Tôi không biết ước mơ của mình là gì năm 2024

Dành cho những bạn trẻ đang trên con đường khám phá bản thân và ước mơ của mình trong cuộc đời này. Đôi khi nhìn lại, việc chúng ta không biết mình là ai thật sự rất bình thường.

Năm lớp 7 của mình, trong tiết học môn Giáo Dục Công Dân, cô giáo đặt ra câu hỏi: "Ước mơ của em sau này lớn lên làm gì?” rồi cô mời từng bạn đều đứng lên trả lời.

Lần lượt từng câu trả lời được vang lên: bác sĩ, giáo viên, kỹ sư, phóng viên, dược sĩ... Bạn nào trong lớp cũng có câu trả lời cho riêng mình. Thật ngưỡng mộ các bạn. Chắc chỉ có mỗi 1 mình mình là không biết, trong đầu mình thật sự trống rỗng vì câu hỏi này. Mình bắt đầu run sợ vì sắp tới lượt mình phải đứng lên nói cho cô và cả lớp nghe "ước mơ” của mình. Mình nhớ lúc đó mình đã trả lời: "Dạ em muốn sau này làm gì cũng được ạ”. Cô và cả lớp đều cười phá lên, và dĩ nhiên mình cũng không biết trốn đi đâu cho được, đành phải chịu trận.

Tưởng đâu câu chuyện đã dừng ở đó. Nhưng không. Cô giáo đem chuyện này kể lại cho ba mình nghe [ba mẹ mình cũng là giáo viên cấp 2 và mọi chuyện đều tới tai phụ huynh trong vài nốt nhạc]. Và ba mình đã la cho mình một chập vì cái tội “không biết sau này lớn lên mình sẽ làm gì.” Mình còn nhớ như in lúc đó ba nói: "Làm gì cũng được là sao? là đi hốt rác cũng được hả?”.

13 TUỔI, MÌNH KHÔNG HIỂU VÌ SAO “KHÔNG BIẾT ƯỚC MƠ CỦA MÌNH” LÀ MỘT “CÁI TỘI”.

Lớp 12, năm cuối cấp 3, đứa nào cũng chuẩn bị cho kì thi tốt nghiệp và đại học. Ai cũng phải đứng trước quyết định chọn ngành nào, trường nào cho hành trình 4 năm sắp tới. Lúc đó trong lớp mình chia ra 3 nhóm:

2 là kỹ thuật - học khối A

3 là kinh tế - học khối D, A1, A

1. Khối thi: có gồm những môn các bạn học tốt không

2. Học lực: để canh điểm sàn nộp nguyện vọng phù hợp, nộp trường top hay trường “bình dân”

3. Cơ hội việc làm: có người quen để 'lót đường' sau khi ra trường không

Hầu như ít ai bận tâm tới chuyện ngành mình học sẽ học những môn gì và tính chất ngành đó ra sao, những công việc mà ngành đó đào tạo, trường đó chất lượng như thế nào, giảng viên, vị trí của trường, học phí và rất nhiều những yếu tố khác.

Mình là dạng học đều môn nào cũng được và cũng không quá là có đam mê học sâu vào 1 lĩnh vực nào đó nên tất nhiên mình thuộc nhóm 3 cho nó an toàn. Thời điểm đó mình chỉ muốn chọn cho nhanh để có câu trả lời mỗi khi có ai đó hỏi: "Em định chọn trường nào vậy?”. Lần này rút kinh nghiệm, mình không còn trả lời: "trường nào cũng được” nữa.

17 TUỔI, MÌNH ĐỂ “ƯỚC MƠ” VÀ ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP CỦA MÌNH PHỤ THUỘC HOÀN TOÀN VÀO 03 CON ĐIỂM THI TOÁN, LÝ, ANH.

Do học hành chăm chỉ kèm theo một ít may mắn, điểm thi mình khá cao nên đậu vào trường Top đầu khối kinh tế là ĐH Ngoại Thương TPHCM, chuyên ngành Kinh tế Đối ngoại, gia đình mình rất vui và tự hào. Mình lúc đó vui vì công sức mấy năm trời dồn vào từng con điểm thì nay cũng có kết quả như ý. Vậy là mình khăn gói lên chốn thành hoa đô thị để nhập học, bắt đầu hành trình Đại Học - mà theo định nghĩa của mình là “học Cấp 4 một cách trá hình”.

Phải nói khoảng thời gian học đại học là một giai đoạn vô cùng sóng gió với mình [mình sẽ có bài khác kể chi tiết hơn].

Trải qua 4 năm đại học, với rất nhiều môn học đại cương và chuyên ngành trên sách vở, mình cũng tới lúc được trường chấp nhận “cho thôi học” [ý là tốt nghiệp].

Lúc này mỗi đứa sinh viên tụi mình lại ngơ ngác nhìn nhau với câu hỏi: "Rồi rốt cuộc tụi mình sẽ làm gì sau khi ra trường đây mậy?” Một vài đứa lấy chồng, có con, một vài đứa khác về quê, một số thuộc diện ‘con ông cháu cha’ nên được sắp xếp việc làm, một số thì đi xin việc, nộp vào các tập đoàn lớn, một số tự kinh doanh, một số đi du lịch cho đã rồi khi nào hết tiền thì đi làm.

Mình không thích làm ở mảng “Kinh tế đối ngoại” - vì cảm thấy tính chất công việc xuất nhập khẩu không phù hợp. Tức là mình chấp nhận "làm trái ngành”.

May mắn mình cũng có công việc full-time đầu đời ở một công ty công nghệ đậm tinh thần khởi nghiệp, tất nhiên cũng chẳng có liên quan 100% tới ngành mình học cho lắm. Được cái là sếp chịu dạy mọi thứ và cái gì mình cũng chịu làm, thành ra mình được học hỏi và phát triển rất nhanh.

22 TUỔI - MÌNH CHỌN MỘT CÔNG VIỆC TRÁI NGÀNH ĐỂ KHÔNG BỊ MANG TIẾNG LÀ: “RA TRƯỜNG RỒI MÀ THẤT NGHIỆP”

2 năm đi làm, mình được làm, được cống hiến và học được rất nhiều thứ. Mình trưởng thành hơn qua từng ngày và từng tháng. Cuộc sống của mình cứ trôi qua như vậy cho đến một khoảnh khắc nào đó mình bất giác tự hỏi: "Rốt cuộc mình đang làm vì mục tiêu gì và định hướng công việc sắp tới ra sao?”. Mình không trả lời được câu hỏi đó cộng với nhiều yếu tố ngoại cảnh khác, rồi mình dần rơi vào giai đoạn chán nản công việc, không còn thấy mục tiêu và động lực nữa. Mỗi ngày trôi qua là một ngày thật sự áp lực với mình.

Sau một thời gian đắn đo, mình ra quyết định nghỉ việc, ngay cả khi chưa có công việc mới.

24 TUỔI, CHO PHÉP MÌNH TẠM DỪNG CHÂN VÌ ĐƯỜNG CÒN DÀI, NGHỈ MỆT MỘT XÍU RỒI LẠI TIẾP TỤC CHẶNG HÀNH TRÌNH...

Đôi khi nhìn lại, việc chúng ta không biết mình là ai thật sự rất bình thường. Không phải ai tự nhiên sinh ra cái là biết tất tần tật bản thân và định hướng cho toàn bộ cuộc đời của họ. Đa số chúng ta ai cũng phải trải qua rất nhiều chuyện, có làm, có thử, có sai, có ngã, có đau thì mới có dừng lại và có thấm. Quan trọng là mình có dám đi, dám ngã, và dám đứng lên và bước tiếp hay không.

Câu trả lời sẽ nằm ở chính bản thân bạn trong công cuộc “dò đường” để xác định "rốt cuộc mình muốn là ai trong cuộc đời này”.

Nếu bạn muốn đọc thêm những chia sẻ mới nhất của mình - một cựu sinh viên FTU đang sống và làm việc ở TpHCM thì bạn có thể ghé thăm mình tại blog Be20Again nhóe.

Chủ Đề