Thai nhi 39 tuần tuổi nặng bao nhiêu cân?

Mang thai tuần 39 - mẹ bầu sắp đạt đến đích của hành trình mang thai 42 tuần thai kỳ. Trong tuần này thai nhi phát triển thế nào, thay đổi của mẹ ra sao và dựa vào dấu hiệu nào để biết được mẹ sắp chuyển dạ. Hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây của mangthaikhoe để hiểu rõ hơn về những vấn đề này mẹ nhé!

1. Mang thai tuần 39 - Thai nhi đã phát triển như thế nào?

1.1. Chỉ số cân nặng và chiều dài cơ thể

Mang thai tuần 39, thai nhi đã đạt kích thước từ 47 - 48cm tính từ đầu đến chân. Cân nặng của bé trong thời điểm này vào khoảng 3,25kg. Tuy nhiên, cân nặng ở mỗi bé khác nhau tùy thuộc vào lượng dinh dưỡng hấp thu vào cơ thể bé. 

Mang thai tuần 39, cân nặng của bé trong thời điểm này vào khoảng 3,25kg.

1.2. Thay đổi lớp da non

Tại thời điểm này, lớp mỡ dưới da của thai nhi vẫn tiếp tục được bồi đắp thêm, đảm bảo bé có thể kiểm soát được nhiệt độ ngay sau khi sinh. Các lớp da cũ bên ngoài đang dần bong ra nhường chỗ cho sự phát triển của lớp da non.

Thai nhi 39 tuần da đã có màu đỏ hồng bởi vì có thể dễ dàng thấy được những mạch máu phía dưới nhờ lớp biểu bì mỏng manh. Đối với những đứa trẻ bụ bẫm do có lớp mỡ dưới da dày hơn nên sẽ có làn da trắng hơn

Tuy nhiên trong 1 số trường hợp do hệ tuần hoàn còn chưa hoạt động mạnh mẽ khiến cho da của bé xanh xao hơn. Khi ra thế giới bên ngoài, sắc tố da sẽ thay đổi dần về đúng với màu da thật của bé. 

1.3. Sự tiết ra chất bôi trơn của cơ thể

Mang thai tuần 39 là thời điểm em bé sắp chui ra khỏi bụng mẹ đến với thế giới. Lúc này, cơ thể em bé tiết ra một chất bôi trơn. Chất này có tác dụng tránh cho các tế bào trong lá phổi dính với nhau. Điều này có nghĩa là bé có thể tự thực hiện hoạt động hô hấp khi ra thế giới bên ngoài.

1.4. Bộ não của bé vẫn phát triển mạnh mẽ

Khác với các bộ phận trong cơ thể, bộ não của thai nhi vẫn tiếp tục phát triển với tốc độ rất mạnh mẽ. Bắt đầu từ tuần 36, bộ não của thai nhi đã phát triển thêm 30%. Sự phát triển này vẫn sẽ tiếp tục trong những năm đầu đời, được thể hiện qua những gì bé được học hỏi mỗi ngày.

1.5. Thai nhi 39 tuần đạp nhiều về đêm

Những hoạt động trong bụng mẹ của em bé vẫn tiếp tục tiếp diễn cho đến khi được sinh ra. Em bé vẫn rất năng động và đạp mẹ nhiều, đặc biệt là về đêm. Vì vậy, mẹ vẫn cần để ý đến những cử động của bé trong tuần này. Nếu không thấy em bé của mẹ đạp nhiều thì mẹ cần phải báo lại với bác sỹ sản khoa. 

Thai nhi 39 tuần vẫn rất năng động và đạp mẹ nhiều, đặc biệt là về đêm

2. Mẹ bầu mang thai tuần 39 thay đổi như thế nào?

Mang thai tuần 39, mẹ bầu sẽ có chút mệt mỏi xen lẫn háo hức vì sắp gặp được con. Bụng dưới của mẹ đã to lên vì thai nhi đã tụt xuống gần phía dưới xương chậu. Vì vậy, lúc này mẹ bầu đi đứng khó khăn hơn, tư thế cũng thay đổi nhiều vì trọng tâm của cơ thể bị dồn về trước. 

Đến thời điểm này, mẹ cần phải theo dõi sát những thay đổi của cơ thể. Cơn chuyển dạ sẽ xuất hiện vào bất kỳ thời điểm nào trong tuần này hoặc tuần tới. Tuy nhiên lúc này các cơn chuyển dạ giả cũng sẽ xuất hiện với một mức độ dày đặc hơn. 

Nếu mẹ đi khám thai ở tuần này, bác sỹ sẽ kiểm tra sự phát triển của thai nhi và vị trí hiện tại của con trong bụng mẹ. Đồng thời, bác sỹ sẽ kiểm tra xem mức độ giãn nở của tử cung. Tuy nhiên, vẫn chưa thể biết được chính xác thời điểm bé ra đời là lúc nào.

Nếu đã quá ngày dự sinh, mẹ sẽ được bác sỹ hẹn lịch khám vào tuần thứ 40 để chắc chắn bé yêu vẫn phát triển bình thường. 

3. Dấu hiệu chuyển dạ tuần 39

3.1. Bụng bầu tụt xuống, sa bụng bầu

Mang thai tuần 39, thai nhi đã tụt xuống dưới xương chậu khiến cho bụng của mẹ cũng bị tụt xuống dưới. Người ta thường gọi đó là hiện tượng “ sa bụng”. Mẹ sẽ cảm thấy cơ thể rất nặng nề trong quá trình di chuyển, cũng như nằm nghỉ ngơi. Đối với một số trường hợp ngôi thai bị ngược thì có thể bụng mẹ sẽ không bị tụt xuống. Khi mẹ có dấu hiệu sắp sinh như: đau bụng liên tục và dữ dội, cổ tử cung giãn, túi ối bị vỡ thì sẽ được bác sỹ chỉ định mổ đẻ để đảm bảo được sự an toàn cho cả mẹ và con.

3.2. Xuất huyết âm đạo

Phần cổ tử cung của mẹ giãn mở khiến cho các mạch máu bị vỡ. Điều này khiến cho dịch tiết âm đạo của mẹ có màu hơi hồng hoặc nâu vì nhuốm màu đỏ của máu. Đây chính là dấu hiệu báo hiệu mẹ sắp chuyển tới giai đoạn bắt đầu cho quá trình sinh em bé.

Hãy đến gặp bác sỹ nếu mẹ xuất hiện những dấu hiệu bất thường khi mang thai tuần 39

3.3. Bong nút nhầy cổ tử cung

cũng là tín hiệu cho biết em bé của mẹ sắp được chào đời. Trong quá trình mang bầu, nút nhầy sẽ có vai trò bảo vệ túi ối và thai nhi không cho các vi khuẩn có mặt trong âm đạo xâm nhập vào. Nút nhầy có tính chất đặc và dính, trông giống như nước mũi hoặc tinh dịch, có màu đỏ tươi hoặc màu nâu.

3.4. Vỡ túi ối

Đây là một dấu hiệu nguy cấp báo hiệu em bé sắp chui ra khỏi bụng mẹ. Khi túi ối bị vỡ thường kèm theo cơn co thắt cơ tử cung gây đau bụng. Tùy vào tình trạng của mỗi người mà tình trạng vỡ túi ối sẽ khác nhau. Có những trường hợp nước ối sẽ chảy thành dòng, nhanh và mạnh. Có những mẹ bầu thì nước ối rỉ ra từng chút một rất ít. Sau khi tình trạng vỡ ối xảy ra thì khả năng sinh con trong 24 giờ là rất cao. 

3.5. Xuất hiện cơn đau chuyển dạ

Khi các cơn đau bụng dưới xảy ra một cách dồn dập và liên tục thì có thể chính là dấu hiệu chuyển dạ thật. Đồng thời, đi kèm với dấu hiệu này là rỉ ối hoặc tử cung giãn nở. do đó, nếu thấy xuất hiện các dấu hiệu này thì hãy nhanh chóng tới bệnh viện để sẵn sàng đón bé yêu của bố mẹ chào đời nhé. 

4. Những điều mẹ cần lưu ý khi mang thai tuần 39

4.1. Giữ cho tâm trạng thật thoải mái.

Mẹ bầu mang thai tuần 39 khá là nhạy cảm. Bởi vì đến thời điểm này mẹ bầu rất lo lắng và căng thẳng vì cận kề ngày sinh. Lo lắng vì không biết liệu mình đã chuẩn bị đầy đủ những thứ cần thiết cho hành trình "vượt cạn". Lo lắng vì không biết quá trình sinh con sắp tới có an toàn hay không. Tuy nhiên, hãy nghỉ ngơi và thư giãn, tránh để sự lo lắng, căng thẳng ảnh hưởng đến sức khỏe của mình mẹ nhé!

Mang thai tuần 39, mẹ hãy chuẩn bị sẵn sàng những đồ dùng cần thiết cho cả mẹ và bé

4.2. Đảm bảo đủ dinh dưỡng cho cả mẹ và con

Chế độ dinh dưỡng tốt khi mang thai tuần 39 cũng rất cần thiết. Mẹ hãy chú ý ăn uống đầy đủ để có sức khỏe sẵn sàng cho quá trình chuyển dạ. Nếu buồn nôn, không muốn ăn thì có thể chia thành các bữa ăn nhỏ. Có thể ăn chút cháo hoặc súp để không bị đói. Ngoài ra, mẹ có thể uống thêm nước ép dứa vào những tuần cuối cùng. Bởi vì trong nước ép dứa có chứa bromelain. Đây là hoạt chất có khả năng làm mềm tử cung giúp cho quá trình “vượt cạn” của mẹ dễ dàng hơn. 

4.3. Uống đủ nước 

Việc uống đủ nước mỗi ngày sẽ rất tốt cho nước ối của mẹ. Đồng thời trong quá trình chuyển dạ bị mất sức nhiều khiến cho mẹ cũng có cảm giác khát. Nếu ngại uống nhiều nước thì mẹ hãy uống thành từng ngụm nhỏ. Mẹ có thể uống nước lọc hoặc nước trái cây. Nhưng cần tránh các loại nước cam, chanh, bưởi hoặc nước có ga. Những loại nước này sẽ khiến cho mẹ cảm thấy mệt mỏi hơn. 

4.4. Điều chỉnh ngôi thai của bé

Bình thường, đến gần lúc sinh thì hướng đầu của thai nhi đã quay về phía âm đạo của mẹ để thuận lợi cho việc sinh đẻ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp đến tuần 39, đầu của thai nhi vẫn hướng về phía ngực mẹ  khiến cho quá trình “vượt cạn”của mẹ trở nên khó khăn hơn. Do đó, trong tuần này, mẹ hãy thử thực hiện động tác nghiêng xương chậu, quỳ 2 đầu gối cách xa nhau và cúi xuống cho ngực chạm đất đều đặn mỗi ngày 3 lần. 

Nếu thai vẫn không quay được về ngôi thuận thì bắt buộc bác sỹ phải can thiệp bằng phương pháp mổ để lấy em bé ra. 

Hy vọng những thông tin về sự thay đổi của mẹ và bé khi mang thai tuần 39 sẽ hữu ích cho mẹ trên hành trình chăm sóc thai kỳ. Hãy cố gắng đảm bảo đủ chất dinh dưỡng và giữ cho tâm lý thật thoải mái trong tuần này để chờ con yêu chào đời mẹ nhé!

Chủ Đề