Tiểu khu 3 tt đồng lê xuyên hóa quảng bình

[QBĐT] - Ngày tuyến đường Quang Trung ở TT. Đồng Lê [Tuyên Hóa] được nâng cấp mở rộng, thị trấn của huyện miền núi này mới thực sự có dáng dấp của một trung tâm huyện lỵ. Nói vậy là bởi suốt hơn 20 năm [từ năm 1999] TT. Đồng Lê được mệnh danh là thị trấn lạc hậu nhất tỉnh.

Khi tuyến đường Quang Trung [TT. Đồng Lê] được nâng cấp và mở rộng, không chỉ ông Trần Minh Tân ở tiểu khu Đồng Văn phấn khởi mà người dân TT. Đồng Lê cũng háo hức vui mừng. Ông Tân là một trong những người đầu tiên hiến đất để mở rộng đường khi thị trấn triển khai nâng cấp mở rộng đường. Chỉ tính riêng diện tích đất ông hiến để làm đường đã lên đến gần 400m2. Ngoài ra, ông còn vận động 2 người con trai hiến gần 100m2 đất nữa.

Ông Tân chia sẻ: “Nói là đường nội thị của thị trấn nhưng con đường chỉ rộng chưa đến 5m và từ lâu mặt đường nhựa đã xuống cấp, trong khi quỹ đất hành lang để mở rộng không còn. Khi thị trấn họp thông báo chủ trương nâng cấp mở rộng đường, người dân ai cũng vui mừng. Nhiều người cũng có ý kiến này nọ về việc không đền bù giải phải phóng mặt bằng. Nhưng nếu ai cũng muốn giữ đất, thì làm sao có đường sá rộng rãi để đi lại. Đường đẹp thì nhà mình đẹp chứ có thiệt chút nào đâu!”.

Chủ tịch UBND TT. Đồng Lê Phạm Thanh Song cho biết, đường Quang Trung là tuyến giao thông nội thị thứ 2 của thị trấn vừa mới được đầu tư nâng cấp mở rộng từ nguồn vốn lồng ghép của nhiều chương trình, dự án. Theo quy hoạch tuyến đường này được mở rộng 22m.

Tuy nhiên, do nguồn vốn hạn chế nên giai đoạn đầu chỉ đầu tư nâng cấp, mở rộng 15m. Với tổng nguồn vốn đầu tư 28 tỷ đồng, nếu người dân không tự nguyện hiến đất chắc khó có thể triển khai. Đây cũng là tuyến đường khởi đầu cho việc nâng cấp, mở rộng thị trấn trong thời gian tới.

Từng giữ cương vị lãnh đạo huyện nhiều năm, hơn ai hết ông Hồ Duy Thiện, nguyên Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa biết rất rõ những khó khăn, thách thức mà TT. Đồng Lê đang gặp phải và mong muốn xây dựng Đồng Lê phát triển tương xứng vai trò của một thị trấn huyện lỵ.

Theo ông Thiện, những năm trước đây, do nhu cầu phát triển chưa cao, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, nên lãnh đạo huyện chưa có ý tưởng mở rộng thị trấn Đồng Lê. Những năm gần đây, Đồng Lê đã có sự phát triển khá nhanh. Việc tạo nguồn quỹ đất để phát triển và phục vụ cho phát triển không có, cùng với địa hình đồi núi, nguồn lực đầu tư hạn chế, khiến thị trấn ngày càng tụt hậu so với các trung tâm huyện lỵ khác trong tỉnh. Vì vậy, việc mở rộng thị trấn là điều cần thiết và phải làm sớm. Mở rộng thị trấn sẽ giải quyết được vấn đề về nguồn phát triển quỹ đất, tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và phát triển cơ sở hạ tầng. Trước hết, cần phải tạo được mạng lưới cơ cở hạ tầng giao thông, bởi đây là yếu tố động lực quyết định cho sự phát triển.

“Tuy nhiên, việc quy hoạch mở rộng thị trấn phải hợp lý vừa đáp ứng nhu cầu trước mắt, vừa phù hợp với yêu cầu phát triển trong tương lai, với tầm nhìn từ 20 đến 30 năm”, ông Hồ Duy Thiện trăn trở.

Tuyến đường Quang Trung đang được đầu tư nâng cấp mở rộng.

Theo quy hoạch chung đô thị Đồng Lê và vùng phụ cận đến năm 2035, thị trấn Đồng Lê được xác định là “Đô thị miền núi, xanh, đậm đà bản sắc văn hóa vùng”. Theo đó, đô thị Đồng Lê sẽ được mở rộng về 2 hướng chính là Tây Bắc [khu vực phụ cận là xã Lê Hóa] và về phía Đông Nam [khu vực phụ cận là xã Sơn Hóa], với tổng diện tích 1.474ha [tăng hơn 400ha so với diện tích thị trấn hiện tại].

Việc điều chỉnh lại quy hoạch chung lần này sẽ tạo cơ sở pháp lý cho công tác quản lý đầu tư xây dựng phù hợp với hiện trạng và định hướng phát triển lâu dài.

Theo quy hoạch, TT. Đồng Lê được mở rộng dựa trên cơ sở hiện trạng thị trấn đã có, tận dụng các yếu tố vị trí, địa hình, đất đai, sông suối, khả năng khai thác quỹ đất để bố trí xây dựng công trình, mở rộng không gian đô thị, bổ sung các chức năng quan trọng của đô thị loại V và hướng đến đô thị loại IV trong tương lai. Hướng phát triển đô thị sẽ lấy thị trấn hiện có làm trung tâm hành chính và mở rộng phát triển về phía Tây, Tây Bắc [xã Lê Hóa] và phía Đông Nam [xã Sơn Hóa].

Từ trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế hiện có [chỉnh trang và xây mới], các khu chức năng đô thị mới được mở rộng theo hướng Đông Nam [quỹ đất nằm dọc song song với Quốc lộ 12A] và hướng Tây-Bắc [trục Nam-Bắc] nhằm bổ sung các công trình hành chính còn thiếu, các công trình công cộng, văn hóa, trường học, khu thể thao, đài tưởng niệm, công viên cây xanh, dịch vụ thương mại, nhà nghỉ, khách sạn, tạo nên vùng đệm cho đô thị mới. Khu vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp chủ yếu bố trí khu vực Bắc, Đông Bắc của thị trấn [thuộc xã Lê Hóa] gần cầu Bà Tâm và trên trục đường Xuyên Á.

Đặc biệt, không gian đô thị thị trấn được xác định là không gian cộng sinh với thiên nhiên, có cây xanh kết hợp đồi, khe suối, trên cơ sở tôn trọng tối đa các khe suối, vùng trũng hiện có để thoát nước cho đô thị, không phát triển chức năng đô thị trên những vùng đất trũng; đồng thời, kết hợp các khu dân cư ở ven đồi gắn với các dịch vụ du lịch.

Đối với các khu vực đồi cao, có độ dốc lớn, quy hoạch trồng cây xanh, cây ăn quả tạo cảnh quan và là "lá phổi" làm trong sạch cho môi trường khu vực quy hoạch cũng như TT. Đồng Lê.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa Cao Xuân Tín cho biết, trên cơ sở quy hoạch mở rộng TT. Đồng Lê và vùng phụ cận, địa phương sẽ tranh thủ tối đa và huy động mọi nguồn lực để xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của thị trấn. Trong quá trình xây dựng, huyện sẽ triển khai hoàn thiện quy hoạch chi tiết khu vực đô thị và vùng phụ cận TT. Đồng Lê.

Thời gian tới, địa phương sẽ tranh thủ các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, nguồn vốn từ ngân sách cấp trên, ngân sách địa phương và huy động nội lực của nhân dân, các thành phần kinh tế để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng, nâng cấp, mở rộng các tuyến giao thông để tạo sự kết nối thị trấn với các địa phương.

Chủ Đề