Ví dụ về phương pháp giá đánh giá trong đấu thầu

Đây là ý kiến của hầu hết các nhà quản lý, bên mời thầu, chủ đầu tư và nhà thầu khi bàn về nội dung phương pháp đánh giá hồ sơ dự thầu [HSDT], hồ sơ đề xuất [HSĐX] lựa chọn nhà thầu trúng thầu trong đấu thầu nhằm góp ý sửa đổi, bổ sung Luật Đấu thầu [sửa đổi].

Ảnh: Lê Tiên

Khoản 1 Điều 29 Luật Đấu thầu quy định: "Phương pháp đánh giá HSDT phải được thể hiện thông qua tiêu chuẩn đánh giá trong hồ sơ mời thầu [HSMT]. Tiêu chuẩn đánh giá HSDT gồm tiêu chuẩn đánh giá về năng lực, kinh nghiệm trong trường hợp không áp dụng sơ tuyển; tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật; tiêu chuẩn đánh giá tổng hợp đối với gói thầu dịch vụ tư vấn hoặc các nội dung để xác định giá đánh giá trên cùng một mặt bằng kỹ thuật, tài chính, thương mại để so sánh, xếp hạng các HSDT đối với gói thầu mua sắm, xây lắp, gói thầu EPC".


Việc xác định giá đánh giá trên cùng một mặt bằng để đánh giá HSDT lựa chọn nhà thầu trúng thầu là phương pháp đánh giá hiệu quả nhất hiện nay. Tuy nhiên, tại Hội thảo “Quy trình đấu thầu hiệu quả cho các doanh nghiệp FDI” vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, một số ý kiến cho rằng, việc xác định giá đánh giá để lựa chọn nhà thầu trúng thầu hiện nay ở nhiều địa phương, đơn vị chỉ là để xem xét nhà thầu nếu có sai lệch hoặc lỗi số học, còn việc đưa về cùng một mặt bằng quy đổi còn hạn chế. Việc đưa giá đánh giá về mặt bằng quy đổi chủ yếu là ở những công trình lớn, công trình phức tạp được tổ chức tư vấn có năng lực, có kinh nghiệm hỗ trợ thực hiện. Còn những công trình không phức tạp hoặc quy mô không lớn, phần lớn xác định giá đánh giá bao gồm: Giá dự thầu của nhà thầu, giá sửa lỗi số học [nếu có], giá hiệu chỉnh sai lệch [nếu có].


Liên quan đến nội dung này, đại diện một doanh nghiệp FDI tại Việt Nam cho rằng, trong một số trường hợp đánh giá năng lực nhà thầu không cần xác định giá đánh giá. Về ý kiến này, một số đại biểu cho rằng trên thực tế có trường hợp chúng ta không cần xác định giá đánh giá trong quá trình đánh giá HSDT để đánh giá lựa chọn nhà thầu. Ví dụ, việc lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu quy mô nhỏ, Khoản 1 Điều 33 Nghị định 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định: Đối với gói thầu mua sắm hàng hóa có giá không quá 5 tỷ đồng, xây lắp hoặc gói thầu lựa chọn tổng thầu xây dựng [trừ tổng thầu thiết kế] có giá không quá 8 tỷ đồng… Trong HSMT không cần nêu tiêu chuẩn đưa về cùng một mặt bằng để xác định giá đánh giá, không cần xác định giá đánh giá trong quá trình đánh giá HSDT… Còn các gói thầu quy mô lớn [trên 5 tỷ đồng đối với gói thầu mua sắm hàng hóa, trên 8 tỷ đối với gói thầu xây lắp] thì mới áp dụng quy định của pháp luật là đánh giá HSDT lựa chọn nhà thầu bằng xác định giá đánh giá. Theo đó, các ý kiến khẳng định, việc đánh giá HSDT lựa chọn nhà thầu bằng cách xác định giá đánh giá là phương pháp hiệu quả nhất để đánh giá nhà thầu.


Đồng quan điểm không thể bỏ giá đánh giá để đánh giá hiệu quả nhà thầu, ông Ninh Viết Định, Trưởng ban Đấu thầu thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam nhấn mạnh: "Không thể bỏ giá đánh giá bởi đây là phương pháp đánh giá nhà thầu hiệu quả nhất, chỉ có thể xác định giá đánh giá như thế nào mà thôi. Nếu không có giá đánh giá sẽ không thể đánh giá được nhà thầu nào hiệu quả hơn để mà chọn".

Ảnh: Tiên Giang

Góp ý về phương pháp đánh giá HSDT, HSĐX, ông Đoàn Quốc Phong, Phó Trưởng phòng Pháp chế, Công ty Honda Việt Nam nêu ý kiến: "Có thể xác định nhà thầu trúng thầu hiệu quả nhất bằng cách tính: Hiệu quả nhà thầu = tỷ số lợi nhuận/chi phí". Ông Đoàn Quốc Phong cho rằng, việc xác định giá đánh giá là công việc khó bởi nhà thầu sẽ không biết bên mời thầu đưa yêu cầu như thế nào trong HSMT.


Ông Ninh Viết Định nêu đề xuất, trong Luật Đấu thầu [sửa đổi] có thể xác định giá đánh giá bằng cách quy cụ thể hơn như xác định tổng các giá sau khi hiệu chỉnh, quy về suất đầu tư, hiệu quả bằng hệ số kinh tế…


Về vấn đề này, đại diện Cục Quản lý đấu thầu cho biết, dự kiến, trong Dự thảo Luật Đấu thầu [sửa đổi] sẽ bổ sung thêm một số phương pháp đánh giá khác để đánh giá hiệu quả nhà thầu như: giá dự thầu thấp nhất sau sửa lỗi, sau hiệu chỉnh [nếu có]; chọn nhà thầu nào có năng lực nhất, có kinh nghiệm nhất đã từng làm công trình nào đó mang lại hiệu quả tốt nhất mặc dù giá có thể cao hơn.

Một số ý kiến khác cũng cho rằng, hiện trong quy định của pháp luật về đấu thầu mới chỉ nêu lựa chọn nhà thầu gói thầu xây lắp có giá đánh giá thấp nhất thì hơi “bó”, chưa thực sự phù hợp với thực tiễn. Do đó, trong Luật Đấu thầu [sửa đổi] có thể bổ sung quy định lựa chọn nhà thầu có giá đánh giá thấp nhất đối với gói thầu mua sắm hàng hóa và tư vấn.

Dự kiến, Luật Đấu thầu [sửa đổi] sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp tới [tháng 10/2012].

Trung Hiếu

Nguồn: muasamcong.vn

Tin mới hơn

Các bài đã đăng:

Chủ Đề