Tóm tắt hoàn cảnh đất nước ta trong cách mạng Tháng 8

Bối cảnh lịch sử và chủ trương khởi nghĩa giành chính quyền trong cách mạng tháng 8-1945 của Đảng bộ tỉnh Bắc Giang [3/1945-8/1945]

Ngày đăng:17-08-2017


1/ Bối cảnh lịch sử

Trên thế giới: Ngày 09/5/1945, phát xít Đức đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh kết thúc ở châu Âu. Ngày 08/8/1945, Hồng quân Liên Xô tiến công như vũ bão vào quân đội Nhật. Ngày 14/8/1945, phát xít Nhật đầu hàng vô điều kiện, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Theo thỏa thuận của các nước Đồng minh, sau khi phát xít Nhật đầu hàng, quân đội Anh và Tưởng sẽ vào Đông Dương để giải giáp quân đội Nhật. Trong khi đó, thực dân Pháp dựa vào Đồng minh lăm le khôi phục địa vị thống trị của mình; đế quốc Mỹ đứng sau các thế lực này cũng sẵn sàng can thiệp vào Đông Dương. Những phần tử phản động, ngoan cố trong chính quyền tay sai Nhật đang âm mưu thay đổi chủ, chống lại cách mạng.

Ở Việt Nam: Mâu thuẫn Nhật - Pháp gay gắt đến cực độ hai con chó đế quốc không thể ăn chung một miếng mồi béo như Đông Dương[1]. Trước tình hình sớm muộn quân Đồng minh sẽ tiến vào Đông Dương, phát xít Nhật càng xúc tiến âm mưu diệt Pháp để trừ mối lo về sau. Đêm 09/3/1945 phát xít Nhật làm cuộc đảo chính lật đổ Pháp độc chiếm Đông Dương, đúng như nhận định của Đảng ta.

Tình hình cách mạng nước ta lúc này đang tiến dần tới cao trào tổng khởi nghĩa. Từ ngày 15 đến ngày 20/4/1945, tịa làng Liễu Ngạn, tổng Hoàng Vân [Hiệp Hòa], Ban Thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị quân sự cách mạng Bắc Kỳ do đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư của Đảng chủ trì, nhằm giải quyết cụ thể những vấn đề quân sự, chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa giành chính quyền. Hội nghị đã đặt ra nhiệm vụ quân sự lên trên tất cả các nhiệm vụ quan trọng và cần kíp trong lúc này. Hội nghị quyết định xây dựng 7 chiến khu trong cả nước, Bắc Giang nằm trong chiến khu Hoàng Hoa Thám. Nghị quyết của Hội nghị đã tác động mạnh đến phong trào cách mạng Bắc Giang.

Ở Bắc Giang: Cả bộ máy thống trị của thực dân Pháp đã nhanh chóng hạ vũ khí đầu hàng phát xít Nhật. Ngay sau khi lật đổ Pháp, bọn phát xít Nhật đóng ở Bắc Giang dùng bọn Đại Việt [một tổ chức thân Nhật] báo tin cho ta cử cán bộ về tiếp nhận chính quyền, âm mưu bắt gọn những cán bộ chủ chốt và bóp chết phong trào cách mạng trong tỉnh. Chúng ta cảnh giác nên không mắc mưu của địch. Sau khi lật đổ Pháp, phát xít Nhật bắt tay ngay vào việc dựng lên một bộ máy chính quyền bù nhìn mới. Chúng đưa Vũ Văn Roãn, nguyên là đốc học làm Tỉnh trưởng; Nguyễn Văn Thành làm Phó Tỉnh trưởng, Thân Trọng Hậu là Tuần phủ bỏ trốn hôm Nhật đảo chính Pháp được mời về làm cố vấn cho Vũ Văn Roãn. Ở các công sở, chúng thay đổi tên gọi và đưa những tên tay sai đắc lực nắm giữ các chức vụ chủ chốt. Bộ máy bù nhìn cấp tỉnh của Nhật ra mắt trong buổi lễ trao trả độc lập tổ chức ở làng Thành [Lạng Giang, nay thuộc Thị xã Bắc Giang] có mặt đầy đủ bọn quan lại bù nhìn tỉnh, huyện và một số chánh tổng, lý trưởng của các địa phương. Ở thị các Phủ Lạng Thương và một số nơi, các khẩu hiệu Việt Nam độc lập, Khối đại Đông Á, Hợp tác Nhật - Việt được kẻ vẽ la liệt. Một số lớp học tiếng Nhật được mở. Các cửa hiệu, công sở được đặt tên bằng tiếng Việt... Tất cả những việc làm trên đây của Phát xít Nhật và bọn tay sai hòng quét lên một lớp sơn độc lập giả hiệu để đánh lừa dân ta.

Bọn Đại Việt [một tổ chức thân Nhật], tụ tập ở ấp Đại Hóa [Yên Thế], Hạ Hội, Đối Sơn, Mai Sưu [Lục Ngạn], thị xã Phủ Lạng Thương. Giữa bọn Đại Việt và các nhóm phỉ có mâu thuẫn với nhau, thường xuyên nổ ra những cuộc chém giết trả thù, gây nên mâu thuẫn dân tộc khá căng thẳng. Điển hình là chánh Hiền ở Hạ Hội, quận phó bảo an, lợi dụng danh nghĩa tiễu phỉ đã giết hàng trăm người Hoa ở Cầu Đèn; chánh Nha, chánh Nhuận giết hàng trăm người Hoa ở Đồng Vành, Đồng Phúc...

Lợi dụng tình hình Nhật đảo chính Pháp, bọn Quốc dân đảng cũng nổi lên ở Hoàng Mai, Mật Minh, Đạo Ngạn [Việt Yên], Húi [Lục Ngạn, nay thuộc Lục Nam], thị xã Phủ Lạng Thương... tranh giành ảnh hưởng, cản trở hoạt động của ta.

Nội dung nghị quyết Hội nghị được trình bày trong chỉ thị lịch sử ngày 12/3/1945: Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta. Chỉ thị đã trở thành kim chỉ nam cho mọi hành động của Đảng bộ và nhân dân Bắc Giang trong suốt cao trào chuẩn bị tổng khởi nghĩa.

2/Chủ trương tiến hành khởi nghĩa

Ngay đêm Nhật đảo chính Pháp, Ban thường vụ Trung ương Đảng họp Hội nghị mở rộng để nhận định tình hình và đề ra chủ trương mới. Hội nghị đã phân tích nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính và nhận định, sau cuộc đảo chính này, phát xít Nhật là kẻ thù chính, cụ thể trước mắt của nhân dân Đông Dương. Vì vậy khẩu hiệu Đánh đuổi phát xít Nhật - Pháp trước đây phải được thay bằng khẩu hiệu Đánh đuổi phát xít Nhật. Hội nghị chủ trương: Phát động một cao trào kháng Nhật cứu nước mạnh mẽ làm tiền đề cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Trước tình hình thế giới và trong nước có những chuyển biến quan trọng, Đảng bộ và nhân dân Bắc Giang đang chờ đợi chủ trương mới của Đảng thì chiều ngày 12/3/1945, đồng chí Lê Thanh Nghị - đặc phái viên của Trung ương và đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh - trưởng ban cán sự đảng tỉnh, đi dự Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng về đến Hiệp Hòa. Tại đây, phong trào cách mạng rất mạnh. Lực lượng tự vệ chiến đấu được xây dựng ở nhiều làng. Chính quyền bù nhìn của địch ở tổng, xã đang hoang mang, dao động không còn hiệu lực, có người đã ngả theo cách mạng.

Trong Cách mạng tháng 8/1945, Phủ Lạng Thương là một trong những địa phương sớm khởi nghĩa và giành chính quyền [ngày 17/8/1945]

Trong các ngày 16, 17/3/1945, Ban cán sự tỉnh Bắc Giang họp tại làng Đồng Điều [Yên Thế]. Dự hội nghị có đồng chí Lê Thanh nghị, Đặc phái viên của Trung ương. Sau khi kiểm điểm tình hình phong trào cách mạng trong tỉnh, phân tích những diễn biến từ sau ngày Nhật đảo chính Pháp và nghe đồng chí Lê Thanh Nghị phổ biến nội dung Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương Đảng mở rộng, Hội nghị quyết định phát động cao trào chống Nhật cứu nước trong toàn tỉnh và đề ra những nhiệm vụ cấp bách như: Phá các kho thóc của Nhật - Pháp chia cho dân để cứu đói; Chống địch thu thuế, thu thóc tạ, phá kế hoạch trồng đay, trồng thầu dầu của Nhật; Diệt trừ lưu manh, trộm cướp, phản động, bảo vệ an ninh trật tự; Mở rộng cơ sở cách mạng ở Phú Bình, Việt Yên, Lạng Giang, Yên Dũng, dọc quốc lộ 13B và dọc tỉnh lộ 293 từ thị trấn Lục Nam vào Gàng, Rùm, Quỷnh rồi sang Đông Triều [Quảng Ninh]; Khẩn trương xây dựng lực lượng vũ trang, phát triển các đội tự vệ địa phương, tự vệ chiến đấu, tiến tới thành lập các đội du kích thoát ly. Phát động phong trào mua sắm vũ khí, mở các lớp huấn luyện quân sự cho tự vệ và cán bộ. Đánh úp các đồn địch và phát động khởi nghĩa từng phần. Tiếp tục thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng xã, tiến tới thành lập Ủy ban dân tộc giải phóng huyện; Đẩy mạnh việc huấn luyện chính trị, đào tạo cán bộ, đi đôi với việc tuyên truyền xung phong vạch trần thủ đoạn lừa bịp của Nhật [2].

Bọn đặc vụ Tưởng từ Trung Quốc tràn sang trà trộn trong đồng bào Hoa dưới danh nghĩa Hoa quân nhập Việt chuẩn bị cơ sở để khi có thời cơ sẽ thôn tính miền Bắc nước ta. Giữa bọn Đại Việt và các nhóm phỉ có mâu thuẫn với nhau, thường xuyên nổ ra những cuộc chém giết trả thù, gây nên mâu thuẫn dân tộc khá căng thẳng. Trước tình hình đó, Ban cán sự tỉnh chủ trương: Đối với chính quyền tay sai phát xít Nhật, cần thuyết phục, lôi kéo những người lừng chừng, trừng trị những tên ngoan cố; Đối với thổ phỉ và các đảng phái phản động, phải phân biệt những tên cầm đầu và quần chúng lao động bị chúng dụ dỗ, bắt ép theo chúng; kiên quyết tiêu diệt bọn cầm đầu, tuyên truyền, thuyết phục những người lầm đường lạc lối về với nhân dân; Khẩn trương xây dựng các đoàn thể cứu quốc, Mặt trận Việt Minh, các đội tự vệ, vác đội tuyên truyền xung phong... khuyếch trương lực lượng để áp đảo địch; Kêu gọi các dân tộc đoàn kết cùng nhau chống Nhật; Tranh thủ đào tạo cán bộ dân vận, trước tiên là cán bộ Hoa vận.

Để thực hiện Người cày có ruộng mà trong Cương lĩnh của Đảng đã đề ra, được chỉ đạo trực tiếp của Trung ương, Ban cán sự Bắc Giang đã tiến hành chia ruộng đất hai đồn điền Cọ và Vát của Tactaranh cho tá điền và nông dân. Ngày 08/5/1945, Ban cán sự tỉnh triệu tập một cuộc họp gồm đại biểu Uỷ ban dân tộc giải phóng các xã trong huyện Hiệp Hòa họp tại đình Quế Sơn bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng huyện và quyết định việc tạm chia ruộng đất của đồn điền Cọ và Vát cùng với việc giảm tô 25% cho nông dân.

Nội dung Nghị quyết gồm một số quan điểm quan trọng: I- Quyền sở hữu và sử dụng:1. Tất cả ruộng đất của Đồng Cờ [tức đồn điền Cọ], Vát v.v... đều đem làm ruộng của công của dân chúng, dân chúng toàn huyện chỉ làm chủ, không một xã nào, người nào được nhận làm của riêng; 2. Chỉ có đại biểu Hội nghị hay Ủy ban dân tộc giải phóng huyện mới có quyền sử dụng và quân phân, không một xã nào tự ý hoặc một người nào tự ý sử dụng mà chưa có lệnh của Ủy dân tộc giải phóng. II- Cách sử dụng và quân phân: 1. Tá điền nghèo không có ruộng, hoặc không đủ ruộng cày cấy mới được lĩnh ruộng... 2. Phải căn cứ vào nhân lực và nhân khẩu mà quân phân ruộng đất. III- Thu hoạch địa tô: 1. Địa tô giảm 1- 4 [3].

Hội nghị đã bầu ra Ủy ban dân tộc giải phóng huyện Hiệp Hòa gồm một Chủ tịch, một Phó Chủ tịch và ba ủy viên. Sau khi được thành lập, Ủy ban dân tộc giải phóng huyện đã tiến hành ngay việc tạm chia ruộng đất đồn điền Cọ.

Sau khởi nghĩa giành chính quyền huyện Hiệp Hòa thắng lợi, bộ máy chính quyền địch từ tỉnh đến cơ sở càng hoang mang, dao động, nhiều nơi, chính quyền địch ở thôn, xã bị tê liệt và tan rã. Đó là thời cơ để Đảng bộ Bắc Giang phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền. Trước tình hình trên đây, giữa tháng 6 năm 1945, Ban cán sự tỉnh triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh hợp ở ấp Quan Đình [Phú Bình]. Hội nghị đã nhận định, đánh giá tình hình phong trào cách mạng trong tỉnh và bổ sung một số chủ trương mới: Gấp rút phát triển lực lượng vũ trang, thành lập đơn vị vũ trang huyện Hiệp Hòa, chuẩn bị lập các đội vũ trang phủ Yên Thế và phủ Lục Ngạn, sử dụng anh em binh lính đã giác ngộ cách mạng vào việc huấn luyện quân sự; Đánh các đồn binh, khởi nghĩa giành chính quyền các phủ, huyện; Thực hiện giảm tô trong các đồn điền. Hội nghị đã thành lập Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 05 ủy viên: Nguyễn Trọng Tỉnh, Hà Thị Quế, Hoàng Hà Châu, Lương Văn Đài, Hồ Công Dự. Do đồng chí Nguyễn Trọng Tỉnh làm Bí thư. [4]

Nắm được kế hoạch Tỉnh trưởng Bắc Giang sẽ trao chính quyền tỉnh cho bọn Đại Việt vào sáng ngày 18/8/1945, ngay tối 17/8, cơ sở ở thị xã Phủ Lạng Thương đã kịp thời báo cho cán bộ của ta ở Song Khê. Khoảng 10 giờ đêm, đồng chí Hồ Công Dự và một số đồng chí khác đi dự Hội nghị do Tỉnh ủy triệu tập tại Yên Lý [Yên Thế] nhận được tin, ngay lập tức trở về Song Khê. Tại đây, quần chúng đã tập trung để chờ lệnh hành động. Tình hình biến chuyển quá nhanh, nếu không chớp thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền, chúng ta sẽ thất bại. Đồng chí Hồ Công Dự đã nhanh chóng triệu tập một cuộc họp cán bộ chủ chốt hai huyện Việt Yên, Yên Dũng tại đình Song Khê quyết định khởi nghĩa giành chính quyền tỉnh trước khi Tỉnh trưởng Bắc Giang và bọn Đại Việt hành động. Hội nghị đề ra kế hoạch: Chọn một số tự vệ cùng 03 đồng chí Hồ Công Dự, Ninh Văn Phan và Trương Văn Nhã đột nhập vào dinh tỉnh trưởng, bắt Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Đĩnh đầu hàng; Huy động các đội tự vệ mai phục bên hữu ngạn sông Thương sẵn sàng nổ súng khi cần thiết; Huy động quần chúng biểu tình thị uy bên hữu ngạn sông Thương để uy hiếp địch; Gửi thư báo cho các đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trọng Tỉnh, Hà Thị Quế nhanh chóng đem quân về tiếp viện đề phòng có xung đột vũ trang; Trung lập bọn Nhật. [5]

Căn cứ vào sự chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới, sự xuất hiện của tình thế cách mạng trong nước và sự chín muồi của thời cơ cách mạng diễn ra trên địa bàn tỉnh. Đảng bộ tỉnh Bắc Giang đã kịp thời, linh hoạt đề ra những chủ trương đúng đắn, sáng suốt chỉ đạo cho các lực lượng cách mạng và nhân dân Bắc Giang ra sức tiến công và làm tan rã hệ thống chính quyền địch trong suốt thời kỳ cao trào chống Nhật cứu nước và tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân.

Tài liệu tham khảo:

1. Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta,Văn kiện Đảng 1939-1945.Nxb Sự thật, Hà Nội, 1963, tr 474.

2,3,4,5. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Bắc Giang tập 1 [1926-1975], Nxb, CTQG, HN, 2003. tr. 96-97, 105, 107, 114.

Hữu Thuận

Video liên quan

Chủ Đề