Theo hồ chí minh, kẻ thù hung ác của chủ nghĩa xã hội là gì?

Vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức được đặt ra rất bức thiết, để hơn một năm sau Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đảng ta là đạo đức, là văn minh. Đạo đức cách mạng luôn luôn là nền tảng của một Đảng chân chính cách mạng. Nhấn mạnh điều đó vừa khẳng định những gì Đảng đã đạt tới trong chặng đường đã qua và cũng đặt ra yêu cầu Đảng phải ở tầm cao đạo đức và trí tuệ, phải là tấm gương và kiểu mẫu. Mỗi cán bộ, đảng viên gương mẫu để quần chúng nhân dân noi theo.

Trong tác phẩm Đạo đức cách mạng [12-1958], Hồ Chí Minh cho rằng, tiến lên chủ nghĩa xã hội là cuộc đấu trang lâu dài, gian khổ và có những kẻ địch chống lại cuộc cách mạng đó. “Thói quen và truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ. Chúng ta lại không thể trấn áp nó, mà phải cải tạo nó một cách rất cẩn thận, rất chịu khó, rất lâu dài”[1]. Một loại kẻ địch khác là chủ nghĩa cá nhân. Hồ Chí Minh nêu rõ, sinh trưởng trong xã hội cũ, chúng ta ai cũng mang trong mình hoặc nhiều hoặc ít vết tích xấu xa của xã hội đó về tư tưởng, về thói quen.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra yêu cầu kiên quyết chống chủ nghĩa cá nhân từ năm 1947 trong tác phẩm Sửa đổi lối làm việc, và nêu lên những đòi hỏi cao hơn trong tác phẩm Đạo đức cách mạng [12-1958] khi nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội được đặt ra trực tiếp. Trước khi đi xa, trong tác phẩm “Nêu cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, thêm một lần nữa Người căn dặn toàn Đảng phải quét sạch chủ nghĩa cá nhân. Người nêu rõ một sự thật: “Chủ nghĩa cá nhân đang ám ảnh một số đồng chí. Họ tự cho mình cái gì cũng giỏi, họ xa rời quần chúng, không muốn học hỏi quần chúng mà chỉ muốn làm thầy quần chúng. Họ ngại làm việc tổ chức, tuyên truyền và giáo dục quần chúng. Họ mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Kết quả là quần chúng không tin, không phục, càng không yêu họ. Chung quy là họ không làm nên trò trống gì”[2].

Chủ nghĩa xã hội là chế độ triệt để giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, bất công, khỏi mọi sự tha hóa và xây dựng nền dân chủ thật sự của số đông, sự công bằng, văn minh vì lợi ích chân chính của mọi người, của cộng đồng. Vì thế, chủ nghĩa cá nhân là xa lạ đối với chủ nghĩa xã hội. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Chủ nghĩa cá nhân là một trở ngại lớn cho việc xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cho nên thắng lợi của chủ nghĩa xã hội không thể tách rời thắng lợi của cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân”[3]. Người cũng nêu rõ sự cần thiết phải phân biệt chủ nghĩa cá nhân với lợi ích cá nhân chính đáng và khẳng định: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thỏa mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”[4].

Quan điểm trên đây của Hồ Chí Minh về chống chủ nghĩa cá nhân và bảo đảm lợi ích cá nhân của mỗi người chính là nhận thức khoa học về bản chất của chủ nghĩa xã hội và dựa trên hiện thực và đặc điểm của quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Phải thấy hết khó khăn và tính phức tạp của cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân bởi chủ nghĩa cá nhân biểu hiện tinh vi và được ẩn sau những thủ đoạn khác nhau. Hồ Chí Minh không chỉ yêu cầu chống mà còn phải trừ bỏ, quét sạch, tiêu diệt nó. Đến nay chủ nghĩa cá nhân vẫn tồn tại, thậm chí phức tạp và tinh vi hơn. Chủ nghĩa cá nhân vừa là nguyên nhân vừa là biểu hiện của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên và biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, nêu rõ: “Nguyên nhân sâu xa, chủ yếu của tình trạng suy thoái ở một bộ phận cán bộ, đảng viên trước hết là do bản thân những cán bộ, đảng viên đó thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng, hoang mang, dao động trước những tác động từ bên ngoài; sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất, không làm tròn trách nhiệm, bổn phận của mình trước Đảng, trước dân”[5].

Trung ương cũng chỉ rõ sự suy thoái về đạo đức, lối sống mà biểu hiện hàng đầu là: “Cá nhân chủ nghĩa, sống ích kỷ, thực dụng, cơ hội, vụ lợi; chỉ lo thu vén cá nhân, không quan tâm đến lợi ích tập thể; ganh ghét, đố kỵ, so bì, tị nạnh, không muốn người khác hơn mình”[6]. Một biểu hiện của sự suy thoái là tình trạng “Tham ô, tham nhũng, lợi dụng chức vụ, quyền hạn cấu kết với doanh nghiệp, với đối tượng khác để trục lợi. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn được giao để dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực”[7].

Chủ nghĩa cá nhân là nguồn gốc của sự suy thoái, tiêu cực, hư hỏng, song nó lại ẩn trong mỗi con người nên cuộc đấu tranh để từ bỏ nó rất khó khăn phức tạp. Tệ tham nhũng là biểu hiện tệ hại của chủ nghĩa cá nhân. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng thời gian qua có sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, trực tiếp là Bộ Chính trị và Tổng Bí thư đã có được những kết quả rất quan trọng, nhất là xử lý những vụ tham nhũng lớn bằng kỷ luật của Đảng và pháp luật Nhà nước, đã củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Với quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ của nhân dân, cần tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng với những giải pháp bài bản, đồng bộ, kiên trì, trên cơ sở siết chặt kỷ luật Đảng, xử lý nghiêm theo pháp luật. Đấu tranh phòng, chống tham nhũng hiện nay càng đòi hỏi phải gắn chặt với chống chủ nghĩa cá nhân. Có thể nhấn mạnh một số điểm quan trọng.

Một là, để đẩy lùi tham nhũng, suy thoái, phải đặc biệt chú trọng giáo dục của Đảng, nêu gương, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị.

Cùng với sự giáo dục, huấn luyện của Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên cần ra sức tự học tập, tự tu dưỡng, rèn luyện, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Hội nghị Trung ương 8 khóa XII [10-2018] quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là của cán bộ lãnh đạo cấp cao, có ý nghĩa rất quan trọng trong xây dựng Đảng về đạo đức, đổi mới phong cách làm việc và phong cách, phương thức lãnh đạo. Nêu gương về đạo đức, lối sống, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, về tính tiên phong, về trung thành với lý tưởng cách mạng, về học tập, rèn luyện, về tinh thần trách nhiệm đối với Đảng, đất nước, nhân dân. Làm tốt điều đó, nhất định tình trạng suy thoái, tiêu cực, trong đó có tham nhũng sẽ được ngăn chặn, đẩy lùi. Nêu gương là sự giáo dục rất có hiệu quả.

Hai là, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay đòi hỏi phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng, pháp luật Nhà nước, mọi cán bộ, đảng viên sống và làm việc trong khuôn khổ Hiến pháp, pháp luật.

Hồ Chí Minh đòi hỏi Đảng phải giữ nghiêm kỷ luật từ trên xuống dưới. Kỷ luật của Đảng là kỷ luật tự giác nghĩa là mọi cán bộ, đảng viên tự giác thực hiện nhiệm vụ được giao, đề cao trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, làm chủ bản thân, không làm điều gì khuất tất. Kỷ luật của Đảng cũng là kỷ luật sắt, nghĩa là rất nghiêm khắc, nghiêm minh. Chỉ có như vậy Đảng mới có sức mạnh và mỗi cán bộ, đảng viên mới tránh được sai phạm. Kỷ luật của Đảng có ý nghĩa răn đe, cảnh tỉnh, cảnh báo đồng thời hướng những người sai phạm có thể sửa chữa để tiến bộ. Trong điều kiện Đảng cầm quyền và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, kỷ luật của Đảng gắn liền với pháp luật Nhà nước.

Ba là, để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có kết quả cần phải hoàn chỉnh cơ chế, thể chế, quy định về quản lý kinh tế, quản lý tài chính, ngân sách, nguồn vốn và tài sản công, tài nguyên, đất đai và tăng cường kiểm soát quyền lực.

Cần thiết phải có chế định và tổ chức quản lý chặt chẽ tài sản và làm tốt công tác cán bộ, lựa chọn và quản lý, bố trí cán bộ, nhất là các lĩnh vực liên quan đến tiền bạc, của cải, các doanh nghiệp nhà nước.

Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII đề cập giải pháp, về cơ chế, chính sách đã nhấn mạnh sự cần thiết phải “rà soát, hoàn thiện các quy định, văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, điều hành bảo đảm công khai, minh bạch, góp phần xóa bỏ cơ chế “xin-cho”, “duyệt-cấp”; ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “sân sau”, trục lợi trong quản lý, sử dụng ngân sách, tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, vốn đầu tư, đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài chính, ngân hàng, thuế, hải quan, phân bổ, quản lý và sử dụng biên chế... Tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống rửa tiền , chuyển mạnh từ thanh toán tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt”[8].

Thực hiện tốt, đồng bộ những vấn đề bức thiết mà Nghị quyết Trung ương 4 và Nghị quyết Trung ương 7 khóa XII đặt ra và thực hiện Quy định “Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương”, mà Hội nghị Trung ương 8 khóa XII vừa thông qua, nhất định quá trình xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức cách mạng; phòng, chống tham nhũng sẽ có những kết quả và thành công mới.

PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC

Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh


[1] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 11, trang 605-606.

[2] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 11, trang 609.

[3] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 11, trang 609.

[4] Hồ Chí Minh Toàn tập, Nxb CTQG, H, 2011, tập 11, trang 610.

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, trang 24-25.

[6] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, trang 30.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, trang 31.

[8] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, trang 41.

Chủ Đề