văn học, và đến thập niên cuối của thế kỷ XX - thập niên đầu thế kỷ XXI thì sự quan tâm tới văn học so sánh ở Việt Nam, nhất là trong các viện nghiên cứu và các trường đại học mới thực sự khởi sắc. Khoa Văn học - khi đó có tên là Khoa Ngữ văn, rồi Khoa Ngữ văn và Báo chí thuộc Trường Đại học Tổng hợp, sau thành Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn thuộc Đại học Quốc gia TP.HCM là một trong những đơn vị sớm đưa môn Văn học so sánh vào chương trình giảng dạy đại học và sau đại học, với người khởi đầu là giáo sư Trần Thanh Đạm lúc đó là Trưởng Bộ môn Văn học nước ngoài. Cuốn tài liệu mỏng Dẫn nhập Văn học so sánh được giáo sư biên soạn và Trường Đại học Tổng hợp TP.HCM ấn hành năm 1995 đã trở thành một tài liệu học tập cho nhiều thế hệ sinh viên. Năm 2002, một hội thảo khoa học với đề tài Văn học so sánh: Nghiên cứu và dịch thuật được tổ chức, kết quả của nó đã được Nhà xuất bản Đại học Quốc gia Hà Nội in thành sách với cùng tên gọi vào năm 2003 - đó là cuốn sách mở đầu cho Tủ sách Những vấn đề Ngữ văn do Khoa Ngữ văn và Báo chí chủ trì. Từ đó cho đến nay đã 16 năm trôi qua, Khoa Ngữ văn và Báo chí đổi tên thành Khoa Văn học và Ngôn ngữ rồi thành Khoa Văn học, Bộ môn Văn học nước ngoài từ năm 2008 đổi tên thành Bộ môn Văn học nước ngoài và Văn học so sánh thể hiện định hướng của Khoa, đưa văn học so sánh trở thành một trong những trọng tâm nghiên cứu và giảng dạy. Các hội thảo quốc tế và hội thảo quốc gia liên quan đến những vấn đề văn học so sánh được tổ chức, các tập sách lớn như Văn học cận đại Đông Á từ góc nhìn so sánh, Văn học Việt Nam và Nhật Bản trong bối cảnh Đông Á do PGS.TS. Đoàn Lê Giang chủ trì phần nào là những kết quả mà Khoa đã có được trong những năm qua, bên cạnh những công trình cá nhân của các giảng viên của Khoa và hàng loạt các luận văn, luận án về đề tài văn học so sánh đã được thực hiện.

Cuốn sách này là sự kế thừa một phần nội dung đã có trong cuốn Văn học so sánh: Nghiên cứu và dịch thuật năm 2003, đồng thời bổ sung những bản dịch và những nghiên cứu mới, được thực hiện bởi các giảng viên và những nhà khoa học đã hoặc đang học tập và làm việc tại Khoa.

Phần đầu của sách là những bài viết và bài dịch giới thiệu các vấn đề chung của văn học so sánh, từ những khái niệm cơ bản đã được nói đến từ rất lâu như văn học so sánh, văn học thế giới, văn học tổng quát, các vấn đề dân tộc và chủ nghĩa dân tộc, đến những vấn đề của thời hiện tại như chủ nghĩa xuyên quốc gia, phiên dịch học, tiếp nhận văn học như những hướng nghiên cứu được các nhà văn học so sánh đương đại quan tâm.

Hai nội dung tiếp theo là những nghiên cứu cụ thể các hiện tượng văn học của thế giới trong mối quan hệ giao lưu ảnh hưởng và quan hệ song song, loại hình. Các bài viết về văn học Việt Nam cổ điển và hiện đại cũng được trình bày trong tương quan so sánh với văn học khu vực, văn học thế giới.

Và cuối cùng, chúng tôi dành những trang kết của sách cho bài viết của cố giáo sư Trần Thanh Đạm như một sự tưởng nhớ và tri ân đối với người đã mở đầu cho hướng nghiên cứu và giảng dạy văn học so sánh của Khoa Văn học. Dù đã được viết cách đây gần 20 năm, nhưng cho đến nay, bài viết vẫn mang tính thời sự, cho thấy những cơ hội, những thách thức và những triển vọng đối với văn học so sánh nói chung cũng như đối với hướng phát triển của Khoa Văn học như một trung tâm của nghiên cứu văn học so sánh ở Việt Nam nói riêng.

Là công trình của một tập thể nghiên cứu, sách cung cấp những thông tin, những cách tiếp cập đa dạng về những hiện tượng văn học cổ điển và hiện đại Việt Nam và thế giới. Hy vọng nó có thể là một tài liệu mang tính công cụ, cần thiết cho những người nghiên cứu văn học, nhất là các sinh viên đại học và sau đại học, đồng thời cũng là một cuốn sách bổ ích đối với những người quan tâm đến văn học.

BAN BIÊN SOẠN

David Damrosch [2006], “Rebirth of a Discipline: the Global Origins of Comparative Studies”, Comparative Critical Studies Vol.3, Issue 1-2, BCLA, tr.99-112.

Chủ Đề