Tâm ở đâu kinh Thủ Lăng Nghiêm

Tác giả: Bảo Minh Trang.  
Xem: 15159 . Đăng: 31/12/2014In ấn

Tác giả: Bảo Minh Trang

A. Dẫn nhập

Kinh Thủ Lăng Nghiêm là bộ kinh thuộc hệ tư tưởng thượng thừa liễu nghĩa và là Tâm Ấn bí mật đại tổng trì môn của chư Phật Như Lai, bao gồm toàn bộ hệ thống giáo lý nhân quả, mê ngộ, chơn vọng, Thánh phàm của tất cả Đại Tạng. Kinh soi chiếu rõ ràng giúp chúng sinh thấy sự sai khác của chánh tà trong quá trình tu chứng và tình trạng điên đảo của luân hồi cũng như thấu triệt cả nguồn nhất tâm, bao gồm cả vạn pháp một cách rộng lớn và đầy đủ. Tam Luận Toàn Tập nói: “Nếu không có cái ta [cái ngã] Thì làm sao có sở hữu của ta [ngã sở] được? Chấm dứt cái và sở hữu của cái ta, thì gọi là đạt được cái trí tuệ Vô Ngã”. [1]Học Kinh Thủ Lăng Nghiêm sẽ giúp con người phá đi chấp ngã, không còn bám luyến vào những cái Giả không thật như Kinh Kim Cang nói: “Pháp thượng ưng xả, hà huống phi pháp”[2]. Pháp Vô Thượng Chánh Giác còn phải bỏ huống gì là phi pháp, muốn đi đến bến bờ giải thoat phải phá đi cái Chấp cố hữu của con người, sống bằng cái Chơn Tâm Thường Trú, Phật và chúng sinh thật ra vẫn đồng một thể tánh chơn tâm, nhưng chư Phật đã hoàn toàn giác ngộ được thể tánh ấy. Ngược lại, chúng sinh vì mê lầm thể tánh chơn tâm nên suốt đời sống trong điên đảo khổ đau và phải chịu trầm luân trong biển sanh tử luân hồi. Vì thế chủ yếu của Kinh không ngoài mục đích xác định rằng còn phiền não khách trần là còn điên đảo khổ đau và phủi hết phiền não khách trần là có an lạc Niết bàn.

Như vậy khi đạt đến Thủ Lăng Nghiêm Đại Định thì tất cả vũ trụ, nhân sinh, hết thảy muôn pháp, nhân quả trước sau đều hiện rõ trong tâm, bởi thế mới có câu: “khai trí tuệ là kinh Lăng Nghiêm”. Đối tượng cứu cánh của Kinh Thủ Lăng Nghiêm là Chơn Tâm Thường Trú, Thể Tánh Tịnh Minh. Cho nên người học Thủ Lăng Nghiêm phải nhớ rõ câu này:

“Công dụng của Thủ Lăng Nghiêm là hàng phục phiền não trần lao để trở về Chơn Tâm Thường Trú, Thể Tánh Tịnh Minh ấy. ”.[3]

 1. Lý do chọn đề tài

Đối tượng cứu cánh của Kinh Thủ Lăng Nghiêm là: Chơn Tâm Thường Trú, Thể Tánh Tịnh Minh, công dụng của Thủ Lăng Nghiêm là hàng phục phiền não trần lao để trở về với cái tâm chân thật của mình. Cho nên đề tài con [người viết] xin chọn là: “ Nhận Diện Chân Tâm”

2. Phạm vi đề tài

Tìm hiểu về cái chân tâm thì thâm sâu diệu vợi, còn sự hiểu của con thì kém cỏi nông cạn, nên xin giới hạn đề tài ở những mục sau:

- Tìm hiểu sự ngộ nhận giữa chân tâm và tri giác

- Tri giác phân biệt không phải là tâm

- Nhận xét các quan điểm trên.

3. Cơ sở tài liệu   

Để hoàn thành Tiểu Luận này con đã dựa vào các tài liệu của các bản dịch nổi tiếng như Lược Giảng Kinh Lăng Nghiêm của Hòa Thượng Thích Duy Lực, Kinh Thủ Lăng Nghiêm của Hòa Thượng Tuyên Hóa, Thủ Lăng Nghiêm của Pháp Sư Từ Thông, Kinh Thủ Lăng Nghiêm bản dịch của Tâm Minh và các bài giảng của Giảng Sư cùng một số tài liệu khác v.v…

4. Phương pháp nghiên cứu

Bài Luận văn được trình bày theo phương pháp luận giải thích, chứng minh cùng với phương pháp phân tích để làm sáng tỏ những tính chất đặc thù của đề tài được nghiên cứu. Mặc dù dựa trên tư tưởng giáo lý của Phật giáo làm chuẩn, đồng thời cộng thêm những tác phẩm, các văn bản rất có giá trị. Và đã cố gắng hết sức để trình bày nhưng cũng không khỏi sai lầm vì sự thô thiển yếu kém, kính mong thầy Giáo Thọ hoan hỷ chỉ dạy cho con.

B. Nội dung

* Nhận diện chân tâm

1. Chỉ rõ tính thấy

- Chương 2 khẳng định tâm là hệ quy chiếu Niết-bàn và sinh tử.

Niết bàn đỉnh cao nhất, các cảnh giới phàm và Thánh đã xuất hiện trong bản Kinh này và do đó vị trí của tâm được bản Kinh khẳng định quan trọng nhất, vì trong bất cứ bộ Kinh nào của Phật giáo cũng đề cập đến cái tâm. Mở đầu Kinh Pháp Cú cũng nhấn mạnh đến tâm:

“Tâm dẫn đầu các pháp.

Tâm là chủ tạo tác.

Nếu nói hay hành động,

Với tâm niệm thanh tịnh,

An lạc liền theo sau,

Như bóng chẳng rời hình”.[4]

Câu Kinh nói lên sức mạnh mãnh liệt của tâm, có nghĩa là Thánh phàm duy tâm tạo, làm ma hay Phật cũng đều do tâm: “Tâm tính bản lai thanh tịnh, không có tán loạn, không có lay động, không có dời đổi, không do công phu mà có, đó là cái Định Thủ Lăng Nghiêm. Chúng sinh mê lầm không nhận được chân tính, chấp có tâm ta riêng biệt, theo thân theo cảnh mà sinh ra phiền não, tạo ra nhân duyên luân hồi, sống rồi chết, chết rồi sống, mãi mãi trong ba cõi. Chư Phật, Bồ tát nhận biết tâm tính, tức cái tính bản lai của sự vật, duyên khởi theo nhân quả rèn luyện trí tuệ theo đạo lý ấy, gột rửa các điều mê lầm, thì trực nhận chân tâm kiến tính, và chứng được Thủ Lăng Nghiêm”.[5]

Vì thế toàn bộ sức mạnh của chương này nhấn mạnh đến việc thảo luận triết học về vị trí của tâm để  đưa chúng sinh đến cảnh giới giải thoát, qua bảy lần Tôn giả A Nan lần lượt trình bày về tâm và lần lượt bị Phật phủ bác:  tâm ở trong thân, ngoài thân, sau mắt, ở trong thân khi nhắm mắt, ở chỗ nào có suy nghĩ, ở chặn giữa, không dính dáng gì với mọi sự vật hiện tượng. Nếu chúng sinh giác ngộ tất cả pháp hữu vi đều do phân biệt biến hiện, không theo các phân biệt thì đoạn được cái duyên làm cho các chủng tử mê lầm, sinh ra các pháp hữu vi, như thế, thì cái tánh điên của tự tâm, tức là cái nhận thức mê lầm tự hết, hết mê lầm tức là cái tâm tính bản lai thanh tịnh hiện tiền. Tâm tính Như Lai Tạng có sẳn ở chúng sanh mà chúng sanh không tự biết, như người có ngọc trong áo mà không hay, đến khi nhờ Phật chỉ dạy, không theo nhưng phân biệt giả dối, liền nhận được Như Lai Tạng tính đầy đủ diệu dụng rộng lớn, mới biết, mọi người đều sẳn có Như Lai Tạng tính chỉ cần khai sáng mà thôi.

Thông qua bảy lần này, đức Phật gởi đến Tôn giả A Nan và tất cả chúng ta một thông điệp tánh thấy của chơn tâm là thường trú. Mặc dù quy luật mọi hiện tượng đều bị chi phối bởi vô thường, cái thấy chưa từng bị đánh mất. Vì: “Tự tánh vốn bất nhị, nếu chấp theo lời Phật, cho “thật chẳng ở trong” là nhị, cho “thật chẳng ở ngoài” cũng là nhị cho đến bất cứ có ở một chỗ nào, hay chẳng ở chỗ nào đều là nhị. Tại sao?. Vì nếu có ở một chỗ này thì những chỗ kia không có, chỗ có chỗ không tức là nhị. Nên Phật nói: Phàm hữu ngôn thuyết giai phi thật nghĩa [Phàm có lời nói chẳng phải là nghĩa thật]”. [6] Cái gì mà con người có thể dùng ngôn ngữ để mặc định thì không phải là chân lý tuyệt đối, chỉ là chân lý tương đối. Chấp vào chân lý tương đối là sai lầm về phương pháp luận.

 Tôn giả A Nan đã 7 lần chỉ tâm đều không trúng, vì Ngài chấp vọng tưởng làm tâm, nên đều bị Phật bác cả. Lần thứ hai Tôn giả đứng dậy chắp tay kính lạy, cầu Phật chỉ dạy phương pháp tu hành để thoát ly sanh tử luân hồi.

Phật vì Ngài A Nan và đại chúng mở rộng phương tiện gạn hỏi tâm lần thứ hai, và bảo Ngài A Nan phải phân biệt rành rẽ cái nào là chân tâm và cái nào là vọng tâm.

Phật dạy :

“Ông nay muốn đặng đạo vô thượng Bồ đề, thì điều cần nhất là phải hiểu rõ hai món căn bản. Tất cả chúng sanh từ vô thỉ đến nay điên đảo nhiều cách, giống nghiệp tự nhiên nhóm lại như quả ác xoa. Những người tu hành không thành được đạo Vô Thượng Bồ Đề, đến nỗi lại thành Thanh Văn, Duyên Giác hoặc thành ngoại đạo, Chư Thiên, Ma Vương hay bà con Ma, đều do không biết hai chữ cỗi gốc, tu tập sai lầm, cũng như nấu cát mà muốn thành cơm, dầu trải nhiều kiếp như vi trần, rốt cuộc vẫn không thể thành được. Thế nào là hai thứ cỗi gốc? A Nan, một là cái cỗi gốc sống chết vô thỉ, tức như ông ngày nay cũng các chúng sinh dùng cái tâm phan duyên mà làm tự tính. Hai là cái bản thể bản lai thanh tịnh Bồ Đề Niết bàn vô thỉ thì như hiện nay cái tính bản minh thức tính của ông, sinh ra các duyên mà bị bỏ rơi. Do các chúng sinh bỏ rơi cái bản minh ấy, nên tuy cả ngày sống trong bản minh mà không tự giác, oan uổng vào lục đạo”.[7]

  Nhận xét 1: Điên đảo là nhận thức đảo ngược, tức nhận thức không nhận thức đúng với bản chất sự việc đưa đến điên đảo tà kiến. Mọi hình thức nhị nguyên trên nền tảng chấp ngã, đã tạo thành nghiệp tham, đưa đẩy con người vào cảnh giới luân hồi. Nói chúng ta và chúng sanh hàng ngày sử dụng cái tâm phan duyên mà lầm cho đó là tự tánh của mình. Không biết rằng: “Cội gốc sống chết vô thỉ tức là cái quan điểm sai lầm nhận cái tâm phan duyên làm tâm tính của mình. Cái tâm phan duyên tức là cái tâm biết cái này nghĩ cái khác, do duyên với tiền trần mà có, theo tiền trần mà thay đổi và đến khi không có tiền trần thì hình như không còn gì nữa. Cái gốc giác ngộ là thể tính thanh tịnh Bồ đề Niết bàn vô thỉ, tức là cái tâm tính duyên hiện ra tất cả sự vật, nhưng hiện ra bị chúng sinh bỏ rơi vì mảng theo với tiền trần không biết cách trực nhận”.[8] Bảy cách phá chấp tâm của chương I, đức Phật đã dùng hình ảnh đảo ngược của nhận thức để chúng ta hình dung rằng, mọi nhận thức dựa vào thế giới nhị nguyên đều dựa trên nền tảng chấp ngã và chấp pháp, từ đó đẩy con người vào các cảnh giới sai lầm điên đảo. Trong Kinh Kim Cang đức Phật dạy: “Ưng vô sở trụ, nhi sinh kỳ tâm” [9] để chỉ cái tâm thường phân biệt mà thường giải thoát. Người học Phật phải nhận thức rõ điều này, cho nên những ẩn dụ của đức Phật đưa ra để chúng sanh nhận thấy được cái sai lầm của tính chấp. Vì rằng khi nêu lên bảy chỗ gạn hỏi, ý Phật là muốn đưa Ngài A Nan đến chỗ tự ngộ, lời Phật chẳng phải chơn lý, Phật chỉ dùng thuốc giả để trị bịnh giả của Ngài A Nan. Tại sao gọi là bệnh giả? Vì những kiến chấp của Ngài A Nan chẳng phải thật. Tại sao nói thuốc giả? Vì lời phá chấp của Phật cũng chẳng phải thật. Kinh Kim Cang nói: Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức là thấy Như Lai” [10] Như Lai này là bất sanh bất diệt ở trong mọi người. Nếu tâm dấy động là tâm sanh diệt, chấp tâm sanh diệt làm tâm mình, đó là tướng sanh diệt dẫn mình đi trong luân hồi. Trái lại các niệm sanh diệt lặng xuống, đó mới là Như Lai bất sanh bất diệt.

2. Ẩn dụ thấy nắm tay

Sau khi phân tích nhận diện bảy điểm sai lầm là tâm thường trú, Như Lai giơ cánh tay sắc vàng co năm ngón tay, bảo A Nan có nhìn thấy chăng ?  A Nan: Con thấy Như Lai giơ tay, co ngón tay thành nắm tay sáng ngời, chói tâm và mắt con.

- Phật: Dùng cái gì để thấy?

- A Nan: Con và đại chúng đều dùng mắt thấy.

- Phật: Theo lời ngươi đáp, Như Lai co ngón tay thành nắm tay sáng ngời tương phản vào mắt của ông, vậy lúc tay chiếu sáng,  mắt ông thấy được, nhưng ông lấy cái gì tâm để đối đãi với cái nắm tay chói sáng của Như Lai?

- A Nan: Con dùng tư tưởng để suy tìm, thì cái hay suy tìm ấy, con cho là tâm.

- Phật: Sai rồi, cái ấy chẳng phải chân tâm ông.

Khi Tôn giả A Nan nghe đức Phật bảo cái ấy chẳng phải là tâm thì giật mình kinh sợ, hoảng hốt thưa rằng: Cái ấy không phải tâm con thì gọi là cái gì?

Đức Phật dạy rằng: “ Cái ấy là tưởng tượng những tướng giả dối tiền trần, nó làm mê lầm chân tính của ông. Do từ vô thỉ cho đến đời nay, ông nhận tên giặc ấy làm con, bỏ mất bản tính bản lai thường trụ nên phải chịu luân hồi”.[11] Đức Phật dạy tiếp rằng: Các pháp biến sinh là duy tâm biến hiện, tất cả nhân quả thế giới, vi trần, đều nhân cái tâm thành có thể tính. A Nan như trong các thế giới hết thảy sự vật hiện có, cả đến ngọn cỏ, lá cây, sợi dây, thắt nút, gạn xét cội gốc, đều có thể tính, dẫu cho hư không cũng có tên, có tướng, huống chi cái tâm sáng suốt thanh tịnh nhiệm mầu, làm cho hết thảy sự vật có thể tính mà tự mình lại không có thể tính. Nếu ông quyết chấp cái tính hay biết suy xét phân biệt là tâm của ông thì cái tâm ấy phải rời sự nghiệp các trần sắc, thanh, hương, vị, xúc, riêng có toàn tính, như hiện nay ông vâng nghe pháp âm của tôi, đó là nhận cái tiếng mà có phân biệt, dầu cho diệt hết tất cả cái thấy, nghe, hay biết, bên trong nắm giữ cái u nhàn, không biết, không nghĩ thì đó cũng còn là sự phân biệt bóng dáng pháp trần mà thôi.

Chẳng phải tôi bảo ông chấp cái ấy không phải là tâm, nhưng ông phải chính nơi tâm ông, suy xét chín chắn, nếu rời tiền trần có tính phân biệt, thì đó mới là tâm của ông. Nếu tính phân biệt rời tiền trần, không còn tự thể thì nó chỉ là sự phân biệt của bóng dáng tiền trần. Tiền trần không phải là thường trụ, khi thay đổi diệt mất rồi, thì cái tâm nương vào tiền trần ấy cũng đồng như lông rùa sừng thỏ và pháp thân của ông cũng thành như đoạn diệt, còn gì mà tu chứng vô sinh pháp nhẫn. [Tâm Minh, Kinh Thủ Lăng Nghiêm -2013]

Nhận xét 2: Nếu so sánh với bảy nhận xét tâm trong chương đầu tiên, lời nhận xét và phản biện của tôn giả Anan không có gì mới, vẫn cho cái tâm thấy nghe...biết, tức các phản ứng giác quan chính là chân tâm. Đang khi đức Phật cho rằng các phản ứng giác quan chỉ là sóng trên bề mặt đại dương tâm, sóng dĩ nhiên không không tách rời đại dương tâm, nhưng nếu đánh đồng sóng là toàn thể đại dương là một sai lầm lớn. Tự vì: “Giác tánh vi bất giác động, nghĩa là hư vọng phân biệt, tất có năng phân biệt [năng kiến tướng] sở phân biệt [ cảnh giới tướng]. Cho nên ba tế tướng này của Bất giác thiệt đồng thời tương quan, một động tất cả động. Nói vì cái này có cái kia, do thứ kia có thứ này là lấy nghĩa tương quan tương sinh, chớ không phải là nghĩa thứ lớp. Cho nên trừ phân biệt đi thì cũng kiến cảnh ấy, mà chúng sinh giới tức là Phật cảnh giới vậy”.[12] Như vậy, các giác quan thấy nghe ngửi và ...thực ra chỉ là những biểu hiện, khi thì thế này, thế kia, lệ thuộc hoàn toàn vào tính điều kiện. Nhận hiện tượng là bản chất là đã rơi vào sai lầm lớn về phương diện phương pháp luận, hiện tượng thì đa dạng, nhưng bản chất là duy nhất. Phật không bảo Tôn giả A Nan chấp cái biết suy xét không phải là tâm, nhưng khuyên ông chính nơi tâm, phải suy xét chín chắn, nếu tâm rời tiền cảnh mà có tự tính mới là tâm chân thật. Còn nếu tâm nương theo tiền cảnh mà có, thì khi tiền cảnh biến diệt, tâm ấy cũng phải biến diệt theo, còn lấy gì mà tu chứng đạo quả. Khi tu tập chứng ngộ giác tánh, thì đó là làm cho giác tánh hiển lộ ra, chứ không phải tạo nên giác tánh, ví như chùi bụi thì gương sáng, chứ không phải là đem cái sáng đến cho mặt gương. Giác tánh nếu không giác cũng như gương nếu vốn không sáng thì không làm sao giác ngộ được, đối lại, gương vốn là sáng, Giác tánh vốn là giác, nên không chóng thì chầy thế nào cũng có ngày thành Phật vậy.

3. Chỉ rõ tánh thấy không phải là con mắt

Sau khi đức Phật đã khai thị cho Tôn giả A Nan và đại chúng về tâm, nhưng mà Tôn giả A Nan và đại chúng vẫn còn ngơ ngác. Lúc ấy Phật từ chữ Vạn trước ngực phóng ra hào quang rạng rỡ, khắp mười phương chư Phật rồi bảo Tôn giả A Nan rằng: “Nay tôi vì ông dựng pháp tràng lớn, đồng thời khiến cho tất cả thập phương chúng sinh được tâm tính nhiệm mầu sâu kín trong sạch, sáng suốt và đạo nhãn thanh tịnh. A Nan, trước ông trả lời rằng thấy nắm tay chói sáng, cái chói sáng nắm tay ấy do đâu mà có, làm sao mà thành ra nắm tay, ông đem cái gì mà thấy”.[13]

Tôn giả A Nan cung kính bạch Phật nhờ dùng vào con mắt mà thấy năm ngón tay của Phật co nắm lại.

     Phật bảo: Nếu không có bàn tay thì không có nắm tay. Nếu không có con mắt [mắt bị đui] thì không có cái thấy. Hai sự việc đó có giống nhau chăng ?

     Bạch Thế Tôn! Đúng vậy. Nếu không có bàn tay thì không có nắm tay, nếu không có con mắt thì không có cái thấy.

     Phật bảo A Nan: Ông nói như vậy là không đúng. Không có bàn tay thì tuyệt nhiên không có nắm tay, chứ không có con mắt [đui] không phải hoàn toàn không thấy. Ông thử hỏi những người đui xem họ có thấy gì không? Chắc hẳn họ sẽ trả lời với ông: Rằng họ thấy tối đen trước mắt. Lấy nghĩa đó mà suy nghĩ tiền trần tự tối, chứ cái tánh thấy nào có hao kém gì?

     Bạch Thế Tôn! Những người đui trước mắt chỉ thấy tối đen, sao gọi rằng thấy?

     Phật bảo: Dù thấy tối đen cũng vẫn là thấy còn thấy sáng hay thấy tối là do tiền trần sáng tối, tánh thấy vẫn y nhiên. Nếu vì tối mà cho là không thấy, vậy khi người ta ngồi trong nhà tối không thấy gì hết, chỉ thấy trước mắt tối đen, bỗng nhiên được đèn sáng thấy rõ các vật, chẳng lẽ ông bảo đó là cái đèn thấy hay sao? Vậy nên suy biết: đèn làm tỏ rõ các vật, nhưng thấy như vậy là mắt chứ không phải đèn. Mắt làm tỏ các sắc, nhưng thấy là tâm, chứ không phải là mắt.

Nhận xét 3: Vấn đề là ở chỗ  nắm tay và cái thấy; cái thấy là mắt hay là tâm. Bảo rằng con mắt thấy thì sai lầm, vì thiển cận. Bảo rằng không phải con mắt thấy, càng không hợp lý. Bảo rằng tâm thấy, thì đó là phương tiện của Như Lai chứ chưa hẳn vậy. Bởi vì: "Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc". Vậy thì tâm thấy là cái tâm nào?

Nói rằng tâm thấy, là ý Phật muốn dạy cho Tôn giả A Nan biết về "ngũ câu ý thức" về hiện lượng, tỷ lượng và phi lượng của bát thức tâm vương, nói theo thuật ngữ của duy thức học. Tiền ngũ thức, nhãn thức là một, tiếp xúc với ngũ trần, chỉ thông qua hiện lượng. Hiện lượng là sự lượng biết còn trong đệ nhất sát na nghĩa là chưa qua tư duy phân biệt  . Nhân minh học nói rằng đưa ra lập luận:

“-Hiện lượng: Là sự nhận diện trực giác giữa chủ thể và khách thể của năm giác quan trước, không thông qua Ý thức.

Tỷ lượng: Chữ tỷ là so sánh, chữ lượng là cân nhắc đã qua suy tính, cân nhắc của đệ lục ý thức”.[14]

-                           Do đó, ta thấy rõ: Cái thấy của mắt, chỉ là hiện lượng thôi, cho nên chưa đầy đủ yếu tố để gọi là mắt thấy. Cái thấy của tâm mới là tỷ lượng. Như vậy, sự thấy sự đen tối vẫn là sự thấy của tâm. Mắt thấy các hình tướng…nhưng trong phòng tối thì thấy tối đen nhưng ánh sáng bật lên thì tất cả các sắc tướng trước mắt phải gọi là đèn thấy, nó đèn có thấy thì chẳng gọi là đen, lại đèn thấy thì dính dáng gì đến con người, như vậy đèn chỉ có tác dụng hiển hiện sắc tướng. Mắt chỉ có tác dụng thể hiện sự thấy qua sắc tướng, đèn không phải là sự thấy. Do đó sự thấy chính là tâm chứ chẳng phải con mắt.

Cái đèn được sánh ví như con mắt, ánh sáng rọi vào trong bóng tối. Từ cái đèn được xem như là nhận thức của tâm dọi soi đồng hành với sự tiếp xúc mắt, nên đánh đồng con mắt là toàn bộ sự thấy là không đúng, vì sự thấy sẽ không diễn ra thường xuyên. Mắt chỉ có tác dụng thể hiện qua sắc tướng. Cái thấy của tâm vẫn diễn ra, khi đủ các công cụ, đủ các tính từ liên hệ đến sự vật và con người, nếu không có con mắt thì tâm vẫn tiếp tục thấy, nhưng thấy một cách không trọn vẹn, chỉ thấy bóng tối. Duy Biểu Học cũng nói: “Nương vào ý làm căn, Pháp trần làm đối tượng, Ý thức được phát sinh, Phạm vi nhận thức rộng”.[15] Nói cảnh vật và cái thấy, tức là chỉ cả vật chất với tinh thần đồng một thể tánh chân tâm. Vì chân tâm thì không thể suy nghĩ và luận bàn được, phải tự ngộ mà thôi, nên nói: “ Pháp giới tính xưa nay vẫn như vậy, tâm tính xưa này vẫn như vậy, ở nơi Phật cũng không thêm, ở nơi chúng sinh cũng không bớt, điều cốt yếu chính mình có chịu dẹp bỏ cái mê lầm, trực nhận pháp giới tính hay không”.[16] Vì vậy Như Lai nói: Mắt không phải thấy mà thấy là do tâm. Tâm ở đây, chỉ cho Tâm Vương ý thức vậy.

4. Gạn hỏi nghĩa khách trần nhằm chỉ rõ hiện tượng vọng tưởng diệt sanh

 Bấy giờ đức Thế Tôn giơ cánh tay mềm mại lên, bảo ông A Nan và đại chúng: Sau khi thành đạo, lần đầu tiên ở Lộc Giả Uyển, tôi có dạy cho nhóm ông A Nhã Kiều Trần Như rằng tất cả chúng sanh không thành Vô thượng Bồ Đề mà chỉ thành A La Hán, do vì phiền não khách trần làm mê hoặc. Thuở đó, bọn ông do đâu mà tỏ ngộ, hiện nay được thành chánh quả ?

 Ông Kiều Trần Như đứng dậy thưa: Bạch Thế Tôn ! Nay tôi đã già ở trong đại chúng, tôi được cái tên Giải, là do thuở đó tôi tỏ ngộ được ý nghĩa hai chữ khách trần.  Khách là người đi đường, khi cần, họ vào quán trọ thuê phòng hoặc ở, hoặc ngủ, hoặc ăn.  Ăn ngủ xong xếp hành lý lên đường, không ở luôn được, còn người chủ thì ở vĩnh viễn không phải đi đâu nữa. Từ suy nghĩ đó, tôi hiểu ra rằng: Khách có đến, đi; còn chủ thì ở luôn không đi đâu hết.

Về nghĩa chữ trần, thì vào lúc mặt trời mới lên, ánh sáng xuyên vào các kẽ hở, lỗ thủng của mái nhà, nhìn theo làn ánh sáng trong khoảng hư không yên lặng ấy, tôi thấy vô số bụi trần li ti loạn động, cuồn cuộn tuôn bay. Do đó tôi nhận ra được nghĩa chữ trần: Trần thì lay động, còn hư không thì yên lặng tuyệt nhiên.

     Phật bảo: Đúng vậy.

     Đoạn, Phật đưa tay lên, co năm ngón tay lại rồi mở ra và hỏi:

     - A Nan ! Ông thấy gì ?

     A Nan đáp: Tôi thấy bàn tay Phật, nắm lại rồi mở ra.    

    -Ông thấy tay tôi có nắm có mở hay cái thấy của ông có nắm có mở?

   - Thưa! Tay Phật có nắm có mở, chứ cái thấy của tôi làm sao có nắm mở được!

     -Cái gì động? Cái gì tĩnh? Phật hỏi.

     -Thưa ! Bàn tay của Phật không yên, chứ cái thấy của tôi còn không có tĩnh thì làm chi có động!

     Phật bảo: Đúng vậy.

     Bấy giờ Phật dùng tay phát ra một luồng ánh sáng, chiếu qua phía bên phải của Tôn giả A Nan. Tôn giả A Nan quay nhìn qua bên phải. Phật lại phát qua phía trái, ông A Nan quay đầu nhìn qua phía trái.

     Phật bảo: A Nan ! Hôm nay vì sao đầu ông động lay qua lại như thế?

     -Bạch Thế Tôn ! Tôi vì thấy hào quang của Phật phóng ra bên phải và bên trái của tôi. Đầu tôi lay động bởi ngó theo hào quang của Phật.

     -Đầu ông lay động quay bên phải bên trái. Vậy cái đầu ông động mà cái thấy của ông có động chăng?

     -Bạch Thế Tôn! Đầu tôi tự lay động, chứ cái thấy còn không biết nó ở chỗ nào, thì lấy gì mà lay động!

Phật bảo: Đúng vậy.

   Bấy giờ, Phật bảo ông A Nan và đại chúng:  Mọi người ai cũng có thể nhận biết, Chỉ đến rồi đi là khách, chủ thì vĩnh viễn không đi đâu. Bụi trần thì lay động còn hư không yên lặng tuyệt nhiên. Có nắm có mở là tay, cái thấy thì không hề có nắm mở. Quay qua quay lại là đầu, tánh thấy thì không hề xoay chuyển. Vậy mà, các ông hiện nay lấy cái động làm thân, cái động làm tâm, lấy cái động làm cảnh, bỏ mất đi tâm tánh chơn thường, bất động, yên lặng nó thường ở luôn với mình. Hằng ngày làm những việc trái ngược, nhận vật làm thân, nhận vọng tưởng làm tâm, xoay vần trong đó, tự nhận lấy sự trôi lăn trong sáu nẻo!

Nhận xét 4: Đoạn này Phật dạy rằng: “Chúng sinh hiện có tính thấy không lay động, nhưng không biết tự nhận, lại chỉ nhận cái cảnh thường thường thay đổi, cái thân thường thường lay động là mình. Do chúng sinh mất chân tính, nhận định trái ngược như thế nên phải chịu luân hồi”.[17] Cho nên ta say sưa với Khách thì Khách cũng đi theo, say sưa với Trần thì Trần cũng động theo. Đó là lấy cái Giả làm cái thật, vì vậy mà phải chịu luân hồi. Chính nơi bụi trần lay động mà trực nhận tính Thường Trú không lay động, thì pháp giới tính vẫn hiển nhiên trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, chớ không cần phải tìm đâu xa. Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã nói rằng:

“ Bụt ở cong nhà

Chẳng phải tìm xa

Nhân khuấy bổn nên ta tìm Bụt

Đến cốc hay chỉn Bụt là ta”.[18]

Thường trú chơn tâm chính là Phật không phải ở đâu xa xôi cách trở, cần phải tìm kiếm hay cầu khẩn van xin mới có, mà Phật ở ngay chính bản tâm mình. Đức Phật đã dạy rõ ràng. Rằng cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái xúc, cái biết, nói chung là những tác dụng nhận thức của sáu giác quan, Phật bảo chúng không phải chơn tâm, nhưng chúng cũng không rời ngoài chơn tâm mà có. Biết sử dụng, trong vọng tâm ta tìm thấy chơn tâm thường trú. Không biết sử dụng chỉ có toàn vọng tưởng, bóng dáng của tiền trần. Tiền trần luôn luôn thay đổi lúc có lúc không, thì sự hồi tưởng lại cái tướng của tiền trần cũng lúc sanh lúc diệt. Vì vậy, Phật gọi sự hồi tưởng bóng dáng tiền trần vào trong ký ức phân biệt chỉ là vọng tâm, là những phiền não Khách trần. Vì là Khách cho nên không được ở luôn. Vì là Trần nên không có phút giây yên lặng. Phật dạy cho người đệ tử phương pháp tu học để sống với sự an lành, yên lặng, như hư không và quay về với vai trò người Chủ, không đi đâu nữa. Vì ngoài người Khách đến đi, còn có Chủ không đi, ở lại. Trong sự loạn động cuồn cuộn tuôn bay của trần, còn có hư không yên lặng không hề lay chuyển. Trước sự nắm mở duỗi co qua nắm tay của Phật, còn có cái không duỗi co nắm mở đó là cái thấy của Tôn giả A Nan. Thế thì, sự nhận thức của sáu giác quan, luôn luôn thay đổi từng sát na, từng phút từng giờ, nhưng ngoài sự thay đổi luôn luôn ấy, con người còn một cái. Cái đó là gì ?… Chính là chơn tâm thường trú.

     Sự bác bỏ của Phật đối với Tôn giả A Nan về vấn đề tâm thấy hay mắt thấy, sự thật chẳng có gì quan trọng giữa hai thầy trò. Đây là đức Phật dụng phương tiện để giáo hóa chúng sanh trở về với Chơn Tâm Thường Trú, Thể Tánh Tịnh Minh nên Phật bày ra cuộc vấn đáp cho lý cùng trí tận vậy thôi

C. Kết luận

Tóm lại, lời nói của Phật chẳng có hư vọng. Phật dạy rõ ràng và quá chi tiết về Tâm. Nên phân biệt kỹ lưỡng thế nào là vọng tâm, và chơn tâm, động và tịnh. Bản chất lục căn, lục trần, tướng không của chúng thật sự có sẳn, và hiện hữu đồng thời với nhau trong hư không và chẳng có nhân duyên nào là chủ yếu, cũng chẳng phải tự nhiên chúng được thu nhận bởi lục thức hay tâm thức; do khi lục căn và lục trần hòa hợp với nhau mà thành lập, cũng như chẳng phải tự nhiên chúng ta nắm bắt được bản giác mà phải tri nhận tâm thức vừa hòa hợp bởi căn trần. Sự động và tịnh  ở đây rất vi tế như thức A lại da của Duy Thức. Kinh Giải Thâm Mật nói như vầy:

“Thức A Đà Na cực kỳ sâu vi tế,

Tất cả chủng tử như thác lũ.

Ta không vén mở cho phàm phu,

Vì sợ chúng sẽ chấp tự ngã”.[19]

Cái tâm ở đây rất vi tế nó nắm giữ tất cả chủng tử của hết thảy pháp, vì sợ các hạng phàm phu bám víu vào cái tâm mà khởi phân biệt chấp, đi vào các cõi xấu nên Đức Thế Tôn của chúng ta không vén mở cho thấy. Nhưng chủ đích của Phật trong Kinh Lăng Nghiêm là muốn chỉ cho hội chúng biết mọi người đều có tánh giác trong sáng, gọi là Tánh Giác Diệu Minh hay Như Lai Tạng hay Chơn Tâm... Sáu căn là gốc luân hồi, sáu căn cũng là gốc giải thoát. Trong cái thấy biết của sáu căn, chạy theo phân biệt là gốc vô minh, trong cái thấy vô phân biệt là Niết Bàn. Cái thấy năng kiến và sự vật sở kiến đều do tâm tính biến hiện, chỉ vì nhận thức sai lầm, nên chia ra có bên năng kiến và bên sở kiến, Năng – Sở vốn không thật có, tâm tính tuyệt đối vốn không thể chỉ được. Phật dùng phương tiện chỉ dạy cho chúng sinh trực nhận tâm tính. Chúng sinh nên suy xét chỗ Phật muốn chỉ, chớ không nên câu nệ nơi danh từ mà bỏ mất tâm tính.  Vả lại, cảnh là pháp trần, tâm sanh phân biệt, cảnh và tâm không thể rời nhau, mà tự cho là thanh tịnh, kỳ thật toàn là hư vọng loạn động và hư chuyển. Chúng sanh từ vô thủy đến nay, sanh tử liên tục, chỉ vì chẳng biết chơn tâm thường trụ, thể tánh trong sạch sáng tỏ, lại nương theo vọng tưởng, vọng tưởng chẳng chơn nên có luân hồi. Mười phương chư Phật cùng một đạo lìa khỏi sanh tử đều do trực tâm, vì tâm hạnh và lời nói ngay thẳng, như thế từ đầu đến cuối, cho đến các ngôi bậc, ở khoảng giữa chẳng có các tướng quanh co. Cho nên:

- Tri thức đúng cái tri thức sai lầm của chủ khách [nhị nguyên] là giải thoát mọi phiền não, nhân duyên chằng chịt, cũng là tự giác và giác tha.

- Hành trình đi đến chân nguyên là sự miên mật "Thắp sáng hiện hữu" trong từng khoảnh khắc sống tĩnh giác với "Tâm bình thường", an nhiên tự tại.

- Nắm bắt được thực tướng của vạn hữu là sự vượt khỏi thời không làm cho Tâm trở nên trong sáng thanh thản, tức là giải thoát khổ đau, nhân quả luân hồi.

Khi chúng sinh giác ngộ tất cả pháp hữu vi đều do phân biệt biến hiện, không theo các phân biệt thì đoạn được cái duyên làm cho các chủng tử mê lầm, sinh ra các pháp hữu vi, như thế, thì cái tánh điên của tự tâm, tức là cái nhận thức mê lầm tự hết, hết mê lầm tức là cái tâm tính bản lai thanh tịnh hiện tiền. Tâm tính Như Lai Tạng có sẳn ở chúng sanh mà chúng sanh không tự biết, như người có ngọc trong áo mà không hay, đến khi nhờ Phật chỉ dạy, không theo những phân biệt giả dối, liền nhận được Như Lai Tạng tính đầy đủ diệu dụng rộng lớn, thì mới biết rằng: “Mọi người đều sẳn có Như Lai Tạng tính chỉ cần khai sáng mà thôi”.

Thư Mục Tham Khảo

Thích Duy Lực [2012] Kinh Lăng Nghiêm, Nxb Tôn Giáo.

-------------------[2009] Lược giảng Kinh Lăng Nghiêm, Nxb Tôn Giáo.

Tâm Minh [2013] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Nxb Tôn Giáo.

Thích Từ Thông [2008] Thủ Lăng Nghiêm Kinh, Nxb Tôn Giáo.

Tuyên Hóa [2006] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Nxb Tôn Giáo.

Thích Thanh Từ [2010] Kinh Kim Cang Giảng Giải, Nxb Tôn Giáo.

Tác giả Mã Minh Bồ tát, Luận Khởi Tín.

Tuệ Sĩ [ 2009] Thành Duy Thức, Nxb Phương Đông.

 Nhất Hạnh, Duy Biểu Học,  Phật Học Viện Phật Giáo Việt Nam.

Trần Nhân Tông [1989] Cư trần lạc đạo phú, trong sách Thơ văn Lý – Trần,             tập 2, quyển thượng, Nxb KHXH, HN

 Lê Mạnh Thác [2010] Toàn Tập Trần Nhân Tông, Nxb Phương Đông.

Thích Thiện Hoa [2010] Duy Thức Học, Nxb Tôn Giáo.

Hồng Dương – Nguyễn Văn Hai [2001] Nhận Thức Và Không Tánh, Nxb Phương Đông.

Thích Đức Nghiệp [2002] Tam Luận Toàn Tập, Nxb Tôn Giáo.

Thích Đồng Quán [2003] Nhân Minh Luận, Nxb Tôn Giáo.

Minh Chi [2005]  Nhân Minh Học Phật Giáo, Nxb Tôn Giáo.

Và tài liệu của Giảng Sư.

[1] Thích Đức Nghiệp, Tam Luận Toàn Tập, Nxb Tôn Giáo, 2002, Tr, 166

[2] Thích Thanh Từ, Kinh Kim Cang, Nxb Tôn Giáo -2010, Tr, 157

[3] Thích Từ Thông, Thủ Lăng Nghiêm Kinh Trực Chỉ Đề Cương, Nxb Tôn Giáo, Tr, 13

[4] Tịnh Minh, Thi Kệ Pháp Cú Kinh, Phẩm Song Yếu, Nxb Tôn Giáo 2010,  Câu 1, Tr, 18

[5] Tâm Minh, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Nxb Tôn Giáo -2013, Tr, 24

[6] Thích Duy Lực, Kinh Lăng Nghiêm, Nxb Tôn giáo -2012, Tr,21

[7] Tâm Minh, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Nxb Tôn Giáo -2013, Tr, 66-67

[8] Tâm Minh, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Nxb Tôn Giáo -2013, Tr, 68

[9] Thích Thanh Từ, Kinh Kim Cang, Nxb Tôn Giáo -2010, Tr, 87

[10] Thích Thanh Từ, Kinh Kim Cang, Nxb Tôn Giáo -2010, Tr, 41

[11] Tâm Minh, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Nxb Tôn Giáo -2013, Tr, 71

[12] Bồ tát Mã Minh, Luận Khởi Tín, Tr, 47-48

[13] Tâm Minh, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Nxb Tôn Giáo -2013, Tr, 76

[14] Thích Đồng Quán, Nhân Minh Luận, Nxb Tôn Giáo -2003, Tr, 28

[15] Nhất Hạnh, Duy Biểu Học,  Phật Học Viện Phật Giáo Việt Nam, Tr, 181

[16] Tâm Minh, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Nxb Tôn Giáo -2013, Tr, 81

[17] Tâm Minh, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Nxb Tôn Giáo -2013, Tr, 87

[18] Lê Mạnh Thác, Toàn Tập Trần Nhân Tông, Nxb Phương Đông 2010, Hội thứ năm, Tr. 348

[19] Tuệ Sĩ, Thành Duy Thức, Nxb Phương Đông – 2009, Tr, 243

Video liên quan

Chủ Đề