Tên gọi khác của chùa bà thiên hậu là gì

Quần thể tiếu tượng gốm trên nóc chùa được xem là đặc sắc nhất, xuất hiện từ năm 1908.

Miếu Thiên Hậu hay chùa Bà Thiên Hậu ở quận 5, TP.HCM, được ví von là ngôi nhà tâm linh có tầm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống văn hóa người Hoa đang sinh sống trên địa bàn thành phố. Ngôi miếu được xây dựng vào năm 1760 và đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 1993. Sau hơn 250 năm tồn tại, miếu Thiên Hậu vẫn giữ được nét kiến trúc độc đáo dù trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa.

NGUỒN GỐC MIẾU THIÊN HẬU – HỘI QUÁN TUỆ THÀNH

Miếu Thiên Hậu – Hội quán Tuệ Thành, còn được gọi là chùa Bà Chợ Lớn, tọa lạc tại 710 đường Nguyễn Trãi [quận 5, TP. Hồ Chí Minh], là một trong những ngôi miếu cổ của cộng đồng người Hoa từ TP. Quảng Châu [tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc] sang. TP. Quảng Châu còn có tên gọi xưa là Tuệ Thành hay Dương Thành, nên sau này Hội quán mang tên Tuệ Thành để nhắc nhớ về quê hương gốc.

Tên Miếu Thiên Hậu – Hội quán Tuệ Thành là do người Hoa đầu tiên đến làm ăn, phải lưu trú buôn bán dài ngày theo mùa gió, thường đi lúc mùa gió Bắc lúc về mùa gió Nam. Ở Việt Nam vài ba tháng mỗi năm, ở dưới ghe không tiện, nên họ lập Hội quán để có nơi cư trú, tiện giao dịch buôn bán và hỗ trợ, hội họp đồng hương. Trên ghe cũng có thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu để phù hộ độ trì việc đi trên biển.

Trải qua nhiều đợt trùng tu, miếu vẫn giữ đặc trưng với phong cách kiến trúc người Hoa

Dần dần, người Hoa cư trú đông đúc và lâu dài, Hội quán gắn bó mật thiết với cuộc sống và các hoạt động kinh tế với người Hoa, nên chức năng thờ tự và tín ngưỡng trong hội quán phát triển và nổi bật, người Hoa lập Miếu trong Hội quán để thờ tự. Theo thời gian, Hội quán có trước, Miếu có sau. Điều này khác với Hội quán của người Hoa ở Hội An [Quảng Nam]. Do điều kiện không còn thương cảng Hội An, thế mạnh kinh tế không như trước, Hội quán ở đây lưu giữ chức năng cộng đồng, chức năng tín ngưỡng không nổi trội. Ở Hội An, có tên Hội quán như Hội quán Phúc Kiến, Hội quán Triều Châu,… bên trong vẫn có nhà thờ Thánh như Hội quán Phúc Kiến – đối tượng thờ chính là Thiên Hậu Thánh Mẫu, Hội quán Triều Châu đối tượng thờ chính là ông Bổn,… nhưng không có tên Miếu đi kèm như tên Hội quán ở TP.HCM. 

Chưa có tư liệu để xác định chính xác miếu được xây dựng từ năm nào, nhưng theo những người Hoa lớn tuổi kể lại vào năm 1760, đầu triều Thanh đã có nhiều thương buôn đi tàu sang Việt Nam buôn bán làm ăn. Căn cứ vào dấu tích trên một cái chuông bằng gang đúc vào năm Ất Dậu thời vua Càn Long [1795] và nội dung bia đá trong Miếu, được biết sau năm 1800, Miếu đã có một đợt trùng tu lớn. Sau đó, các năm 1825, 1842, 1882, 1890, 1996 cũng có những đợt trùng tu lớn nhỏ.

Điện thờ chính trong miếu dành cho Bà Thiên Hậu. Bà là người Phúc Kiến. Theo truyền thuyết ba được gọi là Lâm Mặc. Bà có lòng thương người, thông minh, và đặc biệt có tài tiên đoán những sự thay đổi của khí hậu, biết chữa bệnh trừ tà… Do đó rất được người trong vùng ven biển yêu thương, khâm phục. Bà mất lúc 28 tuổi [năm 987], người trong vùng đã lập miếu thờ. Đề cao Bà Thiên Hậu, ngưỡng mộ và thành kính Bà, dành vị trí trang trọng nhất trong khu vực và đặt thờ Bà trong ngôi miếu lớn của cộng đồng, người Hoa muốn qua đó giáo dục cho thế hệ tiếp nối về lòng hiếu thuận đối với cha mẹ, tinh thần biết xả thân vì mọi người như Bà. Ngôi Miếu này còn được dựng lên để tỏ lòng biết ơn sâu sắc về sự phò trợ của Bà đối với người Hoa trên đường sang Việt Nam gặp nhiều gian nan.

Tượng Bà Thiên Hậu trong chính điện
Bộ lư hương lớn nhất đặt tại trung điện có niên hiệu Quang Tự thứ 12 [năm 1886].

ĐẶC SẮC NGHỆ THUẬT KIẾN TRÚC CỦA MIẾU THIÊN HẬU:

Được xây dựng gần 250 năm qua, Miếu Thiên Hậu vẫn giữ được những đường nét nghệ thuật kiến trúc đặc sắc của cộng đồng người Hoa gốc Quảng Đông. Yếu tố phong thủy được thể hiện qua chiếc đồng hồ phóng sinh trước miếu, với tranh “Ngũ Long Bích” thể hiện hoa văn “Ngũ long phún thuỷ” [Năm con rồng phun nước] tạo cho Miếu một kết cấu mặt trước có dạng “minh đường thủy tụ” mà tụ thủy là tụ Phúc về trong thiên hạ, có được Phúc là nhất “Thiên Hạ Đệ Nhất Phúc”. Chỉ tiếc là con đường Thiên Lý xưa, mà nay là đường Nguyễn Trãi, đã đi ngang một phần sân Miếu, chia cắt ngôi Miếu và hồ phóng sinh. Năm 1995, đường Nguyễn Trãi được mở rộng, Hồ Phóng Sinh phải lùi vào 7m nên bị thu hẹp diện tích lại. 

Kiến trúc miếu xây theo hình ấn, là tổ hợp các ngôi nhà liên kết nhau tạo thành mặt bằng giống hình chữ “khẩu” hoặc chữ “quốc”. Miếu có cấu trúc mặt bằng dạng chữ tam, gồm ba dãy nhà kết cấu theo chiều dọc, từ ngoài vào trong có tiền điện, trung điện, chính điện. Hội quán Tuệ Thành và trường Mạch Kiếm Hùng nằm hai bên miếu. Tổng thể các cơ sở chính và phụ của miếu tạo cho cấu trúc có hình cái ấn, là kiểu cấu trúc đặc trưng của người Hoa với tổ hợp bốn dãy nhà liên kết nhau thành hình chữ khẩu. Nóc miếu được trang trí hoa văn hoa lá, quần thể tiểu tượng bằng gốm do hai lò Bửu Nguyên và Đông Hòa sản xuất vào năm Mậu Thân 1908, kế thừa từ làng gốm sứ nổi tiếng nhất của Hoa Nam ở huyện Thạch Ván, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ngoài tượng “Nhật Thần” bên trái cửa Miếu và tượng “Nguyệt Thần” bên phải cửa Miếu [theo hướng của ngôi miếu], các đề tài thể hiện trên gốm bao gồm các điển cố như: “Thầy trò Đường Tăng”, “Tam Nương giáo tử”, “Bao Công xử án”, “Thôi tiêu dẫn Phụng”, “Bát tiên quá hải”, “Phúc Lộc Thọ”, “Lưỡng long tranh châu”, “Ngọc hoàng đại đế”, “Hán Sở tranh hùng”, “Chung Quỳ Giá Muội”, “Đả võ đài”, “Bái tổ vinh quy”, có hình ảnh tiên đồng ngọc nữ với hàng chữ “Hòa hợp nhị tiên”… Hai con lân chạm từ khối đá nguyên, có con trong lòng, theo nguyên tắc ”Nam tả Nữ hữu”.

Những trang trí này do nghệ nhân có tay nghề được truyền tụng như ông Phan Kim đã áp dụng nghệ thuật tạo hình theo mẫu gốm nổi tiếng của Quảng Đông. Những mô típ hình nhân này đa số đều có nguồn gốc từ các truyện cổ điển như Tây du ký, Tam Quốc, Thủy Hử, Hồng Lâu Mộng,… Bố cục và nội dung được thiết kế thành ba tầng: Trên cùng là mô típ lưỡng long tranh châu; tầng giữa gồm quần thể tiểu tượng gốm, chạm hình nhân với các đề tài khác nhau; tầng dưới được tạo hình bằng các con vật như chim muông, thú rừng,… cùng trăm hoa đua nở. Đặc biệt, trên vách Miếu còn chạm khắc nổi hình năm con dê [Dương Thành], biểu tượng của thành phố Quảng Châu. Ở trước có treo mô hình “Thuyền Bát Nhã”.

Tiền điện đặt hai trang thờ ở hai bên cửa vào. Bên trái thờ Môn Thần, bên phải thờ Phúc Đức Chính Thần. Tại đây, cũng có bia đá ghi truyền thuyết về Thiên Hậu Thánh Mẫu và bức tranh lớn vẽ cảnh Bà hiển linh trên sóng nước. Bia công đức ghi lại sự đóng góp trùng tu miếu vào các đời Đạo Quang thứ 8 [1828], Đạo Quang thứ 10 [1830], Tự Đức thứ 11[1857], Hàm Phong thứ 9 [1859], Quang tự Mậu Tuất niên [1898]. Đặc biệt, trong Miếu còn có bia đá “Xưởng thiết kế cơ khí xa bi ký” [Văn bia ghi việc đề xướng lập ra cơ khí Thủy xa] lắp vào năm Mậu Tuất Quang Tự năm thứ 24 [1898]. Nội dung bàn về việc lập xe máy nước để chữa cháy. Hiện nay, xe chữa cháy này đang lưu trữ ở bảo tàng TP. Hồ Chí Minh, còn những ống phun nước bằng đồng để chữa cháy trên có dòng chữ “Hội Quán Tuệ  Thành Trí”, “Việt Đông tỉnh thành Di Hòa Phát, Thang Vạn Ký tạo” lưu giữ ở miếu. Đây là một đóng góp quan trọng vào việc tạo nên cuộc sống bình an cho cư dân Chợ Lớn thời bây giờ.

Trung điện đặt bộ ngũ sự [một lư hương + hai chân đèn + hai bình hoa], niên hiệu Quang tự thứ 12 [1886] là bộ lư bằng hợp kim lớn nhất so với các lực lượng khác trong miếu của người Hoa ở Việt Nam. Tại đây, cũng đặt kiệu lớn, dành rước Bà trong ngày vía. Trên nóc miếu phần trung điện có treo bức hoành [Hàm hoằng quang đại] cho biết năm trùng tu xưa nhất của miếu [1800]. Sau phần trung điện đến gian chính thờ Bà. Khám giữa đặt ba tượng: tượng cao nhất dùng vào dịp vía Bà; cung nghinh ra sân cho Bà ngự lãm lễ hội. Tượng giữa đặt trên khám thờ và tượng dưới cùng dùng đặt vào kiệu, đưa Bà đi du ngoạn. Tượng tạc từ một khối gỗ nguyên cao 1m, có từ trước khi xây miếu, vốn được thờ ở Biên Hòa, đến năm 1836 mới di chuyển về hội quán này.

Tại gian chính điện còn đặt ba chiếc đại hồng chung cổ. Một chiếc bằng gang, trên có ghi: “Càn Long lục thập niên tuế thứ Ất Dậu quý xuân cát đáng” [Ngày tốt, tháng 3 năm Ất Dậu, Càn Long năm thứ 60 – 1795] “Chúng Thương Tuệ Thành Hội Quán đồng kiến”; một được đúc bằng đồng vào năm Canh Tuất 1850… Tại “Thiên Hậu Cung” có đặt một chiếc thuyền gỗ, với lá cờ nhỏ có 4 chữ “Phổ độ chúng sinh”. Hai bên khám thờ Bà là khám thờ Long Mẫu Nương Nương và Kim Huê Nương Nương. Gian phụ hai bên chính điện thờ Quan Thánh Đế Quân và Tài Bạch Tinh Quân. Trong tủ kính lớn của Gian chính điện, có nhiều đồ cổ quý giá, có tướng lịnh của Aries ký tên, cấm các binh sĩ Pháp, Y Pha Nho phá phách miếu. Lệnh này được lưu giữ từ năm 1860. 

Ngoài một số hiện vật được trưng bày, miếu còn có một lư Hương bằng đồng, dưới đế có ghi: Đại Minh Tuyên Đức niên chế, chế tác năm Canh Tuất, đời vua tuyên Đức nhà Minh [1430]. Theo thống kê chưa đầy đủ, miếu hiện lưu giữ gần 400 hiện cổ vật, gồm tượng thần bằng đá, bia đá, thuyền Bát Nhã, tranh nổi, họa tiết,….

Toàn miếu có 23 cặp đối, nội dung nói lên khát vọng của người dân luôn mơ ước có một đời sống ấm no hạnh phúc, nhờ vào ân đức và sự phò trợ to lớn của Thiên Hậu Thánh Mẫu. Một hệ thống phù điêu chạm khắc gỗ được tạo tác tại các bàn thờ Thiên Hậu Hậu, Long Mẫu, Kim Huê,… có người và vật, được thể hiện qua nét chạm đục tinh xảo, thành nhiều lớp tạo chiều sâu, đem lại giá trị nghệ thuật nhiều hơn cho tác phẩm.

Ngoài ra, có thể thấy nét chạm khắc sinh động ấy qua chiếc thuyền Bát Nhã trang trí trên cửa chính của miếu; của hồ phóng sinh với những con rồng uốn lượn, được bố cục theo dạng Ngũ Long Bích, Cửu Long Bích,… tuy đầy đủ móng vuốt vươn ra, nhưng ta vẫn bắt gặp được nét mềm mại, dịu dàng, thanh thoát toát lên trên toàn bộ tác phẩm. Qua những họa tiết trang trí bằng gỗ, bằng gốm, tranh vẽ,… còn có những bức tranh giới thiệu nét văn hóa sinh động của các mẫu truyện trích từ bộ sách Nhị thập tứ hiếu; những bài thơ của Lý Bạch, cố nhà văn thời Tống là Phạm Trọng Yếm,…

Tất cả những đường nét nghệ thuật chạm khắc, gốm sứ, tranh vẽ, đến những đường nét chữ thảo, chữ triện, được thể hiện trong toàn bộ khung cảnh, từ bên ngoài đến bên trong miếu, đã giới thiệu được đặc trưng cơ bản của nền văn hóa Trung Hoa. Trong đó, không chỉ là những thành tựu nguyên mẫu được du nhập vào từ Trung Quốc, mà còn là những tác phẩm được sản xuất từ các lò gốm ở Chợ Lớn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Nền văn hóa ấy đã giới thiệu mối quan hệ bền vững, chặt chẽ của hai cộng đồng Hoa – Việt đã có trong lịch sử mà vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Hai dãy hành lang dán đầy những tờ giấy ghi tên và tiền công đức khách thập phương.

LỄ HỘI Ở MIẾU THIÊN HẬU

Hằng năm cứ đến ngày 23 tháng 3 âm lịch, vía Bà Thiên mẫu đều được tổ chức long trọng. Trước đây, vào những ngày này, có trình diễn hát Quảng, có múa lân, múa rồng tưng bừng trong sân miếu. Ngày vía Bà cũng là ngày hội đấu thầu đèn lồng. Trong ánh sáng lung linh của đêm hội ấy, người Hoa thỉnh hàng chục, hàng trăm chiếc lồng đèn dâng cúng Bà, trước là để tỏ lòng thành kính, sau nữa là có dịp làm phước thiện. Đến tham dự lễ hội, người Hoa nào cũng cảm thấy được gần gũi nhau hơn. 

Tiếp nối truyền thống nghi lễ hàng trăm năm qua, mỗi năm cứ vào ngày 28 hoặc 29 Tết, Ban Trị sự Miếu đều tiến hành lễ cúng Bà. Điểm nhấn quan trọng trong ngày lễ cúng này là Lễ khai ấn. Đây là một trong những buổi lễ đặc biệt đối với người Hoa tín ngưỡng Bà Thiên Hậu. Đặc biệt, vì nó trái với tập tục của các cơ quan công đường trước đây. Hằng năm vào 23 tháng Chạp, quan ở công đường làm lễ kháp ấn [niêm phong ấn trong tráp].

Đầu năm mới, họ bắt đầu làm lễ khai ấn vào lúc mở cửa công đường, làm việc trở lại. Người Hoa ở Chợ Lớn có truyền thống làm lễ khai ấn vào cuối năm, kỳ vọng vào giai đoạn chuyển tiếp từ năm cũ sang năm mới, đã có sự phò trợ của Bà Thiên Hậu để giúp nước được thịnh, dân được yên. 

Sáng 28 Tết, sau hồi chuông trống Bát Nhã vang xa, 11 vị trong Ban Trị sự đã nghiêm trang tề tựu trước chính điện. Một người xướng lễ tiến hành nghi thức dâng hương cho Bà. Sau đó là việc bốc thăm. Mười một mảnh giấy đỏ được xếp vuông vắn, đặt vào mâm, lần lượt đưa đến trước 11 thành viên trong Ban Trị sự. Bên trong mảnh giấy ghi “Vạn sự như ý”, “Như Ý Kiết Tường”, …; riêng thăm có ghi bốn chữ ”Khai ấn đại kiết” vào tay ai thì người ấy được vinh dự lên mở ấn. Người bốc trúng thăm có chữ “bê ấn” [tiếng Quảng đọc thành Bủn danh] sẽ cầm ấn cho người kia đóng. Ấn bằng đồng, hình vuông, có cạnh 9cm, mặt ấn khắc bốn chữ Hán dạng chữ triện “Hộ quốc tý dân” [giúp nước cứu dân]. Khi ấn trong hộp đã được lấy ra, liền được đóng lên hai mảnh giấy đỏ dán vào cột chính tại cung Thiên Hậu. Hai mảnh giấy ghi chữ Hán, một bên là “Khai ấn đại kiết” một bên là “Hợp cảnh bình an”. Giấy này được giữ trên cột đến ngày vía Thiên Hậu Thánh Mẫu [23 tháng ba âm lịch] sẽ được thay hai tấm mới.

Sau khi giấy được dán vào cột, hàng trăm người Hoa đến tham dự lễ khai ấn bắt đầu đến bên chính điện, đưa những vuông khăn mới, chen lấn nhau để nhận về những góc khăn có đóng ấn Bà, xem như là những ấn chứng, bảo đảm cho một năm mới được an khang thịnh vượng và hạnh phúc.

Khi những vuông khăn có ấn ba được người Hoa xếp lại cẩn thận thực sự, thì cũng là lúc họ bắt đầu đến bên quầy nhang đèn để “thỉnh” chiếc đèn lồng nhỏ nhắn có cốt bằng nan tre, bên ngoài phết sơn gọi là “Thiên Mẫu Đăng”, xung quanh đèn có hàng chữ “Thiên Hậu Thánh Mẫu” cùng với hai câu chúc “Tân Xuân Đại Kiết” và “Hợp Gia Bình An”. Đèn mua xong, đem đặt ở chính điện, cầu mong sự chứng giám của Bà, sau đó đưa qua vài lần trên bảy ngọn [Thất Tinh Đăng] coi như lễ khai quang, biểu tượng cho việc cầu thọ. Theo phong tục, Khổng Minh đốt bảy ngọn đèn cầu sống thêm, khi biết tuổi thọ của mình đã mãn. Từ đó thất tinh đăng là biểu tượng để cầu thọ.

Đèn lồng được rước về nhà, trang trọng trên cái bàn thờ Bà hoặc bàn thờ tổ tiên, với khát vọng một năm mới sắp bắt đầu sẽ là một năm đem lại nhiều thịnh vượng, bình an và hạnh phúc cho gia chủ, nhờ vào sự phù trợ của Thiên Hậu Thánh Mẫu.

Dù cho ở mỗi ngôi miếu, lễ này được tổ chức đôi lúc có đôi chút khác biệt, nhưng trên hết vẫn là niềm mong ước hướng đến cái thiện cho cộng đồng và gia đình, của hơn triệu người Hoa có quy trình cộng cư suốt ba thế kỷ qua ở Việt Nam. Tín ngưỡng Bà Thiên Hậu, ngưỡng vọng và dành nhiều nghi lễ trang nghiêm cho Bà trong ngày cuối năm để cầu mong sự phò trợ cho cộng đồng được tiếp tục hanh thông trong tương lai, người Hoa đã bộc lộ được cuộc sống bình an và hạnh phúc nơi vùng đất mới.

Tại Miếu, người Hoa đi lễ hầu hết các ngày trong tháng. Ngoài nhóm người Hoa gốc Quảng Đông, còn có các nhóm khác và cả người Việt đến lễ bái. Đông nhất là vào các ngày rằm và mùng một, thượng nguyên [Tết Nguyên Tiêu]; Trung Nguyên, Hạ nguyên. Nhìn chung, trong năm, miếu tổ chức 16 buổi lễ cúng. Khi đến cúng, người Hoa mang lễ vật như hoa tươi, trái cây, gà, bánh,… nhang, đèn, giấy tiền vàng bạc là lễ vật không thể thiếu. Lễ vật mang đến, cúng xong họ mang trở về nhà một phần gọi là hưởng lộc Bà. Người Hoa cũng mua nhiều vòng nhang tròn cầu an treo ở trong Miếu để cầu nguyện cho bản thân hay gia đình được bình an, tiêu trừ bệnh tật. 

Cộng đồng người Hoa Quảng Đông, ngay từ khi thành lập miếu Thiên Hậu, cũng đã xây dựng nhiều cơ sở từ thiện xã hội như trường Mạch Kiếm Hùng, Tang nghi quán, Nhị tỳ Quảng Đông ở Bình Thới [hiện không còn hoạt động], bệnh viện Nguyễn Tri Phương,… Tiền phúc lợi do từ quỹ cúng, được Ban Quản trị miếu sử dụng vào những việc công ích như: Xây trường, bảo trợ cho học sinh, sinh viên nghèo, cấp học bổng cho trường Trần Khai Nguyên, chi phí thuốc men cho người nghèo,…

Miếu Thiên Hậu – Hội quán Tuệ Thành có vị trí quan trọng đối với cộng đồng người Hoa, đặc biệt là người Hoa Quảng Đông ở Chợ Lớn. Miếu Thiên Hậu là một trong những ngôi miếu được giữ gìn khá tốt. Đây cũng là một thắng cảnh của thành phố, thu hút đông đảo du khách Hoa, Việt và người nước ngoài đến tham quan, lễ bái. Miếu là niềm tự hào của người Hoa thành phố, là di tích lịch sử – văn hóa quốc gia được công nhận vào năm 1995.

* Th.S Nguyễn Thùy Dương – Khoa Công tác xã hội [ĐH Mở TP.HCM].

Tài liệu tham khảo: 

1. Miếu Thiên Hậu – Tuệ Thành Hội quán [2000], NXB Trẻ.
2. Võ Thị Ánh Tuyết [2011], Hội quán Hoa ở Hội An [Quảng Nam] trong so sánh các miếu Hoa ở Thành phố Hồ Chí Minh [Nam Bộ – Đất và Người, Tập VIII], NXB Đại học Quốc gia TP.HCM.

Video liên quan

Chủ Đề