Trung tâm bà mẹ trẻ em bình phước năm 2024

Y tế 08:01, 11/07/2019 GMT+7

Chăm sóc tốt sức khỏe bà mẹ và trẻ em

BP - Thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em sẽ giúp giảm tử vong mẹ và trẻ sơ sinh. Với nhiệm vụ chính là chăm sóc sức khỏe sinh sản [SKSS] bà mẹ và cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng trẻ em, những năm qua, Khoa SKSS thuộc Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh đã góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu chuyên môn của ngành y tế và chiến lược dân số, SKSS, giai đoạn 2011-2020.

Bình Phước có hơn 20% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Nhận thức cũng như chất lượng dịch vụ chăm sóc SKSS của người dân ở các huyện, thị, thành phố trong tỉnh có sự khác biệt rất lớn. Các huyện vùng sâu, xa, vùng biên giới như Lộc Ninh, Bù Đốp, Bù Gia Mập, Bù Đăng - nơi đồng bào dân tộc thiểu số tập trung đông, vẫn còn tập quán sinh tại nhà; cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực chuyên khoa sản, nhi còn thiếu về số lượng, hạn chế về chất lượng..., Do đó, tình trạng tai biến sản khoa, tử vong mẹ, tử vong sơ sinh vẫn xảy ra.

Tư vấn, khám bệnh và chích ngừa cho trẻ tại Khoa Sức khỏe sinh sản, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh

Cử nhân hộ sinh Hồ Thị Mỹ Dung, công tác tại Phòng khám thai, Khoa SKSS, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh, cho biết: Trước khi mang thai, phụ nữ cần đến các cơ sở y tế để được tư vấn về tiền thai và tiêm các loại vắc-xin sởi, quai bị, rubella. Trong thời gian thai kỳ cần đi khám theo lịch của bác sĩ... Việc tiêm ngừa không hẳn là ngừa được 100% nhưng nếu mắc thì các triệu chứng sẽ giảm nhẹ. Có thai phụ tiêm đầy đủ vắc-xin trước khi mang thai nhưng con vẫn bị bệnh là do bộ nhiễm sắc thể của bé. Tuy nhiên, việc tiêm ngừa đầy đủ sẽ tốt cho cả mẹ và con. Trong một thai kỳ chia làm 3 giai đoạn và tùy từng giai đoạn sẽ có những tư vấn khác nhau.

“Tôi mang thai đứa con đầu nên cũng rất hồi hộp. Thai nhi được hơn 1 tháng, bác sĩ dặn phải đi tái khám định kỳ và tôi sẽ đi khám đều để theo dõi thai có phát triển bình thường không?” - chị Nguyễn Thị Hoa, phường Tiến Thành, thành phố Đồng Xoài nói.

Để một đứa trẻ phát triển bình thường, khỏe mạnh không chỉ là sự chuẩn bị của người mẹ từ quá trình trước và trong thời gian thai kỳ mà khi đứa trẻ chào đời cũng cần phải chăm sóc, theo dõi bám sát quy định của Bộ Y tế về tiêm chủng vắc-xin, theo dõi cân nặng, chiều cao của trẻ theo từng giai đoạn, chế độ dinh dưỡng và biện pháp phòng bệnh ở trẻ.

Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Lương Minh, Trưởng khoa SKSS, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh cho rằng: “Công tác chăm sóc SKSS rất quan trọng. Ngoài khám thai, phụ khoa, tiêm chủng dịch vụ, tiêm chủng mở rộng, khoa còn tầm soát ung thư cổ tử cung, tầm soát các dị tật cho trẻ em. Đối với thai phụ, ngoài tầm soát, chẩn đoán hình ảnh, khoa còn làm xét nghiệm máu ở mẹ để phát hiện và có biện pháp xử lý, can thiệp kịp thời”.

Đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ nếu tuân thủ tiêm vắc-xin theo đúng quy định của Bộ Y tế thì khả năng kháng bệnh tốt, trẻ ít bị bệnh hoặc có bệnh thì cũng bị nhẹ hơn so với các trẻ không được tiêm chủng. Đặc biệt, đối với trẻ sơ sinh, trong vòng 24 giờ phải được chích ngừa lao và viêm gan siêu vi B. Ngoài ra, để hạn chế bệnh ở trẻ nhỏ, trẻ cần được bổ sung vitamin A cũng như tẩy giun định kỳ. Bà Nguyễn Thị Minh, ấp 2, xã Tân Thành [Đồng Xoài] chia sẻ: “Cháu tôi tiêm chủng đầy đủ các mũi theo quy định, đề kháng tốt nên ít khi ốm đau. Nay tôi đưa cháu đi tiêm mô cầu, hôm trước tiêm một mũi rồi”.

Bác sĩ chuyên khoa I Ka’ Thị Thúy, Phòng khám trẻ em, Khoa SKSS cho biết: “Thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi con người rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ do không thích nghi kịp hoặc vi khuẩn sinh sôi là tác nhân phát triển các dịch bệnh. Do đó, người mẹ phải bảo vệ trẻ nhỏ, tránh xa hoặc hạn chế tiếp xúc các mầm mống gây bệnh, nguồn lây. Đồng thời, chăm sóc, cho trẻ ăn uống đủ chất dinh dưỡng, đến các cơ sở y tế khám và điều trị khi trẻ bị bệnh; tránh trường hợp tự ý mua thuốc điều trị tại nhà khi không có chỉ định của bác sĩ”.

Tính đến ngày 23-6, tại Khoa SKSS Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tỉnh gần 1.950 phụ nữ có thai được theo dõi, trong đó 134 phụ nữ vị thành niên; khám cận lâm sàng cho 817 lượt; hơn 454 phụ nữ có thai được xét nghiệm HIV; tổng số lần khám thai 1.992 lượt; khám chữa phụ khoa gần 5.300 lượt; 1.200 trẻ được khám bệnh.

Chủ Đề