Theo truyền thuyết dân gian nhà Táo có những ai


Táo Quân trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam có nguồn gốc từ tích truyện “Ba ông đầu rau”, cũng tức là ba vị: Thần Đất, Thần Nhà và Thần Bếp núc. Tích chuyện kể rằng:

Ngày xưa có hai vợ chồng nghèo nhưng sống với nhau rất hoà thuận. Anh chồng tên là Trọng Cao, chị vợ tên là Thị Nhi. Hiềm một nỗi lấy nhau đã lâu vẫn không có con nên cả hai đều buồn phiền. Đó cũng là nguyên nhân dẫn đến những chuyện lục đục.

Một lần, trong khi lời qua tiếng lại vì một chuyện không đâu, Trọng Cao lỡ tay đánh vợ. Giận chồng, Thị Nhi bỏ nhà đi và trong lúc lưu lạc nơi đất khách quê người, Thị Nhi đã gặp Phạm Lang. Thông cảm hoàn cảnh của nhau, hai người yêu nhau rồi thành vợ, thành chồng

Sau khi Thị Nhi bỏ đi, Trọng Cao rất hối hận, bán hết gia tư, điền sản lấy tiền làm lộ phí, đi tìm vợ. Đến nhiều nơi, hỏi nhiều người, đến khi tiền lưng đã cạn, phải lần hồi bằng nghề hành khất vẫn không thấy tăm hơi Thị Nhi đâu cả.

Đến một lần, Trọng Cao vào một nhà nọ xin ăn, người mang cơm ra cho bất ngờ thay lại chính là Thị Nhi. Hai vợ chồng nhận nhau mừng mừng tủi tủi.

Hỏi han một hồi, đúng lúc đó thì Phạm Lang về. Nghi ngờ vợ mình có tư tình với Trọng Cao, không để vợ kịp thanh minh, Phạm Lang đã nói nặng lời. Lời qua, tiếng lại, Thị Nhị uất ức quá liền đâm đầu vào đống lửa chết. Trọng Cao thấy thế vội nhảy vào cứu, nhưng do ngọn lửa to quá không những không cứu được mà còn bị chết theo. Phạm Lang thấy vì mình mà hai người chết cháy, rất hối hận cũng nhảy vào luôn. Ngọn lửa làm cả ba người cùng chết cháy. Ba con người khi chết còn nắm chặt tay nhau. 

Cảm động trước cái chết nghĩa tình của họ, Ngọc Hoàng cho họ thành 3 ông đầu rau, gọi là Táo Quân, dân gian thường gọi là Vua Bếp, để ba người luôn được ở bên nhau, đồng thời phân công mỗi người giữ một việc riêng :

Phạm Lang làm Thổ Công, trông coi việc bếp núc,  Trọng Cao làm Thổ Địa, trông coi việc nhà cửa, Thị Nhi làm Thổ Kỳ, trông coi việc chợ búa. Như vậy, Táo quân không phải là từ chỉ riêng một người, mà là một danh từ chỉ chung cho cả: Thổ công, Thổ địa và Thổ kỳ. Vị trí được sắp xếp: giữa làThổ Kỳ, dân gian gọi là Vua Bà, bên trái là Thổ công, bên phải là Thổ địa, gọi là Vua Ông. 

Cứ mỗi độ tết đến xuân về, vào ngày 23 tháng Chạp người dân Việt vẫn có phong tục cúng  lễ tiễn đưa ông Táo lên trời. Đồ cùng là một ít vàng mã, trong đó thường có 3 chiếc mũ, hai chiếc có cánh chuồn dành cho Táo ông, một chiêc không có cánh chuồn dành cho Táo bà. Ngày trước, cỗ cúng ông Công, ông Táo phải có cá chép kho hay rán chín . Tục lệ này bây giờ đã được người ta "chuyển thể" từ cá chép nấu chín thành cá chép còn sống thả trong chậu nước. Tuy nhiên, việc cúng bằng cá sống xong rồi đem đổ ra  ao, hồ, sông, suối gọi là "phóng sinh" đã gây ra nhiều hệ lụy về mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường cần phải nhìn nhận lại.

Với quan niệm Táo quân là vị thần thứ nhất, quan trọng hàng đầu trong gia đình, nên nhiều địa phương có tục lệ, con gái khi mới về nhà chồng phải làm lễ ở bếp, hay ở bàn thờ Thổ công, để xin phù trợ cho công việc bếp núc, nội trợ, tề gia.

Bếp lửa mang một ý nghĩa sâu xa, đặc biệt quan trọng với mỗi gia đình người Việt. Ngoài công dụng nấu chín thực phẩm, nó còn là nơi quy tụ cả gia đình, để chia sẻ với nhau bữa ăn ấm cúng. Lễ hội của người Việt bao giờ cũng gắn bó với nghi thức thắp lửa thiêng. Không gia đình nào là không có bếp lửa. Ngày nào lửa không bén trên bếp, ngày ấy là một ngày gia đình thiếu hơi ấm, thiếu tình thương.

Sự tích ông Táo và tục lệ cúng đưa ông Công, ông Táo về trời ngày 23 tháng Chạp trong dân gian là một nét đẹp văn hóa của người Việt, cần được giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống nhân văn của nó.  

[Tổng hợp]

Đằng sau câu ca "Thế gian một vợ, một chồng/ Chẳng như vua Bếp hai ông, một bà" là một lớp nghĩa nhân văn, đậm văn hóa Việt. Do tính chất truyền miệng, những huyền tích có thêm nhiều dị bản mà theo đó đã có nhà nghiên cứu cho rằng các nhà văn đã làm "sai khác văn bản gốc" và "để lộ cái ý định làm văn chương thông qua huyền thoại"…

Từ nguồn gốc dân gian…

Cùng Giáo sư Sử học Lê Văn Lan là khách mời chương trình "Takl Táo quân" của Truyền hình Quốc phòng, tôi cũng nghiêng về cách gọi "Táo quân" thuần Việt là "vua Bếp". Tranh tết ở Việt Nam cũng thường ghi là "Vua bếp". Vua Bếp gắn với kiềng, ba viên đất nung xếp không thẳng hàng chụm lại thành ông đầu rau… Có một thực tế hiện nay từ người dân đến các phương tiện truyền thông vẫn quen dùng khái niệm Tết Táo quân, hay Tết ông Công, ông Táo mà ít gọi theo từ thuần Việt. Tra theo Từ điển Hán ngữ, "Táo quân" [灶君] là ông Táo, vua Bếp, thần Bếp – vị thần linh thờ trong bếp, cai quản phúc họa gia đình. Chiết tự cụ thể "Táo quân" được ghép từ 2 từ "táo" và "quân". "Táo" [灶] là bếp, nhà bếp, lò nấu... Từ "quân" là vua, người làm chủ một nước thời phong kiến: "quân vương, quốc quân… Bếp vốn là "bản nguyên của nhà khi người nguyên thủy có lửa và đều dựa trên nền móng là đất". Vì thế, người Việt đã từng dùng từ tiểu táo, trung táo, đại táo để nói về suất cơm của lính chia theo cấp bậc quân hàm, trong đó đại táo là tiêu chuẩn thấp nhất dành cho chiến sĩ; tiểu táo là chế độ ăn của cán bộ cấp cao. Bếp "tượng trưng cho sự sống chung, cho mái nhà, cho sự liên kết giữa người đàn ông và người đàn bà, cho tình yêu, cho tập hợp và sự giữ gìn lửa" . …

Khách mời Chương trình "Takl Táo quân": GS Lê Văn Lan và PGS.TS Lê Thị Bích Hồng

Đi tìm nguồn gốc lửa, bếp có nhiều giai thoại. Các nước Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc…đều có những huyền thoại về Táo quân, nhưng cơ bản khác với huyền tích của ta. Trung Quốc thờ thần Bếp và cúng tiễn vị thần vào ngày 23 và có nơi cúng ngày 24 tháng Chạp; Hàn Quốc cúng ông Táo vào ngày 29 tháng Chạp…

Tuy nguồn gốc Táo quân ở Việt Nam có từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Lão giáo Trung Quốc, nhưng đã được Việt hóa thành huyền tích "hai ông, một bà". Đối chiếu từ những huyền thoại trên, xem ra không có câu chuyện nào về "Táo quân", "Sự tích ông đầu rau", "Sự tích thần Bếp", "Sự tích vua bếp", "Thần Bếp"… lại hấp dẫn, ấn tượng, đậm tín ngưỡng dân gian như truyện cổ dân gian Việt Nam. Dẫu nhiều dị bản, nhưng truyện về sự tích Táo quân ở Việt Nam vẫn xoay quanh trục chính gắn với lửa, với bếp, với cách ứng xử nhân văn của con người. Trong rất nhiều huyền thoại, truyện kể sau quen thuộc hơn cả: "Vợ chồng Trọng Cao và Thị Nhi đã sống với nhau rất hạnh phúc nhưng mãi không có con. Vợ chồng họ vì thế rất buồn phiền và thường xích mích, cãi cọ. Trong một lần lời qua tiếng lại, Trọng Cao đã không thể kiềm chế được cơn giận dữ, ra tay đánh vợ. Thị Nhi không thể chịu đựng nổi thói vũ phu của chồng, nên đã bỏ nhà đi. Cho đến khi gặp Phạm Lang, Thị Nhi đã bằng lòng lấy chàng làm vợ. Nói về Trọng Cao kể từ khi vợ bỏ nhà đi, cơn giận đã nguôi, nghĩ lại, chàng biết mình rất có lỗi nên mới xảy ra cơ sự này. Trọng Cao lặn lội đi tìm vợ khắp mọi nơi. Tiền bạc đem theo đã tiêu hết, mà vẫn không thấy Thị Nhi. Không nản lòng, Trọng Cao buộc phải làm hành khất chỉ với niềm mong tìm thấy vợ.

Trong một lần, Trọng Cao đến ăn xin lại đúng nhà Thị Nhi. Trong hình hài kẻ ăn xin, Thị Nhi vẫn nhận ra chồng cũ. Nàng đưa Trọng Cao vào nhà, dọn cơm mời ăn. Nghe Trọng Cao kể về tình cảnh của mình, Thị Nhi xúc động và ân hận việc mình nóng nảy bỏ đi…Đúng lúc đang phân vân, chưa biết cách giải quyết thế nào cho êm, thì Phạm Lang về nhà. Ngại không biết giải thích nếu chồng mới gặp chồng cũ tại nhà, Thị Nhi đã giấu Trọng Cao trong đống rơm. Vì cần tro bón ruộng, Phạm Lang đã đốt ngay đống rơm có Trọng Cao đang nấp. Trọng Cao không dám chui ra và đã bị chết thiêu. Nhìn đống rơm cháy ngùn ngụt, Thị Nhi hoảng hốt, ân hận đã nhào ngay vào đống rơm chết theo. Thấy vợ chết cháy, Phạm Lang cũng liền nhảy vào đống rơm cháy theo vợ. Thấy ba người sống chết tình nghĩa, Thượng đế đã cho cả ba hóa thành vua Bếp, chụm đầu lại thành bộ ba trong bếp lửa; ban sắc phong cho làm Táo quân: Định phúc Táo quân [定福灶君] và giao mỗi người đảm nhận một việc. Phạm Lang cho làm Thổ Công, có nhiệm vụ trông coi việc bếp mang danh hiệu "Đông trù tư mệnh, Táo phủ thần quân"; Trọng Cao làm Thổ địa có nhiệm vụ trông coi nhà cửa mang danh hiệu "Thổ địa long mạch tôn thần" và Thị Nhi làm Thổ kỳ được giao nhiệm vụ trông coi việc chợ búa, mang danh hiệu "Ngũ phương, ngũ thổ phúc đức chánh thần".

Thả cá chép ngày 23 tháng Chạp. Ảnh: Nam Nguyễn

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, tên của ba nhân vật trên đều hàm chứa nhiều tầng ý nghĩa. Tên Thị Nhi [Nhi có nghĩa là nấu chín, nấu nhừ]; Trọng Cao [Cao là tinh bột, bột gạo, bánh bột, bánh bột lọc…]; Phạm Lang [Lang âm đọc khác là Canh, món canh, món ăn nước, canh và gộp lại tên của cả ba người: Cơm – Canh – Nấu [nấu chin nhừ] nhờ ngọn lửa, bếp lửa làm thành thức ăn nuôi sống con người. Ngoài ngọn lửa giúp nấu chín thức ăn, các vị Táo còn là vị thần linh bảo vệ, che chở, giữ bình yên cho mọi người trong nhà tránh sự quấy phá của ma quỷ.

Vì truyền miệng, nên sau mỗi người kể lại "nêm gia vị" để có nhiều bản kể khác nhau sinh động. Song, dù có nhiều dị bản về chi tiết, nhưng cơ bản nội dung đều chụm trong trục chính câu chuyện về ba nhân vật: một vợ cùng hai chồng ở thời điểm trước và sau. Người phụ nữ giữa hai người đàn ông: chồng cũ, chồng mới. Có truyện ba nhân vật có tên: Thị Nhi là vợ của Trọng Cao [chồng cũ] và Phạm Lang [chồng mới]. Nhiều tình tiết trong truyện kể về cái chết khác nhau. Có truyện chồng cũ ngủ quên bị chết cháy trong đống rơm, vợ nhảy vào và chồng mới cũng chết cùng. Có truyện người vợ đang đốt vàng mã, nhận ra chồng cũ đói rách đã mang tiền gạo ra cho. Người chồng mới nghi ngờ sự thủy chung, người vợ lao vào đống vàng mã đang đốt; người chồng cũ cũng nhảy vào lửa đống vàng mã chết theo; người chồng mới ân hận, cũng nhảy vào lửa. Ngọc Hoàng thấy ba người có nghĩa, phong làm vua bếp" [Theo Việt Nam Phong Tục của Phan Kế Bính]. Ngoài ra, có một số truyện kể về cái chết khác ngoài lửa: người chồng cũ treo cổ tự vẫn, vợ nhảy xuống sông, chồng mới cũng tự tử… Ngoài số 3 nguyên sơ, cổ kính thể hiện qua ba nhân vật như phần lớn truyện kể thường thấy, thì trong một số truyện xuất hiện nhân vật đày tớ tên là Lốc. Người đầy tớ là người thứ tư chứng kiến "mối tình tay ba" và cũng là để giải thích đủ đầy hơn sự tích ông đầu rau. Thời xưa khi chưa có diêm, sau khi nấu xong bữa chiều tối, người dân giữ lửa bằng cách đổ một mớ trấu bên cạnh bếp, đè lên trên một hòn đất nặn theo hình quả cân. Trấu cháy âm ỉ, khi cần lửa, chỉ cần thổi lên là có lửa, được gọi là "đống nhấm". Hòn đất dùng để đè lên trên đống trấu gọi là Lốc. Vì thế, tranh vẽ Vua Bếp thường có người đầy tớ đứng cạnh ba người.

Đằng sau câu "chẳng như" trong câu ca: "Thế gian một vợ, một chồng/ Chẳng như vua Bếp hai ông, một bà" soi chiếu cách nhìn hôm có vẻ hình thức như "chỉ trích", nhưng thực ra là một câu chuyện nhân văn, ca ngợi tình yêu thủy chung bền chặt. Tình vợ chồng, nghĩa tao khang một đời bền chặt. Tình người thủy chung, nghĩa tình sau trước đã được thể hiện trong các sự tích về Bếp lửa, thần Bếp, vua Bếp… Người vợ dù trong hoàn cảnh nào vẫn thấy "hình dáng người chồng thân yêu không bao giờ phai nhạt trong tâm trí", "Chồng tôi hẹn tôi trong ba năm sẽ về. Đến bây giờ tôi mới tin là chồng tôi đã chết. Vậy cho tôi để tang chồng trong ba năm cho trọn đạo" [Sự tích ông đầu rau]. Hoặc "Nó lấy chồng trước thì sa vào lửa mà chết, nó lại lấy chồng sau mà lòng còn thương nghĩa chồng trước, thì chồng sau đi xem nơi lỗ xưa, thì mình cũng sa xuống mà chết. Chồng sau thấy vợ chết, thì cũng gieo mình xuống mà chết, thì ba người vào một lỗ ấy: thì người ta nói bày đặt rằng: ấy là Vua Bếp, thì phải cậy cho làm mọi việc nên" … Sự trớ trêu thể hiện trong từng huyền tích "Đột nhiên sau đó ba tháng, người chồng cũ xách khăn gói trở về quê hương" [Sự tích ông đầu rau]; "Người chồng đến ăn xin đúng nhà người vợ cũ"... Sự chéo ngoe đó đẩy đến kết cục bằng cái chết của ba nhân vật. Nghịch cảnh trớ trêu cũng bắt đầu từ đó khi xuất hiện người thứ ba.

Chuyện dở khóc, dở cười và bế tắc trong hướng giải quyết cũng lại từ đó mà ra. Bi kịch là thế. Đã chờ đợi một lòng với chồng, 3 năm, 7 năm, 10 năm vẫn chung tình. Dẫu ăn ở với người khác, nhưng bà Táo vẫn nặng tình, nặng nghĩa với chồng cũ. Chồng mới dẫu mới bén duyên, nhưng cắn dứt lương tâm và cũng bởi quyến luyến, bởi thấy mình có lỗi nên cũng theo phản ứng dây chuyền giữa vợ và chồng cũ của vợ. Kết cục cái chết đến với cả ba người. Theo truyện "Sự tích ông đầu rau" của Nguyễn Đổng Chi, chồng cũ treo cổ lên cây đa đầu làng; người vợ trẫm mình dưới ao; người chồng mới uống thuốc độc tự tử. Theo "Thần Bếp" trong "Lược khảo về thần thoại Việt Nam", ngoài 3 nhân vật Trọng Cao, Phạm Lang, Thị Nhi còn có người đầy tớ tên là Lốc tình nghĩa nhảy vào lửa chết theo chủ gắn với giai thoại "đống nhấm" trong bếp…Ngọn lửa đã trộn họ vào nhau thật xúc động. Nghĩa tình sống chết cùng nhau của họ đã động thấu trời cao. Ngọc Hoàng đã quyết định cho ba người hóa thành ba ông đầu rau luôn gần gũi bên nhau. Bộ ba ấy đã được trao sứ mệnh thiêng liêng, nhiệm vụ quan trọng làm hồng ngọn lửa ấm áp trong mỗi gia đình. Tình yêu của bộ ba độc đáo này đã được sưởi ấm, đốt nóng bằng bếp lửa hồng nóng ấm.

Táo quân tượng trưng cho bếp lửa. Tín ngưỡng thờ cúng Táo quân chính là thờ cúng Thần lửa, tôn vinh ngọn lửa, tôn vinh vị thần bảo vệ mỗi gian bếp của gia đình. Hình ảnh ngọn lửa là biểu tượng chính, không thay đổi trong Tết vua Bếp. Ngọn lửa ấy có nguồn gốc từ xa xưa thể hiện trình độ văn minh của con người đã biết dùng lửa nấu chín thức ăn, sưởi ấm, xua đuổi thú dữ… Ngọn lửa ấy [nghĩa đen hay nghĩa bóng] vẫn giữ nguyên tác dụng của nó trong mỗi gia đình ở bất kỳ thời kỳ nào là tình cảm ấm áp, đoàn kết, vui vầy, quây quần bên nhau và càng có ý nghĩa hơn trong cuộc sống hôm nay với thông điệp gia đình là "tế bào của xã hội".

Chuyện vua Bếp vẫn luôn là bài học ứng xử trong gia đình. Sự nhu mềm, hài hòa như nước; ấm nóng nồng nàn như lửa luôn là cách ứng xử thông minh trong gia đình từ xưa đến nay. Giá như người chồng không hành xử nặng lời, hoặc không giở thói vũ phu… Giá như người vợ nhu nhường, nhẫn nhịn, kiềm chế cơn tức giận, biết "nhỏ lửa", "bớt nhời", điều hòa làm mát khi "chồng giận" để không bỏ nhà ra đi.

Đến cúng tiễn Táo quân hôm nay

Dù có nhiều cách giải thích nguồn gốc vua Bếp, nhưng cái trục chính đối với các dân tộc có huyền tích này từ xưa đến nay đều chung niềm tôn kính vị thần linh đã được Ngọc Hoàng cho làm vua Bếp. Phong tục thờ cúng, tiễn rước Táo quân đã thể hiện ý nghĩa nhân văn, hướng con người ta sống tốt, sống đẹp, tích đức, làm việc nghĩa, sống lương thiện.

Người Việt rất coi trọng gian bếp. Mỗi gia đình đều coi vua Bếp là quan trọng nhất. Coi bếp là nơi tích tụ năng lượng dương của gia đình, nên kiến trúc bếp cần phải hợp phong thủy. Vì thế, nhiều gia đình làm bàn thờ riêng cho vua Bếp cao trên giàn bếp, có bài vị bằng chữ Hán, hương khói mỗi ngày. Người Tày quan niệm bếp phải được đặt ở vị trí quan trọng, không gian đầm ấm, linh thiêng để thờ thần bếp và thần lửa. Theo kiến trúc nhà sàn, người Tày thường đặt bếp ở gian chính phía trong cùng ngay sau bàn thờ tổ tiên. Bàn Chất liệu làm bàn thờ thường bằng tre với chiều dài 50cm, chiều rộng 20 cm và bát hương làm từ ống tre. Bàn thờ treo bên cạnh bếp. Ngày nay, kiến trúc nhà ở hiện đại, bếp không cách ly với không gian sống của gia đình mà chung trong một nhà. Nhiều gia đình vẫn làm bàn thờ riêng cho vua Bếp. Sau khi nấu nướng xong, gian bếp luôn được dọn dẹp, lau chùi sạch sẽ và điều quan trọng nhất phải giữ lửa trong mỗi bếp phải luôn đỏ hồng, ấm áp.

Ngày nay, cuộc sống hiện đại, việc tạo lửa ma sát các thanh gỗ, đánh lửa từ đá, giữ lửa từ "đống nhấm"… khi xưa đã được thay bằng vật dụng đánh lửa: diêm, bật lửa. Người Việt vẫn có cách đỏ lửa tùy theo từng điều kiện, thời gian với từng chất liệu: củi, rơm rạ, lá khô…bằng kiềng, bằng ba ông đầu rau bằng đất chụp lại; bằng lò than; bếp dầu, bếp gas, bếp từ, bếp điện…

Lễ cúng Táo quân được tiến hành ngày 23 tháng Chạp trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc Hoàng mọi việc làm ăn, cư xử của gia đình năm qua. Theo quan niệm dân gian giờ Ngọ [11 giờ đến 13 giờ] là thời điểm các thần tập trung để chuẩn bị về trời và cũng là giờ chư Phật thụ lộc. Vì thế, người Việt thường cúng Vua Bếp trong khoảng thời gian từ 11 giờ đến trước 12 giờ trưa [cúng xong để Táo quân có thời gian về trời sớm sủa]. Nghi lễ cúng tiễn vua Bếp về trời không rườm ra mà chính là lòng thành tâm, tôn kính, nghiêm trang, chỉn chu của gia chủ.

Vì khởi nguồn từ thờ thần Bếp, thần lửa, bếp lửa…gia chủ chuẩn bị hai mâm lễ cúng ở cả 2 nơi: bàn thờ gia tiên và bếp. Hai mâm cỗ [mặn hoặc chay] đầy đủ lễ oản, hoa quả, trầu cau, vàng tiền, kim ngân…Mâm lễ đặt trong bếp có thêm bộ đồ mã [1 mũ bà không có cánh chuồn ở giữa, 2 mũ ông có hai cánh chuồn hai bên cùng đôi hia], có điều kiện mua ba con cá chép, hoặc cúng cá chép giấy trong bộ đồ mã. Năm nay, trên thị trường đã xuất hiện cá chép đỏ bằng xôi gấc. Khi cúng, gia chủ nổi lửa ở bếp cháy đỏ bếp theo từng phương tiện, chất liệu đun nấu trong bếp nhà mình [bếp củi, lò than, gas, điện, từ…]. Lòng thành gia chủ thắp hương kính lễ, khấn thành tâm, đốt vàng mã cùng với bài vị cũ [nếu có], phóng sinh cá chép xuống ao hồ, sông, suối.

Tương truyền ngày 23 tháng Chạp, các Táo quân cưỡi cá chép lên Thiên đình tâu trình với Ngọc Hoàng Thượng đế mọi chuyện trong gia đình gia chủ trong năm qua. Trong mâm cúng tiễn Táo quân, người miền Bắc thường cúng ba con cá chép sống với quan niệm "Lý ngư hóa long" [cá chép hóa rồng] vượt chín tầng trời để đưa Táo quân về miền trời tâu trình với gặp Ngọc Hoàng Thượng Đế mọi chuyện trong gia đình gia chủ với mong muốn may mắn, an lành sẽ đến trong năm mới. Người miền Trung cúng một con ngựa bằng giấy với yên, cương đầy đủ. Người miền Nam cúng đồ mã có hình "cò bay, ngựa chạy" với quan niệm hai con vật này giúp Táo quân bay về thượng giới. Hoặc có vùng cúng đơn giản hơn chỉ có mũ, áo và đôi hia bằng giấy. Gia đình nào thờ vua Bếp riêng thì đốt đồ mã cùng bài vị cũ và sau đó lập bài vị mới cho Táo quân. Trong quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, người Việt luôn sáng tạo bằng nội lực văn hóa của mình. Trung Quốc không phóng sinh cá chép như Việt Nam mà đốt ngựa giấy cho Táo quân làm phương tiện bay về trời. Theo đó, mâm lễ cũng khác người Việt chúng ta là có thêm nước, cỏ khô cho ngựa chở Táo quân lên trời.

Truyền thuyết của Việt Nam giải thích bếp lửa là một sáng tạo độc đáo. Tục thờ cúng vua Bếp đã trở thành văn hóa tâm linh, một mỹ tục có ý nghĩa nhân văn của người Việt. Tết Táo quân được coi là một trong những ngày Tết quan trọng trong các lễ tết Việt trải suốt 12 tháng trong năm [Tết Nguyên đán, Khai hạ, Nguyên tiêu, Hàn thực, Thanh minh, Đoan ngọ, Trung nguyên, Trung thu, Trùng cửu, Trùng thập, Hạ nguyên, Lễ trừ tịch]. Lên thiên đình tâu trình với Ngọc Hoàng trong một tuần và đến trưa 30 Tết và các Táo lại có mặt tại hạ giới, đến với mỗi gian bếp để tiếp tục công việc của mình. Các Táo trở về tiếp tục gắn với các loại bếp từ truyền thống [kiềng ba chân, ba ông đầu rau…] đến bếp hiện đại [điện, từ, gas…] trong bếp người Việt. Họ luôn bên nhau bền chặt, vững chãi, giữ cho mỗi ngôi nhà nồng nàn ngọn lửa ấm. Ngọn lửa ấy là nơi cả gia đình đoàn tụ, quây quần bên nhau ấm áp, yêu thương. Người Việt ân tình, thủy chung dù đi đâu vẫn luôn nhớ về miền ký ức đẹp có bếp lửa hồng:

"Một ngọn lửa, lòng bà luôn ủ sẵn

Một ngọn lửa chứa niềm tin dai dẳng…

Ôi kỳ lạ và thiêng liêng – bếp lửa

Có ngọn khói trăm tàu

Có lửa trăm nhà, niềm vui trăm ngả"

[Bếp lửa-Bằng Việt]

Jean Chevalier – Alain Gheerbrant [2016], Từ điển biểu tượng văn hóa thế giới, Nxb Đà Nẵng

Phan Huy Chú [2006], "Lễ Nghi Chí" [Lịch triều hiến chương loại chí ], Nxb Giáo dục, tr 148-9

PGS.TS-nhà văn Lê Thị Bích Hồng

Video liên quan

Chủ Đề