Trẻ con bao nhiêu tuổi dậy thì?

Dậy thì là giai đoạn chuyển đổi thể chất quan trọng giúp trẻ em trở thành người lớn. Tuy có nhiều điểm tương đồng nhưng mỗi cá nhân sẽ có những trải nghiệm dậy thì rất riêng biệt. Hiểu rõ về quá trình dậy thì của con sẽ giúp cha mẹ tối ưu được chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng, vận động và nghỉ ngơi để trẻ phát triển toàn diện.

Mục lục

Dậy thì là gì?

Dậy thì là một quá trình sinh học diễn ra khi vùng dưới đồi của não bộ bắt đầu gửi các tín hiệu [hormone] kích thích các cơ quan sinh sản [buồng trứng ở nữ và tinh hoàn ở nam] sản xuất một loạt các hormone sinh dục để “biến” một đứa trẻ thành người trưởng thành.

Bố mẹ nên làm gì khi trẻ bước vào lứa tuổi dậy thì?

Những hormone sinh dục này kích thích sự phát triển và thay đổi ở một loạt các bộ phận khác nhau, bao gồm cơ quan sinh sản, làn da, cơ bắp, xương, tóc, não bộ,… Nhờ những thay đổi quan trọng trong giai đoạn dậy thì mà cơ thể sẽ có khả năng sinh sản, đạt đến chiều cao trưởng thành với một tỷ lệ cơ thể cân đối.

Bên cạnh đó, tuổi dậy thì được xem là một thời gian đầy “thử thách” cho cả nam và nữ bởi những thay đổi trong nội tiết tố cũng khiến trẻ có thay đổi rõ rệt về tâm sinh lý, cụ thể như:

  • Cảm xúc mãnh liệt hơn;
  • Thường xuyên thay đổi cảm xúc;
  • Bắt đầu có những suy nghĩ và ham muốn tình dục;
  • Bắt đầu có sự hấp dẫn tình dục và lãng mạn đối với những người khác.

Trong độ tuổi dậy thì, trẻ sẽ bắt đầu khám phá giới tính, đặc điểm tính cách và nội tâm bên trong của mình. Điều này là hoàn toàn bình thường. Mặt khác, trải nghiệm dậy thì của mỗi trẻ là khác nhau. Vì thế, không có bất kỳ “khuôn mẫu” nào đủ tốt để có thể mô tả được chính xác trải nghiệm dậy thì ở con cái của bạn.

Những nốt mụn trên khuôn mặt chính là dấu hiệu nhận biết dễ nhất khi trẻ tiến vào giai đoạn dậy thì

Tuổi dậy thì bắt đầu khi nào?

Tuổi dậy thì thường bắt đầu trong giai đoạn từ 9 đến 14 tuổi và diễn ra ở nữ sớm hơn ở nam. Thông thường, nữ có thể dậy thì từ năm 9 – 13 tuổi và nam có thể dậy thì trong khoảng từ 10 – 14 tuổi. Hiểu đơn giản, tuổi dậy thì trung bình ở bé gái là 11, ở bé trai là 12.

Tiến trình dậy thì ở mỗi trẻ sẽ có đôi chút khác biệt. Vì vậy, ba mẹ và người chăm sóc đừng quá lo lắng nếu trẻ đến tuổi dậy thì trước hay sau bạn bè cùng trang lứa.

Tuổi dậy thì và sự thay đổi nội tiết tố

Tuổi dậy thì là khoảng thời gian mà cơ thể trẻ diễn ra một loạt các thay đổi quan trọng về nội tiết tố, trong đó bao gồm:

  • Testosterone: Đây là một loại hormone sinh dục chính ở nam giới và nó làm phát sinh các đặc điểm giới tính của bé trai, chẳng hạn như giọng nói trầm hơn, xuất hiện râu, lông và đặc biệt là đem tới sự phát triển cơ bắp. Ở nữ giới, testosterone tuy có hàm lượng ít hơn nam nhưng nó cũng góp phần duy trì mô, tăng trưởng xương và giảm tỉ lệ tích mỡ của trẻ. Vì thế, bé gái thiếu testosterone thường có xu hướng dễ tăng cân và béo phì hơn trẻ khỏe mạnh.
  • Dihydrotestosterone: Gọi tắt là hormone DHT. Đây là hormone đặc trưng phụ trách sự phát triển của các tính trạng đặc thù ở nam giới như giọng nói trầm ấm, tăng mật độ lông, khối lượng cơ bắp, sự phát triển cơ quan sinh dục nam, tuyến tiền liệt, hoạt động của tuyến bã nhờn trên da.
  • Estrogen: Đây là một loại hormone sinh dục chính ở nữ giới, giúp kích thích sự phát triển của nang trứng, duy trì độ dày của thành âm đạo, tăng cường và duy trì màng nhầy lót tử cung.
  • Hormone tăng trưởng GH: Có mặt ở cả nam và nữ, hormone tăng trưởng gây ra sự phát triển vượt bậc trong hệ thống xương và cơ, cùng với đó là sự gia tăng nhanh chóng về chiều cao.

Dấu hiệu dậy thì ở trẻ

1. Dấu hiệu dậy thì ở nữ

Các dấu hiệu dậy thì đầu tiên ở trẻ em gái bao gồm:

  • Ngực bắt đầu phát triển;
  • Mô tuyến vú rất mềm hoặc một bên vú bắt đầu phát triển trước vài tháng là điều bình thường.
  • Mật độ lông trên cơ thể tăng mạnh, bao gồm lông nách, lông tay, lông chân, lông mặt và lông mu.

Từ 1 đến 2 năm sau khi bắt đầu dậy thì:

  • Các bé gái có kinh lần đầu;
  • Ngực phát triển đầy đặn hơn, lông mu trở nên dày hơn và xoăn hơn;
  • Lông dưới cánh tay [phần nách] bắt đầu mọc. Một số bạn gái cũng có lông ở các bộ phận khác trên cơ thể, chẳng hạn như môi trên, và điều này là hoàn toàn bình thường;
  • Da mặt trở nên nhờn, lỗ chân lông to hơn, dễ nổi mụn đầu trắng, đầu đen, mụn mủ;
  • Xuất hiện dịch âm đạo màu trắng;
  • Trước khi bắt đầu có kinh, các bé gái tăng từ 7 – 12cm hàng năm trong 1 hoặc 2 năm. Vào giai đoạn có kinh, bé có thể tăng 5 – 10 cm một năm và tăng chậm lại trong các năm tiếp theo, sau đó đạt đến chiều cao ở tuổi trưởng thành.
  • Hầu hết các bé gái đều tăng cân [điều này là bình thường] khi hình dạng cơ thể của bé thay đổi. Các bé phát triển nhiều mô mỡ hơn ở dọc theo cánh tay, đùi và lưng trên; hông của các bé gái phát triển tròn hơn và eo thu hẹp lại

Sau khoảng 4 năm dậy thì ở bé gái:

  • Ngực trở nên giống người lớn;
  • Lông mu đã lan đến phần đùi trong;
  • Bộ phận sinh dục bây giờ đã được phát triển đầy đủ;
  • Trẻ ngừng phát triển chiều cao.

Ngực của bé gái sẽ gia tăng kích thước trong giai đoạn dậy thì

2. Dấu hiệu dậy thì ở nam

Dấu hiệu dậy thì đầu tiên ở các bé trai, bao gồm:

  • Tinh hoàn to lên, bìu bắt đầu sậm màu;
  • Lỗ chân lông giãn nở và xuất hiện lông ở cơ quan sinh dục.

Trong vài năm tiếp theo sau khi bé trai bắt đầu dậy thì:

  • Lông mu trở nên dày và xoăn hơn;
  • Lông dưới cánh tay bắt đầu mọc;
  • Cơ bắp và chiều cao không ngừng tăng trưởng;
  • Ngực, lưng, vai, bàn chân to hơn;
  • Bé thường trải qua những đợt xuất tinh vô ý thức khi ngủ [hiện tượng mộng tinh];
  • Giọng nói trở nên trầm hơn, ở vài trẻ có thể nghe âm thanh hơi đứt quãng, “the thé” do quá trình vỡ giọng chưa xong.
  • Thường phát triển mụn trứng cá, mụn đầu trắng, mụn đầu đen và mụn mủ không chỉ trên mặt mà có thể ở lưng và ngực.
  • Chiều cao tăng trưởng vượt trội trung bình từ 8 đến 12cm một năm và cơ bắp trở nên dày hơn.

Sau khoảng 4 năm dậy thì ở các bé trai:

  • Bộ phận sinh dục giống người lớn và lông mu đã mọc lan xuống phần đùi trong;
  • Lông mặt bắt đầu mọc và các bé có thể bắt đầu cạo râu;
  • Bé phát triển chiều cao với tốc độ chậm hơn và ngừng phát triển vào khoảng 16 tuổi. Tuy nhiên, trẻ vẫn có thể tiếp tục phát triển cơ bắp.
  • Hầu hết các bé trai sẽ đạt đến độ tuổi trưởng thành hoàn toàn vào năm 18 tuổi.

Nổi mụn trứng cá, phát triển nhanh về cơ quan sinh dục và hệ thống cơ xương là những đặc điểm cho thấy thấy ở các bé trai đang trong giai đoạn dậy thì

Các giai đoạn dậy thì ở trẻ

Theo Thang đo Tanner được được đề xuất và công bố lần đầu năm 1969 bởi Tanner – một bác sĩ nhi khoa người Anh, tuổi dậy thì thường được phân thành 5 giai đoạn, bao gồm:

1. Giai đoạn 1

Giai đoạn 1 là giai đoạn bé vẫn còn nằm trong hình hài của một đứa trẻ trước khi xuất hiện bất kỳ dấu hiệu thể chất nào của tuổi dậy thì. Vào cuối giai đoạn này, não bộ mới bắt đầu giải phóng các nội tiết tố để cơ thể chuẩn bị cho những thay đổi thể chất quan trọng. Do đó, không có bất kỳ thay đổi thể chất to lớn nào ở trẻ mà bố mẹ có thể quan sát được trong giai đoạn này.

Chủ yếu trong giai đoạn 1, hệ thống nội tiết tố của trẻ chỉ hoạt động một cách “âm thầm” để chuẩn bị cho những thay đổi thể chất quan trọng, chẳng hạn như:

  • Vùng dưới đồi trong não bộ bắt đầu tiết ra hormone điều hòa tuyến sinh dục mang tên gonadotropin [GnRH];
  • Tuyến yên cũng tạo ra 2 loại hormone khác: hormone tạo hoàng thể [LH] và hormone kích thích nang trứng [FSH].

2. Giai đoạn 2

Giai đoạn 2 đánh dấu sự bắt đầu của quá trình phát triển thể chất:

  • Đối với các bé gái:
    • Mô tuyến vú bắt đầu hình thành. Nhiều bé gái có thể sờ thấy hoặc cảm thấy ngứa nhẹ sâu bên trong ngực.
    • Ngực gia tăng thể tích, ngày càng to hơn. Vùng sẫm màu xung quanh núm vú [quầng vú] cũng sẽ nở dần ra.
    • Tử cung to hơn và lông mu bắt đầu mọc dọc theo 2 bên mép của âm hộ.
    • Chiều cao tăng từ 7 – 8 cm mỗi năm
  • Đối với các bé trai:
    • Tinh hoàn và vùng da bìu bắt đầu to hơn và thay đổi kết cấu. Ngoài ra, đây cũng là giai đoạn đầu lông mu hình thành ở gốc dương vật.
    • Chiều cao tăng từ 8 – 10cm mỗi năm.

3. Giai đoạn 3

Các bé có những thay đổi về thể chất ngày càng rõ ràng hơn:

  • Ở các cô gái, những thay đổi về thể chất ở trẻ thường bắt đầu sau 12 tuổi. Những thay đổi này bao gồm:
    • Tuyến vú tiếp tục phát triển và quầng vú mở rộng;
    • Lông mu trở nên dày, sẫm màu và xoăn hơn;
    • Xuất hiện lông dưới cánh tay;
    • Mụn có thể xuất hiện trên mặt và lưng;
    • Tốc độ tăng trưởng chiều cao bắt đầu đạt đỉnh [khoảng 10-12cm mỗi năm];
    • Hông và đùi bắt đầu tích mỡ;
  • Đối với các cậu bé, những thay đổi về thể chất ở các bé trai thường bắt đầu vào khoảng độ tuổi 13. Những thay đổi này bao gồm:
    • Dương vật dài ra, lớn hơn và tinh hoàn tiếp tục phát triển to hơn;
    • Lông mu sẫm màu hơn, thô hơn, xoăn hơn, và bắt đầu phát triển nhiều ra xung quanh;
    • Các bé trai bắt đầu có những giấc “mộng tinh” [xuất tinh vào ban đêm khi ngủ];
    • Giọng nói bắt đầu thay đổi, tiếng nói thay đổi từ âm vực cao xuống âm vực thấp hơn, gọi là “vỡ giọng;
    • Cơ bắp, xương trở nên lớn hơn;
    • Tăng trưởng chiều cao từ 12 – 15 cm mỗi năm.

Khi đạt đỉnh của giai đoạn dậy thì, chiều cao của bé trai có thể tăng từ 12 đến 15 cm mỗi năm

4. Giai đoạn 4

Đây là giai đoạn dậy thì đang diễn ra mạnh mẽ. Cả bé trai và bé gái đều nhận thấy nhiều thay đổi trong cơ thể:

  • Đối với các cô gái, giai đoạn 4 thường bắt đầu vào khoảng 13 tuổi. Những thay đổi bao gồm:
    • Ngực trông đầy đặn hơn. Quầng ngực và đầu ti tạo thành một gò phụ ở trên mức của vú;
    • Các bạn gái có kinh lần đầu thường ở độ tuổi từ 12 đến 14, nhưng điều này có thể xảy ra sớm hơn;
    • Tăng trưởng chiều cao sẽ chậm lại khoảng 5 – 7cm mỗi năm;
    • Lông mu dày lên, nhưng che phủ một vùng nhỏ hơn ở người lớn.
  • Đối với các bé trai, giai đoạn 4 thường bắt đầu vào khoảng 14 tuổi. Những thay đổi bao gồm:
    • Dương vật tiếp tục phát triển về chiều rộng;
    • Lông mu gần giống như người lớn;
    • Lông nách bắt đầu mọc;
    • Giọng trầm hơn và sẽ duy trì vĩnh viễn;
    • Mụn có thể bắt đầu xuất hiện;
    • Chiều cao các bé tăng khoảng 10cm mỗi năm.

5. Giai đoạn 5

Giai đoạn cuối cùng này đánh dấu sự kết thúc quá trình trưởng thành về thể chất của các bé:

  • Ở trẻ em gái, giai đoạn 5 thường xảy ra ở độ tuổi 15 với các dấu hiệu sau:
    • Ngực đạt kích thước của người trưởng thành và có thể tiếp tục phát triển đến hết năm 18 tuổi;
    • Các chu kỳ kinh nguyệt dần trở nên đều đặn sau sáu tháng đến hai năm;
    • Đạt đến chiều cao trưởng thành từ 1 đến 2 năm sau khi có kinh lần đầu;
    • Lông mu đầy ra và lan đến phần bên trong đùi.
    • Buồng trứng, tử cung và cơ quan sinh sản phát triển toàn diện;
    • Hông, đùi và mông nở nang.
  • Ở các bé trai, giai đoạn dậy thì thứ 5 thường bắt đầu vào độ tuổi 15. Những thay đổi bao gồm:
    • Dương vật, tinh hoàn và bìu sẽ đạt kích thước ở người trưởng thành;
    • Lông mu đã mọc đầy và lan xuống mặt trong của đùi;
    • Lông mặt và râu cũng mọc nhiều hơn và cứng hơn;
    • Tăng trưởng chiều cao sẽ chậm lại, nhưng cơ bắp có thể vẫn tiếp tục phát triển;
    • Đến 18 tuổi, hầu hết các bé trai đã đạt đến sự phát triển toàn diện.

Thay đổi cảm xúc ở tuổi dậy thì

1. Những thay đổi cảm xúc trong năm tháng tuổi dậy thì

Trong giai đoạn dậy thì, những thay đổi về thể chất, nội tiết tố sẽ gây ra những xáo trộn trong cảm xúc và hành vi của trẻ. Những thay đổi tâm sinh lý này là khác nhau ở mỗi trẻ. Theo thời gian, bố mẹ có thể nhận thấy rằng bé nhà mình:

  • Có ý thức hơn về bản thân, biết trau chuốt hình ảnh, diện mạo bên ngoài hoặc bắt đầu có hứng thú tình dục với người khác;
  • Phản ứng với những thay đổi về ngoại hình của người khác;
  • Thích được tự lập, trao quyền nhiều hơn để đảm nhận những trách nhiệm mới và đưa ra quyết định của riêng mình;
  • Phát triển nhu cầu mạnh mẽ đối với các kết nối xã hội bên ngoài gia đình và có thể tìm kiếm sự độc lập trong một số khía cạnh của cuộc sống;
  • Một số trẻ có thể cảm thấy thất vọng khi không thể đạt được mục tiêu của mình và do đó có thể trải qua những cảm xúc tiêu cực.

Nhìn chung, giai đoạn dậy thì có thể đem đến cho cả bé và bố mẹ những “chuyến tàu lượn siêu tốc” dữ dội về mặt cảm xúc, chúng có thể bao gồm:

  • Bé có tính khí thất thường, khó lý giải, yêu ghét thường thể hiện rõ rệt;
  • Trẻ có lòng tự trọng cao, thích được công nhận và lắng nghe;
  • Tính độc lập tăng dần, bé có nhu cầu cần một không gian riêng;
  • Một vài trẻ hay bốc đồng, muốn mình được người khác chú ý;
  • Muốn thể hiện sự trưởng thành nên dễ bị ảnh hưởng, học theo những thói quen xấu từ “người lớn” như hút thuốc, uống bia, văng tục,….
  • Dễ cảm thấy phiền muộn và hay “để bụng” những lời nói của người khác;

Hỗ trợ các bé vượt qua những thay đổi trong cảm xúc ở lứa tuổi dậy thì là trải nghiệm không hề đơn giản đối với cha mẹ và những người chăm sóc bé.

Cảm xúc thất thường là một trong những thay đổi lớn của trẻ trong giai đoạn dậy thì

2. Điều gì khiến tâm trạng các bé thay đổi trong giai đoạn dậy thì?

Sự thay đổi về nội tiết tố cũng như tỷ trọng và mật độ phân bố các kết nối thần kinh trong não bộ đã dẫn đến những thay đổi về mặt cảm xúc của trẻ. Một số khu vực trong não bộ được tăng cường, trong khi những kết nối thần kinh khác lại yếu đi.

Cụ thể, quá trình tu sửa các kết nối thần kinh trong giai đoạn dậy thì thường bắt đầu ở phần sau của não. Trong khi đó, phần trước của não [vùng vỏ não trước] lại là phần cuối cùng của sự thay đổi.

Vỏ não trước trán là phần não điều chỉnh việc ra quyết định, chịu trách nhiệm về khả năng lập kế hoạch, suy nghĩ của các bé về hậu quả của những hành động. Vì đây là phần não cuối cùng thay đổi, nên hành vi của các thanh thiếu niên thường là bốc đồng, muốn thể hiện, chứng tỏ, ngạo mạn, đôi khi hung dữ và thiếu kiểm soát.

Khi trẻ em sinh ra, não của trẻ tiếp tục phát triển và có nhiều thay đổi đến giữa những năm 20 tuổi. Quá trình thay đổi của não không phải lúc nào cũng tương ứng với thời điểm trẻ dậy thì, vì vậy, ba mẹ có thể nhận thấy những thay đổi trong tâm trạng trước khi thấy những thay đổi về thể chất.

Tuổi dậy thì và những điều cần lưu tâm

Trẻ em có thể bắt đầu dậy thì rất sớm [trước 8 tuổi] hoặc rất muộn [sau 14 tuổi]. Tuy vậy, ba mẹ cũng nên lưu ý các dấu hiệu của dậy thì sớm, dậy thì muộn để đưa trẻ đi khám bác sĩ, nhằm đảm bảo rằng trẻ vẫn đang có sức khỏe tốt.

1. Dậy thì sớm

Dậy thì sớm là một rối loạn sinh học không phải quá hiếm gặp. Dậy thì sớm xảy ra khi các dấu hiệu dậy thì xuất hiện trước 8 tuổi với bé gái và trước 9 tuổi với bé trai. Tình trạng dậy thì sớm chủ yếu xảy ra với bé gái nhiều hơn trên bé trai.

Một số trẻ em có thể bắt đầu xuất hiện các dấu hiệu dậy thì nhất định từ rất sớm trong khi các dấu hiệu khác thì không. Ví dụ, các bé gái có thể bắt đầu có kinh trước 8 tuổi nhưng ngực lại không phát triển.

Nguyên nhân dậy thì sớm không phải lúc nào cũng rõ ràng. Một số tác nhân làm tăng rủi ro dậy thì sớm có thể kể đến như:

  • Trẻ có rối loạn di truyền, chẳng hạn như hội chứng McCune-Albright.
  • Trẻ có một vấn đề trong não, chẳng hạn như một khối u, tổn thương tế bào thần kinh;
  • Tổn thương não do nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, tiếp xúc với các chất phóng xạ [hóa trị, xạ trị] hoặc nguồn ô nhiễm;
  • Trẻ có vấn đề với buồng trứng [ở bé gái], tinh hoàn [ở bé trai] hoặc tuyến giáp;

Ngay khi phát hiện trẻ có dấu hiệu dậy thì sớm, bố mẹ cần đưa bé đến gặp ngay bác sĩ đa khoa gần nhất để được chẩn đoán kịp thời. Khi đến gặp bác sĩ, bé có thể được tư vấn các xét nghiệm tìm hiểu nguyên nhân dậy thì sớm cho trẻ, chẳng hạn như:

  • Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ hormone, đặc biệt là hormone tuyến yên, tuyến giáp và sinh dục;
  • Chụp X-Quang ở tay, chân để xác định tuổi của xương; từ đó, bác sĩ sẽ biết trẻ đang ở đâu trên hành trình dậy thì và tăng trưởng;
  • Siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ [MRI] để kiểm tra các vấn đề như khối u trong não bộ, tuyến giáp,…

Các xét nghiệm kiểm tra hormone trong máu có thể được thực hiện để tầm soát nguyên nhân gây dậy thì sớm ở trẻ

2. Dậy thì muộn

Dậy thì muộn là khi bé trai không có dấu hiệu phát triển lông mu và tinh hoàn dù đã 14 tuổi, trẻ em gái chưa bắt đầu phát triển ngực trước 13 tuổi hoặc đã phát triển ngực mà chưa có kinh nguyệt trước 15 tuổi. Dậy thì muộn thường xảy ra nhiều ở bé trai hơn bé gái.

Nguyên nhân gây ra tình trạng dậy thì muộn không phải lúc nào cũng rõ ràng. Một số nguyên nhân gây ra dậy thì muộn có thể kể đến như:

  • Trẻ đang mắc bệnh mạn tính, chẳng hạn như xơ nang, bệnh tiểu đường hoặc bệnh lý về thận
  • Trẻ bị suy dinh dưỡng, có thể do rối loạn ăn uống hoặc một tình trạng như xơ nặng hoặc bệnh đường ruột như hội chứng kém hấp thu, bệnh celiac
  • Trẻ có một vấn đề với buồng trứng [ở bé gái], tinh hoàn [ở bé trai], tuyến giáp hoặc tuyến yên
  • Trẻ có rối loạn phát triển tình dục, chẳng hạn như hội chứng không nhạy cảm với hormone androgen.
  • Trẻ có tình trạng di truyền, chẳng hạn như hội chứng Kallmann và hội chứng Klinefelter

Dinh dưỡng kém là một trong những nguyên nhân có thể dẫn đến dậy thì muộn ở trẻ

Tương tự như khi dậy thì sớm, trẻ dậy thì muộn cũng được các bác sĩ đề xuất tiến hành một số xét nghiệm quen thuộc như xét nghiệm máu, chụp X-quang xương cổ tay, siêu âm hoặc chụp cộng hưởng từ [MRI] để kiểm tra các vấn đề về nội tiết tố, mô não hoặc các cơ quan như tuyến giáp, buồng trứng, tinh hoàn.

Sau khi tìm ra được nguyên nhân có thể gây ra tình trạng dậy thì muộn, bác sĩ có thể tư vấn các phương pháp điều trị dậy thì muộn cho trẻ, chẳng hạn như sử dụng thuốc trong một vài tháng để tăng mức độ hormone và kích hoạt sự bắt đầu của quá trình dậy thì.

Điều trị bằng các loại thuốc hỗ trợ tiết hormone là lựa chọn có thể nghĩ đến với tình trạng dậy thì muộn

Lời khuyên dành cho ba mẹ có con trong độ tuổi dậy thì

Có thể nói, giai đoạn dậy thì là khoảng thời gian trẻ em trải qua nhiều thay đổi về thể chất và cảm xúc nhất trong cuộc đời. Chính vì thế, trẻ rất cần sự cảm thông, thấu hiểu và hỗ trợ của ba mẹ thay vì là những lời phán xét, mắng nhiếc và trừng phạt.

Một trong những chiến lược tốt nhất trong giai đoạn này là trò chuyện, trấn an và giải thích. Ba mẹ cần cố gắng thể hiện sự cảm thông đối với những thay đổi mà trẻ đang trải qua và trấn an trẻ rằng những thay đổi là bình thường.

Nhìn chung, ba mẹ có thể quan tâm đến trẻ thông qua những lưu ý sau:

  • Tôn trọng quan điểm cá nhân và quyền riêng tư của con bạn;
  • Luôn gõ cửa trước khi vào phòng của trẻ;
  • Nếu bé dậy thì sớm hoặc muộn, hãy trấn an và chia sẻ để bé hiểu rằng mọi người đều dậy thì theo tốc độ của riêng mình;
  • Tích cực khen ngợi, động viên để trẻ phát huy những phẩm chất tốt đẹp;
  • Đặt mình vào vị trí của trẻ và cố gắng thấu hiểu trẻ;
  • Cố gắng giữ bình tĩnh khi con có thái độ hơi bất cần và bốc đồng;
  • Hãy quan tâm, luôn sẵn sàng nếu con bạn muốn nói chuyện;
  • Trò chuyện với phụ huynh của các bé khác để thấu hiểu suy nghĩ của trẻ khi bước vào lứa tuổi dậy thì “khó chiều” này;
  • Cố gắng tạo điều kiện con thể hiện bản thân, ngay cả khi bé muốn thể hiện một số điều đó có vẻ kỳ quặc đối với bạn, chẳng hạn như cắt tóc quá ngắn hoặc lựa chọn quần áo phá cách;
  • Cố gắng thông cảm khi trẻ dành nhiều thời gian để chăm sóc cá nhân, chẳng hạn như khi trẻ tắm lâu hơn 30 – 45 phút trong phòng tắm;
  • Nếu con bạn bị mụn trứng cá, hãy trò chuyện và cho trẻ biết đây là một tình trạng không quá nguy hiểm. Nếu tình trạng mụn không cải thiện với các biện pháp chăm sóc cá nhân, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến gặp bác sĩ.
  • Chia sẻ và tư vấn với con về bất kỳ quyết định mạo hiểm nào mà chúng muốn thực hiện trên cơ thể, chẳng hạn như khi trẻ muốn xăm mình hoặc xỏ khuyên tai. Gợi ý cho bé về các lựa chọn thay thế mang tính tạm thời, chẳng hạn như hình xăm dán [loại hình xăm có thể xóa được] hoặc khuyên tai nam châm [loại khuyên tai không cần xỏ khuyên].

Trên đây là những thông tin chi tiết về 5 giai đoạn tuổi dậy thì ở trẻ. Hy vọng qua bài viết này, bố mẹ đã nhận biết được khi nào thì trẻ dậy thì để sớm đồng hành cùng bé trên hành trình phát triển toàn diện thành người lớn.

Dậy thì là một giai đoạn đầy khó khăn cho cả trẻ và người thân trong gia đình. Điều quan trọng mà bố mẹ làm là quan sát, thấu hiểu, trò chuyện, tạo điều kiện cho bé có được một chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt và vận động khoa học để bé tăng trưởng tối ưu. Trong trường hợp bố mẹ cần thêm lời khuyên về sức khỏe dậy thì của trẻ, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến Hệ thống Phòng khám Dinh dưỡng Nutrihome để được tư vấn chi tiết.

5/5 - [1 bình chọn]

Cập nhật lần cuối: 21:16 24/02/2023

Chia sẻ:

BÀI VIẾT LIÊN QUAN

Chế độ ăn cho người men gan cao giúp hạ men gan hiệu quả

Thực đơn cho người bị gan nhiễm mỡ được gợi ý bởi chuyên gia

22 thực phẩm trị gan nhiễm mỡ, kiểm soát bệnh hiệu quả

Gan nhiễm mỡ nên ăn trái cây gì: 17 loại hoa quả tốt nhất

Gan nhiễm mỡ nên uống gì để giải độc gan tốt cho sức khỏe?

Gan nhiễm mỡ kiêng ăn gì để tốt và đẩy lùi tình trạng bệnh?

Gan nhiễm mỡ nên ăn gì để sạch mỡ, kiểm soát bệnh hiệu quả?

KIỂM TRA TÌNH TRẠNG DINH DƯỠNG

Xem Thêm

ĐẶT LỊCH KHÁM

Xem Thêm

TÌM TRUNG TÂM

Xem Thêm

HỆ THỐNG PHÒNG KHÁM DINH DƯỠNG NUTRIHOME

Giấy chứng nhận ĐKKD số 0108848003 do Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cấp ngày 31/07/2019

Điều khoản sử dụng

Chính sách bảo mật

TP.HCM

  • Nutrihome Hoàng Văn Thụ

Hà Nội

  • Nutrihome Trường Chinh

ĐẶT LỊCH KHÁM

Hotline: 1900 633 599

Bản quyền © 2020 thuộc về NUTRIHOME.

Các thông tin trên website nutrihome.vn chỉ có tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa. Nutrihome không chịu trách nhiệm về những trường hợp tự ý áp dụng mà không có chỉ định của bác sĩ.

Chủ Đề