Ứng dụng của môn quản trị học trong cuộc sống

Càng biết cách quản trị bản thân mình, thì cơ hội thành công của bạn càng cao, và bạn sẽ càng có nhiều ảnh hưởng tích cực đến người khác.

Chiến thắng bản thân luôn là một cuộc chiến thách thức và quan trọng nhất trong sự nghiệp của người thành đạt. Thành công hay không đa số đều khởi nguồn từ việc bạn có làm chủ được chính mình hay không. Vậy nên, quản trị bản thân mình từ lâu đã là một diều quan trọng.

Do vậy, để thành công trong công việc và cuộc sống, bạn cần phải biết quản quản trị bản thân mình thật hiệu quả và đừng bỏ qua những kỹ năng “then chốt” dưới đây làm kim chỉ nam để giúp bạn hoàn thiện bản thân mình.

Để thành công, phải học cách quản trị bản thân như thế nào?

Quản trị cảm xúc bản thân

Quản lý cảm xúc là điều rất quan trọng, người thành đạt là người biết khi nào nên thể hiện và khi nào nên trì hoãn cảm xúc. Đôi khi bày tỏ cảm xúc để tìm sự thông cảm và làm lay động người khác, miễn sao điều đó tốt cho tổ chức và không phải là vì lợi ích cá nhân.

Tuy nhiên kiềm chế cảm xúc khác với phủ nhận và chôn vùi nó. Điểm mấu chốt là bạn nên đặt người khác chứ không phải bản thân lên đầu khi giải quyết và xử lý các cảm xúc.

Quản trị thời gian riêng mình

Thời gian là tiền bạc, một chuyên gia tâm thần học từng nói “Chừng nào chưa coi trọng bản thân, bạn còn chưa coi trọng thời gian.” Trong cuộc sống này mọi người không thanh toán mọi thứ bằng tiền mà bằng thời gian của họ.

Vì vậy thay vì nghĩ đến việc bạn làm và thứ bạn mua dưới dạng tiền bạc, hãy nghĩ tới chúng dưới dạng thời gian. Hãy nghĩ xem điều gì đáng để bạn dành trọn cả cuộc đời? Từ đó bạn sẽ có cách quản lý thời gian hiệu quả hơn.

Quản trị các ưu tiên của bản thân

Quy luật chung thường cho thấy khi bạn không biết cách quản lý các ưu tiên, công việc của bạn sẽ luôn áp lực và giảm hiệu suất.

Dưới đây là cách quản lý các ưu tiên hiệu quả:

  • 80% thời gian- làm những việc bạn giỏi nhất.
  • 15% thời gian- làm những việc bạn đang học hỏi.
  • 5% thời gian-làm những việc cần thiết khác.

Có thể bạn sẽ gặp khó khăn trong thời gian đầu thực hiện nhưng bạn cần học cách giao quyền, tính kỷ luật và phải “nhẫn tâm” khi quyết định đâu là những việc không nên làm. Thích làm một số công việc không có nghĩa phải đưa nó vào danh sách việc cần làm.

Hãy chỉ làm những việc có thể giúp bạn phát triển khả năng hoặc những việc cấp trên yêu cầu đích thân bạn làm. Tất cả những công việc còn lại đều là ứng viên cho danh sách những việc không nên làm của bạn.

Quản trị năng lượng

Ngay cả những người giàu năng lượng nhất cũng có thể bị rút cạn năng lượng trong những tình huống khó khăn hoặc không biết cách phân bổ, sử dụng chúng.

Có 3 nhóm hao mòn năng lượng mọi người thường mắc phải gồm: Làm những việc không quan trọng, không có khả năng làm những việc thật sự quan trọng, không có khả năng ứng phó với vấn đề.

Vì vậy để quản lý năng lượng bản thân tốt nhất, mỗi ngày bạn bên nhìn vào lịch làm việc của mình và tự hỏi “Việc nào là việc chính?” . Từ đó hãy đảm bạn mình có đủ năng lượng để thực hiện việc đó với sự tập trung và xuất sắc.

Quản trị suy nghĩ bản thân

Kẻ thù lớn nhất của suy nghĩ sâu sắc là sự bận rộn. Khi bạn muốn trở nên xuất sắc, hãy biết cách quản lý sự bận rộn quanh mình.

Nếu bạn thấy nhịp độ cuộc sống quá gấp gáp và không có phút nào để suy nghĩ trong cả ngày làm việc, hãy tạo thói quen viết nhanh ra giấy 3 đến 4 điều cần đầu tư thời gian để tìm cách giải quyết. Sau đó tìm thời gian thích hợp để suy nghĩ về những điều đó.

Hãy nhớ một nguyên tắc: 1 phút > 1 giờ. Một phút suy nghĩ đáng giá hơn một giờ nói chuyện phiếm hay làm việc không có kế hoạch.

Quản trị lời nói

Các nhà lãnh đạo cấp cao thường không nghe lời bạn nói mà thường đánh giá cao hành động. Nếu họ ngừng việc đang làm lại để lắng nghe, những lời họ nghe sẽ có giá trị. Vì vậy hãy sử dụng ngôn từ hiệu quả nhất.

Nếu bạn muốn lời nói của mình có sức nặng, hãy để tâm nhiều hơn đến chúng. Nếu bạn quản lý tư duy và tận dụng hiệu quả khoảng thời gian tập trung suy nghĩ, kỹ năng quản lý lời nói của bạn sẽ tiến bộ trông thấy.

Đối với cấp trên, nếu bạn có điều gì đáng nói, hãy nói ngắn gọn và súc tích. Nếu không có gì đáng nói, đôi khi việc tốt nhất nên làm là giữ yên lặng.

Quản lý cuộc sống riêng

Điều cuối cùng, dù bạn làm việc và quản lý bản thân rất tốt ở chỗ làm nhưng cuộc sống của bạn là một mớ bung bét, cuối cùng mọi thứ sẽ trở nên tồi tệ. Có ích gì khi leo lên đỉnh cao sự nghiệp nhưng hôn nhân lại tan vỡ, bạn trở thành người xa lạ với con cái?

“Không có thành công nào trong sự nghiệp đáng để ta phải hy sinh gia đình của mình”. Vì vậy, có được tình yêu và sự tôn trọng của gia đình trước khi có sự tôn trọng của bất cứ ai làm việc với mình là nguồn động lực vô giá đưa bạn đến với thành công một cách nhanh chóng.

Trên thực tế, để trở thành người lãnh đạo giỏi, người nhân viên giỏi hay đơn giản là người thành công, hài lòng với cuộc sống thì điều quan trọng nhất chính là biết cách quản trị bản thân, làm chủ chính mình.

Có như vậy, bạn sẽ đạt được mọi ước mơ, mọi mục đích hợp lý của mình, dù đó là mục đích lớn hay một nhiệm vụ nhỏ. Vì thế càng biết cách quản trị bản thân mình, thì cơ hội thành công của bạn càng cao, và bạn sẽ càng có nhiều ảnh hưởng tích cực đến người khác.

Trong buổi họp Zoom Online Meeting của Mạng lưới Phụ nữ Khởi nghiệp – WSUN diễn ra vào tối ngày 25/8 vừa qua, các diễn giả cùng thành viên WSUN đã có những bàn luận sôi nổi xoay quanh chủ đề “Quản trị thời gian – Quản trị cuộc đời”.

Bí quyết quản lý thời gian hiệu quả cùng Diễn giả Phạm Hồng Vân – TGĐ Công ty Cổ phẩn giải pháp thông minh TESA.

Thời gian chính là thứ mà khi mất đi thì chúng ta chắc chắn không thể lấy lại và đây cũng là một trong những tài sản quý giá nhất mà cuộc sống ban tặng cho bạn. Mỗi người đều có 24 giờ trong một ngày. Thế nhưng, có người thành công, lại có người thất bại trong việc sử dụng quỹ thời gian. Việc quản lý thời gian sao cho hiệu quả là một trong những kỹ năng đặc biệt quan trọng mà chúng ta cần học và rèn luyện mỗi ngày.

Ms. Phạm Hồng Vân – Chuyên gia đào tạo và cố vấn doanh nghiệp, TGĐ Công ty Cổ phẩn giải pháp thông minh TESA, HLV Mạng lưới WSUN

Vậy, đâu là cách để quản lý thời gian đúng cách?

Theo Diễn giả Phạm Hồng Vân, để quản trị thời gian, cần phải tuân thủ 03 yếu tố: Tư duy đúng, Công cụ đúng và Kiến thức đúng. Về phương pháp, chúng ta hoàn toàn có thể áp dụng nguyên lý “nuốt con ếch sống” bằng việc chọn và lên kế hoạch cho những việc bắt buộc phải làm để hoàn thành trước vào đầu mỗi ngày. Ngoài ra, chúng ta cần áp dụng nguyên tắc 4 D trong quản lý thời gian.

Theo đó, 4 D gồm có:

D1: Desire: khát vọng: phải có khát khao cháy bỏng

D2: Decision: Quyết tâm, kiên quyết. Mình phải trở thành chuyên gia quản lý thời gian. Làm hoặc chết.

D3: Discipline: Kỷ luật: Làm đi làm lại cho đến khi thành thạo

D4: Determination: Kiên nhẫn theo đuổi đến cùng

Cuộc đời của bạn chính là chuỗi những khoảng thời gian vì thế quản lý thời gian cũng chính là đang trực tiếp quản lý cuộc đời của chính bạn. Bạn hãy đặt một mục tiêu phấn đấu riêng cho mình và biến mỗi ngày trôi qua trở nên thật sự có ý nghĩa, lúc này tự khắc sự trì hoãn và lười biếng cũng sẽ rời bỏ bạn mà thôi.

Với phương diện tư duy, bạn cần nhận thức được rằng:

+ Chất lượng cuộc sống chính là chất lượng quản lý thời gian của bạn.

+ Thời gian quý hơn tiền bạc

+ Mọi mặt trong đời sống đều được quyết định bởi niềm tin của bạn, nên cần có niềm tin đúng về quản lý thời gian và kỹ năng này có thể học được; Niềm tin sai: tin mình sinh ra đã giỏi không cần học, tin mình quản lý thời gian tồi, tin rằng quản lý thời gian tốt sẽ khiến cuộc sống cứng nhắc – gò bó.

+ Sự nhận thức bản thân về việc quản lý thời gian: Hãy học theo hình mẫu của những người mà họ quản lý thời gian tốt và đặt câu hỏi: Ai là người mà bạn muốn trở thành về lĩnh vực quản lý thời gian?

+ Quản lý thời gian là phương tiện đưa bạn đi từ vị trí hiện tại đến vị trí mục tiêu mong muốn, vì thế, bạn cần làm chủ phương tiện đó.

+ Cuối cùng, bạn hãy trả lời câu hỏi: Bạn sẽ làm gì với những thời gian bạn tiết kiệm được? Nếu 1 ngày bạn tiết kiệm 2h; 1 tuần tiết kiệm 10h; 1 năm tiết kiệm 500h. Vậy bạn làm gì với 500h này?

Nhìn chung, Quản trị thời gian đúng cách sẽ giúp tốc độ làm việc vượt bậc; Giúp hoàn thành được nhiều việc hơn. Từ đó, bản thân sẽ tự tin hơn, công việc kinh doanh phát triển, vị thế và địa vị nhanh chóng đi lên. Nếu quản trị thời gian tốt, bạn có thể sắp xếp một cách công việc phù hợp, cân bằng cuộc sống và giảm stress.

Làm thế nào để hoạch định và quản trị cuộc đời của chúng ta?

Lâu nay người ta thường nói về quản trị doanh nghiệp hay quản trị thời gian, chứ ít khi nói về quản trị cuộc đời. Vậy đằng sau một cuộc đời thành công và hạnh phúc, một cuộc đời tràn đầy sức sống, ắt hẳn là một cuộc đời được quản trị tốt. Và chúng ta tin rằng: Cuộc đời này có thể quản được và khi biết cách quản thì chắc chắn cuộc đời sẽ thành công hơn, hạnh phúc hơn và đáng sống hơn. Làm sao để quản trị cuộc đời và để quản trị cuộc đời cần những kỹ năng và tố chất nào?

Theo Diễn giả – Huấn luyện viên Nguyễn Lê Anh, Chất lượng cuộc sống của con người phụ thuộc vào ba yếu tố: Chất lượng tài chính; Chất lượng thời gian; Chất lượng của những mối quan hệ. Tài chính hoàn toàn có thể kiếm được, mối quan hệ có thể xây dựng được, tuy nhiên, với thời gian thì dù chúng ta là ai, có xuất phát điểm như thế nào, chúng ta có địa vị gì trong xã hội thì quỹ thời gian của mỗi người từ khi sinh ra đời đều bị trừ dần. Chính vì vậy, chất lượng của thời gian chính là tài sản quý nhất.

Coach Nguyễn Lê Anh – Chuyên gia huấn luyện doanh nghiệp, Huấn luyện gia tộc doanh nhân, NLP Coach – Kỹ năng lãnh đạo, HLV Mạng lưới WSUN

Vậy, chúng ta cần phải quản trị khoảng thời gian bị trừ dần ấy như thế nào sao cho hiệu quả để cuộc sống trở nên đáng sống hơn?

Giống với quản lý thời gian, việc đầu tiên bạn cần làm trong kế hoạch quản trị cuộc đời chính là đặt ra mục tiêu cho chính bản thân mình. Bạn cần phải xác định được rằng mình muốn gì ở tương lai, mình muốn cuộc sống tương lai như thế nào. “Hãy luôn bắt đầu từ điểm mà bạn thấy cuộc sống lý tưởng nhất ở tương lai”. Đó có thể là 5 năm, 10 năm tùy vào số tuổi của bạn hiện tại. Sau khi đã xác định được mục tiêu, hãy xem xét khoảng cách giữa hiện tại cho đến lúc đạt được mục tiêu ấy là bao xa. Bạn cần xem xét năng lực, tiềm lực, nguồn lực tài chính tương ứng với môi trường như thế nào để xác định đi đến đích ấy bằng phương tiện gì.

Sau khi xác định được đích đến mà bạn mong muốn, lúc ấy hãy hỏi bản thân mình một lần nữa “Tại sao mình cần làm điều ấy?”  “Tại sao điều ấy lại quan trọng?” bởi có rất nhiều người đang lầm tưởng và gắn ước mơ của người khác vào chính mình hay làm điều này vì sở thích của một người khác. Khi đã có lý do cho kế hoạch cuộc đời, bạn sẽ có thứ tự ưu tiên để thực hiện ước mơ đã đặt ra.

Trong hành trình quản trị cuộc đời, sự lựa chọn đúng bao giờ cũng quan trọng hơn nỗ lực. Khi lựa chọn không đúng nơi cần đến thì mọi sự nỗ lực chỉ làm cho chúng ta thêm mệt mỏi mà thôi.

Bước đầu tiên trong quản trị cuộc đời là tư duy đúng. Thứ hai là hãy nghĩ lớn ngay từ đầu. Sau đó là suy nghĩ tích cực bởi trong quá trình đến đích có rất nhiều thách thức xảy ra.

Đó là những chia sẻ về chủ đề “Quản trị thời gian – Quản trị cuộc đời” đến từ HLV Hồng Vân và HLV Nguyễn Lê Anh. Trong khuôn khổ chương trình HLV Trịnh Văn Sơn, HLV Lê Văn Cương cùng HLV Kim Tuyến cũng đã có những đóng góp, chia sẻ về chủ đề trên, tạo ra một diễn đàn đầy sôi nổi với những góc nhìn đa chiều.

Hi vọng rằng những kiến thức vừa nêu sẽ giúp bạn có thêm những phương pháp mới và đúng đắn cho hành trình quản trị cuộc đời của mình nhé.

Theo WSUN.vn

Video liên quan

Chủ Đề