Tại sao phải giúp đỡ người vô gia cư

[Bài viết Ý Kiến không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net.]

Luật sư Khanh, đang sống ở Mỹ, chia sẻ bài viết về những lý do khiến một người Mỹ trở nên nghèo khổ:

Ở Mỹ quả thực có rất nhiều người nghèo. Có một lằn ranh giữa nghèo và khổ ở Mỹ. Người Mỹ nếu nghèo nhưng vẫn có nhà ở thì chưa khổ, nhưng vô gia cư thì rất khổ.

Điều gì khiến người Mỹ rơi vào cảnh vô gia cư? Trước giờ người ta hay nghĩ đến những người bị bệnh tâm thần hay nghiệp ngập. Bây giờ thì số người vô gia cư cứ tăng lên vù vù, đáng nói hơn là rất nhiều người vẫn có việc làm và được trả lương ở mức tối thiểu hay hơn một chút nhưng họ vẫn vô gia cư.

Một mặt là việc giá nhà cửa ở những nơi có việc làm tăng lên quá cao. Nơi tôi sống giá thuê một căn hộ một phòng ngủ lên tới 1.200 USD cho loại rẻ nhất. Một người làm việc với mức lương tối thiểu toàn thời gian sẽ kiếm được khoảng 2.080 USD một tháng. Sau thuế còn chừng 1.872 USD nếu thuê nhà thì còn lại 600 USD mỗi tháng.

>> 'Người Mỹ tích trữ lương thực, không hoảng loạn vơ vét'

Khoản này mà mua thức ăn, quần áo, nhu yếu phẩm, tiền điện nước, xăng xe, bảo hiểm xe hơi, tiền sửa xe... thì thôi rồi, sống sao cho nổi. Còn bảo hiểm y tế là một thứ xa vời.

Nhiều người vì vậy giải quyết bằng cách ở chung với người khác. Người Việt Nam sang Mỹ định cư đa phần đều là do người thân bảo lãnh qua, khi tới nơi sẽ ở với người thân, khi nào đủ lông đủ cánh sẽ dọn ra riêng nhưng lúc nào cũng ở với gia đình. Tức là họ hoặc kết hôn hoặc có sẵn gia đình nhỏ, hai vợ chồng cùng đi làm mới đủ để đắp đổi cho nhau.

Cùng lắm thì có thể thuê nhà chung theo kiểu "share phòng", cái này thì phải có quen biết trong cộng đồng. Có nhiều chủ nhà cho một gia đình thuê, trên thực tế gia đình đó cho thuê lại, một căn nhà tới mấy gia đình sống với nhau. Những người Mỹ rất khó kiếm được một chỗ thuê như vậy cho không quen biết với những người trong cộng đồng.

Với người Mỹ da trắng và da đen, con cái lớn là cha mẹ đẩy ra đường, nhiều người vẫn sống ổn nhưng có nhiều người mãi không tìm được việc tốt do không có trình độ, vì vậy họ vẫn lang thang. Chỉ cần một điều không may như bị bệnh mà không có bảo hiểm là họ sẽ lâm vào tình trạng phá sản, không trả được tiền thuê nhà và bị đuổi. Sau đó thì muốn thuê nhà cũng khó, do không có credit, lại có lịch sử xấu, nên từ chỗ đó sang chỗ vô gia cư chỉ là việc ngày đêm.

>> Nhiều thanh niên Mỹ vẫn tụ tập 'ngu ngốc'

Người Mỹ cũng rất hay ly dị. Đây là một tai họa tài chính rất lớn với nhiều người. Thủ tục ly dị tốn kém, hai người đều thuê luật sư để sát phạt lẫn nhau, khi kết thúc thì cả hai đều cháy túi. Một gia đình hai vợ chồng với đứa con có thể thuê căn hộ giá 1.200 USD mà ở được, nhưng một người đàn ông ly dị vợ, phải chu cấp cho con với mức lương tối thiểu mà thuê căn hộ đó thì làm sao đương nổi? Người Mỹ không có chuyện dọn về ở với cha mẹ khi sa cơ lỡ vận, vậy là họ lại vô gia cư.

Người Việt ở Mỹ xét về thu nhập trên giấy tờ thì thuộc loại nghèo rất nhiều. Trên thực tế thì tính cộng đồng và gia đình giúp người Việt tránh khỏi việc vô gia cư. Người Việt ít ly dị và ở chung với nhau thì đỡ tốn kém. Ai không có vợ có chồng vì lý do nào đó thường hay ở với cha mẹ, anh chị em nếu không đủ tiền để ở riêng.

Có nhiều người cũng rất giỏi trong việc "xin xỏ" chính phủ. Lương lãnh ở một mức nhất định thì có thể xin thêm trợ cấp thực phẩm [food stamp], có con nhỏ lại xin được bảo hiểm của chính phủ [MediCal]. Đây là lợi ích lớn nhất của cộng đồng Việt. Các cơ sở làm ăn, tiệm thẩm mỹ của người Việt thường trả lương ở mức vừa đủ để nhân viên có thể xin thêm của chính phủ, phần còn lại nhận tiền mặt để giúp đỡ lẫn nhau.

Vì vậy nên tuy là cùng thu nhập thấp nên người Việt với sự giúp đỡ của gia đình và cộng đồng nên có thể nghèo nhưng ít khi nào khổ. Nhà cửa thì có thể chật chội nhưng vẫn theo chuẩn Mỹ, tiện nghi và sạch sẽ đều khá. Tiền ăn uống và chăm sóc y tế có trợ cấp thêm của chính phủ, nên dù là có nghèo thì chỉ là nghèo theo kiểu Mỹ.

>>Tại sao hệ thống y tế Mỹ 'lúng túng' với Covid-19?

Những người Mỹ chi xài nhiều thì có nhưng họ ít khi nào lâm vào tình trạng vô gia cư vì chi xài như vậy. Tình cảnh này thường chỉ xảy ra do những tai họa lớn ập tới và họ không được gia đình giúp đỡ. Tình trạng sinh một con và ít gần gũi với gia đình càng làm vấn đề tồi tệ thêm.

Như phi công Anh ở Việt Nam chẳng hạn, anh này bị bệnh Covid-19 một cơn, hỏi tới người thân thì chẳng còn ai cả. Nếu chẳng may anh này ở Mỹ thì cái đống nợ chữa bệnh khiến anh phá sản là cái chắc, công việc phi công chưa chắc đã làm được tiếp, và mất sức lao động như vậy thì e là sẽ không được làm việc gì khá hơn. Nếu không được giúp đỡ thì anh này hoàn toàn có thể lâm vào tình trạng vô gia cư.

Nghèo khổ dù vẫn làm việc siêng năng là một vấn nạn mới mà nước Mỹ đang dần phải đối mặt. Nó là sự kết hợp giữa việc bảo hiểm y tế gắn liền với việc làm, khiến cho ai thất nghiệp mà bị bệnh thì tan nát cả cuộc đời. Nó còn là việc các thành viên trong gia đình và cộng đồng không có thói quen giúp đỡ lẫn nhau, và sau cùng là việc người Mỹ coi trọng những cảm xúc cá nhân hơn việc bản thân giàu nghèo thế nào.

>>Trump sợ kinh tế Mỹ 'mắc dịch' trước người dân

Điều sau cùng là một bí ẩn của người Mỹ mà người Việt ít khi nào nhìn thấy. Bản thân tôi cũng không nhìn thấy cho tới khi tôi dự một sự kiện mà trong đó các luật sư dành một tiếng đồng hồ miễn phí để nhận các cuộc điện thoại của người dân trong thành phố và trả lời các câu hỏi của họ. Hơn 50 luật sư trong một căn phòng với hơn nghìn cuộc gọi, tất cả các cuộc gọi đều là của những người ly dị rồi phá sản, bệnh tật và phá sản, và hỏi tới cha mẹ anh em thì ai cũng không còn, không có, hay họ cũng nghèo. Nói chung, cái sự nghèo của Mỹ nó rất khác so với cái nghèo trong tâm trí của người Việt.

>> Bài viết cùng tác giả: 'Sáng chế' của nông dân - nỗi oan cho giáo sư, tiến sĩ Việt

    Đang tải...

  • {{title}}

>>Chia sẻ bài viết của bạn cho trang Ý kiếntại đây.

Khanh

Vì sao người Mỹ thu nhập 100 nghìn đôla vẫn được nhận trợ cấp

Nỗi sợ của những người Mỹ không bảo hiểm y tế

TIỂU SAN

Dù có thể còn nhiều xáo trộn thời gian tới, song ít ra, sau bốn năm không nhà cửa, David Brooks đã có việc làm và hiện sống trong nhà lưu động tại một khu vực tương đối an toàn ở San Francisco [Mỹ]. Đối với Brooks, cũng như nhiều người nghèo khổ khác, những sáng kiến của các doanh nghiệp xã hội tại “xứ cờ hoa” là rất cần thiết, trong bối cảnh San Francisco đang “vật lộn” với cuộc khủng hoảng vô gia cư ngày càng trầm trọng.

Như nhiều cư dân khác, lập trình viên mới vào nghề David Brooks khao khát gia nhập lực lượng lao động công nghệ tại San Francisco, với tư cách là một kỹ sư. Anh tin rằng, sự đồng cảm và khả năng thích ứng khó khăn - những kỹ năng sống được mài giũa trong bốn năm vô gia cư sẽ mang lại cho anh một lợi thế.

Brooks may mắn được truyền đạt các kiến thức về công nghệ thông qua một tổ chức phi lợi nhuận địa phương có tên Code Tenderloin, được thành lập nhằm cung cấp các khóa học về mã hóa, đồng thời giúp đỡ người vô gia cư và các nhóm người dễ bị tổn thương khác tìm việc làm. Chia sẻ trong một buổi dạy kèm cho sinh viên tại văn phòng của công ty công nghệ nằm ở trung tâm thành phố, Brooks cho hay, những khó khăn dành cho người vô gia cư là vô cùng đáng sợ.

Năm 2013, cựu chiến binh Del Seymour quyết định thành lập Code Tenderloin, tổ chức đã hỗ trợ Brooks và cung cấp các cơ hội làm việc khác cho người vô gia cư. Trước đó, sau khoảng 18 năm sống trên đường phố, Seymour quyết định đến Tenderloin, khu vực có các khách sạn bình dân và là “trung tâm” của người vô gia cư tại San Francisco.

Theo Seymour, tổ chức Code Tenderloin đã giúp đỡ 1.500 người, nhưng hiện các khu nhà đã đầy và không còn chỗ để xây dựng những nơi ở mới. “Thách thức lớn nhất với chúng tôi là đưa học viên vào các cơ sở cư trú. Bạn không thể làm việc khi sống bên ngoài”, Seymour cho biết. Người sáng lập Code Tenderloin thừa nhận rất khó để chấm dứt tình trạng vô gia cư, song đang nỗ lực để giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

San Francisco đang là một trong những thành phố có giá thuê nhà cao nhất ở Mỹ, trung bình căn hộ một phòng ngủ có giá thuê vào khoảng 3.700 USD/tháng, nhiều hơn gần 1.000 USD so thành phố New York. Các dữ liệu thống kê cho thấy, tháng 1-2019, đã có hơn 8.000 người vô gia cư sống ở San Francisco. Theo Jennifer Friedenbach, Giám đốc điều hành nhóm vận động xã hội Liên minh về vô gia cư, con số thực tế có thể còn cao hơn nhiều.

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng vô gia cư chưa có dấu hiệu “giảm nhiệt”, các tổ chức, doanh nghiệp xã hội tại San Francisco đã và đang triển khai nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả. Lava Mae, một nhóm phi lợi nhuận địa phương, đã điều hành hệ thống phòng tắm và nhà vệ sinh di động cho người vô gia cư. Tổ chức này cũng đã cung cấp 75.000 vòi hoa sen kể từ khi ra mắt vào năm 2014 và hiện mở rộng hoạt động tới Los Angeles, nơi cũng đang gặp nhiều thách thức tương tự. Lava Mae hoạt động với phương châm “nếu bạn không thể giữ mình sạch sẽ, bạn sẽ mất đi giá trị bản thân và không thể tiếp cận các cơ hội mang lại công việc và nhà ở”.

Dù đang đẩy mạnh sáng kiến giúp đỡ người không nhà ở, song Doniece Sandoval, người sáng lập Lava Mae, tin rằng người dân mong chờ sự thay đổi và các biện pháp hỗ trợ một cách có hệ thống, hơn là chỉ dựa vào các doanh nghiệp xã hội. Theo Sandoval, sức mạnh tổng hợp giữa các khu vực công và tư nhân là vô cùng cần thiết.

“Các doanh nghiệp xã hội đã đi tiên phong, đem đến những ý tưởng mới mẻ và các giải pháp linh hoạt hơn để giải quyết các góc độ khác nhau của cuộc khủng hoảng vô gia cư”, Sandoval cho biết. Người sáng lập Lava Mae kỳ vọng giới chức thành phố và đại diện các tổ chức sẽ cùng ngồi thảo luận để tìm ra các biện pháp mới, đáp ứng mong mỏi về một nơi che mưa nắng của người dân.

Video liên quan

Chủ Đề