Tập thơ đầu tay của nguyễn bính tên là gì năm 2024

Giữa đương thời phong trào Thơ mới [1932-1945], thơ Nguyễn Bính đã được nhiều nhà phê bình như Thế Lữ, Nàng Lê [Lê Tràng Kiều], Lam Giang, Phạm Mạnh Phan, Hoài Thanh - Hoài Chân, Lương Đức Thiệp, Lê Thanh, Vũ Ngọc Phan… cùng khảo sát, giới thiệu, phân tích, trao đổi, luận bình…

Xuất hiện trên thi đàn khá sớm nhưng tiếng thơ chân quê của Nguyễn Bính chưa phải trong một sớm một chiều đã tạo được tiếng vang trong công chúng độc giả. Trong mục Tin thơ trên báo Ngày nay [số 98, ra ngày 20-2-1938], Thế Lữ đã điểm thơ xuân Tản Đà, Xuân Diệu và tiếp đến Nguyễn Bính:

… “Thơ xuân của ông Nguyễn Bính là những bức tranh nhỏ nhắn vẽ những nét hoạt bát vui vẻ không có chút gì gọi là kỳ khu. Bốn câu đầu trong bài Xuân về của ông:

Đã thấy xuân về với gió đông,

Với trên màu má gái chưa chồng:

Bên hiên hàng xóm cô hàng xóm,

Liếc mắt nhìn trời, đôi mắt trong.

Vẻ đùa cợt thực là tài tình ở những tiếng nhắc lại ỡm ờ nhưng không ngang chướng.

Ông Bính có một giọng thơ bao lơn rất dung dị và rất đáng yêu”...

Với bút danh Nàng Lê, Lê Tràng Kiều trong bài viết Thi sĩ với giai nhân in trên Tiểu thuyết thứ Năm [số 6, ra ngày 10-11-1938] đã thẩm bình dòng thơ ca tụng người đẹp trong thơ Nguyễn Bính và Vũ Trọng Can, Thế Lữ, đặc biệt đặt trong tương quan Nguyễn Bính - Nguyễn Nhược Pháp:

… “Cứ như hai nhà thi sĩ Nguyễn Bính và Nguyễn Nhược Pháp thế mà hóm. Này nhé, “người ta” của Nguyễn Nhược Pháp chỉ có thế này:

Mê nàng bao nhiêu người làm thơ

Khiếp! Bao nhiêu người làm thơ vì “nàng”. Chắc “nàng” đẹp lắm. Đẹp hết chỗ nói. Nhưng cái chỗ “hết chỗ nói” ấy nó cho người đọc một hình ảnh mập mờ mà thích lắm, thích lắm.

Ba năm trở lại đất Hà Đông,

Người cũ, cô Oanh má vẫn hồng.

Tóc vẫn bỏ lơi, răng vẫn trắng,

Vẫn ngồi lơ đãng liếc qua song.

Nhưng vẫn vô tình với khách thơ,

Qua đường, hai mắt ngại ngùng đưa.

Mà hai mắt ấy lâu nay vẫn,

Riêng để nhìn ai trong giấc mơ.

[Nguyễn Bính]

Thôi nhé, thế là đủ rồi. Một cô gái răng trắng bóng, má hồng hồng, tóc bỏ lơi lại ngồi mơ mộng bên cửa sổ là đủ tài liệu cho một bức vẽ của nhà nghệ sĩ tài hoa rồi”…

Tiếp theo trong bài viết Tình và tứ của thi sĩ cũng in trên Tiểu thuyết thứ Năm [số 8, ra ngày 24-11-1938], Nàng Lê đi sâu nhận diện về dòng “thơ ái tình” với chứng dẫn thơ Tản Đà, Thanh Tịnh, Yến Lan, Nguyễn Xuân Huy, Vũ Trọng Can, Đông Hồ và nhấn mạnh giọng điệu thơ tình Nguyễn Bính:

“Mãi đến nay ta vẫn chưa hiểu rõ những người đa tình dễ trở nên thi sĩ, hay thi sĩ dễ trở nên đa tình. Nhưng nếu chỉ đa tình mà cũng là thi sĩ thì cả một lớp thanh niên ở mọi thời đại đều đã là thi sĩ cả? Và nếu chỉ là thi sĩ mới trở nên đa tình thì đời này chẳng nhẽ ít khách đa tình ư?

Có điều tôi nhận thấy đám thi sĩ họ có cách kêu gào những điều họ muốn, những điều họ nghĩ. Không những thế, có khi họ nghĩ hộ cả cho người khác nữa. Vì thế có nhiều người ôm ấp thờ phụng thầm một thi sĩ trong óc cũng chẳng có gì lạ. Ví chắc hẳn thi sĩ đó một khi đã tả rõ những thổn thức, thiếu thốn, xót thương hoặc băn khoăn của họ. Ở ái tình, thi sĩ đã khóc hộ ta, và kể lại những băn khoăn của ta với người khác…

… Mà cả nàng Oanh, người trong mộng của thi sĩ Nguyễn Bính cũng ác nốt. Chẳng biết có bao giờ nàng đã đọc những câu sau đây của chàng. Đấy là những tiếng lòng đã thốt ra trong lúc chàng nhớ mong thắm thiết:

Những độ xuân về những tiếng khuyên,

Vang lừng ca ngợi cảnh xuân thiên.

“Lòng đâu” nhớ đến “lòng đâu” nhỉ,

Trên bước đường đời khách lại đi.

Lại buồn rơi giọt lệ lâm ly,

Lại ôm một mối tình vô vọng.

Trở lại Hà Đông chẳng hẹn kỳ”...

Liền ngay trên Tiểu thuyết thứ Năm số tiếp theo [số 9, ra ngày 1-12-1938], với bài viết Văn chương khi về cảnh cũ, nhà văn Lê Tràng Kiều ký rõ tên thật của mình đã truy tìm nguồn thơ hoài niệm người xưa cảnh cũ từ các tác gia thời Đường [Triệu Hổ, Thôi Hiệu, Lưu Vũ Tích] đến tiếng thơ của người đương thời, qua trích dẫn thơ Chế Lan Viên, Thanh Tịnh và đoạn cuối là toàn văn một bài thơ của Nguyễn Bính:

“Một chiều khách trở về cảnh cũ...

Khách là một trong bọn giang hồ - hay dù không là giang hồ - lại là một trong bọn thi sĩ. Khách sẽ thấy nơi xưa - mà đã hơn một lần, khách bước chân tới - nay đã biến đổi, tuy rằng cái tinh hoa của cảnh vật vẫn còn nguyên vẹn. Khách bồi hồi vơ vẩn. Vì khách là thi sĩ. Mà là thi sĩ thì chỉ một vật rất hèn mọn nhỏ nhặt biến thiên đi cũng đủ làm xúc động lòng thơ. Huống chi cả một phong cảnh đông trong khung vũ trụ đã đổi thay?...

… Nhưng cảnh cũ đối với thi sĩ Nguyễn Bính lại là cả một bức họa dịu màu:

Trên con đường đất nhỏ ven đê,

Tôi thấy vui mừng trở lại quê.

Chín năm lăn lóc nơi thành thị,

Tìm kế sinh nhai chửa có về.

Chín năm quên ngắm cảnh hoàng hôn,

Nhuộm cánh đồng chua rạng rỡ buồn.

Chẳng được bên ao ngồi lặng lặng

Mơ nhìn cá đớp ánh trăng suông.

Còn nhớ năm xưa đánh gióng diều

Trên cồn cỏ úa, gió hiu hiu

Khoan thai tát nước cô hàng xóm

Lên giọng đa tình hát, đáng yêu.

Còn nhớ năm xưa đuổi bướm vàng,

Mải vui quên cả nắng chang chang

Tuổi ngây thơ sống êm như mộng

Trong lũy tre xanh: giới hạn làng.

Bỏ nơi thành thị chốn tôi mơ,

Trở lại thôn quê tự bấy giờ.

Sống lại quãng đời ngày trẻ bé,

Thả diều bắt bướm với nàng thơ.

Cả một bức họa ấy đã in trong óc thi sĩ. Người ta không buồn thì ai bắt người ta buồn được, khi lòng người ta còn ngây thơ?”…

Trong mục Thi pháp thuần Việt ở sách Khảo luận luật thơ mới [Huế, 1940. In lần ba có chỉnh lý với nhan đề Khảo luận luật thơ, Sơn Quang xuất bản, Sài Gòn, 1967], Lam Giang coi thơ lục bát là thành quả của Quốc phong và minh chứng bằng lục bát Truyện Kiều của Nguyễn Du cho đến thơ Nguyễn Bính đương thời:

“Thật là một vinh dự cho dân tộc vì trải qua hai ngàn năm ảnh hưởng Hán hóa, quốc phong của ta vẫn còn giữ được bản sắc, thể cách, cú điệu riêng…

… Duy danh định nghĩa, thơ lục bát của văn chương bác học là một lối thơ đều đều trên 6 dưới 8. Yêu vận bình vận liên lạc từ chữ thứ 6 của câu trên xuống chữ thứ 6 của câu dưới. Đều đều lắm thì dễ nhàm chán, cho nên văn chương bác học cố biến đổi cách cắt mạch của câu lục cũng như của câu bát. Ví dụ:

Rằng: Trăm năm cũng từ đây,

Của tin gọi một chút này làm ghi…

[Nguyễn Du]

hoặc:

Kiếp hồng nhan có mong manh,

Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương.

[Nguyễn Du]

hoặc:

Mưa xuân rơi! Mưa xuân rơi!

Bên sông hồn quạnh nhìn trời ta mơ…

[T.H]

hoặc:

Chút tình duyên của đôi ta,

Đến đây là… đến đây là… là thôi!

[Nguyễn Bính]

Quốc phong yêu vận bình - thường cũng gọi là lục bát bình dân - có một khuôn khổ rộng rãi, không câu nệ số chữ, cách điệu phong phú hơn nhiều”…

Khi tập thơ Hương cố nhân ra đời, ngay năm sau nhà phê bình Phạm Mạnh Phan đồng thời là thư ký tòa soạn đã viết bài Đọc “Hương cố nhân” của Nguyễn Bính trên tạp chí Tri tân [số 54, tháng 7-1942]. Trong đoạn mở đầu, Phạm Mạnh Phan khơi gợi vấn đề một cách hấp dẫn:

“Ít lâu nay trong làng “thơ mới” của nước ta đã sản xuất ra được một số thi sĩ khá đông.

Ngoài những tên đã quen biết như Thế Lữ, Trọng Lư, Huy Thông, Huy Cận, vân vân, một số những người khác chỉ vào dạng “thợ thơ” [versificateus] nhưng cũng lăm le ôm mộng lớn muốn người ta liệt tên mình vào hạng “thi bá”!

Làm được vài bài thơ, xuất bản được đôi ba tập thơ trong đó chỉ tuyền những câu gò gẫm, những vần ép uổng một cách ngượng nghịu, đâu đã đáng lĩnh chức thi nhân mà người đời trao tặng.

Hôm nay tôi giới thiệu với bạn đọc, ông Nguyễn Bính, tác giả tập thơ Hương cố nhân rồi các bạn sẽ định giá trị thơ ông.

Ông Nguyễn Bính không phải là một tên mới trong làng ngâm vịnh. Vì tập thơ này không phải là tập thơ đầu. Nó ra sau hai cuốn Lỡ bước sang ngang và Tâm hồn tôi”…

Từ đây nhà phê bình Phạm Mạnh Phan triển khai trong đề mục Những câu thơ đẹp với lời ca tụng Nguyễn Bính đích thực là “thi sĩ”, “người đa cảm”, “mảnh hồn trong trẻo”, “nên câu tuyệt diệu”:

“Thoạt mới giở tập thơ ta thấy ngay hai câu thơ in riêng một trang, nhường như tác giả có ý nêu lên làm đích cho những trang sau:

Xây bao nhiêu mộng thế mà,

Đến nay phải gọi người là cố nhân!

Chưa cần đọc toàn tập, ta cũng đoán thi sĩ Nguyễn Bính sẽ nói những gì?

Phải chăng thi sĩ trong tuổi diệu tình đã từng phen gặp gỡ một giai nhân, một giai nhân mà một khóe mắt cũng đủ nghiêng lệch một tâm hồn, một cái cười nụ cũng đủ làm đổ vỡ một cái gì ấy?

Thi sĩ đã từng sống trong những giờ khắc mê ly, tâm hồn đã từng dào dạt vì yêu, vì nhớ. Và, trong mộng đẹp, ái ân đã từng xây dựng những lâu đài đồ sộ nguy nga.

Thế mà đến nay người yêu đã nỡ hững hờ để cho ai luống ngậm ngùi, phải cùng nàng Thơ than thở! Và thôi, từ đây biết bao mộng đẹp đành phải để chúng lắng trong mơ mà trái tim mang vết âu nhờ ngày tháng gắn hàn!

Đọc Hương cố nhân, ta thấy thi sĩ Nguyễn Bính là người đa cảm, mảnh hồn trong trẻo của tuổi anh niên đã sớm thả theo luồng gió ái ân mà nên câu tuyệt diệu:

Con tằm là lụy ba sinh,

Mà em là lụy của anh muôn đời.

Thi sĩ là người thế nào mà đã chót vì yêu đương mang “lụy” vào mình? Ta hãy nghe mấy lời thành thật và thấm thía của thi sĩ đã nói về gia cảnh mình:

Thày tôi dạy học chữ nho,

Dạy dăm ba đứa học trò loanh quanh.

Có gì tiếng cả nhà thanh:

Cơm ăn đủ bữa áo lành đủ thay.

Còn tôi sống sót là may,

Mẹ hiền mất sớm, giời đầy làm thơ.

[Nhầm]

Thì ra thi sĩ đã vắng tiếng mẹ những ngày còn trứng nước và đã không được ấp ủ yêu đương trong khi chung sống với một em:

Em tôi là gái mười lăm,

Quét sân, chạy chợ, chăn tằm sớm trưa.

và với một chị gái đã từng “lỡ bước sang ngang”:

Chị tôi sông nước con thuyền,

Oan không phải chuyến cho duyên trái mùa…

… Chị tôi dài những mùa đông...

Se tơ nước mắt, dệt khung cửi sầu!

[Tình tôi]

Biết cảnh nhà thanh bạch, nên thi sĩ đã phải ngượng với người yêu nếu mộng đẹp cùng ai xây tổ uyên ương thành sự thực:

Nàng mà làm dâu nhà tôi,

Vườn dâu nó thẹn với đôi tay ngà.

[Nhầm]

Người yêu chẳng phải ai đâu xa lạ, chính là người bạn học của thi sĩ, những ngày thơ ấu:

Học trò trường Huyện ngày năm ấy,

Anh tuổi bằng em, lớp tuổi thơ.

Những buổi học về không có nón,

Đội đầu chung một lá sen tơ!

Thật là một cảnh nên thơ của đôi trẻ mà trong tình bè bạn ngây thơ nhường như thấy chớm nở một tình yêu đằm thắm, vì:

Lá sen vương phấn hương sen ngát,

Ấp ủ hai ta, chút nhụy hờ.

Lũ bướm tưởng hoa gài mái tóc,

Theo về tận cổng mới tan mơ.

[Bươm bướm]

Cái mộng đẹp ấy, người trong cuộc tưởng rồi sau cũng cùng ai trăm năm trọn kiếp, vui hưởng thú ái ân; vì đã cùng nhau như nàng Kiều với chàng Kim nặng lời thề thốt.

Ai thề như mới hôm qua,

Lấy nhau không được chẳng thà chết đi.

[Nhầm]

Nhưng khốn nỗi, gia pháp còn nghiêm, thân nhi nữ phải ép mình tuân lệnh để đền công dưỡng dục mà đành mang tiếng con người phụ bạc:

Phận gái ví theo lề ép uổng,

Đã về Chiêm quốc như Huyền Trân.

[Nhạc Xuân]

Nên khiến thi sĩ đã từng ngao ngán nhẽ:

Em đã sang ngang với một người,

Anh còn giồng cải nữa hay thôi?

Đêm qua mơ thấy hai con bướm,

Khép cánh tình chung ở giữa giời!

Cảnh biệt ly, kẻ ở người đi đã làm cho khách đa tình phải cùng tháng ngày ôm hận mà ràn rụa những nỗi nhớ thương:

Sớm nay sương xuống đầy làng,

Tưởng như khói pháo đưa nàng năm xưa.

Nàng về, kẻ đón, người đưa,

Tôi chờ gì nữa mà chưa giang hồ?

[Vu quy]”…

Thế rồi nhà phê bình Phạm Mạnh Phan chuyển tiếp sang đề mục Những câu thơ dở và đi sâu phân tích, công kích những phương diện yếu kém trong thơ Nguyễn Bính, trực diện chỉ ra những hạn chế, non yếu cả về nguồn cảm xúc, thi tứ, nội dung và hình thức - những câu thơ “ngớ ngẩn”, “vừa nhạt nhẽo, vừa sống sượng”, “vừa non nớt, vừa ẻo lả”, “có một tâm hồn rất ủy mị”:

… “Đọc những câu thơ mà tôi trích trên đây, độc giả thấy chúng tuy không được tuyệt diệu, nhưng cũng nhẹ nhàng bay bướm.

Chúng chứng thực rằng thi sĩ Nguyễn Bính cũng có tâm hồn thi sĩ, biết cảm những cái nên thơ, biết du dương lòng mình trong những phút đau thương bằng những vần điệu êm đềm nhè nhẹ.

Ông đã tỏ ra rằng ở chiếc đàn lòng của ông, cái dây thương nhớ là cái dây rung động hơn hết.

Nếu toàn tập có những câu như trên thì, với thời gian, với sự cố gắng, với sức rèn luyện tâm hồn trong trường đời, ông Nguyễn Bính sẽ có hi vọng trở nên một thi nhân nổi tiếng trong làng ngâm vịnh.

Nhưng tiếc thay, bên cạnh những câu nhẹ nhàng đó, chúng ta thấy nhiều câu đã quảng cáo một cách không hay cho thi sĩ.

Độc giả hãy cùng tôi đọc những câu sau đây chẳng có gì đáng gọi là “thơ” cả:

Uống rượu xuông thường và rất nhớ,

Một người yêu ở một phương trời.

[Mùa đông nhớ cố nhân]

Nhớ nhung trắng xóa cả mây trời,

Trắng xóa hồn tôi, ai nhớ tôi?

[Nhớ người trong nắng]

Bốn câu dưới đây lại ngớ ngẩn một cách buồn cười:

Trong hơi chăn ấm như hơi nắng,

Ngủ chẳng về cho, ngủ giả vờ.

[Mưa]

Thôn tôi vào đám hai ngày chẵn,

Chỉ có chèo không nhưng cũng vui.

[Cuối tháng ba]

Lắm lúc ông Nguyễn Bính tỏ ra mình như chú khán nơi thôn dã làm vè để trêu ghẹo một cô gái quê:

Cái quạt mười tám cái nan,

Anh phất vào đấy vô vàn nhớ nhung…

…Em ơi, công chúa là em,

Anh là quan trạng đi xem hoa về.

[Đề quạt]

Bao giờ rời được nhau ra,

Bởi tôi là sắt, nàng là nam châm.

[Tây Thi]

Vớt lên thả xuống sao đành,

Anh gửi cho mình, giữ lấy mình ơi?

[Thư lá vàng]

Đọc những câu trên đây, độc giả tưởng như đứng trước một đám hát quan họ mà ông Nguyễn Bính đứng xem đã làm hộ những người hát.

Ngoài ra, lại có những câu gò gẫm một cách khó khăn tưởng như lúc làm, nàng Thơ đã ruồng bỏ tác giả Hương cố nhân mà chắp cánh bay đi nơi khác như tỏ ý rằn rỗi:

Giá anh có phép thần tiên,

Bắc cầu bằng bút, đan thuyền bằng thư.

Đem tim đắp đập câu cừ,

Anh lên trên ấy đã từ ngày xưa.

[Nước mấy lần xanh]

Những câu sau này vừa nhạt nhẽo, vừa sống sượng, tìm thấy rất dễ trong tập thơ:

Pháo cưới chẳng hôm nào chẳng nổ,

Tình xa lăng lắc dưới chăn bông!

[Mùa đông gửi cố nhân]

Vội vàng chi mấy cô Thơ!

Áo bông tuy ấm nhưng chưa bằng chồng.

[Giở rét]

Ngoài những câu thơ đó ta lại thấy nhiều câu khác vừa non nớt, vừa ẻo lả.

Đọc hai câu này:

Sông Thương cách mấy tiền đò,

Chợ Hoàng họp đến bao giờ mới tan?

[Vu quy]

Ta không khỏi nhớ đến hai câu của thi sĩ Tản Đà đề trong Truyện thế gian:

Sông sâu nước đục lờ lờ,

Ông về bên ấy, bao giờ ông lại sang?

Phải chăng khi viết hai câu trên, ông Nguyễn Bính đã nhớ tới hai câu dưới? Đọc toàn tập, ta thấy thi sĩ Nguyễn Bính có một tâm hồn rất ủy mị. Thi sĩ đã thất vọng vì tình. Thi sĩ làm thơ khêu gợi những kỷ niệm xa xăm của những ngày ân ái cũ, cái đó không đáng trách.

Nhưng điều đáng công kích hơn hết là vì tình duyên lỗi hẹn mà thi sĩ khóc rền rĩ ngày đêm như một đứa trẻ lên ba nổi cơn sài!

Thường thì em khóc về đêm,

Bảo rằng đừng nữa khốn quen nết rồi.

Nín làm sao được, chị ơi!

Tính ra mười mấy tháng giời em xa.

Không phải thi sĩ đã khóc một, hay vài buổi, nhưng đã khóc hàng tháng như lời thú tội của thi sĩ:

Khi nào chị có qua thăm,

Cho em lần nữa chiếc khăn lụa hồng.

Cầm cho hai tháng là cùng,

Khóc như em, mấy khăn hồng chả phai.

[Thư cho chị]

Trông thấy một người đàn bà hay một con trẻ khóc, chúng ta có khi còn động lòng trắc ẩn mà lựa lời thăm hỏi. Nhưng thấy một người đàn ông ngồi khóc chúng ta không những không thèm hỏi, mà lại khinh là đằng khác; vì đã nên trang niên thiếu thì rên rỉ là hèn nhát, khóc than là yếu ớt, là ủy mị và van lơn cầu khẩn là ti tiện, đê hèn.

Cảm tưởng của độc giả thế nào khi độc giả thấy thi sĩ Nguyễn Bính chỉ vì một cớ nhỏ nhen mà khóc hoài:

Từ đấy buồng tôi không có hoa,

Khóc lên nhật ký, khóc cho nhòa.

Giời còn bắt sống còn mang hận,

Chả chết cho thành một đám ma.

[Những trang nhật ký]

Thi sĩ còn thèm khóc nữa và đã chán nản cuộc đời vì... trời ơi, “cao thượng” thay, chỉ vì không lấy được người yêu:

Cho tôi được khóc vì tôi thấy,

Tôi đã tan hoang cả kiếp người.

[Cho tôi được khóc]

Và thi sĩ đã chán nản một cách dại dột:

Tóc tôi để bạc cho già,

Đời tôi để rụng cho là đời tôi!

[Tôi còn nhớ lắm]”…

Cuối cùng, dưới đề mục Sau khi đọc, Phạm Mạnh Phan đi tới cảnh báo lối thơ âu sầu, xa rời cuộc sống gắn với những “thú vui nhục dục”, “cám dỗ đê hèn”, “tâm hồn ốm yếu nhơ nhuốc” và nhấn mạnh tư cách công dân của nhà thơ, vị thế xã hội, tinh thần tranh đấu vì non sông đất nước:

… “Đọc xong tập thơ, tôi còn nhớ bốn câu thơ thi sĩ Nguyễn Bính đã tự hỏi trong bài Những trang nhật ký:

Nhật ký nhòa đi mất cả rồi,

Chỉ còn vết mực ố hoan thôi!

Biết rằng nên xé hay nên đốt,

Hay để mà thương đến mãn đời?

Ông Nguyễn Bính chớ nên do dự! Tôi xin nói thẳng thắn rằng tôi không thù ghét gì ông, mặc dầu trong tập thơ ông có ít lời bay bướm, nhưng với trạng thái tinh thần của ông mà tôi vừa sơ phác trên đây, với những câu thơ “khóc” của ông, thì cả tập thơ Hương cố nhân ông nên xé đi ngay lập tức và nên đốt ngay đi cho nó mất tích một tâm hồn ốm yếu nhơ nhuốc đến cả những người cầm bút và hại đến cả thanh danh của toàn thể thanh niên Việt Nam!

Ông nghĩ sao nếu một người ngoại quốc đọc đến tập thơ ông mà thấy ông chỉ vì có một cớ nhỏ nhen là không lấy được người yêu mà than, mà khóc, mà phá hủy đời niên thiếu, thì họ sẽ phê bình và phỉ nhổ thanh niên chúng ta ra sao?

Tôi vẫn biết, trong những giờ phút chán nản, tình yêu cần để ấp ủ lòng người, nhưng tình yêu không phải là lẽ sống duy nhất ở đời. Ngoài tình yêu, chúng ta còn có gia đình, còn có xã hội, còn có non sông đất nước đã hun đúc nên ta.

Sống giữa lúc bom đạn nổ inh tai, lửa chiến tranh bùng cháy khắp mọi nơi, các thanh niên thế giới đang đua nhau xả thân vì tổ quốc, vui lòng nhắm mắt bên bờ nghĩa vụ, thì ở nước Nam nhà, một thanh niên làm thơ khóc lóc vì tình duyên trắc trở và muốn hủy hoại thân thể mình, phải chăng đó là một điều đáng buồn cho tương lai đất nước?

Hỡi các thi nhân:

Tôi vẫn biết người là con cưng của Tạo hóa, người có tâm hồn đa cảm sớm biết rung động trước vẻ đẹp của ngày hè tươi sáng hay sớm biết gẩy những “sợi tơ lòng” trước cảnh chiều đông mưa phùn, gió rét.

Trước làn sóng rung rinh của những nhành lục liễu rủ trên gương hồ biếc, không ai ngăn thi nhân đừng ngâm vịnh mà không “gọi gió, gọi thông, lên tiếng họa”.

Trước những nỗi đau thương thê thảm của đời, ai cấm thi nhân không được:

Trăm ngàn năm nẩy mãi sợi tơ lòng,

Ca những khúc sầu vui, tình thiên hạ.

[Thế Lữ - Mấy vần thơ]

Vì quả như lời thi sĩ Musset đã nói trong bài thơ La nuit de Mai:

Les phus déssespérés sont les chants les plus beaux

Et j’en sais d’immortels qui sont de purs sanglots.

mà thi sĩ Nguyễn Giang đã dịch gần được sát ý trong Danh văn Âu Mỹ:

Vãn thanh cẩm tú trong đời,

Những câu tuyệt diệu ấy lời xót xa!

Hỡi các thi nhân, người hãy nhận chân cái nhiệm vụ của thi nhân!

Người đừng đem cái thất vọng vô căn cứ làm tê liệt những hi vọng của đất nước. Người đừng ca tụng những thú vui nhục dục mê hồn mà chôn vùi nguồn sinh lực của giống nòi.

Người hãy gieo rắc bằng những vần điệu huyền ảo vào trong mọi người cái thú say sưa của một cuộc đắc thắng mãnh liệt giữa những cám dỗ đê hèn của đời vật chất, với những bổn phận thiêng liêng làm người làm dân trong những giờ phút phục hưng này của gia đình, của đất nước.

Người hãy là những đạo sĩ [être des mages] như điều mong ước của nhà đại thi hào Victor Hugo mà tìm một con đường sáng cho người đồng chủng”...

Có thể nói đây là những ý kiến chính xác, thể hiện bản lĩnh, tính khách quan, trung thực của nhà phê bình, góp phần làm nên chất lượng phê bình và qua đó tác động, phát huy ảnh hưởng trực tiếp đến sáng tác.

Rồi đến hai ông Hoài Thanh - Hoài Chân trong lời giới thiệu Một thời đại trong thi ca ở sách Thi nhân Việt Nam [Nguyễn Đức Phiên xuất bản, 1942] có ý nhấn mạnh chất thơ, hình thức và phong cách thơ Nguyễn Bính so với nhiều thi nhân đương thời:

… “Tôi quyết rằng trong lịch sử thi ca Việt Nam chưa bao giờ có một thời đại phong phú như thời đại này. Chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng một lần một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, quê mùa như Nguyễn Bính, kỳ dị như Chế Lan Viên... và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu…

… Trái lại, trong thơ Nguyễn Nhược Pháp chịu không thể thấy dấu tích một nhà thơ xưa nào. Không biết ai đã giúp Nguyễn Nhược Pháp tìm ra nụ cười kín đáo, hiền lành và có duyên ấy. Alfred de Musset chăng? Dầu sao đây rõ ràng là một nụ cười riêng của người Việt. Thế mà lạ, trong vườn thơ nó chỉ nở ra có một lần. Sau này Nguyễn Bính đi tìm tính chất Việt Nam lại trở về ca dao. Thơ Nguyễn Bính có cái vẻ mộc mạc của những câu hát đồng quê. Nguyễn Đình Thư cũng có chịu ít nhiều ảnh hưởng ca dao, lại chỉ mượn ở ca dao cái vẻ tình tứ. Cho nên Nguyễn Đình Thư gần Kiều hơn” [NHS nhấn mạnh]…

Chủ Đề