Văn đề Tiên học lễ, hậu học văn

Học sinh ở xã đảo Thạnh An [Cần Giờ, TP.HCM] - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ngày 21-11, tại hội thảo "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới GD-ĐT" do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS Trần Ngọc Thêm [Trường ĐH Khoa học xã hội & nhân văn - ĐH Quốc gia TP.HCM] gây chú ý khi nêu quan điểm: "Xã hội muốn phát triển thì điều quan trọng là cần phải có con người sáng tạo, mà để có con người sáng tạo thì trước hết phải có con người chủ động".

Và để có con người chủ động, theo GS Thêm: "Cần bắt đầu từ việc thay đổi quan niệm, không sử dụng những cách biểu đạt mang tính thụ động như "con ngoan trò giỏi" [ngoan theo nghĩa ‘dễ bảo, vâng lời’, giỏi theo nghĩa ‘thuộc bài’]. Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu 'Tiên học lễ, hậu học văn' để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo".

Xin trích đăng một số ý kiến của bạn đọc gởi đến Tuổi Trẻ Online về vấn đề này: 

* Phạm Tuệ Nhi [quận 11, TP.HCM]:

Phần lễ, đạo đức càng cần thiết trong xã hội hiện đại

Trong những ngày qua, khi theo dõi vấn đề về việc GS Trần Ngọc Thêm cho rằng cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo, tôi khá bất ngờ nhưng không thật sự đồng tình.  

"Tiên học lễ, hậu học văn", theo cách hiểu của tôi, chính là quan điểm giáo dục truyền thống, xem trọng việc bồi dưỡng về đạo đức, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp cho người học. Dù chịu ảnh hưởng từ khuôn khổ của giáo dục truyền thống phương Đông nhưng "Tiên học lễ, hậu học văn" không hề cũ, mà ngược lại vô cùng cần thiết trong xã hội hiện tại. 

Đặc biệt, ở nhịp sống hiện đại ngày nay, khi thế hệ trẻ đang bị chi phối bởi rất nhiều làn sóng văn hóa trên toàn cầu, vấn đề về đạo đức, nhân cách và chỉ số cảm xúc của con người đang dần được đề cao hơn.

Xét cho cùng, mục tiêu trọng tâm của ngành giáo dục vẫn là đào tạo ra một thế hệ trẻ phát triển trọn vẹn cả tài năng lẫn đạo đức. Đạo đức, phẩm chất của thế hệ trẻ chính là căn nguyên cội rễ quyết định sự thành công hay thất bại của một nền giáo dục nói riêng và cả cộng đồng xã hội nói chung. 

Cũng bởi, các em học sinh ngày hôm nay chính là người làm chủ tương lai đất nước trong mai sau. Sẽ nguy hại như thế nào nếu thế hệ trẻ khi trưởng thành, chỉ có tài năng, vốn tri thức sâu rộng nhưng lại thiếu mất đạo đức lễ nghi, không biết bao dung, yêu thương và san sẻ với những người chung quanh. 

Một xã hội chỉ thật sự phát triển khi có những cá nhân có nền tảng đạo đức tốt, thấu hiểu và lan tỏa những hành vi đẹp, nhân ái và giàu tình cảm.

* Nghiên cứu sinh Phan Văn Hồng Thắng:

Không rèn phần "lễ" thì khác gì tạo ra robot

Ngày nay chúng ta thường hay cổ vũ cho phong trào lấy học sinh làm trung tâm và dường như những câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" đang mất dần tại các trường học. 

Lễ ở đây phải được hiểu một nghĩa rộng đó là cách học làm người, biết cách đối nhân xử thế, trên kính dưới nhường. Hay nói cách khác học lễ là học rèn luyện nhân cách biết yêu nước thương nòi.

Hiện nay với khoa học kỹ thuật phát triển chỉ cần vài cú nhấp chuột thì mọi kiến thức thông tin cần biết đã hiện ra trước mắt chúng ta. Vai trò của thầy cô từ người truyền thụ kiến thức sang người hướng dẫn hỗ trợ kiến thức. Tuy nhiên nói như vậy không có nghĩa là chúng ta có quyền bỏ đi những câu khẩu hiệu như "Tiên học lễ, hậu học văn".

Chúng ta thường cổ vũ cho học sinh, sinh viên phải có suy nghĩ sáng tạo, tư duy phản biện. Nhưng nếu chúng ta bỏ quên việc dạy đạo đức cho học sinh thì chúng ta sẽ đào tạo lớp người kế cận khác gì robot. 

Cho nên phát huy khả năng sáng tạo, tư duy phản biện là điều cần thực hiện nhưng bỏ qua việc dạy đạo đức là việc làm xây nhà mà không xây nền móng. Kiến thức không là chưa đủ. Kiến thức có thể trau dồi học hỏi, nhưng đạo đức nếu không được rèn luyện từ nhỏ sẽ không thể hình thành nhân cách của con người.

Xã hội không cần một người có kiến thức tốt, sáng tạo, tư duy phản biện nhưng suốt ngày chăm chăm đi phân tích hành động suy nghĩ của người khác mà không cần quan tâm đến cảm nhận của những người xung quanh. 

Phản biện hay sáng tạo tất cả phải được xây dựng trên nền tảng của đạo đức. Hãy dạy cho trẻ biết phân biệt cái đúng cái sai, biết phân tích suy nghĩ trước những lời nói của người khác nhưng phân tích suy nghĩ với trái tim biết yêu thương, biết đồng cảm và lòng vị tha.

* Tiêu Nhi [Thừa Thiên Huế]:

Đầu tiên cần phải học lễ nghĩa

Tôi hoàn toàn không đồng ý với ý kiến để khai mở tư duy phản biện, giải phóng sức sáng tạo của người học mà bỏ đi câu khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn".

Trước hết, cần hiểu được "Tiên học lễ, hậu học văn" có nghĩa là việc đầu tiên cần phải học các lễ nghĩa, rèn luyện đạo đức, tu dưỡng nhân cách của bản thân; sau đó mới học đến những kiến thức văn hóa, nâng cao vốn hiểu biết để trở thành người tử tế, sống có ích, sống có ý nghĩa đối với cuộc đời này.

Khi có đạo đức, có kiến thức con người mới có tư duy phản biện đúng, mới có sức sáng tạo có ích. Thử hỏi cái gốc đạo đức của con người mà thiếu đi thì làm sao có thể có tư duy tốt để phản biện? Thiếu đi cái gốc của đạo đức, lễ nghĩa thì sự sáng tạo đến mấy cũng trở nên vô nghĩa!

Khuyến khích phản biện có cần phải bỏ 'Tiên học lễ hậu học văn'?

TUỔI TRẺ ONLINE

Không còn "Tiên học lễ, hậu học văn" thì sẽ là gì?

[NLĐO]- Nhiều bạn đọc cho rằng “Tiên học lễ, hậu học văn” không hề cũ, không gây cản trở đến sự phát triển của tư duy phản biện, khai mở sự sáng tạo mà ngược lại mà ngược lại vô cùng cần thiết trong xã hội hiện tại

  • Không thể bỏ "Tiên học lễ, hậu học văn"!

  • Xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa học đường

  • Nhận diện và xử lý bạo lực học đường

  • Giáo viên phải quỳ gối xin lỗi phụ huynh: Đó là sự tha hóa đạo đức!

Tại hội thảo với chủ đề "Văn hóa học đường trong bối cảnh đổi mới giáo dục đào tạo" do Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội tổ chức, GS Trần Ngọc Thêm [ĐH Quốc gia TP HCM] cho rằng cần chấm dứt khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" vì nó mang nặng tính phục tùng và không còn phù hợp với giáo dục Việt Nam hiện nay.

Nhiều bạn đọc cho rằng quan điểm này là không hợp lý, thiếu thuyết phục.

Bạn đọc Phạm Tuệ Nhi: Đừng phủ nhận hoàn toàn những giá trị cốt lõi tốt đẹp!

“Tiên học lễ, hậu học văn”, theo cách hiểu của tôi, chính là quan điểm giáo dục truyền thống, xem trọng việc bồi dưỡng đạo đức, góp phần hình thành nhân cách tốt đẹp cho người học.

Dù chịu ảnh hưởng từ Nho giáo nhưng “Tiên học lễ, hậu học văn” không hề cũ mà ngược lại vô cùng cần thiết trong xã hội hiện tại.

Đặc biệt, ở nhịp sống hiện đại, khi thế hệ trẻ đang bị chi phối bởi rất nhiều làn sóng văn hóa trên toàn cầu, vấn đề về đạo đức, nhân cách và chỉ số cảm xúc của con người đang dần được đề cao hơn.

Mục tiêu trọng tâm của ngành giáo dục vẫn là đào tạo ra một thế hệ trẻ phát triển trọn vẹn cả tài năng lẫn đạo đức.

Đạo đức, phẩm chất của thế hệ trẻ chính là căn nguyên cội rễ quyết định sự thành công hay thất bại của một nền giáo dục nói riêng và cả cộng đồng xã hội nói chung.

Một xã hội chỉ thật sự phát triển khi có những cá nhân có nền tảng đạo đức tốt, thấu hiểu và lan tỏa những hành vi đẹp, nhân ái và giàu tình cảm.

Đặt trong bối cảnh toàn cầu, chúng ta vẫn nhận thấy được sự tương đồng trong việc chú trọng rèn luyện và bồi dưỡng nhân cách cho học sinh ngay trên ghế nhà trường.

Cái “lễ” tuỳ thuộc vào hoàn cảnh xã hội và đặc trưng văn hóa của từng quốc gia mà có những quy tắc riêng nhưng nhìn chung đều là gốc rễ và cội nguồn của giáo dục toàn cầu.

Khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” không hề gây cản trở đến sự phát triển của tư duy phản biện, khai mở sự sáng tạo mà ngược lại còn góp phần hỗ trợ và nâng đỡ về tinh thần, giúp học sinh vững vàng hơn trong quá trình tiếp thu tri thức.

Thay vì từ bỏ khẩu hiệu này, chúng ta hãy dành thời gian đầu tư cho nội dung chương trình, tinh gọn các kiến thức khô khan, mang tính “giáo điều”, mở rộng phạm vi từng bài học theo hướng gần gũi, thực tế hơn với cuộc sống.

Bên cạnh đó, việc đầu tư đúng mức các trang thiết bị hỗ trợ quá trình học tập, giúp giáo viên và học sinh có thêm nhiều cơ hội để thảo luận, góp phần khai mở kiến thức, hỗ trợ sự sáng tạo cho các em.

Muốn học sinh có tư duy phản biện, biết cách làm chủ tri thức, không chỉ đơn thuần là gỡ bỏ khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Không phải bất kỳ phương pháp giáo dục truyền thống nào cũng sai và lạc hậu nên đừng đánh đồng và phủ nhận hoàn toàn những giá trị cốt lõi tốt đẹp.

Bạn đọc Phạm Văn Chung: “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn nguyên giá trị

Khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" không chỉ là quan điểm lễ nghĩa Nho giáo mà đã được bổ sung các giá trị tiến bộ của thời đại, phù hợp với từng bậc học, cấp học... Lễ nghĩa ở đây cần phải hiểu đó chính là đạo đức. Đối với con người, đạo đức là gốc, là nền tảng.

Vì vậy, không nên bỏ sử dụng khẩu hiệu "Tiên học lễ, hậu học văn" mà nên phát triển, bổ sung, sáng tạo tùy thuộc vào ngành học, cấp học cho phù hợp.

Bởi câu “Tiên học lễ, hậu học văn” vẫn còn nguyên giá trị đến tận hôm nay, nhất là hiện nay đạo đức, văn hóa, lễ nghi, ứng xử trong trường học ở một số nơi đang bị xem nhẹ, buông lỏng. Không giữ gìn nền tảng đạo đức có trong khẩu hiệu, "triết lý giáo dục" này thì hậu quả tiêu cực đối với xã hội, nền giáo dục nước nhà sẽ rất lớn.

Bạn đọc Mai Nhung: Hãy nâng niu và lan tỏa câu khẩu hiệu “ Tiên học lễ, hậu học văn”!

Những năm gần đây ngành giáo dục có những thay đổi khi hướng việc dạy và học lấy học trò làm trung tâm.

Xã hội bắt đầu nhìn nhận việc học phải theo nhu cầu và sở thích của từng học sinh. Việc hướng nghiệp cũng bắt đầu mang lại hiệu quả, quan niệm học nghề để làm giàu thay cho học đại học mở rộng hơn.

Có rất nhiều học sinh, sinh viên có kết quả học tập đáng nể, tạo dựng được sự nghiệp ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường…Tất cả những điều đó là màu sắc tươi sáng mà chúng ta phải nhìn nhận.

Thế nhưng, ngành giáo dục vẫn còn đối mặt với nhiều vấn đề nan giải và tiêu cực.

Đó là căn bệnh thành tích làm cho cả thầy và trò chạy theo những giá trị ảo, tốn kém thời gian lẫn tiền bạc.

Đó là tình trạng bạo lực học đường diễn ra nhiều nơi, ở các cấp học và ở nhiều mô hình giáo dục khác nhau.

Đó là phổ biến hiện tượng trò coi thường thầy cô, cãi tay đôi với giáo viên để thể hiện cái tôi của mình. Đó là văn hóa xã hội xuống cấp...

Vậy nên, hãy giữ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” ở trong môi trường giáo dục theo hướng nâng niu, lan tỏa nó.

Muốn trở mình thành con rồng châu Á thì đạo đức xã hội và lối sống phải có định hướng, kiểm soát để đi đến “chân- thiện- mỹ”.

Bạn đọc Lê Đức Đồng: Chữ “Lễ” có tầm rất quan trọng

Gần 40 năm dạy học, làm công tác quản lý, tôi vô cùng ngạc nhiên về quan điểm “Cần chấm dứt sử dụng khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” để khai mở tư duy phản biện, sáng tạo”.

Theo tôi, đừng đổ lỗi cho câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn” tạo ra những con người thụ động, ít tư duy phản biện, bởi thực tế do nhiều nguyên nhân khác như chương trình học, phương pháp dạy học, bệnh thành tích...

Thực tế, biết bao câu chuyện về chữ “Lễ”, về tinh thần “tôn sư trọng đạo” gây cho người đọc nhiều cảm xúc, suy nghĩ…

Chuyện kể rằng ông Francois Sadi Carnot, nguyên Tổng thống nước Pháp, nhân một lần về thăm quê nhà, khi đi ngang qua trường làng, trông thấy người thầy dạy mình lúc bé vẫn còn đứng lớp, đã đến trước mặt thầy giáo cũ, lễ phép: "Chào thầy, con là Carnot, thầy còn nhớ con không?". Rồi ông nói với những học trò nhỏ: "Tôi trước là mang ơn cha mẹ, sau ơn thầy đây. Nhờ thầy chịu khó dạy bảo, tôi mới làm nên sự nghiệp ngày nay".

Chữ “lễ” có tầm rất quan trọng, tạo nên nhân cách con người. Xin đừng nhân danh phản biện, nhân danh này khác mà đòi bỏ câu khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”.

Huỳnh Hiếu ghi

Video liên quan

Chủ Đề